8. Đời Sống Tâm Linh

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ 10. Một Linh Hồn

Bạn thân yêu, đây là bức thư của một linh hồn đầy lòng ký thác trong tay Chúa. Tác giả nó là một học sinh trường Đệ tử, độ 17 tuổi, tuy còn ít tuổi, nhưng Bạn đọc rồi sẽ thấy, em đã học được đức phó thác trong tay Chúa, không kém những người tập đàng nhân đức đã lâu.

 

+   +   +

Huế, 15-6-42

Thăm Thầy yêu dấu.

Em gửi thư thăm Thầy, vì có một sự tình cờ mới xảy đến cho em là em phải về luôn. Vì là Thánh ý Chúa, nên em viết mấy hàng thăm Thầy. Năm học vừa qua, em vẫn luôn luôn khoẻ mạnh, công việc học hành cũng có phần hết quả. Tưởng là Chúa chọn em sau này nhưng ai ngờ ý Chúa mầu nhiệm, Ngài muốn định em đi lối khác, nhưng đàng nào? Em còn tối tăm chưa thấy chút gì hết. Vậy vì lòng mến Chúa Giêsu, xin Thầy cầu cùng Chúa soi sáng chỉ đàng cho em luôn luôn, và điều em nguyện ước hơn hết là đừng bao giờ chán nản ngã lòng, nhưng luôn luôn phải tin cậy Trái tím Đ.C.G. và Đức Mẹ, luôn luôn cầu nguyện theo ý Thánh Anphongsô.

Em trông nơi lời cầu nguyện của Thầy lắm lắm…

Đó không phải là vì sức khoẻ, mà là vì lẽ ngăn trở riêng ở gia đình em.

Cám ơn Thầy hết sức…

Nay thư.

+   +   +

Đọc xong bức thư ấy, Bạn có cảm tưởng gì? Một người hãy còn trẻ tuổi, đức hạnh có, minh mẫn có, được thầy yêu, được bạn mến, hết sức theo đuổi ơn Kêu gọi… Nếu là người thường, thì đã than thở, đã oán trách gia đình. Nhưng người này thì không. Em ấy đã ký thác mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ. Em không xin gì khác, chỉ xin bền lòng theo ý Chúa.

Một tấm gương hy sinh hiếm có, một tấm gương ký thác cảm động.

Bạn thân ái, trong đời Bạn, rồi không thiếu việc đau đớn như thế. Có lẽ Bạn đã gặp. Nếu chưa thì Bạn hãy chờ, nó sẽ đến, mà có lẽ càng lâu càng nhiều, khiến Bạn không kịp xoay sở. Bạn sẽ bị người đời bỏ vạ, sẽ bị họ nghi ngờ cho Bạn những điều không có, họ sẽ phao những điều rất quái gở có thể làm tổn hại danh tiếng của Bạn. Mà điều làm Bạn đau đớn hơn cả, là họ sẽ làm Bạn mất thanh danh ở những người Bạn tin yêu nhất trên đời. Nhiều người đã gặp, và tôi nói trước để khi đến lượt Bạn, Bạn đừng ngạc nhiên, và có đủ can đảm chịu cho nhẫn nại.

Nhiều người không xấu bụng, họ không có ý làm mất thanh danh ta để họ sướng. Không, nhưng vì họ bị một ý tưởng quá mạnh ám ảnh, nên trong khi phán đoán, họ không làm chủ mình. Những người ấy trước mặt Chúa, nhiều khi họ không có tội hay cùng lắm chỉ có tội nhẹ. Đã đành, Chúa không yêu những lời nói hại đến thanh danh người khác, nhưng chắc một điều, là Chúa muốn chúng ta chịu cho nhẫn nại, Chúa thích nhìn xem ta chiến đấu cùng sự đau khổ, Chúa ở cạnh ta, Chúa không để ta mồ côi. Mặc dầu cả thế gian mưu hại ta, nhưng nếu Chúa ở cùng ta, ta đừng ngại, đừng sợ: Cây ngay không sợ chết đứng. Và lời Thánh Phaolô: “Nếu Chúa ở cùng ta, thì ai làm gì được ta?” (31) Lời ấy ta hãy đem ra suy ngắm để thêm sức mạnh.

Tôi không muốn nói: Bạn không được bầu chữa cho mình. Không, nhiều khi Bạn có nghĩa vụ phải tự bầu chữa. Nhưng không khi nào được làm hại đến thanh danh người khác trái đức thương yêu và công bình. Vậy khi nào Bạn có quyền và có thể, lại có nghĩa vụ bầu chữa, để cứu vãn tiếng tốt của Bạn, Bạn hãy làm việc ấy trong sự bình tĩnh, và nếu có thể được, Bạn hãy bàn hỏi trước với Cha linh hồn, hoặc người nào khôn ngoan, kẻo lúc Bạn muốn cứu vãn tiếng tốt, Bạn lại mất tiếng tốt thêm, như đã xảy đến cho nhiều người. Hoặc sẽ làm phiền lòng Chúa là điều quan trọng hơn tiếng tốt của Bạn. Ngoài ra, Bạn hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ.

Nói đến đây, tôi sực nhớ lại mấy câu truyện rất ý nghĩa.

Trước là truyện Thánh Giêrađô. Thánh Giêrađô là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Thầy là người rất thánh thiện, đã từng làm nhiều phép lạ lúc còn sống. Các Đấng Bề trên không bắt bẻ được điều gì, và rất có lòng tôn trọng Thầy. Nhưng Chúa đã để cho Thầy gặp một sự khó rất nặng. Thầy bị cáo gian về tội dâm dục. Chúa để cho Cha Bề trên cả lúc ấy là Thánh Anphongsô lầm và phạt Thầy rất nặng, trừ việc đuổi ra khỏi Dòng. Thầy Giêrađô nín lặng không tìm đàng chữa lỗi.

Chúa không thể chịu thua lòng anh hùng khẳng khái ấy. Sau Chúa cho Thánh Anphongsô biết mình đã bị lừa và từ đấy càng tin yêu Thầy Giêradô hơn trước.

Rồi chính Thánh Anphongsô cũng bị một sự rất đau phiền, có một không hai trong lịch sử các Thánh. Chính Người là Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã làm Giám mục và chép bao sách vở để bênh vực Giáo hội và Đức Giáo Hoàng. Người đã làm cho bao nhiêu người ăn năn trở lại, đã làm cho bao nhiêu phép lạ, đã nói bao lời tiên tri… Thế mà về cuối đời, Chúa đã để cho chính Đức Giáo Hoàng lầm và đuổi Người ra khỏi Dòng. Thánh Anphongsô đã làm gì trong cơn đau đớn ấy ? Người chỉ nói một câu: “Ý Đức Giáo Hoàng là ý Chúa”; chỉ có thế, không hề ca thán nửa lời. Người lại còn can những người muốn nhắc đến việc ấy. Sau chính Đức Giáo Hoàng đã phạt Người lại hết sức lo cho Người được phong thánh.

Và đây là truyện Thánh nữ Têrêsa Cả, Đấng sửa lại luật Dòng Kín Camêlô (ta thường gọi tắt là Dòng Kín).

Hồi Têrêsa vào Dòng Kín, tuy trong dòng vẫn còn nhiều người ăn ở đạo đức, nhưng ta cũng phải công nhận rằng, cái tinh thần siêu việt của Dòng Kín, khi ấy cũng bị giảm giá đi nhiều. Người thế gian thường năng lui tới chuyện trò, làm các Chị mất thời giờ, chia trí, và xa dần cõi thánh thiện.

Phải chứng kiến cái cảnh suy sụp ấy, Têrêsa đã làm gì? Têrêsa đã khóc, khóc rất nhiều, ngày thì khóc với Chúa trước Nhà Chầu, đêm thì khóc một mình trong phòng vắng… Têrêsa chưa cho thế là đủ. Một tiếng bên trong âm thầm, nhưng mãnh liệt, thúc bách Têrêsa phải làm một việc khác, một việc có hiệu lực hơn nước mắt: Têrêsa được lệnh Chúa dạy, sửa lại luật Dòng Kín để chị em giữ luật nghiêm ngặt như lúc dòng mới sáng lập.

Công việc ấy nào phải một trò chơi. Lập dòng còn dễ, chứ sửa luật dòng không phải chuyện dễ. Làm thế nào để vượt được một lớp người đã từng theo một khuôn khổ nhất định, một cái khuôn khổ đã đành không hoàn thiện, nhưng chưa đến nỗi đốn mạt. Têrêsa biết, và chính Chúa cũng tỏ cho Têrêsa biết, sẽ phải vượt qua nhiều đoạn trường gian lao, trong khi thi hành sứ mệnh Chúa đã ủy thác. Nhưng đã sẵn có một tâm hồn quảng đại và khẳng khái, Têrêsa nhất định đương đầu với hết mọi nỗi khó khăn, để thi hành đúng lời Chúa.

Thấy nói đến việc sửa luật dòng, thiên hạ bắt đầu xôn xao bàn tán: “Chà, cái cô mặt tươi như hoa hồng ấy mà nói chuyện sửa luật dòng à? Dễ thường cô tưởng các bà các chị trong dòng, là bọn người hư thân cả chắc!?”

Không những họ nói, không những họ cười, không những họ nhạo, họ còn xử tàn tệ hơn nữa. Hỏa ngục như đã một phen đắc thắng: vì không những chỉ có những người phần đời, là những người xưa nay vẫn thường lui tới làm hại các chị, không những chỉ có các chị em dòng “Ngôi Hai Giáng thế” là dòng Bà đang ở lúc ấy, mà cả đến nhiều vị linh mục cũng ra mặt phản đối và công kích. Có những nhà giảng thuyết lên tòa giảng công nhiên bỉ báng xỉ mạ Bà, họ cho Bà là người giả hình, là đứa kiêu ngạo, là con dở người, là phường rối đạo… Cha Bề trên Tỉnh Dòng Camêlô nhất định không cho Bà làm theo ý Bà. Thêm vào đấy, chính cha linh hồn của Bà cũng hùa với dư luận để cấm đoán công kích Bà. Nhưng, như ta đã biết, Bà Thánh đã qua hết các cơn giông tố phũ phàng ấy, và đã sửa lại được luật Dòng Kín như chúng ta thấy ngày nay.

Những truyện ấy chứng minh cái gì, thưa Bạn? Những truyện ấy chứng minh câu nói trên kia: Bạn hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ. Và ở đây tôi nói thêm: Chúa và Đức Mẹ sẽ có thừa kế, để gỡ tiếng tốt cho Bạn.

Vậy gương người thanh niên viết bức thư kia rất có sức yên ủi Bạn, trong khi Bạn bị những điều đau đớn bất ngờ, nhất là khi không phải lỗi Bạn. Bạn hãy nhìn nhận tay Chúa trong hết mọi sự. Nếu Chúa không thích cái việc xảy đến, vì ở trong ấy có tội, thì ít ra Chúa muốn Bạn dùng dịp ấy để chịu khó và để tỏ lòng Bạn tin cậy kính mến Chúa.

Xin Bạn ghi sâu vào lòng và ngày ngày cầu xin cho được như vậy, không thế, thì sự đau đớn không làm ích gì cho ta, trái lại, chỉ làm thêm đau khổ, đời này đã vậy, mà có lẽ cả đời sau.

 

Lm.Nguyễn Văn Tuyên – DCCT

(31) Rom. 8,31

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ: 9. Hãy Nhìn Xuống

Bạn đã nhìn lên. Bạn đã ngắm phúc Thiên đàng, và chắc Bạn đã hiểu: Muốn lên chốn cực lạc ấy, thì phải chịu khó, phải đi đường Chúa đã đi: con đường ấy Bạn biết rồi, không phải đường đầy hoa hồng, không phải đường sống theo xác thịt; không, nó là đường đầy đau khổ, đường thánh giá, đường tử nạn. Chúa đã đi trước, và hết mọi người muốn theo Chúa, đều phải đi theo.

Nhưng, Bạn thân ái, vì muốn Bạn hiểu những điều tôi muốn nói cùng Bạn, vì muốn cho Bạn chắc được hạnh phúc, mà tôi nói thêm với Bạn một điều này nữa, một điều có sức giúp Bạn chịu khó cho nên:

Tôi xin Bạn: Hãy nhìn xuống.

Nhìn xuống đâu? Và nhìn xuống để làm gì? Bạn nán lòng chờ đợi, Bạn sẽ hiểu.

Bạn hãy nhìn xuống.

Trước hết, Bạn hãy nhìn xuống hỏa ngục.

Nếu trước đây, Bạn đã trót phạm một tội trọng thì chính là chỗ Chúa dành cho Bạn rồi. Chính nhẽ ngày nay Bạn phải ở dưới ấy rồi… Ở dưới ấy??? Lạy Chúa, ai hiểu được ở hỏa ngục là thế nào? Nếu loài người hiểu được hỏa ngục là gì, thì ai dám phạm tội nữa, nhưng người ta phạm tội trọng, là vì không hiểu hỏa ngục đáng ghê đáng sợ dường nào!

Trong sách “Thánh Mẫu Phương danh Kim thư”, Thánh Anphongsô thuật truyện sau này:

 

Vào khoảng năm 1604, tại một tỉnh thuộc miền Flandre (Phờ-lăng) nước Pháp, có hai chàng thanh niên trẻ tuổi tên là Richard (Risa) và René (Rơ-nê) cùng lưu học. Nhưng cả hai chẳng lo học tập, chỉ mải vùi đầu trong cuộc truy hoan…

Một đêm, hai người hẹn nhau tới vui đùa trong một xóm thanh lâu, mãi tới khuya Richard bỏ ra về, René vẫn còn mải vui ở lại.

Về đến nhà thay quần áo ngủ xong, Richard chợt nhớ lại, ngày hôm ấy chưa đọc ba kinh Kính mừng dâng Đức Mẹ như đã quen. Người mỏi mệt, mắt díp lại vì buồn ngủ, nhưng chàng cũng cố đọc cho xong mấy kinh Kính mừng thường lệ, vừa đọc vừa ngủ gật, tắc trách cho chóng xong rồi ngả lưng.

Vừa mới chợp mắt, chàng bỗng thấy có tiếng đập cửa, và liền khi ấy cánh cửa phòng tuy vẫn đóng, Richard kinh hãi thấy một người mặt mày hốc hác, thân hình tiều tụy, sừng sững đứng đối diện với chàng về phía cuối giường. Chàng thất đảm kêu lên:

– “Ngươi là ai?”

Người kia đáp:

– “Kìa anh, anh không nhận ra tôi à?”

Nghe tiếng nói, Richard nhận ra được tiếng René, bạn chàng. Chàng hỏi:

“Nhưng trông sao anh kinh hãi thế? Anh làm sao mà ra nông nỗi này?”

Người bạn rền rĩ nói: “Khốn nạn thân tôi!..Anh ôi, tôi bị đày… ”

Richard ngắt lời: “Nhưng vì cớ gì?”

– “Để tôi kể cho anh nghe. Khi tôi vừa bước chân ra khỏi căn nhà khốn nạn, mà chúng ta vừa vui chơi khi nãy, tôi liền bị một thằng quỷ bóp chặt lấy cổ, làm tôi tắt hơi. Xác tôi nằm ngang giữa phố vắng, hồn tôi bị dẫn đưa xuống hỏa ngục.

Về phần anh, anh ơi, giá không có mấy kinh Kính mừng hằng ngày anh dâng kính Đức Mẹ, thì có lẽ anh cũng đã cùng chung một số phận như tôi rồi, Đức Mẹ đã thương anh lắm, Người có ý dùng miệng tôi để bảo cho Anh biết liệu sớm ăn năn hối cải, mà lo tu tỉnh, kẻo chậm mất”.

Vừa nói, người bạn khốn khổ kia vừa mở rộng tà áo cho Richard trông thấy những ngọn lửa bùng bùng đương thiêu đốt, những nanh dữ tợn đương cấu xé anh. Đoạn anh lặng lẽ nhìn Richard, rồi biến mất.

Richard vội nhảy xuống giường, sấp mặt xuống đất, nước mắt chảy chan hòa. Chàng thực tình hối lỗi và thầm tạ ơn Đức Mẹ đã dủ lòng thương cứu giúp chàng.

Trong khi chàng suy nghĩ sửa đổi cuộc đời trụy lạc của mình, thì tiếng chuông cửa nhà Dòng gần đấy nhịp nhàng ngân hiệu báo sáng.

Tiếng chuông ngân dài trong sương sớm khiến Richard tưởng như tiếng Đấng chí nhân phán bảo: “Hãy đền tội,  hãy đền tội”.

Chàng theo tiếng chuông, lần tới cửa nhà Dòng gõ cửa xin đi tu. Sau một cuộc điều đình rất khó khăn, Richard được nhận vào Dòng, ăn năn đánh tội…

Về sau chàng đem ơn Cứu chuộc đi thức tỉnh tội lỗi thiên hạ, qua đất Ấn, tới đất Nhật, và ở đấy, chàng được phúc chết vì đạo.

Bạn thấy chưa, chàng thanh niên trụy lạc kia, mới được thấy có một phần nhỏ hỏa ngục, mà đã kinh khiếp đến chừng ấy, và cái phần nhỏ mọn chàng được chứng kiến, cũng đủ làm cho chàng từ chỗ trụy lạc đến chỗ chết vì đạo. Huống chi, nếu chúng ta được thấy chính hỏa ngục, và cả hỏa ngục thì còn ghê gớm đến chừng nào nữa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu được đôi chút hỏa ngục là gì, và ban sức cho chúng con đừng khi nào dám phạm tội trọng mất lòng Chúa nữa.

Bạn thân yêu, chỉ nghĩ đến có ngày chúng ta có thể bị giam trong biển lửa sinh diêm ấy cho đến đời đời, mà tôi đã thấy ghê sợ kinh khiếp lắm rồi! Nhưng, lạy Chúa nhân từ, xin cứu chúng con khỏi cái ngày ghê sợ ấy.

Thôi, tôi chắc Chúa thương Bạn chưa phạm tội trọng mất lòng Chúa, hoặc có phạm, thì cũng ăn năn đủ rồi, và ta hãy xin Chúa thương gìn giữ ta từ nay đừng phạm tội trọng mất lòng Chúa, cho khỏi sa xuống chốn cực hình khốn nạn ấy.

Nhưng, tôi chắc được là Bạn đã phạm nhiều tội nhẹ mất lòng Chúa, phạm đến nỗi Bạn không thể nhớ được nữa… Và như Bạn biết: đã phạm tội nhẹ, thì tất nhiên phải bị giam cầm khổ sở trong luyện ngục để đền tội ấy.

Ôi ! Luyện ngục, chính vì chúng ta không hiểu luyện ngục là gì, nên chúng ta phạm tội nhẹ như không. Nhưng Chúa thì không coi tội nhẹ như không. Vì tuy chúng ta gọi những tội ấy là nhẹ, nhưng những tội ấy phạm đến uy quyền của Chúa là Đấng cao cả vô cùng đáng mến vô cùng và thương ta vô cùng; bởi thế, Chúa phạt tội nhẹ cách rất thẳng nhặt cả đời này, cả đời sau.

Dưới đây tôi sẽ thuật lại cho Bạn nghe mấy tích ghê sợ để Bạn hiểu một tí, thế nào là một tội nhẹ, và Chúa phạt nó thế nào.

Ngay ở đời này, Chúa cũng phạt tội nhẹ rất thẳng tay. Nhiều sự khốn khó chúng ta chịu hằng ngày, chính là hình phạt của tội nhẹ. Đôi khi Chúa phạt nhãn tiền.

Kinh thánh có thuật lại tích bà Maria chị ông Maisen, vì cả lòng kêu trách ông Maisen, mà Chúa phạt bà bị phong hủi… Chính ông Maisen, vì hồ nghi phép Chúa trong một phút, mà bị Chúa phạt không cho vào đất Chúa đã hứa cho tổ tông. Thương hại thay, trong ngót bốn chục năm, ông Maisen chịu biết bao đau đớn để đem dân Do thái về đất tổ phụ, thế mà lúc tới nơi, chỉ vì ông hồ nghi phép Chúa trong một phút, mà Chúa phạt phải chết ở ngoài. (26)

Bạn hãy nghe thêm truyện thánh nữ Magarita Maria kể về mình. Hồi Thánh nữ còn ở Nhà tập, một lần có sơ suất một điều nhỏ mọn, Chúa liền hiện ra và phán “Con phải biết Cha là một ông thầy thánh thiện, và dạy đàng thánh thiện. Cha là đấng trong sạch, và không chịu được một vết gì, dù rất nhỏ mọn”. Bà thánh nói tiếp: “Chúa phán những lời ấy bằng một giọng nghiêm nghị đến nỗi tôi thà chịu hết mọi thứ hình khổ, còn hơn phải nghe những lời công thẳng ấy”. Bà lại viết: “Một lần vì tôi đã để mình theo tính khoe khoang mà nói về mình tôi, lạy Chúa tôi, lúc tôi ở một mình, Chúa liền hiện ra quở trách tôi nặng lời: Hỡi tro bụi, mày có gì để khoe mình, vì tự mày, mày chỉ là không. Và để mày khỏi quên mày là vật gì, thì tao muốn cho mày thấy linh hồn mày bây giờ”. Nói rồi, Chúa cho Bà thấy thoáng qua cuộc đời của Bà, bản tính của Bà. Bức tranh ấy làm cho Bà ngạc nhiên và ghê tởm mình Bà, đến nỗi nếu Chúa không nâng đỡ, thì Bà phải chết vì đau đớn; đó là hình phạt Chúa phạt Bà, mỗi khi Bà để mình theo tính khoe khoang, tự phụ, khiến Bà đôi khi thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, hoặc Chúa cho con chết đi, hoặc đừng để con thấy bức tranh ấy nữa”. Vì Bức tranh ấy khiến Bà chê ghét mình Bà và thù hằn với mình, và đàng khác, đức vâng lời lại không cho phép Bà phạt mình để đền tội như ý muốn, nên bà không thể tả được những sự đau khổ Bà phải chịu. (27)

Nhưng tôi không định nói đến tội nhẹ trong bài này, vì dài quá. Đây tôi chỉ muốn nói đến hình phạt Chúa dành để phạt tội nhẹ trong luyện ngục, nhưng chúng ta có thể trừ bớt hình phạt ấy dễ dàng như tôi sẽ nói sau đây.

Bây giờ tôi kể cho Bạn nghe vài câu truyện ghê sợ, Chúa phạt tội nhẹ trong luyện ngục như thế nào.

Những người theo tính xác thịt, lo ăn mặc cho đẹp mắt thế gian đã bị Chúa phạt kinh khủng.

Bà Maria Vilani, Dòng thánh Dominicô, rất có lòng sùng kính các linh hồn trong luyện ngục, hằng đọc kinh cầu nguyên cho các linh hồn ấy; nên nhiều lần Chúa cho các linh hồn hiện về cám ơn, hoặc xin cầu nguyện. Bà có kể rằng: Trong các linh hồn ấy, có một linh hồn phải chịu hình phạt rất ghê gớm. Bà động lòng thương thì hỏi linh hồn ấy căn do tự đâu. Linh hồn ấy đáp: “Tôi ở trong lửa này đã lâu, vì khi xưa, tôi thích ăn mặc cho xinh xắn, tôi hay sửa sang y phục cho đẹp mắt người đời… Từ khi tôi xuống lửa này, hình phạt tôi không giảm bớt tí nào. Khi tôi còn sống, chỉ lo ăn mặc, lo đánh phấn soi gương, lo chải tóc cho mốt, lo đi dự các cuộc lễ, các cuộc hội họp ăn chơi của người đời, và những sự vui thế gian, tôi ít nghĩ đến bổn phận của tôi, hay chỉ lo đến một cách thờ ơ gọi là… Tôi chỉ lo một điều, là cho người ta biết tôi và cho gia tài những người thân quyến tôi ngày thêm sung túc… Bây giờ thì xin Bà xem, tôi phải khốn nạn thế này đây. Những người nhà tôi không ai còn nhớ đến tôi nữa, cha mẹ, con cái, bạn hữu, những người thân yêu đều quên tôi hết”.

Bà Vilani xin linh hồn ấy cho mình cảm thấy một tí những sự đau đớn linh hồn ấy phải chịu. Bà liền thấy như có ngón tay bằng lửa chạm đến trán Bà, Bà thấy đau đến nỗi Bà hết cơn ngất trí. Đầu ngón tay đã đặt trên trán Bà sâu đến nỗi hai tháng sau, người ta còn nhận thấy, và vẫn làm cho bà rất đau đớn. (28)

Bạn yêu quý, bây giờ thì Bạn thấy: không phải vô cớ mà những người coi sóc linh hồn muốn cho Bạn ăn mặc đơn sơ. Những cái làm vui mắt thế gian rồi đây sẽ làm ích gì cho Bạn khi Bạn đã sa vào luyện ngục? Trái lại, như Bạn đã biết… Bạn đừng tưởng Bạn chết rồi, người sống sẽ thương Bạn, sẽ nhớ cầu nguyện cho Bạn… Không, nhiều người đã lầm. Họ có nhớ chăng cũng chỉ ít ngày rồi thôi. Thời gian trôi đi, với những công việc mới, với những người bạn mới, thì tình thương nhớ Bạn cũng nhạt theo… Đã không nhớ, còn cầu nguyện gì nữa.

Thì Bạn hãy suy sở chính mình Bạn… Bạn có nhớ đến những người thân yêu, những người bạn đã khuất không? Bạn có năng cầu nguyện xin lễ cho họ không… ? Suy bụng ta ra bụng người.

Vậy thì Bạn đừng khờ khạo, quá tín nhiệm vào người sống. Bạn hãy lo thương lấy mình trước, lo cho sau này khỏi phải sa vào chốn khốn nạn ấy, hoặc có sa vào, thì cũng chóng được ra, không cần phải có người nhớ đến Bạn mãi.

Cách ấy, là vui lòng chịu khó.

Xin Bạn nghe thêm truyện này nữa.

Những người lúc còn sống đã làm gương xấu, đã gây dịp tội cho người khác hãy nhớ rằng: rồi đây, nếu may mà còn được xuống luyện ngục thì không những họ phải chịu đau khổ vì tội riêng mình mà còn phải chịu đau khổ vì những tội họ đã làm dịp cho người khác phạm nữa. Và thứ hình khổ sau đó có lẽ lại nặng nề hơn các hình khổ phải chịu do chính tội mình phạm.

Trong sách về Luyện ngục có kể rằng: có một họa sĩ rất được mộ mến vì lòng đạo đức của ông ta. Lần ấy ông ta được mời đến vẽ tại nhà dòng các cha Camêlô. Ông ta chết ngay ở chỗ ấy.

Ít ngày sau, ông được phép hiện đến với một tu sĩ, khóc lóc kêu van giữa những ngọn lửa bốc cháy phầng phầng. Ông xin vị tu sĩ đoái thương cầu nguyện cho ông vì ông đang phải chịu đau đớn không thể nào tả được. Vị tu sĩ ngạc nhiên hỏi, tại sao ông đã sống một cuộc đời đạo đức gương mẫu như thế mà còn phải phạt nặng nề như vậy. Ông nói: sau khi vừa tắt hơi ông ta bị điệu đến trước Tòa Chúa phán xét, và ở đó, ông thấy có nhiều người phàn nàn vì nhìn một bức vẽ không trong sạch ông đã vẽ, nên họ đã có những tư tưởng, những ước muốn xấu xa, vì thế họ bị giam cầm đau khổ trong luyện ngục. Một số người khác còn đau khổ hơn, đang bị giam trong hỏa ngục, cũng rên rỉ tố cáo ông vì bức tranh nhơ nhớp bẩn thỉu của ông, khiến họ sa ngã và mất linh hồn. Cho nên ít ra ông cũng đáng phải chịu hình khổ như họ.

Lúc ấy một số các Thánh trên Thiên đàng hiện xuống bênh vực ông. Các Đấng nói rằng: bức tranh ấy ông vẽ lúc còn ít tuổi; về sau ông đã vẽ nhiều bức ảnh đạo đức khác để làm sáng danh Chúa và các Thánh thay vào rồi. Đàng khác, ông cũng đã làm nhiều việc phúc đức đền tội. Các Đấng xin Chúa khoan dung tha thứ cho ông nhờ những của bố thí ông đã làm. Nhờ những lời bầu cử ấy, ông được thoát khỏi hỏa ngục, nhưng ông sẽ bị giam cầm trong luyện ngục cho đến khi bức tranh dơ bẩn kia được hủy đi đã, để nó không còn làm gương xấu, làm dịp tội cho ai nữa. Ông nài nẵng xin vị tu sĩ hãy chịu khó đi tìm con người còn giữ bức tranh ấy, nài xin người ấy đốt nó ra tro, vì đó là điều kiện cần thiết để ông thoát được luyện ngục. “Nếu Thầy tả tình cảnh đau xót của tôi, chắc người ấy sẽ động tình thương mà hủy nó đi ngay. Để minh chứng tôi đã hiện ra thật với Thầy, thì xin Thầy hãy nói với người ấy rằng: ít lâu nữa, người ấy sẽ mất hai đứa con, để phạt tội đã giữ bức tranh lâu ngày. Nếu người ấy cũng không hủy nó đi, thì người ấy cũng sẽ bị chết non”.

Nghe những lời ghê gớm ấy, người kia liền vội vàng đốt bức tranh ra tro. Không đầy một tháng sau, hai đứa con ông bị chết. Còn ông, thì ông đã hết sức làm việc đền tội và đã xin vẽ nhiều bức tranh đạo đức để bù vào. (29)

Bạn muốn hiểu một sự khó mà chịu cho nên sẽ giúp Bạn bớt được bao nhiêu hình khổ trong luyện ngục không? Bạn hãy nghe câu truyện này:

Một chị nữ tu tên là Cecilia Avoyzdra (Avoara) một lần đến xin phép Bà Bề trên là Bà mẹ Emilia Dòng Thánh Magarita (ở Verceil) uống nước vì khát quá. Bà Bề trên nói: “Thôi, chị hãy chịu khát một tý, vì lòng mến Chúa và để cứu các linh hồn trong luyện ngục”. Chị đáp: “Thưa Mẹ, con nhịn khát thế này là việc hy sinh to quá, con chết khát mất”. Tuy có buồn phiền, nhưng chị cũng nhịn, không uống nước. Việc vâng lời và hãm mình ấy rất đẹp lòng Chúa. Mấy tuần sau chị chết. Cách ba ngày, chị hiện về cùng Bà Bề trên. Chị nói: “Thưa Mẹ, con cám ơn Mẹ, con cám ơn Mẹ dường nào! Vì con quá yêu gia đình nên chính nhẽ con còn phải phạt trong luyện ngục lâu lắm, nhưng khỏi ba ngày, thiên thần bản mệnh của con hiện xuống tay cầm một chén nước con đã hy sinh không uống ngày trước. Thiên thần đổ chén nước ấy xuống lửa, lập tức lửa tắc hết và con được ra khỏi luyện ngục… bây giờ con về thiên đàng, và không bao giờ con dám quên ơn Mẹ”. (30)

Vậy nếu có ai khuyên Bạn chịu khó cho vui lòng, thì không phải vì muốn Bạn chịu cho qua đi. Nhưng vì rằng: mỗi sự khó ta chịu cho nên, một sự hy sinh ta chịu vì muốn đẹp lòng Chúa, thì có công nghiệp trước mặt Chúa, và sau này có thể cứu chúng ta khỏi lửa luyện ngục. Nếu Cha giải tội muốn Bạn bỏ một hai sở thích, không phải vì Ngài thích làm khổ cho Bạn, nhưng vì nếu Bạn làm thế, thì sau này Bạn sẽ đỡ nhiều trong lửa luyện ngục. Hỡi Bạn, bây giờ thì Bạn đã hiểu cách Cha giải tội xử với Bạn. Bạn sẽ không khó chịu, khi thấy các Ngài bắt làm những điều trái ý Bạn nữa. Cần lắm Bạn ạ. Ngày sau Bạn sẽ cám ơn Cha giải tội, vì đã bắt Bạn làm trái ý Bạn.

Xin Bạn ghi những lời ấy vào lòng thì mọi sự Chúa bắt chịu, Bạn sẽ vui lòng lĩnh nhận để làm ích cho Bạn. Tôi tin ở Bạn và hy vọng từ nay bao nhiêu sự khó Bạn cũng lấy làm ít, Bạn yêu quí, từ nay mỗi khi Bạn thấy ngươi này người nọ, nhất là những người thân yêu của Bạn, làm những điều khó chịu cho Bạn, hay cằn nhằn, hay nói những lời xúc phạm đến lòng tự ái của bạn, hoặc khô khan, không chịu đọc kinh, dâng thánh lễ… Bạn hãy dâng những sự cực lòng ấy cho Chúa, để cứu các linh hồn trong luyện ngục và để đền vào trăm nghìn tội nhẹ Bạn đã phạm và còn phạm sau này nữa.

Nếu khi chết, chúng ta được đi thẳng vào thiên đàng, không phải qua lửa luyện tội, hay chỉ qua trong ít ngày, trong mấy giờ, thì còn vui thú nào bằng… tôi cầu chúc Bạn được ơn quí trọng ấy. Tôi hy vọng, nếu Bạn chịu khó cho nên thì Bạn có thể được ơn ấy lắm!

“Lạy Nữ Vương các Linh hồn Luyện ngục, xin thương xót chúng con cùng. Chúng con xin vui lòng dâng các sự khó chúng con chịu cho Mẹ, hợp với những sự đau đớn của Chúa và của Mẹ để đền tội chúng con đời này, và đời sau. Amen.”

 

(26) Num 20,6-13

(27) Histoire de là Bse Marg. Marie. Mgr Bougaud, trang 146

(28) Trích trong sách Dogme du Purgatoire của Cha Schouppe, S.J

(29) Lấy trong sách Livre d’or des Âmes du Purgatoire của L.m Benoit de J. trang 74

(30) Trích trong sách Dogme du Purgatoire của Cha Schouppe, S.J

 

Lm. Nguyễn Văn Tuyên – DCCT

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ: 7. Bệnh Này Không Đến Nỗi Chết

Chắc Bạn chưa quên truyện ông Lagiarô. Ông này là em hai bà Matta và Maria. Hai bà thấy em ốm nặng thì sai người nhắn tin cho Chúa Giêsu, hy vọng Người đến chữa. Nhưng Chúa không đến, Người chỉ phán: “Bệnh này không đến nỗi chết. Nhưng sẽ làm sáng danh Chúa”.

Rồi Người cứ ở lại nơi Người đang giảng.

Ông Lagiarô chết.

Cứ bề ngoài, thế là xong. Hai chị em Matta, Maria xót xa đau đớn, khóc lóc thương em. Nhưng khỏi mấy ngày Chúa đến làng Bêtania, là làng của hai chị em. Và như Bạn đã biết, Chúa thổn thức trong lòng, vì thấy hai chị em khóc. Chúa cũng khóc theo.

Sau cùng, Chúa đã cho ông Lagiarô sống lại. (17)

Bạn thân ái, có lẽ Bạn cũng như hai bà Matta và Maria. Bạn khóc, khóc đã nhiều, không phải vì em Bạn chết, nhưng vì người thân mến của Bạn, người cha, người mẹ, người anh, người chị, người vợ, người chồng, người em, người họ hàng chết, không phải chết phần xác, nhưng là chết phần hồn. Bạn đã nhắn tin cho Chúa, mong Người đến chữa. Bạn mong đợi, mong đợi đã lâu, nhưng hình như Chúa không để ý đến lời Bạn thiết tha kêu mời, Chúa chỉ phán: “Bệnh này không đến nỗi chết”. Rồi Chúa như không lưu ý đến người thân yêu của Bạn đang nằm trên giường, và người ấy vẫn còn đau, vẫn còn ốm… còn Bạn, cũng như hai chị em Matta, Maria, Bạn vẫn khóc, mà Chúa vẫn ở tận đâu xa, vẫn làm thinh như không có chuyện gì.

Bạn đã sốt ruột lắm, Bạn đã gần nản lòng. Bạn nghĩ: hay là Chúa không nghe lời Bạn.

Nhưng, xin Bạn đừng quên: ngày trước, sau khi thấy hai chị em khóc, Chúa đã cho em hai bà sống lại.

Đó là một điều yên ủi lòng Bạn. Nếu Bạn cũng đã khóc lóc như hai chị em Matta, thì Bạn cũng sẽ được Chúa nghe lời như hai chị em. Đành rằng Bạn khóc đã lâu, mà Chúa vẫn chưa cho người thân yêu của Bạn sống lại. Đó là một việc bí nhiệm, ta không hiểu được, và cũng không cần hiểu, Chúa muốn như thế, thì ta hãy muốn như thế.

Nhưng Bạn hãy tin chắc rằng: cũng như xưa, Chúa đã để hai chị em khóc, rồi Chúa làm cho em hai bà sống lại, thì ngày nay, vì Bạn đã khóc nhiều, thì là dấu Chúa sắp cho người thân mến của Bạn sống lại.

Bạn có muốn tin không?

Có đâu Bạn không tin ở tình yêu vô cùng của Chúa! Không ai dám nói tiên tri, nhưng tôi cũng có thể nói với Bạn rằng: Bạn cứ hy vọng, cái ngày vô cùng sung sướng của Bạn, có lẽ sắp đến. Không ai dám hẹn đúng ngày với Bạn. Nhưng tôi trông cậy nó sẽ đến, và có lẽ gần lắm rồi. Tôi sợ lầm, nhưng Chúa không thể bỏ qua được những giọt nước mắt thống khổ của Bạn.

Ngày xưa, Bà thánh Mônica đã khóc lóc thảm thiết vì chồng vì con, trong hai mươi năm liền… mà hình như không thấy kết quả ở đâu. Thấy vậy, một vị Giám mục đã nói với Bà rằng: “Bà cứ an tâm, nước mắt bà đã đổ ra chả lẽ lại không có kết quả”! Và kết quả, là sau hơn hai mươi năm khóc lóc, Bà đã thấy chồng con trở lại trước khi chết.

Cũng có lần, Chúa không bắt chúng ta phải chờ lâu đến thế. Trong sách “Truyện một linh hồn”, Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu có chép câu truyện này:

Một chị nhà tập, một buổi sáng đến thuật lại cho Thánh nữ giấc mộng của chị mới thấy ban đêm. Chị thấy mình ở gần một người chị hãy còn ở đời và sống một cuộc đời rất xa hoa. Chị nhà tập liền giải thích cho chị mình hiểu thế gian chẳng ra gì… và khẩn khoản nài xin chị hãy bỏ mọi sự mà theo Chúa. Hình như người chị động lòng lắm… Thấy vậy, chị nhà tập nghĩ, có khi Chúa muốn dùng mình để đem linh hồn kia về cùng Chúa. Chị liền hỏi ý Thánh nữ xem có nên xin phép viết thư về nhà không. Lúc ấy đang mùa Chay, mà Luật nhà không cho phép viết thư. Nhưng chị Nhà tập nghĩ, nếu đợi đến Phục sinh thì lâu quá… Thánh nữ Têrêsa nói: thử xin phép xem sao. Chị Nhà tập xin phép, nhưng Bà Mẹ Bề Trên không cho. Thánh nữ liền bảo chị: “Thôi, hãy chịu khó dâng việc hãm mình ấy cho Chúa, và cố gắng cầu nguyện hơn. Biết đâu đến cuối mùa Chay, lại đã không thấy kết quả”. Chị Nhà tập vui lòng dâng sự “sốt ruột” ấy cho Chúa và cầu nguyện nhiều hơn. Có ngờ đâu, Chúa đã nhận sự hy sinh ấy, và đến cuối mùa Chay, người chị kia đã từ giã cuộc đời xa hoa dâng mình cho Chúa.

Vậy, Bạn thân ái, không biết Chúa sẽ nhận lời Bạn ngay, hay sẽ bắt đợi lâu ngày, nhưng đàng nào tôi cũng có thể nói với Bạn rằng: không lẽ nước mắt Bạn đổ ra, hòa lẫn với bao lời cầu nguyện, bao việc hãm mình lại không có kết quả. Không, không lẽ người thân yêu của Bạn lại không được ơn ăn năn trở lại.

Chúa cũng đã phán: Người có thể làm cho những viên đá hóa thành con cháu Ông Abraham (18)

Vậy Bạn hãy tin vào tấm lòng từ bi nhân lành của Chúa. Bạn hãy trông cậy cho hết lòng hết sức. Bạn hãy trông cậy một ngày một hơn. Chỉ sợ một điều, là ta không trông cậy cho đủ. Chính Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu cũng đã nói: “Không khi nào chúng ta trông cậy Chúa quá”. Nếu Bạn trông cậy cho đủ, thì Bạn sẽ thấy những sự lạ lùng, Chúa làm cho những người hết lòng trông cậy Chúa. Chúa đã phán: “Ai trông cậy Ta, thì sẽ làm được những sự lạ lùng hơn chính Ta đã làm nữa… (19) Ai vững lòng cho tới cùng, thì sẽ được rỗi”. (20)

Thì cả pho Lịch sử Giáo hội, đã không minh chứng lời ấy là gì?

Phúc cho kẻ tin cậy, tin và cậy cả những lúc gần như không thể tin cậy được.

Tin đi, trông cậy đi, Bạn.

Phúc cho Bạn, nếu Bạn tin, thì Bạn sẽ thấy những điều Bạn ước ao bấy lâu thành sự thực.

Tôi mong ước cho ngày ấy, cho giờ ấy chóng đến.

 

Lm.Nguyễn Văn Tuyên – DCCT

 

(17) Gioan, 11, 1-44

(18) Matt. 3,9

(19) Gioan, 14,12

(20) Matt, 10,22

Ý Nghĩa Sự Đau khổ: 8. Hãy Nhìn Lên

Bạn thân yêu, Chúa sinh ra Bạn có một bộ mặt, lúc nào cũng hướng lòng lên trời là quê chúng ta. Vì thế, thức cũng như ngủ, lúc nào Chúa cũng muốn chúng ta nhìn lên trên ấy. Mà ngay sau lúc chúng ta đã bị chôn trong lòng đất, mặt chúng ta cũng còn quay về trời.

Nhìn lên trên ấy, nhìn lên trời để làm gì, hử Bạn? Để nhớ rằng: Cha ta đang ở trên ấy, Mẹ ta đang ở trên ấy, gia đình ta, cũng như những người thân yêu ta, đang ở trên ấy, và đang đợi ta. Ta hãy nhìn lên chốn cao xa ấy, ta có hết những cái làm ta mến chuộng.

Nhưng, làm thế nào để lên được chốn ấy? Có phải hạng người ăn uống say sưa, chè chén chơi bời, chỉ biết làm thỏa xác thịt hèn hạ không? Có phải hạng người ấy, và những hạng người khác giống họ không? Không, những người ấy, họ đã có một chỗ khác, một chỗ trái với chỗ tôi nói đây.

Còn Bạn, Bạn không vào hạng người ấy.

Tất nhiên chốn cao sang ấy, không phải ai cũng lên được. Chỉ có những người theo đúng như Chúa dạy, mới lên được.

Mà thương hại thay, được mấy người theo! Chính Chúa cũng đã than phiền rằng: “Con đường hẹp là đường đưa tới nơi hằng sống, thì có ít người đi”. (21)

Chúng ta đã được diễm phúc theo Chúa thì chúng ta phải nhất định theo tới cùng, nghĩa là cho tới ngày được vào chốn trường sinh vĩnh phúc.

Vậy phải làm gì để được phúc ấy? Bạn hãy nghe lời Chúa phán: “Ta là đường, là sự thật, là sự sống” (22) “Ai theo Ta thì không đi vào con đường tối tăm” (23)

Chúa là đường. Vậy đường ấy là đường nào? Phải chăng là đường đầy hoa hồng, phải chăng là đường đi ăn cưới? Không, Bạn hãy nghe: “Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình đi, vác Thánh giá mình mọi ngày mà theo Ta” (24). Đó là đường Chúa đã đi, đó là chương trình Chúa đã phác ra cho hết mọi người muốn theo Chúa. Ai rẽ đường khác, thì thế nào cũng lạc. Và nếu lạc, thì thương ôi, khốn nạn và đau đớn dường nào! Nhưng tưởng làm gì đến cái ngày đau đớn ấy, và tôi ước mong ngày ấy, không khi nào sẽ xảy đến cho Bạn, và cho tôi.

Vậy Bạn thân yêu, nếu chúng ta muốn ngày thê thảm ấy không xảy đến, thì có mỗi một phương thế: “Vác Thánh giá lập công” lập công, lập công, không có công nghiệp không thể nào lên thiên đàng được, vì thiên đàng là một phần thưởng. Vậy, nếu Bạn muốn lập công, muốn cho chắc được lên nơi hằng sống, lên nơi chỉ có hạnh phúc, và không khi nào mất được nữa, thì chỉ có mỗi một phương thế, chính Chúa đã chỉ cho ta, ấy là “vác Thánh giá”. Không vác Thánh giá, thì làm sao có công nghiệp… mà đã không có công nghiệp, thì đừng hòng lên chốn nghỉ ngơi. Bạn nghĩ sao? Lập công và chịu khó, đó chính là hai chị em rất thân yêu, không lúc nào rời nhau được.

Thánh Phanxicô Năm Dấu, một lần thấy mình bị những đau khổ đè nặng trên tâm hồn và trên thân thể, đã than thở lời này cùng Chúa: “Chúa ôi, xin hãy ghé mắt nhìn đến con, xin hãy cứu giúp con, xin hãy giúp con vui lòng chịu đựng những tật bệnh giày vò thân xác con”. Phanxicô liền nghe tiếng đáp lại: “Hỡi Phanxicô, con có biết cái làm cho chiếm được nước vô giá phải có giá trị thế nào không: con hãy biết các sự đau khổ con đang chịu có giá trị hơn tất cả tài sản thế gian, dù rằng tất cả núi non biến thành vàng, dù rằng tất cả các thứ đá biển thành hạt trai, dù rằng tất cả các nước biển biến thành dầu thơm”. Thánh Phanxicô đáp lại: “Vâng lạy Chúa, con cũng đánh giá các sự đau phiền Chúa gửi đến cho con: vì con biết Chúa muốn dùng các sự đau khổ ấy để phạt tội con ở đời này, để thương xót con đời sau”. Tiếng ấy lại phán: “Hỡi Phanxicô, hãy vui mừng đi, con đường con đang đi là đường đưa đến chốn hằng sống”.

Đành rằng Chúa Giêsu đã lập công đầy đủ và dư thừa cho ta, nhưng Thánh ý Chúa muốn cho ta cũng lập công chịu khó với Chúa, không phải vì Chúa thích bắt ta chịu khó, và lấy thế làm vui. Không, cha mẹ thật tình thương con không thể thấy con đau khổ mà vui sướng được. Chúa cũng vậy. Chúa không thể vui khi thấy ta đau đớn, nhưng vì Chúa muốn chính ta có công mưu sự sống đời đời của ta, nên Chúa đã muốn cho ta chịu khó một chút. Nếu ta chỉ có được thưởng mà không có một tí công gì, thì điều ấy có thể làm bớt sự vui sướng của ta. Nhưng ta thấy chính mình cũng có công tìm kiếm lấy phúc trường sinh, thì ta sẽ vui lòng và vui sướng sống cuộc đời đầy ải này.

Vậy ta hãy cám ơn Chúa, mỗi khi gặp điều khó chịu, vì như thế, là Chúa kính nể ta, Chúa muốn ta cộng tác với Chúa để tìm nước thiên đàng của ta. Dại gì mà ta ruồng rẫy thánh giá Chúa gửi đến cho!

Chắc Bạn muốn lên thiên đàng. Vậy Bạn hãy thông công các sự thương khó Chúa; Chúa muốn vậy và chính Bạn cũng phải muốn như thế, vì điều ấy làm vinh dự cho Bạn, và, tôi nói lại, còn gì sung sướng cho bằng khi thấy mình có công trong việc mưu hạnh phúc đời đời của mình. Xin Bạn từ nay đừng ca thán, khi phải chịu một hai điều sầu muộn, trái lại, Bạn hãy tự cho mình có phúc, vì được làm chính việc Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc Bạn, ấy là chịu khó.

Người ta thuật truyện, một Thầy tu sống rất khổ hạnh trong một khu rừng vắng… ngày đêm không lúc nào ra khỏi căn lều ẩm thấp chật hẹp… ấy là chưa kể đến những thứ hình khổ Thầy dùng để làm đau cho xác. Một hôm có mấy người quý phái đến thăm, họ hết sức ngạc nhiên, khi thấy Thầy tu hành hãm mình đến thế. Họ hỏi Thầy, thì Thầy đáp lại: “Xin các ông đứng gần cửa sổ kia, rồi tôi sẽ đáp lại”. Các ông liền ra đứng gần cửa sổ. Thầy tu hành hỏi: “Các ông có xem thấy gì không?” Các ông nói: “Chỉ thấy một cái tường có mọc rêu phong và một lỗ nẻ bằng cái bàn tay”. Thầy đáp: “Chính là cái giúp tôi chịu khó. Mỗi khi xác thịt muốn nổi loạn, thì tôi nhìn qua lỗ nẻ ấy và tôi thấy thiên đàng. Thiên đàng, ôi thiên đàng!” Thầy tu hành than lên mấy lời ấy, bằng một giọng rất cảm động, nét mặt như người ngất trí, khiến mấy nhà quý phái kia thổn thức đến tận đáy lòng. Về nhà, các ông liền thu xếp việc gia đình, rồi cùng nhau từ giã thế gian, dâng mình cho Chúa.

Kết luận: Nếu chúng ta cùng chịu khó cho nhiều và cho nên, thì ngày sau những sự đau đớn cũ sẽ không còn làm chúng ta phiền muộn nữa; trái lại những giọt nước mắt cũ sẽ là căn cớ cho chúng ta vui mừng, vì chính những giọt nước mắt ấy, đã làm cho chúng ta nên giống Chúa.

Đã cùng nên giống Chúa trong sự đau khổ, thì chúng ta sẽ cùng nhau hưởng nhan Chúa, và hát bài ca yêu mến bất diệt đời đời.

“Phúc cho ai ở đời này đã khóc lóc, vì đời sau sẽ được yên ủi” (25). Sự yên ủi Chúa hứa cho chúng ta ấy, không phải là sự yên ủi mau qua chóng hết như những sự yên ủi chúng ta gặp trên đời, nhưng là những sự yên ủi lâu dài đời đời, không khi nào hết nữa. Sung sướng thay! Nhưng muốn được thế phải đi con đường Chúa đã đi, là vui lòng vác Thánh giá.

Ta hãy cầu nguyện cho nhau được vui lòng vác Thánh giá hằng ngày mà theo Chúa.

Bạn nghĩ sao ?

(21) Matt. 7,14
(22) Gioan 14,6
(23) Gioan 8,12
(24) Matt 16,24
(25) Matt 5,5

Lm.Nguyễn Văn Tuyên – DCCT

Ý Nghĩa Sự Đau Khổ: 6. Không Phải Lỗi Tại Ai

Hỡi linh hồn đau khổ, hỡi Bạn, Bạn còn nhớ câu chuyện người mù từ mới sinh đã chép trong Kinh thánh.

Một hôm, trong khi đi đường, Chúa và các tông đồ gặp một thiếu niên mù từ khi mới sinh. Các tông đồ thưa Chúa: “Thưa Thầy, người này mù từ khi mới sinh, tại lỗi nó, hay tại lỗi cha mẹ nó?”. Chúa phán: “Không phải tại lỗi ai, nhưng để làm sáng danh Chúa”. Rồi Chúa chữa em khỏi mù. (16)

Chuyện ấy nhắc nhủ ta rằng: Ở đời có những việc bề ngoài rất khó hiểu, người ta tìm cách giải nghĩa, mỗi người một cách, tùy theo học lực, trí tuệ, tùy theo giáo dục, tâm tình, tùy theo thành kiến của mình. Nhiều khi người ta đổ tại vật này, tại người khác. Nhưng biết bao nhiêu lúc người ta lầm: những lý lẽ người ta viện ra để bênh vực ý kiến của mình đều không có nền tảng, có khi trái sự thực. Công việc Chúa làm, nhiều khi rất bí nhiệm, chúng ta trí thấp hèn, không sao cắt nghĩa nổi. Mà chính Chúa cũng không cho ta hiểu, trước ngày Chúa đã định. Đến khi Chúa đã cho chúng ta hiểu và khi đã mở mắt ra, chúng ta mới nhận thấy rằng: những điều mà trước đây chúng ta đoán, hoặc đã cho là đúng, đều sai sự thật cả. Bạn xét lại đời Bạn xem, biết bao lần Bạn đoán một đàng mà công việc đã xảy ra một nẻo.

Vậy, Bạn thân mến, những sự đau khổ Chúa để Bạn chịu cũng thế… Trên kia, tôi đã nói, chính vì tội tổ tông và tội riêng Bạn. Nhưng nhiều lần, không phải tại lỗi Bạn, mà chỉ vì sáng danh Chúa.

Bạn ngạc nhiên: Bạn chịu khó thế này thế kia, sao lại làm sáng danh Chúa? Chẳng hạn Bạn nói: “Nếu cha mẹ tôi, chị em họ hàng tôi đi Đạo cả, hoặc giữ Đạo sốt sắng, tử tế, siêng năng đọc kinh cầu nguyện, có phải sáng danh Chúa hơn không? Bây giờ Chúa để họ còn chưa nhận biết Chúa… hoặc khô khan, hoặc sống trong tội lỗi, thì hàng ngày họ có thể làm biết bao điều phiền lòng Chúa… và chính tôi có lần đã muốn kêu trách Chúa, hoặc đã kêu trách Chúa thật… thì làm sáng danh Chúa sao được?”

Tôi nói một ví dụ. Khi Bạn ốm đau, Bạn phải dùng thuốc đắng, Bạn phải để cho người ta mổ, người ta đốt những chỗ có vết thương và chính cha mẹ cũng bắt buộc Bạn chịu. Cha mẹ đứng nhìn cũng đau đớn lắm, đau đớn đến chảy nước mắt ra được, và có khi cha mẹ, nhất là người mẹ muốn chịu thay cho con, nhưng cha mẹ đành cắn răng nhìn con đau khổ, hoặc nghe lời con trách móc, la rầy… Nhưng cha mẹ đành thế, không phải vì ghét con, cũng không phải vì ghét mình, mà chính vì yêu con, chính vì biết lo cho mình. Vì một khi con cái đã khỏi bệnh, thì những sự đau phiền cha mẹ và con cái chịu đều tiêu tan hết, và những sự đau đớn của con cái, lại là căn cớ cho cha mẹ vui mừng, con cái sẽ thêm lòng yêu mến cha mẹ, đã vui lòng chịu hy sinh đau đớn vì mình.

Vậy Bạn, Chúa để Bạn phải đau đớn cực lòng, có khi không phải lỗi tại Bạn, không phải vì Chúa vui khi Bạn khổ, nhưng Chúa đành như thế để rồi đây khi Bạn đã được như lòng sở nguyện, Bạn càng được vui mừng và càng mến Chúa hơn.

Vậy nếu Bạn chịu khó cho nên, thì Bạn làm sáng danh Chúa nhiều lắm, vì Bạn tỏ mình biết vâng theo thánh ý Chúa, Bạn biết bỏ mình, và hy sinh; chính những cái ấy, là những cái làm vui lòng Chúa, hơn những việc đạo đức người ta làm cách khô khan nguội lạnh, hoặc hơn chính việc cha mẹ, họ hàng anh em Bạn đi Đạo, hoặc ăn năn trở lại ngay lúc này, nhưng Bạn lại mất dịp làm sáng danh Chúa, bởi sự Bạn biết bỏ mình vâng theo Thánh ý Chúa.

Nếu Bạn hiểu rõ điều ấy, thì Bạn sẽ không ngạc nhiên, sao Chúa lại để Bạn chịu khổ như thế, sao Chúa lại để người thân yêu của Bạn làm phiền lòng Chúa. Một lời nói của người thân yêu làm Bạn vui lòng sung sướng hơn trăm nghìn câu truyện của những người ghẻ lạnh cùng Bạn, có phải không? Bạn hãy nhớ lại những khi Bạn được gần gũi những người thân yêu. Chắc Bạn còn nhớ lắm và những lời của những người ấy làm Bạn quên ăn quên ngủ, quên cả những lời của người khác làm mất lòng Bạn. Trái lại, những lời lạnh lùng Bạn được nghe hằng ngày của những khách qua đường, thì Bạn có nhớ đâu!

Với Chúa cũng vậy, vì thương Bạn, vì thấy Bạn mến Chúa, vì muốn cho Bạn mến Chúa hơn, nên Chúa đã muốn dùng dịp đau đớn của Bạn, để Bạn có dịp nhớ Chúa, có dịp than thở cùng Chúa, có dịp tuân theo Thánh ý Chúa, và vì thế, làm Chúa sung sướng trong lòng.

Bạn thân mến, bây giờ thì Bạn đã hiểu thêm được tí nào chưa? Bạn hãy cầu xin Chúa cho Bạn hiểu rõ những điều tôi muốn nói với Bạn. Bạn hãy suy cho thấm thía, thì hết những sự đau đớn của Bạn sẽ không làm cho Bạn buồn phiền nữa. Ôi, ước gì Bạn hiểu được, khi làm cho Chúa vui thỏa thì Bạn được sung sướng chừng nào, và đó là một hạnh phúc to tát chừng nào! Còn gì làm thỏa một linh hồn bằng thấy mình làm sáng danh Chúa, dù chỉ trong những việc rất nhỏ mọn. Bây giờ thì có lẽ Bạn chưa hiểu mấy, nhưng tôi hy vọng rồi đây, khi Bạn đã tiến xa trên đường nhân đức. Bạn sẽ càng hiểu, và khi ấy, Bạn sẽ cám ơn Chúa vì đã tìm dịp cho Bạn hiểu.

Xin Chúa ban cho Bạn hiểu được điều tôi mới nói với Bạn. Sung sướng chừng nào, nếu từ nay Bạn vui lòng chịu khó vì Chúa, nếu từ nay Bạn không còn xin Chúa cất sự khó đi, mà chỉ xin Chúa giúp Bạn biết chịu khó.

Tôi nói lại, điều tôi hết lòng mong ước lúc này là thấy Bạn vui lòng chịu đau khổ để đẹp lòng Chúa.

Bạn nghĩ sao?

Tôi mong ở Bạn một lời.

 

Lm. Nguyễn Văn Tuyên – DCCT

 

(16) Gioan, 9, 1-8. Xin Bạn hãy đọc cả đoạn phúc âm này, linh động tươi tắn vào hạng nhất của Phúc âm