6. Văn Hóa & Gia Đình

Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 2

Nó thưa : “Em không biết mình sinh ra ở đâu nữa”

Tôi hỏi: “Em ở đâu?”

Nó đáp: “Em không biết.”

Tôi hỏi tiếp: “Thế mẹ em đâu?”

Nó đáp: “Chết rồi.”

Tôi lại hỏi: “Mẹ em làm sao mà chết?”

Nó đáp: “Em không biết.”

Tôi lần hỏi thêm: “Thế còn cha em đâu?”

Con bé lại mở miệng trả lời, vẫn với giọng nói yếu ớt khẽ khàng, nhưng lần này thì không phát ra thành lời được nữa. Nó đứng đó, thân hình nhỏ bé, tiều tụy và rất cô đơn, nhìn cắm xuống đôi giày dưới chân, nuốt vội những giọt nước trào ra từ khóe mắt.

Con bé rất đặc biệt. Tôi có thể nói ngay như vậy. Trong cái thế giới đầy những trẻ em bị lạc loài, bơ vơ và bầm dập của chúng ta, đứa bé gái này tức khắc nổi bật như đứa trẻ lạc lõng nhất, tê tái nhất – một đứa trẻ hoàn toàn và tuyệt đối chẳng quen thân với một ai hay một nơi chốn nào. Một đứa trẻ vô tội hoàn toàn không có căn cước hay gốc gác gì cả. Một đứa trẻ bị buộc phải trải qua một kiếp sống mà không biết bản thân mình là ai, không biết mình từ đâu mà đến, cũng chẳng hiểu vì sao mình lại vào đời.

Tôi nén hơi một lúc thật sâu, rồi đặt tay lên bờ vai của con bé và cố không để lộ ra rằng tôi đang xúc động và lo lắng trong lòng như thế nào.

Tôi chỉ vào một chiếc bàn trong nhà chúng tôi và nói:

“Đây, chúng ta ngồi xuống đây nhé.”

Tôi nghĩ mình sẽ nói chuyện với đứa bé này một lúc, cho em biết chúng tôi rất vui mừng vì em đã tìm đến với chúng tôi, và chúng tôi rất muốn giúp đỡ em. Thế nhưng, em đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Thật khó khăn lắm em mới kể ra câu chuyện cuộc đời em cho tôi nghe, mặc dù em rất muốn.

Tôi cho rằng em đã phải….

Đứa bé gái nói:

“Em… em thực ra cũng có một ông bố.”

Em lại tiếp:

“Ông ấy ở ngay tại New York này. Vì thế, em mới đến đây.”

Tôi hỏi cắt ngang:

“Thế trước đó, nhà em ở đâu?”

“Ở Chicago. Em… muốn, em thực ra không có nhà. Em sinh ra ở đâu em cũng chẳng biết. Em đã sống tại các cô nhi viện từ hồi em lên bốn tuổi. Nhưng ở đó tệ hại quá, Soeur à. Em không thể chịu nổi…

“Thế là đành phải bỏ đi…

“Trong hai năm nay gần đây, em sống tại một khu nhà bỏ hoang ở Chicago với một đám bạn cùng độ tuổi.” (Tôi đoán cô bé vào khoảng 17 tuổi).

Nghĩ đến cuộc sống lạnh lẽo, lẻ loi và khủng khiếp như thế của một đứa trẻ, tôi lẩm bẩm:

“Chắc hẳn rất khó khăn cho em.”

Đứa trẻ đáp:

“Đúng vậy. Nhưng ít ra ở đó, em cũng cảm thấy an toàn. Ít nhất em cũng gặp được một số bạn bè để làm nên một gia đình.”

Tôi lại rùng mình một lần nữa.

Đứa trẻ kể tiếp:

“Cách đây hai tuần, em có cơ hội tìm ra được chỗ cha em đang sống. Trước đó, em không hề biết. Em chưa gặp cha em kể từ khi em lên bốn tuổi…

“Thế là em viết một lá thư gửi cho ông ấy, và xin phép được đến thăm. Ông ấy đã đồng ý…

“Thế là em đi đến New York. Dọc đường, em xin đi quá giang. Mất hết một tuần lễ.”

Jenny với tay ra đàng sau và cởi chiếc ba lô đang mang sau lưng, rồi nhẹ nhàng vuốt qua vuốt lại mấy lần cho phẳng phiu.

Dòng nước mắt bắt đầu lã chã tuôn xuống nhanh hơn một chút trên đôi má của nó.

Tôi hỏi dồn:

“Thế rồi chuyện gì đã xảy ra?”

Jenny đáp:

“Thật khủng khiếp. Cha em không hề muốn gặp em, Soeur ạ. Ông ấy chỉ muốn tiền bạc của em mà thôi. Ông ấy là một người nghiện.”

Nói đến đó, Jenny gục xuống và khóc to.

Tôi cảm thấy trái tim mình cũng tan nát.

Tôi thực ra không biết sau đó chuyện gì sẽ xảy ra với Jenny. Jenny bị đặt vào giai đoạn giữa tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành như thế đó. Em không có một căn bản nào để bước từ độ tuổi này sang độ tuổi kia.

Em không có một ký ức đẹp nào trong đầu. Không một bức hình gia đình. Không giấy khai sinh. Không nơi sinh.

Cha em là một người nghiện ma túy. Mẹ em đã qua đời.

Mọi sự Jenny có tất cả chỉ gồm trong một chiếc bao ngủ. Và đó là chiếc ba lô được xếp gọn gàng nhất mà tôi đã từng nhìn thấy.

Thực sự rất ngạc nhiên, khi đưa đứa trẻ vào phòng và chúc ngủ ngon, chúng tôi mới nhìn thấy em giở ba lô ra. Mặc dù vô gia cư, nhưng mọi thứ trong chiếc ba lô của em được xếp rất ngăn nắp và sạch sẽ. Em còn có bốn hoặc năm tuýp kẹo chewing gum trong mỗi ngăn. Em giải thích với tôi:

“Vì không biết bao giờ mới có dịp đánh răng, nên em phải chuẩn bị như vậy.”

Quả thật, Jenny là một đứa trẻ rất đặc biệt….

Tôi không hiểu vì sao Jenny lại có một khả năng rất đặc biệt như vậy trong việc ứng phó với các hoàn cảnh, và cũng không biết đó có phải là một tình trạng hết sức đau khổ được che kín bên dưới cái vẻ ngăn nắp và sạch sẽ bề ngoài như vậy hay không.

Tôi không biết chúng tôi sẽ ở đây, giờ này, là vì đứa trẻ ấy, để trở nên một gia đình cho đứa trẻ ấy, một gia đình mà nó thực sự chưa bao giờ có được, để cung cấp cho đứa trẻ ấy một chiếc neo dựa mà nó chưa bao giờ biết đến.

Có lẽ phải mất một thời gian nữa. Nhưng vào một ngày không xa, tôi hy vọng, sau khi đã dành cho đứa trẻ ấy tình yêu thương, những lời chỉ dẫn và sự nâng đỡ mà nó vô cùng cần thiết (điều cốt yếu là sau khi chúng tôi đã giúp Jenny tìm lại được cuộc sống của nó), chúng tôi sẽ giúp Jenny làm lại cuộc đời qua chương trình Thăng Tiến của chúng tôi.

Với chương trình này, chúng tôi sẽ giúp Jenny những thứ cần thiết để em có thể thăng tiến từ tuổi thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành, những điều mà em rất xứng đáng được hưởng, nhưng lại bị tước mất – đó là được đi học, được đào tạo hướng nghiệp và các kỹ năng để sống tự lập – với một cố vấn từng trải tận tình hướng dẫn và khích lệ em vượt qua từng bước đường.

Đó là một hành trình dài, rất dài, trước mắt Jenny. Nhưng tôi biết em là một đứa trẻ nhất định sẽ làm được điều đó. Tôi biết chắc như vậy.

Cũng như mọi khi, tôi xin thay mặt Jenny và 1.399 đứa trẻ khác mà chúng tôi sẽ gặp vào tối nay để cảm ơn các bạn. Tôi biết các bạn có những ưu tư, có những hóa đơn sẽ phải tính và có một gia đình để lo lắng. Tôi biết rằng việc làm cha mẹ yêu thương và hướng dẫn cho 1.400 đứa trẻ mà chúng tôi gặp gỡ hằng đêm không phải lúc nào cũng là một việc dễ dàng.

Nhưng xin các bạn biết cho, trong từng giây từng phút, điều đó mang một ý nghĩa đối với chúng tôi và đối với những đứa trẻ này. Trong một thế giới có những đứa trẻ xinh đẹp và vô tội như Jenny, nhưng lại thường bị vứt bỏ và bị lãng quên, thì chính bàn tay và trái tim của các bạn sẽ đem lại cho chúng niềm vui. Chính tình yêu các bạn sẽ làm cho vấn đề nên khác. Tôi không thể nói điều này cho đủ được. Những lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của các bạn nói lên tất cả đối với các trẻ. Và đối với cả tôi nữa.

Xin cảm ơn, xin cảm ơn, xin cảm ơn các bạn đã lưu tâm đến chúng hết khả năng các bạn. Tôi không bao giờ ngưng cảm tạ Thiên Chúa vì các bạn đã tìm thấy chúng tôi.

Lạy Cha thân yêu của chúng con trên trời,

Xin Cha thương ban cho con sức mạnh để tiếp tục sống trong thời gian con ngụ tại Nhà Giao Ước. Xin ban cho con sự khôn ngoan và hiểu biết để làm điều gì phải, và đừng làm điều gì trái. Xin Cha ban cho con sức mạnh để thực hiện những điều dốc lòng đúng đắn về những gì đang xảy ra. Con biết mình đã chọn nhiều điều không đúng, những con muốn sửa cải điều đó. Cuộc sống trong thời buổi này vốn không dễ dàng đối với con, nhưng con biết Chúa sẽ ban cho con sức mạnh để tiếp tục sống bởi vì con tin vào Chúa và tất cả những gì Chúa đã phán và Chúa đã thực hiện. Amen.

Một lời kinh do một trẻ đã viết tại nguyện đường Nhà Giao Ước

Sr. Mary Rose McGeady

HÃY ĐẾN TRƯỚC TÔN NHAN NGÀI VÀ DÂNG LỜI TẠ ƠN


“Nào ta hãy đến trước tôn nhan Ngài và dâng lời tạ ơn.” (Thánh Vinh 95:1) Lời Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta ngày 28 tháng 11, ngày nước Mỹ – và có thể là cả thế giới – sẽ mừng Lễ Tạ Ơn. Một ngày vừa mang ý nghĩa tâm linh, và cũng vừa mang ý nghĩa đạo đức xã hội.

Với người dân Hoa Kỳ, Ngày Tạ Ơn (Thanksgiving Day) có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây là dịp để họ nhìn lại cuộc sống, biết trân trọng những gì mình đang có và cảm ơn về những ân huệ mà Thiên Chúa đã ban tặng cho họ. Là người Công Giáo, Lễ Tạ Ơn, cũng là dịp để tạ ơn Thiên Chúa về đặc ân sự sống, ơn sinh ra làm người, cuộc sống an lành và no đủ. Mặc dù theo lịch sử, tư tưởng tạ ơn là tư tưởng của mọi nền văn hóa, và đã có từ rất lâu, nhưng nó chỉ mới trở thành một ngày lễ quan trọng tại Mỹ từ thế kỷ 19. Abraham Lincoln – vị tổng thống Mỹ đầu tiên tuyên bố Lễ Tạ Ơn trở thành ngày lễ được cử hành toàn quốc. Từ năm 1941, dưới thời Tổng Thống Franklin D. Roosevelt, lễ này đã được ấn định vào ngày thứ Năm trong tuần thứ Tư của tháng Mười Một hàng năm.

Tinh thần và ý nghĩa đích thực của Lễ Tạ Ơn theo người Hoa Kỳ Bản Địa hay những người Hoa Kỳ Da Đỏ (Native American), một cách truyền thống và ngay cả hôm nay, nhấn mạnh đến lòng biết ơn về sự tạo dựng, quan phòng cũng như nhận thức nhu cầu con người trong mối tương quan hiệp thông với thiên nhiên và người khác. Nó phát xuất từ triết lý về việc ban tặng mà không mong đón nhận bất cứ điều gì đáp lại.

Theo Thánh Kinh, tạ ơn là một ý tưởng về sự cám ơn, ở đó nó đại diện một diện mạo căn bản của dân Thiên Chúa. Trong cả Cựu và Tân Ước, tạ ơn nhấn mạnh lòng biết ơn và lời chúc tụng đối với Thiên Chúa về muôn ơn lành Ngài ban.

Tại sao Thiên Chúa thiết lập lòng biết ơn?

Chúa Cha muốn được con người biết ơn về sự quan phòng và tạo dựng của Ngài. Chúa Con muốn được lời tạ ơn vì đã gánh tội và đền tội nhân loại. Chúa Thánh Thần muốn được lời tạ ơn vì ơn thánh hóa và an ủi của Ngài. Thiên Chúa cũng có tình cảm. Ngài vui vì được con người biết ơn và tạ ơn.

Chúng ta hãy nghe những gì Chúa Giêsu đã dạy về lòng biết ơn. Người nhấn mạnh đến tình yêu vô vị lợi và xót thương được diễn tả qua sự tử tế và lòng quảng đại. Lễ Tạ Ơn tự nó không gì hơn bằng việc nhận ra những ơn lành và chia sẻ những ơn lành ấy với những người khác.

“Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.

Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.

Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người.”

(Thánh Vịnh 34:2-4)

Thiên Chúa muốn nghe lời tạ ơn của con người. Thánh Vương Đavít nói cảm tạ Chúa là “câu hát chẳng ngớt trên môi”. Người Hoa Kỳ bản xứ và những kiều dân đầu tiên đến trên đất nước này tổ chức ngày tạ ơn Thượng Đế. Còn chúng ta, chúng ta có nghĩ rằng mình cần phải tạ ơn Ngài không? Tạ ơn tất cả những điều Ngài cho xảy đến trong đời mình?

Chung quanh chúng ta, những kẻ gây tội ác vẫn sống nhởn nhơ, còn những người hiền lành tử tế lại phải trăm bề khốn khổ. Thiên Chúa trên cao có nhìn thấy những nỗi bất công này không? Hoặc như Ngài biết mà bất lực không ngăn cản được? Đó là những cám dỗ khiến con người phủ nhận tình thương và ân huệ của Thiên Chúa, nguyền rủa Ngài vì những gì mà họ cho là sự dữ đã xảy đến cho họ.

Cũng như Phêrô giữa hoang mang, nghi ngờ, ông đã mạnh dạn xác định lòng tin của ông đối với Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai? Thầy có lời ban sự sống đời đời.” (Gioan 6:68) Những lời này đã mở ra một nhãn quan mới về cái nhìn đối với thế giới chúng ta đang sống, cũng như cuộc sống của mỗi cá nhân giữa những điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “mầu nhiệm đau khổ.” Nhưng để giải đáp được câu hỏi về mầu nhiệm đau khổ, về những bất công và thử thách, thì theo thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Chỉ trên trời chúng ta mới biết”.

Trên trời, nơi mà trí khôn con người được khai mở bởi ánh sáng đời đời và sự thật. Nó sẽ cho chúng ta hiểu được tại sao mình khổ, người khác khổ. Mới biết lý do tại sao mình khổ và người khác khổ! Chúng ta sẽ phải cám ơn những dịp đã khiến chúng ta phải khổ, ngay cả những người đã làm chúng ta khổ. Khi “mầu nhiệm đau khổ” tỏ hiện, lúc đó chúng ta mới biết mình khổ vì đã chưa cố gắng, nhẫn nại đủ, hay cố gắng mà không đúng cách. Lúc đó chúng ta cũng biết cái khổ này, cái khổ khác chúng đến như những lời nhắc nhở, như những cơ hội giúp chúng ta sửa sai, sống trưởng thành, như những chướng ngại vật mà Thiên Chúa tình thương đã dùng để ngăn chúng ta khỏi phải rơi vào những tội lỗi, cám dỗ ghê gớm hơn mà cái giá phải trả là sự sống đời đời!

Trong khi chờ đợi Mầu Nhiệm Đau Khổ được khai mở, chúng ta hãy tin tưởng và sống theo những gì mà chính Đavít đã tin và đã sống khi đối diện với sự dữ, với những xỉ nhục và nhạo báng:

CHÚA đối đầu với quân gian ác, xóa nhòa tên tuổi chúng trên đời, nhưng để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu.

Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời, giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.

CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề.

Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi.

Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy.

(Thánh Vịnh 34:17-21)

Tóm lại, cảm tạ Chúa không chỉ là một hành động biết ơn, tạ ơn, mà còn là cơ hội cho chúng ta đón nhận những phúc lành lớn lao hơn. Nó không chỉ được nói lên một ngày, mà theo Đavít: “Miệng tôi hằng liên lỷ ngợi khen Ngài.” (34:2)_

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì có muôn ngàn điều khiến con cảm tạ Chúa mỗi khi con nhớ đến chúng. Giờ đây xin giúp con dùng giây phút này để dâng lời tạ ơn vì những hồng ân con đã lãnh nhận. Xin cho những lời cảm ơn biến thành cách sống của con đối với Chúa, với chính con, với những người khác, và với cuộc đời. Amen

Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt

Một Mùa Lễ Tạ Ơn


Có lẽ bạn đã nghe qua câu chuyện về ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên, nhưng có thể bạn không quen thuộc với cách nào mà nó đã mở rộng như một ngày lễ quốc gia. Vào mùa thu năm 1621, những Người Hành Hương của Thuộc Địa Plymouth đã mời những người bạn Wampanoag của họ tới một bữa tiệc để cám ơn Thượng Đế cho một mùa gặt dư dật mà sẽ nuôi sống họ suốt mùa đông. Chỉ vài tháng trước đây, mùa đông khắc nghiệt đầu tiên của họ ở Plymouth đã tàn phá những Người Hành Hương không chuẩn bị, giết hết phân nửa thuộc địa. Bây giờ họ được tràn đầy với lòng biết ơn rằng mùa đông này khác hẳn. Để ăn mừng mùa màng và thờ phượng Thượng Đế mà không có nỗi lo sợ của sự thất mùa, họ đã dùng ba ngày để ăn mừng và cầu nguyện.

Lễ Tạ Ơn

Những Người Hành Hương đã lập lại tiệc ăn mừng mùa màng này vào những năm tiếp sau đó. Truyền thống của lễ tạ ơn hằng năm đã hình thành và lan tràn khắp New England, và sau đó tới những thuộc địa khác. Nhưng cho đến năm 1863, khi Tổng Thống Abraham Lincoln đã ban Lời Tuyên Ngôn của Lễ Tạ Ơn đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc công nhận Thượng Đế như là Đấng cung cấp tất cả những ơn phước mỗi năm, do đó Lễ Tạ Ơn đã trở thành một ngày lễ hằng năm được công nhận toàn quốc. Tổng thống đã bắt đầu bài diễn văn của ông bằng những lời sau đây:

“Một năm nữa lại sắp chấm dứt. Chúng ta đi vào những ngày tháng cuối của năm nay với tràn đầy phước lành, với hoa quả của đồng ruộng và bầu trời an lành. Ngoài những phước lành đó, chúng ta còn được nhiều phước lành khác, những ân phước lạ thường. Những ân sủng lớn lao có thể thâm nhập hay đi thấu vào những tấm lòng vốn thờ ơ trước sự quan phòng và dẫn đắt kỳ diệu của Thiên Chúa Toàn Năng, và khiến những tấm lòng thờ ơ đó phải mềm đi.”

Ông Lincoln đã biết ơn bởi vì những sự kiện của năm đó đã xoay chuyển phong trào của Chiến Tranh Dân Chủ, và nó cuối cùng dường như một quốc gia bị gián đoạn lại thấy một cách giải quyết. Giống như những Người Hành Hương, ông Lincoln đã thấy những lần khó khăn và muốn diễn tả thái độ của ông với Thượng Đế cho sự cung cấp cứu trợ. Ông đã kết luận bằng cách qui ra ngày thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một là ngày quốc gia cho Lễ Tạ Ơn.

Truyền thống này đã được duy trì bởi hầu hết những vị tổng thống theo sau cho đến khi những người chủ kinh doanh trong thời-kỳ Khủng Hoảng đã yêu cầu ông Franklin D. Roosevelt để kéo dài mùa buôn bán cho Giáng Sinh bằng cách xem Lễ Tạ Ơn một tuần sớm hơn vào năm 1939. Sau hai năm của Lễ Tạ Ơn sớm, sự lạm dụng công cộng đã làm cho Quốc Hội vào năm 1941 đã đưa ra quy luật củng cố ngày thứ Năm thứ tư của mỗi tháng Mười Một là ngày Lễ Tạ Ơn.

Trong mùa Lễ Tạ Ơn này, bạn nên cảm tạ Thượng Đế điều gì? Câu trả lời là bất cứ điều gì và mọi điều. Hãy cảm ơn Ngài cho gia đình của bạn, những người bạn của bạn, thức ăn bạn ăn và trần nhà che đầu bạn. Nhưng quan trọng hơn hết, bạn có thể cám ơn Ngài vì món quà tuyệt vời là Chúa Giêsu Kitô.

Kinh Thánh nói với chúng ta rằng sự cứu rỗi không phải là một điều mà có thể tự chúng ta kiếm được, nhưng được ban cho chúng ta một cách nhưng không bởi Thiên Chúa “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.” (Ê-phê-sô 2:8-9). Bởi vì chúng ta tất cả đều là những tội nhân, chúng ta không thể nào đến được với Thiên Chúa dựa vào những công lao của chính chúng ta, nhưng bởi vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài đã ban cho chúng ta một con đường để chúng ta được cứu – qua sự chết và sự sống lại của Con Ngài, là Chúa Giêsu Kitô. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16).

Lạy Chúa, cám ơn Chúa vì tất cả những gì mà Ngài đã ban cho chúng con, cám ơn Chúa vì món quà đặc biệt là Người Con Duy Nhất Ngài đã ban cho thế gian.

*****************************************

Hãy cảm tạ Chúa khi quần áo bạn bị chật, vì điều đó chứng tỏ bạn không thiếu ăn.

Hãy cảm tạ Chúa khi bạn phải vất vả thu dọn sau một bữa tiệc, vì điều đó cho thấy bạn còn có bạn bè và người thân ở bên mình.

Hãy cảm tạ về số tiền thuế bạn phải đóng hàng tháng, vì chứng tỏ bạn không thất nghiệp.

Hãy cảm tạ khi bạn phải làm vườn, cắt cỏ, vì như thế là bạn đang sở hữu ngôi nhà mình ở.

Hãy cảm tạ khi bạn phải trả tiền sưởi trong mùa đông vì chứng tỏ bạn đã được sưởi ấm.

Hãy biết ơn Chúa khi bạn phải giặt giũ quần áo, vì như thế là bạn có dư quần áo để mặc.

Hãy cảm tạ Chúa khi bạn tìm được một chỗ đậu ở cuối bãi đậu xe, vì bạn còn có sức khỏe, có thể bước đi trên đôi chân của mình.

Hãy cảm tạ Chúa khi trong nhà thờ có người hát lạc giọng, vì nó cho thấy tai bạn vẫn còn bén nhạy.

Hãy cảm tạ Chúa khi có người phê phán phàn nàn chính quyền, vì chứng tỏ bạn đang được sống trong một xứ tự do, bạn có thể nói lên ý kiến của mình mà không sợ gì cả.

Hãy cảm tạ Chúa khi bạn bị đồng hồ đánh thức mỗi sáng, vì điều đó chứng tỏ là bạn vẫn còn sống.

 

Sưu tầm

Lạy Chúa, xin cứu con – Chương 1

Con Ma Nói: “Con Chỉ Muốn Được Thêm Một Cơ Hội Mà Thôi.”

Hôm đó, con ma ấy đã xuất hiện tại ngưỡng cửa nhà chúng tôi vào khoảng 8 giờ tối. Nó chỉ còn da bọc xương, trắng ởn, và run lẩy bẩy bên dưới mớ giẻ rách bươm.

Dưới ánh sáng mập mờ, thật khó mà đoán được tuổi tác của con ma này. Tôi lần tìm đôi mắt của nó để đoán thử, nhưng đôi mắt của nó thật vô hồn, không nói lên một điều gì. Đôi mắt lúp sụp bên trong hai cái hốc sâu hoắm, ánh sáng soi không thấu.

Từ dáng vẻ cái xác rã rượi ấy lò dò đi tới, tôi đoán tinh thần của nó đã chết, đang vật vờ, chờ đến khi thân xác quị ngã là xong. Nó không phải chờ đợi gì lâu. Giả sử tôi đã từng gặp qua một đứa trẻ “đã-quá-muộn-không-còn-giúp-gì-được-nữa,” thì đó chính là con ma này đây.

Tôi ôm chằm con ma vào lòng, và kéo vội vào phòng cấp cứu của chúng tôi, trong lúc lòng tôi cầu nguyện thật tha thiết.

Suốt ba ngày, con ma ấy vẫn chờn vờn hấp hối. Nó thổ mửa. Nó không thể ngủ. Nó co giật. Rồi nước mắt. Rất nhiều nước mắt.

Và cuối cùng, trong một lúc dịu lại rất ngắn ngủi sau những cơn co giật, con ma (tôi tưởng như vậy) đã lên tiếng. Tiếng của nó khò khè ồ ề. Nghe phát điếng cả hồn vía.

Nó nói:

“Mẹ em bị ung thư hồi em lên 10 tuổi.

“Em chưa bao giờ sống với cha em. Em nghĩ là ông ấy thực sự không muốn có em – nhưng ông ấy rất yêu thương mẹ em.

“Sau khi mẹ em qua đời, ông ấy bị xúc động quá mức. Ông ấy đấm đá em lăn lộn, bảo em là đồ phế thải, đáng ra em, chứ không phải mẹ em, phải chết.”

Con ma dừng lại, nhắm nghiền đôi mắt.

“Thế rồi, em đi lang thang khắp các góc phố để lánh mặt cha em, và em đã sa vào ma túy năm em học lớp sáu.

“Thế rồi ông ấy đuổi em ra khỏi nhà. Chuyện đó xảy ra đã năm năm rồi. Kể từ đó, em phiêu bạt trên các đường phố.

“Bây giờ em chỉ muốn thế giới này để cho em được yên thân. Em chỉ muốn chết quách cho rồi.”

Con ma lăn lộn trên giường, rồi quay mặt vào tường.

Tôi đến gần, vỗ về nhè nhẹ đôi vai của con ma, vì sợ sức nặng bàn tay của tôi có thể làm thân xác đã nhừ tử của nó phải buốt nhức thêm.

Dù sao, chúng tôi cũng phải giúp con ma này cắt cơn nghiện trước đã, dụ cho nó ăn uống, rồi dắt đến gặp các chuyên viên tư vấn. Nó đã sống như một cái xác ướp: thụ động, câm nín, vô cảm.

Tôi vẫn còn nhớ lúc ấy tôi đã nghĩ trong đầu:

“Mình làm hết khả năng, nhưng chẳng được gì cả. Thằng bé này có lẽ đã quá muộn rồi….”

Thế rồi, vào chiều tối của một ngày thứ Ba, một điều đã xảy ra mà tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ có thể quên được.

Lần đầu tiên, con ma nhìn thẳng vào mắt tôi, rồi nói:

“Em đã quyết định một điều.”

Nó nhấn giọng:

“Em đã quyết định phải sống,”

Rồi nhấn mạnh thêm một lần nữa:

“Em thực sự phải sống.”

Đó không phải là một con đường dễ dàng trơn tru. Suốt nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng, Michael (tên của con ma) đã phải chiến đấu chống lại những cơn nghiện vật vã gào thét trong người của nó. Đã từng có một thời, heroin là câu trả lời duy nhất, là lối thoát nhanh nhất và chắc chắn nhất giúp đứa trẻ xa tránh một cuộc sống mà không ai cần thiết hoặc đếm xỉa đến nó. Giờ đây, heroin đã trở nên đồ bị Michael nguyền rủa. Suốt nhiều đêm, chúng tôi nắm chặt tay đứa trẻ khi nó vật vã lăn lộn và la thét trên giường, chiến đấu để duy trì mạng sống và ước mơ muốn tiếp tục sống của nó.

Thời gian vẫn trôi qua, Michael bắt đầu kêu lên:

“Lạy Chúa, xin giúp con. Con hối hận về những gì con đã làm…

“Con chỉ muốn được thêm một cơ hội mà thôi.”

Sau cùng, vào một ngày kia, hy vọng đã đến và chứng nghiện đã hoàn toàn dứt hẳn. Việc ấy giống như mặt trời bỗng nhiên tái xuất hiện trong cuộc đời của Michael – 18 tuổi, quá muộn, nhưng cuối cùng, đã đến. Michael tràn ngập niềm vui, nó ngồi đó, ngay trên những bậc thềm nhà chúng tôi và thổn thức, với những dòng nước mắt lặng lẽ, âm thầm, và thanh thản.

Sau đó, bệnh tình của Michael hồi phục rất nhanh. Nó là một đứa trẻ sáng dạ. Chúng tôi đã giúp nó hoàn tất chương trình trung học phổ thông và nộp đơn xin học bổng để vào đại học.

Đó là chuyện của năm ngoái.

Hôm nay, Michael ghé đến chào thăm chúng tôi. Ký ức của tôi lại thoáng hiện lên hình ảnh của con ma ngày nào.

Michael cho tôi biết hiện giờ em vừa làm việc như một nhân viên thú y tập sự, vừa theo đuổi chương trình đại học chính qui toàn thời gian – và được toàn những điểm tối đa!

Michael nói:

“Cám ơn, Soeur!”

Gặp ai, Michael cũng cứ lặp đi lặp lại:

“Cám ơn, em muốn thực lòng cám ơn.”

Tôi cũng nói với Michae:

“Soeur cũng cám ơn em. Nhưng không biết giữa Soeur và em, ai hạnh phúc hơn ai đấy nhé.”

Tôi ước mong các bạn cũng ở đó. Vào đêm đầu tiên ấy, và cả hôm nay nữa.

Tôi muốn nói, tôi quá biết thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng như đọc những dòng chữ này. Thật thương tâm khi nghe những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị đánh đập và tuyệt vọng, và có thể chúng sẽ chẳng bao giờ biết một điều gì khác ngoài chuyện bị bỏ rơi, bị đánh đập, để rồi rơi vào tuyệt vọng.

Thiên Chúa biết các bạn cũng có những quan tâm, những âu lo và ưu tư riêng của các bạn. Tuy nhiên, hôm nay, tôi đã gặp một con người mà chính các bạn đã đem lại cho nó một cuộc sống mới. Không hơn không kém. Michael đã được tái sinh, và sự sống của nó chính là món nợ đối với những con người tốt lành như các bạn.

Tôi chẳng biết phải nói thế nào, ngoài những lời như thế. Trong cái thế giới quá tốc độ, quá phức tạp, quá vật chất và quá tất bật này – các bạn đã băng mình và đã thực hiện được một điều rất cao cả và có lẽ là điều duy nhất thực sự quan trọng: đó là các bạn đã đem lại cho tha nhân cuộc sống của họ.

Tôi không thể nào cảm ơn các bạn cho đủ về những gì các bạn đã mang lại cho Michael và cho hàng trăm, hàng trăm những đứa trẻ khác nữa tối nay sẽ xuất hiện tại ngưỡng cửa nhà chúng tôi. Có lẽ cũng đã đủ – tôi hy vọng như vậy – khi các bạn biết tất cả chúng tôi đều mang ơn và ghi ơn các bạn, và chúng tôi không bao giờ ngừng cảm tạ Thiên Chúa vì các bạn đã gặp thấy chúng tôi.

Không bao giờ.

Một lần nữa, xin cảm ơn các bạn. Rất nhiều. Và xin hãy nhớ, các bạn luôn luôn ở trong lời cầu nguyện của tôi….

 

NẾU NHƯ

Mọi đôi môi đều nói lên sự thật,

Mọi kiêu hãnh đều bị dẹp bỏ,

Thói tham lam bị kiềm chế và hãm dẹp,

Và tính ganh tị chịu khuất phục.

Nếu như tình yêu thương thống trị vũ trụ,

Lòng nhân ái được gieo vãi nơi mọi chủng tộc,

Khi ấy người ta có thể nhìn vào tấm gương

Và thấy được Thiên Chúa với thánh nhan của Người….

Bài thơ của một bé gái đường phố, 16 tuổi

 

Sr. Mary Rose McGeady

CHA MẸ CÔNG GIÁO TỐT LÀNH NUÔI DƯỠNG ĐỨC TIN CỦA CON CÁI

Chúa Giêsu phán: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” Mátthêu 19:14

Là Kitô hữu trong bậc làm cha mẹ, làm thế nào chúng ta phát triển đức tin của con cái mình? Chúng ta có trách nhiệm huấn luyện con cái mình theo đường lối của Thiên Chúa và một trong những bước đầu tiên là vun trồng đức tin của chúng.

Đức tin là một phần quan trọng trong cuộc hành trình tâm linh của chúng ta trên trần thế này, vậy làm thế nào để chúng ta chia sẻ đức tin này với thế hệ trẻ?

 1. Đức tin là gì?

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo định nghĩa:

  • Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Ngài nói và mặc khải cho chúng ta cũng như những gì Hội Thánh dạy phải tin, vì Thiên Chúa là chân lý. “Trong đức tin, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do” (DV 5 ). “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm1,17). “Chỉ đức tin hành động nhờ đức mến, mới có hiệu lực” (GLGHCG, số 1814 -1816 )

Như thế, đức tin là sự đáp trả của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra và hiến mình cho chúng ta, đồng thời mang lại cho chúng ta ánh sáng dồi dào khi chúng ta tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình.

Đức tin không chỉ đơn giản là tin rằng Thiên Chúa là đấng sáng tạo, chủ nhân và vua của chúng ta, mà còn thể hiện niềm tin đó trong những lựa chọn hàng ngày của chúng ta và lấy Cha trên trời làm ánh sáng để hướng dẫn cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Do đó, đức tin của chúng ta là một phần quan trọng của con người chúng ta với tư cách là Kitô hữu.

 2. Làm thế nào để nuôi dưỡng đức tin của con bạn?

Hãy dạy đứa trẻ đi con đường nó phải đi, để đến tuổi già, nó vẫn không lìa bỏ” Châm Ngôn 22:6

Là Kitô hữu người lớn, chúng ta có trách nhiệm chia sẻ đức tin của mình cho con cái. Chúng ta sẽ làm như thế nào?

a. Đọc những câu chuyện trong Kinh thánh

Lời Chúa là nguồn khôn ngoan tốt lành để đào sâu sự hiểu biết đức tin của con cái  bạn. Biến việc đọc Kinh thánh thành một phần trong các hoạt động của bạn với con cái của bạn. Có vô số câu chuyện trong Kinh Thánh về những người nam và nữ có đức tin đã bị thử thách và được củng cố. Ngoài Kinh thánh, còn có những cuốn sách và bài tĩnh nguyện với hình minh họa đầy màu sắc thu hút độc giả nhỏ tuổi.

Sau đây là một số câu chuyện về dân của Thiên Chúa vượt qua những thử thách lớn lao bằng đức tin:

  • Câu chuyện về Đavít và Gôliát trong 1 Samuel 17 cho thấy Đavít, nhà vô địch của Thiên Chúa, đã đánh bại Gôliát, người khổng lồ vô địch của dân Philitin. Cậu bé Đavít đã chiến thắng Gôlíat bằng một chiếc ná, đá và quan trọng hơn là niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa.
  • Mátthêu 8:23-27 cho thấy Chúa Giêsu đã làm yên cơn bão dữ dội như thế nào khi đang ở trên thuyền với các môn đệ. Câu chuyện này là một lời nhắc nhở tuyệt vời về việc không có gì là không thể đối với Thiên Chúa và rằng Ngài là chúa tể của mọi thứ, ngay cả của các sức mạnh tự nhiên.
  • Mátthêu 9:20-22 kể câu chuyện về một người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm và được phép lạ chữa lành. Bà đã được chữa khỏi bệnh chỉ bằng cách chạm vào áo choàng của Chúa Giêsu nhờ đức tin mạnh mẽ của bà vào Chúa.

b. Chia Sẻ Chứng Từ Của Riêng Mình

Cha mẹ có thể dạy con tốt nhất bằng gương sáng. Đừng chỉ dừng lại ở việc đọc những câu chuyện về đức tin, hãy chia sẻ những kinh nghiệm đức tin cá nhân của bạn bị thử thách và được củng cố. Chúng ta cần phải là những tấm gương sống động về đức tin của mình cho thế hệ trẻ và một cách để làm điều này là sống trung thành với các mệnh lệnh của Chúa.

c. Cầu nguyện mỗi ngày

Cầu nguyện là một phần quan trọng trong hành trình đức tin của chúng ta. Trong 1 Thessalônica 5:17, chúng ta được khuyên bảo phải “cầu nguyện không ngừng.” Chúng ta cần dạy con cái mình rằng cầu nguyện không chỉ là cầu xin Chúa ban cho chúng ta những gì chúng ta muốn. Nhưng là mở rộng tấm lòng của chúng ta với Ngài, có lòng biết ơn đối với tất cả các phúc lành mà chúng ta đã nhận được và bày tỏ những mối quan tâm sâu sắc nhất của mình lên Cha trên trời.

Hãy dạy con cái của bạn rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống. Ngài quan tâm đến chúng ta và muốn chúng ta đến gần Ngài hơn. Chúng ta chỉ có thể làm được điều này nếu chúng ta dành đủ thời gian để cầu nguyện. Giống như chúng ta cần thường xuyên giữ liên lạc với những người thân yêu của mình, chúng ta cũng cần thường xuyên liên lạc với Thiên Chúa.

d. Hỗ trợ ước mơ của con bạn

Mỗi đứa con đều có một ước mơ và với tư cách là cha mẹ và người giám hộ, chúng ta có trách nhiệm hỗ trợ ước mơ đó. Khi chúng ta khuyến khích ước mơ của con mình, chúng ta đang cho chúng thấy một minh chứng đơn giản về ý nghĩa của niềm tin. Nhưng chúng ta không được quên nhắc nhở chúng rằng các phúc lành và cơ hội đều đến từ Thiên Chúa. Chúng ta cần giúp con cái mình trở nên tự tin nhưng vẫn khiêm tốn và biết ơn.

e. Suy gẫm những câu Kinh Thánh

Bạn có thể nuôi dưỡng đức tin của con mình bằng cách khuyến khích chúng suy ngẫm những câu Kinh Thánh. Kinh Thánh chứa đầy những câu chuyện đầy cảm hứng và những lời khôn ngoan có thể dùng để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn. Nếu con cái của bạn đang trải qua thời kỳ khó khăn, hãy đưa cho chúng một đoạn Kinh thánh để có thể cùng bạn suy ngẫm.

Ngay cả khi con bạn không gặp phải hoàn cảnh khó khăn nào, bạn vẫn có thể khuyến khích chúng suy ngẫm về Kinh Thánh. Khuyến khích con bạn tập thói quen đọc và suy ngẫm các câu Kinh Thánh ít nhất 10 phút mỗi ngày trước khi ra khỏi giường hoặc trước khi đi ngủ.

Dưới đây là một số câu Kinh thánh về đức tin để giúp bạn bắt đầu:

  • “Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” Máccô 11:24
  • “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” - Rôma 15:13
  • “Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống” - Giacôbê 1:6

Đâu là kinh nghiệm đức tin bị thử thách sớm nhất của bạn? Bạn trau dồi đức tin cá nhân của mình như thế nào?

 

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

từ catholicfaithstore.com

https://www.catholicfaithstore.com/daily-bread/5-ways-to-nurture-your-child/