4. Bánh Sự Sống

THÁNH THỂ SUỐI NGUỒN VÀ TUYỆT ĐỈNH TÌNH YÊU

“Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Gioan 6:53-56).

Ăn thịt và uống máu một người. “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Gioan 6:60)

Đối với Chúa thì không gì là không có thể, và với đức tin thì không có vấn đề. Theo Thánh Thomas Aquinas, “Thiên Chúa dù quyền năng vô biên cũng không thể làm gì khác hơn là thiết lập nên Phép Thánh Thể”. Trước một hành động như thế, trí óc siêu phàm của con người cũng phải dừng lại, và cặp mắt trần trụi của nhân loại không thể nào nhìn ra Thiên Chúa qua tấm bánh và chén rượu đã truyền phép. Bởi thế, trong bài ca Tantum, chính thánh nhân đã viết: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì?”.

Điều khiến một số môn đệ đầu tiên đã bỏ Chúa Giêsu, thì ngày nay cũng xảy ra như vậy. Nhiều người đã không tin rằng Ngài hiện diện trong Thánh Thể.

THÁNH THỂ LÀ GÌ?

Thánh Thể “Eucharist” xuất phát từ chữ eucharistia của Hy Lạp có nghĩa là “tạ ơn”, là tâm điểm của việc thờ phượng Kitô Giáo, và được cử hành cùng một cách thức trên các thánh đường Công Giáo. Mầu nhiệm chỉ về việc Thân Xác và Máu của Đức Giêsu Kitô thật sự hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh và rượu.

Có 4 cách diễn tả về Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, đó là: Trong Thánh Thể được bẻ ra và chia sẻ. Trong con người của chủ tế. Trong Lời của Chúa. Và Cộng Đoàn dân Chúa (Constitution on the Sacred Liturgy , CSL #7). Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt giữa việc Rước Lễ và Thánh Thể. Thánh Thể (Eucharist) cũng được gọi là Holy Communion, Blessed Sacrament bao gồm toàn bộ hành động cử hành, và sự thánh hiến của Thánh Lễ. Rước lễ (Communion) hay chịu lễ, hiệp lễ là hành động đón nhận Mình và Máu của Chúa.

THÁNH KINH VÀ THÁNH THỂ

Cùng với phép rửa tội, Thánh Thể là hai trong các bí tích được Tân Ước nhắc đến một cách rõ ràng. Đây là Bí Tích do chính Chúa Giêsu thiết lập, và đã được các Thánh Sử ghi lại:

Trong Phúc Âm của mình, Thánh Mátthêu viết: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (26:26-28)

Phúc Âm của Thánh Gioan ghi: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.” (6:56)

Thánh Phaolô Tông Đồ thì nói rõ ràng với giáo dân Côrintô rằng, Thánh Thể được thiết lập bởi Chúa Kitô: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Corinthians 11:23-25).

CÁC THÁNH NÓI VỀ THÁNH THỂ

Có thể nói, tất cả các thánh nhân đều yêu mến Phép Thánh Thể. Sau đây là một số vị đã để lại những câu nói có thể giúp chúng ta thêm tin tưởng và yêu mến Bí Tích cực trọng này:

Thánh Giáo Phụ Augustine (354-430): “Tấm bánh hữu hình và rượu trên bàn thờ, “đã được thánh hiến bởi lời Thiên Chúa” là Mình và Máu Ngài. Qua việc sốt sắng nhận Mình và Máu đó đã đổ ra vì chúng ta, chúng ta trở nên thân mình ấy, có nghĩa là chúng ta nối kết trong sự hiệp thông gần gũi với Thân Mình Mầu Nhiệm của Ngài”.

Thánh Phanxicô (1181-1226). Trong “Thư gửi các Giáo Sỹ” của mình, Thánh Phanxicô viết: “Trên thế giới này không có gì Cao Trọng nơi Chính Mình Ngài mà chúng ta có thể sở hữu và chiêm ngắm bằng cặp mắt của chúng ta, ngoại trừ Mình và Máu Ngài”. Đối với vị thánh nghèo Assisi, Thánh Thể vừa là đường vừa là địa bàn cho cuộc hành trình của Ngài.

Thánh Thomas Aquinas (1225-1274): “Thánh Thể là bí tích của tình yêu: nó biểu hiện tình yêu, đem lại tình yêu. Thánh Thể là cực điểm của toàn bộ đời sống thiêng liêng.” Ngài nhắc lại lời Thánh Euphrasia: “Nói về Phép Thánh Thể là nói về một điều cực thánh”.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005). Trong thông điệp đầu tiên “Redemptor Hominis”, ngài nói và viết về Thánh Thể: “Giáo Hội không ngừng làm sống lại cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài, vì nó làm nên nội dung của đời sống thường nhật của Giáo Hội.”

Trong đổi mới phụng vụ của Vatican II công bố Thánh Lễ như ‘suối nguồn và tuyệt đỉnh của đời sống Kitô hữu’. Công Đồng khuyến khích các tín hữu ‘tham dự đầy đủ, ý thức và sống động’ trong mọi cử hành Thánh Thể.

VẪN LÀ LỜI CHÓI TAI

Cũng như một số môn đệ ban đầu theo Chúa Giêsu. Họ đã phàn nàn, bỏ đi khi nghe giáo lý của Ngài về Phép Thánh Thể. Hiện nay tại Hoa Kỳ, chỉ khoảng 3% tín hữu tuyên xưng sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể mặc dù không hiểu việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô. Khoảng 6 trong 10 (63%) những tín hữu thường xuyên tham dự Thánh Lễ ít nhất 1 lần một tuần chấp nhận lời giảng dạy của Giáo Hội về Phép Thánh Thể.

Biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô trong Thánh Lễ được coi là trung tâm của đức tin Công Giáo. Bởi thế, Giáo Hội luôn dạy rằng “Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của đời sống người Kitô hữu”. Ngược lại với số nhỏ tin vào Thánh Thể, cuộc khảo cứu gần đây của Trung Tâm Khảo Cứu Pew Research Center đã cho thấy rằng phần đông người Công Giáo không tin vào lời dạy này. Trên thực tế, 7 trong số 10 người (69%) Công Giáo nói họ tin rằng trong khi cử hành Thánh Lễ, bánh và rượu được dùng trong lúc Rước Lễ chỉ là “biểu tượng” của mình và máu Chúa Giêsu Kitô. Thực chất chỉ có 1/3 người Công Giáo (31%) nói họ tin rằng “trong lúc cử hành Thánh Lễ, bánh và rượu thật sự trở thành mình và máu của Chúa Giêsu.”

Những người được khảo cứu cho biết rằng, hầu hết họ không biết về giáo lý này và được giảng dạy đầy đủ. Một số nhỏ (3%) tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể mặc dù không hiểu lời giảng dạy của Giáo Hội về sự biến đổi trong Thánh Thể. Những Kitô hữu không tham dự Thánh Lễ hàng tuần, số đông nói họ tin bánh và rượu chỉ là biểu tượng và không thực sự trở thành mình và máu Chúa Giêsu. Kết quả khảo cứu cũng cho biết rằng tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể phần đông là những người Công Giáo lớn tuổi.

Tóm lại, trên 20% người Công Giáo Hoa Kỳ tham dự Thánh lễ hàng tuần và cầu nguyện hàng ngày và cho rằng tôn giáo rất quan trọng trong đời sống của họ. Ngược lại, 10% người Công Giáo nói họ tham dự thánh lễ vài lần trong năm, ít khi cầu nguyện không bao giờ coi tôn giáo là quan trọng hoặc không có gì quan trọng trong đời sống của họ. [1]

Giáo dân là thế, còn các linh mục? Các linh mục không những cử hành Bí Tích Thánh Thể cho các tín hữu, nhưng các ngài còn yêu mến thẳm sâu Thánh Thể. Trong cuộc khảo cứu gần đây, 94% linh mục tại Hoa Kỳ trả lời rằng “Thánh Thể là Trung Tâm Đời Sống” của các ngài.  Tuy nhiên, mỗi khi tham dự thánh lễ mà thấy một linh mục, kể cả giám mục sau khi truyền phép đã dùng một tay đưa Mình Thánh và Máu Thánh Chúa lên cho giáo dân thờ lạy, hoặc đọc các kinh nguyện một cách vội vàng, hấp tấp thì hình như trong khảo cứu này khi trả lời câu hỏi, các linh mục ấy đã không thật với lòng mình hay ít ra trả lời cho có lệ.

ĂN THỊT VÀ UỐNG MÁU CHÚA

Thánh Thể ở trong trái tim của sự tôn thờ Kitô giáo. Thánh Thể được cử hành trên khắp thế giới như một sự tưởng niệm về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, trong việc đáp lại những lời mà Ngài đã nói với các môn đệ ở bữa tiệc ly, “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.

Những từ ngữ như “ăn thịt và uống máu” Chúa tuy do chính Chúa Giêsu nói về Thánh Thể. Và mặc dù nó là những lời của Chúa, tuy nhiên, nghe vẫn thấy “chói tai”. Điều này xảy ra vì phản ứng con người, và vì sự ẩn dấu của mầu nhiệm. Vậy hãy tạm dùng những từ “dễ nghe” hơn như rước lễ, hiệp lễ, rước Thánh Thể để diễn tả hành động rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ.

Trong lời nguyện cộng đồng trong các thánh lễ an táng, chúng ta thường nghe lời cầu: “Lạy Chúa, linh hồn người quá cố khi còn sống đã tham dự Thánh Lễ, đã ước mình và máu Thánh Chúa. Nay xin cho được đồng bàn với Chúa cùng với các thánh trên nước hằng sống.” Một lời cầu rất ý nghĩa. Nhưng được mấy ai ý thức và thực hành khi còn sống là siêng năng tham dự Thánh Lễ và rước Mình, Máu Thánh Chúa?!!

__________

Tài liệu tham khảo

1.https://www.pewresearch.org/short-reads/2019/08/05/transubstantiation-eucharist-u-s-catholics/

  Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt

Phép lạ Thánh Thể tại Legnica, Ba Lan


Từ 4 năm nay, trong một nhà nguyện của đền thánh dâng kính thánh Giacinto Odrowaz ở Legnica, phía tây nước Ba Lan, rất đông tín hữu hành hương cầu nguyện trước một mặt nhật có Mình Thánh với các vết máu. Nhiều người được ơn lành bệnh, được ơn hoán cải, thay đổi đời sống và thăng tiến trong đời sống đức tin.

Cho đến nay đã có hơn 130 phép lạ Thánh Thể được Giáo hội công nhận. Tất cả bắt đầu từ phép lạ Thánh Thể ở Lanciano vào khoảng năm 750. Một đan sĩ nghi ngờ về sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể. Khi đọc lời truyền phép, ngài đã nhìn thấy bánh và rượu được truyền phép trở thành thịt và máu. Các phân tích khoa học đã cho kết quả đó là thịt và máu của con người. Và điều này xảy ra với các phép lạ Thánh Thể. Phép lạ Thánh Thể nổi tiếng xảy ra tại Bolsano nước Ý vào năm 1263, ít được biết đến hơn có phép lạ tại Buenos Aires vào năm 1996. Các phép lạ Thánh Thể mới nhất là tại Sokolka năm 2009 và tại Legnica năm 2013, đều ở Ba Lan.

Thành phố Legnica

Thành phố Legnica (có khoảng 100.000 dân), mặc dù theo lịch sử nó thuộc về Ba Lan, nhưng từ năm 1809 đến năm 1945, theo sự phân chia lãnh thổ quốc gia, đã bị sáp nhập vào Phổ và sau đó là Đức. Nhà thờ bằng gạch đỏ với tháp chuông cao 75 mét, được dâng kính thánh Giacinto Odrowaz (1185-1257), được xây dựng vào đầu những năm 1900. Vào cuối Thế chiến thứ hai, các quan chức của chế độ Xô Viết đã sử dụng nhà thờ làm chuồng ngựa của Hồng quân Liên Xô. Chỉ vào những năm 1960, nhà thờ được phục hồi lại thành nơi thờ phượng và là một trong mười bốn nhà thờ giáo xứ ở Legnica.

Phép lạ Thánh Thể Legnica

Từ 4 năm nay, trong một nhà nguyện của đền thánh dâng kính thánh Giacinto Odrowaz ở Legnica, phía tây nước Ba Lan, các tín hữu cầu nguyện trước một mặt nhật có Mình Thánh với các vết máu.

Vào ngày 25 tháng 12 năm 2013, khi cha sở của giáo xứ cho rước lễ, một Mình Thánh đã rơi xuống đất. Ngay lập tức, Mình Thánh được nhặt lên, được đặt trong một bình thánh có nước và được đặt trong Nhà Tạm theo chỉ dẫn của Giáo luật. Vài ngày sau, những vết đỏ xuất hiện trên bề mặt của Mình Thánh. Đức Giám mục của Legnica vào thời điểm đó, Đức cha Stefan Cichy, đã quyết định thành lập một ủy ban phân tích khoa học. Kết quả thật đáng ngạc nhiên, và xác nhận rằng nó có những điểm tương đồng với cơ tim của con người với những thay đổi thường xuất hiện trong lúc đau đớn.

Công nhận của Tòa Thánh

Ngày 10 tháng 4 năm 2016, Đức Cha Zbigniew Kiernikowski, giám mục giáo phận Legnica, đã công bố sắc lệnh của Bộ Giáo Lý đức tin xác nhận ”không có gì ngăn trở” (nghĩa là ”đồng ý”). Sắc lệnh này được Bộ ban hành sau khi cứu xét kỹ lưỡng sự việc không thể giải thích được: Mình Thánh Chúa không bị tan sau khi được đặt trong bình thánh có nước ngày 25-12-2013, và sau đó xuất hiện trên mặt Mình Thánh những dấu vết máu được các nhà di truyền học xác nhận là ”của con người”, với máu thuộc nhóm AB, và chất liệu sinh học gồm ”những phần bị phân mảnh của cơ vân ngang” rất ”giống cơ tim, với những biến đối thường thấy trong cơn hấp hối”. Bộ Giáo lý Đức tin đã chỉ thị trưng bày thánh tích để các tín hữu có thể cảm nghiệm việc tôn thờ theo cách thích hợp.

Phân tích khoa học

Bác sĩ tim mạch Barbara Engel, một thành viên của ủy ban nghiên cứu do Đức giám mục thành lập, đã giải thích nhân dịp công nhận phép lạ rằng “chúng tôi cũng đã gửi mẫu đến khoa pháp y của Đại học Y khoa Pomedria (…). Trong số các phân tích được thực hiện có DNA. Kết luận của các nhà nghiên cứu như sau: đó là mô cơ tim có nguồn gốc con người. Tất cả các nghiên cứu được thực hiện không giải thích được hiện tượng này hoặc làm thế nào nó có thể xảy ra”. Để không ảnh hưởng đến kết quả, các nhà nghiên cứu không được biết nguồn gốc của vật liệu được phân tích.

Phép lạ Thánh Thể tại Buenos Aires, Argentina, và tại Sololka, Ba Lan

Trước đó, vào ngày 12 tháng 10 năm 2008, tại nhà thờ thánh Antôn ở Sololka, một thị trấn phía đông bắc Ba Lan, đã xảy ra điều tương tự. Giáo phận đã yêu cầu hai chuyên gia giải phẫu bệnh lý phân tích mô được xác định là cơ tim có dấu hiệu co thắt nhanh điển hình của giai đoạn hấp hối trước khi chết. Kết quả của các phân tích cũng giống với phép lạ đã xảy ra tại một giáo xứ ở Buenos Aires.

Vào ngày 15 tháng 8 năm 1996, sau khi Mình Thánh được đặt trong nước, một linh mục đã nhìn thấy mẩu bánh thánh đẫm máu và trình bày cho giám mục phụ tá lúc đó là Đức cha Jorge Mario Bergoglio, nay là Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ban đầu Đức cha Bergoglio ra lệnh đặt Mình Thánh đó vào Nhà Tạm, nhưng sau hai năm, ngài cho phép phân tích, khi vị linh mục thông báo với ngài rằng Mình Thánh này không bị phân hủy. Vào ngày 26 tháng 3 năm 2005, sau khi các phân tích kết thúc, tiến sĩ Frederic Zugibe thuộc Đại học Columbia,đã tuyên bố: “Làm thế nào và tại sao bánh được thánh hiến có thể thay đổi và trở thành máu thịt của một con người sống vẫn là một mầu nhiệm không thể giải thích được đối với khoa học, một mầu nhiệm vượt quá khả năng của con người”.

Chứng từ về phép lạ Thánh Thể Legnica

Rất nhiều người trên khắp nước Ba Lan và ở nước ngoài đã đến kính viếng phép lạ. Đức cha Kiernikowski nói: “Có rất nhiều cuộc hành hương từ khắp Ba Lan và cả từ nước ngoài. Chúng tôi thu thập chứng từ của những trường hợp phục hồi sức khỏe và được chữa lành. Mặc dù rất khó để đánh giá những kinh nghiệm nội tâm của người dân, nhưng điều chắc chắn là sự kiện Thánh Thể và sự hiện diện của thánh tích khơi dậy đức tin của người dân và giúp họ hoán cải.”

Cha Andrzej Ziombra trở thành cha sở của giáo xứ thánh Giacinto vào năm 2011. Năm 2016, theo chỉ dẫn của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức cha Kiernikowski giao cho cha Ziombra nhiệm vụ thu thập những lời chứng về những thành quả thiêng liêng và những sự kiện không thể giải thích được đã xảy ra nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu trước thánh tích.

Lành bệnh, hoán cải, tăng trưởng trong đời sống đức tin

Nói về các lời chứng đã thu thập được cho đến nay, cha Andrzej Ziombra cho biết: “Nhiều nhất là những lời chứng thực về sự hoán cải và chữa bệnh, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được ghi lại vì trong một số trường hợp, chúng tôi vẫn đang chờ hoàn thành hồ sơ. Chúng tôi có 5-6 trường hợp chữa bệnh đã được chứng nhận và 4 hoặc 5 trường hợp hoán cải thực sự với các lời chứng được viết lại, nhưng chúng tôi cũng có những trường hợp chưa được ghi chép đầy đủ, ví dụ như một người thợ mỏ ở tuổi bốn mươi đang chờ ghép tim, nhưng, nhờ những lời cầu nguyện của gia đình trước thánh tích, hiện nay anh đã được chữa lành hoàn toàn mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào”.

Cha Ziombra nói thêm: “Ước muốn đào sâu đức tin của của mọi người là một kết quả khác của sự kiện kỳ ​​diệu diễn ra vào lễ Giáng sinh năm 2013. Một sự quan tâm hơn đến Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể cũng được chứng minh bằng việc tham dự Thánh lễ vào các ngày trong tuần tăng 100%. Số tín hữu tham dự Thánh lễ Chúa Nhật cũng tăng lên. Từ hơn một năm nay, chúng tôi đã chầu Thánh Thể suốt ngày đêm tại nhà thờ của chúng tôi. Hơn 300 người đã tạo nên một mạng lưới,ngày và đêm, không ngừng, chầu trước thánh tích. Tôi cũng nhận thấy những thay đổi diễn ra trong tâm hồn của những người đến đây, mở lòng với Chúa và rồi có những quyết định cụ thể liên quan đến cuộc sống của họ. Thật là không thể tin được, làm thế nào Chúa mang mọi người lại với nhau, ngay cả những người chưa bao giờ muốn tin vào Người”.

Nhiều nhóm hành hương, rất nhiều người trẻ

Cha Ziombra cho biết rằng hầu hết những người hành hương là người trưởng thành, từ 30 đến 40 tuổi. Đó là một thực tế rất độc đáo bởi vì chúng ta biết rằng hiếm nhìn thấy những người ở độ tuổi đó trong nhà thờ, những người thường bị thu hút bởi một thứ khác. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người trẻ hành hương kính viếng phép lạ Thánh Thể. Nhiều trường Công giáo ở các thành phố khác nhau của Ba Lan tổ chức các chuyến hành hương đến Legnica. Do đó, có rất nhiều người trẻ ở độ tuổi học sinh đến đây để tĩnh tâm hồi tâm. Ngoài ra còn có rất nhiều cuộc hành hương của những trẻ em đang chuẩn bị hoặc những người vừa mới rước lễ lần đầu.

Cha cũng cho biết có một linh mục đã đến Legnica với một đoàn học sinh trên bảy chiếc xe buýt, thực tế là toàn bộ trường tiểu học. Sắp tới có thể có một nhóm học sinh khác dự kiến đến từ Breslavia. Sẽ có khoảng bảy mươi học sinh từ 12-13 tuổi. Nhóm học sinh đầu tiên của cùng trường này, được điều hành bởi các nữ tu Salêdiêng, gồm một trăm em trong độ tuổi 10-11, đã đến đây vài tháng trước. Chuyến hành hương đầu tiên, như một trong những nữ tu nói với cha, đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của những đứa trẻ. Cha mẹ của họ đã phát hiện ra điều đó và sau đó chia sẻ với nhà trường.

Đức cha Kiernikowski hy vọng “tất cả những điều này sẽ giúp gia tăng lòng sùng kính Thánh Thể và có tác động đến cuộc sống của những người đến gần thánh tích này. Chúng tôi giải thích dấu hiệu này như là một sự diễn tả lòng quảng đại của Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình xuống thật thấp để ở cùng con người.”

Hồng Thủy, OP.

Vatican News

Sùng Kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Thể Chúa Giêsu


Chiều 30-5-1862, ngày áp chót tháng Hoa kính Đức Mẹ, sau Kinh Tối, thánh Gioan Bosco (1815-1888) nói với các linh mục của ngài như sau:

Tôi muốn kể anh em nghe giấc mơ tôi thấy cách đây vài hôm. Anh em cứ tưởng tượng chúng ta đứng trên mỏm đá nằm trơ trọi giữa biển cả bao la. Anh em không trông thấy đất liền, ngoài mảnh đất nhỏ bé nằm dưới chân. Trên biển cả mênh mông, anh em trông thấy vô số tàu chiến. Mũi tầu giống như chiếc mỏ bằng sắt, bén như lưỡi dao, có thể đâm thủng và cắt đứt những vật nó chạm tới. Tàu trang bị đủ mọi thứ khí giới và các chất nổ gây hỏa hoạn. Tất cả các tàu chiến cùng tiến đánh một chiếc tàu trông thật quan trọng và vĩ đại hơn mọi chiếc tàu trong trận chiến. Chúng hùng hổ xông vào chiếc tàu lớn, đánh phá tứ tung, cố gắng gây thương tổn và hủy hoại càng nhiều càng tốt. Trong khi đó chiếc tàu lớn được một số thuyền và ghe buồm hộ tống. Các ghe thuyền nhận lệnh từ chiếc tàu lớn và thi hành chỉ thị, làm sao để có thể ứng phó với vô số tàu địch đang tấn công tứ phía. Thêm vào đó, gió thổi thật mạnh, khiến biển cả giao động kinh hoàng, gần như gây thuận lợi cho đối phương.

Bỗng nhiên từ giữa trận chiến nơi biển cả mênh mông, xuất hiện hai chiếc cột cao lớn, đặt gần nhau. Trên một chiếc cột có tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Dưới chân bức tượng là tấm bảng mang hàng chữ: “Phù Hộ các Giáo Hữu” Trên chiếc cột thứ hai, cao hơn và vĩ đại hơn, có Mặt Nhật Mình Thánh Chúa. Dưới chân Mặt Nhật cũng có tấm bảng mang hàng chữ: “Cứu Độ các Tín Hữu” .

Vị thuyền trưởng tối cao trên chiếc tàu lớn chính là Đức Giáo Hoàng, thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo Roma. Đứng trên tàu, Đức Thánh Cha chứng kiến cái hung hãn của địch thù cũng như hiểm nguy của các tín hữu. Trận chiến mỗi lúc càng trở nên khốc liệt. Đức Thánh Cha cố gắng lèo lái chiếc thuyền tiến lên đứng giữa hai chiếc cột lớn. Thấy thế, các chiếc tàu địch khác lại dồn toàn lực để tấn công và ngăn cản không cho chiếc tàu lớn của Đức Thánh Cha di chuyển. Tuy nhiên, dù dùng đủ mọi mánh lới cộng với đủ mọi thứ khí giới, các chiếc tàu địch vẫn không phá hủy và ngăn cản được chiếc tàu lớn. Trái lại, chiếc tàu lớn từ từ tiến lên một cách vững chắc và an toàn, hướng về hai chiếc cột trên đó có tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm và Mặt Nhật Mình Thánh Chúa GIÊSU. Dĩ nhiên chiếc tàu lớn cũng bị bắn phá, nhưng không có thiệt hại nào đáng kể. Trong khi các tàu địch bị hư hại nặng nề. Có nhiều tàu bị vỡ tung và chìm sâu dưới lòng đại dương. Các địch thù đùng đùng nổi giận. Họ dùng gươm giáo đâm thủng loạn xạ, kèm theo những lời lộng ngôn và chửi rủa thậm tệ.

Đang hồi chiến đấu dữ dội Đức Giáo Hoàng bị thương, ngã quỵ xuống. Những người chiến đấu với ngài vội chạy đến, đỡ ngài lên. Nhưng ngài lại ngã xuống và tắt thở. Tức khắc một vị giáo hoàng khác được bầu lên thay thế, lèo lái chiếc tàu. Cuộc bầu cử nhanh chóng đến độ hung tín Đức Giáo Hoàng qua đời được loan đi cùng lúc với tên vị tân Giáo Hoàng kế vị. Điều này làm cho các địch thủ chán nản và mất hết nhiệt khí để chiến đấu.

Vị tân Giáo hoàng dẹp bỏ và vượt qua được hết mọi cản trở. Ngài lái chiếc tàu tiến thẳng đến hai cột trụ và len vào giữa. Ngài dùng dây xích ở đầu tàu cột vào chân trụ có Mặt Nhật Mình Thánh Chúa GIÊSU. Sau đó ngài lấy dây xích thứ hai ở đuôi tàu và cột vào trụ có bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thế là diễn ra cảnh tượng vô cùng hỗn độn. Tất cả các chiếc tàu địch tìm đường chạy trốn. Trong cảnh hỗn độn ấy, chính các tàu địch lại đụng vào nhau, phá hoại nhau, khiến cho các tàu địch bị bể và chìm sâu xuống biển.

Kể đến đây, thánh Gioan Bosco ngừng lại nhìn cha Michele Rua (1837-1910) và hỏi: “Cha nghĩ thế nào về giấc mơ tôi vừa kể?”. Cha Michele Rua đáp: “Theo thiển ý con, Hai chiếc cột cứu thoát chính là hình ảnh của lòng sùng kính Đức MARIA Vô Nhiễm và Thánh Thể Chúa GIÊSU KITÔ” . Thánh Gioan Bosco đáp: “Đúng. Cha trả lời thật đúng. Các tàu chiến địch thù tức là các cuộc bách hại. Sẽ có những thử thách lớn lao cho Giáo Hội Công Giáo. Nhưng có phương thế duy nhất để cứu Giáo Hội khỏi mọi hiểm nguy. Đó là việc sùng kính Đức MARIA Vô Nhiễm và siêng năng xưng tội cùng rước Mình Thánh Chúa” .

(“LE CHRIST AU MONDE”, 10/1991, trang 330-331).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Thánh Nữ Chiara Assisi và Chúa Giêsu Thánh Thể

Thánh nữ Chiara (1193-1253) thành Assisi sống đồng thời với thánh Phanxicô (1182-1226), cũng thành Assisi (Trung Ý). Chiara đã nối gót thánh Phanxicô trên con đường yêu chuộng sự đơn sơ và nghèo khó. Chính thánh nữ đã thành lập dòng các Nữ Tu Kín Clarisses.

Thánh nữ Chiara có lòng đặc biệt yêu mến Chúa GIÊSU Thánh Thể. Khi viết cuộc đời thánh nữ, không sử gia nào bỏ sót câu chuyện thánh nữ Chiara đã đuổi quân giặc hồi giáo chạy tán loạn, nhờ Chúa GIÊSU Thánh Thể.

Vào năm 1243 – tức 10 năm trước khi thánh nữ Chiara qua đời – một nhóm quân hồi giáo, do tên trùm Vitale d’Aversa cầm đầu, nhất quyết xâm lăng Đan viện các nữ tu Kín Clarisses ở San Damiano (Trung Bắc Ý).

Đan viện thinh lặng, an bình, nghèo khó của các nữ tu thiên thần, bất ngờ bị phá rối vì những tiếng chửi rủa, gào thét, đe dọa của nhóm người hồi giáo quá khích và khát máu. Họ muốn xâm phạm nơi thánh cũng như những người thánh trú ẩn trong đan viện. Vì biết rõ dụng ý của họ nên một người dân thành Assisi đã tức tốc báo tin cho các nữ tu biết. Các nữ tu xôn xao hốt hoảng. Như đàn gà con ngơ ngác, các nữ tu vội chạy đến phòng Viện Mẫu Chiara. Lúc ấy thánh nữ Chiara đang phủ phục cầu nguyện. Nghe tiếng động, thánh nữ vội đứng lên để tiếp đón đàn con run rẩy sợ hãi. Thánh nữ Chiara điềm tĩnh ra lệnh:

– Tất cả các con phải xếp hàng trong trật tự và lòng tin, đi xuống nhà nguyện, vừa đi vừa giữ thinh lặng theo luật dạy. Bởi vì, không có bất cứ lý do gì cho phép chúng ta được phá luật!
Các nữ tu vâng lời, run rẩy đi xuống nhà nguyện. Thánh nữ Chiara đi sau cùng.

Ngôi nhà nguyện thô sơ chỉ được chiếu sáng bởi hai ngọn đèn dầu. Một ngọn trước Nhà Tạm và một ngọn nơi các nữ tu quỳ hát kinh Thần Vụ. Hai ngọn đèn tuy nhỏ, nhưng đủ sức tỏa sáng và làm tăng nét linh thiêng của nơi thánh. Ngọn đèn nhắc nhở sự hiện diện thật sự của Chúa GIÊSU, ngự trong Bánh Thánh nơi Nhà Tạm.

Các nữ tu sốt sắng cầu nguyện. Từ bên ngoài vọng vào những tiếng la hét ầm ĩ. Một nữ trợ sĩ hốt hoảng chạy thẳng vào nhà nguyện. Chị dừng lại nơi ngưỡng cửa và nói lớn: “Mẹ ơi, họ tới trước cửa rồi!” Nghe thế, mọi người gập mình xuống như linh cảm giờ sau cùng đã điểm. Các nữ tu hoảng sợ, nhưng Mẹ Bề Trên Chiara thì không. Mẹ bình tĩnh ra đứng giữa nhà nguyện và nói:

– Các con đừng sợ. Họ chỉ là một nhóm ít người và ở bên ngoài đan viện. Còn chúng ta, chúng ta đang ở đây, bên trong nhà nguyện, và với Chúa GIÊSU. Các con nên nhớ lại lời Ngài phán: “Các con không bị đụng đến một sợi tóc!” Chúng ta là những chim bồ câu của Ngài. Ngài sẽ không để cho những kẻ hung dữ xúc phạm đến chúng ta ..

Bên ngoài tiếng la hét mỗi lúc một vang to, át cả tiếng nói nhẹ nhàng của mẹ bề trên Chiara. Thấy rõ lời nói của mình vẫn chưa đủ sức trấn an các Nữ Tu Kín quá sợ hãi, thánh nữ Chiara bèn thưa chuyện trực tiếp với Chúa GIÊSU Thánh Thể:

– Lạy Chúa GIÊSU dịu hiền của con, xin tha thứ cho Chiara tội nghiệp này, nếu con dám đặt tay vào nơi mà chỉ mình vị Linh Mục mới được đụng tới. Nhưng ở đây chỉ có Chúa và chúng con thôi. Và một người trong chúng con phải thưa với Chúa: “Xin đến”. Đôi bàn tay con đã được nước mắt tẩy luyện, nên chúng có thể chạm đến ngai tòa Chúa.

Cầu nguyện xong, thánh nữ Chiara đi thẳng tới Nhà Tạm và trân trọng cầm lấy Bình Thánh. Thánh nữ giơ cao Bình Thánh và từ từ ra khỏi nhà nguyện, vừa đi vừa cất hát Thánh Vịnh. Các nữ tu khác theo sau. Ra tới cửa, Mẹ Chiara nói với chị trợ sĩ canh cổng: “Mở cửa ra đi con”. Chị canh cổng run rẩy đáp lại: “Nhưng thưa mẹ, họ đang ở ngoài kìa! Mẹ không nghe tiếng họ la hét sao?” Mẹ Chiara điềm tĩnh lập lại: “Mở cửa ra đi con” – “Không được đâu mẹ ơi! Họ sẽ tức tốc đột nhập vào nhà!”. Lần này, mẹ Chiara dùng quyền bề trên nói: “Mở cửa ra. Đây là lệnh truyền, con phải tuân phục!” Chị canh cổng vừa mở cửa vừa run. Các Nữ Tu Kín khác vội vàng phủ chiếc khăn che mặt và sẵn sàng đối diện với cái chết ..

Khi cánh cửa từ từ mở ra, mẹ Chiara đi hai ba bước ra ngoài, tay giơ cao Bình Thánh đựng Mình Thánh Chúa GIÊSU. Bình Thánh là tấm khăn duy nhất che kín khuôn mặt mẹ. Trong khi đó, đôi mắt mẹ Chiara chỉ dán chặt vào Bình Thánh mà thôi. Dáng điệu mẹ Chiara trông trang nghiêm và đẹp như một thiên thần. Nhưng đối với nhóm quân hồi giáo thì mẹ Chiara lại xuất hiện như một nữ tướng, uy linh và khủng khiếp! Do đó, khi trông thấy cánh cửa vừa hé mở, nhóm hồi giáo reo hò đắc thắng, chạy ùa vào cửa. Nhưng tức khắc họ phải đứng khựng lại. Rồi không hiểu sức thần nào xua đuổi, họ thất kinh hồn vía, vừa la rú, vừa tung nhau bỏ chạy như điên

Thế là mẹ Chiara cùng các chị nhà Kín Clarisses vui mừng vội vàng đóng kín cửa lại, rồi vừa đi vừa hát kinh TE DEUM cảm tạ Thiên Chúa. Các chị đi trong nghiêm trang và trật tự. Mẹ Chiara giải thích:

– Chúa GIÊSU Thánh Thể chiến thắng tất cả. Thánh Thể là sức mạnh của Thiên Đàng và của trần gian, bao lâu trần gian còn cần những trợ giúp. Nhờ công nghiệp vô biên của Mình Máu Thánh Chúa GIÊSU KITÔ, các tín hữu Công Giáo sẽ luôn luôn chiến thắng được kẻ thù! ..

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Người phụ nữ không ăn uống gì khác chỉ rước Mình Thánh Chúa sống được suốt 60 năm

 
 
Thật lạ lùng: Người phụ nữ sống suốt 60 năm không ăn uống gì khác chỉ rước Mình Thánh Chúa.
 
Tôi tớ Chúa Floripes de Jesús, được người dân địa phương biết đến với cái tên Lola, là một nữ giáo dân người Brazil đã không ăn không uống gì, chỉ sống nhờ Thánh Thể trong suốt 60 năm.
 
Lola sinh năm 1913 tại bang Minas Gerais, Brazil.
 
Năm 16 tuổi, cô trèo lên một cái cây và bất ngờ trượt tay té xuống. Tai nạn này đã thay đổi cuộc đời cô vĩnh viễn. Cô bị liệt nửa người và “cơ thể cô ấy thay đổi – cô ấy không còn cảm thấy đói, không còn cảm thấy khát và cũng chẳng cảm thấy buồn ngủ nữa. Mọi phương thuốc chữa trị đều vô hiệu”, Cha Gabriel Vila Verde, linh mục người Brazil, đã chia sẻ câu chuyện của Lola trên mạng xã hội.
 
Lola bắt đầu nuôi dưỡng mình bằng cách rước Mình Thánh mỗi ngày. Cô đã sống như vậy trong suốt 60 năm, cha Vila Verde nói. Ngoài ra, “trong một thời gian dài, cô ấy vẫn nằm trên giường không có nệm, như một hình thức đền tội”.
 
Hương thơm thánh thiện của vị nữ giáo dân này ngày càng gia tăng, và hàng ngàn khách hành hương đã đến gặp cô tại nhà. “Một cuốn sổ ký tên của các du khách từ những năm 1950 ghi lại rằng trung bình có 32,980 người đã đến thăm cô trong một tháng”.
 
Cha Vila Verde cho biết Lola đưa ra yêu cầu tương tự cho tất cả những ai đến gặp cô: Đó là hãy đi Xưng tội, Rước lễ và tôn vinh Thánh Tâm Chúa Giêsu vào mỗi ngày Thứ Sáu đầu tháng.
 
Khi Đức Tổng Giám Mục Helvécio Gomes de Oliveira của tổng giáo phận Mariana yêu cầu Lola ngừng tiếp khách và “sống một cuộc sống im lặng và ẩn dật” cô đã nghiêm chỉnh tuân theo chỉ thị của ngài.
 
“Vị Tổng Giám Mục cho phép Mình Thánh Chúa được tôn kính trong phòng Lola, nơi cũng có các Thánh lễ mỗi tuần một lần. Việc cho cô rước lễ hàng ngày được đảm trách bởi các thừa tác viên Thánh Thể giáo dân.”
 
Vị linh mục nhấn mạnh rằng Lola đã dành cả cuộc đời mình để cầu nguyện cho các linh mục và truyền bá lòng sùng kính đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cô được biết đến với câu nói bất hủ: “Ai muốn tìm tôi, hãy tìm tôi trong Trái Tim Chúa Giêsu”.
 
Lola qua đời vào tháng 4 năm 1999. Tang lễ của cô có 22 linh mục và khoảng 12,000 tín hữu tham dự. Cô được Tòa thánh tuyên bố là Tôi tớ Chúa vào năm 2005.
 
Nguồn: Công Giáo Việt Nam