26. Thông Báo Tin Mừng

ĐGH LÊÔ XIV VÀ DI SẢN CỦA ĐGH LÊÔ XIII: MỘT TÊN GỌI MANG MỘT TẦM NHÌN

Khi vị giáo hoàng mới đắc cử bước ra ban công của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và lấy tên là Lêô XIV, đó không chỉ là một sự thừa nhận truyền thống. Đó là sự lặp lại có chủ đích tên gọi của mười ba vị giáo hoàng trước ngài, bắt đầu với ĐGH Lêô Cả, Tiến sĩ Giáo hội thế kỷ thứ V nổi tiếng bảo vệ tính chính thống và tham gia vào chính trị hỗn loạn của Đế chế La Mã đang sụp đổ. Nhưng có lẽ ĐGH Lêô XIII - “Giáo hoàng của Kinh Mân Côi” vào cuối thế kỷ 19, nhà triết học, nhà cải cách xã hội và nhà văn sung mãn - là người có ảnh hưởng nhất có thể có liên quan đến ngày nay.

Điều này không đơn giản nhằm gợi ý “đây là những gì đang được mong đợi” từ vị giáo hoàng mới. Nhưng đó là lời mời gọi một sự suy ngẫm: nếu một tên gọi báo hiệu sự gần gũi, cảm hứng hoặc tính liên tục, thì việc lựa chọn tên gọi “Lêô” có thể làm sáng tỏ tầm nhìn tâm linh, trí tuệ và mục vụ mà Đức Giáo Hoàng Lêô XIV hy vọng sẽ tiếp tục.

ĐGH Lêô XIII: Một Giáo Hoàng dùng mực

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878–1903) đã để lại một kỷ lục giáo hoàng vô song về khối lượng và hoài bão. Ngài đã ban hành 88 thông điệp, giải quyết mọi thứ từ thẩm quyền chính trị, chủ nghĩa xã hội và chế độ nô lệ đến lòng sùng kính, triết học và phẩm giá của đời sống Kitô giáo. Đối với nhiều người, ngài được nhớ đến đầu tiên và quan trọng nhất là thông điệp Rerum Novarum (1891), thông điệp nền tảng của ngài về quyền của người lao động và trách nhiệm của tư bản. Nhưng nếu dừng lại ở đó thí chỉ là thoáng nhìn một góc của di sản.

Vào đầu triều đại giáo hoàng của mình, ĐGH Lêô XIII đã báo hiệu các ưu tiên của mình bằng thông điệp Aeterni Patris (1879), một lời kêu gọi đầy nhiệt huyết nhằm khôi phục triết học Tôma như là xương sống trí tuệ của Giáo hội. Có thể nói, đây sẽ trở thành văn kiện thần học có ảnh hưởng nhất trong hai thế kỷ qua. Ngài thấy ở Thánh Tôma Aquinô không chỉ sự nghiêm ngặt về thần học mà còn là một khuôn khổ để đáp ứng những thách thức của chủ nghĩa duy lý hiện đại, chủ nghĩa hoài nghi khoa học và chủ nghĩa tương đối đạo đức. Điều này đã châm ngòi cho một cuộc phục hưng đầy tinh thần Tôma định hình lại nền giáo dục chủng viện trong nhiều thập kỷ và xác định Giáo hội không chống lại lý trí, mà là người quản lý trung thành nhất của lý trí.

Xã hội, Nhà nước và Giáo hội

Thế kỷ 19 là thời kỳ của sự biến động chính trị và lên men ý thức hệ, và Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã lội thẳng vào đó. Trong thông điệp Immortale Dei (1885), ngài đã phác họa mối tương quan đúng đắn giữa Giáo hội và nhà nước, nhấn mạnh rằng chính quyền dân sự chỉ hợp pháp khi dựa trên luật thiêng liêng. Thông điệp Libertas (1888) đã đưa ra một phản bác triết học đối với quan điểm không có căn cứ của chủ nghĩa tự do về tự do, thay vào đó bảo vệ ý tưởng về tự do hướng tới chân lý và đức hạnh.

Ngài đã đối đầu trực diện với chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa xã hội trong thông điệp Quod Apostolici Muneris (1878), và sau đó là thông điệp Graves de Communi Re (1901), trong đó ngài khám phá khái niệm dân chủ Kitô giáo - không phải là một đảng chính trị, mà là một tầm nhìn đạo đức về xã hội bắt nguồn từ sự đoàn kết và nguyên tắc bổ trợ.

Trong thông điệp In Plurimis (1888) và thông điệp Catholicae Ecclesiae (1890), ĐGH Lêô XIII đã lên án chế độ nô lệ, nhấn mạnh đến phẩm giá của mọi con người và thúc giục các nỗ lực truyền giáo để bảo vệ công lý và tự do. Đây không phải là những tuyên bố trừu tượng mà là những thông điệp có mục tiêu gửi đến các giám mục ở Brazil và Châu Phi, những nơi vẫn đang vật lộn với di sản của nạn buôn bán nô lệ.

Đức Giáo Hoàng Mân Côi

Có lẽ không có vị giáo hoàng nào làm nhiều hơn thế để nâng cao kinh mân côi lên vị trí trung tâm trong đời sống sùng kính Công giáo. Bắt đầu với thông điệp Supremi Apostolatus Officio (1883), ĐGH Lêô XIII đã ban hành mười một thông điệp về kinh mân côi, thường được ban hành hàng năm vào tháng Chín hoặc tháng Mười. Trong thông điệp Octobri Mense (1891), thông điệp Magnae Dei Matris (1892), thông điệp Laetitiae Sanctae (1893) và những thông điệp khác như thông điệp Adiutricem (1895) và thông điệp Diuturni Temporis (1898), ngài đã quảng bá kinh mân côi như một vũ khí tinh thần mạnh mẽ chống lại các thế lực của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa duy vật và sự chia rẽ.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tin rằng kinh mân côi không chỉ là sự sùng kính riêng tư; mà còn là sức mạnh đổi mới văn hóa, một cách để tập trung lại đời sống Kitô hữu xung quanh sự chiêm niệm, khiêm nhường và các mầu nhiệm cứu rỗi. Điều này có thể cộng hưởng sâu sắc với Đức Giáo Hoàng Lêô XIV, xuất thân từ Hoa Kỳ - một quốc gia mà căn tính Công giáo thường sống hoặc chết trong gia đình, giáo xứ hoặc đời sống sùng kính, hơn là trong chính sách quốc gia. Rốt cuộc, ngài đã kết thúc bài phát biểu đầu tiên của mình với tư cách là giáo hoàng bằng lời nhắc nhở rằng vào ngày ngài lên ngôi giáo hoàng, Giáo hội cử hành lễ Đức Mẹ Pompeii và ngài bắt kinh Kính Mừng cho mọi người cùng đọc.

Sự thống nhất Đông Tây

Lâu trước Công đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã có những bước tiến đáng kể hướng tới sự tham gia đại kết, đặc biệt là với các Giáo hội Đông phương. Trong thông điệp Orientalium Dignitas (1894), ngài thừa nhận phẩm giá và sự đa dạng hợp pháp của các nghi lễ Đông phương, kêu gọi bảo vệ các truyền thống phụng vụ và quyền tự chủ của các truyền thống đó. Trong thông điệp Praeclara Gratulationis Publicae (1894), ngài đã đưa ra lời kêu gọi rộng rãi về sự hiệp nhất Kitô giáo - thừa nhận nỗi đau của sự chia rẽ trong khi thúc giục sự đoàn kết dựa trên sự thật và lòng bác ái.

Các thông điệp khác như Paterna Caritas (1888), nhắm vào những người theo Anh giáo, và thông điệp Satis Cognitum (1896), về sự hiệp nhất của Giáo hội, cho thấy một giáo hoàng sẵn sàng tham gia về mặt thần học và mục vụ với thế giới Kitô giáo đang chia rẽ. Thông điệp Satis Cognitum đã đặt nền tảng gần như mang tính tiên tri cho thế kỷ tới: “Các chi thể phân tán và tách biệt không thể nào hợp nhất với đầu để tạo nên một thân thể... Và do đó, các chi thể phân tán, tách biệt nhau, không thể hợp nhất với một đầu duy nhất... Tách khỏi đầu, chúng nhất thiết phải chết... Những gì bị cắt khỏi người mẹ không thể sống hoặc thở tách biệt... Chừng nào nó còn trong thân thể, nó vẫn sống; khi bị tách biệt, nó sẽ mất đi sự sống”. Trọng tâm của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII sẽ không được tái hiện một cách toàn diện và ấn tượng như vậy cho đến khi Công đồng Vatican II ban hành thông điệp Unitatis Redintegratio và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unim Sint. ĐGH Lêô XIII, một lần nữa, lại đi trước thời đại.

Đức tin và lý trí, Kinh thánh và khoa học

ĐGH Lêô XIII không phải là người chủ trương ngu dân chống hiện đại. Trong thông điệp Providentissimus Deus (1893), ngài đã ban hành một trong những văn kiện quan trọng nhất của Giáo hội về việc nghiên cứu Kinh thánh, khuyến khích các phương pháp học thuật nghiêm ngặt trong khi vẫn bảo vệ nguồn cảm hứng thiêng liêng của Kinh thánh. Trong thông điệp Divinum Illud Munus (1897), ngài đã đưa ra một sự suy ngẫm sâu sắc về Chúa Thánh Thần, nhấn mạnh đến sự thánh thiện cá nhân, các ân sủng của Chúa Thánh Thần và sự đổi mới Giáo hội từ bên trong.

Những năm cuối đời, ngài đưa ra thông điệp Mirae Caritatis (1902), về Bí tích Thánh Thể, nhắc nhở các tín hữu rằng trung tâm của đời sống Kitô hữu không phải là chính trị hay triết học, mà là sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trong bí tích tình yêu.

Một tên gọi có trọng lượng

Vậy thì việc Đức Giáo Hoàng Lêô XIV chọn tên gọi này có ý nghĩa gì? Chúng ta không thể vẽ một đường thẳng từ triều đại giáo hoàng này sang triều đại giáo hoàng khác - và chúng ta cũng không nên làm vậy. Những thách thức của năm 1900 không phải là những thách thức của năm 2025. Nhưng những tên gọi được chọn có mục đích. Chọn tên gọi “Lêô” là gợi lên một di sản - một di sản kết hợp sự sáng suốt về thần học, sự tham gia triết học, mối quan tâm xã hội và lòng sùng kính.

ĐGH Lêô XIII đã chứng minh rằng một giáo hoàng có thể là một học giả và một mục tử, một triết gia và một người sùng kính Mẹ Maria, một nhà cải cách và một người theo chủ nghĩa truyền thống. Ở nhiều phương diện, ngài là một giáo hoàng hiện đại cho một thế giới hiện đại hóa. Di sản đó có thể đem tới một bản thiết kế hiệu quả - hoặc ít nhất là một mối tương quan tâm linh - cho một vị tân giáo hoàng đang chuyển tiếp trong sự phức tạp của Giáo hội toàn cầu.

Nhìn lại để nhìn về phía trước

Trong thời kỳ bất ổn, Giáo hội thường nhìn lại quá khứ của mình - không phải để rút lui vào quá khứ, mà là để khám phá lại nguồn gốc sứ mệnh của mình. Các tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cho thấy một Giáo hội không sợ nói với thế giới một cách sâu sắc, chính xác và táo bạo. Tầm nhìn của ngài là một đức tin bao gồm cả điều cũ và điều mới, điều huyền nhiệm và điều thuộc lý trí.

Bằng cách chọn tên gọi Lêô, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV có thể đang kêu gọi chúng ta nhớ đến một vị giáo hoàng vốn tin rằng Giáo hội phải suy nghĩ sâu sắc, cầu nguyện liên tục, giảng dạy rõ ràng và yêu thương quảng đại. Đó không phải là một chương trình, mà là những nét chung cơ bản nhất - có lẽ là sự suy tư về kiểu mục tử nào mà ngài hy vọng ngài sẽ trở thành.

Shaun McAfee, 9 tháng 5 năm 2025

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

https://catholicexchange.com/leo-xiv-and-the-legacy-of-leo-xiii-a-name-that-bears-a-vision/

 

NĂM THÁNH 2025: “HY VỌNG KHÔNG LÀM THẤT VỌNG”

  1. Những người hành hương của hy vọng

Hy vọng không chỉ là sự lạc quan. Đôi khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trước khi sự biến đổi thực sự xảy ra. Tuy nhiên, khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta biết rằng thời gian tới sẽ không phải là sự lặp lại của quá khứ.

Nhìn lại năm 2024, có nhiều lý do để người ta cảm thấy chán nản: các cuộc chiến tranh dữ dội giữa Nga và Ukraine, Israel và Palestine, khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo, số lượng người di cư tiếp tục chết vì nỗ lực hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, thiên tai, cùng nhiều lý do khác. Tuy nhiên, chúng ta không đầu hàng trước tuyệt vọng. Chúng ta là những người hành hương của hy vọng trong sự hiệp thông. Nguồn hy vọng của chúng ta là gì? “Chúa Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Ngài làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr. 3:15) 

Trong Mầu nhiệm Vượt qua, Thiên Chúa cho thấy rằng sự sống cuối cùng sẽ chiến thắng cái chết, và điều thiện sẽ chiến thắng điều ác. Sự đau khổ, cái chết, sự phục sinh, sự lên trời của Chúa Giêsu và việc Chúa Thánh Thần được sai đến đóng vai trò như một mô hình cho tất cả các Kitô hữu. Cũng như Chúa Giêsu đã trải qua những thử thách này, mọi Kitô hữu trong suốt lịch sử cũng vậy. Mặc dù hiện tại chúng ta có thể đang chịu đựng đau khổ và mất mát, nhưng chúng ta hiểu rằng những điều này không thể có tiếng nói quyết định cuối cùng. Không có cuộc chiến nào và bạo lực nào có thể mang lại hòa bình thực sự. Cuối cùng, sự sống mới sẽ xuất hiện ngay cả từ vực sâu của cái chết.

Khi chúng ta nhìn vào đường chân trời của năm mới 2025, hy vọng sẽ nảy nở trong trái tim chúng ta. Hy vọng không chỉ là sự lạc quan. Đôi khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trước khi sự biến đổi thực sự xảy ra. Tuy nhiên, khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta biết rằng thời gian tới sẽ không phải là sự lặp lại của quá khứ. Một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ sẽ diễn ra, vì chúng ta đang hướng tới kế hoạch thiêng liêng cho tương lai. Mong rằng chúng ta không ngừng phấn đấu vì công lý và sự hòa giải giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, để Shalom – hòa bình – có thể ngự trị.

Chúng ta hướng về Mẹ Maria, Nữ Vương ban sự bình an, xin Mẹ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta bước theo mẫu gương của. Mẹ là Đấng mang Thiên Chúa trong cung lòng, Theotokos, nên trong cuộc đời mình Mẹ biết thế nào là chờ đợi Thiên Chúa hành động. Đứng dưới chân thập giá, Mẹ đã chứng kiến ​​con mình chết. Ba ngày sau, Mẹ biết con mình là Đấng Phục Sinh.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta khi chúng ta bắt đầu năm mới. Xin khuôn mặt Ngài tỏa sáng trên chúng ta và thương xót chúng ta. Và xin cho chúng ta tiếp tục bước đi như những người hành hương của hy vọng trong sự hiệp thông. [1]

  1. Cuộc hành hương của hy vọng

Hy vọng, còn gọi là đức cậy, cùng với đức tin và đức mến, tạo nên bộ ba “nhân đức đối thần” diễn tả cốt lõi của đời sống Kitô hữu (1 Cr 13:13; 1 Tx 1:3). Trong sự hiệp nhất không thể tách rời của ba nhân đức này, đức cậy là nhân đức, có thể nói như vậy, mang lại định hướng và mục đích bên trong cho đời sống của các tín hữu. Vì lý do này, Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta “hãy vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn trong đau khổ và bền chí cầu nguyện” (Rm  12:12). Chắc chắn chúng ta cần “tràn trề hy vọng” (Rm  15:13), để chúng ta có thể làm chứng một cách đáng tin cậy và hấp dẫn cho đức tin và tình yêu ngự trị trong lòng chúng ta; để đức tin của chúng ta có thể vui tươi và đức mến của chúng ta có thể nhiệt thành; và để mỗi người chúng ta có thể trao tặng một nụ cười, một cử chỉ nhỏ của tình bạn, một cái nhìn tử tế, một đôi tai lắng nghe, một việc làm tốt, với sự hiểu biết rằng, trong Thần Khí của Chúa Giêsu, những điều này có thể trở thành những hạt giống hy vọng phong phú đối với những ai đón nhận chúng. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sắc lệnh công bố Năm Thánh thông thường 2025, số 18).

Giáo hội Công giáo cử hành Năm Thánh vào năm 2025, mời gọi mọi người hành hương đến Rôma và cầu nguyện tại mộ của các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn chủ đề hy vọng để hướng dẫn lời cầu nguyện của các tín hữu: “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5:5).

Hy vọng là một từ chúng ta thường dùng, nhưng chúng ta có thể không hiểu hết ý nghĩa của nó. “Hy vọng là mong muốn chắc chắn đạt được một điều tốt đẹp trong tương lai mà khó đạt được. Do đó, hy vọng là một mong muốn, hàm ý tìm kiếm và theo đuổi một điều tốt đẹp trong tương lai mà vẫn chưa có được… Hy vọng tin chắc rằng điều mong muốn chắc chắn sẽ đạt được… Hy vọng là nhận ra rằng mục tiêu mong muốn không dễ dàng đạt được và cần phải nỗ lực để vượt qua bất cứ trở ngại nào cản đường” (John A. Hardon, SJ, Modern Catholic Dictionary, tr. 257).

Niềm hy vọng cho phép chúng ta vượt qua viễn cảnh hạn hẹp của những thụ tạo sống trong thời gian. Chúng ta không thể nhìn thấy tương lai, chứ đừng nói đến cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên đàng. Niềm hy vọng dạy chúng ta phải kiên nhẫn phấn đấu, ngày này qua ngày khác, để đạt được lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu, đó là món quà của Thiên Chúa dành cho những ai duy trì tình bạn sống động với Ngài. Niềm hy vọng của chúng ta nằm ở Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và kêu gọi chúng ta ở bên Ngài mãi mãi.

Những người hy vọng là ngọn hải đăng của niềm vui và thanh thản vì họ sống với sự xác tín rằng bất kể điều gì có thể xảy ra, Thiên Chúa là Đấng tốt lành và sẽ ân thưởng cho những ai trung thành với Ngài. Có hy vọng có nghĩa là tin vào lời Chúa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Sự đảm bảo này cho phép chúng ta vượt qua những giông bão của cuộc đời với sự tin tưởng.

Chúng ta sống và hoạt động trong niềm hy vọng: Thiên Chúa sẽ chúc phúc và ủng hộ những nỗ lực của chúng ta để bảo vệ sự sống của người vô tội bất kể sự phản đối dữ dội đến mức nào. Sự phản đối và rào cản sẽ đến, nhưng chúng ta không mất đi niềm hy vọng vững chắc rằng những gì chúng ta đang làm là xứng đáng, rằng việc đó làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Việc hành hương tôn giáo hầu như luôn là một trải nghiệm thay đổi cuộc sống. Nhưng dù cho kế hoạch hành hương trong tương lai của chúng ta là gì, hãy hướng suy nghĩ của chúng ta đến Đấng chúng ta đặt niểm hy vọng của chúng ta: Thiên Chúa là Đấng tốt lành, Ngài yêu thương chúng ta và Ngài ân thưởng cho chúng ta vì những điều tốt đẹp mà chúng ta làm nhân danh Ngài. [2]

 

Phêrô Phạm văn Trung chuyển ngữ

[1] LM Raymond Mwangala, https://oblates.ie

[2] LM Gerald E. Murray, https://humanlifereview.com

25 năm mới có 1 lần: Hướng dẫn thực hành để nhận được Ơn Toàn Xá mỗi ngày trong suốt Năm Thánh


Tối Thứ Ba, 24 Tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha đã mở cửa thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, chính thức bắt đầu Năm Thánh 2025, kéo dài cho đến Lễ Hiển Linh, mùng 4 tháng Giêng, 2026.

Một trong những đặc điểm chính của Năm Thánh là Ơn Toàn Xá. Thật vậy, theo sắc lệnh được ký ngày 13 tháng 5 bởi Đức Hồng Y Angelo De Donatis, người đứng đầu mới của Tòa Ân giải Tối cao, trong Năm Thánh này, chúng ta có thể nhận được 2 Ơn Toàn Xá mỗi ngày, trong đó, Ơn Toàn Xá thứ hai nhường cho các linh hồn.

Ơn Toàn Xá là gì? Thưa: Ơn Toàn Xá là ân sủng được Giáo Hội Công Giáo ban cho nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra. Ân xá áp dụng cho những tội đã được tha thứ. Ơn Toàn Xá thanh tẩy tâm hồn như thể người đó vừa mới được rửa tội.

Làm sao để nhận được Ơn Toàn Xá trong Năm Thánh 2025?

Bước Thứ Nhất: Chúng ta phải đi xưng tội và phải từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Chỉ cần một lần xưng tội là đủ để được hưởng nhiều Ơn Toàn Xá, nhưng nên xưng tội thường xuyên để có được ơn hoán cải sâu sắc hơn và lòng trong sạch hơn. Nói cách khác, không cần phải xưng tội hàng ngày, nhưng phải đi xưng tội cho dù mới mắc phải tội nhẹ.

Bước Thứ Hai: Phải rước lễ trong ngày muốn nhận Ơn Toàn Xá.

Bước Thứ Ba: Cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha. Việc cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân, nhưng thông thường thì nên đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng. Đồng thời, hiệp ý cầu xin với Đức Thánh Cha theo các ý chỉ mà chúng tôi sẽ nêu cụ thể trong phần phụ lục.

Bước Thứ Tư: Làm một trong các việc sau

Cách thứ nhất: Thực hiện các công việc bác ái

Năm Thánh là thời điểm mà người Công Giáo được khuyến khích đặc biệt thực hành các công việc thương xót về thể xác và tinh thần. Tòa Ân Giải Tông Tòa liệt kê việc thăm tù nhân, dành thời gian cho người già cô đơn, giúp đỡ người bệnh hoặc người khuyết tật, và giúp đỡ những người đang cần là những trường hợp để được hưởng Ơn Toàn Xá. Theo đó, thực hành các công việc thương xót “theo một nghĩa nào đó là hành hương đến với Chúa Kitô hiện diện trong họ”.

Theo sắc lệnh, Ơn Toàn Xá cho các công việc bác ái có thể được nhận nhiều lần trong suốt năm thánh, thậm chí là hàng ngày.

Nếu ân xá được áp dụng cho người đã khuất, có thể nhận được hai ân xá toàn xá trong cùng một ngày.

Sắc lệnh nêu rõ: “Mặc dù có quy định chỉ được hưởng một Ơn Toàn Xá mỗi ngày, nhưng các tín hữu đã thực hiện một hành động bác ái thay cho các linh hồn nơi luyện ngục, nếu họ rước lễ lần thứ hai trong ngày đó, thì có thể hưởng Ơn Toàn Xá hai lần trong cùng một ngày, chỉ áp dụng cho người đã khuất.”

Tóm lại, nếu ta xưng tội, từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và thực hiện một công việc bác ái thì là đủ để nhận được một Ơn Toàn Xá.

Nếu trong cùng một ngày đó, ta rước lễ lần thứ hai, và làm thêm một công việc bác ái nữa thì sẽ nhận được một Ơn Toàn Xá thứ hai nhường cho các linh hồn.

Cách thứ hai: Tránh xa mạng xã hội, bảo vệ cuộc sống, làm tình nguyện

Các hành vi sám hối cũng có thể nhận được Ơn Toàn Xá. Vatican liệt kê một số lựa chọn, bao gồm:

Kiêng ít nhất một ngày một tuần khỏi những “sự xao lãng vô ích”, chẳng hạn như mạng xã hội hoặc tivi.

Ăn chay

Quyên góp “một khoản tiền tương xứng cho người nghèo”

Hỗ trợ các hoạt động tôn giáo hoặc xã hội, đặc biệt là bảo vệ sự sống trong mọi giai đoạn

Cung cấp hỗ trợ cho người di cư, người già, người nghèo, thanh thiếu niên gặp khó khăn và trẻ em bị bỏ rơi

Tình nguyện phục vụ cộng đồng của bạn

Sắc lệnh nêu rõ: “Ơn Toàn Xá năm thánh cũng có thể đạt được thông qua các sáng kiến thực hành, một cách cụ thể và quảng đại, tinh thần sám hối, theo một nghĩa nào đó, là linh hồn của năm thánh”.

Cách thứ ba: Ghé thăm nhà thờ địa phương của bạn

Người Công Giáo cũng có thể được hưởng Ơn Toàn Xá bằng cách hành hương đến nhà thờ chính tòa hoặc đến một nhà thờ hay đền thờ khác do giám mục địa phương lựa chọn.

Tòa Ân giải Tối cao yêu cầu các giám mục “xem xét đến nhu cầu của các tín hữu cũng như cơ hội củng cố khái niệm hành hương với tất cả ý nghĩa biểu tượng của nó, để thể hiện nhu cầu lớn lao về sự hoán cải và hòa giải”.

Cách thứ tư: Tham gia các khóa đào tạo về Công đồng Vatican II

Sắc lệnh của Vatican cũng nêu rõ rằng người Công Giáo có thể được hưởng Ơn Toàn Xá “nếu với tinh thần sốt sắng, họ tham gia vào các hoạt động truyền giáo, rèn luyện tâm linh hoặc các hoạt động đào tạo về các văn kiện của Công đồng Vatican II và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, được tổ chức tại nhà thờ hoặc nơi thích hợp khác, theo ý của Đức Thánh Cha”.

Cách thứ năm: Cầu nguyện tại những vương cung thánh đường được chỉ định

Nhiều địa điểm linh thiêng trên thế giới cũng được chỉ định là nơi hành hương, nơi người ta có thể nhận được Ơn Toàn Xá:

Ở Ý:

Nhà thờ thánh Phanxicô Assisi

Vương cung thánh đường Đức Mẹ các Thiên thần ở Assisi

Vương cung thánh đường Đức Mẹ Loreto

Vương cung thánh đường Đức Mẹ Pompeii

Nhà thờ thánh Anthony ở Padua

Ở Thánh Địa:

Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem

Vương cung thánh đường Giáng Sinh ở Bethlehem

Vương cung thánh đường Truyền tin ở Nazareth

Sắc lệnh này cũng chỉ ra rằng “bất kỳ vương cung thánh đường nhỏ, nhà thờ chính tòa, nhà thờ đồng chính tòa, thánh địa Đức Mẹ, bất kỳ nhà thờ hoặc thánh địa nào được giám mục giáo phận hoặc giáo phận Đông phương chỉ định vì lợi ích của các tín hữu” đều có thể được chỉ định. Các hội đồng giám mục cũng có thể chỉ định các thánh địa quốc gia hoặc quốc tế là các địa điểm linh thiêng để ban Ơn Toàn Xá.

Cách thứ năm: Hành hương đến Rome

Những người Công Giáo hành hương đến Rome trong Năm Thánh 2025 có thể được hưởng Ơn Toàn Xá khi đến thăm ít nhất một trong bốn đền thờ giáo hoàng chính: Đền Thờ Thánh Phêrô, đền thờ Thánh Gioan Latêranô, Đền Thờ Đức Bà Cả hoặc đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Ngoài ra, bạn có thể nhận được Ơn Toàn Xá bằng cách dành thời gian cầu nguyện tại một số nhà thờ khác ở Rome:

Vương cung thánh đường Thánh Giá của Rome ở Jerusalem

Vương cung thánh đường Thánh Lôrensô Ngoại Thành

Nhà thờ thánh Sebastianô

Đền thờ tình yêu Thiên Chúa (Divino Amore)

Nhà thờ Chúa Thánh Thần ở Sassia

Nhà thờ Thánh Phaolô ở Tre Fontane (nơi Thánh Phaolô chịu tử đạo)

Hang Toại Đạo

Tòa Ân Giải Tối Cao cũng ban Ơn Toàn Xá đặc biệt cho những người hành hương đến các nhà thờ ở Rome có liên quan đến các vị thánh nữ vĩ đại:

Vương cung thánh đường Santa Maria Sopra Minerva (lăng mộ của Thánh Catherine xứ Siena)

Nhà thờ Thánh Brigid ở Campo de' Fiori (Nhà thờ Thánh Brigid của Thụy Điển)

Santa Maria della Vittoria (Thánh Teresa Ávila)

Trinità dei Monti (Thánh Têrêsa thành Liseux)

Vương cung thánh đường Thánh Cecilia ở Trastevere (St. Cecilia)

Vương cung thánh đường Sant'Augustino ở Campo Marzio (St. Monica)

Phụ Lục: Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô từ Tháng 12-2024 đến Tháng 12-2025

Tháng Mười Hai – 2024: Cầu cho những người hành hương trong hy vọng

Chúng ta hãy cầu nguyện để Năm Thánh sắp tới của Giáo hội 2025 củng cố đức tin của chúng ta; giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô Phục sinh giữa cuộc sống của chúng ta, biến chúng ta thành những người hành hương của niềm hy vọng Kitô giáo.

Tháng Giêng – 2025: Cầu cho quyền được giáo dục.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người di cư, người tị nạn và những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, để quyền được giáo dục của họ, vốn cần thiết để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, luôn được tôn trọng.

Tháng Hai – 2025: Cầu cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Chúng ta hãy cầu nguyện để cộng đồng giáo hội có thể chào đón những ước muốn và nghi ngờ của những người trẻ cảm thấy được kêu gọi phục vụ sứ mệnh của Chúa Kitô trong chức linh mục và đời sống tu trì.

Tháng Ba – 2025: Cầu cho những gia đình đang gặp khủng hoảng.

Chúng ta hãy cầu nguyện để những gia đình tan vỡ có thể tìm ra phương thuốc chữa lành vết thương của mình thông qua sự tha thứ, khám phá lại những món quà của nhau, ngay cả trong những khác biệt của họ.

Tháng Tư – 2025: Cầu cho việc sử dụng các công nghệ mới.

Chúng ta hãy cầu nguyện rằng việc sử dụng các công nghệ mới sẽ không thay thế các mối quan hệ giữa con người, sẽ tôn trọng phẩm giá của con người và sẽ giúp chúng ta đối mặt với các cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta.

Tháng Năm – 2025: Cầu cho điều kiện làm việc.

Chúng ta hãy cầu nguyện rằng thông qua công việc, mỗi người có thể tìm thấy sự viên mãn, các gia đình có thể được duy trì trong phẩm giá và xã hội có thể được nhân bản hóa.

Tháng Sáu – 2025: Cầu cho thế giới ngày càng phát triển lòng từ bi.

Chúng ta hãy cầu nguyện để mỗi người chúng ta có thể tìm thấy niềm an ủi trong mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu, và từ Trái Tim Người, học cách thương xót thế giới.

Tháng Bẩy – 2025: Cầu cho việc hình thành khả năng phân định.

Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể học lại cách phân định, biết cách lựa chọn con đường sống và từ chối mọi thứ khiến chúng ta xa rời Chúa Kitô và Tin Mừng.

Tháng Tám – 2025: Cầu cho khả năng cùng tồn tại.

Chúng ta hãy cầu nguyện để những xã hội mà sự chung sống dường như khó khăn hơn sẽ không khuất phục trước cám dỗ đối đầu vì lý do sắc tộc, chính trị, tôn giáo hoặc ý thức hệ.

Tháng Chín – 2025: Cầu cho mối quan hệ của chúng ta với toàn thể tạo vật.

Chúng ta hãy cầu nguyện để, được Thánh Phanxicô truyền cảm hứng, chúng ta có thể trải nghiệm sự phụ thuộc lẫn nhau với mọi loài thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương và xứng đáng được yêu thương và tôn trọng.

Tháng Mười – 2025: Cầu cho sự hợp tác giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện để những người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể cùng nhau bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, công lý và tình huynh đệ nhân loại.

Tháng Mười Một – 2025: Cầu cho khả thể ngăn ngừa tự tử.

Chúng ta hãy cầu nguyện rằng những người đang đấu tranh với ý định tự tử có thể tìm thấy sự hỗ trợ, chăm sóc và tình yêu thương mà họ cần trong cộng đồng của mình, và cởi mở với vẻ đẹp của cuộc sống.

Tháng Mười Hai – 2025: Cầu cho cho các Kitô hữu ở những khu vực có xung đột.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu đang sống ở những vùng chiến tranh hoặc xung đột, đặc biệt là ở Trung Đông, có thể trở thành hạt giống của hòa bình, hòa giải và hy vọng.


Đặng Tự Do - Vietcatholic News

Source: Catholic News Agency

 

 

Năm Thánh - Năm Hồng Ân #1: Trò chuyện với Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng

Số đầu tiên của chương trình Năm Thánh - Năm Hồng Ân, Vatican News Tiếng Việt giới thiệu cuộc trò chuyện với Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, TGM Sài Gòn, một cuộc trò chuyện bắt đầu bằng những câu chuyện cá nhân và kết thúc bằng những suy tư mang tính gợi hứng cho nhiều cuộc trò chuyện khác trong suốt Năm Thánh 2025 - "Những người hành hương của hy vọng".

Vatican News