TÂM THƯ CHÚA GỞI - TA SẼ SAI AI ĐÂY?TRUYỀN GIÁO - CN29TN-A
- Details
- Category: 10. Bức Thư Tình - Tâm Thư CHÚA Gửi
-
nguyenthi leyenFri, Oct 16 at 1:33 AM
TA SẼ SAI AI ĐÂY?
Chúa Nhật 29 Truyền Giáo : Mt 28,16-20
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA
Truyền giáo là một mệnh lệnh và là một ước mơ của Đức Kitô Phục Sinh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”. Đó là sứ mạng của toàn thể Giáo hội. Đó là sứ mạng cao cả nhất của mỗi người Kitô hữu mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội, đặc biệt từ khi chịu phép Thêm sức.
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2020, năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra, qua đó Đức Thánh Cha Phanxicô tìm thấy con đường truyền giáo của Giáo Hội trong ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Ngài cho biết đó là câu trả lời luôn luôn mới trước câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (Is 6, 8). Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay.
Đứng trước cơn dịch toàn cầu, cùng với những thiên tai kinh khủng ở vài quốc gia, cũng như đại họa chiến tranh đang lăm le xảy ra do chủ nghĩa bá quyền đang bành trướng, nên Đức Phanxicô nói: “Chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm. Đau đớn và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của con người; nhưng đồng thời nhắc nhở chúng ta về một khát vọng mạnh mẽ về sự sống và về việc được giải thoát khỏi sự dữ. Trong bối cảnh này, lời mời gọi loan báo Tin Mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy, và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác”.
Đây là điều mà không phải người Kitô hữu nào cũng cảm nhận và ý thức đáp trả bằng sự dấn thân cho sứ vụ, nhưng chỉ những ai sống mối tương quan tình yêu cá nhân với Chúa Giêsu, Đấng đang hiện diện sống động trong Giáo hội. Do đó, Đức Thánh Cha gợi lên những điều mà chúng ta phải tự hỏi chính mình xem: Tôi có sẵn sàng để đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của mình chưa? Tôi có sẵn sàng lắng nghe lời kêu gọi loan báo Tin Mừng trong đời sống hôn nhân, trong đời sống thánh hiến hay đời sống linh mục, và trong đời sống hàng ngày chưa? Tôi có sẵn lòng để được sai đi khắp nơi để làm chứng cho đức tin của mình vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót chưa? Tôi có như Đức Maria, sẵn sàng phục vụ ý muốn của Thiên Chúa chưa? (Lc 1,38).
Chính trong bối cảnh của thế giới hôm nay mà Chúa hỏi mỗi người chúng ta: Ta sẽ sai ai đây? Chắc chắn Chúa đang chờ đợi câu trả lời một cách quảng đại và nhiệt tình của mỗi Kitô hữu: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Hãy cảm nhận nỗi khát khao và mong chờ của Thiên Chúa, Đấng vẫn đau nỗi đau của nhân loại chúng ta, đang mong muốn chúng ta hãy sẵn sàng làm chứng cho tình yêu cứu độ của Ngài, để qua đó, Ngài giải thoát thế giới khỏi sự ác, tội lỗi và cái chết (Mt 9,35-38; Lc 10,1-12).
Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha nêu lên rằng: “Cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định cách cầu nguyện, suy tư và giúp đỡ vật chất cho công cuộc loan báo Tin Mừng; là cơ hội để tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người”. Chúng ta hãy lấy làm vinh dự được cộng tác vào sứ mạng cao quý này, đừng để mình sống đạo một cách bâng quơ hay bị cứng đọng vào những hình thức đạo đức hằng ngày, mà cần khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong thế giới hôm nay, như một dấu chỉ của thời điềm. Hãy để trái tim mình được thúc bách bởi tình yêu mến Chúa và tha nhân, cũng như được thúc giục bởi Chúa Thánh Thần để góp phần xây dựng nước Chúa một cách mới mẻ trong ơn gọi của mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Truyền giáo là nhiệm vụ cấp thiết,
là sứ vụ của cuộc đời Kitô hữu.Có biết bao người đang tìm Chúa,
đang khao khát được gặp Chúa,
đang mong nghe được Lời Chúa,
đang muốn thấy Chúa qua chúng con.Trước tiên xin cho con biết cầu nguyện,
để có nhiều tâm hồn quảng đại
dám hiến thân phụng sự Chúa,
và nhiều người nhận được ơn hoán cải.Xin cho con biết hăm hở và niềm nở,
đến gặp gỡ với mọi người xung quanh,
với thái độ chân thành và thương mến,
sẵn sàng phục vụ và đồng hành chia sẻ,
tạo an vui và mới mẻ trong tình người.Nhưng Lạy Chúa!
Đến với mọi người thật không dễ,
vì trong một xã hội vô thần và duy vật,
có nhiều cách biệt trong tâm tưởng,
với quan niệm và lối sống trái ngược.Nhưng xin cho con cứ dấn thân,
cứ nhiệt tâm ân cần với sứ vụ,
vì kết quả là tùy thuộc vào Chúa.Con cảm thấy như Chúa đang than thở:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít...”
và con biết Chúa cũng đang kiếm tìm người,
Này con mạo muội chân tình thưa với Chúa:
“Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con”. Amen.ĐẠO VÀ ĐỜI
Chúa Nhật 29 Thường Niên năm A : Mt 22, 15-21
Cầu nguyện
Người Do Thái thời Đức Giêsu sống dưới ách thống trị của đế quốc La mã, nên bị buộc phải nộp thuế cho La mã. Thế nhưng có hai thái độ khác nhau: những người thuộc phái Sađốc và Hêrôđê theo phe đế quốc nên ủng hộ việc nộp thuế, còn những người biệt phái và nhóm Zelot thì chống lại việc nộp thuế. Nói chung, người Do Thái không muốn nộp thuế vì lý do tín ngưỡng. Họ là quốc gia thần quyền, ý thức mình là dân Thiên Chúa, nên nộp thuế cho bất cứ vua trần gian nào đều là phủ nhận và xúc phạm đến vương quyền của Thiên Chúa. Dù hai lập trường chống chọi nhau, thế nhưng phái Pharisêu và phe Hêrôđê lại cấu kết với nhau để tấn công Đức Giêsu. Họ căm tức về việc Ngài đã vạch trần mặt nạ của họ, đặc biệt là ám chỉ họ qua hai dụ ngôn những tá điền gian ác, và những khách dự tiệc từ chối lời mời.
Chờ cơ hội đến, họ đưa Ngài vào bẫy với câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”. Trả lời không là chống lại đế quốc, mà trả có là phản quốc. Trước hai gọng kềm đều xiết chặt, Đức Giêsu khó lòng tránh thoát. Ngài thấy rõ thủ đoạn nham hiểm của họ, và yêu cầu cho xem đồng tiền nộp thuế. Khi biết hình và danh hiệu trên đồng tiền là của Xêda, Ngài liền nói:“Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Một câu nói làm cho các đối thủ hoàn toàn bất ngờ và chưng hửng.
Của Xêda, trả về Xêda: Đây là một sự kiện thực tế bởi vì họ tiêu dùng tiền Rôma thì phải đóng thuế cho Rôma. Quyền lợi đi liền với nghĩa vụ. Nộp thuế cho Xêda không phải là một hành vi phạm thánh như nhóm biệt phái cố tình dàn dựng, nhưng là một hành động hợp lý với những ai có ý thức xã hội.
Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa: Phe Hêrôđê tưởng đã chụp mũ được Đức Giêsu ở góc độ chính trị, nhưng lại thất bại, vì Ngài khẳng định mình trong cương vị tôn giáo. Vượt trên sự bắt bẻ của kẻ thù, Chúa Giêsu còn mời gọi họ ý thức tới trách nhiệm tôn giáo, là không được xâm phạm những gì thuộc về Thiên Chúa.
Chúng ta nghĩ xem cái gì thuộc về Thiên Chúa? Có gì không là thụ tạo của Ngài? Phải trả lại cho Xêda đồng tiền mang hình và tên ông, thì cũng phải trả lại cho Thiên Chúa những gì mang hình hài và dấu ấn của Ngài. Không phải con người đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa sao? (x. St 1,26). Không phải cả vũ trụ đều ghi khắc dấu ấn của Ngài sao? Nào là trời đất, rừng núi, sông biển, khí hậu, tài nguyên và muôn sinh vật… Hơn nữa, mọi quyền bính đạo đời không phải từ Trời ban xuống sao? (x. Ga 19, 11).
Con người là người con của Thiên Chúa chứ không phải là con của bất cứ chế độ hay xã hội nào. Phải phân biệt đạo đời trong những lãnh vực tổ chức và làm việc, nhưng không thể phân con người ra làm nửa đạo nửa đời. Phân ra như vậy sẽ thành ra nửa người nửa ngợm, nửa đười ươi. Con người là duy nhất được dựng nên cho Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa là Chủ tế tối cao, ngoài Ngài ra không có Chúa nào khác (x. Is 45, 6). Chúng ta vừa có bổn phận công dân trần thế, vừa có bổn phận công dân Nước Trời. Mỗi người đều có những bổn phận phải thi hành, nhưng mọi bổn phận đều qui về chính Thiên Chúa là cùng đích của đời mình. Chúng ta góp phần xây dựng xã hội vì muốn góp phần với Chúa để làm cho nó mỗi ngày nên tốt đẹp hơn theo ý Ngài.
Lịch sử Giáo hội cho thấy, trong thời bình cũng như thời chiến, những Kitô hữu nhiệt thành bao giờ cũng là những công dân tốt. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau, và ngay cả cái chết để trung thành với Thiên Chúa và tổ quốc. Có thể nói rằng chỉ có một bổn phận duy nhất là làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng bao trùm trong mọi lãnh vực của nhân loại. Vì muốn đẹp lòng Chúa mà ta muốn sống đẹp mọi tương quan trong cuộc đời mình. Bởi vì đạo chỉ đẹp hơn khi ở trong đời, và đời chỉ tốt hơn khi ở trong đạo. Chúng ta tích cực góp phần xây dựng đời này, nhưng luôn với tư cách là con cái Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Chẳng ai mà không theo một đạo nào,
cho dù không có một niềm tin tôn giáo,
thì vẫn có biết bao nhiêu là tín ngưỡng,
như cột trụ nâng đỡ trong đời thường.Chúa đã đặt để một dấu ấn không phai,
trong tâm khảm của con người mọi thời đại,
một khát vọng vô biên là chính Chúa,
nên ai cũng u hoài và khắc khoải khôn nguôi.Nhưng cảm thức tôn giáo vẫn thiên về tình cảm,
ít để tâm suy xét và tìm hiểu điều mình tin,
dễ dàng chấp nhận những hình thái hỗn độn,
những điều lộn xộn mập mờ và mê tín dị đoan.Xem ra dân chúng thường hiểu cách đơn giản,
các tôn giáo như là một lối sống nhân bản,
chỉ liên quan đến vấn đề luân lý đơn thuần,
nên quan niệm đạo nào cũng tốt như nhau,Nhận thức trên có thể gây nhiều cản trở,
khiến người ta khó lòng mà cởi mở,
để đón nhận một Thiên Chúa vô bờ,
Đấng mà trước tiên phải được tôn thờ.Nhưng con tin Thánh Thần luôn hoạt động,
trong các truyền thống văn hóa và tôn giáo,
làm nảy sinh lý tưởng sống thanh cao,
để nhân loại đi vào đời sống mới.Tuy nhiên có điều thật gai chướng,
là thứ tôn giáo tôn thờ ngẫu tượng,
từ đó mà tiền bạc đã thành ông thần tài,
và vị lãnh tụ lên tượng đài làm ông chúa mới,
xem ra như một hình thức đối kháng,
cũng làm cho nhiều người mê sảng chạy theo.Những đối kháng đó xem ra cũng cần thiết,
để chúng con nhận biết đâu là chính lộ,
ai là người tỉnh ngộ hay vô độ mê lầm,
cũng là một cách thanh lọc bản thân con,
khỏi lối sống bị bào mòn theo thế tục.NHỜ ƠN CHÚA, con vững vàng luôn trong Chúa,
sống sáng ngời lòng tin mến cậy trông,
để sức sống linh thiêng và Tin Mừng của Chúa,
thấm nhập vào đời và biến đổi lòng người. Amen.Lm. Thái Nguyên