3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

CHÚA GIÊSU ĐÃ XUỐNG VỊ TRÍ RỐT HẾT

Các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, bàn luận với nhau để biết ai là người lớn nhất: “Các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9:34). Các ông, và hầu hết dân Do thái bấy giờ, nghĩ rằng Nước Trời là sự khôi phục vương triều Đavít hay vương triều Sôlômôn, là những thời kỳ hùng mạnh trong lịch sử Do Thái. Có lẽ các ông cãi nhau vì phần lớn người ta thường nghĩ rằng “người lớn nhất” là người có sức mạnh, quyền lực và trổi vượt hơn người khác. Nhân dịp này Chúa Giêsu dạy các ông ai thực sự là người lớn nhất trong Nước Thiên Chúa.

  1. Chọn sống theo Lời Chúa như chuẩn mực các giá trị

Tìm cách khẳng định các giá trị của bản thân trong cuộc sống là một việc xem ra rất tự nhiên, của hầu hết mọi người. Tuy nhiên sống các giá trị đó sao cho đúng với Lời Chúa mới là nền tảng của các giá trị của bản thân, có khả năng giúp con người vượt lên trên “thói tự nhiên” để đi vào “cảnh giới siêu nhiên”. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng quyết định. Thật không may, nhiều người tự nhận là Kitô hữu nhưng không nhận thấy các giá trị theo chuẩn mực Lời Chúa khác với các giá trị của thế gian mà họ đang theo đuổi. Kitô giáo đặt nền tảng trên các giá trị tâm linh, vô hình, và vĩnh cửu, trong khi thế gian lại coi trọng những gì vật chất, cân đo đong đếm được, có lợi thực tế trước mắt cho chính mình.

Sự khác biệt giữa các giá trị đó còn sâu xa hơn thế nữa. Quan điểm thế gian nói rằng mỗi người chúng ta tự đặt ra tiêu chuẩn cho riêng mình. Mỗi người tự quyết tạo ra đời mình qua tính cách, lối sống, kế hoạch hoạt động của riêng mình. Giá trị cuộc sống là do cảm nhận và suy nghĩ riêng mỗi cá nhân và sự chấp nhận của những người chung quanh. Lợi nhuận và quyền lợi cá nhân phải đặt lên hàng đầu. Vấn đề mấu chốt là các tiêu chuẩn đó có thực sự đem lại hạnh phúc vững bền không, hay chỉ đem lại những vui thích ảo ảnh, những thỏa mãn chóng qua?

Trong khi đó, các giá trị Kitô giáo lại hệ tại Lời Thiên Chúa trong Kinh thánh, vốn khẳng định rằng chính Thiên Chúa đặt ra tiêu chuẩn cho những gì là đúng thực, là chân lý và là vĩnh cửu. Đó là những giới răn hướng dẫn lối sống hàng ngày của con người đúng theo mục đích họ đã được Thiên Chúa tạo nên, theo hình ảnh của Ngài. Chính việc sống theo Lời Thiên Chúa quyết định giá trị mỗi người là gì, chứ không phải cảm giác hay cảm xúc, vốn là những xung năng thôi thúc những ham muốn và tham vọng cá nhân. Điều quan trọng nhất là tuân phục Ý Chúa: yêu mến Thiên Chúa và người khác. Chính các giá trị và niềm hy vọng Kitô giáo tạo nên một “cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh” (Hípri 6:19). Khi chọn Lời Chúa làm nền tảng, Kitô hữu cảm thấy chắc chắn về điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Sự vững tâm đó làm giảm căng thẳng, cho phép đưa ra những lựa chọn khôn ngoan và tạo ra sự bình an nội tâm, cả khi những cơn bão của cuộc sống ập đến “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7:24-25).

Ngược lại, các giá trị trần thế giống như một nền cát. Chúng tan biến khi gió bắt đầu thổi và mưa rơi xuống. Vì chúng không thỏa mãn được khát khao sâu xa của cõi lòng, nên chúng để lại một khoảng trống to lớn trong tâm hồn, một cảm nhận về cái hư không vô nghĩa, và mau chóng dẫn đến sự vỡ mộng, thất vọng. Đây là nguyên cớ của tâm trạng chán chường và dẫn đến không ít quyết định tự hủy hoại đời mình: “Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7: 26-27).

Điều gì xảy ra khi chúng ta theo đuổi thứ gì đó mà chúng ta cho là có giá trị nhưng lại không nắm giữ được nó? Hoặc khi đã nắm giữ được nó, chúng ta lại thấy nó gây ra thất vọng? Tệ hại nhất là, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nhận ra rằng không còn gì trong trời đất này có giá trị hoặc ý nghĩa nào vốn có thể trở thành nền tảng cho cuộc sống của chúng ta? Khi chúng ta rơi vào tâm trạng đó, tâm trí của chúng ta trở nên rối loạn, cảm giác của chúng ta sụp đổ. Đó là lúc chúng ta bước vào vùng nguy hiểm.

Chúa Giêsu hôm nay dạy các môn đệ rằng người lớn nhất, nghĩa là có giá trị nhất, trong Nước Trời là “người phục vụ mọi người” (Mc 9:35) kể cả những người mọn hèn nhất, giống như các trẻ thơ: “Ngài đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9: 37). Những người mọn hèn nhất, trong đó có trẻ em, nằm trong số những người cần được các môn đệ của Chúa Giêsu phục vụ. Những người mọn hèn này không có khả năng trả lại những gì họ đã nhận được. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phục vụ họ. Đây mới là tinh thần phục vụ đích thực, cho đi mà không mong cầu được đền đáp theo chuẩn mực “bánh ít đi bánh qui lại” của người đời. Đối với Chúa Giêsu “việc làm cao cả” trước mặt Thiên Chúa được đo lường bằng những giá trị lớn lao hơn: phục vụ Thiên Chúa nơi những kẻ nghèo hèn. Chúa Giêsu đồng hóa chính mình với những kẻ bé mọn: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”, thậm chí Ngài khẳng định rõ ràng: “Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9: 37). Như thế, phục vụ những kẻ bé mọn chính là phục vụ Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu cho thấy rõ tiêu chuẩn sống của những ai muốn theo Ngài: “Hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Mt 6:35).

  1. Chúa Giêsu đến để phục vụ hết mọi người; đây là giá trị tuyệt đối.

Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết chết, Ngài sẽ sống lại” (Mc 9:31). Cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu tỏ bày cho các môn đệ của Ngài là một nhiệm mầu không thể nuốt trôi đối với các ông, như thể những đau khổ sắp đến đó phủ bóng đen lên họ, báo trước những kỳ vọng âm thầm của họ vào Chúa Giêsu sẽ trở nên vô vọng.

Khi về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi các ông: Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” (Mc 9:33). Chúa Giêsu hỏi như vậy là để giúp các môn đệ xác định mối bận tâm trong tâm trí và lòng dạ của họ. Còn Ngài đã thấu rõ cõi lòng con người vì “… Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139: 1-4). Các môn đệ “làm thinh” không dám trả lời Ngài (Mc 9:34), có lẽ do xấu hổ về cuộc thảo luận của họ. Chúa Giêsu không khiển trách các môn đệ. Ngài dịu dàng làm cho họ hiểu được một bài học có tầm quan trọng lớn nhất đối với những ai bước theo Ngài, cho họ biết thế nào là người lớn nhất: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35). Sự vĩ đại thực sự là trở thành người tôi tớ phục vụ. Điều này liên quan đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, bởi vì khi nói như vậy, Chúa Giêsu đang nói về chính mình. Ngài tự coi mình là người tôi tớ “phục vụ mọi người”. Và Thầy đi đến đâu thì môn đệ phải đi đến đó.

Đôi khi chúng ta phải mất rất nhiều thời gian mới hiểu được rằng mình thường xuyên ôm ấp khát mong trở nên “vĩ đại”. Chúng ta thường bắt đầu bước theo Chúa Giêsu trong sự vô tư và nhiệt thành. Nhưng rồi ra, như các môn đệ của Chúa, chúng ta ngó quanh “xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9:34). Chúa Giêsu biết rõ các môn đệ của Ngài muốn trở nên “những người lớn lao”. Đó là một mong muốn đáng khích lệ. Tuy nhiên việc ấy đã trở nên xấu xí và méo mó vì thứ tội kiêu hãnh cá nhân. Thay vì thăng tiến trong hành trình hướng về Thiên Chúa, chúng ta tìm mọi cách, kể cả cãi nhau, tranh giành “làm người đứng đầu” (Mc 9:35). Từ một khát vọng trở nên vĩ đại biến thành một thứ ham muốn được mọi người biết đến là vĩ đại, vĩ đại hơn người khác. Chúng ta mong được người khác khen ngợi, thán phục. Chúa Giêsu không bác bỏ toàn bộ mong muốn đó, Ngài chỉ cho các môn đệ con đường giúp loại bỏ những xấu xí và méo mó để khát khao ấy được biến đổi trọn vẹn thành một sự lớn lao tốt lành. Chúa Giêsu dạy rằng sự vĩ đại thực sự không phải là đứng đầu vượt trên những người khác đứng thứ hai, thứ ba hay thứ tư. Sự lớn lao đích thực không phải là khẳng định bản thân để người khác khen ngợi, nhưng là sự sẵn lòng đứng cuối cùng, đặt mình vào vị trí phục vụ mọi người, trở nên phúc lành cho nhiều người chừng nào có thể. Đó không phải là con đường “thăng cấp” trước mặt người đời nhưng là con đường đi xuống, xuống tới vị trí rốt hết. Chính Chúa Giêsu đã xuống tới vị trí rốt hết ấy, như Chân phước Charles de Foucauld đã cảm nhận và suy ngẫm: “Chúa Giêsu đã chiếm lấy vị trí cuối cùng một cách tuyệt đối đến nỗi không ai có thể chiếm được vị trí đó của Ngài.” [1] Vị trí ấy được diễn tả nơi: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Philíp 2:6-7) và “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài” (Mc 9:31).

Sự khiêm hạ ấy không phải hạ thấp, như người ta lầm tưởng, nhưng là nâng cao phẩm giá con người: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:12). Người lớn lao nhất là người từ chối mọi hình thức kiêu ngạo, trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Chính trong tâm thế này Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài cho các môn đệ. Chúa Giêsu đang chuẩn bị hiến mạng sống mình cho thế gian bằng một cử chỉ hết sức khiêm hạ, thế mà ở đây các môn đệ không hiểu lời Ngài, lại thích làm người lớn nhất!

Xin Chúa giúp chúng ta để tâm tiếp tục suy ngẫm lời Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai: “Ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan…Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ” (Gc 3:16 - 4:3). Chỉ khi Chúa Kitô “hạ mình,vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíp 2:8) thì: “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (Philíp 2:9-11).

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

[1] https://littlesistersofjesus.net/charles-de-foucaulden/

 

CÔNG CỤ CỦA LỜI

Lễ Kính Thánh Matthêu Tông đồ, Thứ Bảy Tuần 24 TN B

“Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Một thương gia rất hài lòng với chiếc phong vũ biểu vừa mới sưu tầm; nhưng về đến nhà, ông vô cùng thất vọng khi thấy chiếc kim của nó có vẻ ‘kẹt’; nó chỉ vào ‘khoản bão’. Lắc nó vài lần, chiếc kim vẫn ‘kẹt!’. Ông bực bội viết một thư phàn nàn gửi cho cửa tiệm. Tối hôm sau, từ văn phòng trở về, ông không tìm thấy chiếc phong vũ biểu; ngôi nhà cũng không! Thì ra, chiếc kim của nó chỉ đúng; rằng, đã có một trận cuồng phong!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng lễ thánh Matthêu không nói đến một ‘phong vũ biểu’; nhưng cách nào đó, nói đến một ‘la bàn!’. Người tậu nó, không là một thương gia hoài nghi, nhưng là một quan thuế cả tin! Matthêu luôn tin vào la bàn vốn luôn chỉ về ‘khoản Giêsu’ - người gọi ông - để ông trở nên một công cụ của ân sủng, ‘công cụ của Lời!’.

Với ơn gọi của Matthêu, rõ ràng, sự thánh thiện của một người không đơn thuần là ‘rời bỏ một quá khứ xấu’, nhưng còn là ‘tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện’ của Thiên Chúa; cũng không chỉ là ‘dứt mình ra khỏi’ một cái gì đó, nhưng ‘được biến đổi’ để trở nên một ‘ai đó’, một công cụ Thiên Chúa nhắm đến khi tạo dựng mỗi người để họ trở thành.

Cũng thế, khi gọi bạn và tôi, Thiên Chúa không trao cho chúng ta một tấm bản đồ; thay vào đó, một la bàn. Bạn không nhìn thấy toàn bộ đường đi; đơn giản, chỉ biết phương hướng, và nó luôn chỉ về ‘khoản Giêsu’. Mỗi ngày, Chúa Thánh Thần dun dủi chúng ta để mắt vào ‘khoản đó’ hầu đi về hướng Ngài. Matthêu quả không biết đời mình sẽ ra thế nào, nhưng biết chắc nó phải ‘bắt đầu từ đâu’, và nó ‘phải thay đổi’ khi dõi mắt và đi về hướng Giêsu. Matthêu tin rằng, Chúa Giêsu là người đáng để tin đến nỗi, ông sẽ phó mình hoàn toàn cho Ngài, mặc cho tương lai xem ra vô định. Matthêu đâu biết, rồi đây, ông sẽ viết Tin Mừng, sẽ là một công cụ sắc bén của Ngài, ‘công cụ của Lời!’.

Niềm vui của Matthêu phớn phở qua tiệc ‘Mừng Vĩnh Khấn’. Ở đây, lời Khải Huyền thật thâm trầm, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với nó!”. Matthêu có thể nói ‘không’, ‘chưa’, hoặc ‘không phải bây giờ’. Và nếu đã có một sự từ chối, hẳn đã không có một bữa tiệc tối nào và do đó, bạn bè ông đã bỏ lỡ cuộc gặp thân mật với Chúa Giêsu, một lần gặp biết đâu đã thay đổi vĩnh viễn một số cuộc đời trong họ. Bằng việc thưa “vâng” của Matthêu, Chúa Giêsu đã có thể chạm vào cuộc sống của ông, của những người khác mà ông là trung gian của Ngài ngay từ giây phút đầu.

Anh Chị em,

“Ông đứng dậy đi theo Người!”. Lời gọi đi theo Chúa Giêsu, trước hết, là một lời mời hoán cải; tiếp đến, tham phần vào tình yêu và sự thánh thiện của Ngài. Matthêu trải nghiệm tiến trình đó suốt cả đời mình; đã trở nên một phong vũ biểu, một la bàn chính xác cho hậu thế với chiếc kim luôn ‘kẹt’ ở ‘khoản Giêsu’. Không chỉ báo có một trận cuồng phong, Matthêu còn viết về Đấng có uy quyền trên cuồng phong, cuồng phong thiên nhiên, cuồng phong tâm hồn. Như Matthêu, bạn và tôi được gọi để trở nên một phong vũ biểu, một la bàn cho thế giới, với một điều kiện duy nhất, luôn chỉ đúng hướng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong mọi đấng bậc, Chúa gọi con để trở nên một ‘công cụ của Lời’. Đừng để con trở nên một dụng cụ tồi, rẻ tiền; và tệ hơn, chỉ bậy!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chạm để chữa

Tin Mừng thuật lại việc Chúa chữa cho người câm – điếc được khỏi.

Cách thức: Chúa dùng lời nói và hành động: Ngài không chỉ phán một lời, mà còn chạm vào tai và lưỡi anh! Có người thắc mắc: tại sao phải chạm, lời Chúa phán chưa đủ quyền năng và sự chữa lành sao? Hay Chúa có ý dạy ta điều gì qua sự đụng chạm này? Sau đây là một vài suy tư về cái chạm của Chúa, cũng như quá trình mà Ngài đã thực hiện để chữa lành một con người.

Đầu tiên là cái chạm của Chúa. Có ba lý do Chúa chạm vào người câm điếc

Lý do thứ nhất, Chúa chạm vì Ngài muốn như vậy!

Ngài muốn dùng ngôn ngữ thường ngày của anh mà giao tiếp với anh. Đối với những anh chị em khiếm thị, thì một trong những phương cách chính yếu để nhận dạng đồ vật là thông qua xúc giác. Họ chạm vào chữ hay hình nổi để diễn giải thông tin được viết hay vẽ ra và cảm nhận ý nghĩa của những điều ngón tay mình lướt trên đó. Cái chạm của Chúa là cách giao tiếp quen thuộc dành cho anh, điều này giúp Ngài đi vào thế giới của anh một cách bình thường, và không làm anh khó chịu khi bị đụng chạm bởi một người xa lạ.

Lý do thứ hai, chạm để đón nhận và chấp nhận.

Người câm điếc trong bài Tin Mừng hôm nay nhận được hai sự đụng chạm. Một là từ những người tốt bụng đã dẫn anh đến gặp Chúa Giêsu. Những người này không chỉ nắm lấy tay anh giữa tăm tối cuộc đời, nhưng còn nói thay cho anh: Thánh Maccô nói rõ: họ nài xin Chúa đặt tay trên anh! Chúa biết rõ tình trạng của anh. Ngài đi vào vào thế giới nơi anh đang là, đang cảm nhận: câm điếc giữa đám đông thời đó thật kinh khủng và không được nhiều sự trợ giúp như bây giờ. Chúa đã thở dài như thấu hiểu nỗi khổ của anh. Ngài đưa tay chạm vào tai và lưỡi anh. Tuy sự đụng chạm thứ hai này mới đem đến cho anh sự chữa lành hoàn toàn, nhưng có lẽ, sự đụng chạm thứ nhất đã cho anh một kinh nghiệm cá nhân khi cảm nhận được sự ấm áp của tình đồng loại, ngôn ngữ yêu thương tuy anh không được nghe, nhưng đã len lỏi vào tâm hồn anh niềm vui được đón nhận.

  Và lý do sau cùng đó là sức mạnh của sự đụng chạm.
Khi được ai đó đụng chạm, ta sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng từ nơi họ:
Là an ủi cảm thông, hay tấn công gây hấn.
Là dấu chỉ yêu thương hay chỉ đơn thuần là xã giao
Là nâng lên hay hạ xuống…
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta rất nhiều lần đụng chạm và được đụng chạm vào cuộc đời nhau. Hãy cùng nhìn lại và chú tâm xem xét, rằng những đụng chạm đó đã đem đến cho cuộc đời ta những tác động như thế nào?
Sự vực dậy hay vấp ngã?
Hy vọng hay chán chường?
Niềm tin, tình yêu hay hận thù chất chứa?…

Thứ hai, chữa lành là một quá trình

Chúa quyền năng và Ngài chỉ cần phán một lời thì mọi sự sẽ trở nên tốt lành, hoàn hảo đến từng centimét. Tuy nhiên, Ngài không làm vậy trong trường hợp này. Hãy thử hình dung người bị câm điếc đã trải qua những gì trong quá khứ: bị loại trừ, khinh khi, khó khăn và khốn khổ ra sao trong những sinh hoạt hằng ngày với giới hạn của bản thân. Mọi giao tiếp điều không dễ dàng, cho đến khi Chúa chạm vào cuộc đời anh. Điều này nói lên điều gì? Phải chăng Chúa dạy anh đi vào sự kết nối riêng tư thân thiết với Ngài? Điều này đòi hỏi một quá trình.

Quả vậy, quá trình anh được chữa khỏi bệnh khởi đi từ việc một vài người bên cạnh anh dám cam đảm vượt qua ranh giới giữa một bên là văn hoá và luật tôn giáo và một bên là niềm tin vào quyền năng Chúa và giới luật yêu thương của Ngài. Kế đến là sự cởi mở từ phía anh: khiêm tốn để cho người khác đụng chạm vào giới hạn của mình và chấp nhận sự giúp đỡ. Và sau cùng, chính sự cảm thông và lòng trắc ẩn của Chúa đã đem lại cho anh ánh sáng và thanh âm trong trẻo của ân sủng và tình yêu thương trong thế giới hiện tại.

Tóm lại, qua cái chạm của Đức Giêsu, chúng ta thêm vững tin và xác tín hơn về quyền năng và lòng thương xót của Chúa, giá trị sự phục vụ của chúng ta dành cho anh chị em mình, và nhất là sự gặp gỡ cá vị của mỗi người trong tương quan với Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin Ngài đụng chạm vào những bệnh nhân đang đau khổ vì tật bệnh hôm nay, cho họ được ơn an ủi và can đảm.

Xin cho chúng con biết năng suy gẫm và lắng nghe Lời Chúa, đồng thời biết loan truyền Lời có sức mạnh chữa lành đến anh chị em mình. Lời xây dựng, chữa lành, chớ không huỷ diệt.

Và xin Lời Chúa đụng chạm con, nhất là vào những bệnh tật nơi tâm hồn con, để con được lành sạch! Amen.

Quỳnh Thoại, CĐM

PHƯƠNG THẾ DUY NHẤT

Thứ Ba Tuần 13 TN B

“Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”.

“Ai không lên núi của Thiên Chúa vào buổi sáng, sẽ hiếm khi tìm thấy Ngài dưới đồng bằng suốt thời gian còn lại!” - John Bunyan.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Bunyan được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện không chỉ buổi sáng, nhưng cả buổi tối và suốt đêm; sáng ngày, Ngài chọn các tông đồ. Dường như với Ngài, cầu nguyện là ‘phương thế duy nhất’ khi phải chọn lựa!

Hơn các thánh sử khác, Luca miêu tả tính cách của Chúa Giêsu là một con người cầu nguyện! Nhìn Ngài, xem ra không ai tất bật với việc rao giảng, chữa lành và thực hành xót thương như Ngài. Nhưng dẫu bận rộn đến đâu, mỗi ngày, Ngài cũng dành cho mình những giờ phút “lên núi của Thiên Chúa” như một ưu tiên hàng đầu, “Từ sáng sớm khi trời còn tối mịt, Người ra đi đến một nơi hoang vắng và cầu nguyện tại đó”; hoặc trước một biến cố quan trọng, Ngài cầu nguyện suốt đêm. Với Ngài, cầu nguyện là ‘phương thế duy nhất’. Chọn lựa càng quan trọng, cầu nguyện càng khẩn thiết và lâu giờ hơn!

Giữa một thế giới dành giật, chúng ta bị cuốn vào cơn lốc của công việc, kể cả việc học hành hoặc ngay cả việc dấn thân phục vụ tha nhân trong các lãnh vực, thì chưa bao giờ chúng ta cảm thấy mình ngày càng có ít quỹ thời gian như ngày nay. Đức Phanxicô cảnh báo, “Hãy cầu nguyện để khỏi mất đức tin. Ai không cầu nguyện là rời xa đức tin, biến đức tin thành một ý thức hệ chỉ mang tính luân lý; ở đó, không có Chúa Giêsu!”; ngài nói, “Việc cầu nguyện không thể chỉ gói gọn trong một tiếng đồng hồ ngày Chúa Nhật; nhưng mỗi người cần sống mối tương quan thâm tình hằng ngày với Chúa Giêsu; nhờ đó, chúng ta mới có khả năng phân định và chọn lựa giữa bao điều phải chọn lựa!”.

Bên cạnh đó, một yếu tố cực kỳ quan trọng khác là, đừng bao giờ quên rằng, điều nâng đỡ chúng ta nhất, chính là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho mỗi người. Ngài xướng cả tên lẫn họ của mỗi người trước Chúa Cha, Ngài tỏ cho Chúa Cha thấy những thương tích của từng người là giá cứu rỗi Ngài sẽ trả. Vì thế, cả khi lời cầu nguyện của bạn và tôi chỉ lắp bắp - ảnh hưởng bởi một đức tin dao động - và nó chưa là ‘phương thế duy nhất’ của những chọn lựa, bạn vẫn không bao giờ được ngừng tin tưởng vào Ngài. Tôi không biết cầu nguyện thế nào nhưng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi!

Anh Chị em,

“Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. Đức Phanxicô nói, “Được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, lời cầu nguyện nhút nhát của chúng ta đậu trên đôi cánh đại bàng của Ngài và bay lên tận trời. Ngài đang cầu nguyện cho tôi!”. Cũng thế, Mẹ Giáo Hội đang liên lỉ cầu nguyện cho tôi. Mỗi ngày Giáo Hội không ngừng “lên núi của Thiên Chúa” - các bàn thờ - cùng Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha lời cầu và tạ ơn. Giáo Hội cầu nguyện với Chúa Giêsu, cùng Chúa Giêsu; và tuyệt vời nhất, Giáo Hội và con cái của Giáo Hội được Chúa Giêsu cầu nguyện cho trước nhan Cha Trên Trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ‘phương thế duy nhất’ để con có thể chọn lựa mà không hối tiếc là cầu nguyện. Vì càng nhận lãnh trong im ắng, con càng biết cho đi trong hành động!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

KHU VƯỜN BÍ MẬT

“Ngài đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh!”.

“The Secret Garden”, “Khu Vườn Bí Mật”, cuốn sách của nữ văn sĩ Frances H. Burnett viết năm 1911, kể về một khu vườn bị khoá kín suốt 10 năm, cho đến khi Mary, một cô bé mồ côi ngang ngạnh, tình cờ có được chìa khoá. Cô bé đã đánh thức và hồi sinh khu vườn với tình yêu và sự chăm sóc. Khu vườn sống lại với những đổi thay của những đứa trẻ chung quanh Mary. Colin, một cậu trai èo uột chôn kín tuổi thơ, luôn nghĩ mình sắp chết; Dickon, một cậu bé chỉ kết thân với động vật. Nhờ khu vườn, Mary không còn là một tiểu thư trái khoáy; Colin rũ bỏ những tuyệt vọng để tuyên bố “sẽ sống mãi”. Khu vườn sáng bừng sức sống con trẻ bởi ‘tình yêu cuộc sống’ của chúng!

Kính thưa Anh Chị em,

Tương tự như thế, qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, một người câm điếc được Chúa Giêsu đưa vào một ‘khu vườn bí mật’ khác; ở đó, Ngài chữa lành anh. Marcô viết, Ngài ‘đem anh ta ra khỏi đám đông!’. Đó là một chi tiết khá bất ngờ, giàu ý nghĩa, đầy thú vị và không ít thời sự!

Tại sao Chúa Giêsu đưa người câm điếc ra khỏi đám đông? Phải chăng, Ngài muốn tránh xa ồn ào, Ngài muốn anh ở một mình với Ngài; Ngài muốn tỉ tê với anh trong thinh lặng và cô tịch. Ngài đưa anh vào ‘khu vườn bí mật’ có tên “Giêsu”, chính Ngài! Chính nơi cô tịch bên ngoài và trầm lắng bên trong ấy, tai anh nghe được “Lời Giêsu”, mắt anh thấy được “Ánh Sáng Giêsu”, miệng anh kêu được “Tên Giêsu”, và trái tim anh cảm nếm được “Tấm Lòng Giêsu”. Cũng thế, hơn bao giờ hết, dù muốn hay không muốn, trong những ngày hôm nay, Chúa Giêsu đang đưa mỗi người chúng ta đi vào ‘khu vườn bí mật’ của lòng mình là chính Ngài; Ngài muốn chúng ta tránh xa đám đông, tránh xa các hoạt động thường ngày; thậm chí tránh xa cả những người khác… để ở đó, Ngài cũng có thể thầm thì với chúng ta và chữa lành hồn xác mỗi người chúng ta.

Tin Mừng nói, Chúa Giêsu “đặt ngón tay vào tai người câm điếc và bôi nước miếng vào lưỡi anh”. Hôm nay, trong ‘khu vườn bí mật’ của mỗi người, Chúa Giêsu không chỉ đặt tay Ngài vào tai chúng ta, nhưng còn đặt tay Ngài vào tim của mỗi người; không chỉ muốn tai chúng ta được mở ra, Ngài còn muốn tim của chúng ta được nghe Lời Ngài, Lời cứu độ, Lời xót thương và Lời chữa lành. Trong khu vườn Giêsu, Ngài không chỉ muốn bôi nước miếng vào lưỡi chúng ta, nhưng còn muốn chúng ta uống chính Máu Ngài và được nuôi sống bằng chính Thịt Ngài. Những ngày hôm nay, khi không đến được nhà thờ, chớ gì mỗi người, mỗi gia đình chúng ta cũng có thể gặp gỡ Chúa Giêsu qua các giờ kinh sáng tối; ở đó, chúng ta lắng nghe Lời Chúa với một bản văn Thánh Kinh; và ở đó, chúng ta còn được rước Chúa thiêng liêng. Và như thế, Chúa Giêsu cũng có thể chạm vào tim và chữa lành linh hồn mỗi người từ ‘khu vườn bí mật’ của lòng mình, của gia đình mình!

Ở đó, Chúa Giêsu còn “ngước mặt lên trời”. Đúng, Ngài đang cầu xin Chúa Cha cho chúng ta; Ngài đang thổn thức, đang đau, đang thấp thỏm, bồn chồn với chúng ta. Rồi Ngài cũng thốt lên, “Effetha!”, “Hãy mở ra!”; Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha mở lòng chúng ta để đón nhận ân sủng của Ngài và mở ra với những nhu cầu của anh chị em chung quanh, những người đang đau khổ cần được giúp đỡ mà thánh Giacôbê nhắc đến qua thư ngài hôm nay. Chính trái tim, cốt lõi sâu thẳm của chúng ta, mà Chúa Giêsu muốn “mở ra”. Ngài là Lương Y Thiên Chúa sai đến, được Isaia báo trước qua bài đọc thứ nhất, “Bấy giờ mắt người mù sáng lên, và tai người điếc mở ra!”.

Anh Chị em,

Mỗi đôi tình nhân đều có những câu chuyện bí mật, nơi chốn bí mật; ở đó, họ tỏ tình cho nhau. Vậy, hãy trở về với khu vườn bí mật của lòng mình; Chúa Giêsu đang đợi, đang chờ để truyền sức sống thần linh của Ngài cho chúng ta. Ở đó, chúng ta sẽ cất lên, “Ca tụng chúa đi, hồn tôi hỡi!” như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nhắc nhở; ca tụng Chúa vì chúng ta là những người được Ngài cứu sống như cậu bé Colin tưởng mình sắp chết được hồi sinh trong câu chuyện của Burnett, như người câm điếc được chữa lành của Tin Mừng. Những ngày hôm nay, khi mọi người, giàu cũng như nghèo, quyền thế cũng như cùng đinh đang chới với giữa biển khơi, không biết bám vào đâu; thì chúng ta, con cái Chúa, những người may mắn, không chỉ được mặc một áo phao cứu sinh có tên “Giêsu”, nhưng còn được Ngài dìu vào một hải đảo có tên “Lòng Thương Xót”. Trong Ngài, chúng ta được che chở, nuôi sống. Vì thế, “Ca tụng chúa đi, hồn tôi hỡi!” là một điều phải lẽ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết trân quý những tuần sống ‘hiếm hoi’ trong ‘khu vườn bí mật’ lòng mình. Xin chữa lành con, để con có thể nghe và chuyển trao sứ điệp yêu thương của Chúa cho anh chị em con, ngay trong những ngày hôm nay”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Subcategories