Thánh Tâm Chúa

HIỂU LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC SÙNG KÍNH


Khi tôi còn nhỏ, một bức tranh rất đẹp về Thánh Tâm Chúa Giêsu được treo trong phòng ngủ của cha mẹ tôi. Một Chúa Giêsu tươi cười ấm áp âu yếm chỉ vào trái tim bị đâm thâu và đội mão gai của Ngài, trong một cử chỉ mời gọi liên lỉ. Bất cứ khi nào nhìn vào bức tranh đó, tôi đều cảm thấy dễ chịu - được ôm ấp, được yêu thương, được chăm sóc - như thể Chúa đang mời gọi tôi bước vào niềm vui và sự bình an của Ngài. Mẹ tôi rất sùng kính Thánh Tâm; mỗi Thứ Sáu Đầu Tháng, chúng tôi lại dâng đời sống mình cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu.

Mỗi mùa hè - thường là vào tháng Sáu - chúng ta cử hành lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu và đến gần lòng thương xót dịu dàng và sự tha thứ của Chúa. Về mặt thơ ca, trái tim là biểu tượng của trung tâm con người - cảm xúc, tình yêu, đam mê, ham muốn, sức mạnh của ý chí. Trong cuốn sách “The Sacred Heart of the World – Trái Tim Linh Thánh của Thế giới”, David Richo giải thích: “Trái tim của chúng ta là trung tâm mềm mại của cái tôi vô ngã và trái tim đó có một mong muốn: mở ra. Trái tim có khả năng mở ra… Nó chứa đựng khả năng vươn tới của chúng ta nên nó là liều thuốc giải độc cho sự tuyệt vọng… Việc chiêm ngắm Trái tim Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chúng ta thực sự sâu xa biết bao, tiềm năng yêu thương của chúng ta bao la biết bao, khát khao ánh sáng của chúng ta cao cả biết bao.” (The Sacred Heart of the World: Restoring Mystical Devotion to Our Spiritual Life, Paulist Press: 2007)

Trong Tin Mừng, Trái Tim Chúa Giêsu chạnh lòng thương đám đông: “Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9:36) và Ngài nói với chúng ta rằng Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:29). Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bắt đầu đập trong cung lòng Đức Trinh Nữ hơn 2000 năm trước, ngày nay vẫn đập trong nhân tính vinh hiển của Chúa Kitô Phục Sinh. Và Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ rung động mãi mãi, tuôn đổ ân sủng, lòng thương xót và sự sống của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Nơi Trái Tim Chúa, chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót bao la của Thiên Chúa và ước muốn vô biên của Ngài là được kết hiệp với chúng ta.

Qua nhiều thế kỷ, nhiều Kitô hữu đã hình thành những hình ảnh về một Thiên Chúa khắc nghiệt và Chúa Giêsu như quan tòa đáng sợ, xa cách những công việc của con người, sẵn sàng trừng phạt những kẻ vi phạm đạo đức. Chủ thuyết Jansenius, đặc biệt phổ biến ở Pháp vào thế kỷ 16 và 17, nhấn mạnh quá mức đến cơn thịnh nộ của Chúa, đến sự không xứng đáng của bản tính con người và nỗi sợ hãi như một đáp trả cơ bản đối với Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Maria và các thánh đã trở thành những người chuyển cầu thân thiện, dễ gần; các ngài đến với Chúa chuyển cầu cho chúng ta, cầu xin cho những linh hồn tội lỗi và lầm lạc.

Được nhìn nhận trong bối cảnh này, các cuộc hiện ra của Thánh Tâm Chúa Giêsu với Thánh Margarita Maria Alacoque cho thấy nhu cầu về một sự điều chỉnh thần học và sự cân bằng tâm linh liên quan đến nhận thức của nhiều người về Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã mạc khải cho thánh nhân Trái Tim của Ngài bừng cháy tình yêu nhân loại. Bị đâm thâu và đóng đinh - mang đến sự cứu rỗi và lòng thương xót - Trái Tim của Chúa Giêsu khao khát chúng ta dâng hiến tình yêu và lòng sùng kính của chúng ta cho Ngài. Nếu một số hình thức linh đạo méo mó chỉ tập trung vào sự trừng phạt của Chúa, thì Thánh Tâm lại nhấn mạnh đến lòng thương xót. Nếu nhiều tín hữu sợ hãi Thiên Chúa quá mức, thì ở đây tình yêu và niềm vui của Thiên Chúa đã được bày tỏ. Nếu trước đây Chúa Giêsu có vẻ xa vời và khó gần, thì Thánh Tâm vẫy gọi chúng ta bước vào lò lửa bác ái thần linh.

Thánh Margarita Maria đã mô tả kinh nghiệm của mình về Chúa: “Trái tim thần linh của Cha yêu mến loài người và đặc biệt là con, đến nỗi Trái tim Cha không thể kìm nén ngọn lửa yêu thương đang cháy bỏng của nó lâu hơn nữa. Ngọn lửa yêu thương ấy phải bộc phát qua con và mặc khải Trái Tim Cha cho thế giới, để làm phong phú nhân loại bằng kho báu của Cha.” (Ngày 27 tháng 12 năm 1673, Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Margarita Maria Alocoque). Sau sự mặc khải này, Chúa Giêsu đã kết hợp trái tim của thánh nữ với Trái Tim của Ngài trong sự kết hợp tình yêu và niềm vui bí nhiệm.

Như thánh Gioan nhắc nhở chúng ta, “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:16), là Đấng đã hiến thân vì người khác, mong muốn phần rỗi đời đời của chúng ta, tìm kiếm những kẻ lạc mất và mang những con chiên lang thang về nhà. Toàn bộ cuộc đời của Chúa Kitô là một sứ mệnh của lòng thương xót, trong tư cách là Chúa Con, hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, nhập thể làm người trong xác thịt  như chúng ta - rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa lành bệnh tật, tha thứ cho kẻ có tội, cho kẻ đói ăn và cuối cùng là hiến dâng sự sống của Ngài trên thập giá. Mỗi lời nói, hành động, cử chỉ và thái độ của Chúa Giêsu đều thể hiện một tình yêu trọn vẹn, trong ngần và không vụ lợi đối với mỗi người. Nếu yêu thương có nghĩa là sẵn sàng làm điều tốt lành cho người khác, hoàn toàn không tư lợi, thì chúng ta thấy sự hoàn hảo của đức ái như thế nơi Trái Tim bừng cháy của Chúa Kitô.

Để chúng ta không nghĩ rằng một tình yêu như thế là ngây thơ, đơn giản hay dễ dãi, Thánh Tâm Chúa tỏa sáng ra, đội mão gai, bị đâm thâu và chảy máu. Sự đóng đinh của Chúa Kitô là con đường đáng sợ xuyên qua thung lũng bóng tối và sự dữ mà chính Thiên Chúa bước đi, ôm lấy mọi thứ tội lỗi, mọi đổ vỡ và chết chóc đang gài bẫy và hủy diệt chúng ta. Bằng cách im lặng trước những kẻ bắt bớ Ngài, cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài, yêu thương một tên trộm đang hấp hối và xin ơn tha thứ cho những kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu cho thấy rằng tình yêu vô điều kiện, vô hạn và thần linh của Trái Tim Ngài là sức mạnh duy nhất có thể chữa lành thế gian khỏi hận thù, tội lỗi và chối bỏ Chúa. Bằng cách gánh lấy toàn bộ tội ác của con người do mọi người ở mọi thời đại gây ra, Chúa Kitô biến đổi bóng tối bao trùm này thành ánh sáng Phục sinh.

Hành động triệt để

Trong hành động cứu độ triệt để này, Chúa phục vụ giống như một võ sĩ đấu aikido. Aikido là một hình thức võ thuật trong đó mục tiêu là khiến đối thủ của mình bị tước mất vũ khí, không bị thương và nằm cười trên mặt đất! Bằng cách làm tiêu tan và chệch hướng năng lượng tiêu cực hung hãn của kẻ tấn công, võ sĩ aikido tước vũ khí của đối phương bằng cách biến bạo lực thành một sức mạnh nhẹ nhàng nhưng vững chắc không làm tổn thương ai, ngăn chặn sự hung hăng. Đây không phải là những gì Chúa Giêsu đã làm trong cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài sao? Ngài hấp thu tất cả bạo lực, xấu xa, hận thù và tội lỗi của thế gian vào trong mình, để cho chúng giết chết Ngài và dường như tiêu diệt sinh lực yêu thương, chữa lành và bình an của Ngài. Nhưng bằng cách nhận lấy tất cả bóng tối, Chúa Giêsu đã chiến thắng quyền lực của bóng tối đó trong một lần hiến dâng trọn vẹn chinh mìnnh cho Chúa Cha trên bàn thờ thập giá. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là sự hấp thu nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, làm chệch hướng và biến đổi bạo lực thành tình yêu, tội lỗi thành ân sủng, hận thù thành tha thứ và sự chết thành sự sống. Chiến thắng của Thánh Tâm là chiến thắng cuối cùng của tình yêu.

Trong một bài diễn văn trước các giám mục Ý, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã từng diễn đạt như sau: “Những gì Chúa Giêsu giảng trong Bài Giảng Trên Núi, thì giờ đây Ngài thực hiện; Ngài không dùng bạo lực để chống lại bạo lực, như Ngài có thể đã làm, nhưng chấm dứt bạo lực bằng cách biến nó thành tình yêu. Hành động giết chóc, chết chóc, được biến thành một hành động yêu thương.”

Đối mặt với bạo lực vô tận và đáng sợ của khủng bố, xả súng hàng loạt, lạm dụng dưới mọi hình thức và sự thiếu tôn trọng sâu sắc đối với sự thánh thiêng của sự sống con người, xã hội đương đại của chúng ta sẽ chỉ tìm thấy hy vọng, sự chữa lành và bình an nhờ Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô.

Lòng sùng kính Thánh Tâm bao gồm những gì? Ngày nay chúng ta hiểu nó như thế nào? Dâng mình chính thức cho Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô, dâng lễ hàng ngày, cử hành Thánh Thể và xưng tội vào các ngày thứ Sáu đầu tháng liên tiếp, trưng bày và tôn vinh ảnh Thánh Tâm, tất cả bao gồm một số thực hành cụ thể liên quan đến lòng sùng kính sâu xa này.

  1. Dâng mình cho Thánh Tâm

Giống như bất cứ sự thánh hiến tôn giáo nào, dâng mình cho Thánh Tâm là mở rộng sự đoan hứa khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. Trong nước thánh tẩy, chúng ta mặc lấy Chúa Kitô - được xức dầu Thánh Thần để sống như thụ tạo mới trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi - để đón nhận sự thiện hảo của Tin Mừng. Dâng mình cho Thánh Tâm là một cách thế cá nhân đầy yêu thương để lặp lại và sống những lời thề hứa khi rửa tội. Chúng ta thừa nhận quyền tể trị của Chúa Giêsu trong cuộc đời mình, cam kết đem hết tình yêu của chúng ta đáp lại Ngài là Đấng đã yêu thương chúng ta một cách nhân từ và hy sinh.

Mỗi Thứ Sáu Đầu Tháng, khi gia đình tôi nhắc lại lời hứa dâng mình, tôi được nhắc nhở về sự hiện diện, sự bảo vệ và quyền năng của Chúa Giêsu trong cuộc đời tôi. Lời cầu nguyện đó đã thôi thúc tôi cố gắng đối xử với người khác như đối xử với chính Chúa Kitô. Nếu bạn chưa làm như vậy, hãy cân nhắc dâng đời hôn nhân, gia đình, nhà cửa và đời sống cho Thánh Tâm một cách trang trọng. Việc đó tạo nên một thay đổi lớn.

  1. Dâng ngày cho Thánh Tâm Chúa

Việc dâng ngày là một lời cầu nguyện đơn sơ, trong đó chúng ta dâng lên Thiên Chúa một ngày của chúng ta: lời cầu nguyện, công việc, niềm vui và đau khổ. Của lễ do tình yêu này làm mới lại sự tận hiến của chúng ta và nhắc nhở chúng ta sống trong sự tỉnh thức thánh thiện rằng những gì chúng ta làm, nói, trân trọng và đón nhận phải là sự đền đáp xứng đáng cho Chúa, Đấng đã làm rất nhiều điều cho chúng ta. Tôi nhớ mình vẫn đọc kinh Dâng Mình Buổi sáng khi còn học ở trường tiểu học; nghi thức hàng ngày này nhắc nhở tôi rằng những gì tôi đã làm ở trường, ở nhà, trên sân chơi, với gia đình và bạn học đều quan trọng đối với Chúa - thôi thúc tôi muốn cống hiến hết sức mình.

  1. Xưng tội và rước lễ vào mỗi Thứ Sáu Đầu Tháng

Vào thời mà các tín hữu ít rước lễ, việc Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta xưng tội và rước lễ vào mỗi Thứ Sáu Đầu Tháng cho thấy Bí Tích Thánh Thể và các bí tích là con đường cơ bản để gặp gỡ tình yêu của Chúa. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hoàn toàn trao ban chính mình cho chúng ta, thực sự nhập thể vào thân xác, linh hồn và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta tháp nhập vào trong Đấng mà chúng ta ăn và uống, kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô. Trong Bí Tích Hòa Giải, chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót và sự tha thứ dành cho chúng ta trên đồi Canvê - chúng ta nhận được cái ôm dịu dàng của Chúa và sức mạnh chữa lành của mầu nhiệm vượt qua. Qua các bí tích này, Chúa Giêsu lôi kéo chúng ta vào Trái Tim của Ngài và cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và niềm vui thiên đàng trong cuộc đời này. Tất cả sự giàu có của đời sống nội tại của Thiên Chúa đều được biểu lộ nơi Trái Tim Chúa Kitô và được ban cho chúng ta trong Thánh Lễ cũng như khi xưng tội.

  1. Tôn vinh và trưng bày ảnh Thánh Tâm

Khi tôn vinh và trưng bày ảnh Thánh Tâm, chúng ta mời gọi người khác cảm nghiệm tình yêu của Chúa Giêsu dành cho chính họ. Sức mạnh của hình ảnh rất rõ ràng - Tôi vẫn có thể nhớ từng chi tiết nghệ thuật của bức tranh trong phòng ngủ của bố mẹ tôi! Chúng ta không thể chiêm ngưỡng một hình ảnh thánh thiện và đầy lòng thương xót như vậy với sự thờ ơ hoặc vô ơn. Một cái nhìn vào trái tim của Chúa Giêsu sẽ làm chúng ta tan chảy, hoán cải chúng ta và thúc đẩy chúng ta dâng cõi lòng của chúng ta cho Chúa như một đáp trả.

Lòng sùng kính Thánh Tâm không phải là phép thuật hay tấm vé tự động lên thiên đàng; đó là cách thế thiêng liêng để chúng ta gặp gỡ sự sung mãn của Tin mừng, Tin mừng về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa tuôn đổ cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta dần dần tiến bộ trong sự hiểu biết và hiệp thông với Chúa, chúng ta sẽ yêu mến Chúa Giêsu sâu xa hơn bao giờ hết và sống mối tương quan có sức biến đổi và cứu độ đó trong mọi chi tiết của cuộc đời chúng ta. Lòng sùng kính này hợp nhất tâm trí, trái tim và ý chí của chúng ta trong một hành động dâng hiến lớn lao - một sự hiến dâng hoàn toàn bản thân cho Đấng là người đầu tiên hiến thân hoàn toàn cho và vì chúng ta.

Đức Giám mục Donald J. Hying, Giáo phận Madison, Wisconsin.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

từ https://www.simplycatholic.com

TRÁI TIM CHÚA GIÊSU NGUỒN ÊM ÁI DỊU DÀNG

“Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” (Gioan 19:31-34).

Những điều kỳ lạ của trái tim

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tim con người bắt đầu đập nhịp khi phôi thai được 22 ngày trong dạ mẹ. Mô tim bắt đầu đập khoảng 5-6 tuần lễ của thai kỳ, mặc dù lúc đó tim vẫn chưa hoàn toàn phát triển cho đến tuần thứ 10 của thai kỳ. [1] Tim người trưởng thành cân nặng 250-350 grams. Nó đập 60-80 lần một phút, 100.000 lần một ngày. Hàng ngày tim tạo ra năng lực để lái một xe tải đi khoảng 20 dặm. Trung bình một đời người, tim bơm gần 1,5 triệu thùng máu – đủ đổ đầy 200 chiếc xe chở xăng dầu. [2]

Tim trở nên quan trọng, vì nó được cho là một biểu tượng của tình yêu. Khi nói đến yêu, người ta nghĩ đến trái tim, mặc dù những cảm tình khác trong “thất tình”, như: Hỷ (mừng), Nộ (giận), Ai (buồn), Lạc (vui), Ái (thương), Ố (ghét), Dục (muốn) đều do óc hướng dẫn và điều khiển. Nhưng tim được liên kết với những biểu lộ tình cảm. Khi con người cảm thấy sung sướng, hạnh phúc, hồi hộp, thổn thức, giận hờn, buồn bực thì tim thường đập mạnh hơn và nhanh hơn, và chúng ta có thể cảm được nhịp đập của tim mình.

Trái Tim Chúa Giêsu

Dựa theo khám phá của khoa học, Trái Tim Chúa Giêsu cũng bắt đầu đập nhịp khi phôi thai của Ngài được 22 ngày. Tình yêu của Ngài có từ muôn thuở, nhưng khởi đi từ đó, Trái Tim nhân loại của Ngài đã bắt đầu đập nhịp yêu thương nhân loại, yêu thương từng người chúng ta. Trải dài suốt 33 năm sống trên dương thế, Trái Tim yêu thương ấy đã nhiều lần xúc động trước những buồn, vui của kiếp người. Ngài đã thổn thức về cái chết của bạn là Lazarô (Gioan 11:35), sự mất mát người con của góa phụ thành Nain (Luca 7:11-15). Ngài đã chạnh lòng thương dân chúng suốt mấy ngày theo Ngài (Matthêu 14, 14), đã thông cảm sự yếu đuối của con người và đã tha thứ cho người thiếu phụ bị bắt phạm tội ngoại tình (Gioan 8:11). Ngoài ra, bạn bè Ngài toàn là những trẻ em đơn sơ, những người nhỏ bé, tàng tật, đui, mù, què, điếc và tội nhân. Theo Đầy Tớ Chúa là Cha John Anthony Harson (1914-2000) dòng Tên, nhà văn, giáo sư và thần học gia, thì qua Chúa Giêsu: “Thiên Chúa yêu với cảm tình con người… Trái tim như một biểu hiện tình yêu Thiên Chúa. Ngài không chỉ yêu như một vì Thiên Chúa, nhưng còn như một Thiên Chúa làm người với cảm giác, với xao xuyến, với tình cảm, và với khả năng xúc động như con người….” [3]

Để thể hiện tình yêu ấy, Chúa Giêsu đã phải quằn quại trên thập giá khoảng 6 giờ từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Với các nhà khoa học, cái chết trên thập giá của Ngài có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là trái tim Ngài đã trải qua những giây phút co thắt, tắc nghẽn vì những hậu quả do thiếu hụt của hơi thở. [4]

Hãy tưởng tượng một thanh niên 33 tuổi, lực lưỡng và khỏe mạnh, hai tay giang rộng và bị đóng vào một thanh gỗ, hai chân cũng bị ghim chặt bằng đinh vào một thân gỗ dựng sẵn trên mặt đất. Sức nặng của cơ thể, cộng thêm lực hút của trái đất đã làm cho người ấy nghẹt thở. Theo Jeremy Ward, nhà vật lý tại King’s College London thì: “Sức nặng của cơ thể bị kéo xuống từ hai tay làm cho hơi thở trở nên rất khó khăn”. Nhưng điều đau đớn nhất làm tan nát Trái Tim Đấng Cứu Thế chính là trong cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu, Ngài đã nhìn thấy nhiều linh hồn sẽ phải hư đi vì coi thường và không đón nhận sự hy sinh ấy. Lời Ngài thốt lên từ trên cây thập giá trước khi trút hơi thở: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Marcô 15: 34; Matthêu 27: 46), không chỉ phản ảnh sự đau đớn tột cùng đang nghiền nát thân xác Ngài, nhưng còn là phản ảnh lời mà Ngài đã thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này” (Luca 22:42).

Tôn sùng Thánh Tâm

Đến đây chúng ta có thể hiểu tại sao Chúa Giêsu đã muốn cho chúng ta yêu mến và tôn sùng Thánh Tâm Ngài. Trái Tim yêu thương đã dẫn Ngài đến cuộc tử nạn hãi hùng và cái chết đau đớn trên thập giá. Trái Tim đã được lưỡi đòng mở rộng để chúng ta có thể vào để ẩn náu, và đón nhận muôn hồng ân của lòng thương xót Ngài.

Năm 1672, Chúa Giêsu đã hiện ra với Thánh Margaret Maria Alacoque (1647-1690) nhiều lần. Ngài đã cho Thánh nữ biết về ước ao của Ngài là thiết lập lòng sùng kính Thánh Tâm Ngài. Một Trái Tim đã bị đâm thâu trên thập giá, và vẫn còn tiếp tục bị đâm thâu do sự vô ơn của loài người. Ngài đã hứa ban 12 ơn lành cho những ai có lòng sùng kính và phổ biến lòng yêu mến Thánh Tâm Ngài.

12 Lời Hứa Thánh Tâm

  1. Cha sẽ ban mọi ơn cần cho đời họ.
  2. Cha sẽ ban sự bằng an cho gia đình họ.
  3. Cha sẽ yên ủi họ trong những lúc buồn phiền đau khổ.
  4. Cha sẽ nên nơi trú ẩn vững chắc cho suốt đời họ, nhất là trong giờ lâm chung.
  5. Cha sẽ ban tràn đầy phúc lành cho công việc họ làm.
  6. Những tội nhân sẽ tìm gặp trong Trái Tim Cha nguồn suối và đại dương vô tận của lòng thương xót.
  7. Những linh hồn nguội lạnh sẽ trở nên sốt sắng.
  8. Những linh hồn sốt sắng sẽ mau chóng bước lên cao trên đường trọn lành.
  9. Cha sẽ chúc lành cho những nơi trưng bày và tôn kính ảnh Thánh Tâm Cha.
  10. Cha sẽ ban cho các vị linh mục được ơn cảm hóa những trái tim cứng cỏi nhất.
  11. Cha sẽ viết tên những ai cổ động lòng sùng kính này trong Trái Tim Cha.
  12. Cha hứa rằng, do lòng thương xót vô biên của Trái Tim Cha mà tình yêu vô hạn của Cha sẽ được ban cho những ai rước lễ chín ngày thứ Sáu đầu tháng liên tiếp, ơn thống hối trong giờ lâm chung và không phải chết khi linh hồn đang mất ơn nghĩa thánh, khi chưa được chịu các phép bí tích cần thiết. Vì Trái Tim nhân từ của Cha sẽ trở nên nơi nương náu cho họ trong giờ sau hết. [5]

“Lạy Chúa, vì tội lỗi chúng con, Chúa đã muốn cho Thánh Tâm Con Một Chúa bị đâm thâu, khiến kho tàng tình yêu vô biên được mở ra để chúng con hưởng nhờ. Xin cho chúng con hằng sốt sắng sùng kính Thánh Tâm Người, và biết đền tội chúng con cho cân xứng.”[6]

 ____________

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.medicalnewstoday.com/articles/when-does-a-fetus-have-a-heartbeat#timeline
  2. https://www.sunwaymedical.com/en/blogpost/20-interesting-facts-about-the-human-heart
  3. http://www.therealpresence.org/eucharst/intro/sacred.htm
  4. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/2651675/
  5. https://www.catholiccompany.com
  6. Lời nguyện Nhập Lễ. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A

 

Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt

LỬA MẾN: NGỌN LỬA NUNG NẤU LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU


Trong kho tàng ngôn ngữ riêng của nhà đạo mình, vẫn có đấy, một số từ ngữ rất đặc thù, chỉ có người trong nhà mới hiểu một cách trọn vẹn. Chẳng hạn: “đi đàng nhân đức, của nuôi phần rỗi, bõ ngãi trong nhà, của ăn đàng, làm chứng dối, bằng lòng chịu sự khó cho nên, nhịn nhục bằng lòng, vâng lời tối mặt, nhân đức khó khăn, khốn nạn, giữ mình sạch sẽ, mê dâm dục, viếng kẻ liệt lào, chối Chúa, mở dậy kẻ mê muội, chuộc kẻ làm tôi, ăn năn tội cách trọn, ăn mày các phép…”. Nhiều không sao kể hết. Đa phần, chúng nằm trong kinh sách đã có lịch sử mấy trăm năm, cụ thể là ngay từ khi đạo Chúa mới du nhập thế kỷ XVI, XVII. Nhưng trải qua va chạm, chung đụng với thế giới ngôn ngữ giao tiếp đời thường, với văn học nghệ thuật, đã có một gặp gỡ, trao đổi chung, bão hoà.

Riêng trường hợp “mến Chúa”, “mến thánh giá” là cả một chuyện dài nhiều tập rất lý thú để luận bàn cho ra lẽ. Xin lỗi các Chị dòng Mến Thánh Giá. Theo suy nghĩ (có thể là dông dài) của kẻ viết bài này. Mến, chỉ là cách nói và viết để “chữa cháy”, để “chữa”, để “tránh” từ “ yêu” của nhà đạo mình. Mến Chúa và yêu người, xét về ngữ nghĩa, chỉ là một từ để phiên dịch amo, amare, amor, aimer, love. Mến Thánh giá là yêu Thánh giá, rõ ràng lắm rồi, không chạy đi đâu được. Vì thế,  nói và viết “yêu” Thánh giá, với lối suy nghĩ đạo đức của nhà tu thì nghe rất phản cảm, phàm hèn và có vẻ dung tục, thế gian, xác thịt lắm. Nên phải “chữa cháy” đi, “ yêu” thành ra “mến”. Đọc và nghe, thấy êm tai, lành thánh, đạo đức, tu trì, đạo hạnh, đàng hoàng, đúng đắn hơn. Đáng lẽ, các miền dòng Mến Thánh Giá trên cả nước ta cứ vô tư đi, cứ tự xưng mình là “dòng yêu thánh giá” đi, có ai thắc mắc gì đâu? Khổ thế. Ngôn ngữ Việt thiệt là rắc rối, lắm điều, nói và viết một đàng, hiểu một lẽ! Chợt nghĩ mà tội nghiệp ông tổ là đấng sáng lập, đức thầy gốc Tây, Lambert de la Motte (1624-1679). Nhớ xưa, mở Công đồng Đàng Ngoài, Phố Hiến và lập ra dòng Mến Thánh Giá tiên khởi  năm 1670 ở Kiên Lao, An Chỉ và Bái Vàng, ngài cũng chỉ nghĩ đơn giản là nó xuất phát từ verbe “aimer” thôi, chỉ gói ghém trong cái ý tưởng” yêu sự đau khổ” như Chúa Giêsu trên Thánh Giá thôi. Nào ngờ, nó đã trôi dạt bồng bềnh ra thế này? Các Chị em nhà ta đáo để thiệt, đã lèo lái “aimer” thành ra “mến”; “yêu thánh giá” thành ra “mến thánh giá”. Thôi, thì cứ để cho gió cuốn đi. Chuyện đã hơn 300 năm (1670-2024), đã quen mắt, quen miệng lắm rồi.

Báo chí Công giáo Việt Nam, kể từ buổi đầu mới hình thành (26.11.1908) với tờ tuần báo Nam Kỳ Địa Phận (Semaine Religieuse) có truyền thống yên ả, chừng mực, không chạy theo nhu cầu thị hiếu của thời cuộc. Chỉ “vì lòng ái mộ danh Cha cả sáng, cùng ước ao con nhà Annam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau, tấn tài, tấn đức…cho thông phần đạo và ngoan việc đời, nhựt trình này lập ra và có ý gieo tin lành trong vườn Hội Thánh, cho mọi người mọi nơi đều đặng nhờ ích lợi cho phần hồn, phần xác mọi bề”.

Nhưng, từ thập niên 1960 trở đi, trước những biến cố trọng đại của Giáo hội:
- Sự thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (11.1960).
- Công Đồng Vaticano II (1962).
Các Văn kiện quan trọng có liên hệ đến giới truyền thông:
-Sắc lệnh Inter Mirifica (4.12.1963).
- Hiến Chế Lumen Gentium (1964).
- Tuyên Ngôn về Giáo dục Ki tô giáo Gravissimum Educationis (1965).
- Sắc Lệnh về các tôn giáo Nostra Aetate.
- Hiến Chế Gaudium et Spes.
- Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi (1974).

Báo chí Công giáo đã có từng bước chuyển mình đáng kể, đã đặt thành những vấn đề nhức nhối, gai góc, cấp thiết trước yêu cầu của thời đại. Có thể, kể tới sự xuất hiện hàng loạt của các tờ báo với những vấn nạn nóng hổi: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (1960); Trái Tim Đức Mẹ (1960) của cha Phan xi cô Minh Đăng; Đức Mẹ La Vang (1961) của cha Phao lô Nguyễn Kim Bính; Thẳng Tiến (1961) của cha Phan Văn Thăm; Người Mới (1962) của Đỗ Sinh Tứ và Phạm Đình Khiêm; nhật báo Xây Dựng (1963) của cha Nguyễn Quang Lãm; nhật báo Hoà Bình của cha Trần Du (1966). Đặc biệt, tờ Sống Đạo (1962), cơ quan ngôn luận của những “người Công giáo tiến bộ”, mong muốn cải tổ giáo hội theo hướng của Công đồng Vatican II và các  tạp chí do người Công giáo chủ trương như: Đại Học, Đất Nước, Bách Khoa, Hành Trình… Trong bối cảnh sôi bỏng ấy, Lửa Mến , nguyệt san cổ vũ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu ra đời, góp tiếng nói với công chúng.

Người đứng mũi chịu sào cho tờ báo này, là linh mục Phê rô Phạm Tuấn Tri.Nay, nhân tháng 6 kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng tôi muốn nhắc lại công sức của Ngài để ghi nhớ một tấm lòng không mệt mỏi, suốt 47 năm (2010-1963) giữ vững ngọn lửa nung nấu lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu qua tờ báo Lửa Mến. Đây là một trong những kỷ lục về thời gian cầm cự để tờ báo sống còn, phát triển, từ cơ quan ngôn luận hạn hẹp của giáo phận Vĩnh Long lan rộng ra khắp các họ đạo trên cả nước.

Được biết, Lửa Mến ban đầu, là tờ báo của tỉnh lẻ Bến Tre toà soạn đặt tại địa chỉ số 13/9 Hùng Vương, Thị Nghè, Gia Định và chỉ lưu hành nội bộ. Năm 2005, trụ sở đặt tại nhà thờ họ đạo Tân Định và phát hành rộng khắp các giáo xứ. Tài liệu của họ đạo Bến Tre, giáo phận Vĩnh Long ghi nhận cha cố Phê rô Phạm Tuấn Tri sanh năm 1918 tại xã Đại Phước, thuộc họ đạo Bãi Xan, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Năm 1944, chịu chức linh mục và sau đó là giáo sư tiểu chủng viện Vĩnh Long. Năm 1945, được đức cha Phê rô Maria Ngô  Đình Thục bổ nhiệm làm cha tuyên uý Gia Đình Phạt Tạ (GĐPT) thay cho người anh là cha Phê rô Phạm Tuấn Binh qua đời vì bệnh. Trong suốt 10 năm (1946-1956), cha Phê rô đã xin phép đức cha giáo phận Sài gòn, đức cha giáo phận Cambodge, đức cha Cần Thơ ban phép cổ vũ “Tôn Trái Tim Chúa làm vua và truyền bá việc Phạt Tạ trong các họ đạo”. Thành quả trong 10 năm, cha Phê rô đã tổ chức Đoàn Thể Phạt Tạ trong:
- 43 họ đạo thuộc giáo phận Vĩnh Long.
-28 họ đạo thuộc giáo phận Sài gòn.
- 27 họ đạo thuộc giáo phận Cần Thơ, Long Xuyên .
- 6 họ đạo thuộc giáo phận Cambodge.

Và đến ngày 16.5. 2010, Cha đã ra đi, an nghỉ trong Chúa. Ngày 19.5.2010, thánh lễ đồng tế an táng được cử hành trọng thể tại quê nhà, do đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân chủ tế. Trong bài giảng lễ, đức cha đã ngợi ca cha là một cây đại thụ của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ sống mãi trong đời sống đức tin của người Công giáo các giáo phận miền sông nước Cửu Long.

Hiện nay, Lửa Mến vẫn được các thế hệ kế thừa tiếp tục con đường Cha Phê rô Phạm Tuấn Tri để lại.

  Francis Assisi Lê Đình Bảng

SUỐI NGUỒN XÓT THƯƠNG

“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.

“Coup de grâce” - một thành ngữ tiếng Pháp - nói đến “ân huệ” cuối cùng dành cho một tử tội hầu kết thúc sớm cái chết đau đớn của họ. Hai anh trộm chịu đóng đinh với Chúa Giêsu đã hưởng “cú đánh ân huệ” này khi ống chân của họ ‘được đập vỡ’ để có thể chết nhanh vì ngạt thở. Chúa Giêsu không ‘được hưởng’ ân huệ này, vì Ngài đã chết; nhưng, “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Theo truyền thống, người lính đâm cạnh sườn Chúa Giêsu có tên là Longinus; có truyền thống coi ông là viên đại đội trưởng đã thốt lên “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”; truyền thống khác cho rằng, Longinus đã cải đạo và là tân tòng đầu tiên; một truyền thống còn nói, mắt Longinus bị mù, máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu đã rưới xuống chữa lành. Vậy mà bất kể các truyền thống này có đúng hay không, chúng ta biết, cạnh sườn Chúa Giêsu đã bị đâm thâu, máu và nước đã chảy ra; để từ đó, ‘suối nguồn xót thương’ tuôn trào đến tận thế cho nhân loại được ơn cứu rỗi.

Biểu tượng này - trái tim - không chỉ là những gì thuộc về con người, nó còn là một biểu tượng thần linh nói lên tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng cũng có một trái tim yêu thương mà Hôsê tiết lộ, “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” - bài đọc một. Nói đến ‘trái tim’ là nói đến sự sống. Khi Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm, máu và nước chảy ra chính là lúc sự sống mới - các Bí tích - của Giáo Hội được tuôn trào. “Máu” biểu tượng cho Thánh Thể, “Nước” là quà tặng của phép Rửa; và trước khi “tắt hơi”, Chúa Giêsu kịp “trao Thần Khí”, Bí tích Thêm Sức được ban. Đó là những chiều kích sâu thẳm ‘dài, rộng, cao, sâu’ “vượt quá sự hiểu biết” mà Phaolô mời gọi chúng ta chiêm ngắm - bài đọc hai; Thánh ca Isaia lặp đi lặp lại, “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ!”.

Ngày nay, khi tham dự các Bí tích, chúng ta dễ dàng coi các nghi thức chỉ là biểu tượng; đang khi chúng thực sự là các phương tiện thông ơn của Thiên Chúa; đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Chính qua linh mục, Chúa Kitô dâng lễ tế lên Chúa Cha. Hôm nay, ngày thánh hoá các linh mục, chúng ta không quên cầu nguyện cho các ngài và cùng với các ngài, mỗi khi chứng kiến một phép Rửa hay một Bí tích nào đó, chúng ta hiện diện ‘một cách thần bí’ với Longinus, nhận lãnh ân sủng và sự tha thứ tuôn đổ từ ‘suối nguồn xót thương’ của Thánh Tâm Chúa; nhờ đó, chúng ta được thanh tẩy, chữa lành và trở nên thanh sạch vẹn toàn.

Anh Chị em,

“Máu cùng nước chảy ra!”. Chiêm ngắm Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, chúng ta tạ ơn Ngài vì Trái Tim Ngài là ‘suối nguồn xót thương’ liên lỉ tuôn trào sự sống mới, ân sủng dưỡng nuôi, quyền năng thứ tha và chữa lành chúng ta đến muôn đời. Không chỉ là nguồn suối, Trái Tim Ngài còn là đại dương sâu lắng và êm đềm đang chờ đợi các tội nhân đến tắm gội trong vực cứu rỗi của họ. Hãy đặt mình trước Thập Giá Chúa Kitô, cho phép Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài bao phủ và rửa sạch hồn xác bạn và tôi, hầu chúng ta có thể cảm nhận được sự tươi mới và sự sống mới của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để linh hồn con không còn lầy lụa, không còn đói, không còn khát… cho con biết chạy đến tắm gội, kín múc nơi ‘suối nguồn xót thương’ là các Bí tích!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)