3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Nếu chỉ còn

Tôi chọn bài hát “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của Nhạc sĩ Hoài An với những ca từ gợi ý để suy niệm trong thánh lễ tại nghĩa trang tối nay.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, người đưa tôi về đến quê nhà.

Để tôi thăm làng xưa nguồn cội, cho tôi mơ, mơ tiếng Mẹ Cha.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, người cho tôi một khúc kinh cầu.

Người tôi thương êm ấm môi cười, cho con tôi bước đời yên vui.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời.

Làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta chuộc hết lỗi lầm.

Làm sao ta thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành.

Buồn vì ai ta làm ai buồn, xin bao dung tha thứ vì nhau.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp.

Phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an.

Cho tôi như bóng mây, lang thang qua cõi này.

Cho tôi được ngắm sao trên trời, giữa hương đồng cỏ nội.

Cho tôi như khúc ca, bay đi xa rất xa.

Cho tôi được cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người.

Cho tôi được sống trong tim người, bằng những lời ca.

Tối nay, chúng ta dâng lễ hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em đang an nghỉ nơi Đất Thánh này. Không gian tĩnh mịch, trầm lắng và thánh thiện. Cảnh vắng lặng của một thế giới an bình. Khói hương quyện bay trên các phần mộ. Nhớ về các những người thân yêu đã khuất bóng.Những kỷ niệm lung linh nhập nhoà soi vào trí nhớ bao thân thương hình bóng những người đã an giấc ngàn thu.

Ngày 1/11, có lễ kính Các Thánh là những Đấng thuộc Giáo Hội vinh hiển trên thiên đàng. Ngày 2/11 là lễ nhớ Các Đẳng là những vị thuộc Giáo Hội thanh luyện. Chúng ta đang sống thuộc Giáo Hội lữ hành chiến đấu. Bây giờ, tôi và anh chị em đứng ở giữa, chưa đi lên mà cũng chưa xuống dưới. Cứ coi như tôi là gạch nối giữa hai nơi trong nguyện cầu, tưởng niệm. Rồi đây tôi sẽ thuộc về một trong hai cộng đoàn này.

Tháng 11, ngước lên cao, tôi khẩn xin Các Thánh cầu thay nguyện giúp; nhìn xuống dưới, tôi liên kết với Các Đẳng bằng kinh nguyện thánh lễ và việc lành phúc đức. Như vậy, tháng cầu hồn là tháng cử hành thực tại thánh, một liên hệ thánh của Giáo Hội hiệp thông.

Bài ca “Nếu chỉ còn” thay lời cho người đã ra đi nói lời tri ân với người đang sống: Cho tôi được cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người. Cho tôi được sống trong tim người, bằng những lời ca.

Những người đã ra đi yên nghỉ trong lòng đất, họ cần điều gì nhất? Họ cần đến lòng thương xót Chúa. Họ cần chúng ta nhớ đến họ bằng tình yêu thương của trái tim. Họ muốn chúng ta đừng quên họ nhưng hãy nhớ đến họ bằng kinh nguyện và thánh lễ. Ông bà cha mẹ, những thân bằng quyến thuộc cần chúng ta cầu nguyện tưởng nhớ đến họ. Người đã khuất sống mãi trong trái tim tình yêu, trong lòng nhớ ơn thiết nghĩa của chúng ta. Giọt nước mắt khi người ta khóc, chính là những viên kim cương lấy từ trái tim để tặng cho người mình nhớ thương đã an nghỉ.

Tôi nhớ lời một ca khúc “Không Tên” của Nhạc sĩ Vũ Thành An: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?”. Sống mà không được nhớ tới là sống trong lạnh lẽo của mộ sâu. Đau khổ nhất của người đang sống chính là cô đơn, là không được ai nhớ đến.Thiệt thòi lớn nhất của người đã chết là bị quên lãng. Người đã chết chẳng cần ăn mặc, không nói năng, không nổi niềm, không đi đứng. Họ đã bước vào cõi thinh lặng ngàn thu. Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện. Họ muốn chúng ta cho họ những bông hoa tưởng nhớ, những nụ hoa cầu nguyện, những mật hoa bác ái, những hương hoa hy sinh.

Người Công Giáo được khuyến khích thực hiện những điều thiết thực, như xin Lễ, dự Lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức… để chuyển cầu cho những người đã ra đi mà còn đang vướng mắc một vài trở ngại nào đó khiến họ chưa hoàn toàn chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. “Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2 Mcb 12, 46; GH, 50). Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn” (GLCG, số 958). Những việc lành phúc đức cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa bởi vì thân nhân của chúng ta đã và sẽ còn được tưởng nhớ đến mãi.

Bao nhiêu tư tưởng cao siêu, bao nhiêu câu chuyện yêu đương đẹp như thần thoại cũng đều gói gọn trong cỗ quan tài. Bao nhiêu khối óc vượt nhân thế, bao nhiêu tính toán siêu vời cũng vỏn vẹn trong chiếc quan tài. Mênh mông như cuộc đời sau cùng cũng im lặng trong lòng đất. “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, ai cũng về với cát bụi thôi.Nghĩa trang là nơi an bình yên tĩnh cho mọi người.

Tháng 11, Giáo Hội mở kho tàng ân phúc của Thiên Chúa, tạo dịp để các tín hữu mở rộng tấm lòng hướng về người đã khuất. Các nguồn ân đại xá hay tiểu xá dành cho các linh hồn nơi luyện hình chính là những quà tặng của ân tình. Trao cho người đã khuất, dù chỉ là một món quà mọn cũng là vô giá, vì các linh hồn trong luyện hình giờ đây không thể làm được gì cho bản thân. Mầu nhiệm Giáo Hội thông công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu.

Được sống và được yêu là điều hạnh phúc nhất. Sự sống là hồng ân Chúa ban. Và nếu chỉ còn một ngày để sống, tôi sẽ làm gì?

Lời ca ước mong: Xin đưa tôi về đến quê nhà để tôi thăm làng xưa nguồn cội, để tôi nghe tiếng nói của Mẹ Cha, của người thân yêu. Xin cho tôi một khúc kinh cầu, xin chuộc hết lỗi lầm để thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp. Đẹp vì hồng ân sự sống, đẹp vì tình người chan hòa, đẹp vì hiệp thông trong mầu nhiệm thánh lễ nối kết người đang sống và người đã an giấc ngàn thu.

Tối nay, bên những người thân yêu đang an nghỉ nơi đây, xin nói thay cho họ những lời này: Cho tôi được cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người. Cho tôi được sống trong tim người, bằng những lời ca.

Giáo hội dành tháng 11 cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, nên tháng 11 là tháng của niềm hy vọng Phục sinh. Đây là thời gian mà mỗi khi thắp nén nhang trên phần mộ người chết, nhìn theo làn khói nhẹ toả bay ta cũng nâng tâm hồn lên tới Chúa là nguồn sự sống của mình.Và mỗi khi đặt bó hoa tươi trên phần mộ người thân yêu, ta thấy được mùa xuân vĩnh cửu đang bừng lên từ khắp những nấm mồ chung quanh.Quả thật: sự sống thay đổi chứ không mất đi. Chết là cửa để bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Chuyến đi đời đời ấy lại tùy thuộc vào những tích chứa, những công phúc đã lập trong cuộc sống tại thế này.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để cứu chuộc con người. Nhờ lời bầu cử của Các Thánh trên trời, và lời cầu nguyện của người lành dưới thế, xin Chúa thương xót những tín hữu đang còn thanh luyện bằng tình thương mà Chúa đã ban cho họ là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa, để họ được sớm về hưởng nhan thánh Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Lễ tại Nghĩa Trang 2/11

MỪNG LỄ CÁC THÁNH VÀ NHỮNG ƯỚC NGUYỆN

Nếu có ai hỏi: “Chúng ta phải làm gì để trở nên thánh thiện?”, thì câu trả lời thật rõ ràng là: Chúng ta phải làm theo những gì Đức Giêsu dạy trong Bài Giảng Trên Núi.

Trong một thế giới tục hóa như hiện nay, chính trị, truyền thông, các cơ chế kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo trở nên quá rối loạn, đến nỗi hóa thành: một trở ngại cho sự phát triển xã hội và nhân văn đích thực. Ngày nay, chúng ta không dễ dàng sống Các Mối Phúc, và mọi cố gắng sống như vậy sẽ bị nghi ngờ và bị chế giễu, nhưng, chúng ta đừng nản lòng, bởi vì, Thập Giá Đức Kitô vẫn là nguồn tăng triển và thánh hóa của chúng ta.

Ước gì qua Các Mối Phúc, chúng ta sẽ gặp thấy Thầy Chí Thánh, và khao khát đáp lại lời mời gọi phản chiếu chân dung của Thầy trong đời sống hằng ngày của chúng ta, cho dẫu, những lời của Đức Giêsu rõ ràng đi ngược với cách người ta sống trong thế giới hôm nay. Thật vậy, ngay cả, dù chúng ta nhận thấy sứ điệp của Đức Giêsu đầy lôi cuốn, thì thế giới vẫn không ngừng đẩy chúng ta về một lối sống khác.

Ước gì chúng ta ý thức rằng: Các Mối Phúc không bao giờ lỗi thời, hay có tính nhượng bộ và thỏa hiệp, ngược lại, chúng vẫn quyết liệt và thách đố sự dấn thân của chúng ta. Tiến trình nên thánh chỉ có thể được thực hiện bằng Các Mối Phúc, và tiến trình này chỉ có thể được thành toàn viên mãn nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Người sẽ đổ đầy trong chúng ta sức mạnh của Người, và giải phóng chúng ta khỏi sự yếu hèn, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo.

Ước gì chúng ta không chấp nhận tình trạng xoàng xĩnh vật vờ, mong muốn một đời sống dễ dãi, vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Để sống đúng những giá trị của Tin Mừng, chúng ta không thể kỳ vọng rằng: mọi sự sẽ dễ dàng, vì sự ham hố quyền lực và những lợi ích thế gian thường cản lối chúng ta. Chính Đức Giêsu cảnh báo rằng: con đường mà Người đề nghị thì phải đi ngược dòng: vô số người đã và đang bị bách hại, chỉ vì họ muốn đấu tranh cho công lý, và vì họ nghiêm túc dấn thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

Ước gì chúng ta biết sống mối phúc kiến tạo hòa bình, để đón nhận ngay cả những người kỳ cục, những người gây phiền hay khó tính, những người khắt khe lập dị, những người chúng ta không ưa không thích. Xây dựng hòa bình thật là một việc khó, bởi vì, nó đòi chúng ta phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra một sự đồng thuận trên giấy tờ, hay một sự dàn hòa tạm bợ cho một thiểu số hài lòng. Đây cũng không thể là chuyện cố gắng phớt lờ, hay coi nhẹ sự xung đột; trái lại, chúng ta phải thẳng thắn đối diện xung đột, giải quyết nó, bằng sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo, để biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới.

Ước gì chúng ta biết lắng nghe lời Đức Giêsu dạy về Các Mối Phúc, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng. Ước gì chúng ta biết để cho những lời của Người làm xáo trộn chúng ta, thách đố chúng ta, và đòi hỏi chúng ta có một sự thay đổi thật sự trong lối sống của mình. Nếu chẳng vậy, thì những gì chúng ta thường hay khuyến khích nhau: “cố gắng nên thánh mỗi ngày”, sẽ vẫn… không gì khác hơn là… những lời nói sáo rỗng, những cụm từ rỗng không. Ước gì Chúa Thánh Thần soi sáng, và thêm sức mạnh để chúng ta dám sống theo sự thúc đẩy của Người, trên hành trình lội ngược dòng này. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

NIỀM TIN

(Gr 31, 7-9; Dt. 5, 1-6; Mc 10, 46-52). 

Tiên tri Giêrêmia loan báo tin vui ngày trở về quê hương xứ sở. Ai đi đâu xa, cũng mong có ngày trở về. Nhất là những người bị đi lưu đầy, tù tội hay xa xứ đều mong có ngày được trở về quê hương. Sự trở về mang lại niềm vui lớn. Cuộc sống là một cuộc nối kết những chặng đường trở về. Chúng ta cùng đang lữ hành trên trần gian đầy chông gai thử thách. Mọi cuộc lữ hành cần có cùng đích để hướng tới. Mỗi người được sinh ra đời đều có cội có nguồn, có cha có mẹ, có quê hương xứ sở và có cùng đích để trở về. Cuộc sống vô thường và thay đổi, đổi thay mỗi ngày. Cũng như thời gian đắp đổi, có hợp có tan, có vui có buồn, có đi có về, có xuất có nhập, có sáng có tối và có sinh có tử. Không có ra đi thì cũng không có trở về. Sinh ký tử qui. Cuộc sống con người kết nối bởi những biến cố nhỏ to. Đời sống thiên nhiên cũng thế, vòng xoay bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và hai mùa mưa nắng.

Dân Do-thái nhiều năm bị lưu đầy xa xứ sắp được trở về quê hương. Trong niềm vui mừng hân hoan, tiên tri Giêrêmia đã xướng lên: Vì Chúa phán thế này: Reo vui lên mừng Gia-cóp, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân!(Gr 31, 7). Niềm vui ngày trở về là ngày vui của sự xum họp trong tự do và hạnh phúc. Người Do-thái được giải thoát khỏi làm nô lệ tôi đòi cho ngoại bang. Niềm mơ ước được giải phóng trở về quê hương là một niềm mong ước vượt qúa sức của họ. Thiên Chúa đã yêu thương an bài để mọi người cùng được trở về sống chung, không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ tàn tật và người bất hạnh. 

Tác giả thơ gởi tín hữu Do-thái đã diễn tả sự yếu đuối của con người, dù là những người đã được tuyển chọn giữa đoàn dânChúng ta biết rằng sự xấu có mặt trong đời sống của con người mọi thời, xưa cũng như nay. Những bản năng thú tính kéo lôi con người trở về với cách sống hoang dã. Con người dễ rơi vào những dịp tội của sự ghen tương, thù ghét, oán hờn và gian tham. Sống buông thả theo bản năng thì rất dễ dàng như bèo trôi theo dòng nước. Đi vào con đường hẹp để tu tâm luyện tính đòi hỏi sự ý thức và luyện tập chuyên cần. Tu tâm là xa tránh dịp tội, cải thiện đời sống, giảm bớt tham sân si và tập tành các nhân đức. Muốn nên người tốt, chúng ta phải chuyên tâm tu luyện và thực hành điều thiện trong ý tưởng, lời nói và hành động.

Bài phúc âm, kể câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho anh mù thành Giêricô. Anh bị mù cả hai mắt và phải đi ăn xin. Có lẽ nhiều lần anh đã lảng vảng nơi đám đông tụ họp để ăn xin và nghe ngóng. Anh đã nghe và nhận diện ra Đấng có đầy lòng thương xót. Anh biết Đấng đó có uy quyền chữa trị bệnh cho anh. Anh bị mù chứ không phải quáng gà hay loạn thị. Các bác sĩ không thể chữa trị những chứng bệnh như mù, điếc, câm và què từ bẩm sinh. Anh đã chạy đến xin Chúa chữa. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” (Mc 10, 51). Chúa đã chữa lành cho anh ta.

Chúa chữa lành cho anh mù và tức khắc anh nhìn thấyNgày nay xuất hiện nhiều thầy lang chữa bệnh, nhưng chỉ chữa những bệnh cảm cúm, đau nhức và phong thấp thường ngày. Thời tiết đổi thay, nay khỏe mai yếu. Hằng ngày người bệnh dùng cả thuốc bắc, thuốc nam, thuốc tây và thuốc bổ đủ loại, hiệu quả sớm muộn tùy duyên. Thật khó bề mà lường được nguyên nhân và hậu qủa của các hiện tượng chữa lành xảy ra. Như lời thánh Phaolô phát biểu: Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em. Thời nay có rất nhiều người cả tin, dễ tin và mê tín dị đoan. Những cảm giác, ảo tưởng, tâm sinh lý, ước muốn và môi trường chung quanh cuốn hút chúng ta vào những mê hoặc và giả tưởng. Chúng ta cần thức tỉnh tâm linh và trải nghiệm những diễn tiến thật sự trong thân xác mình. Chúa Giêsu nói với anh mù: Lòng tin của anh đã cứu anh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cần một niềm tin tuyệt đối vào danh Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Lạy Chúa, đức tin của chúng con rất hời hợt và nông cạn, xin thêm lòng tin cho chúng con. Đã nhiều lần chúng con mê hoặc chạy theo những lời mời gọi mơ hồ, giả trá, ảo tưởng và mê tín. Chúng con đã đặt niềm tin vào con người và phương tiện khoa học kỹ thuật trần gian hơn là đặt niềm tin nơi Chúa Kitô. Giờ đây, chúng con xin phó thác trọn vẹn cuộc đời trong tay Chúa, xin Chúa nâng đỡ phù trì.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Mù Thành Sáng , Sáng Hóa Mù

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 10, 46-52) trình thuật phép lạ Đức Giê-su chữa lành một người mù ở Giê-ri-khô. Anh tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Có một điều rất đáng lưu ý là khi anh kêu to lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” thì liền bị đám người Pha-ri-sêu quát nạt, bảo anh ta im đi. Đám người Pha-ri-sêu này là ai mà hống hách vậy?

Họ chính là nhóm người cùng với nhóm Xa-đốc bị thánh Gio-an Tẩy giả gọi là “rắn độc” (Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” – Mt 3, 7). Họ sợ Đức Giê-su có thêm cơ hội làm phép lạ khiến Người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên dân chúng nhiều hơn. Họ muốn độc quyền chiếm lĩnh cảm tình của cộng đồng. Hành động đó nào có khác chi nòi rắn độc!

Đáng lẽ đám người Pha-ri-sêu này (cùng với nhóm Xa-đốc) phải hiểu được rằng họ “… là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5, 1-3). Nhưng họ đã không làm thế – không muốn Đức Giê-su có ảnh hưởng trong xã hội vì lời giảng dạy và những phép lạ của Người – mà còn muốn truyền nọc độc từ nơi họ sang người khác. Gọi họ là rắn độc là quá đúng. Trước những con rắn độc ấy, đáng lẽ anh mù phải sợ, vì họ có quyền thế về tôn giáo. Họ có thể – nói theo kiểu hiện đại – “dứt phép thông công” anh ngay lập tức, khiến anh bị cô lập giữa những người đồng đạo và đời anh đã khốn khổ sẽ càng thêm khốn khổ. Nhưng anh đã không sợ hãi và càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Sự can đảm ấy của anh đã được Đức Giê-su chúc lành: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Và thế là “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.”

Chợt nhớ tới một lần khác, Đức Giê-su chữa lành cho một người mù bẩm sinh (Ga 9, 1-41). Cũng lại là đám người Pha-ri-sêu tra vấn, vặn hỏi bệnh nhân (kể cả cha mẹ anh ta nữa) đủ điều, và cuối cùng trục xuất anh ra khỏi hội đường (“dứt phép thông công” đấy!). Nghe tin ấy, Đức Giê-su gặp lại anh mù, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh hỏi lại:

“Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói:

“Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (Ga 9, 35-38). Căn cứ trên sự kiện hiển nhiên đó, Đức Ki-tô khẳng định: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9, 39). Lời nói này “chạm nọc” đám người Pha-ri-sêu, khiến họ “có tật thì giật mình”, liền ngớ người ra và hỏi lại: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” khiến “Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9, 40-41).

Rõ ràng Đức Ki-tô muốn cho đám người Pha-ri-sêu biết rằng nếu phạm tội vì không biết đó là tội – phạm tội do vô tình (vì bị mù, không xem thấy) – thì không cấu thành tội; còn nếu đã biết đó là tội – đã dám tư xưng là “Chúng tôi thấy” – mà còn cố ý phạm, thì mới thực sự là có tội. Như thế thì cũng chẳng khác nào nói: Anh mù vì tin mà được sáng mắt, nhưng nhóm người Pha-ri-sêu mắt vẫn sáng, nhưng không tin, nên cũng chẳng khác kẻ đui mù. “Thấy mà không thấy – không thấy mà thấy”, đó là một nghịch lý trong cuộc sống, nhưng lại là “chuyện thường ngày ở huỵện”. Trường hợp thánh Phao-lô với biến cố Đa-mát là một minh hoạ sống động: Khi còn sáng mắt (thể lý) nhưng vì nhiễm phải giáo lý sai lầm của Pha-ri-sêu nên Sao-lô cũng chẳng khác chi người mù (mù nội tâm). Đến khi bị ánh sáng chói loà làm mù mắt (mù thể lý) ở Đa-mát thì lại là lúc được sáng mắt sáng lòng (tâm linh). Cuối cùng, cả mù thể lý lẫn mù nội tâm đều được chữa lành và trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất Phao-lô.

Thật là thú vị! Những người “sáng mắt” thuộc Kinh Thánh làu làu, từng đứng trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy, lúc nào cũng huênh hoang “chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê”, thì lại không biết gì về Con Người đã được ông Mô-sê (nhờ được Thiên Chúa mạc khải) tiên báo (“Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.” – Ga 9, 28-29). Trong khi đó, một anh mù từ lúc mới sinh (chắc chắn không được học hành và giả thử có được học thì cũng chẳng tới đâu) lại biết về Thiên Chúa còn hơn cả đám người sáng mắt (“Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” – Ga 9, 30-33). Chẳng cần lý luận đanh thép, lý thuyết sâu xa, mà chỉ căn cứ vào thực tế (anh được chữa khỏi bệnh mù), mà anh mù đã khiến đám Pha-ri-sêu lâm vào thế bí, phát khùng (“Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” – Ga 9, 34), và đành giở chiêu quyền lực trục xuất anh khỏi hội đường! Thế đấy! Như vậy thì ai sáng, ai mù thực sự đây?

Chung quy thì cũng chỉ vì vấn đề cốt tuỷ: đức tin. Anh mù được chữa lành bởi anh tin vào Con Người; mà cũng không phải chỉ riêng anh, tất cả những người bệnh hoạn, tật nguyền đến với Đức Ki-tô đều được chữa lành vì “Đức tin của anh em đã chữa lành anh em”. Còn đám người Pha-ri-sêu thì mù vẫn hoàn mù, bởi họ không tin vào Con Nguời, mà chỉ tin vào những giáo lý sai lầm như thánh Phao-lô trước biến cố Đa-mát vậy. Nói đi nói lại không gì bằng mượn chính ngay lời người mắc bệnh  mù nội tâm“  và được chữa lành, để minh hoạ: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng.

Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi. Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi vậy, có lời chép rằng: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!”  (Ep 5, 8-14).

Ôi! Lạy Chúa! Cảnh người mù kêu cầu Chúa chữa lành, bị bọn người Pha-ri-sêu quát nạt, tra vấn vặn hỏi đủ điều, vẫn hằng xảy ra trong thế giới hôm nay. Là những người theo Chúa, nhưng chúng con vẫn còn mê ngủ, vẫn luôn “cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối , mà chẳng thấy được ánh sáng của Lời Chúa. Chúng con chẳng muốn quan tâm tới những người nghèo khổ, bệnh tật, những kẻ bị áp bức bất công, mà chỉ thích bắt chước những người Pha-ri-sêu chú trọng đến những hình thức hào nhoáng bên ngoài (những cái áo loè loẹt, những bộ vó sặc sỡ…), và nhất là bo bo thủ cựu với những quan niệm hủ hoá lỗi thời… Phải chăng chúng con thiếu đức tin và nghèo tình thương? Và cũng chính vì thế mà chúng con mắt vẫn sáng, tai vẫn thính, miệng vẫn nói năng lưu loát, nhưng lại thực sự là những kẻ đui mù câm điếc tâm linh.

Ôi! Lạy Chúa, Chúa muốn cho mọi người nhận biết Chúa chính là lẽ sống của mình, và Chúa không hề bỏ rơi con cái Chúa. Xin ban cho các anh chị em yếu đau bệnh tật và đang gặp hoạn nạn có thêm nghị lực để phấn đấu. Giữa cơn đau khổ, xin cho họ nghiệm thấy rằng có Chúa luôn luôn ở kề bên nhờ những anh chị em hết tình nâng đỡ và nhờ niềm trông cậy họ đặt nơi Đức Ki-tô. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho bệnh nhân).

JM. Lam Thy ĐVD

HỒNG ÂN TUYỆT VỜI

Người mù hành khất thành Giê-ri-khô có lòng khao khát thoát mù cách mãnh liệt. Vì thế, khi nghe biết có Chúa Giê-su đi ngang qua, anh liền van xin lớn tiếng: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi.” Dù người qua kẻ lại quát mắng anh im đi nhưng không gì có thể dập tắt được ngọn lửa khao khát bừng lên mãnh liệt trong lòng, nên anh càng van xin to hơn: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi!”

Thế rồi, khi được biết Chúa Giê-su cho vời mình đến, anh vui mừng đến độ vứt cả áo choàng, vứt cả bị, gậy để đến với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mau mắn thưa ngay: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.”

Cầu được ước thấy, ánh sáng đã bừng lên cho anh. Anh được thấy Chúa Giê-su, thấy mọi người chung quanh, thấy thế giới rực rỡ muôn màu. Hạnh phúc dâng ngập tâm hồn, anh vui mừng khôn xiết. Thiết tưởng trên đời không có hạnh phúc nào lớn hơn.

Hạnh phúc được khai mở con mắt tâm hồn

Sau một thời gian dài sống trong tăm tối, u buồn, lầm than, khốn khổ… thì người mù thành Giê-ri-khô mới có diễm phúc được Chúa Giê-su mở mắt cho thấy những sự vật trên đời.

Còn chúng ta, chúng ta được may mắn triệu lần hơn, vì ngay từ lúc ấu thơ, sau khi chào đời chẳng bao lâu, chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt thân yêu của cha mẹ anh chị em họ hàng, thấy được bầu trời huy hoàng rực rỡ, thấy được muôn kỳ quan rất tuyệt vời trong vũ trụ…

Bên cạnh hồng phúc nầy, chúng ta còn được hạnh phúc lớn hơn, đó là được Chúa khai mở con mắt tâm hồn để nhận biết có một người Cha đầy quyền năng và rất nhân từ hằng yêu thương ta là Thiên Chúa Cha; nhận biết Chúa Giê-su là Đấng yêu thương ta đến nỗi gánh lấy tội lỗi và nộp mình chịu chết thay cho ta, nhờ đó, chúng ta được thoát khỏi án phạt đời đời và được lên thiên đàng vinh hiển; nhận biết Chúa Thánh Thần là Thầy dạy tuyệt vời ban tặng cho chúng ta những điều khôn ngoan Ngài mang từ trời xuống; nhận biết mình có quê thật là thiên đàng Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa…

Được Chúa Cha mở mắt cho thấy những sự thật tuyệt vời nầy là một hồng ân vô cùng lớn lao, không gì sánh được.

Chúa Giê-su cho rằng đây là hồng phúc rất cao quý mà ngay cả những vị ngôn sứ vĩ đại thời xưa như I-sai-a, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a… hay các vị vua danh tiếng như Đa-vít, Sa-lô-mon… cũng không nhận được. Ngài nói: “Phúc thay mắt nào được thấy những điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều vị ngôn sứ và vua chúa đã muốn thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe” (Lc 10, 24).

Hồng ân nầy lớn lao đến nỗi Chúa Giê-su tỏ ra hân hoan vui sướng và cất lời tạ ơn Chúa Cha đã ưu ái ban tặng cho chúng ta. Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều nầy, nhưng đã tỏ cho những người bé mọn” (Lc 10, 21).

Lạy Chúa Giê-su,

Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con đôi mắt phần xác để nhìn ngắm những điều kỳ diệu trên đời và nhất là Chúa đã rộng thương mở mắt tâm hồn để chúng con nhận biết những sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa, về cuộc sống đời sau.

Xin cho chúng con sống xứng đáng với hồng ân Chúa ban và cố gắng dẫn đưa nhiều người đến với Chúa để họ cũng được Chúa ban cho diễm phúc nầy. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Tin mừng Mác-cô 10, 46-52

46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây! ” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy! “50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? ” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! ” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

 

Subcategories