PHÂN ĐỊNH: HIỂU BIẾT VÀ KHÔN NGOAN
- Details
- Category: 8. Đời Sống Tâm Linh
Hiểu biết là thứ có thể sao chép, ghi nhớ, ta có thể diễn giải rất rõ ràng, thuyết phục những điều mình biết, nhưng, đó chỉ là lặp lại điều người khác đã nói. Khôn ngoan không thể sao chép, nó chỉ nảy sinh, khi ta trực tiếp chạm vào sự thật, bằng trải nghiệm sống động của chính mình, chứ không phải bằng ký ức vay mượn từ người khác. Trên đường thiêng liêng, ta thường bị mắc kẹt trong chính hiểu biết của mình: ta biết nhiều về cầu nguyện, chiêm niệm, thần bí; có thể giảng giải rất hay, thuyết phục, nhưng, sâu bên trong, ta vẫn chưa phải là người khôn ngoan. Chẳng hạn, ta có thể nói hàng giờ về các phương pháp cầu nguyện, chiêm niệm, thần bí, nhưng rồi, chỉ một lời xúc phạm nhỏ, cũng khiến ta nổi điên lên; một mất mát nhỏ, cũng khiến ta hoảng loạn, suy sụp. Điều này chứng tỏ: những hiểu biết của ta chỉ là những lời thuộc lòng, chứ, chưa được chứng nghiệm, bằng chính cái giá, mà ta phải trả, khi thực hành lời Đức Giêsu đã dạy: từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hiểu biết và khôn ngoan nằm ở chỗ: Hiểu biết là biết bằng đầu, còn, khôn ngoan là cảm nghiệm bằng tim. Biết là khi ta có một khái niệm, một định nghĩa, một cấu trúc, ta có thể nói về nó, giải thích nó, dạy lại cho người khác, nhưng, tất cả đều nằm trong khuôn khổ của từ ngữ, tức là, cái đã được định hình, đóng khung, quy ước. Cảm nghiệm thì không cần ngôn từ, nó là sự nhận thức trực tiếp, không qua trung gian của lý trí, nó xảy ra trong khoảnh khắc, nó rõ ràng, không cần diễn giải, nó không nằm trong hệ thống logic, nhưng lại, không thể bị phủ nhận, chẳng hạn, ta có thể nói về sự thinh lặng nội tâm, có thể mô tả nó như trạng thái không còn suy nghĩ, một sự bình an sâu lắng, nhưng, đó chỉ là mô tả, chỉ là biết, còn, cảm nghiệm là khi ta ngồi xuống không làm gì cả, và đột nhiên, nhận ra toàn bộ tâm trí trở nên tĩnh lặng trong sự hiện diện đầy tràn của Chúa: thấy mọi sự, mọi việc, mọi người, như chính Chúa thấy.
Khôn ngoan như mặt trời, nó luôn hiện diện, nhưng nếu, bầu trời đầy mây, ta sẽ không thấy ánh sáng của nó, mây ở đây là các lớp tư duy đã hình thành qua năm tháng: các định nghĩa ta đã học, các khái niệm ta đã tin, các trải nghiệm ta đã gán nhãn, tất cả tạo nên một lớp bụi mù, che phủ cái thấy trong trẻo nguyên sơ. Khi ta thấy mình muốn biết thêm, hãy hỏi, liệu mong muốn ấy có xuất phát từ cái tôi đang khát khao kiểm soát, từng khoảnh khắc tỉnh thức như thế, chính là mảnh đất mà khôn ngoan có thể mọc lên. Chiêm niệm trong bản chất sâu xa của nó, không phải là công cụ để đạt được điều gì đó, chiêm niệm không phải là phương pháp để trở nên an yên hay giải thoát khỏi phiền não, chiêm niệm là sự trở về, tĩnh lặng hóa tâm trí, là ngồi yên với những gì đang là, trong sự thinh lặng ấy, không còn gì để bám víu, không còn gì để mong cầu, chỉ là một sự hiện diện trần trụi trước Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự.
Tóm lại, nếu ta vẫn còn đang tìm kiếm câu trả lời từ bên ngoài, để đạt tới một trạng thái chiêm niệm nào đó, thì ta chưa sẵn sàng để thấy, bởi vì, khôn ngoan không đến từ bên ngoài, không đến từ những lời giảng, từ sách vở, hay từ bất kỳ ai, dù người đó có được gọi là bậc thầy thiêng liêng chiêm niệm; khôn ngoan chỉ đến, khi ta dừng lại, dừng việc cố gắng hiểu, dừng việc cố gắng giải thích mọi thứ, dừng cả mong muốn trở nên khôn ngoan, và trong khoảnh khắc ta thật sự dừng lại, một sự rõ ràng mới xuất hiện không phải như một suy nghĩ, một khái niệm, mà, như một cái thấy trong suốt, không thể chối cãi. Hãy để khôn ngoan tự hiển lộ, không phải vì ta tìm, mà vì, ta không còn bám víu vào điều gì nữa, do bởi, ơn chiêm niệm, thần bí là hoàn toàn nhưng không, thuộc về Chúa 100%: bao lâu Chúa cho, thì ta được; bao lâu còn yếu tố nhân loại chen vào, Chúa không thể hành động được. Việc ta chuẩn bị xô, chậu để hứng nước mưa, ta vẫn phải làm, nhưng, đừng vì đó, mà biến Chúa thành con nợ: phải mưa xuống cho ta; mưa là hồng ân hoàn toàn nhưng không của Chúa, sự cộng tác của ta là mở lòng ra: tin tưởng, cậy trông, đợi chờ Chúa thực hiện lời Người đã hứa.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.