3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Xây Cuộc Đời Trên Đá Vững Chắc Là Thi Hành Ý Chúa

Cuộc sống con người là một chuỗi dài những chọn lựa. Mỗi chọn lựa không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn quyết định tương lai. Câu chuyện giữa ông Áp-ram, bà Xa-rai và nàng Ha-ga trong bài đọc Sách Sáng Thế là minh chứng sống động cho những hệ lụy kéo dài từ một quyết định không xuất phát từ lòng tin tưởng vững chắc vào kế hoạch của Thiên Chúa. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc then chốt cho đời sống người môn đệ: không phải cứ nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là đủ, nhưng phải thực sự sống và thi hành ý Chúa thì mới được vào Nước Trời. Nền tảng cuộc đời vững chắc không nằm ở việc tuyên xưng ngoài miệng, mà ở sự vâng phục và thực hành Lời Chúa.

Trở lại với câu chuyện trong sách Sáng Thế, ông Áp-ram là người đã được Thiên Chúa chọn để trở thành tổ phụ của một dân tộc đông đúc như sao trời, như cát biển. Lời hứa ấy đã được Thiên Chúa lập đi lập lại với ông, khẳng định nhiều lần và kèm theo giao ước. Tuy nhiên, lòng người là lòng hay lo âu và nôn nóng. Khi thấy thời gian kéo dài mà lời hứa chưa thành hiện thực, vợ ông là bà Xa-rai đã chọn cách giải quyết theo lối nhân loại: trao người tỳ nữ của mình cho chồng để sinh con. Dù đây là một giải pháp hợp lý theo văn hóa thời đó, nhưng lại không đặt niềm tin hoàn toàn vào kế hoạch và thời điểm của Thiên Chúa. Và kết quả là gì? Là chuỗi đau khổ kéo dài: Ha-ga kiêu căng khi có thai, bà Xa-rai ganh tị và hành hạ, Áp-ram thì lúng túng và thiếu trách nhiệm. Sự bình an tan biến, thay vào đó là xung đột, ghen tuông, trốn chạy và cuối cùng là một dòng dõi sẽ luôn “đối đầu với anh em mình”.

Từ góc độ này, ta thấy rõ rằng khi con người không kiên nhẫn chờ đợi Chúa, mà muốn tự “xây dựng kế hoạch cứu độ” theo lối riêng mình, thì hậu quả luôn là rối ren và xáo trộn. Ha-ga trốn chạy, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi nàng. Sứ thần của Đức Chúa hiện ra, hỏi nàng “Ngươi từ đâu đến và đi đâu?” – một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng sâu xa vô cùng: câu hỏi đánh động lương tâm, giúp con người ý thức mình đang ở đâu trong hành trình ơn gọi và niềm tin. Sứ thần truyền cho Ha-ga hãy trở về, chấp nhận nghịch cảnh, và trong sự vâng phục đó, một lời hứa lớn được ban cho nàng: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra thật nhiều, đến mức không thể đếm được.” Dù dòng dõi ấy sẽ luôn sống trong mâu thuẫn, nhưng cũng là dấu chỉ cho thấy: Thiên Chúa không bỏ rơi ai, dù là người ở bên lề hay bị đẩy ra ngoài.

Khi đối chiếu với bài Tin Mừng, ta càng hiểu rõ hơn rằng, sống đức tin không chỉ là tuyên bố bằng lời nói hay thể hiện bên ngoài, nhưng chính là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Có người nhân danh Chúa mà trừ quỷ, làm phép lạ, nói tiên tri – những hành vi tôn giáo mạnh mẽ – nhưng lại không được vào Nước Trời, vì không sống đúng với sự thật và lòng ngay chính. Chúa Giêsu tuyên bố thẳng thắn: “Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác.” Những lời này không nhằm dọa dẫm, nhưng cảnh tỉnh, để người tín hữu xét lại cách sống đạo của mình: tôi đang xây dựng cuộc đời mình trên đá hay trên cát? Tôi theo Chúa bằng việc thực hành Lời Ngài, hay chỉ bằng cảm xúc, hình thức, danh tiếng bên ngoài?

Hình ảnh hai người xây nhà là một dụ ngôn đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa. Người khôn là người nghe và đem Lời Chúa ra thực hành – ví như xây nhà trên đá. Khi giông tố đến – biểu tượng của thử thách, khổ đau, nghi ngờ, bệnh tật, phản bội, mất mát – căn nhà ấy vẫn đứng vững. Trong khi đó, người nghe mà không sống theo – ví như xây nhà trên cát – sẽ sụp đổ tan tành. Sự khác biệt không nằm ở chỗ ai được mưa sa hay nước cuốn, vì cả hai đều bị thử thách như nhau, nhưng khác ở nền tảng họ chọn lựa từ đầu: người xây trên đá là người sống với đức tin hành động, người xây trên cát là người có đạo ngoài miệng mà không có trong lòng.

Trong thời đại hôm nay, không thiếu những người rao giảng Lời Chúa, phục vụ Hội Thánh, thậm chí làm việc lớn lao nhân danh Chúa, nhưng lại không sống trong ý Chúa, không yêu sự công chính, không bảo vệ sự thật, không từ bỏ tính ích kỷ, kiêu căng, giả hình. Những căn nhà tưởng như đồ sộ, lộng lẫy, nhưng được xây trên cát mỏng manh của thói giả dối, của nền văn hóa chạy theo hình thức, danh tiếng, quyền lực. Khi bão tố đến – như thử thách của danh lợi, của dư luận, của sự thật bị phơi bày – căn nhà ấy sụp đổ không còn gì. Lời Chúa hôm nay giúp ta tỉnh thức, và mời gọi ta xét lại chính mình: tôi sống đức tin như thế nào? Có khi nào tôi đang nhân danh Chúa mà lại sống ngược với thánh ý Chúa không?

Ngược lại, người xây đời mình trên đá – nghĩa là trên sự vâng phục, trung tín và yêu mến Chúa – thì dù âm thầm hay nhỏ bé, dù không nổi bật, nhưng luôn đứng vững. Có thể họ là những người mẹ âm thầm nuôi dạy con cái trong đức tin, những người cha chân chính làm việc lương thiện giữa một xã hội gian dối, những linh mục sống đời trong sạch và khiêm nhường, những giáo dân không tên tuổi nhưng luôn sống bác ái và trung thành với Chúa. Đó chính là những căn nhà được xây trên nền đá của Lời Chúa và đức ái. Họ không cần kêu lên “Lạy Chúa, Lạy Chúa” cách rình rang, nhưng cuộc sống của họ là một lời tuyên xưng sống động và trung thực nhất.

Bài học của Ha-ga cũng mời gọi ta đừng bao giờ coi thường hay bỏ rơi những con người nhỏ bé, những người tưởng chừng “ngoài cuộc chơi” của ơn gọi lớn lao. Thiên Chúa thấy, nghe, và thấu hiểu tất cả – kể cả nỗi đau của người bị tổn thương, bị loại trừ, bị hành hạ. Khi một người phụ nữ như Ha-ga – thân phận tôi tớ, người ngoại bang, có con ngoài hôn nhân – lại được chính sứ thần Thiên Chúa đến gặp và hứa ban cho dòng dõi đông đúc, ta hiểu rằng ánh mắt của Thiên Chúa không như ánh mắt người đời. Ngài không bị đóng khung bởi thành tích, huy chương hay vẻ ngoài, nhưng nhìn thấu tâm hồn, và luôn mở ra cánh cửa cứu độ cho tất cả.

Giữa thế giới hôm nay đầy lừa dối và bấp bênh, khi nhiều người đang xây cuộc đời mình trên cát của ảo vọng, ảo danh, ảo ảnh truyền thông, người Kitô hữu được mời gọi trở lại với nền đá là Lời Chúa. Chính Lời Chúa là kim chỉ nam hướng dẫn mọi quyết định, là ánh sáng trong đêm tối, là chỗ dựa khi mọi sự khác tan vỡ. Xây nhà trên đá là sống kết hiệp với Chúa bằng cầu nguyện, bằng đức ái, bằng lắng nghe và thi hành Lời Chúa mỗi ngày – dù âm thầm, dù tốn công, dù không ai vỗ tay.

Vì thế, Lời Chúa hôm nay không chỉ là lời cảnh tỉnh nhưng còn là lời mời gọi hy vọng. Chúa không đòi chúng ta làm những phép lạ hay thành công lớn lao, nhưng mời gọi sống trung thực, sống đức tin cụ thể qua việc nhỏ mỗi ngày. Ai sống như thế là đang xây nhà trên đá, là đang tiến bước vào Nước Trời bằng cửa hẹp nhưng chắc chắn. Dù cuộc sống có bao lần mưa sa bão táp, dù có lúc lòng ta cũng mỏi mòn như bà Xa-rai, đau khổ như Ha-ga, hay mơ hồ như đám đông nghe Chúa giảng, ta vẫn được mời gọi bám chặt vào nền đá của đức tin.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn kiên vững để không chạy theo cách giải quyết dễ dãi theo kiểu thế gian, không sống đạo hình thức bề ngoài, không xây nhà cuộc đời mình trên cát của cảm xúc chóng qua hay thói quen hời hợt. Xin cho chúng ta biết chọn đá vững là Lời Chúa, là thánh ý Chúa, để dù thế giới có đổi thay, lòng người có bội bạc, ta vẫn đứng vững, vẫn thuộc về Chúa, và chắc chắn được vào Nước Trời như lời Người đã hứa.

Lm. Anmai, CSsR

Can Đảm Đổi Đời, Để Sống Cho Chúa

Kính thưa cộng đoàn,

Có những lần ta vấp ngã. Có những ngày lòng ta tối lại. Có những lúc tưởng như chẳng còn lối để quay về. Nhưng nếu một lần ta để cho ánh mắt Chúa chạm vào – như Phêrô năm xưa – thì từ chỗ tối tăm ấy, ta sẽ đứng dậy. Và đó là khởi đầu cho một cuộc đổi đời trong ân sủng.

Hôm nay mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô – chúng ta không chỉ chiêm ngắm hai khuôn mặt sáng ngời của Giáo Hội, mà còn được đánh động bởi hai hành trình đổi đời, rất thật, rất người, nhưng cũng đầy vinh quang.

Phêrô – một người dân chài bộc trực, nồng nhiệt, dám hứa nhưng lại yếu đuối. Một đêm kia, ông chối Thầy ba lần. Và rồi – ánh mắt Giêsu từ pháp đình nhìn xuống – một ánh mắt không buộc tội, nhưng chạm thấu tâm can. Nước mắt vỡ oà. Lòng hối hận thấm đẫm. Đêm đó, Phêrô chết đi – chết cái tôi tự mãn – để rồi từ ngày ấy, ông đứng lên làm người dẫn đầu đoàn chiên.

Còn Phaolô – người trí thức đầy kiêu hãnh, mang lý tưởng bảo vệ lề luật. Nhưng lý tưởng ấy biến ông thành kẻ bắt đạo, thù nghịch với Đức Giêsu. Rồi giữa đường Đa-mát, một luồng sáng đập ngã ông. Ba ngày mù lòa – nhưng cũng là ba ngày mắt linh hồn ông được mở. Và rồi từ đó, Phaolô không còn sống cho chính mình, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì ông.

Hai cuộc đời. Hai khởi điểm rất khác. Nhưng một hành trình chung: dám đổi đời – để sống cho Chúa và làm chứng cho Tin Mừng.

Cuộc đổi đời ấy không dễ dàng. Đó là cuộc lột xác đau đớn như đại bàng phải bẻ mỏ, nhổ móng, thay lông. Đó là hành trình từ bỏ cái cũ, cái an toàn, cái quen thuộc… để bước vào con đường Chúa muốn.

Phêrô từng chối Chúa, nhưng ông không chết trong mặc cảm như Giuđa. Ông đứng lên – vì ông tin tình thương Chúa lớn hơn tội mình.
Phaolô từng giết người vô tội, nhưng ông không để quá khứ làm cớ trốn chạy. Ông đứng lên – vì ông biết ơn Chúa vẫn đủ cho ông.

Và cũng chính khi họ đứng lên, để Chúa làm chủ cuộc đời mình, thì từ những viên đá thô, họ trở nên đá tảng. Từ những khuyết tật, họ trở thành cột trụ đức tin của toàn thế giới.

Còn chúng ta thì sao? Mỗi người đều có những vết thương, những yếu đuối. Nhưng điều quan trọng không phải là ta đã vấp ngã bao lần, mà là: ta có dám đứng dậy và để Chúa đổi đời mình không?

Đổi đời – không phải là chuyện của ngày hôm qua hay chỉ dành cho các thánh. Đó là lời mời gọi hôm nay – cho mỗi chúng ta.

Đổi đời – là dám bước ra khỏi thói quen tội lỗi.

Đổi đời – là dám chọn cầu nguyện thay vì than thân.

Đổi đời – là dám yêu thương khi dễ giận hờn.

Đổi đời – là dám sống đạo thật giữa một thế giới sống ảo.

Và nhất là: dám tin rằng, với Chúa, không có vết thương nào Ngài không thể chữa lành, không có cuộc đời nào Ngài không thể đổi mới.

Xin cho chúng ta đừng bao giờ sợ đổi đời, vì đó là con đường sống.

Xin cho chúng ta đừng bao giờ thất vọng về chính mình, vì Chúa vẫn đang chờ ánh mắt ta gặp lại Ngài.

Và xin cho chúng ta – như Phêrô và Phaolô – cũng trở thành những chứng nhân sống động cho Tin Mừng, bằng chính cuộc đời đã được Chúa biến đổi.

Lạy Chúa, xin đổi mới con mỗi ngày.
Để từ một con người yếu đuối – con trở nên khí cụ bình an.

Từ một cuộc đời mong manh – con nên ngọn lửa Tin Mừng giữa thế gian. Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Lễ Mình Máu Thánh Chúa

Bẻ ra để nhân lên

Trong ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về phép lạ bánh hoá nhiều. Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Phúc Âm thuật lại. Đây cũng là một phép lạ công khai, trước mắt một số đông người. Năm chiếc bánh và hai con cá trở thành lương thực nuôi khoảng 5000 người, mà vẫn còn dư mười hai thúng miếng vụn. Thánh Luca nhấn mạnh đến vai trò của Nhóm Mười Hai trong phép lạ này (c.12). Chính họ đã chủ động xin Đức Giêsu giải tán đám đông để những người này tìm chỗ ăn, chỗ ở, khi "ngày đã bắt đầu tàn". Đức Giêsu dường như muốn đưa ra một thách đố cho Nhóm Mười Hai: "Chính anh em hãy cho họ ăn đi." Hãy lo cho bao tử của họ sau khi họ đã được nghe giảng về Nước Thiên Chúa và được chữa lành khỏi tật bệnh. Các môn đệ thấy mình bất lực trước nhiệm vụ này, dù mới đây họ đã được sai đi rao giảng và chữa bệnh và đã thành công (Lc 9, 6). Điều duy nhất họ có trong tay là năm chiếc bánh và hai con cá. Nhưng điều ấy thì thấm vào đâu so với nhu cầu của dân. Ỡ nơi thanh vắng này, dù có tiền cũng không mua được đủ bánh. Đức Giêsu cần các môn đệ nhìn nhận sự bất lực của họ, để rồi Ngài mời gọi họ cộng tác vào việc nuôi dân. Các môn đệ, theo lệnh của Đức Giêsu đã chia đám đông thành từng nhóm nhỏ. Chính các ông đã trao bánh và cá cho Đức Giêsu, để rồi nhận lại từ tay Ngài, và trao cho đám đông. Phép lạ đã xảy ra trên bánh và cá, sau khi Ngài chúc lành và bẻ ra. Chúng ta không tưởng tượng nổi số lượng khổng lồ bánh và cá đã phát sinh từ hành vi bẻ ra này. Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên không ngừng. Có thể hôm nay chúng ta cũng thấy mình đứng trước những nhu cầu lớn lao của con người. Nhân loại vẫn ở trong tình trạng đói về nhiều mặt. Hằng giờ có biết bao trẻ em chết đói trên thế giới. Trong tay chúng ta chỉ vọn vẹn vài tấm bánh nhỏ. Chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực. Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có; nếu chúng ta để cho Ngài thánh hoá những cố gắng bé nhỏ của mình; nếu chúng ta chỉ coi mình là người cộng tác của Thầy Giêsu để phục vụ con người, thì phép lạ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Chúng ta vẫn có thể nuôi cả thế giới, no nê và dư dật.

Tấm bánh nuôi nhân loại

Chúng ta nên đọc lại câu 16 của đoạn Tin Mừng trên: "Đức Giêsu cầm lấy 5 cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông." Khi kể lại cử chỉ của Đức Giêsu lúc lập bí tích Thánh Thể, thánh Mác-cô cũng sử dụng 4 động từ trên đây (Mc 14,22). Và trong truyện hai môn đệ về Emmau ta cũng thấy thánh Luca dùng lại 4 động từ này: "Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ và trao cho họ." (Lc 24,30). Cử chỉ quen thuộc này đã làm cho hai môn đệ nhận ra Thầy Giêsu. Như những người Do Thái khác, Đức Giêsu dâng lời nguyện chúc tụng Thiên Chúa trước bữa ăn; Việc cầm bánh bẻ ra, trao cho người khác cũng là cử chỉ quen thuộc của người chủ tọa bữa ăn.

Giáo Hội sơ khai hẳn đã thấy có sự liên hệ giữa phép lạ bánh hoá nhiều và bí tích Thánh Thể. Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều dùng cùng một cử chỉ mà mời người khác ăn tấm bánh Ngài trao cho. Rất có thể ý định lập bí tích Thánh Thể đã được khơi mào từ sau phép lạ bánh hóa nhiều. Những chiếc bánh vật chất chỉ làm giảm cơn đói của một số người nhất định, và trong một thời gian nhất định. Manna ngày xưa trong sa mạc cũng không cho người ta sự sống sau cái chết (Xh 16,4-36). Bữa Tiệc Ly không phải là một hành vi đột xuất, không suy nghĩ trước. Trái lại Đức Giêsu đã phải bận tâm với ước mơ nuôi cả nhân loại, nuôi họ bằng chính bản thân Ngài và ban cho họ sự sống vĩnh cửu. "Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em… Này là chén Máu Thầy, sẽ đổ ra cho anh em." Đức Giêsu mời chúng ta ăn tấm bánh và uống chén rượu đã được thánh hiến, để thông hiệp vào cái chết và sự phục sinh của Ngài, vào chính bản thân Ngài. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của một tình yêu biết tìm kiếm. Cựu Ước đã hứa rằng trong những ngày sắp đến, Thiên Chúa sẽ nuôi dân Người dư dật (Tv 37,19; 81,17; 132,15). Đức Giêsu đã làm trọn lời hứa đó phần nào, qua phép lạ bánh hóa nhiều. Nhưng đó cũng chỉ là hình bóng của bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Khi thông hiệp với Chúa Giêsu phục sinh dưới dạng bánh rượu, chúng ta còn cần đến đức tin. Chúng ta mong chờ ngày được tham dự vào bữa tiệc trên trời, nơi chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Ngài không qua bức màn đức tin nữa.

Đức Giêsu đã bẻ bánh nhiều lần trong đời Ngài. Đời Ngài được kết tinh trong hành vi bẻ bánh. Tấm bánh trong bữa Tiệc Ly đã trở thành tấm thân Ngài, được bẻ ra và trao cho con người qua cái chết thập giá. "Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy". Giáo Hội sơ khai đã không quên mệnh lệnh đó. Họ tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể mà họ gọi là lễ "bẻ bánh" (Cv 2,42), tại các nhà riêng của tín hữu (Cv 2,46). Bẻ bánh trở thành nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, nghi thức này thường được cử hành vào ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần (Cv 20,7)

Thánh Lễ và đời thường

Thánh Lễ là nơi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh Lễ là một hy tế lặp lại hy tế Núi Sọ. Theo Công Đồng Vaticanô II, hy tế này là "nguồn cội và là chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô hữu" (LG 11). Là nguồi cội, vì tất cả đời sống Kitô hữu phát sinh từ đó; là chóp đỉnh, vì tất cả đời sống Kitô hữu phải qui về đó. Ấy thế mà một số giáo dân coi việc tham dự Thánh Lễ như chuyện miễn cưỡng phải giữ. Nhiều giáo dân cảm thấy thánh lễ không có liên quan gì đến cuộc sống của họ ngoài đời, không có ảnh hưởng gì trên đời thường của họ. Rốt cuộc thánh lễ bị họ bỏ rơi, nhà thờ ngày Chúa Nhật cũng vắng người. Đó đã là chuyện của các nước Tây phương, nhưng cũng sẽ là chuyện của chúng ta.

Thật ra người tín hữu bước vào thánh lễ mang theo thế giới mình sống như hành trang, như lễ vật, rồi bước ra thánh lễ để vào lại thế giới, để biến thế giới thành thánh lễ nối dài. Nhiều khi vì nghĩ rằng thánh lễ là chuyện của linh mục, lễ vật dâng lên là hy tế của Đức Kitô, nên có người dự lễ với hai bàn tay trắng. Thực ra, thánh lễ đòi hỏi con người nhiều nỗ lực, cả trước lẫn sau thánh lễ; những nỗ lực đụng chạm đến cuộc sống thâm sâu của con người. Tham dự thánh lễ một cách nghiêm chỉnh không dễ như ta tưởng. Càng được chuẩn bị kỹ lưỡng, thánh lễ càng sinh nhiều hiệu quả. Linh mục Teilhard de Chardin đã dùng lễ vật của trái đất để dâng lễ: "Tôi linh mục của Ngài, trên bàn thờ là toàn thể trái đất, tôi sẽ dâng lên Ngài lao động và nỗi đau thương của thế giới. Tôi sẽ đặt trên dĩa thánh mùa gặt được đợi chờ từ những cố gắng mới. Tôi sẽ rót vào chén lễ chất nước cốt của tất cả những hoa trái sẽ được nghiền nát trong ngày hôm nay. Chén thánh và dĩa thánh của tôi là những phần thâm sâu nhất của một tâm hồn được mở rộng để đón nhận tất cả mọi năng lực, trong chốc lát, sẽ dâng lên từ muôn phương của địa cầu và sẽ qui tụ về thần linh." Việc dâng lễ sẽ trở nên xa lạ, nếu thực sự bánh và rượu không tượng trưng chút đóng góp của người đến dự lễ và của thế giới. Khi được biến đổi, vật chất sẽ thành thần linh.

Công đồng Vaticanô II đã nói nhiều đến việc dâng lễ của người Kitô hữu. Lễ vật là bản thân tôi, là cuộc đời tôi, là mọi hoạt động của tôi (LG 34; SC 12). Như thế việc dâng hy tế của Đức Kitô không loại bỏ việc con người dâng hy tế đời mình. Thánh lễ đưa con người trở lại với cuộc sống. Thánh lễ dạy con người biết bẻ bánh cho nhau trong đời thường. Một số tín hữu ở Côrintô đã để cho tình trạng "mỗi người lo cho bữa ăn riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say" (1C 11,21). Thái độ ích kỷ trên đây hoàn toàn ngược với tinh thần hiệp thông, chia sẻ của tiệc Thánh Thể. Chính việc rước lễ liên kết chúng ta nên một Thân Thể, vì "tất cả chúng ta cùng chia sẻ một tấm Bánh" (1C 10,17). Sống hiệp thông và chia sẻ với tha nhân là dấu hiệu cho thấy ta đã thực sự tham dự thánh lễ.

Thánh lễ còn giúp chúng ta đón nhận thập giá hàng ngày. Chúng ta không nên quên rằng rước lễ là đón lấy Mình Máu của Đấng đã bị nộp và bị giết, là thông hiệp vào cái chết của Đức Giêsu. Người rước lễ thường xuyên sẽ được sức mạnh để hy sinh chính mình mà sống cho người khác. Khi lãnh nhận Bánh Thánh, tôi được Chúa biến đổi tôi thành tấm Bánh bẻ ra cho anh chị em tôi. Tôi chấp nhận bị vỡ tan, bị nghiền nát, trở thành thức ăn cho con người. Đó là hy tế của tôi xin được kết hợp với hy tế của Chúa. "Các con hãy cho họ ăn đi." Tôi hiểu rằng thức ăn mà con người hôm nay cần là chính cuộc đời tôi, hiến trao với nhiều tình yêu.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Có người nhận xét rằng người công giáo Việt Nam giữ đạo trong nhà thờ; ra tới cửa nhà thờ họ lại mang một bộ mặt hoàn toàn khác. Nhận xét này có đúng không? Nếu đúng thì làm sao phá bỏ hố sâu giữa thánh lễ và đời thường?

2. Theo bạn, một thánh lễ lý tưởng phải hội đủ những điều kiện nào? Bạn có thể góp phần ra sao cho thánh lễ đó?

Lm Augustine, SJ
VietCatholic Network

THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ

  1. Bối cảnh Kinh Thánh

Lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô là lễ nổi bật nhất trong số tất cả các lễ mừng kính các thánh tông đồ. Đây là lễ mừng dành chung cho hai ngài, tuy nhiên trong hành trình rao giảng Tin Mừng, vẫn có một bất đồng mục vụ giữa hai vị: “Nhưng khi ông Kêpha đến Antiôkia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Giacôbê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì” (Gal 2:11-14).

Cùng với người anh trai là Anrê, Simon – còn gọi là Phêrô – thuộc nhóm môn đệ gần gũi với Chúa Giêsu. Ông đã từ bỏ công việc của mình – đánh cá trên Hồ Galilê – để đi chài lưới người. Ông đã nhận được một lời hứa đặc biệt từ Chúa Giêsu: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16:18-19).

Phaolô từng là kẻ thù gay gắt và bắt bớ các Kitô hữu, nhưng sau khi gặp Chúa Kitô gần Đamát, ông bắt đầu công bố sứ điệp của Chúa Kitô. Ông trở thành tông đồ của dân ngoại trên khắp các vùng đất của Đế chế La Mã.

  1. Lịch sử

Ngay từ đầu, Phêrô và Phaolô đã được tôn kính cùng nhau. Sách Công vụ Tông đồ đã trình bày hoạt động của hai ngài một cách song song:

  • Phêrô chiếm phần đầu của Công vụ – sứ mệnh ở Giêrusalem và giữa những người Do Thái: “Bấy giờ, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: Thưa anh em miền Giuđê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giêrusalem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây” (Công vụ 2: 8).
  • Phaolô trở thành người đại diện chính trong sứ mệnh truyền giáo cho dân ngoại: “Ông Phaolô và ông Banaba mạnh dạn lên tiếng: Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, đểngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất. Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy” (Cv 13: 46).

Theo truyền thống, cả hai đều chết ở Rôma trong cuộc đàn áp của Hoàng đế Nêrô (năm 54-68 sau Công nguyên): thánh Phêrô bị đóng đinh và thánh Phaolô bị chém đầu. Lễ tưởng niệm của hai ngài được tổ chức vào ngày 29 tháng 6. Ban đầu, vào ngày này đã diễn ra ba lễ phụng vụ:

  • để tôn vinh Thánh Phêrô tại Nhà thờ Thánh Phêrô ở Vatican
  • để vinh danh Thánh Phaolô tại Nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành (trên đường đến Ostia)
  • lễ chung tại Via Appia – nơi di hài của hai ngài được chuyển đến tạm thời trong thời kỳ đàn áp của hoàng đế Valêrianô vào thế kỷ thứ 3.

Vào khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6, lễ Thánh Phêrô và Phaolô lan rộng ra ngoài Rôma, đầu tiên là ở phương Tây và sau đó là ở phương Đông.

  1. Lễ mừng Phụng vụ

Trong phụng vụ của Hội Thánh, lễ Thánh Phêrô và Phaolô có kinh tiền tụng riêng nói về những lần hai thánh tông đồ được sai đi:

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Hôm nay, Chúa cho chúng con được vui mừng trong ngày lễ trọng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Chúa đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Israel, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân. Như vậy, các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Chúa Kitô, nên các ngài đáng được thế giới ngưỡng mộ và được lãnh nhận cùng một triều thiên vinh quang.”

  1. Suy niệm

Như Thánh Augustinô đã nói: “Có một ngày cho cuộc khổ nạn của hai tông đồ. Nhưng cả hai vị này cũng là một; mặc dù họ chịu đau khổ vào những ngày khác nhau, họ vẫn là một. Phêrô đi trước, Phaolô theo sau. Chúng ta đang cử hành một ngày lễ, được máu của các tông đồ thánh hiến cho chúng ta. Chúng ta hãy yêu mến đức tin của các ngài, cuộc sống của các ngài, công việc của các ngài, sự đau khổ của các ngài, lời tuyên xưng đức tin của các ngài, lời rao giảng của các ngài” (Bài giảng 295, 1-2, 4, 7-8; PL 38, 1348-1352).

Thánh Phêrô và Phaolô là hai người trong một người, nhưng có lẽ đúng hơn khi nói rằng hai vị là hai con người mang trong mình cùng một mục đích duy nhất, với sức mạnh kết hợp tâm trí, thể xác và tiếng nói. Mặc dù mọi người có xu hướng nghĩ và nói một cách thông thường rằng hai người tốt hơn một người, nhưng Thiên Chúa có một cung cách riêng để kết hợp bạn hữu của mình với Ngài và với nhau.

Mặc dù Thánh Phêrô và Phaolô không tử đạo cùng một ngày, nhưng hai ngài đã sống và chết như hai con người khổng lồ song sinh cho một Giáo hội duy nhất và cùng chia sẻ một ngày lễ, phù hợp với tình bạn và sự dẫn dắt của các ngài. Thật tuyệt vời khi hai vị thánh đầy sức mạnh này cùng chia sẻ một ngày lễ, mãi mãi sánh vai bên nhau như anh em trong lòng nhiệt thành của các ngài đối với Thiên Chúa Cha.

Sự bất ngờ và đảo ngược thường theo sau những người bước theo Chúa Giêsu. Có một chút gì đó như ngọn lửa của một chàng trai trẻ trong bộ xương già nua của Phêrô, và một chút gì đó khôn ngoan của người già trong sức sống trẻ trung của Phaolô. Cùng nhau, hai ngài là hiện thân và sự cân bằng giữa sự mạnh mẽ của một nhà trí thức đích thực và sự chân chất một người lao động nặng nhọc đầy ương ngạnh, điều này đôi khi đẩy họ đến chỗ hành động hơi quá đà, sai lầm và tình yêu.

Khi Phêrô gặp Chúa Giêsu trên bờ biển, Chúa Giêsu yêu cầu ông theo Ngài, chỉ đi theo Ngài mà thôi. Khi Phêrô nhìn thấy Chúa Kitô đi trên mặt nước, ông đã nhảy qua mạn thuyền để đi cùng Ngài, nhưng rồi lại chìm như một tảng đá. Phêrô từ chối để Chúa Giêsu rửa chân cho mình nhưng sau đó lại yêu cầu Ngài rửa cả tay và đầu cho mình. Phêrô đã dùng thanh kiếm của mình trong vườn như một anh hùng, nhưng như một kẻ ngốc, ông đã chém một người hầu thay vì một người lính. Trong bữa tối, Phêrô đã thề sẽ trung thành đến giọt máu cuối cùng; sau bữa tối, ông đã thề ba lần rằng ông không biết người bạn của mình. Sau đó, khi được hỏi ba lần rằng ông có yêu Chúa của mình không, ông đã đau khổ run rẩy mỗi lần phải trả lời – nhưng nhờ đó, ông đã được chuyển từ việc chăn dắt chiên con sang chăn dắt chiên mẹ, đảm nhận một sứ vụ lớn lao là chăn dắt trọn vẹn đoàn chiên, được chính Đấng Chăn Chiên Nhân Lành giao phó.

Phaolô theo đuổi một con đường gây sửng sốt tương tự. Khi còn mang tên gọi là Saulô, ông sẵn sàng hạ gục những Kitô hữu, nhưng khi đã bị Chúa Kitô đánh bại và trỗi dậy mang tên gọi Phaolô, ông sẵn sàng dồn hết sức mạnh của lòng căm thù và sự ngược đãi trước đó vào tình yêu và lòng tận tụy. Khi xưa ông đã hành xử như một rabbi – giáo sĩ Do Thái chân chính – để rồi bây giờ trở thành một tư tế đích thực, giải quyết các cuộc cãi vã và thiết lập một nền thần học vững chắc như đá góc tường. Phaolô đã thành lập nhiều giáo hội hiệp nhất trong một Giáo hội duy nhất, và có vẻ trớ trêu khi một người may lều như ông lại phải sống ngoài lều để truyền bá Tin Mừng. Phaolô đã mất đầu khi chết, và đôi khi ông cũng mất bình tĩnh khi còn sống, xua đuổi ma quỷ bằng sức mạnh đầy giận dữ, thậm chí khiển trách vị giáo hoàng của mình trong vụ việc nổi tiếng ở Antiôkia, cho thấy mối tương quan như ruột thịt của những người đồng chí cùng chiến hào. Phaolô đã mạnh dạn gắn chặt trái tim và đầu óc của người Do Thái và người ngoại bang vào Chúa Kitô – với cái giá là chịu mất cái đầu của chính mình, nhưng không bao giờ là chịu mất trái tim bền bỉ của mình.

Phêrô được gọi là Người Đánh Cá người, nhưng ông lại bị treo ngược trên cây thập giá điên rồ của mình như một con cá. Phaolô là một thủ lĩnh trong số các tông đồ, nhưng ông chưa bao giờ biết Chúa Kitô bằng xương bằng thịt, và để bảo toàn mạng sống, ông bị treo lơ lửng “trong một cái thúng rồi thòng qua cửa sổ dọc theo tường thành” như một mớ quần áo đem đi giặt (2 Cr 11: 33).

Trong mọi cuộc phiêu lưu của mình, Phêrô và Phaolô đã sống một cách say mê dù bấp bênh giữa trời và đất, phụ thuộc vào Đấng mà họ biết là Con Thiên Chúa hằng sống, họ biết điều đó bằng một trực giác kỳ lạ – đó là đức tin. Những vĩ nhân thường được miêu tả có một con phượng hoàng giang cánh đậu trên vai và những nhà chinh phục vĩ đại thường cưỡi một con chiến mã oai hùng. Vị Giáo Hoàng đầu tiên lại được miêu tả với một chú gà trống gáy vang bên tai trong bình minh, trong khi vị tông đồ các dân ngoại lại được miêu tả đang ngã ngựa trên đường đến Đamát.

Phêrô và Phaolô đã học được rằng Đấng Mêsia đến không phải để mang lại hòa bình, mà là gươm giáo, và rằng trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô không phải để tạo ra uy thế lớn lao trên thế gian – nhưng để đạt được giá trị vĩnh cửu trên thiên đàng. Bước theo Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chưa bao giờ là một nhiệm vụ đơn giản, thậm chí còn phi lý, thì đối với bạn bè của Ngài lại càng là như vậy. Đối với bất cứ con người thực tế nào, việc bám chặt vào một người đã hứa sẽ ban thịt và máu của mình làm thức ăn và thức uống để thế gian được sống thì không đem lại lợi ích thực tế nào. Tuy nhiên, Phêrô và Phaolô đã bám chặt vào Đấng ấy, để cứu độ nhân loại.

Đây là loại đề nghị bất hợp lý mà Chúa Kitô thách thức các môn đệ của Ngài phải tin, và Phêrô và Phaolô có vẻ như ngốc nghếch trước con mắt loài người, nhưng lại tỏa sáng vì đã đáp ứng các thách thức của thầy mình một cách thỏa đáng để cùng nhau trở thành những tông đồ hàng đầu. Cùng với nhau, hai ngài hiểu rằng đôi khi Chúa Kitô yêu cầu chúng ta hành động ngược lại những gì dường như hợp với lý trí con người chỉ để tin tưởng vào một lý trí cao vời hơn. Đối với nhiều người, đây là một mệnh lệnh đáng sợ, nhưng Phêrô đã sẵn sàng đi trên mặt nước nguy hiểm, miễn là được đi cùng Chúa của mình, và Phaolô đã sẵn sàng đi khắp cùng thế giới mà ngài biết, để rao truyền Tin Mừng bình an của Chúa Kitô, dù phải chịu đựng bao gian lao khó nhọc, miễn là được nghỉ ngơi cùng Chúa của mình.

Phêrô và Phaolô là những trụ cột nâng đỡ cánh cửa của Giáo hội, và một trụ cột luôn phải có một người bạn đồng hành. Hai ngài đã cùng nhau tin tưởng vững bền vào Chúa Kitô, những tín hữu ngày nay cũng cần cùng nhau cử hành ngày lễ của hai ngài trong một lễ chung. Hai Thánh Tông Đồ đã chia sẻ cuộc sống của mình để loan truyền Đức tin, và vì vậy, cho đến ngày nay, hai ngài cũng chia sẻ Đức Tin đó trong vinh quang của các Ngài, đó là canh giữ cánh cổng mở vào cuộc sống vĩnh cửu.

Phêrô Phạm Văn Trung biên tập

Nguồn https://www.catholic.com

Thái độ sống

Chúa Giêsu và các môn đệ đang đứng trước một cử toạ đông đảo, đói lời Chúa cũng như đói cơm bánh. Lúc ấy, trời đã về chiều mà địa điểm tụ họp lại là một nơi hoang vắng. Thánh Luca đã ghi lại Chúa Giêsu và các môn đệ có hai cách đối xử hoàn toàn khác biệt nhau trong cảnh huống đặc biệt ấy.

Các môn đệ thì đề nghị Chúa Giêsu giải tán đám đông để mỗi người tự lo liệu lấy cái ăn và nghỉ ngơi cho mình. Thật là đơn giản. Các môn đệ và cả Thầy của họ khỏi bận tâm vất vả, mặc dù giải pháp các ông đề nghị có thể đưa đến một tình trạng xáo trộn có thể là khung khiếp. Chúng ta thử mường tượng cả một đám đông, mà nguyên số đàn ông đã lên tới 5000, kéo vào một vài làng gần đó, chắc hẳn là không có những siêu thị hiện đại dư đầy hàng hoá, để sục sạo mua bán cái ăn thức uống. Cảnh giành giật, cấu xé nhau không thể không xảy ra. Và cảnh tượng ấy hiển nhiên là trái nghịch với cảnh Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu vừa mới rao giảng cho họ. Các môn đệ như muốn giới hạn sứ vụ của các ông và cả của Chúa Giêsu vào những việc ngày nay quen gọi là việc đạo. Thực ra cứ lý tự nhiên mà xét, vào lúc này không thể làm gì hơn là giải tán để mỗi người tự lo liệu lấy. Giải pháp riêng xem ra vẫn dễ hơn và khoẻ hơn. Chẳng phải chúng ta nghĩ oan cho các môn đệ. Bởi vì ngay Chúa Giêsu cũng đã ra lệnh cho các ông: Các con hãy cho họ ăn đi. Các ông đã trả lời: Chúng ta chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá, trừ khi chúng con phải đi mua thức ăn cho tất cả đám đông này.

Nhưng Chúa Giêsu thì lại có một thái độ khác hẳn. Ngài không thể bỏ mặc đám đông đã đi theo Ngài. Sứ mạng của Ngài, như Ngài đã từng khẳng định: Không phải là mưu tìm cơm áo cho những kẻ thiếu thốn bởi vì chính Ngài đã bỏ trốn khi đám đông tìm Ngài để tôn Ngài lên làm vua sau khi được Ngài làm phép lạ cho họ ăn no nê. Nhưng Ngài không giới hạn sứ mạng của Ngài vào những việc thiêng liêng, để rồi làm ngơ trước cái đói, cái khó khăn, cái cùng quẫn của con người. Và ở đây Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ của Ngài bài học, đó là phải biết quan tâm về cuộc sống của những người chung quanh. Mọi sự đều được bắt đầu từ sự quan tâm này. Đồng thời không có sự quan tâm này thì mọi sự đều trở nên khó khăn. Trái lại, khi đã có sự quan tâm nhập cuộc, thì tình hình khó khăn sẽ được giải quyết như bởi một phép lạ. Dĩ nhiên, sự quan tâm đến người khác đòi hỏi chúng ta phải đầu tư sức lực, trí tuệ và khả năng để đáp ứng những nhu cầu của họ. Và như thế sự quan tâm cũng có nghĩa là tự hiến mình cho kẻ khác.

Và Chúa Giêsu đã thể hiện tới cùng sự quan tâm này nơi chính bản thân của Ngài, bởi vì Ngài đã ban chính thịt máu Ngài, nghĩa là trọn vẹn cuộc sống của Ngài cho kẻ khác: Các con hay cầm lấy mà ăn vì này là mình Ta. Các con hãy cầm lấy mà uống vì này là máu Ta. Cử hành Thánh Thể chính là lặp lại cử chỉ tự hiến của Chúa Giêsu: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Thánh Thể không phải chỉ là một nghi lễ, nhưng hơn thế nữa còn là một thái độ sống, một sự quan tâm, một sự dấn thân vì hạnh phúc của người khác.

 

Nguồn: Sưu Tầm

Subcategories