1. Hôn Nhân & Gia Đình

NẺO ĐƯỜNG CỦA NHỮNG KHÁT KHAO

“Sao Ngài biết tôi?”.

Pascal nói, “Chúa sẽ không tìm con, nếu Ngài đã không gặp con!”. Có lẽ đúng hơn, phải nói, “Chúa sẽ không tìm con, nếu con đã không gặp Ngài; không gặp Ngài nơi thâm sâu nhất của chính Ngài!”. Thiên Chúa luôn yêu thương những người đi bước trước; vậy mà, chuyển động của Ngài về phía con người luôn luôn đi trước việc nó tiến về phía Ngài. Ngài đã có mặt nơi tâm điểm khát khao của nó; Ngài biết rõ nó, ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Tư tưởng của Pascal được đọc thấy nơi vị thánh ‘biệt phái tông đồ’ Barthôlômêô, Nathanael, Giáo Hội kính nhớ hôm nay; đặc biệt, qua cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và con người độc đáo này. Với Tin Mừng Gioan, thoạt tiên, Chúa Giêsu không hề xuất hiện như một nhà thuyết giáo; Ngài xuất hiện như một con người sống động, dễ gặp, để ai ai cũng có thể gặp Ngài trên những nẻo đường của họ, ‘nẻo đường của những khát khao!’. Điều đánh động trước tiên, trong những lần gặp đó, là tính đơn sơ đáng ngạc nhiên của chúng.

Tính đơn sơ đáng ngạc nhiên chính là cách thức tác giả kể lại những lần gặp gỡ sớm sủa của những con người đầu tiên đến với Đấng mà họ sẽ là môn đệ Ngài. Chẳng hạn, với hai môn đệ của Gioan, “Các anh tìm gì?”; “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; “Hãy đến mà xem!”. Tính giản dị của trình thuật khiến độc giả hụt hẫng. Thế mà, cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra; để rồi, “Chúng tôi đã gặp Ngài!”. Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc gặp gỡ vô vị, tầm thường… thậm chí cũng không là cuộc gặp gỡ thân thiện thường ngày. Có một điều gì đó hoàn toàn khác; và họ đã gặp Ngài ngay trên ‘nẻo đường của những khát khao!’.

Chuyển động của cuộc gặp gỡ trở nên sâu sắc với Nathanael, người đã mỉm cười, một nụ cười ngờ vực khi nghe Philipphê bảo, mình đã gặp Đấng Messia nơi Giêsu Nazareth, “Từ Nazareth, làm sao có cái chi hay?”; Philipphê đơn sơ đáp, “Hãy đến và xem!”. Kìa, con người sống trong hoài mong Đấng Thiên Sai ấy, những ước ao thấy Ngày của Ngài, đã đến và đã xem. Cả hữu thể ông khát khao sự tỏ mình của Thiên Chúa, vốn mang lại cho thế gian cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn; nhưng làm sao có thể tưởng tượng Đấng các ngôn sứ loan báo vốn sẽ đến cách rạng rỡ lại xuất thân không mấy rõ ràng từ một thị trấn heo hút trong những vùng núi miền hạ Galilê? Nathanael nghĩ đến một ý tưởng “quý phái” hơn về Đấng Thiên Sai. Thế mà trước lời mời của bạn, ông bằng lòng đến gặp Ngài. Và ông lặng trân khi nghe lời chào của con người không quen biết này, “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối!”. Ôi! Một lời bộc phát như sấm rền! Nathanael nghẹt thở, “Sao Ngài biết tôi?”. Qua câu hỏi này, toàn bộ hữu thể của ông ‘tan chảy’, bộc lộ… trong sáng như vàng ròng!

Anh Chị em,

“Sao Ngài biết tôi?”. Chúa Giêsu tỏ mình cho Nathanael không như cho một người xa lạ hay như một người ngoài; Ngài biết Nathanael một cách thấu đáo, cá vị. Chính cái biết và cái thấu hiểu của Chúa Giêsu đối với Nathanael đã khiến ông hoàn toàn ‘tê liệt’ và thay đổi; vì giờ đây, sự chờ mong của ông đã được đáp đền một cách ứa trào! Có lẽ không ai trong chúng ta dám hỏi Chúa, “Sao Ngài biết tôi?”. Bởi chúng ta xác tín Ngài là Thiên Chúa, tác giả của sự sống; những gì chúng ta có, những gì chúng ta là; chẳng những Ngài đã từng gặp chúng ta, gọi chúng ta, mà còn hơn thế nữa, “Trong Ngài chúng ta sống và hiện hữu”. Ngài không ngừng tìm kiếm, chờ đợi, hết sức tôn trọng và yêu thương. Phần chúng ta, hãy học biết và tìm gặp Ngài cách cá vị; đừng ngần ngại thổ lộ tâm can cùng Ngài, những kín ẩn trong nơi sâu thẳm của lòng mình! Đó chính là ‘nẻo đường của những khát khao’, nơi những con người biết nhau, và yêu nhau!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con hơn con biết con; không khát khao Chúa, con sẽ khát khao tất cả ‘các thứ’ không phải Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

VÔ TÂM, VÔ TÌNH HAY ÍCH KỶ, VÔ TRÁCH NHIỆM?

“Trọng kính Thầy,

Thưa Thầy, em gửi Thầy công hy sinh học tập của ba anh em trong gia đình nghèo của bé TBT, mà Thầy vẫn quan tâm.

Nếu có thể được xin Thầy cầu nguyện gia đình này, xin Chúa thương...

vì bố nghiện sike đã bỏ ba mẹ con đi bốn năm rồi.

Cám ơn Thầy.”

Nhận và đọc những dòng chữ trên, kèm theo tấm hình bốn mẹ con cùng với những tấm bảng khen của nhà trường, tôi vô cùng xúc động. Hình ảnh và câu chuyện được thuật lại phần nào phản ảnh hiện trạng các gia đình mà ở đó người vợ bị bạc đãi, bỏ rơi, hoặc bị chồng đối xử một cách hững hờ, vô cảm.

Vài năm trước tôi về Việt Nam thăm gia đình, trong bữa ăn thân mật được tổ chức giữa các người thân, một người cháu họ đã khiến tôi hết sức xúc động. Hắn bị vợ bỏ, một mình phải nuôi hai đứa con gái mà đứa lớn nhất cũng chỉ mới 8 tuổi. Hắn lúc này gà trống nuôi con, không nghề nghiệp vững chắc, làm ăn ba cọc, ba đồng, mà phần lớn là đi làm phụ hồ, còn lại đi cất trái cây rồi bằng chiếc xe đạp đi bán lẻ. Thoạt nghe câu chuyện, tôi bị cám dỗ suy nghĩ tiêu cực và kết tội người vợ của hắn sao nỡ bỏ hắn, bỏ hai đứa con? Nhưng khi nghe người nhà kể lại mới biết chính lỗi của hắn đã gây ra nông nỗi! Lười biếng, nhậu nhẹt, đá gà, chơi số đề, và bỏ bê vợ con. Vợ chồng cãi vã, đánh nhau suốt ngày vì những thói xấu của hắn. Sức người có hạn, gặp được người khác khá hơn, đem lại cho vợ hắn cơ hội đổi đời, nên không chỉ trách kẻ bạc tình.

Khó khăn về tài chính. Khó khăn về cuộc sống, hay bất cứ đau khổ, thử thách nào xảy ra cho một gia đình là điều tuy không ai muốn, nhưng cũng là điều thường tình. Để vượt qua những thử thách này, đòi hỏi vợ chồng phải cùng nhau nắm tay, chung sức vượt qua. Rũ áo ra đi để mặc những khó khăn, thử thách cho người ở lại không chỉ là một hành động vô tâm, vô tình, mà còn là một thái độ ích kỷ và vô trách nhiệm!

Theo Tự Điển Tiếng Việt, vô tâm có nghĩa là không để ý đến việc gì. Có tính hay quên. Thí dụ: Con người vô tâm. Và vô tâm vô tính là có tính hay lơ đãng, hay lãng quên, không để tâm, chuyên chú vào công việc. Thí dụ: ông ấy kể vậy, nhưng mà vô tâm vô tính lắm kia. Vietnamese-English Dictionary của Nguyễn Đình Hòa, Đại Học Saigon dịch chữ vô tâm là to be absent-minded. Và chữ  vô tình là to be indifferent; to be unintentional. Và theo Penguin Dictionary of Psychology thì indifference có nghĩa là a rough synonym of neutrality. An indifferent stimulus is one that does not elicit a response. A state of indifference is when one has no preferences between alternative choices or courses of action. An indifference point is the value on some continuum or dimension that represents neutrality. Tóm lại, vô tâm hay vô tình đều mang một ý nghĩa chung là lơ là, không quan tâm hoặc để ý đến những người chung quanh, hoặc những gì đang xảy ra quanh mình. Một người chồng vô tâm có nghĩa là một người chồng không quan tâm, không để ý và không săn sóc vợ. Không để ý đến những cảm tình vui buồn, hoặc những suy tư của vợ. Người đó như người bàng quan, như khách qua đường mà không để tâm, lo lắng hoặc chú ý đến người vợ đang sống bên cạnh mình. Thông thường người đời gọi họ là những người có suy nghĩ và lối sống ấu trĩ. Loại người tâm lý bất bình thường về tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Hôn nhân đúng nghĩa phải được xây trên tình yêu, mà tình yêu đòi phải có sự hy sinh. Vợ chồng chấp nhận và hy sinh lẫn cho nhau khi vui cũng như khi buồn, khỏe mạnh cũng như ốm đau, giầu cũng như nghèo, sung sướng, hạnh phúc và gian nan, thử thách. Nhậu nhẹt, say xỉn, cờ bạc, nghiện ngập, ngoại tình, lười biếng, hành hung gia đình thì dù là đàn ông hay đàn bà, chồng hay vợ những hành động như vậy đều không phát xuất từ tình yêu.

Câu chuyện người cha bỏ rơi vợ con, cũng như câu chuyện người vợ bỏ chồng và các con trên thật ra không thể nhìn vào một phía và kết án một chiều. Mỗi câu chuyện có một hoàn cảnh riêng, một tình huống riêng. Phải đi sâu vào từng trường hợp và phải nghe cả hai phía mới có lời giải đáp thích hợp. Để để giải quyết những khủng hoảng ấy, phương pháp tốt nhất là vợ chồng cần biết lắng nghe và chia sẻ: “Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

Cách thức chia sẻ thông thường là bằng ngôn từ. Không ai chui vào đầu mình để hiểu được những gì mình đang nghĩ, dù là ý nghĩ yêu thương. Sự im lặng, câm nín là một khuyết điểm lớn nhất trong hôn nhân. Nó có thể dẫn đến hiểu lầm nhau, nghi kỵ nhau và làm lạnh nhạt tình yêu của nhau. Ngoài ra, người ta còn có thể lắng nghe và nói với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể. Thí dụ, một nụ cười, một liếc mắt đưa tình, một cái vuốt ve hay một nụ hôn. Và sau cùng là ngôn ngữ hành động: quan tâm, và để ý đến những nhu cầu, những ưu tư của nhau. Tóm lại, vợ chồng phải có giờ ngồi lại, dành thời gian cho nhau, chia sẻ và lắng nghe nhau. Đòi hỏi này cần thiết để duy trì sinh hoạt tình yêu, giải quyết những khó khăn trong gia đình.

Hôn nhân là một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, để có hạnh phúc này, ngoài những tình cảm lúc ban đầu, vợ chồng cần học biết cách chia sẻ, cảm thông và tôn trọng nhau. Nếu không quan tâm, lo lắng, chia sẻ và chấp nhận hy sinh vì một ai đó thì tình yêu của ta chỉ là thứ tình yêu chót lưỡi, đầu môi, dả dối và ích kỷ. Tốt hơn, ta không nên nói lời yêu thương và kết hôn với người đó. Hãy thật lòng với mình và với người khác. Và khi đã thực tình yêu ai đó, hãy nói với người ấy bằng ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ hành động, và ngôn ngữ bằng lời.

Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt

KINH THÁNH NÓI VỀ VỢ CHỒNG

Bài 3 : Hôn nhân và Gia Đình

1/ Thiên Chúa phán : “Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (Sáng thế 1, 18)  

2/ Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rut từ con người  ra làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. 

Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” 

Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. (Sáng thế 1, 22-24)

 

3/ Có vợ hiền, chồng thật có phúc, đời sống  chàng sẽ tăng gấp đôi.

    Vợ đảm đang làm chồng hả dạ, sống an vui trọn cả cuộc đời. 

   Vợ hiền đức là phúc phận may, ban cho ai kính sợ Chúa Trời.

   Giầu hay nghèo lòng vẫn an vui, và mặt mày suốt đời hớn hở.

                                                                        (Huấn ca 26, 1-4)

 

4/ Duyên của vợ làm chồng hả hê, kiến thức nàng thêm bề sức mạnh.

 Đàn bà kín tiếng là ân huệ Chúa ban,

Là con người cao qúy và vô giá.

Đàn bà nết na là người diễm phúc bội phần,

Đàn bà tiết hạnh thì muôn phần vô giá. 

Mặt trời mọc lên núi Chúa thế nào,

Thì người vợ xinh đẹp cũng rực rỡ trong nhà như thế.

Như ngọn đèn rung rinh trong đền thánh,

Thì nhan sắc nàng cũng huy hòang trên thân hình kiều diễm. 

Như những cột vàng dựng trên nền bạc vững vàng,

Thì hai chân nàng cũng cũng đứng vững trên gót vàng.

                                            (xem Huấn ca  26, 1-9 và 13-18)   

 

5/ Cưới vợ là tậu được cơ nghiệp lớn,

   Tìm được trợ giúp và cột tựa vững chắc.

   Vườn nho không dậu là vườn nho hoang vu,

   Đàn ông không vợ sẽ bơ vơ vất vưởng.

                                                (Huấn ca 35, 24-25) 

 

6- Thà ở một góc trên mái nhà,

Còn hơn chung sống với một bà hay gây.

    Thà sống nơi đìu cô quạnh,

Còn hơn bên người vợ hay gây gổ nổi xung.

                                                (Châm ngôn 21, 9 và 19) 

 

7/ Chơi với người khôn ắt sẽ nên khôn,

    Chơi cùng kẻ dại sẽ mang lấy họa.

     (Châm ngôn 13, 20) – Nhớ câu ca dao: Gần mực thì đen… 

 

8/ Người chậm giận thì đầy sáng suốt.

    Người nóng tính để lộ cái dại khờ.   (Châm ngôn 14, 29)

 

9- Người nói năng dè dặt là người hiểu biết.

      Kẻ giữ được điềm tĩnh là kẻ khôn ngoan.  (C. ngôn 17, 27)

 

10/ Ai kêu than ôi !? Khổ quá!? Ai cứ gây gổ? Đó là kẻ nấn ná bên  ly rượu.  (C.ngôn23, 29-30) – Bạn phải tránh xa từ lúc mới gặp.

 

11/ Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải phục tùng  chồng trong mọi sự như vậy.

   Người chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh.  (Êphêsô 5, 24-25)

 

12/ Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương, chứ đừng cay nghiệt với vợ.  (Côlôxê 3, 18-19)

 

Phó tế Định  Nguyễn

5 Phút cho Lời Chúa ngày 28/07 – 31/07/24

28/07/24 Chúa Nhật tuần 17 tn – b
Ga 6,1-15 

MÓN QUÀ NHỎ – PHÉP LẠ LỚN

Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. (Ga 6,11)

Suy niệm: Các tông đồ, cụ thể là Phi-líp-phê, cảm thấy lực bất tòng tâm trước gợi ý của Thầy mình: mua bánh cho họ ăn. Mà ‘họ’ đâu phải vài chục, vài trăm người, nhưng là năm ngàn người đàn ông, chưa kể đoàn tùy tùng đàn bà con nít cùng đi theo, say sưa nghe Thầy Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời. May mắn, An-rê để mắt đến năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ của một em bé, nhưng bấy nhiêu thì “có thấm vào đâu”. Thế rồi, từ sự đóng góp nhỏ nhoi đó, Thầy Giê-su, với quyền năng của Ngài, đã khiến cho điều kỳ diệu xảy ra.

Bạn thân mến: Lắm khi chúng ta cũng choáng ngợp, bối rối khi nghĩ đến khối đông dân chúng cần phải được nghe biết, đón nhận Tin Mừng Nước Trời ngay trong địa bàn giáo xứ, giáo phận của mình. Ta nhận ra ngay cả một mê cung thách đố: tinh thần thế tục, não trạng hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ; đã thế, các môn đệ Chúa Ki-tô lại còn thờ ơ, lơ là, chểnh mảng… Bạn đừng lo lắng, nghi ngờ vì những cố gắng, những nghĩa cử nhỏ bé của mình không đem lại lợi ích gì. Bạn cứ quảng đại cho đi, vui tươi khi gặp gỡ, thành tâm khi chia sẻ, lúc đó dù việc tham gia góp phần của bạn có nhỏ bé, một khi đặt vào tay Chúa, phép lạ sẽ xảy ra.

Sống Lời Chúa: Tôi làm với hết lòng trân trọng những việc tốt nhỏ dâng lên Chúa mỗi ngày, như nói một lời tích cực, bày tỏ một cử chỉ thân ái, làm một việc giúp đỡ tận tình, Chúa sẽ biến đổi thành những điều vĩ đại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa hài lòng về món quà của em bé ngày nào. Con cũng muốn đem lại niềm vui cho Chúa với các món quà nhỏ như vậy.

 

29/07/24 thứ hai tuần 17 tn
Th. Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô
Lc 10,38-42
 

tất cả vì giê-su

“Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42)

Suy niệm: Năm 1973, khi Mẹ Tê-rê-xa Kôn-ka-ta được trao tặng trao tặng bằng tiến sĩ danh dự về thần học của đại học Kempet, Anh quốc, một ký giả đã hỏi mẹ như sau: “Đâu là động lực thúc đẩy Mẹ bắt tay vào việc phục vụ người nghèo?” Người ta chờ đợi câu trả lời dài với rất nhiều lời giải thích. Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Mẹ Tê-rê-sa chỉ đáp gọn bằng một tiếng vắn gọn: “Chúa Giê-su.” Vâng, “Tất cả vì Chúa và cho Chúa.” Hẳn là Mác-ta và Ma-ri-a cũng chỉ có một động cơ như thế. Mỗi người đón tiếp Chúa theo cách của mình. Mác-ta với lòng nhiệt thành phục vụ lo chuẩn bị bữa ăn. Còn Ma-ri-a thì ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người. Ngài không đề cao thái độ này để hạ thái độ kia, nhưng Ngài muốn chúng ta đừng quên rằng việc ưu tiên số một là lắng nghe lời Ngài trong tâm tình cầu nguyện, và tâm tình đó không được thiếu vắng ngay cả khi bạn lăn xả vào hoạt động tông đồ.

Mời Bạn: Bạn đã thống nhất đời sống của bạn chưa? Nghĩa là việc cầu nguyện có chiếm địa vị ưu tiên nhất và có thấm nhuần vào mọi hoạt động khác trong ngày sống của bạn không? Việc hoạt động sẽ bị lạc hướng nếu không có cầu nguyện. Ngược lại cầu nguyện mà không có hoạt động thì chỉ là lời cầu suông.

Sống Lời Chúa: Khi làm việc gì bạn hãy bắt đầu bằng cách cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con say mê Lời Chúa, xin cho con luôn kết hiệp với Chúa khi cầu nguyện cũng như lúc làm việc để trong mọi việc con đều làm cho Chúa và vì Chúa mà thôi.

 

30/07/24 thứ ba tuần 17 tn
Th. Phê-rô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,36-43
 

thiên chúa kiên nhẫn

Đức Giê-su nói: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.” (Mt 13,43)

Suy niệm: “Kiên nhẫn không chỉ là khả năng chờ đợi, nhưng chính là cung cách ta cư xử đang khi chờ đợi” (Nhà văn Mỹ J. Meyer). Ta mong muốn Hội Thánh gồm các tín hữu tốt lành, hội đoàn gồm các thành viên nhiệt tâm, con cái gồm các người con hiếu thảo, láng giềng gồm những hàng xóm tốt bụng… Thế nhưng, trong thực tế ta đành phải chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn, người tốt – kẻ xấu, lúa tốt – cỏ lùng chen lẫn với nhau. Chúa Giê-su, qua dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng, dạy ta thái độ kiên nhẫn, bao dung khi sống trong “thửa ruộng thế gian.” Trong thiên nhiên, cỏ lùng muôn đời vẫn là cỏ lùng, nhưng trong “thửa ruộng thế gian,” người xấu có thể trở thành người tốt; ngược lại, người tốt có thể trở thành kẻ xấu không thể nào ngờ.

Mời Bạn: Bạn phải kiên nhẫn với chính mình, vì tâm hồn bạn cũng đang đong đưa giữa lúa tốt và cỏ lùng, giữa điều thiện bạn muốn làm nhưng lại không làm, và điều ác không muốn làm nhưng lại thực hiện. Bạn kiên trì làm cho lúa tốt nơi bạn lớn lên, và cỏ lùng không có đất sống nơi tâm hồn mình. Bạn kiên nhẫn, bao dung với người chưa sống tốt, không vội kết án họ vì chỉ có Chúa mới có quyền kết án chung cuộc.

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống kiên nhẫn, bao dung với những anh chị em chưa sống đúng tư cách của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con tinh thần kiên nhẫn, bao dung của người công dân mới trong Nước Trời. Xin giúp con ghi nhớ và thực hành tinh thần kiên nhẫn, bao dung ấy trong cách ứng xử hằng ngày với những anh chị em chung quanh con. Amen.

 

31/07/24 thứ tư tuần 17 tn
Th. I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục
Mt 13,44-46
 

VUI MỪNG “BÁN” TẤT CẢ

“Tìm được viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc quý ấy.” (Mt 13,46)

Suy niệm: Nhiều tác giả nói với ta về ngọc trong đá, ngọc giữa đời, thế giới này tựa như con trai, dành cho bạn để bạn khám phá ra ngọc trong những trai ấy. Cũng vậy, Đức Giê-su dùng hai hình ảnh cho thấy sự cao quý của Nước Trời cũng như niềm vui lớn lao khi nhận ra Nước Trời ấy giữa đời thường. Với bao người, thửa ruộng chỉ là thửa ruộng, nhưng với người nông dân này, thửa ruộng đó có chứa kho tàng, quý giá đến độ anh sẵn sàng bán tất cả để mua thửa ruộng ấy. Đang khi đó, người thương gia kia cả đời đi tìm viên ngọc quý. Một khi tìm được, tựa người nông dân, ông cũng vui mừng bán tất cả những gì có để mua. Kho tàng hay viên ngọc quý ấy chính là Đức Giê-su, Đấng ở với ta mọi ngày cho đến tận thế, hiện hữu thực sự trong Bí tích Thánh Thể, hiện diện cách kín đáo trong Lời Chúa, được hiện thực qua các mục tử, cũng như hiện thân nơi những kẻ bé mọn ta gặp mỗi ngày.

Mời Bạn: Cuộc đời người nông dân hoàn toàn thay đổi từ khi có kho tàng, lối sống người thương gia cũng đổi mới trọn vẹn sau khi sở hữu viên ngọc quý. Cũng vậy, một khi khám phá ra kho tàng, viên ngọc quý Giê-su trong đời thường, lối sống bạn cũng sẽ khởi sắc hẳn: vui mừng, sẵn lòng “bán” đi, chấp nhận từ bỏ tất cả những gì ở đời này để có được Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu.

Sống Lời Chúa: Mọi sự khởi đầu từ việc đổi mới cái nhìn của tôi về Chúa Giê-su. Ngài quý giá đến độ giờ đây, tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với cái lợi tuyệt vời là được biết Ngài (x. Pl 3,8).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xác tín Chúa là kho tàng vô giá, là viên ngọc quý của đời con. Amen.

 

Tình Yêu và Hôn Nhân

Ý nghĩa sâu thẳm của tình yêu được minh chứng bởi xa cách, vắng mặt hơn là xum họp?

Khi con tàu chuyển bánh thì bến ga cũng nhạt nhòa, bởi đấy, xa nhau, người ta thường quên nhau. Tàu đi rồi, bến ga có thể chơ vơ trong sương bụi chiều hôm, nhưng đường tàu vẫn còn đó. Nếu xa nhau mà vẫn nối dài mến thương, như đường tàu trung thành làm dòng máu luân hoán yêu thương giữa con tàu cách xa và bến đỗ mong chờ, thì đấy mới là yêu thương đích thực.

Chia ly, tình yêu dễ bụi mờ, bởi trong xa cách là lúc tình yêu lên cao vút trên quãng đời mênh mông những lựa chọn, là lúc tình yêu xuống thẳm sâu dưới lũng đồi cám dỗ.

Hạnh phúc tạm dung thì bắt buộc phải gần gũi, vì hạnh phúc ấy không được thụ thai bởi tình yêu vượt núi đồi mà là hoa trái của khu vườn gần gũi. Hạnh phúc ấy bị vây bọc bởi bến ga chật hẹp. Do đó, vắng mặt người này, xa cách người kia, tình yêu biến dạng và phai màu. Ðấy là hạnh phúc của con tàu khi cập bến đỗ chứ không phải yêu thương của đường tàu nối dài viên miễn.

Nếu tình yêu được sinh bởi chọn lựa trong tự do, thì có thể mịt mùng xa cách, có thể thăm thẳm chia xa mà vẫn rực rỡ trong không gian. Chọn lựa là bao hàm từ chối. Chối từ là dứt bỏ. Dứt bỏ nào cũng thường có phần xót xa. Chính vậy, tình yêu trong tự do là tình yêu có ray rứt giữa những giằng co của lựa chọn, là tình yêu có đau khổ của một chối từ. Chính Thượng Ðế cũng đã đớn đau trước giờ chọn lựa: “Lạy Cha, nếu được, xin Cha cất chén đắng này cho con” (Mk. 14:36). Người yêu cần tự do để xác định tình yêu của mình. Ðau khổ của chối từ, ray rứt của chọn lựa minh chứng sự cao cả của tình yêu mình dành cho người yêu.

Tình yêu không tách rời khỏi thời gian, mà thời gian thì luôn luôn đổi mới, bởi thế, tình yêu không thể chọn lựa một lần là xong, cưới nhau một lần là đủ, mà tình yêu cần được rửa tội mỗi ngày, cưới nhau mỗi sáng. Chính mặt trời còn lột xác, khai sinh sau mỗi đêm đen, cho nên hôn nhân là tái xác nhận chọn lựa không ngừng.

Vì sự bất toàn của mình, con người không thể có một lựa chọn hoàn hảo tuyệt đối. Hôn nhân là chọn một người tình và chối từ những người tình khác. Nhưng bởi sự bất toàn, nên chọn lựa đó chẳng thể trọn vẹn, cho nên từ sâu thẳm trong căn hầm tham lam, đôi lúc họ khổ tâm vì mất mát do những mối tình khác mà họ phải chối từ. Họ bất toàn nên không thể cho nhau sự hoàn hảo. Từ đấy, họ mơ màng một tình yêu nào đó ngoài tình yêu mà họ đã lựa chọn, cho nên sự trung thành là thử thách lớn lao của tình yêu hôn nhân.

Yếu tính của trung thành là khả năng có thể vượt qua rừng sâu, trèo qua núi đá, có thể song hành với thời gian, và thế, tình yêu phát sinh từ sự trung thành sẽ bát ngát như vũ trụ và thênh thang như núi đồi.

Trong tình yêu, ràng buộc chính đáng nhất là hãy để nhau lớn lên trong tự do. Ý nghĩa cao cả của tự do là thành thực với chính mình và ngay thẳng với người tình. Hãy cho nhau tự do nhìn khuôn mặt thật của nhau. Ðừng tạo nên giá trị của mình bằng cách để người tình ngưỡng mộ những điều mình không có.

Vì tình yêu cũng là một thứ nhu cầu, bởi đó, người ta mới nói đến chinh phục. Có khó thì mới phải chinh phục, nên khi chinh phục người ta dùng mọi tài năng. Trong những tài năng tích cực, có một thứ tiêu cực là tạo ra một hình ảnh đẹp, nhưng không đúng với con người thật của mình.

Vì tình yêu cũng là một thứ nhu cầu, bởi đó, người ta nói đến tiếng sét ái tình. Ðã mê hoặc thì phải chiếm đoạt, nên chiếm đoạt trong tình yêu bao giờ cũng pha trộn mù quáng. Cần phải chiếm đoạt, nên người tình thường biện minh, rồi gán cho người yêu những đặc tính mà người yêu không có.

Tạo ra giá trị mình không có là lừa tha nhân. Gán cho tha nhân giá trị họ không có là lừa mình. Cả hai thái độ đều nguy hiểm như nhau. Cả hai thái độ đều là xây dựng giá trị trong thiếu tự do, lầm lẫn. Lầm lẫn không biến đổi bụi than thành kim cương, đá cuội thành ngọc qúy. Sớm muộn gì rồi cũng khám phá ra con người thực của nhau. Ngỡ người tình là kim cương, nhưng thực tế là đá cuội. Thất vọng, ở đó, bắt đầu nẩy sinh. Trung thành, từ đấy, bắt đầu lung lay. Tình yêu sống bởi sự thực, thiếu vắng sự thực tình yêu sẽ u buồn, ủ dột. Thiếu sự thực, tình yêu không còn là cây leo hạnh phúc trong mùa xuân, mà là bủng vàng xanh xao.

Hôn nhân là loài tằm chất phác và kiên nhẫn. Là loài dâu thật thà biết hy sinh. Là tằm, là dâu, chúng chung khúc yêu thương, âm thầm, gắn bó với nhau, góp nhặt hạnh phúc, chúng nhả tơ, dệt lụa óng ả cho đời.

Còn tình yêu của bầy ong với đám hoa cải, cho dù dẫu dễ thương đến đâu chăng nữa, trên da mặt chúng vẫn là mơ màng quyến rũ tình yêu bằng đỏm dáng, và thèm muốn tình yêu qua mật ngọt. Bởi đấy, chỉ là hạnh phúc bấp bênh.

Luống cải kia, cánh ong đó đã nghèo nàn hóa tình yêu của nhau bằng chiếm hữu. Chúng hạn chế hạnh phúc của nhau vì đánh giá tình yêu qua duyên sắc bên ngoài mà thôi. Tình yêu của cả hai đã thai nghén trong thiếu tự do vì sự hiểu biết bị lừa gạt, lòng thật thà bị lãng quên.

Như thế, khi mùa cưới đến, lúc tình yêu của chúng sáp lại. Khi thèm muốn và chiếm đoạt đã theo dòng thời gian thiếu thật thà ấy mà trưởng thành thì cũng là lúc buồn chán đã sẵn chờ đàng sau môi hôn.

Chúng nô lệ hóa nhau mà gọi là tự nguyện.

Chúng mang thương tích nhưng phải gọi là nỗi thương đau dịu dàng.

Chúng trao nhau tình yêu thể nào thì tình yêu cũng dầm bập chúng thể ấy. Bởi, chúng đã dệt tổ yêu thương bằng tơ lụa gấm vóc hơn là sự hiểu biết. Chúng nhìn tình yêu qua nhan sắc hơn là tâm hồn.

Có người hỏi: Sao các đôi tình nhân lại nhắm mắt mỗi khi hôn nhau?

Có phải, dẫu trong tha thiết thế nào, họ vẫn yêu một phần bóng tối?

Có phải, dẫu trong hạnh phúc sóng sánh đến đâu, cũng vẫn có một phần thiếu thật thà?

Nếu họ bất tòan, nếu họ chẳng thể trọn vẹn trao nhau thì sao họ lại mơ ước “tôi hóa” tha nhân? “Tôi hóa” tha nhân là bắt tha nhân nên giống như mình. Ðấy là tình yêu ích kỷ, là tàng tật hóa người yêu. Người yêu là của mình, nên khi tàng tật hóa người yêu thì cũng là tàng tật hóa chính hạnh phúc của tôi.

Kẻ muốn đồng hóa tha nhân trong tình yêu là những đôi tình nhân yêu nhau hơi gặp hơi, thở gặp thở mà vẫn như mênh mông xa cách, vẫn như khắc khoải kiếm tìm. Họ khắc khoải kiếm tìm vì chẳng bao giờ con người có thể “tôi hóa” được nhau. Bắt người khác giống mình là hủy diệt tự do và bản tính của người đó, càng bắt họ giống mình bao nhiêu thì sự hiện hữu của họ càng mất đi bấy nhiêu. Tôi muôn đời vẫn là tôi. Tha nhân nghìn đời vẫn là tha nhân.

Nếu tha nhân là tha nhân, tôi là tôi, thì làm sao có thể nên một trong tình yêu như lời Kinh Thánh mong mỏi?

Kẻ nên một trong tình yêu là những đôi hôn nhân đem sự khác biệt của nhau làm nên phong phú của một kết hợp. Khi nói nên một thì phải chấp nhận là đã có hai. Làm sao có kết hợp nếu không có khác biệt. Như thế, khác biệt đã là điều kiện cần thiết cho kết hợp. Trong ý nghĩa đó, khác biệt phải có một giá trị tự nó. Kết hợp không biến hóa nguyên thể của các khác biệt mà là một luân vũ nhịp nhàng. Ðó là một hoà âm trầm bổng của các đơn thể khác nhau chứ không phải là đơn điệu. Ðó là kết hợp của âm nhạc, của vũ trụ, của tình yêu. Kẻ lớn lên trong tình yêu hợp nhất là những đôi uyên ương nửa bên bờ đại dương, nửa trên “cánh đồng nước mặn” Việt Nam mà tình yêu của họ vẫn chập chùng qua biển cả, bàng bạc qua không gian.

Con tàu chỉ tới bến trên tuyến đường sắt song hành. Sự nên một của tuyến đường là cùng sóng đôi chứ không phải là cùng chạm nhau. Mất sự sóng đôi, con đường đánh mất bản tính của mình. Mất sự song hành thì tuyến đường không còn là tuyến đường nữa, bởi, sự hợp nhất căn tính của nó hệ tại cùng sóng đôi đi về một hướng.

Hôn nhân là nên một trong tình yêu. Nên một trong tình yêu là nên một trong hòa đồng chứ không phải nên một bằng đồng hóa.

Kinh Thánh bảo: Phải nên một!

Ôi! đâu là ý muốn thâm sâu của Thượng Ðế.

Cẩn thận! Nếu không đấy chỉ là những lời lừa dối mà thôi. Bởi, chính trên bàn thờ mà hai cây nến cũng có bao giờ dám cháy cạnh nhau đâu.

Lm. Nguyễn Tầm Thường