MỘT BUỔI BÌNH MINH NẰM NGOÀI THỜI GIAN
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
- Sự im lặng trước Phục Sinh.
Các môn đệ của Chúa Giêsu đang lặng lẽ chìm trong nỗi nhớ thương người Thầy yêu dấu của họ. Cõi lòng họ như chứa đầy bóng tối, giống như bóng tối của khu vườn Giệtsimani, vào đêm người Thầy của họ bị bắt, giống như “bóng tối bao phủ khắp mặt đất” (Lc 22: 44) thê lương từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín trên đỉnh đồi Canvê, nơi người Thầy của họ bị xử chết cách bất công quá mức đau thương. Một người Thầy “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11: 29), luôn rao giảng những lời yêu thương và thực hiện những hành động vô cùng thương xót: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6: 36). Những bóng tối ấy sẽ không bao phai mờ trong tâm trí họ những ngày còn lại trong đời. Thế là hết! Hết rồi những hy vọng về một Đấng Kitô - Cứu Thế, khi họ chứng kiến tận mắt Thầy mình làm phép lạ chữa lành bệnh tật, trừ quỷ hay hồi sinh kẻ chết. Họ chỉ còn ký ức lưu giữ mọi cử chỉ, mọi khoảnh khắc vui mừng hãnh diện vì uy thế của Thầy trước toàn dân: “Ngài là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (Lc 24: 19), hay những ngày tháng vất vả lặn lội rao giảng Nước Thiên Chúa, nhưng đầy hạnh phúc êm đềm của tình Thầy trò: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14;1-3). Nhất là làm sao họ có thể quên được, chỉ vài ngày trước đây, khoảnh khắc vinh quang của Thầy tiến vào thành thánh Giêrusalem giữa những tiếng “Hosanna, Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!” (Lc 19: 38). Và những giờ phút dầy đặc đau thương và thống khổ của hai ngày qua. Mọi thứ về Thầy coi như đã kết thúc: “Bấy giờ ông Philatô trao Chúa Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Chính Ngài vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Ngài vào thập giá… Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: Tôi khát! Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Ngài. Nhắp xong, Chúa Giêsu nói: Thế là đã hoàn tất! Rồi Ngài gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 20: 16-18, 28-30). Nỗi đau buồn bắt đầu trở nên sâu sắc hơn. Vị Thầy Giêsu của họ không còn nói nữa, Ngài không thể nói nữa, họ không thể nghe gì từ môi miệng kỳ diệu của Ngài nữa. Đó là lý do các môn đệ im lặng, một sự im lặng trong nỗi vỡ mộng cay đắng!
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét rằng “Đôi khi chúng ta cũng nghĩ rằng niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu đã thuộc về quá khứ, trong khi hiện tại điều chúng ta biết lại là những ngôi mộ bị niêm phong: những nỗi thất vọng, những cay đắng và ngờ vực của chúng ta, những nỗi niềm “không còn làm được gì nữa”, “mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi”, “tốt hơn hết là sống cho qua ngày” bởi vì “không có gì chắc chắn về ngày mai”. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta từng bị đau đớn dày xéo, bị đè nén bởi nỗi buồn, tủi nhục vì tội lỗi, cay đắng vì thất bại nào đó hay ám ảnh bởi ưu tư nào đó, đã nếm trải vị đắng của mệt mỏi và đã thấy niềm vui phai nhạt trong lòng…Thêm nữa, có lẽ chúng ta đã thấy mình đối mặt với cái chết, bởi vì nó đã cướp đi sự hiện diện ngọt ngào của những người thân yêu của chúng ta hoặc vì nó đã chạm vào chúng ta trong bệnh tật hoặc tai họa, và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi của sự vỡ mộng và dập tắt nguồn hy vọng của chúng ta” (ĐGH Phanxicô, Bài giảng đêm vọng Phục Sinh, 08 tháng Tư năm 2023).
- Sự sống trỗi dậy từ nấm mồ mở toang
Chúa Giêsu im lặng trong cõi sâu thẳm của thế giới và của lịch sử, nơi mọi thứ đều im lặng, nơi không còn tiếng cười nói hay tiếng ca hát nữa. Nhưng không phải là hết. Ngài đi xuống tận huyệt mộ của thế giới những người chết, xuống những vực thẳm của địa ngục để phá hủy nó, để mở chúng ra cho sự sống, để khôi phục lại mọi câu chuyện và lịch sử của nhân loại: “Ngài đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm” (1 Pr 3: 19). Chúa Kitô xuống sâu thẳm trong lòng đất, giống như mặt trời lặn xuống, nhưng không ngừng chiếu sáng. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã chết, bị giết chết, “Ngài xuống âm phủ để kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa và ai nghe thì được sống (Ga 5,25). Chúa Giêsu, Đấng khơi nguồn sự sống (Cv 3,15). Đã nhờ cái chết của Ngài, tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sự chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ (Dt 2,14-15)” (GLHTCG, số 635). Sự sống đã bị cái chết nuốt chửng, giống như cuộc hành trình xuống địa ngục của Chúa Giêsu, chính là để chờ khoảnh khắc nhảy mừng lên trong ánh sáng và chiến thắng trong tiếng ca Exsultet - Mừng vui lên.
“Trong sự im lặng của chúng ta, một sự im lặng áp đảo chúng ta, những hòn đá bắt đầu phải kêu lên (Lc 19:40) và dọn đường cho sứ điệp vĩ đại nhất mà lịch sử chưa từng nghe thấy: “Ngài không còn ở đây nữa, vì Ngài đã sống lại” (Mt 28: 6). Các hòn đá trước ngôi mộ kêu lên và công bố sự khai mở một con đường mới cho tất cả mọi người. Thiên nhiên chính là người đầu tiên vang vọng khúc khải hoàn của cuộc sống trên tất cả những gì đã cố làm câm nín và bóp nghẹt niềm vui của Tin Mừng. Hòn đá trước ngôi mộ là người đầu tiên nhảy mừng và theo cách riêng của nó vang lên một bài hát trầm trồ ngợi khen, vui mừng và hy vọng, trong đó tất cả chúng ta được mời tham gia” (ĐGH Phanxicô, Bài giảng đêm vọng Phục Sinh, 31/3/2018)
Chúa Kitô xuống ngục tổ tông để giải cứu tất cả những ai đang khóc than trong câm lặng khỏi vực sâu u tối đó. Ngài cũng đi vào tận đáy sâu linh hồn của mọi người để những ai tin vào Ngài thì cuộc đời của họ được biến đổi từ bên trong, được giải thoát khỏi những giờ phút cô đơn và hoang mang, như những môn đệ khi xưa của Ngài. Không có gì là không được cứu chuộc. Để Thiên Chúa có thể lên tiếng, chúng ta phải biết im lặng, như một ngôi mộ câm lặng, ngay bây giờ và trong cõi chết mai sau, vì đó là sự chuẩn bị tuyệt vời để lắng nghe lời phán quyết của Thiên Chúa. Trong cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa dường như im lặng và vắng mặt. Nhưng sự im lặng này không phải là hư vô, nhưng chính là hy vọng. Trong cái chết của Chúa Giêsu, thế giới trở nên trống rỗng nguồn sống. Nhưng sự trống rỗng này không phải là phủ định sạch trơn mà là sự chuẩn bị cho khả năng viên mãn. Sự trống rỗng trở nên vùng đất màu mỡ chuẩn bị cho vụ mùa bội thu. Thất bại trở thành bước mở đầu cho chiến thắng.
“Mừng vui lên hỡi chư thần chư thánh,
cấp thừa hành của Chúa cõi thiên cung.
Trổi vang lên, kèn loan ơn cứu độ,
Kính chào Đức Vua chiến thắng oai hùng.
Mừng vui lên, hỡi khắp miền dương thế,
bốn bề đang rực rỡ ánh hào quang:
Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng,
Đẩy lùi xa bóng tối của trần gian….”
(Mở đầu thánh thi Exsultet)
- Buổi bình minh của sự sống viên mãn
Vào buổi sáng kỳ lạ ấy, một buổi bình minh dường như nằm ngoài thời gian, “đẩy lùi xa bóng tối của trần gian.” Đó là buổi bình minh mở đầu “chiến thắng oai hùng” của “Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng” và kết thúc những ngày chết chóc mãi mãi tăm tối của loài người. Đó là một buổi sáng với thứ tin tức nghẹt thở, khi các tông đồ thấy bà Maria Mađalêna “chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Ngài ở đâu” (Ga 20: 2). Một xác chết bị đâm thâu bởi một ngọn giáo, không còn máu, bị chôn chặt trong mộ đá niêm phong, đã sống lại với một sự sống mới mầu nhiệm. Cái chết, kẻ thù lâu đời nhất của loài người, đã bị chế ngự. Chúa Giêsu đã giữ lời hứa của mình: “Quả vậy, Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Ngài, và ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Lc 18: 32-33). Thánh Gioan thuật lại lời hứa này cách cao vời và thấm đẫm chất suy tư thần học: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui…Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16: 16, 20, 28, 32). Trong bài đọc thứ nhất, trích sách Công vụ Tông đồ, thánh Phêrô làm chứng cụ thể rõ ràng, không úp mở, bóng gió xa xôi: “Chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Ngài đã làm trong cả vùng dân Do thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Ngài lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Ngài trỗi dậy, và cho Ngài xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Ngài, sau khi Ngài từ cõi chết sống lại” (CvTđ 10: 39-41).
- Thông điệp từ những tấm vải liệm
Câu chuyện về Ladarô, vốn chỉ có trong sách Tin Mừng Gioan, là bài Tin mừng được phép đọc bất cứ ngày nào trong tuần thứ Năm Mùa Chay vừa qua. Phụng vụ Hội Thánh muốn nói với con cái của mình điều gì khi cho phép như vậy? Khi Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại, Ngài giải thoát Ladarô khỏi tấm vải liệm: “Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Chúa Giêsu bảo: Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi” (Ga 11: 44). Dù đã được Chúa Giêsu dùng quyền năng của Ngài làm cho sống lại từ cái chết, Ladarô rồi một lần nữa sẽ lại phải chết, như bao người khác sẽ phải chết. Dấu chỉ “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” là minh chứng cho thực tại chết chóc không thể tránh khỏi của thân phận phàm nhân, không có ngoại lệ nào vượt ra khỏi quy luật sinh lão bệnh tử. Chúa Giêsu cũng phải chết, không ngoại lệ, đúng theo quy luật đó. Tuy nhiên, điều ngoại lệ, ngoại thường nơi Chúa Giêsu là Ngài tự nguyện chọn cái chết: “Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9: 51). Cụ thể là khi nghe Thầy mình tỏ cho biết Ngài “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16: 21), Phêrô tỏ ý ngăn cản Ngài: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16: 22) và ngay lúc ấy ông bị trách mắng nặng lời: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16: 23). Sau này thánh Phaolô khẳng định: “Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2: 6-8).
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã giải thích: “Tất cả những điều này không phải là kết quả của một cơ chế mơ hồ hay số phận mù quáng: đúng hơn, đó là sự lựa chọn tự do của chính Ngài, thông qua sự tuân thủ quảng đại vào kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Và cái chết mà Ngài phải chịu là cái chết đóng đinh, cái chết nhục nhã và hạ nhục nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Chúa tể vũ trụ đã làm tất cả những điều này vì tình yêu dành cho chúng ta: vì tình yêu, ngài đã chọn tự hạ mình và trở thành anh em của chúng ta; vì tình yêu, Ngài chia sẻ tình trạng của chúng ta, tình trạng của mọi người nam và mọi người nữ…Ngài đã chọn sự khiêm nhường sâu xa nhất và mang hình dạng của một con người” (Buổi tiếp kiến chung, Quảng trường Thánh Phêrô, Thứ tư, ngày 8 tháng 4 năm 2009).
Nếu việc Chúa Giêsu chịu chết không phải là một ngoại lệ, nhưng đúng theo quy luật sinh hóa, vật lý của kiếp người. thì việc Ngài “trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20: 9) lại là một điều không đúng chút gì theo những quy luật đó. Đó là một sự kiện có một không hai, một việc phi thường. Gioan “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó” (Ga 20: 5). Điều này khác hẳn việc Ladarô được Chúa Giêsu làm cho sống lại nhưng tay chân mặt mũi còn bị quấn trong vải liệm. Hai tông đồ Phêrô và Gioan thấy chiếc khăn mà Giuse và Nicôđêmô đã dùng để quấn mặt và đầu của Chúa Kitô ở một nơi riêng biệt: “Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20: 6-7). Chúa Giêsu đã gấp khăn liệm của chính Ngài và đặt nó sang một bên. Trong ngôi mộ là một quang cảnh trật tự và yên tĩnh vì Chúa Giêsu Phục Sinh vượt qua tấm khăn liệm của Ngài. Ngài để lại một quang cảnh bình an để tất cả những ai nhìn vào và tin thì có được sự bình an trong lòng rằng Ngài vẫn sống và khỏe mạnh. Đó là loại bình an mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể ban tặng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Gioan 14:27). Ngôi mộ là hình ảnh hoàn hảo về trật tự, một trật mới mẻ và tuyệt đối! Chúa Giêsu làm chủ cái chết: “Ngài đón nhận cái chết tự nội tâm Ngài và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn” (Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, 21-8-2005, Youcat số 210). Và bằng cách thế đó, Chúa Giêsu vượt lên trên cái chết. Ngài thực hiện “cuộc vượt qua cứu độ này từ cõi chết sang cõi sống, nhờ việc chết và sống lại của Ngài, ngay cả trong thời hiện tại này” (Youcat, số 212).
Chúng ta có muốn đứng bên cạnh lối vào ngôi mộ của Chúa Giêsu và chăm chú nhìn vào ngôi mộ trống đó như Gioan không: “Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó…” (Ga 20: 5)? Chúng ta có như Gioan nhận ra sự khác biệt giữa việc trở lại cuộc sống phàm nhân của Ladarô và Sự Phục Sinh của Chúa Kitô không? “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20: 9).
Hôm nay, chúng ta là những người chấp nhận sứ điệp Tin mừng về sự Phục Sinh bằng đức tin đơn sơ. Chúng ta không thấy Chúa Giêsu sống. Chúng ta không thấy Ngài chết và chúng ta không thấy ngôi mộ. Tuy nhiên, những chiếc khăn liệm đó vẫn đang rao giảng cho chúng ta, nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng mặc dù chúng ta không thấy Ngài ngay bây giờ, Ngài sẽ trở lại và chúng ta sẽ thấy Ngài vào lúc đó: “Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Ngài, và thánh danh Ngài ghi trên trán họ…Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Khải Huyền 22:20).
Việc còn lại chúng ta cần làm là sống theo lời dạy của thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Chúa Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Chúa Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Ngài, và cùng Ngài hưởng phúc vinh quang” (Cl 3: 1-4).
Phêrô Phạm văn Trung