18. Chia Sẻ Tại Nhà Quàn

CHIA SẺ TẠI NHÀ QUÀN - LM NGUYỄN TẦM THƯỜNG

  •  
    phung phung

    https://keditim.net/?p=131556

     

    Sự Chết - Lm Nguyễn Tầm Thường, Sj.

     

    Khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết. Làm gì có sự chết nếu không có sự sống. Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đời. Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.
     
    Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi. Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau. Trong lớn lên đã có mầm tan rã. Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.
     
    Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết. Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề. Hoàng hôn buông xuống, thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.
     
    Không muốn nghĩ về sự chết tôi cũng chẳng tránh đuợc sự chết.
     
    Tôi có thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không? Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi. Chết ở trong tôi. Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi. Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết. Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.
     
    Trong dòng đời, tôi không sống một mình. Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu. Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình. Chẳng ai đi với tôi. Vì thế, chết mang mầu ly biệt.
     
    Sống là hướng về tương lai. Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh. Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng tích lũy. Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại. Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm tôi thêm đau đớn, nuối tiếc. Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.
     
    Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra. Mà cũng có thể là một thứ nô lệ. Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.
     
    Mà tận hưởng là gì? Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm? Tích lũy?
     
    Kinh Thánh kể:
     
    Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: “Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi”.
     
    Ngài đã nói cùng họ: “Hãy coi chừng! hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải”.
     
    Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: “Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ta phải làm gì? Vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa mầu nữa. Ðoạn người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta: Hồn ơi! mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi! Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc 12,13-21).
     
    Không ai sống hộ tôi. Không ai chết thay tôi. Không ai đi cùng tôi. Tôi sẽ ra đi lẻ loi. Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người. Có thể đôi khi họ nhớ tôi. Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia. Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt. Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.
     
    Chết là mất tất cả. Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tín rằng chết là chiến thắng (1Cor 15,54). Chết là đi về sự sống vĩnh cửu. Chết là gặp gỡ. Gặp Ðấng tạo nên mình. Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi. Chết là điều kiện để sống.
     
    Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?
     
    Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa. Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề. Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa? Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà. Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con. Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.
     
    Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi. Hôm nay hay ngày mai? Mùa thu này hay mùa xuân tới? Con âu lo. Nhưng vì sao phải lo âu?
     
    Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang. Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa. Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn. Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an. Con biết thế, con biết sau khi chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương. Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi. Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao. Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm. Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được. Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thắm quá.
     
    Chung quanh có biết bao mời mọc. Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa. Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai. Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?
     
    Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không. Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá. Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa. Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: “Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm” (Rom 7,15-16). Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.
     

    Ðể khỏi chết khi con chết, thì con phải chết trước khi con chết. Cái chết đó là đóng đinh đời con vào thập giá. Con không biết con can đảm đến đâu. Con chỉ xin sao cho con tiếp tục đi mãi. Ði xiêu vẹo vì yếu đuối của con, nhưng vẫn tiếp tục đi.

     
    Thập giá nào thì cũng có đau thương.
     
    Con không muốn thập giá. Vì thập giá làm con mang thương tích. Chúa cũng đã ngã. Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tự nẩy sinh sự sống. Chúa đã chết. Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết. Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa. Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết. Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con phải yêu sự chết.
     
    Con muốn chết để được sống.
     
    Con sẽ đóng đinh đời con vào thập tự. Chúa ơi, Chúa có cho những lo âu của con là dấu chỉ tình yêu của một tâm hồn yếu đuối, đang thao thức đi tìm Chúa vì sợ mất Chúa không.

    Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.
     
    LM Nguyễn Tầm Thường, SJ  
    Trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc

     From: Le Ngoc Bich & KimBang Nguyen

     

CHIA SẺ TẠI NHÀ QUÀN -

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     


     
    ĐỨC TIN VÀ GIỜ HẤP HỐI
     
    Bên trong tâm hồn của một người có đức tin, nỗi sợ và nghi ngờ khi đứng trước cái chết, điều mà các nhà thần nghiệm gọi là “đêm tối tâm hồn”…
    Chúng ta thường nuôi dưỡng một sự ngây ngô nào đó về ý nghĩa của đức tin khi đối diện với cái chết. Chung chung, tín hữu kitô chúng ta cho rằng ai có đức tin vững mạnh thì đứng trước cái chết họ không sợ hãi và không nghi ngờ. Hàm ý rằng nếu sợ hãi và nghi ngờ khi sắp cái chết là dấu hiệu của một đức tin yếu đuối. Dù đúng là có nhiều người có đức tin mạnh đã không sợ và bình thản trước cái chết, nhưng không phải ai cũng được như vậy và cũng không nhất thiết điều đó là chuẩn mực.
    Chúng ta có thể bắt đầu với Chúa Giêsu. Chắc chắn Ngài có một đức tin vững mạnh, nhưng trước khi chết, Ngài đã kêu lên trong hãi sợ và nghi ngờ. Tiếng kêu khóc thống khổ của Chúa, “Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con” đến từ một nỗi thống khổ thực sự, chứ không phải để tạo hiệu ứng thần linh gì đó như đôi khi chúng ta mặc định theo lòng sùng đạo. Tiếng kêu đó không hẳn hướng về chúng ta, nhưng là một điều chúng ta nên nghe. Một vài phút trước khi chết, Đức Giêsu đã sống giây phút thực sự sợ hãi và nghi ngờ. Đức tin của Ngài đâu mất rồi? Điều này tùy thuộc vào cách chúng ta nghĩ về đức tin và phương cách cụ thể mà nó có thể diễn ra khi chúng ta sắp chết.
    Trong nghiên cứu nổi tiếng của mình về các giai đoạn chết, nữ bác sĩ tâm thần Mỹ Elizabeth Kubler-Ross (1926-2004) đưa ra năm giai đoạn trong tiến trình chết:
    - phủ nhận,
    - giận dữ,
    - mặc cả,
    - trầm cảm,
    - chấp nhận.
    Phản ứng đầu tiên của chúng ta khi nhận chẩn đoán cuối cùng là phủ nhận – chuyện này không thể xảy ra được! Sau đó khi phải chấp nhận thì phản ứng kế tiếp là giận dữ – vì sao là mình! Và giận dữ nhường chỗ cho mặc cả – tôi còn bao nhiêu thời gian nữa để sống? Rồi đến trầm cảm, và khi không làm gì được, chúng ta mới chấp nhận – tôi sắp chết. Tất cả các điều này đều đúng.
    Nhưng trong một quyển sách sâu sắc, Ơn sủng khi hấp hối (The Grace in Dying), bà Kathleen Dowling Singh dựa trên kinh nghiệm khi ở bên đầu giường của những người sắp chết, bà đưa ra các giai đoạn khác: nghi ngờ, cự lại và ngây ngất. Các giai đoạn giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu khi Ngài đối diện với cái chết.
    Đêm trước đó ở vườn Giếtsêmani, rõ ràng Chúa Giêsu đã chấp nhận mình sẽ chết. Nhưng sự chấp nhận này chưa phải là cự lại hoàn toàn. Nó chỉ xảy ra ngày hôm sau trên thập giá, trong khi trút hơi thở cuối cùng như các Phúc âm tường thuật, Ngài gục đầu xuống và trút hơi thở cuối cùng. Ngay trước đó, Ngài đã trải qua cơn hãi sợ khủng khiếp, rằng những gì Ngài luôn tin và được dạy về Chúa có thể là không phải. Có lẽ thiên đàng trống rỗng, có lẽ những gì chúng ta xem là các hứa hẹn của Chúa chỉ là một mơ ước sốt sắng.
    Nhưng như chúng ta biết, Ngài đã không nhường bước trước các nghi ngờ đó, đúng hơn là bên trong các bóng tối này. Chúa Giêsu đã chết trong đức tin – nhưng không trong những gì chúng ta ngây thơ nghĩ về đức tin. Chết trong đức tin không phải lúc nào cũng chết bình thản, không sợ, không nghi ngờ.
    Chẳng hạn linh mục học giả Kinh Thánh nổi tiếng Raymond E. Brown (1928-1998) đã bình giải về nỗi sợ cái chết trong cộng đoàn của Người môn đệ Yêu dấu: “Cùng đích của cái chết và sự bấp bênh của nó đã làm cho những người suốt đời tin vào Chúa Kitô run rẩy. Thật vậy, không hiếm khi trong cộng đoàn nhỏ các Môn đệ Thánh Gioan đã thú nhận mình nghi ngờ khi trong đầu nghĩ đến cái chết… Câu chuyện của ông Ladarô trong phần cuối đời sống hoạt động của Chúa Giêsu trong Phúc âm Thánh Gioan là để dạy chúng ta đối diện với thực tế hữu hình, đó là nấm mồ, tất cả chúng ta đều cần nghe, cần nắm lấy thông điệp táo bạo mà Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta là sự sống”… Đối với Thánh Gioan, cho dù chúng ta có tuyên xưng lại đức tin bao nhiêu lần, thì thử thách tối hậu vẫn là cái chết. Dù đó là cái chết của người thân hay của chính mình, đó là giây phút mà chúng ta nhận ra, tất cả đều tùy thuộc vào Chúa. Trong suốt cuộc đời, chúng ta đã bảo vệ mình trước sự thật phũ phàng này. Nhưng đứng trước cái chết, tất cả mọi phòng thủ đều rơi rụng.”
    Đôi khi những người có đức tin sâu đậm bình thản và yên bình đối diện với cái chết. Nhưng thỉnh thoảng cũng có người không làm được, nỗi sợ và các nghi ngờ đe đọa họ không nhất thiết đó là dấu hiệu của một đức tin yếu đuối hoặc chùn bước. Điều này có thể ngược lại, như chúng ta thấy trong trường hợp Chúa Giêsu. Bên trong tâm hồn của một người có đức tin, nỗi sợ và nghi ngờ khi đứng trước cái chết, điều mà các nhà thần nghiệm gọi là “đêm tối tâm hồn”… và những gì xảy ra bên trong kinh nghiệm này là: sợ và nghi ngờ non nớt mà chúng ta cảm nhận lúc này là chúng ta không thể nhầm lẫn chính mình với nguồn sinh lực của chúng ta cho Chúa.
     
    Khi chúng ta phải chấp nhận chết với niềm tin tưởng bên trong với những gì có vẻ như là sự phủ nhận tuyệt đối, và chúng ta chỉ có thể kêu lên trong thống khổ với một sự trống rỗng rõ ràng, thì không còn có thể nhầm lẫn Chúa với cảm xúc và bản ngã của chính chúng ta. Trong điểm này, chúng ta trải nghiệm một sự thanh lọc cuối cùng của tâm hồn. Chúng ta có thể có một đức tin sâu đậm nhưng vẫn cảm thấy nghi ngờ và sợ hãi trước cái chết. Cứ nhìn vào Chúa Giêsu là thấy.
    Ronald Rolheiser,
    Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
     

CHIA SẺ TẠI NHÀ QUÀN - NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG TIẾC NHẤT

  •  
    Chi Tran

     
     
    Chủ đề: Những điều đáng tiếc nhất trước khi chết
     


     
    Những điều đáng tiếc nhất trước khi chết
     
    Nếu bây giờ bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng đang ở trong chính đám tang của mình, điều gì sẽ khiến bạn cảm thấy hối tiếc nhất?
    Nghe có vẻ rất đáng sợ nhưng thực chất lại rất có ý nghĩa? Bạn thử suy nghĩ kỹ mà xem, bạn hy vọng cuối cùng sẽ có cuộc sống như thế nảo? Giá trị của cuộc sống đã thực hiện được chưa? Có điều con người thường mang theo những nuối tiếc mà chết đi. Dưới đây là 10 điều đáng tiếc nhất trước khi chết, hi vọng mọi người có thể nắm rõ và thực hiện để trong cuộc đời không phải nuối tiếc bất cứ điều gì .
    Chet lanh
    1. Giá mà tôi không dành quá nhiều thời gian cho công việc như thế
    Mặc dù chúng ta hi vọng có cuộc sống thoải mải một chút, và cũng có thể ý thức được rằng sự nghiệp hay kinh tế ổn định chưa chắc đã mang lại một cuộc sống viên mãn nhưng chúng ta lại vẫn cứ luôn theo đuổi cái được gọi là thành công để rồi cuối cùng phát hiện ra rằng mất nhiều hơn là được.
    Gía như lúc trước tôi đừng quá chú tâm vào công việc
    2. Nuối tiếc vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho gia đình
    Một số người quá tập trung cho công việc và lãng quên tất cả nhưng phần còn lại của cuộc sống đến lúc nhận ra họ đã đặt ưu tiên sai chỗ thì đã quá muộn.
    3. Giá mà lần nói chuyện cuối cùng tôi có thể nói những lời yêu thương với anh ấy/cô ấy
    Cuộc sống ngắn ngủi, bạn sẽ không thể nhớ đã nói những lời yêu thương với cô ấy/ anh ấy vào khi nào, nhưng khi sắp phải đối mặt với cái chết hình ảnh đó lại hiện rõ mồn một khiến bạn dày vò, tiếc nuối.
    4. Giá mà biết cảm kích người khác nhiều hơn
    Luôn cho rằng những công sức do người khác bỏ ra là điều đương nhiên, cách nghĩ này thường tạo thành những kết quả rất khó giải quyết, khiến ta quên mất lời cảm ơn và sự báo đáp đối với người khác.
    5. Giá mà tôi có thể sống tốt hơn trong lúc đó
    Nhìn những đứa trẻ lớn lên từng ngày mới cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Khi chúng ta ngày càng già đi theo thời gian thì lại sợ rằng không thể làm được tốt hơn như lúc đó.
    6. Ước gì tôi đã để bản thân mình được sống hạnh phúc hơn
    Thực tế khi có “tâm trạng” mỗi chúng ta đều có thể tự khống chế nó được, thậm chí “ tâm trạng” đó còn gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh . Nhìn thoáng ra một chút đối với mọi sự vật sự việc không nên quá xét nét và cố chấp, như vậy sẽ khiến cuộc sống trở lên hạnh phúc hơn. Thế nhưng khi chúng ta nhận ra điều này thì đã muộn.
    Nhìn nhận sự việc một cách khôn khéo, không quá xét nét hay cố chấp để sống hạnh phúc hơn, không mệt mỏi
    7. Giá như tôi không quá để tâm đến cách người khác nhìn tôi như thế nào
    Khi chúng ta nhận ra được việc mọi người nhìn nhận thế nào về bản thân mình đều không quan trọng, thì đó cũng là lúc chúng ta biết được rằng quá để tâm đến cách người khác nhìn mình như thế nào quả thực là lãng phí thời gian.
    8. Giá như tôi không quá yêu bản thân mình
    Tự cho mình là trung tâm, không để ý tới mọi người xung quanh là nguyên nhân bạn không nhận được sự hoan nghênh của mọi người. Thực ra khi bạn nhìn thấy những ưu điểm của người khác mà không đố kỵ vẫn cùng họ chúc tụng chia sẻ niềm vui bạn sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều.
    9. Giá như có thể vì mọi người làm được nhiều việc hơn nữa
    Luôn vì mọi người, giúp đỡ mọi người sẽ khiến cuộc sống của chúng ta thú vị hơn nhiều.
    10. Giá như có thể hoàn thành được nhiều việc hơn
    Bạn không nhất thiết phải giành được một huy chương vàng Olympic, hay có được một công ty cho riêng mình… nhưng có thể tự đạt được những thành tựu mang giá trị cá nhân mới là việc quan trọng. Có lẽ là vì để giúp đỡ người khác hoặc làm một số việc khiến chúng ta cảm thấy có ý nghĩa hơn.
    Nguồn: NTDTV
    Download all attachments as a zip file
    • 1657869480620blob.jpg
      181.2kB
    • 1657869480620blob.jpg
      181.2kB

CHIA SẺ TẠI NHÀ QUÀN - NẾU BIẾT TRƯỚC MÌNH CHẾT

  •  
    Chi Tran - LEYEN

     
     
     
     
     


     
    Bạn sẽ làm gì nếu biết trước ngày mình lìa đời
    Rachel Nuwer
    BBC Future
     
    Bạn và tất cả những người bạn từng biết một ngày nào đó đều sẽ phải giã từ thế giới.
    Theo một số nhà tâm lý học, sự thật phũ phàng này luôn luôn lẩn khuất ở một góc kín trong đầu óc của chúng ta và cuối cùng sẽ xui khiến tất cả những gì chúng ta làm, từ việc quyết định đi nhà thờ, ăn rau củ, đi tập thể hình cho đến tạo động lực cho ta có con cái, viết sách hay mở công ty.
    Sợ hãi, lo lắng
    Đối với những người khỏe mạnh, cái chết thường ẩn khuất trong tâm tưởng, và gây ảnh hưởng lên họ ở mức độ tiềm thức.
    "Phần lớn thời gian chúng ta sống ngày qua ngày mà không để ý hay không nghĩ đến cái chết," Chris Feudtner, bác sỹ nhi tại Bệnh viện Nhi Philadelphia và Đại học Pennsylvania, nói.
    "Chúng ta đương đầu với cái chết bằng cách tập trung vào những điều trực tiếp hơn trước mắt chúng ta."
    Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu không còn sự mơ hồ xung quanh sự diệt vong của chúng ta nữa? Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng ta được biết ngày tháng chính xác và cách chúng ta chết?
    Tuy đó là điều đương nhiên không thể xảy ra, nhưng việc xem xét kỹ kịch bản giả định này có thể giúp ta hiểu được động cơ của mình, vừa như một cá nhân riêng rẽ vừa như một thành viên xã hội, và hé lộ cách tốt nhất để dùng khoảng thời gian có hạn mà ta có được trên cõi đời.
    Trước hết, hãy xác định những gì ta đã biết về cách thức mà cái chết định hình hành vi của ta trong đời thực.
    Vào những năm 1980, các nhà tâm lý học đã quan tâm đến việc chúng ta ứng phó với nỗi lo lắng và sợ hãi tràn ngập ra sao khi nhận ra rằng chúng ta không là gì khác là bao những 'miếng thịt tự nhận thức biết thở, biết đi đại tiện mà có thể chết bất cứ lúc nào," Sheldon Solomon, giáo sư tâm lý tại Trường Skidmore, nói.
    Theo lý thuyết quản lý nỗi kinh sợ, thuật ngữ mà Solomon và các đồng sự của ông sáng tạo ra để gọi những phát hiện của họ, thì con người chấp nhận những niềm tin do văn hóa tạo dựng nên, theo đó cho rằng thế giới này là có ý nghĩa và rằng cuộc đời của chúng ta là có giá trị, qua đó cố đẩy lùi nỗi kinh sợ về sự sinh diệt vốn làm cho chúng ta tê liệt.
    Yếm thế và tiêu cực
    Trong hơn 1.000 thí nghiệm được đồng nghiệp đánh giá, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi được nhắc là chúng ta sắp từ giã cõi đời, chúng ta sẽ càng bấu víu chặt hơn vào những niềm tin văn hóa và cố khẳng định giá trị bản thân. Chúng ta sẽ càng kiên định với niềm tin của mình hơn và phản ứng một cách thù địch với bất cứ điều gì đe dọa những niềm tin này.
    Thậm chí những ý thức rất rất tinh tế về cái chết - sự xuất hiện của từ 'chết' trên màn hình máy tính chỉ 42,8 phần ngàn giây hay một cuộc hội thoại xảy ra trong khi nhìn thấy một nhà tang lễ - cũng đủ để kích hoạt sự thay đổi trong hành vi.
    Những thay đổi này sẽ diễn ra như thế nào?
    Khi được nhắc nhở về cái chết, chúng ta sẽ đối xử tốt hơn với những ai giống với chúng ta về ngoại hình, xu thế chính trị, nơi xuất thân và niềm tin tôn giáo. Chúng ta trở nên khinh mạn hơn và hung dữ hơn đối với những ai không có những điều tương đồng này.
    Chúng ta sẽ có sự gắn bó sâu đậm hơn với người bạn đời vốn khiến cho nhân sinh quan của chúng ta có giá trị. Và chúng ta sẽ có khuynh hướng bỏ phiếu cho những nhà lãnh đạo hùng hồn có lập trường cứng rắn.
    Chúng ta cũng trở nên yếm thế hơn: tha hồ uống rượu bia, hút thuốc, mua sắm và ăn uống - và chúng ta ít quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.
    Nếu đột nhiên tất cả mọi người có thể biết được ngày giờ và cách họ chết, xã hội nhiều khả năng sẽ trở nên kỳ thị sắc tộc, bài ngoại, bạo lực, hiếu chiến, tự hủy hoại và tàn phá môi trường nhiều hơn trước.
    Suy gẫm về cái chết
    Các nhà nghiên cứu như Solomon hy vọng rằng bằng cách nhận thức rõ hơn những tác động tiêu cực mà nỗi sợ cái chết gây ra, chúng ta có thể đẩy lùi được chúng.
    Thật ra, các nhà khoa học đã ghi nhận được một số trường hợp không đi theo xu thế chung này. Chẳng hạn như các nhà sư Phật giáo ở Hàn Quốc không hề phản ứng như thế trước cái chết.
    Các nhà nghiên cứu đã xem xét một kiểu suy nghĩ được gọi là 'suy gẫm về cái chết', theo đó yêu cầu mọi người không nghĩ về cái chết một cách chung chung mà nghĩ về đúng cách mà họ chết và tác động của việc họ chết đối với người thân của mình. Và họ nhận ra rằng điều này gây ra rất nhiều phản ứng khác nhau.
    Khi đó, mọi người sẽ trở nên vị tha và biết hy sinh bản thân nhiều hơn. Chẳng hạn như họ sẵn sàng hiến máu bất chấp xã hội có nhu cầu lớn về nguồn máu hay không. Họ cũng sẽ trở nên cởi mở hơn trong việc suy ngẫm về vai trò của cả những sự kiện tích cực lẫn tiêu cực mà họ từng trải qua trong đời.
    Như vậy, việc biết được thời khắc ta chết có thể khiến chúng ta tập trung nhiều hơn về các mục tiêu trong cuộc đời và các mối quan hệ xã hội thay vì thu mình lại.
    Bình tĩnh chấp nhận
    Điều này đặc biệt đúng "nếu như chúng ta thúc đẩy những chiến lược giúp ta chấp nhận rằng cái chết là một phần tất yếu của sự sống, và đưa nhận thức này vào những lựa chọn, ứng xử hàng ngày của chúng ta," Eva Jonas, giáo sư tâm lý tại Đại học Salzburg, nói.
    "Hiểu được sự mong manh của cuộc sống sẽ giúp ta ý thức được rõ hơn về giá trị cuộc sống và nhìn nhận được rằng 'tất cả chúng ta đều cùng trên một con thuyền'," làm tăng lòng khoan dung và lòng trắc ẩn, đồng thời giúp giảm thiểu những phản ứng phòng vệ.
    Cho dù toàn thể xã hội có chuyển biến xấu hay tốt, thì từ cái nhìn cá nhân, việc chúng ta phản ứng thế nào khi biết được về cái chết của mình sẽ thay đổi tùy vào nhân cách và những đặc điểm cụ thể của những sự kiện trọng đại.
    "Bạn càng bị loạn thần kinh và lo lắng chừng nào, thì bạn càng lo nghĩ về cái chết nhiều chừng đó và không thể nào tập trung vào những thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống," Laura Blackie, phó giáo sư tâm lý tại Đại học Nottingham, giải thích.
    "Tuy nhiên mặt khác, nếu như bạn biết được rằng bạn qua đời một cách an lành trong giấc ngủ khi 90 tuổi thì bạn cũng vẫn không có động lực nhiều như thế để sống có ý nghĩa, kiểu như là 'Ồ, vậy thì tốt, sống tiếp thôi'."
    Chụp lại hình ảnh,
    Việc biết trước về thời điểm mình chết khiến nhiều người muốn làm nhiều điều có ích hơn cho xã hội, chẳng hạn như đi hiến máu
    Tuy nhiên, cho dù cuộc đời của bạn kết thúc ở năm 13 tuổi hay 113 tuổi, những nghiên cứu ở những người bệnh kinh niên có thể soi rọi về cách phản ứng điển hình trước cái chết.
    Sống tốt hay buông xuôi?
    Các bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn cuối đời, Feudtner nói, thường trải qua hai giai đoạn suy nghĩ.
    Trước hết, họ đặt câu hỏi về chính kết quả chẩn đoán sức khoẻ. Họ tự hỏi liệu có phải cái chết chắc chắn là không thể tránh khỏi hay không, hay thật ra họ vẫn có thể chiến đấu chống lại nó.
    Sau đó, họ suy ngẫm xem làm cách nào để tận dụng tối đa thời gian còn lại trên đời.
    Đa số mọi người đều thuộc vào một trong hai nhóm: Hoặc là họ quyết định dành toàn bộ năng lượng và sự tập trung của mình để làm tất cả những gì có thể để chiến thắng bệnh tật, hoặc là họ chọn suy nghĩ về cuộc đời mình và dành nhiều thời gian nhất có thể ở bên cạnh những người thân yêu và làm những điều đem đến hạnh phúc cho người thân.
    Quá trình tương tự cũng có khả năng diễn ra trong kịch bản ngày qua đời giả định.
    "Ngay cả khi bạn biết mình sống thêm 60 năm nữa, thì cuối cùng tuổi thọ của bạn sẽ được tính bằng một vài năm, vài tháng hay vài ngày," Feudtner nói.
    "Một khi chiếc đồng hồ đếm ngược đó ngày càng cạn đến mức còn quá ít thời gian, tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến mọi người đi ở một trong hai hướng khác nhau này."
    Những người chọn cách cố gắng chế ngự cái chết có thể trở nên quá nhạy cảm với việc phải né tránh nó, nhất là khi họ bị cạn kiệt thời gian.
    Chẳng hạn như một ai đó nếu biết được rằng định mệnh khiến họ sẽ chết đuối thì họ sẽ tập bơi không ngừng để có thể đấu tranh sinh tồn, trong khi một người biết được rằng họ sẽ chết vì tai nạn giao thông sẽ chọn tránh đi xe bằng bất cứ giá nào.
    Động lực để nỗ lực hơn
    Tuy nhiên, những người khác có thể đi theo con đường ngược lại - tìm cách đánh lừa cái chết được báo trước của mình bằng cách tự kết liễu đời mình theo cách của họ. Điều này có thể cho phép họ giành quyền kiểm soát với quá trình này.
    Jonas và các đồng sự của bà nhận thấy rằng khi họ yêu cầu mọi người hình dung rằng họ sẽ chịu một cái chết đau đớn và từ từ do bệnh tật thì những ai được tự chọn cho mình cách chết sẽ có cảm giác tự chủ nhiều hơn, và họ thể hiện ít thiên kiến liên quan đến nỗi sợ chết.
    Những ai đi theo con đường chấp nhận án tử cho mình tương tự cũng phản ứng bằng nhiều cách khác nhau.
    Một số người sẽ lấy hết sức lực để tận dụng tốt nhất thời gian họ có và đạt đến đỉnh cao hơn nữa về thành tựu sáng tạo, khoa học, xã hội hay kinh doanh mà bình thường họ không thể đạt được.
    "Điều tôi muốn nghĩ là biết được ngày giờ mình sẽ qua đời sẽ khiến chúng ta phát huy phần tốt đẹp nhất của bản thân mình, nó sẽ tạo cho chúng ta chiều sâu tâm lý để có khả năng làm được nhiều hơn cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng," Solomon nói.
    Thật ra, có bằng chứng từ những người sống sót sau sang chấn cho thấy việc biết được chúng ta chỉ còn lại chút ít thời gian ngắn ngủi có thể kích thích việc nỗ lực hoàn thiện bản thân.
    Mặc dù khó mà thu thập dữ liệu nền tảng đối với những người này, nhiều người khẳng định rằng họ đã thay đổi sâu sắc một cách tích cực.
    "Họ nói họ trở nên mạnh mẽ hơn, sống đời sống tâm linh nhiều hơn, nhận ra được thêm nhiều khả năng tích cực và trân trọng cuộc sống nhiều hơn," Blackie nói.
    "Họ đã nhận thức được rằng: 'Ồ, cuộc sống quá ngắn ngủi, một ngày nào đó tôi sẽ chết, tôi nên tận dụng tối đa cuộc sống."
    Có cố cũng vô nghĩa
    Tuy nhiên, không phải ai cũng trở nên con người tốt nhất có thể.
    Thay vào đó, nhiều người quyết định lánh xa cuộc sống và thôi làm những việc có ý nghĩa cho xã hội. Không hẳn bởi vì họ lười biếng, mà là vì họ bị xâm chiếm bởi cảm giác vô nghĩa. Như Caitlin Doughty, một người nghiên cứu về cái chết, đã diễn giải: "Liệu anh có viết bài báo đó nếu như anh biết rằng anh sẽ chết vào tháng Sáu tới?" (Có lẽ là không.)
    Cảm giác vô nghĩa cũng sẽ khiến nhiều người từ bỏ lối sống lành mạnh.
    NGUỒN GETTY IMAGES
    Không có mô tả ảnh.
     
     
     

    Facebook

     

     
     
     
    1Anna Tini
     
     
     
     

CHIA SẺ TẠI NHÀ QUÀN - HẠNH PHÚC AI CHẾT LÀNH


  •  
    Chi Tran

     
     
     
     
     


     

    HẠNH PHÚC CHO NHỮNG NGƯỜI CHẾT LÀNH

    I. Ước ao chết

    Thánh Bê-na-đô nói: “Sự chết không phải chỉ hết lao tác, mà còn là cửa vào kiếp hằng sống.”

    Ai muốn hưởng nhan Thánh Chúa đều phải qua đó.

    “ Này đây cửa nhà Giavê, những kẻ công-chính sẽ được bước vào.” (Thánh Vịnh 118 : 20 ).

    Thánh Giê-rô-ni-mô (Jêrome) gọi sự chết và nói: “Này chị, hãy mở cho tôi vào.”

    Sự chết, chị tôi ơi, nếu chị không mở cửa cho tôi, tôi không thể nào vào hưởng hoan-lạc với Chúa được. Thánh Bo-ro-mê-ô, lúc thấy trên nhà mình có một bức tranh vẽ một bộ xương người và một cái lưỡi hái, đã cho gọi hoa-sĩ bảo bôi bỏ hình lưỡi hái, và vẽ thay vào đó hình chìa khoá bằng vàng, để thánh nhân ngày càng ước ao sự chết, vì qua sự chết, ngài được vào với Chúa.

    Thánh Gioan Cờ-rit-dô-tôm đã nói: “Đặt giả-thuyết một ông vua đã sửa-soạn mấy căn phòng sang trọng cho một người trong cung điện nhà vua, nhưng hiện nay nhà vua bắt người ấy sống tạm chờ đợi trong một túp lều xiêu vẹo, hỏi người đó ao ước biết bao được rời bỏ túp lều để vào toạ-hưởng cung-điện nhà vua!”

    Vua Thánh Đavid đã than thở: "Xin đưa hồn con ra khỏi cảnh tù đày này. (Thánh Vịnh 141: 10 )

    Ông già Simêông, khi ẳm Chúa Hài-Đồng trong tay, đã không xin đặc-ân nào khác ngoài việc xin được ra khỏi cuộc sống trần gian“Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa chết bằng an.” (Luca 2 : 29).

    Thánh Am-brô-si-ô giải thích“Ông già Xi-mê-ong nài xin được chết, nếu không quá cần thiết phải giữ ông lại nữa.”

    Thánh Phao-lồ cũng ước muốn đặc ân đó khi ông than thở: “Tôi ước ao chết để được ở với Chúa Kitô.” ( Phi-lip-phê. 1: 23 )

    Ông quan hầu cận vua Pha-ra-ông đã vui mừng biết bao, khi ông Giuse giải cơn mộng cho ông và nói rằng nay mai ông sẽ rời khỏi cảnh tù đày này và được phục chức! Sao một linh hồn hằng mến Chúa lại không hớn hở khi hay tin không bao lâu nữa sẽ được lìa khỏi thế gian này về hưởng dung nhan Chúa?

    “Chúng ta hãy vững lòng tin tưởng, vì chúng ta biết rằng, bao lâu chúng ta còn sống trong thân xác, chúng ta còn xa cách Chúa.” (2 Cô-rin-tô 5 :6 )

    II. Qua sự chết vào cõi hằng sống

    Bao lâu hồn chúng ta còn ở trong thân xác, chúng ta còn sống xa cách Chúa, trong một miền đất lạ, chưa được vào quê thật. Vì thế, thánh Brunô nói: “Không được gọi là chết, mà chính là bắt đầu cuộc sống mới.”

    Cái chết của các Thánh gọi là ngày giờ khai-sinh, vì qua cái chết, các Ngài được sinh lại trong cuộc sống hạnh-phúc muôn đời bất diệt. Thánh Athanasiô nói:“Người công-chính không chết, nhưng được hoán chuyển.”

    Cái chết của người công-chính chỉ là một cuộc chuyển qua cuộc sống đời đời. Thánh Augustinô nói: “Cái chết đáng yêu quí biết bao, vì chết là hết nỗi âu-lo, hết lao-tác và bắt đầu cuộc an nghỉ đời đời.”

    Vì thế, Thánh nhân nguyện cầu: “Lạy Chúa, xin cho con chết để hưởng nhan thánh Chúa!”

    Thánh Xi-pờ-ri-ăng nói: “Người tội-lỗi kinh hãi sự chết, vì họ qua cái chết họ phải hư mất đời đời.”

    Trái lại, người lành thánh lại qua cái chết vào cõi hằng sống. Thánh Gioan Almonê kể chuyện một nhà phú-hộ kia bảo đứa con trai một cầu nguyện với các Thánh cho con ông được sống lâu trong ơn nghĩa Chúa, nhưng rủi thay, đứa con trai yêu quí của ông chết sớm. Khi đang than khóc về cái chết bất hạnh của con, Chúa cho một thiên-thần đến nói với ông: “Ông xin cho con được sống lâu, nhưng ông hãy vui lên vì con ông đang được hưởng hạnh-phúc đời đời trên Thiên-đàng.”

    Đó cũng là hồng-ân Chúa đã dành cho chúng ta khi Ngài đã hứa với Ôsê: “Ta sẽ chuộc chúng khỏi tay âm phủ.” (Hô-sê 13.14).

    Chúa Giêsu chết vì chúng ta, để ban cho chúng ta sự sống. Khi bị lôi đi hành quyết, thánh tử đạo Piôniô vui mừng hớn hở. Tên đao-phủ hỏi ông về thái-độ khác thường đó, Thánh nhân trả lời: “Ông lầm to. Tôi không đi đến chỗ chết, nhưng tôi đang đi đến cõi sống.”

    Thánh trẻ Xim-phô-ri-ăng được bà mẹ khuyến-khích đi đến giờ tử hình: “Con yêu quí của mẹ, sự sống của con không mất đâu, nó chỉ biến đổi sang sự sống khác tốt đẹp hơn mà thôi.”

    LỜI NGUYỆN CẬY TRÔNG

    Lạy Chúa! Con đã xúc phạm đến Chúa bằng cách quay lưng lại với Chúa, nhưng Con Chúa lại làm vinh-danh Chúa bằng hy-sinh cuộc sống trên thập-giá. Vì Đức Giêsu, con yêu dấu Chúa, xin Chúa thứ tha các lỗi lầm cho con. Con xin hứa từ rày về sau sẽ yêu một mình Chúa mà thôi.

    Con biết rằng những sự tốt lành con có bây giờ là do lòng thương yêu vô cùng của Chúa. Trước đây con đã làm cực lòng Chúa, nay con xin làm vui lòng Chúa mãi mãi.

    Xin Chúa cứ tiếp tục thương giúp con, và con hy-vọng rằng từ đây con hoàn toàn thuộc về Chúa. Con xin khước-từ các cuộc vui giả-trá trần gian và chỉ chú tâm vào việc làm đẹp lòng Chúa, Đấng rất đáng mến yêu và đã thương yêu con vô vàn. Con chỉ xin Chúa tình yêu, và được yêu Chúa mãi mãi cho đến khi chiếm được nước tình yêu.

    Lạy Mẹ Maria, Mẹ con, Mẹ đã yêu Chúa thật nhiều, và Mẹ cũng muốn loài người kính mến Chúa, xin Mẹ giúp con mến Chúa thật nhiều ở đời này, để sau này con cũng yêu mến Chúa thật nhiều trên Thiên đàng.

     (Thánh An-Phong Ligouri do Phêrô Bùi Đắc Hữu chuyển ngữ)