8. Đời Sống Tâm Linh

Niềm Tín Thác: Lời Nói Đầu

Lời nói đầu

Mục đích chính, nếu không nói là duy nhất của chúng tôi khi viết những trang này, là an ủi và khích lệ các linh hồn, làm hết sức để củng cố niềm tín thác là nhân đức rất quí trọng và cần thiết cho họ. Chúng tôi sẽ không mất thời giờ để nhắc đi nhắc lại về tầm quan trọng rất lớn lao của một nền tu đức mạnh mẽ, dũng cảm, đầy nghị lực, không thể thiếu cho việc nên thánh ; một nền tu đức thấm nhuần hy sinh và bỏ mình : đó là nền tu đức mà thánh Inhaxiô Loyola và thánh Gioan Thánh Giá đã thực tập một cách anh hùng và đã giảng dạy một cách đáng khâm phục. Chúng tôi chỉ cần nhắc tới hai vị trong số các thầy dạy vĩ đại về đời sống thiêng liêng.

Tình yêu Thiên Chúa có hai mặt : một mặt hướng về Thiên Chúa, có tên là đức ái thần linh, và một mặt hướng về bản thân chúng ta và có tên là : chê ghét bản thân mình. Tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa không thể tách rời sự chê ghét bản thân ta. Nồng nàn yêu mến Thiên Chúa vô cùng đáng mến cũng là hết sức khinh chê tính tự ái xấu xa, nguồn mạch mọi tội lỗi và mọi sự khốn nạn.

Khi chú ý đọc những trang này, độc giả sẽ nhiều lần nhận ra rằng : chúng ta quan niệm đời sống thiêng liêng theo tôn chỉ được gói gọn trong câu nói của vị Tiền hô Chúa Giêsu : “Ngài phải được lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ đi” (Ga 3,30).

Từ tôn chỉ này, phải rút ra một chân lý lớn lao là : không ai có quyền ước ao đạt tới một đời sống thiêng liêng cao đẹp, sống kết hiệp với Chúa Kitô, nếu trước hết không thành tâm tập luyện cuộc sống thanh tẩy, đền tạ các tội lỗi mình và diệt trừ các nết xấu, và nếu không can đảm và kiên trì tập tành các nhân đức trong con đường tiến đức. Muốn đặt ngay cái vòm cho ngôi đền thờ dâng kính Thiên Chúa là đời sống thiêng liêng, mà trước đó không đặt một nền móng vững chắc và xây một tòa nhà cho hẳn hoi, sẽ rõ ràng là chuyện điên rồ. Vậy thiết tưởng không phải là điều vô ích, nếu chúng tôi nhắc lại chân lý trên đây, vì thời nay không ít linh hồn quảng đại, vì nóng nảy muốn kết hiệp với Thiên Chúa trong tình mến yêu, đã dại dột đốt các giai đoạn và nhân đó đã gây tai hại cho con đường nên thánh của mình.

Tác phẩm này được dành cho tất cả mọi linh hồn, bởi vì tất cả các linh hồn đều cần phải có niềm tín thác. Những linh hồn thánh thiện hơn càng phải biết sống tín thác hơn, vì họ bị thử thách ghê sợ hơn. Trong số những linh hồn thánh thiện này, có những linh hồn được Chúa thanh luyện trong lò những thử thách thần bí rất đáng sợ ! Ngài cho họ trải qua những đêm tối hãi hùng của giác quan và của tâm trí, như thánh Gioan Thánh Giá, vị tiến sĩ thần bí, đã mô tả một cách rất đầy đủ. Chúng ta không thể bỏ quên những linh hồn rất được Chúa yêu thương đó. Chúng ta sẽ nhiều lần nhắc đến họ khi bàn về những đêm tối. Và chúng ta sẽ dành hẳn một chương cho họ, khi bàn về niềm tín thác trong những đêm tối thần bí. Những linh hồn nào không kinh qua những tình trạng này, cũng sẽ nhớ lại điều đó, vì họ biết rằng có nhiều chỗ ở trong nhà của Cha trên trời.

Sau cùng, phải nói thêm rằng chúng tôi thấy cần phải khích lệ và trấn an các độc giả : chúng tôi không chỉ nói với tâm trí họ, để giáo huấn và thuyết phục họ, nhưng còn nói với trái tim họ, để an ủi họ và làm ấm lòng họ. Cho nên tác phẩm này sẽ không có vẻ một giáo trình khô khan của môn thần học  tu đức. Giọng nói đơn sơ và đầy tâm tình của những trang này có mục đích đưa người ta tới niềm tín thác yêu mến của con thảo, mà thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu là khuôn mẫu tuyệt hảo nhất của chúng ta hiện nay.

Lời tựa

“Người ta không bao giờ tín thác quá nơi Thiên Chúa tốt lành dường ấy”. “Người ta nhận được từ nơi Ngài tất cả những gì người ta cậy trông nơi Ngài”. Những lời này là của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, Người anh hùng vĩ đại của niềm tín thác, mà sứ mạng nơi trần gian xưa, cũng như nay ở trên trời, là khơi dậy khắp nơi một đoàn đông đảo những linh hồn tín thác. Chúng tôi nghĩ những lời này là sự khuyên nhủ tốt nhất mà những trang được viết để kính dâng thánh nữ đây, có thể nêu lên, để gia tăng nhân đức rất quí trọng là niềm tín thác của các linh hồn. Tất cả chúng ta, dầu sống ở bậc nào trong xã hội, và dầu đạt tới bậc thang nào trong đời sống thiêng liêng, là những người tội lỗi hay là những người thánh thiện, chúng ta đều có một nhu cầu mênh mông về niềm tín thác, cũng như sự mênh mông của những khốn khó của chúng ta. Bởi vậy cuốn sách này được gửi tới tất cả mọi linh hồn.

Nhưng nó được đặc biệt gửi tới những linh hồn quảng đại và khẳng khái mà Tình yêu Thiên Chúa đã chinh phục, ít là phần nào : nơi những linh hồn đó, Ngài đã làm nảy sinh và tăng trưởng những ước ao thánh thiện lớn lao và những ước nguyện tông đồ rộng lớn. Chúng tôi đặc biệt tặng hiến những trang suy gẫm này cho những linh hồn đó vì hai lẽ sau đây[1]

Trước hết, họ cần phải sống tín thác hơn những người khác, cho nên cần phải được khích lệ hãy tín thác hơn. Thoạt nghe, điều này có vẻ lạ và nghịch lý. Những linh hồn này chỉ ước ao một điều: tận hiến, sống trọn vẹn cho tình yêu Chúa. Họ chỉ mong một hạnh phúc duy nhất nơi trần gian này : đó là hạnh phúc rất trong sáng và rất mến yêu là làm cho Chúa Giêsu được hạnh phúc. Vậy làm sao họ có thể có những ý tưởng nghi ngờ đối với Đấng biết rõ tất cả những khát khao yêu mến của họ, và nóng lòng muốn thỏa mãn những nguyện vọng của họ ? Vậy mà điều đó lại rất thật : những linh hồn này cần có niềm tín thác hơn.

Đó là vì để đạt tới bậc trọn lành, đạt tới sự thánh thiện mà họ hằng mơ ước và Chúa dành cho họ, họ phải trải qua biết bao nỗi khô khan và chán nản. Họ phải luôn luôn di chuyển qua lại từ một tình yêu mà ngọn lửa hồng nung nấu và thiêu đốt họ, sang một tình yêu như lửa được giấu dưới đống tro, khiến họ cảm thấy mình nguội lạnh, có vẻ không còn chút quảng đại nào hết. Và phải nói gì về những đêm tối thần bí đầy đau khổ : “Đêm tối của các giác quan” đưa họ bước thẳng vào đời sống nội tâm mãnh liệt, “đêm tối của tâm trí” còn đau đớn hơn, dẫn họ tới bờ vực của sự thánh thiện đích thực ?

Trong những cơn thử thách của sự thanh tẩy thụ động này, Thiên Chúa sẽ thử thách các nhân đức hướng thần của họ, các nhân đức tin, cậy, và mến. Thiên Chúa thử thách và thanh tẩy họ một cách kỳ lạ. Có vẻ như Ngài muốn ra sức triệt phá nhân đức cậy trông rất cần thiết này. Qua “những trò chơi tình yêu lặp đi lặp lại” với linh hồn, Ngài làm cho nó có ấn tượng sâu sắc rằng nó đang thụt lùi trên đường thiêng liêng, nó quá xấu, không đẹp lòng Ngài, nó không còn yêu mến Ngài và không còn được Ngài yêu thương. Ôi ! Những linh hồn này đáng thương hại dường nào ! Và phải chăng lòng thương xót lớn nhất của ta đối với họ sẽ là nâng đỡ họ, an ủi họ, khích lệ họ, giúp họ dầu thế nào đi nữa, vẫn hãy tin vào tình thương rất trung thành và vô cùng lớn lao của Thiên Chúa tốt lành ?

Lý do thứ hai khiến chúng tôi đặc biệt dành những suy niệm này cho các linh hồn ước ao nên thánh, đó là vì họ khát khao yêu mến. Họ đã thoáng nhìn thấy những gì đáng yêu mến nơi Thiên Chúa, họ đã hiểu rằng Thiên Chúa dễ thương mến, Ngài đáng yêu mến vô cùng, vượt xa mọi sự mến yêu mà họ có thể tỏ bày với Ngài. Và tư tưởng này giống như một ngọn lửa bừng bừng cháy ở trong họ. Nó khiến họ đăm chiêu tìm tình yêu này khắp nơi, vì chỉ tình yêu này làm họ thỏa lòng. Đối với họ, tất cả cuộc sống là để nói lên, để tỏ bày lòng mến yêu này. Họ khát khao yêu mến Chúa và nhân đó họ khát khao tất cả mọi hình thức và mọi cách tỏ bày lòng yêu mến, dầu là đền tội, dầu là phạt tạ, hy sinh, tông đồ cứu chuộc. Với những linh hồn này, chúng tôi muốn vén màn cho thấy và giúp họ hiểu rõ hơn về một kho tàng tình yêu còn giấu quá kín : chúng tôi muốn họ hãy khát khao tình yêu tín thác. Chúng tôi muốn dẫn họ vào chỗ thực hành một niềm tín thác yêu mến giữa những khi bị khô khan, bị cám dỗ, giữa những đêm tối. Ước chi, nhờ những trang này, họ biết vui vẻ và hăng hái chạy tới hình thức yêu mến này và thực thi thứ tình yêu mà Chúa Giêsu vô cùng yêu quí : đó là niềm tín thác trọn vẹn và không ngừng.

Nhờ ơn Chúa, ngày nay có nhiều linh hồn say sưa đền tạ vì mến Chúa, say sưa đền tội vì mến Chúa, say sưa tận hiến vì mến Chúa. Ôi ! Nếu những tư tưởng của chúng tôi gây được một âm vang nơi những linh hồn khẳng khái đó, và giúp họ nhìn rõ  nhu cầu của niềm tín thác mến yêu, thì chúng tôi sẽ vui mừng dường nào ! Như vậy, chúng tôi sẽ gia tăng con số những người biết an ủi Chúa Giêsu. Bên cạnh nhiều linh hồn đang hết lòng an ủi Chúa bằng tình yêu và những đau khổ đền tạ của họ, nhờ ơn Chúa chúng tôi sẽ đưa thêm đến cho Ngài một số linh hồn lo an ủi Ngài bằng tình mến yêu tín thác của mình.

Ước chi những trang này, được viết nên cho những linh hồn quảng đại, có thể góp phần duy trì nơi trái tim họ những ước ao mãnh liệt nên thánh, vì những ước ao này là yếu tố chủ yếu của niềm tín thác. Thiên Chúa đã đặt những ước ao này trong tâm hồn họ, và đó là bảo đảm quí giá nhất của sự thánh thiện. Ước chi những trang này có thể giúp họ giữ cho những ước ao này luôn nồng nàn, mặc dầu có những sai lỗi và gặp những khô khan, những cám dỗ, những sự bất lực, những đêm tối.

Xin thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu khả ái, vị thánh quí yêu của niềm tín thác, chuyển cầu cho các độc giả của chúng tôi được những ân sủng rất cần thiết, mà nếu không có, thì những suy niệm và những nỗ lực của họ để gia tăng nhân đức tín thác rất tốt lành này, sẽ vô hiệu. Bởi vì những tác phẩm của thánh nữ đã nhiều khi gây cảm hứng cho chúng tôi, và bởi vì thánh nữ không có ước nguyện nào tha thiết hơn là gia tăng con số những linh hồn sống tín thác cách anh hùng, cho nên chúng tôi xin đề tặng thánh nữ tác phẩm khiêm tốn này.

Paul De Jaegher S.J.

Nhà Cha sở Ranchi

(Chota Nagpur. Ấn Độ)


[1] Bởi vì chúng tôi viết trước hết cho những linh hồn quảng đại, cho nên trong sách này chúng tôi không nhấn mạnh và không thường xuyên nhắc tới thiện chí là cái luôn đi kèm với tín thác. Chúng tôi giả thiết phải có thiện chí.

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 21. Chúa là Cha

Chúa là Cha. Có khi nào Bạn suy nghĩ chân lý yên ủi ấy cho thấu đáo không? Ở đây, tôi không muốn chứng minh chân lý ấy. Bạn chỉ cần mở Phúc âm ra, và Bạn sẽ thấy nhiều lần Chúa dạy chúng ta cho biết Chúa là Cha. Chẳng hạn một lần các tông đồ xin Chúa dạy cho biết cầu nguyện, thì Chúa dạy rằng: “Khi chúng con cầu nguyên, chúng con hãy đọc: Lạy Cha chúng con ở trên trời… ” [43] Nếu Chúa chỉ phán một câu ấy, cũng đủ chúng ta tin nhận Chúa là Cha, huống chi, như tôi vừa nói ở trên, rất nhiều lần Chúa dạy chúng ta: Chúa không phải chỉ là Đấng tạo thành chúng ta, Chúa không phải chỉ là Vua, là Chúa chúng ta, Chúa không phải chỉ là Đấng cứu chuộc chúng ta, tất cả những tước vị ấy đều đúng với Chúa hết, nhưng… đọc những tiếng ấy lên, chúng ta thấy mình hình như xa Chúa quá… chúng ta có cảm giác như Chúa không biết gì mấy đến chúng ta, Chúa không săn sóc gì mấy đến chúng ta, cùng lắm Chúa chỉ chăm sóc chung chúng ta, như Chúa săn sóc tất cả các loài thụ sinh, nhưng Chúa còn muốn chúng ta gọi Chúa là Cha.

Vậy, nếu Chúa là Cha, thì tình thế đổi hẳn: chúng ta sẽ là con; và vì là Cha, Chúa sẽ săn sóc đến chúng ta chu đáo, như cha săn sóc con… và còn hơn tất cả các người cha thế gian săn sóc con, dù là người cha hiền đến đâu… ông Téctulianô nói: Nemo tam pater, nghĩa là không ai Cha bằng Chúa. Đã gọi là Cha thì phải có lòng nhân từ đại độ đối với con cái, phải tận tâm hy sinh cho con cái… phải có can đảm hy sinh tất cả, hy sinh cả sự sống, nếu cần, để tỏ tình thương yêu con…

Nhưng người cha nào ở đời đã làm được đến thế? Người cha nào ở đời đã có thể xưng được: Tôi là chính tình yêu. Chỉ có một mình Chúa, như lời Kinh thánh đã nói: Chúa chính là tình yêu.[44] Còn có thể nói thế nào rõ hơn, mạnh hơn về tình yêu của Chúa được nữa? Và Chúa đã dùng cả khối tình yêu vô cùng của Chúa, của người Cha, để phụng sự con cái là chúng ta.

Chúng ta hãy tưởng tượng một người con ở trần gian được một người cha yêu thương tha thiết bằng một trăm, hoặc bằng một nghìn người cha, thì đứa con ấy sẽ được săn sóc yêu thương biết chừng nào… và ai không nói đó là đứa con hạnh phúc nhất đời.

Nhưng Chúa không phải chỉ có một khối tình yêu như một trăm, như một nghìn, như một triệu người cha, nhưng là một thứ tình yêu gấp vô cùng lần tất cả các tình yêu của tất cả các người cha, của tất cả các người mẹ từ Adong, Evà cho đến tận thế. Và hằng ngày Chúa đem cả khối tình yêu vô cùng ấy ra để yêu thương chúng ta, để săn sóc chúng ta. Vậy mà chúng ta lại không sung sướng, sung sướng đến vỡ cả lồng xương ngực chúng ta ra sao?

Một người cha như Chúa thì không thể làm một cái gì cho chúng ta, không thể để chúng ta gặp một câu truyện gì, không thể để chúng ta bị một sự đau khổ nào mà không phải do tình yêu, một tình yêu vô cùng.

Cha yêu con đến đâu, cũng phải có lúc để con chịu khó, chịu khổ, chịu cực. Mà một ngươi Cha càng biết yêu con, càng bắt con chịu thương chịu khó, vì có biết chịu thương chịu khó, đứa con mới mong nên người được. Người cha yêu con đến đâu, thì khi con cần uống thuốc đắng, khi con cần bị mổ bị đốt, người cha cũng đành lòng bắt con uống thuốc đắng, bắt con bị mổ bị xẻ… vì có vậy, con mới sống được, con mới khỏe được.

Nếu chúng ta biết quan niệm Chúa như người cha – vì thật Chúa là Cha chúng ta – một ngươi Cha thương chúng ta, không phải chỉ lắm lắm, nhưng là thương ta vô cùng, và thương đúng lối, chứ không phải thương theo lối nhiều người cha mẹ thế gian, thương con không phải đường, thương con phần xác, phần trí, mà quên phần hồn con, quên đời sau của con… nếu ta biết quan niệm được như thế, thì không khi nào chúng ta còn phàn nàn kêu trách, khi Chúa để chúng ta đau khổ, khi Chúa trao thuốc đắng cho chúng ta, khi Chúa bắt chúng ta chịu mổ, chịu xẻ, chịu cắt, chịu chặt về đàng thiêng liêng, nói kiểu khác, khi Chúa gửi Thánh giá đến cho, vì trong tất cả những phiền muộn đau buồn, trong tất cả những Thánh giá ấy, chúng ta thấy tấm lòng yêu đương vô cùng của Chúa, chúng ta chỉ thấy hai bàn tay êm ái của người Cha… chỉ biết thương chứ không biết ghét, chỉ muốn chữa bệnh, chứ không phải bắt chúng ta chịu cay, chịu đắng để thỏa cơn giận của mình. Nói cho thân mật hơn, chúng ta sẽ hôn bàn tay nhân từ, thương yêu của Chúa, khi Chúa cho của ngon của ngọt, cũng như khi Chúa đưa thuốc đắng, cũng như khi Chúa dùng roi để sửa trị nết xấu của chúng ta.

Trước đây, khi một người con bị cha mẹ phạt, khi một người học trò bị ông thầy đánh thì sau khi bị phạt, người con, người học trò lạy cha mẹ, lạy ông thầy ba lạy để tỏ lòng biết ơn, vì cha mẹ, vì ông thầy có thương mới sửa phạt, cốt cho mình nên thân nên người.

Tại sao đối với Chúa, chúng ta không cư xử như thế, mà lại kêu ca lẩm bẩm, lại mất cả lòng tín nhiệm, có khi bỏ cả Đạo nữa? Lý do, là vì chúng ta chưa hiểu Chúa là Cha, một người Cha nhân ái vô cùng, thương con vô cùng.

Tôi rất tiếc, trong khuôn khổ quyển sách nhỏ này, không thể đem hết những đoạn rất ý nghĩa và rất cảm động của Phúc âm ra đây để giúp Bạn hiểu thêm. Tôi khuyên Bạn hãy tìm Phúc âm mà đọc. Đồng thời hãy đọc Truyện Một Linh Hồn, hoặc các sách khác nói về Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu… Bạn sẽ hiểu thêm nhiều về lòng Cha của Chúa, và Bạn sẽ thấy mình khác hẳn từ trước, khi thấy những đau khổ vây bọc quanh Bạn .[45]

Hiện thời tôi hãy xin Bạn một điều là từ đây mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, bắt đầu những tiếng: Lạy Cha chúng con, Bạn hãy thiết tha xin Chúa cho Bạn hiểu Chúa là Cha và hãy xin cho Bạn được biết đối xử với Chúa như đứa con ngoan nhất với ngươi Cha hiền nhất.

Bạn thử đi!

Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 20. Chiều Chuộng

(Tặng những ai sắp đi tu)

Bạn thân yêu, người ta ai cũng kêu mình đau khổ. Nhưng nhiều người quên rằng: lắm khi chính mình làm cho mình đau khổ chứ không phải ai.

Trong bài này tôi chỉ nói đến một ví dụ, một ví dụ có ích cho Bạn sau này.

Nhiều người bỏ thế gian vào nhà Chúa, nhưng họ quên hẳn rằng: Họ vào nhà Chúa không phải để được Chúa chiều chuộng, mà là để chịu khó vì Chúa, và chịu khó cho có công nghiệp hơn. Chẳng hạn có người tưởng vào nhà Chúa, sẽ được trăm nghìn lạc thú, họ tưởng họ sẽ được tràn ngập sự yên ủi, sẽ được bơi lội trong biển vui vẻ thiêng liêng. Họ tưởng tượng họ sẽ được Chúa chiều chuộng nâng niu, như người ta chiều chuộng một đứa con đang nằm liệt trên giường.

Sở dĩ họ lầm như thế, là vì họ vào Dòng không phải để làm tôi Chúa, nhưng để tránh trút sự khó. Đàng khác, họ thấy có ít nhiều Đấng Thánh, hoặc một đôi người, khi bước chân vào Nhà Dòng, thì được hưởng ngay nhiều sự vui vẻ thiêng liêng, họ tưởng ai cũng thế và lúc nào cũng thế, thành thử khi họ thấy họ không được như vậy, là họ đau đớn, họ buồn phiền, họ than trách, họ thất vọng… rồi thêm ma quỷ cám dỗ, họ muốn bỏ Nhà Dòng để trở về thế gian, như nhiều người đã bỏ thật…

Tôi muốn Bạn hiểu rõ điều này, kẻo sau này khi Bạn thấy không được Chúa yên ủi thì Bạn đâm chán nản, ngã lòng, và liều mình bỏ ơn Kêu gọi, hoặc không bỏ ơn Kêu gọi, thì đời Bạn sống trong Dòng, cũng sẽ là một đời đau đớn: Bạn sẽ sống những ngày buồn tẻ, thiếu mọi hứng thú trong việc làm tôi Chúa. Sống bất mãn như vậy, cuộc đời tu trì không đem lại cho Bạn được chút gì yên ủi, trái lại, nó sẽ biến thành khối đá nặng đè trên người Bạn, làm cho Bạn than thở buồn phiền, chán ngán, giẫy giụa, và, đời này, Bạn đã phải khổ sở vô ích, đến đời sau, may ra khỏi khổ sở trong hỏa ngục, thì lại mất triều thiên quý báu Chúa hứa thưởng những người bỏ mọi sự để theo Chúa.

Xin Bạn chịu khó đọc kỹ những lời sau này, Bạn hãy suy cho chín chắn, và nhất là Bạn hãy xin Chúa ban ơn cho Bạn hiểu những lời tôi muốn nói với Bạn, và còn hiểu hơn thế nữa, để sau này, Bạn khỏi mắc mưu ma quỷ, và đời Bạn sẽ là một cuộc đời hạnh phúc, hạnh phúc đời sau đã đành, mà hạnh phúc ngay ở đời này, như lời Chúa đã hứa thưởng những người theo Chúa, gấp trăm ngay từ đời này… [41]

Trước hết, Bạn nên nhớ rằng: khi các Thánh, hoặc ít người nói đến những sự vui thú khoái lạc Chúa ban cho khi bỏ thế gian, thì họ không có ý nói, mình chỉ được những vui thú, mà không gặp một sự gì đau khổ.

Không, không ai muốn nói vậy. Họ chỉ có ý nói: đi làm môn đệ Chúa, không phải chỉ là dấn thân vào cuộc đời vất vả, không phải chỉ là chảy mồ hôi để trèo lên núi Calvariô, mà còn là trèo lên núi Tabôrê nữa. Vì thế, những người muốn theo Chúa đừng ngã lòng, đừng quá sợ hãi. Nếu Chúa bắt ta chịu một hai sự khó, thì Chúa lại cũng có nhiều cách để bù lại cho ta, có khi ngay ở đời này. Chúa bù cách nào, ta không biết, chỉ chắc rằng: Chúa là Đấng nhân từ độ lượng vô cùng, không khi nào Chúa chịu thua lòng rộng rãi của ta. Nào Chúa đã không phán: “Một bát nước lã làm phúc cho kẻ khó vì Chúa, Chúa cũng không quên công” [42] huống nữa, hy sinh cả một đời vì Chúa, Chúa lại quên ta sao được? Bạn hãy chắc điều ấy. Đọc truyện các Thánh, Bạn thấy các Ngài xưa đã chịu bao điều đau khổ, tôi không cần minh chứng ở đây. Nhưng tôi cũng xin tặng bạn một câu truyện về Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu.

Bà viết: “Thưa Mẹ, như Mẹ đã biết, những bước đầu trong cuộc đời nữ tu của con, con đã gặp nhiều gai hơn hoa hồng. Trước hết, linh hồn con chỉ được ăn có một thứ bánh, ấy là sự lạt lẽo khô khan, rồi Chúa đã cho mẹ chúng ta xử với con rất thẳng nhặt, có lẽ chính người không ngờ thế. Không lần nào con gặp người, mà không được nhận một lời quở trách: Con nhớ một lần, con đã để một cái màng nhện ở hàng hiên, người đã mắng con trước mặt cả nhà: “Ai mà không biết, các hàng hiên trong nhà là do một con bé mười lăm tuổi quét. Thảm hại thật. Thôi, quét cái màng nhện ấy đi, lần sau phải làm việc cho cẩn thận hơn. Những khi gặp riêng người trong một giờ đồng hồ, con thấy mình bị quở trách luôn. Mà cái làm con đau khổ hơn cả, ấy là không biết phải sửa mình như thế nào… ”. Sau khi đã kể thêm những truyện bị Bà Mẹ mắng, nhiều khi không hiểu căn cớ tự đâu, Têrêsa kết luận: “Và trong hết mọi sự, Mẹ Bề trên vẫn xử với con như thế”, nghĩa là cứ quở tránh luôn…

Nhưng có một điều cần phải chú ý là chính trong khi các Đấng gặp những điều trái ý, là lúc các Đấng đã được yên ủi, không phải những sự yên ủi ngoài giác quan hoặc những sự sung sướng trong linh hồn, nhưng yên ủi vì các Đấng thấy mình được Chúa yêu; Chúa có yêu Chúa mới gửi sự khó đến cho, càng được Chúa yêu càng gặp sự khổ.

Các Thánh đã say sưa sự đau khổ đến nỗi Thánh nữ Têrêsa Cả đã nói: “Một là chịu đau khổ, hai là chết”, chứ sống sao được. Thánh nữ Mađalêna Padi còn nói mạnh hơn nữa: “Đau khổ mà đừng chết”, vì chết thì còn chịu khó vì Chúa sao được !

Và Bạn hãy nghe lời Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu viết về người trong “Truyện một linh hồn”: “Linh hồn con đã qua biết bao cơn thử thách, con đã đau khổ rất nhiều. Lúc còn bé, con đau khổ và buồn nhưng ngày nay con mến tất cả các thứ quả đắng trong sự bằng yên và vui vẻ… ” Và: “Đừng tưởng con được bơi lội trong sự yên ủi. Không, chính sự yên ủi của con, ấy là không được yên ủi ở đời”. Nhất là những lời này: có một chị hỏi Bà: “Người ta nói: Không khi nào chị bị đau khổ lắm, có phải không?” Thánh nữ liền chỉ vào cốc thuốc đựng một chất đỏ tươi và nói: “Chị hãy nhìn cái cốc này, ai cũng tưởng nó đầy chất ngọt, nhưng thật ra không gì đắng hơn nữa. Đấy chính là hình ảnh linh hồn em : trước mắt người khác, đời em là một vườn hoa đầy những màu tươi thắm, người ta tưởng em chỉ được uống toàn những chất ngọt và thơm, nhưng thật ra em chỉ uống toàn chất đắng. Em nói chất đắng, nhưng đời em không cay đắng, vì em đã làm cho chất đắng hóa vui và ngọt… Em đã hóa thành con người không biết đau khổ nữa vì hết mọi sự đau khổ biến thành sự ngọt ngào cho em… ”.
Ông Clément Roux (Lê-măng Ru) thuộc tỉnh Grasse (Gơ-rát), đã bị những bệnh tật biến ông thành một khối điêu tàn, một mảnh giẻ, một người đau khổ. Ông đã viết trong nhật ký của ông những lời này: “Ngay từ lúc còn ít tuổi, tôi đã hiểu ý nghĩa sự đau khổ, nhất là tự nhiên mà hiểu. Mỗi khi tôi không thấy mình đau khổ, hoặc chỉ đau khổ qua loa, tôi cảm thấy một sự trống rỗng trong tâm hồn, và đi đâu tôi cũng phải mang theo. Những cái vui đều làm tôi khó chịu, những cái thú đều làm tôi nặng lòng. Bây giờ thì nhờ ơn Chúa tôi đã được thỏa mãn và hạnh phúc; vì tôi chịu đau đớn và đền tội ; không có thế tôi cảm thấy đời tôi không có nghĩa lý gì. Lạy Chúa, được đau khổ thật là một phần gia tài quí báu chừng nào cho một loài thụ sinh! Và tại sao Chúa lại đoái nhìn đến một vật thụ sinh hèn nhát, khốn nạn nhất này để nâng nó lên cao đến thế?”

Chị Claire (Cơ-le) nữ tu Dòng Thánh Bênêđitô, cũng không kém vẻ anh hùng. Chị nói: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con muốn chịu đau khổ, con muốn như điên cuồng. Từ chối hết các thứ thú vui, dù là những thú vui được phép, để tỏ lòng con mến Chúa thật là một hạnh phúc to tát chừng nào! Vâng, con muốn làm khốn con hằng ngày, con muốn nghiền tán con hằng ngày”. Đấy không phải lời than thở trong lúc bồng bột, vì khi Thánh giá đến, chị không hề đổi thái độ, chị kêu lên: “Chúa tốt lành vô cùng. Tôi không muốn ở trong tình trạng khác. Tôi cảm ơn Chúa hết lòng… Tôi không muốn phàn nàn gì cả, vì lúc nào tôi cũng xin Chúa cho tôi được chịu đau khổ. Không tình yêu nào mạnh bằng chết cho người mình yêu. Lạy Chúa, con mến Chúa, nếu con phải chết trẻ, thì, lạy Chúa, xin ban cho con được chịu khổ cho nhiều trước đi, được chịu khổ liên lỉ, được chịu khổ cho đến cùng”. Chị chết lúc 28 tuổi, sau khi đã chịu một cuộc tử đạo mà không hề lộ một cử chỉ bất nhẫn.

Còn em bé Anne de Guigné (Anna Ghi-nhê) không biết phải làm gì để cám ơn Chúa, vì một ơn Chúa vừa ban cho mẹ em, em liền nghĩ ra được một kế, là lăn mình vào trong bụi gai, khiến hai cánh tay nhỏ nhắn của em đỏ ngòm những máu. Lúc lên 8 tuổi, em đã bị nằm lâu ngày trên một tấm phản. Nghĩ rằng như thế là được nằm trên Thánh giá cùng Chúa Giêsu Hài đồng, em nhẫn nại như một thiên thần.

Chị Maria (Marie Ste Cécile de Rome) trong khi chịu đau khổ đã kêu lên: “Alleluia! Lạy Chúa, vâng, xin Chúa cứ việc đổ và đổ thêm mật đắng vào chén của con. Con muốn nếm nó như nếm một thứ mật ngọt. Ôi, hỡi sỉ nhục thánh đã hết, hãy đến, ta yêu ngươi và ta sung sướng thân ái ôm lấy ngươi. Tôi khát, ôi! Tôi không thể tả ra được tôi khát chịu đau khổ chừng nào! Tôi khát các linh hồn chừng nào! Tôi khát tình yêu chừng nào! Đau khổ, các linh hồn, tình yêu! Đó là ba thứ mê điên cuồng mỗi giây phút thêm cháy nóng, đó là ba thứ hình khổ của tôi, đó là ba thứ tử đạo của tôi”

Rồi bạn thanh niên Gérard Raymond (Giêrađô Rây-mông), ngay lúc còn thiếu niên đã ở nhiệm nhặt hãm mình, đánh tội ghê gớm, ai cũng rùng mình, và ngay từ lúc 18 tuổi đã nhất định ôm lấy Thánh giá. Chàng ước ao được chết vì đạo: “Tôi muốn được chết cho kẻ có tội, tôi muốn được phúc tử đạo. Hôm nay, hằng ngày chịu tử đạo âm thầm, ngày mai chịu tử đạo ở góc trời Trung Hoa”. Chúa đã nghe lời chàng, chiều mồng 2 tháng giêng năm 1932 chàng bị một trận thổ huyết và trận thổ huyết ấy đã báo cho chàng sẵn sàng để hy sinh triệt để. Chàng vẫn giữ nét mặt bình tĩnh: “Tôi sẵn sàng lĩnh nhận hết mọi sự… dâng những dòng máu nóng của tuổi thanh niên, cái ấy cũng đáng giá bằng chịu tử đạo ở phương xa lúc đã già, nhưng không chắc có được. Lạy Chúa Giê su, xin làm cho con khổ, nếu đẹp lòng Chúa”.

Chàng chịu đau khổ, và chàng chết lúc có 19 tuổi, sau một cuộc đời chìm đắm trong sự bỏ mình và vui chịu hy sinh.

Còn nhiều lắm, nhưng sau đây là hai mẩu truyện của trẻ em.

Một em gái mới 9 tuổi, đã hai năm dưỡng bệnh trong một nhà thương. Một hôm, chị nữ tu khán hộ hỏi em: “Paulina, thế nào, có khá không?” Em đáp lại: “Hôm nay con không khá, vì không được chịu đau khổ mấy”.

Và đây, một em bé bốn tuổi, Monica. Em bị thương ở ngón tay, nhưng em lại nắm chặt lấy ngón tay bị thương. Một người chị hỏi rằng: “Em làm gì thế?” Em đáp: “Khi em riết chặt ngón tay, thì em đau hơn, và khi em đau hơn, thì Chúa Hài đồng Giêsu bằng lòng hơn”.

Tôi có cần trưng thêm ví dụ không? Tưởng không cần trưng thêm, vì bấy nhiêu cũng đủ cho Bạn thấy rằng: Sự vui vẻ khoái lạc thấy trong truyện các Thánh, không tất nhiên là những sự vui vẻ theo nghĩa thường, trái lại nhiều khi sự vui thú ấy, chính là những sự đau khổ, mà đau khổ rất nhiều. Vậy, thưa Bạn, Bạn đừng tưởng lầm các Thánh chỉ gặp toàn những sự vui vẻ yên ủi trong linh hồn. Nhiều người nghĩ thế, nên khi không được Chúa ban những sự vui vẻ, thì ngã lòng và lầm tưởng đời tu sĩ là một cuộc đời buồn tẻ, sầu muộn không ai sống nổi.

Một vị quan cao cấp trong triều nước Anh, một hôm đi hộ giá bà Hoàng hậu. Đến chỗ có bùn, sợ lấm giầy Hoàng hậu, ông đã cởi áo nhung rất quý đang khoác, ném xuống bùn, để Hoàng hậu bước qua lên… Người đời cho thế là lịch sự nhã nhặn.

Huống chi, làm tôi Chúa, ta càng phải quên hẳn thân mình, chỉ nhớ đến Chúa, chỉ muốn một việc, là phụng sự Chúa; và muốn phụng sự Chúa, thì phải chịu khổ, chịu khổ cho đến chết, và bằng lòng chết để tỏ lòng mến Chúa. Nếu Bạn hiểu được ơn kêu gọi, thì Bạn sẽ vui lòng chịu mọi nỗi đau thương, để đáp lại ơn Chúa.

Hằng ngày, cứ sáng dậy, Bạn nên cám ơn Chúa, vì đã ban thêm cho bạn một ngày nữa để Bạn chịu khó vì Chúa, và Bạn thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, bao nhiêu cũng được, càng nhiều càng hay, con chỉ xin một điều, là giúp con chịu cho nhẫn nại; hễ Chúa ở cùng con, thì con không cần gì khác nữa, được chịu khó như Chúa và với Chúa, thì còn vinh hạnh nào bằng!”

Chiều đến, bạn hãy than thở cùng Chúa: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa, vì đã ban cho con được ở trong Nhà Chúa thêm một ngày nữa. Nếu con đã nhát đảm mà tránh trút sự đau khổ, thì xin Chúa thương tha thứ… ngày mai, con xin ăn ở tử tế hơn… ”.

Bạn hãy nhớ lời Bạn đã giao hứa, các linh hồn đang cần nhờ sự đau khổ của Bạn… 3652 linh hồn đang chờ Bạn… Bạn có nhớ không? Chắc Bạn chưa quên chóng thế.
Không gì khó chịu cho một tu sĩ bằng chiều đến, khi xét mình, không thấy chịu được tí gì cay đắng khác những ngày đã qua; nghĩ đến điều ấy mà phát sợ. Thật thế, Bạn ạ. Tôi ước rồi đây, Bạn cũng cảm thấy những cái Bạn nghe từ lúc nãy.

Nói thế, để sau này khi gặp những nỗi đau thương tràn ngập linh hồn, Bạn sẽ nhớ rằng: đã có người nhắc trước cho Bạn. Tôi không nói tiên tri, vì thế nào cũng xảy ra. Bạn sẽ chán ngán; nhưng ai đã không bị chán ngán? Hết mọi người đi tu, cũng đã chịu những buổi chán nản, những phút ngã lòng. Bạn nhớ điều ấy cho kỹ, và ghi vào lòng. Bạn nên nguyện ngắm luôn về ơn Kêu gọi. Sống chết không bỏ mất ơn quý trọng ấy. Bạn hãy than thở: “Lạy Chúa con không tìm sự vui thú cho con, nếu con có ý ấy, thì thà con ở lại thế gian, con có thể tìm được một hai lạc thú tạm gửi, nhưng đã vào chốn này, con nhất định không tìm cái gì khác ngoài sự mến Chúa, và mến Chúa bằng sự đau khổ. Có bấy nhiêu, cuộc đời của con chỉ gồm trong mấy tiếng: Mến và chịu khó. Con đã đau khổ nhiều, nhưng con sẵn lòng hứng lấy hết những nỗi đau khổ Chúa còn thương gửi đến cho con”.

Vừa bước chân vào cổng Nhà Dòng, Bạn nên nhớ đọc ngay câu ấy, và không nghĩ đến những cách người ta sẽ chiều chuộng Bạn. Không, không, không. Bạn ơi, Bạn hãy bỏ ngay cái ý nghĩ sẽ được nhiều người hiểu Bạn và chiều Bạn. Không, không, không. Cái ý nghĩ ấy đã giết chết bao nhiêu người, xin Chúa cho Bạn đừng để nó giết. Trái lại, Bạn phải can đảm tiến vào Nhà Dòng, để hứng lấy những cái khó chịu, mà Bạn sẽ gặp thấy ngay giây phút đầu tiên trong đời tu sĩ của Bạn. Quên hẳn mình đi. Học vấn với tài gì đi nữa, cũng không phải là cái Bạn được dựa vào, để mong lấy một vài phút chiều chuộng nâng niu. Khốn cho những tu sĩ, hoặc nữ tu đã tìm một đôi cái chiều và chỉ thân với những người nâng niu. Bạn đừng muốn được nâng niu, và được tiếng là “con nuông của Nhà Dòng”. Không, những cái ấy đã làm hại nhiều người, ước gì Bạn đừng bị nó làm hại. Thảng hoặc, Bạn có được nâng niu chiều chuộng lúc đầu – cái ấy có thể lắm – Bạn hãy bỏ ngoài, vì nó không được lâu đâu, nó là những cái kẹo người ta thí trẻ cho nó khỏi khóc. Khi nó thôi khóc, thì biết đâu người ta lại không… ! Trong khi Bạn được những cái kẹo ấy, Bạn hãy thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, con có dám xin những đồ ngọt này đâu, nó tự ở đâu đến, chứ không phải tự con. Đã đành, nếu Chúa ban, thì con không dám từ chối, và con cám ơn Chúa. Nhưng con không cầu, mà Chúa muốn lấy lại lúc nào cũng tùy Thánh ý Chúa. Con không phải đứa trẻ thơ, cần phải dỗ phải thí. Con muốn rằng Chúa xử với con, như xử với đứa con cứng đầu cứng cổ, cần phải roi vọt, hành hạ”.

Bạn đừng tưởng như thế là nghiêm khắc quá. Không, cuộc đời các Thánh đã là cuộc đời như vậy, và cũng nhờ vậy các Đấng đã làm Thánh. Tôi muốn bạn làm Thánh, nhưng làm một Đấng Thánh được uống dấm chua mật đắng, chứ không phải một Đấng Thánh ăn đồ ngọt.

Chiều chuộng, chiều chuộng. Nó có hại, hại lắm, Bạn ạ. Vậy Bạn đừng mong gì những cái chiều chuộng vô ích thế gian. Có những cái khác đáng được yêu chuộng hơn nhiều, những cái ấy không tìm được ở trần gian.

Thôi, tôi để Bạn suy nghĩ trước mặt Chúa. Bạn hãy thề hứa với Chúa là Bạn sẽ nhất định không đi tìm sự vui thú, dù nhỏ mọn đến đâu cũng vậy.

Bạn hãy hứa đi !

Xin Chúa xin Đức Mẹ giúp Bạn hiểu những lời này. Chúng ta hãy ngày ngày cầu cho nhau được nên giống Chúa, là Đấng trên Thánh giá đã uống dấm chua mật đắng.

Nếu không, thì ta đừng trông làm Thánh.

[41] Matt 19,29
[42] Matt 10,42

Lm. Nguyễn Văn Tuyên, DCCT

Hạnh Phúc – Chương 1 - CÁI TÔI VÀ LỀ LUẬT LUÂN LÝ

Các nhà tâm lý học vĩ đại của mọi thời đều đồng thanh công nhận rằng cội nguồn mọi nỗi bất hạnh là lòng vị kỷ hay còn gọi là lòng ích kỷ. Ích kỷ là từ chối không chịu tuân theo hai giới răn mến Chúa yêu người, đồng thời xác định cái tôi là tiêu chuẩn mọi chân lý và luân lý.

Những kẻ sống đóng kín trong cái ngã của mình thường trải qua ba giai đoạn tâm trí như sau: thứ nhất là giai đoạn tự buông thả. Một khi cái ngã đã tự cho là tuyệt đối thì lúc đó mọi kẻ khác, mọi sự cố sự vật khác đều trở thành một phương tiện để thoả mãn cho nó. Lúc người ta còn trẻ, cái ngã ấy chỉ ước muốn thoả mãn nhục dục riêng mình, chẳng để ý gì đến các nhân cách khác, ở tuổi trung niên, cái ngã ấy khao khát quyền lực và khi con người về già, cái ngã ấy thường biến thành tính biển lận và lòng yêu thích được “an toàn”. Kẻ nào phủ nhận linh hồn bất tử thì hầu như luôn luôn thay thế vào đó sự bất tử của những phương tiện giúp tồn sinh. Ham khoái lạc mà tách lìa Chúa thì rốt cuộc luôn luôn sẽ buông mình theo nhục cảm.

Nhưng bởi vì không thể lúc nào cũng sống theo lối tự buông thả được bởi vì không những người sống buông thả xung đột với những cá thể sống buông thả khác mà còn bởi vì hưởng hoài thì khoái lạc dần dà sẽ giảm sút, nên cuối cùng cái ngã bị rơi xuống trạng thái tâm trí thứ hai là sợ hãi. Sợ hãi chính là lòng tự yêu mình bị thoái hoá. Kẻ nào chỉ biết sống hướng ngoại, chỉ luôn tìm kiếm lạc thú hoàn toàn ngoài bản ngã, thì hầu như thường rơi vào nỗi sợ mất mát bởi vì kẻ ấy đã đặt niềm tin vào những vật ít lệ thuộc vào sự kiểm soát của ý chí mình. Một người càng dựa vào chiếc gậy thuộc về một tay ích kỷ khác thì càng dễ có thể bị ngã té! Sự thất vọng là số phần của những kẻ sống hoàn toàn dựa vào giác quan! Mọi kẻ bi quan đều là những kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc nhưng bị thất bại!

Thất vọng, thừa mứa, chán chường sản sinh ra nỗi sợ. Ích kỷ càng to sợ hãi càng lớn; cá nhân nào càng ích kỷ thì nỗi sợ hãi của hắn càng thê lương. Toàn bộ môi trường chung quanh trở nên đen nghịt kẻ thù: “Mọi người đều chống lại tôi”. Một số người sợ tuổi già, số khác sợ chết, số khác nữa sợ sự tự sát, cho đến khi cuối cùng là nỗi tuyệt vọng ngự trị, cái ngã bị trả về cội nguồn của nó để rồi phải chấp nhận mình chỉ là hư không.

Trạng thái thứ ba là sự ngu dốt. Bởi vì sự ích kỷ cắt đứt mọi liên lạc với Chúa và tha nhân nên đồng thời nó cũng cắt đứt tri thức về cả hai nguồn này, chỉ còn để lại tri thức về nỗi khốn khổ của riêng nó. Cái tôi dần dà trở nên mất ý thức về định mệnh và mục đích sống của mình. Nó có thể thu thập các sự kiện nhưng không thể kết hợp chúng lại với nhau. Tri thức của nó trở nên giống như các giáo trình trong một trường đại học hiện đại, các giáo trình này được thu thập để kiếm một tín chỉ nhưng lại chẳng hề mang lại một triết lý về cuộc sống. Sự ngu dốt càng gia tăng khi một người biết được nhiều điều nhưng lại không ăn khớp với nhau. Người khôn ngoan thì chỉ biết mỗi một điều đó là điều thiện và mọi điều khác đều được kết hiệp trong đó. Còn sự ngu dốt của kẻ ích kỷ khiến hắn chua chát và ngạo đời, thứ nhất là vì hắn không bao giờ có thể thôi ước muốn điều thiện mà Chúa đã trông cậy nơi linh hồn hắn, và thứ hai là vì hắn biết rằng mình không còn năng lực để ước muốn điều ấy nữa.

Những hậu quả bi đát của lòng tự yêu mình không phải là không có thuốc chữa. Kể cũng khá kỳ lạ, Kitô giáo khởi đầu bằng giả định rằng có nhiều người sống ích kỷ. Lệnh Chúa truyền phải yêu mến Chúa và yêu tha nhân như mình hàm chứa giả định là mọi người đều yêu chính mình. Hai từ nho nhỏ chẳng hạn “như mình” cho thấy tất cả lòng tự yêu mình. Chúng cho thấy rõ ràng là con người tự yêu mình biết bao. Luôn luôn phải có điều gì đó lộ cho thấy một người yêu thích chính mình hay điều gì đó cho thấy hắn không bằng lòng chính mình. Chẳng hạn hắn tỏ ra ham sống, khi hắn ngồi ghế xích đu mặc quần áo xịn, trau chuốt xác thân.v.v… Hắn không bằng lòng với mình khi lỡ làm điều rồ dại hoặc lỡ lăng mạ một người bạn. Nói cách khác khi thấy mình giống như tạo vật được dựng theo hình ảnh của Chúa thì hắn cảm thấy yêu mình, còn hắn sẽ không cảm thấy yêu mình khi hắn lỡ làm nhơ bẩn hình tượng ấy. Vì lẽ đó, ta phải yêu tha nhân như yêu một nhân vị dù cả khi đó là một kẻ tội lỗi vì tội nhân dầu sao cũng là một nhân vị. Tuy nhiên không được yêu tội lỗi của hắn vì tội lỗi làm mờ đi chân dung của Chúa. Nói cụ thể hơn, người ta phải yêu những người Cộng sản dù không ưa chế độ Cộng sản.

Chỉ có một lối trốn thoát khỏi lề luật này đó là tranh luận xem ai là “kẻ thân cận” giống người luật sĩ nọ từng làm. Chúa chúng ta đã trả lời rằng “kẻ thân cận” không nhất thiết phải là người sống gần cửa nhà chúng ta. Có thể đó là kẻ mà chúng ta từng xem như kẻ thù. Tuy nhiên, Chúa đã không loại trừ khả năng kẻ thù ấy vẫn có thể sống gần cửa nhà chúng ta đấy!

Gm. Fulton Sheen

Hạnh Phúc – Chương 1 - PHẢI CHĂNG CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI CÒN LÂU MỚI ĐƯỢC BÌNH AN?

Không ai thực sự là bất hạnh nếu như hiểu được hạnh phúc là gì. Cuộc sống chỉ trở thành không thể chịu đựng nổi đối với những kẻ chẳng biết lý do tại sao họ lại sống. Trong trạng thái tâm hồn như thế người ta thường đồng hoá hạnh phúc với khoái lạc (lẽ ra đó là một vấn đề khác hẳn) và đồng hoá niềm vui với sự rung động của các mấu dây thần kinh (cũng là điều khác hẳn). Thế nhưng sự vật bên ngoài chúng ta lại chẳng bao giờ mang lại cho chúng ta bình an nội tâm. Càng cố tìm thoả mãn và nhắm mắt đạt đến một điều gì ngoài tầm kiểm soát của mình, người ta càng cảm thấy điều đó bấp bênh và càng dễ rơi vào thất vọng.

Có hai hành trình dẫn đến hạnh phúc. Thứ nhất là rút lui khỏi thế giới bên ngoài… khỏi sự quá đắm chìm vào những sự vật trần thế. Hành trình thứ hai sâu sắc hơn nhiều đó là thăng hoa những gì thấp kém trong chúng ta từ sự bo bo giữ cho chính mình trở thành sự hiến dâng cho Chúa. Con người hiện đại đã từng cảm nghiệm được hành trình thứ nhất, các sự vật bên ngoài từng trở nên bao nguồn khổ sở cho hắn. Chiến tranh phiền muộn, bất an và trống rỗng của cuộc sống từng làm con người kinh hãi đến mức họ cố gắng cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và bắt đầu tìm kiếm sự thoả mãn nơi bản ngã giới hạn của họ. Điều đó khiến cho khoa phân tâm nở rộ: tâm hồn con người hiện đại, hoảng hốt với sự vật bên ngoài, vội chui vào vỏ ốc của mình và bắt đầu tìm thoả mãn trong việc phân tích tiềm thức, với các nỗi âu lo, sợ hãi, cũng như các trạng thái buồn bã và thất vọng của mình.

Nhưng như thế khác nào tự nhốt mình vào một nhà tù, bởi vì người ta đã tự cô lập mình với cái ngã riêng mình như thế. Không có sự giam hãm nào mãnh liệt hơn trên trần gian này cho bằng sự giam hãm do chính mình tự cô lập mình. Không bao giờ được dùng mũi dao phân tâm mổ sẻ cục ung luân lý nội tâm để nhìn nó xì ra, làm thế là gây tác hại trầm trọng cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc. Đúng hơn, muốn chữa trị, người ta cần phải khám phá ra cho được tại sao con người bị cô đơn, sợ lẻ loi – bởi vì hầu như người ta đều sợ ở một mình mà chẳng biết tại sao viễn tượng ấy làm họ sợ hãi.

Vấn đề của chúng ta hôm nay là tìm cho được an bình nội tâm, và đây là điểm mà thế kỷ 20 được đánh dấu là tách biệt với thế kỷ 19. Một trăm năm trước đây con người nhìn vào thế giới bên ngoài để tìm câu trả lời cho những vấn đề của họ: họ tôn thờ khoa học hoặc thiên nhiên, hy vọng hạnh phúc sẽ đến nhờ vào tiến bộ về mặt chính trị hoặc lợi nhuận. Con người của thế kỷ 20 âu lo về chính mình: họ còn quan tâm về vấn đề tính dục hơn là đam mê chính tính dục – họ chú trọng đến thái độ tinh thần cần có đối với tính dục hơn là sự thoả mãn thể lý cũng như sự sinh con đẻ cái. Giá trị, tâm thức, cũng như thái độ của họ chiếm hết toàn bộ ưu tư của họ.

Dù có khá nhiều điều phi lý được viết ra về cuộc sống nội tâm của con người thời đại chúng ta, tuy nhiên thế kỷ 20 thực sự gần gũi Thiên Chúa hơn thế kỷ 19. Chúng ta đang sống vào ngày áp của một trong những cuộc canh tân tinh thần vĩ đại của lịch sử nhân loại. Đôi khi các tâm hồn lại gần gũi Chúa hơn bao giờ hết ngay cả khi mà họ cảm thấy xa cách Ngài nhất trong cơn tuyệt vọng. Bởi vì đối với một tâm hồn trống rỗng, Thiên Chúa có thể lấp đầy; một tâm hồn âu lo, Đấng Vô Biên có thể mang lại bình an. Còn một tâm hồn vị kỷ, kiêu ngạo thì không thể nào đến được với ÂN SỦNG.

Con người hiện đại đã bị bẽ bàng: những kỳ vọng đầy kiêu hãnh về sự tiến bộ cũng như về khoa học không thành tựu như họ từng hy vọng. Tuy nhiên họ vẫn chưa biết tự khiêm. Họ vẫn đóng khuôn giam mình trong bản ngã nên có thể chẳng thấy điều gì khác nữa. Các nhà phân tâm có thể được phép đào bới những tư tưởng của mình thêm vài năm nữa, nhưng rồi không bao lâu con người hiện đại sẽ phải thốt ra lời kêu gọi cuống cuồng xin Chúa nâng họ lên khỏi bồn nước trống rỗng của bản ngã. Thánh Augustinô biết rõ điều ấy. ngài nói: “Tâm hồn chúng con sẽ còn xao xuyến mãi cho đến khi nào được yên nghỉ trong CHÚA”.

Đó là lý do tại sao – dù cho chiến tranh thảm khốc đe doạ chúng ta – thời gian hiện tại vẫn không được xem là quá tồi tệ. Con người hiện đại tuy chưa trở về với Chúa, nhưng ít là đã trở về với chính mình. Sau này con người sẽ vượt qua và sẽ thăng hoa chính mình nhờ vào ân sủng của Chúa mà hiện con người đang tìm kiếm. Chẳng ai lại đi tìm kiếm cái gì mà mình biết là không hiện hữu; ngày hôm nay tâm hồn thất vọng đang tìm kiếm Chúa với niềm hồi tưởng về một danh xưng mà họ đã từng biết.

Khác biệt giữa những kẻ đã gặp được Chúa trong đức tin và những kẻ đang tìm kiếm Ngài có thể sánh với sự khác biệt giữa một người vợ đang hạnh phúc được bầu bạn với chồng mình và một thiếu nữ đang thao thức không hiểu mình sẽ kiếm được một người chồng không, hoặc có lẽ cô nàng đang cố gắng quyến rũ đàn ông bằng phương cách sai lạc. Những kẻ tìm kiếm lạc thú, danh vọng và của cải đều là đang tìm kiếm TUYỆT ĐỐI, tuy nhiên họ vẫn còn nằm bên ngoài kinh thành VĨNH CỬU. Những kẻ có đức tin đã đi vào nơi trú ngụ đích thực của mình trong lòng Đấng Vô Biên và đã tìm được “sự an bình mà thế gian không thể trao tặng được”. Giống như người ta có thể nhìn thấy một khuôn mặt từ đằng xa nhưng chưa nhận ra đó là người bạn bị thất lạc từ lâu, cũng thế người ta có thể ý thức được nhu cầu về Đấng Vô Biên và niềm ước muốn có được trạng thái ngây ngất bất tận của tình yêu dù vẫn chưa nhận biết đó chính là Thiên Chúa.

Dù cho một tâm hồn có xấu xa mấy đi nữa thì vẫn rõ ràng là không ai không ý thức được sự lệ thuộc và nô lệ của mình khi mình bị khuất phục trước những lạc thú bất chính. Có lẽ đó là lý do tại sao những người nghiện rượu thường là những kẻ nói dối: môi miệng họ từ chối sự nô lệ mà chính cuộc sống của họ rõ ràng đang chấp nhận. Những cá nhân ấy, dù không muốn chấp nhận chính mình đã sai lầm, vẫn từ chối không chịu xác tín về chân lý của Chúa, tuy nhiên sự buồn bã và trống rỗng của họ cuối cùng sẽ lôi họ đến với Thiên Chúa xót thương.

Thế giới bên ngoài của chúng ta hôm nay đang gặp những khó khăn trầm trọng, nhưng thế giới nội tâm con người vẫn chưa rơi vào tuyệt vọng. Thế giới chính trị và kinh tế ì ạch đi sau những phát triển tâm lý của chính con người. Thế giới xa cách Chúa nhưng trái tim con người không thế. Đó là lý do khiến cho sự bình an sẽ đến không phải nhờ vào những thay đổi chính trị cho bằng nơi chính con người; sau khi ẩn núp vào cõi tâm tư của mình xa lánh tiếng ồn ào bên ngoài, con người sẽ được nâng cao hơn chính nó để đến với nguồn hạnh phúc đã được định cho nó.

Gm. Fulton Sheen