CAC BÀI ĐỘC GIẢ GỞI TỚI - GIẢI ẢO CUỘC SỐNG
- Details
- Category: 21. Các Bài Độc Giả Gửi Tới
-
Giải Ảo Cuộc Sống
Phản ứng thế nào
trước những bất công xã hộihttps://tamlinh-tongiao.blogspot.com/2022/01/phan-ung-truoc-bat-cong-xa-hoi.html
Tôi trả giá cao hay thấp
cho việc sống theo lương tâm mình đây?
Hình lấy từ trang
https://www.kimkha.com/2020/10/lam-ban-ve-bat-cong-xa-hoi.htmlSau khi tôi tung lên mạng bài viết liên quan đến vụ Linh mục Đặng Hữu Nam, thì một người bạn của tôi ở hải ngoại khuyên tôi không nên viết gì thêm về vụ ấy nữa, vì sự việc rất phức tạp, mình ở ngoài cuộc không thể phán đoán đúng sai được. Tôi cảm thấy người bạn này rất hữu lý.
Thật ra, khi viết bài «Vụ Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam», tôi đã có ý nghĩ như anh bạn của tôi: vì là người ngoại cuộc không nắm vững vấn đề, nên tôi đã không hề phán đoán ai đúng ai sai. Trước sự việc này, tôi nghĩ, vì ích lợi chung, mình chỉ nên đề nghị nguyên tắc để mọi người trong cuộc dựa vào đó mà phán đoán đúng sai thôi. Nhưng phải dựa vào nguyên tắc nào đây? Chắc chắn không thể dựa vào nguyên tắc mà chính tôi là tác giả được, vì như thế chẳng thuyết phục được ai. Tôi nghĩ tốt nhất và khôn ngoan nhất là nguyên tắc đó nên dựa theo những lời chỉ dạy của Chúa Giêsu được ghi lại trong Thánh Kinh. Với những lời của Chúa Giêsu, tôi tin chắc rằng mọi người Kitô hữu đều có thể chấp nhận là đúng. Và tôi chỉ trưng dẫn Lời Ngài và giải thích theo cách mà tôi học được từ những sách giải thích Kinh thánh tôi có. Đương nhiên, nguyên tắc mà dựa theo Lời Chúa Giêsu thì những người vô thần hoặc những người không tin Ngài có thể không coi trọng đâu.
Sau bài viết đó vài ngày, tôi nhận được một bài viết và một video từ một người hay một tập hợp mang danh «Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam» kết án rất nặng nề về bài viết ấy của tôi. Chính vì thế tôi mới phải viết thêm một bài nữa, «Về phản ứng của Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam...», chỉ với mục đích tự bào chữa. Khởi đầu, do cái tên «Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam», tôi cứ tưởng đó là của Hội đồng Giám mục Việt Nam, hay ít nhất của một Giám mục hay của một nhóm Linh mục nào đó. Nhưng khi đọc những lời kết án nặng nề nhưng vô căn cứ ấy, và luận điệu có phần nào tương tự như những dư luận viên của CSVN, chỉ biết kết án chứ không đưa ra được bằng chứng giá trị nào, tôi biết ngay tôi đã nghĩ sai và oan cho những vị đáng kính nói trên. Do đó tôi phải xin lỗi Hội đồng Giám mục Việt Nam và các linh mục Việt Nam vì mới đọc bài ấy tôi đã lấy làm lạ và đánh giá thấp trình độ của các vị. Tôi biết mình đã thoạt nghĩ sai, vì trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, đa số các vị có trình độ cao hơn tôi, và các linh mục thì chẳng ai có trình độ thấp như tác giả bài viết ấy. Thật vậy, chắc chắn không một linh mục nào hiện nay lại như tác giả bài ấy cho rằng chỉ các Giám mục và Linh mục mới có quyền giải thích Lời của Chúa Giêsu thôi (Quan niệm này nếu nói cách đây 50 năm thì có lẽ thích hợp), hoặc tỏ ra không biết gì về Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội nên mới cho rằng các Linh mục và Giám mục hoàn toàn không có trách nhiệm gì trước những bất công trong xã hội cả.
Thấy tôi tự bào chữa những kết án phi lý ấy, và sợ tôi tưởng lầm rằng tác giả bài viết là của hàng Giám mục hay Linh mục Việt Nam, nên một vài linh mục ở Việt Nam đã gửi cho tôi qua email hoặc messenger nói rằng họ biết rõ ai là người đã mạo danh «Ban Biên Tập Công giáo Việt Nam» và cho tôi biết cả tên người ấy, nhưng tôi xin không tiết lộ ở đây, trừ trường hợp chính đương sự yêu cầu. Tôi nghĩ cũng phải nói rõ sự việc này, để những ai đọc bài kết án tôi của «Ban Biên Tập…» nói trên, đừng hiểu lầm mà đánh giá quá thấp và oan cho các Giám mục hay Linh mục Việt Nam.
Về những cảnh đau lòng và bất công quá mức đang xảy ra trong xã hội hiện nay, để tránh bị kết án là dùng Lời Chúa để giải thích theo ý mình, tôi chỉ dám gợi ý để mọi người suy nghĩ thôi. Trước những cảnh đau lòng ấy, tôi thấy có nhiều phản ứng khác nhau tuỳ theo tâm thức của mỗi người.
Để những người bình dân nhất dễ hiểu, tôi xin đan cử và giả dụ một trường hợp cụ thể:
Giả như một người thân của ta (chẳng hạn con ta, cha mẹ ta, hay bạn bè ta) bị kẻ xấu hành hung, hiếp đáp bất công thì ta sẽ phản ứng thế nào?
Tôi nhận thấy trong xã hội và cả trong các tôn giáo có những cách phản ứng chính yếu như sau:
Cách 1: Lương tâm hay tình yêu đối với người thân thúc đẩy và đòi hỏi ta phải làm một việc gì đó để cứu người thân, và ta đã thật sự xông vào để cứu bất chấp bị kẻ xấu gây thương tích; hoặc nếu thấy cứu không nổi thì ta kêu la để mọi người đến cứu, hoặc gọi điện thoại cho cảnh sát, v.v... Nghĩa là phải có hành động thật sự nào đó, cách này hay cách khác, để cứu người thân của mình bất chấp ta phải chịu ít nhiều hy sinh, mất mát hay đau đớn.
Cách 2: Lương tâm hay tình yêu đối với người thân cũng thúc đẩy và đòi hỏi ta phải làm một điều gì để cứu người thân, nhưng thực tế ta đã không làm gì cả vì sợ chính mình cũng bị kẻ xấu hành hung, hay sợ mình bị liên luỵ, hay ta ngại ngùng, không muốn phải hy sinh hay mất mát gì cả.
Cách 3: Ta không cảm thấy mình phải làm gì cả, không cảm thấy mình có trách nhiệm gì đối với chuyện người thân của mình bị hành hung cả. Lương tâm không hề thúc đẩy hay đòi hỏi ta làm gì hết.
● Hiện nay, trước những cảnh đau lòng thương tâm trong xã hội, một số người đã hành động theo cách 1 nên đã bị xách nhiễu, bị tù, bị kết án, bị tra tấn, bị chết vì đã dám lên tiếng nói sự thật và phản đối những kẻ xấu đã gây nên những cảnh đau lòng và bất công ấy trong xã hội. Số người này phải nói là có tỉ lệ rất nhỏ.
● Tôi nghĩ rất nhiều người còn lương tâm đã hành động theo cách 2, và đương nhiên họ tương đối được sống khá yên thân, tuy nhiên họ thường cảm thấy không được bình an trong lương tâm mình.
● Còn cách 3 thì chỉ là cách của những người vô cảm trước đau khổ của đồng loại, hoặc thấy đồng loại đau khổ thì cảm thấy thích thú. Số người này thì hình như càng ngày càng tăng lên trong xã hội hiện nay.
Riêng đối với cách 1 và cách 2, sự khác biệt nằm ở chỗ là có dám trả giá cho việc sống theo lương tâm hay không. Có người trả giá rất cao cho lương tâm của mình, như sẵn sàng chấp nhận bị mất mát, bị phiền phức, bị khó khăn, bị nghèo đói, bị tù, bị tra tấn, bị chết, v.v... để có thể nói rằng mình luôn luôn sống theo lương tâm. Nhưng cũng có người không chấp nhận trả giá cao như vậy cho lương tâm của mình. Họ chỉ có thể trả giá cho lương tâm với mức thấp thấp thôi! Đương nhiên họ không dám tự hào rằng mình luôn luôn sống theo lương tâm.
Trước khi kết thúc, tôi chỉ đề nghị những ai muốn tiến bộ trong đời sống tâm linh, hãy tự hỏi và tự trả lời cho chính mình câu hỏi này: trong 3 cách ấy, tôi thường hành động theo cách nào? Từ đó, những tín đồ của các tôn giáo, có thể tự biết trình độ tâm linh của mình ở mức hạng nào. Chắc chắn sẽ có những người luôn luôn tưởng mình ở hạng cao sẽ nhận ra hạng của mình không cao như mình tưởng.
Nguyễn Chính Kết
Houston, Texas, Hoa Kỳ
19/01/2022.