ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ - CN13TN-A
- Details
- Category: 1. Hôn Nhân & Gia Đình
-
Hong NguyenThu, Jun 25 at 4:58 PM
GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúa Nhật 13 Thường Niên năm A
Lời Chúa : Mt 10,37-42
Hôm nay Giáo Hội đề nghị cho chúng ta suy nghĩ một đoạn Tin Mừng khá phức tạp vì có nhiều vấn đề được thánh Matthêu gom lại với nhau, nhưng liên can đến đời sống của những người loan báo Tin Mừng.
Người loan báo Tin Mừng không thể thương cha mẹ, con cái hơn Chúa. Đó là một điều kiện xem ra hơi lạ lùng nhưng đó là một điều kiện cần thiết. Chúa không cấm chúng ta yêu thương cha mẹ anh em, Chúa đã ra luật là phải hiếu thảo với cha mẹ. Luật đó vẫn được áp dụng trong Giáo Hội và trong các xã hội ngoại giáo người ta vẫn đòi buộc con cái phải hiếu thảo đối với cha mẹ. Nhưng vấn đề là yêu thương cha mẹ hơn Chúa.Chúa phải là trên hết. Chúa Giêsu là người con lý tưởng của Mẹ Maria. Ngài đã vâng phục Mẹ Maria suốt ba mươi năm, nhưng khi cần phải làm những gì Chúa Cha dạy bảo, Ngài không ngần ngại để mẹ ở nhà và bước ra thi hành sứ vụ.
Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện và hằng ngày chúng ta vẫn đọc : “ Con kính mến Chúa hết lòng hết sức, trên hết mọi sự”. Điều răn nầy đã có trong Cựu Ước : “ Nghe đây, hỡi Itraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa của anh em, hết lòng hết dạ , hết sức anh em…” Chúng ta phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự, hơn cả cha mẹ anh em, vì Chúa là người cha đầu tiên của chúng ta, chính Ngài tạo nên chúng ta trước chứ không phải cha mẹ. Vì thế yêu mến Chúa hơn cha mẹ là một điều tự nhiên chứ không lạ lùng gì. Vì thế, ai yêu cha mẹ con cái hơn Chúa là không xứng đáng với Chúa, nghĩa là không xứng đáng làm môn đệ Chúa. Chúa không cấm chúng ta yêu thương cha mẹ anh em,nhưng cha mẹ anh em không trọng hơn Chúa. Chúa có quyền đòi hỏi chúng ta tuyệt đối, vì Chúa là nguồn sống, là hạnh phúc của chúng ta. Ngoài Chúa, không gì có thể làm cho chúng ta hạnh phúc. Những người bám vào của cải đời nầy, thường thất vọng vì mọi sự qua đi, và cái chết đang rình chờ.
Chúa có quyền đòi hỏi tuyệt đối vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng. Không có Ngài thì cũng không có gì cả. Ngài là cùng đích của cuộc đời. Sống trên trần gian nầy để làm gì nếu không có Ngài ?
Theo Chúa, đó là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến hạnh phúc mà trần gian nầy không thể có. Nhưng Chúa đòi hỏi một điều kiện hết sức gắt gao đó là vác thập giá theo Ngài, bỏ mạng vì Ngài. Chàng thanh niên giàu có mong ước theo Chúa, nhưng anh không thể bỏ đi gia tài trần gian của anh. Chúng ta có thể đánh giá anh chàng đó là không đủ can đảm, nhưng chúng ta dám không ? Các tông đồ theo Chúa vẫn còn mơ ước ngồi chỗ nhất. Phêrô, đứng trước một đứa đầy tớ cũng không dám nhận mình là môn đệ Thầy. Chúng ta cần đặt lại vấn đề : “ Chúng ta có yêu mến Chúa thật không ? Nếu chúng ta yêu mến Chúa, thì sẽ phải làm gì ?” Chúa không thể chấp nhận những người theo Chúa nửa vời, theo Chúa mà vẫn giữ mọi quyền lợi riêng tư, theo Chúa mà đòi hỏi những lợi lộc vật chất, theo Chúa mà không có cây thập giá trên vai.
Chúa Giêsu dám đi tới cùng, dám chết cho bạn hữu, thì chúng ta cũng phải dám liều mạng cho Ngài, không phải đưa đầu cho người ta chém, nhưng là dám dâng hiến đời mình để loan truyền tình yêu, sống cho tình yêu, dám liều mất mạng sống cho Ngài. Sống cho tình yêu cũng là đón tiếp anh em, những người gặp khó khăn trong cuộc sống, đón tiếp như đón tiếp Chúa.
Chúa Giêsu dám đi tới cùng, tới thập giá, tới cái chết đau thương tột cùng, và hôm nay vẫn tiếp tục sống cho mọi người, trở thành tấm bánh hằng sống cho mọi người. Tình yêu của Ngài là vô tận. Ngài tiếp tục cuộc sống trần gian của Ngài trong mỗi người chúng ta. Chúng ta còn đòi hỏi Ngài làm gì hơn cho chúng ta ?
Hãy nhìn vào Ngài và bước đi theo Ngài với thập giá trên vai. Đó là con đường dẫn đến sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc. Mất tất cả để được tất cả, vì Chúa không bao giờ bỏ qua những gì chúng ta làm cho Ngài dù chỉ là một ly nước lả. Ăn lấy Ngài, chúng ta trở thành một thân thể với Ngài và với nhau. Yêu thương nhau trong Ngài để tình yêu của Ngài được lan rộng trong mọi tâm hồn và trong thế giới quanh ta.
Lm Trầm Phúc
Kính chuyển:
Hồng