3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

CHỈ CÓ THIỆN TÂM...

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh C

Nhà bác học Newton, sau khi làm ra kính viễn vọng, sau khi quan sát vũ trụ và sau khi nhìn thấy mọi huy hoàng rực rỡ vẻ đẹp diệu kỳ của muôn thụ tạo, đã thốt lên: Tôi thấy Thiên Chúa ở đầu kính viễn vọng của tôi.

Ông là một người thông thái. Ông làm khoa học, nhưng khoa học của ông là khoa học của đức tin. Khác một số người, bởi khi nghiêng cứu khoa học, họ chối từ đức tin, chối bỏ Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội của mình, của mọi loài thụ tạo.

Câu chuyện của Newton có phần giống câu chuyện của ba nhà đạo sĩ mà Tin Mừng lễ Hiển Linh giới thiệu nhằm giúp chúng ta suy niệm. Thánh Mathêô cho biết, ba nhà Đạo Sĩ lần theo ánh sao lạ trên bầu trời để tìm gặp Chúa. Khi đến thủ đô Giêrusalem, họ dừng lại tại đền vua Hêrôđê vì ngỡ, Thiên Chúa làm người phải sinh ra ở nơi sang trọng, đài các.

Nhưng không, Thiên Chúa làm người mà Hêrôđê sợ Ngài tranh giành ngôi vua của mình, chẳng màn chi đến vinh hoa trần thế, chẳng thèm một chút bã phù phiếm thế gian.

Hêrôđê, kẻ có quyền trong dân Chúa, kẻ nắm giữ kho tàng mạc khải, kẻ thuộc nằm lòng truyền thống đức tin. Xung quanh ông có quá nhiều những cố vấn. Dù họ sẵn sàng giúp ông thấu hiểu Kinh Thánh và Lề Luật của Thiên Chúa, nhưng lòng ông không hề có Chúa mà chỉ có mọi thứ đam mê trần thế thống trị.

Cả những thượng tế, kinh sư thông hiểu Thánh Kinh, họ giảng giải thật hay cho Hêrôđê, nhưng chỉ là lý thuyết. Họ tìm Đấng Cứu Thế trong sách vở, nhưng không tin Thiên Chúa hiện diện giữa cõi đời. 

Còn các Luật sĩ chỉ thao thức về lề luật. Các Thượng tế chỉ nhạy bén về đền thờ. Tất cả họ cùng chung những điểm giống nhau, đó là: Hiểu biết về luật Chúa, về Kinh Thánh, gìn giữ đền thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa, được dân chúng kính trọng, được hưởng lợi lộc từ tôn giáo… nhưng thật trớ trêu, thật nghịc lý: Tất cả họ đều xa cách Thiên Chúa, giuột mất ơn cứu độ.

Lòng Hêrôđê và cả hoàng triều của ông chỉ đầy thủ đoạn, độc ác, tranh giành, say sưa trong vinh quang trần thế. Đến muôn đời, Hêrôđê không bao giờ gặp được Đấng mà lẽ ra mình phải tôn thờ, phải thần phục. Cả hoàng triều của ông sẽ chẳng bao giờ gặp được Đấng Thiên Chúa làm người, mặc dù Đấng ấy giáng trần sát cạnh hoàng triều của ông.

Còn các Đạo Sĩ, dù thuộc thành phần dân ngoại và rất xa xôi về mặt địa lý cũng như sự hiểu biết mạc khải, lại mặc lấy đức tin trong nghiên cứu khoa học của mình. Họ đã lên đường đi tìm, không chỉ hiện tượng thiên nhiên, nhưng qua hiện tượng thiên nhiên, họ tìm kiếm Đấng Minh Quân của lòng mình và của trần thế. Họ tin tưởng Ngài là Đấng Cứu Chuộc. Lòng thành đã đưa họ đến với Chúa Hài Nhi.

Đối với kẻ kiêu ngạo, tự phụ, ngôi sao chỉ là ngôi sao, nhưng đối với người khôn ngoan, khiêm tốn, đó là một dấu chỉ để nhận ra Thiên Chúa. Dù ngôi sao có sáng, nhưng lòng các đạo sĩ còn sáng hơn ánh sao. Họ đã lên đường, đã vượt qua bao nhiêu gian lao, đã đối mặt bao nhiêu mạo hiểm. Họ đã đến hang Bêlem, đã quỳ trên nệm rơm mà khấu đầu thờ lạy Thiên Chúa làm người trong thân phận mong manh của một hài nhi.

Ánh sáng của tâm hồn, ánh sáng của lòng tin đã cho họ gặp Chúa. Họ đã chiêm ngắm một trẻ sơ sinh chưa thể hỏi han hay đối đáp điều gì. Nhưng họ tin, đó là Đấng Cứu Chúa của mình. Họ tiến dâng Ngài tặng phẩm và tâm hồn để chứng tỏ sự thần phục của thế gian. Tặng phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vàng, vì Hài Nhi là vua. Nhũ hương, vì Ngài là Tư Tế. Mộc dược, Ngài sẽ chết như mọi người.

Thời nay cũng thế, đầy dẫy những người học rộng, nghiêng cứu giỏi, hoạt bát, tinh ranh… Thế giới không thiếu gì những triết gia lý luận sắc bén, những người vô thần có quyền to lộng đẹp, những chánh trị gia lãnh nhiều chức tước tha hồ thao túng trong bàn tay sắt, nhiều nhà khoa học tài giỏi, nhiều người thành đạt trong nhung lụa, nhiều người đỗ đạt hết bằng cấp này đến bằng cấp khác… Họ được thế gian coi là xuất chúng, uyên thâm...

Nhưng họ thuộc nòi giống Hêrôđê. Có mấy ai trong họ đã nhìn thấy ánh sáng từ trời cao chiếu soi cõi lòng người. Có mấy ai trong họ đã nhìn thấy bất cứ một ánh sáng nào của lòng tin, của con đường về hạnh phúc trường cửu...

Dòng dõi của Hêrôđê kiêu ngạo, cho tới muôn đời vẫn không tìm thấy Thiên Chúa, vẫn sống trong u tối, vẫn là những kẻ ngu dốt dù họ đầy những tri thức thực nghệm…

Mừng lễ Hiển Linh, suy niệm lại việc Chúa tỏ mình cho dân ngoại qua những đại diện là các Đạo Sĩ, chúng ta học lấy bài học khiêm nhường. Xin Chúa ban cho chúng ta một tình yêu nồng nàn, một đức tin đơn sơ, một cõi lòng mềm dẻo sẵn sàng để Chúa uốn nắn thành những con người biết tha thiết đi tìm Chúa qua tất cả mọi thời gian sống, nơi mọi hoàn cảnh, mọi biến cố của đời mình.

Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của tất cả mọi người đơn sơ, tâm thành, hướng thiện mà thôi. Ba Đạo Sĩ đã cúi mình bước vào hang đá để kính thờ Hài Nhi không ngai vàng, không quyền lực, nghèo đến nỗi phải sinh ra nơi hang lừa, máng cỏ… Các Đạo Sĩ có tình yêu, có lòng sốt mến, có sự chân thành. Họ đã gặp Đấng là Thiên Chúa của lòng họ.

Chỉ có thiện tâm mới có thể gặp Thiên Chúa, Chân Lý trường tồn của đời người...!

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Tìm gặp Thiên Chúa giữa lòng đời

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh C

Theo ánh sáng của ngôi sao lạ, ba nhà chiêm tinh đã tìm đến cung điện của vua Hê-rô-đê để thờ lạy kính bái, vì nghĩ rằng nếu có vị vua mới sinh thì ắt vua đó phải sinh ra nơi cung vàng điện ngọc, nơi chốn cao sang. Nhưng thực ra không phải thế. Khi ba vị đến ngay cung điện vua Hê-rô-đê và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài" thì vua Hê-rô-đê hết sức ngạc nhiên và bối rối. (Mt 2, 2)

Bấy giờ "nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2, 4-6)

Thật bất ngờ, Chúa Cứu Thế không sinh ra trong cung vàng điện ngọc mà lại sinh ra trong nơi quê mùa heo hút, nơi làng Bê-lem là phần đất nhỏ bé của miền Giu-đa.

Như thế, nhờ ánh sáng từ Kinh Thánh soi chiếu mà vua Hê-rô-đê, cả triều thần của vua cũng như ba nhà chiêm tinh biết được nơi Chúa Cứu Thế giáng sinh. Cũng nhờ ánh sáng nầy, ba nhà chiêm tinh tiếp tục đến tận nơi để thờ lạy và dâng lễ vật cho Ngài, tại một nơi nghèo nàn tầm thường mà ba vị không ngờ trước được.

Hôm nay, không có ngôi sao lạ nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa, nhưng chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp ta tìm gặp Ngài. Đó là ánh sáng của Lời Chúa, như lời Thánh Vịnh: "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." (Thánh vịnh 119, câu 105)

Vậy ánh sáng Lời Chúa soi đường cho chúng ta tìm thấy Chúa nơi đâu?

Ơ nơi mà không mấy ai tin là có: Ở ngay trong nhà, trong xóm chúng ta. Thật quá bất ngờ!

Ba nhà chiêm tinh ngày xưa ban đầu cứ ngỡ rằng vua mới ra đời ắt phải sinh ra trong cung điện Hê-rô-đê, không ngờ Lời Chúa lại chỉ cho họ tìm gặp Đấng Cứu Thế mới sinh tại một làng quê Bê-lêm hẻo lánh, trong hình hài một trẻ sơ sinh yếu ớt, tại một túp lều nghèo nàn đơn sơ.

Hôm nay cũng thế, ban đầu chúng ta cứ tưởng Chúa chỉ ngự trên chốn trời cao, Chúa chỉ hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, chỉ ngự trong các thánh đường... nào ngờ Chúa cũng hiện diện trong chính gia đình chúng ta, trong thôn xóm nghèo nàn của chúng ta.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi các gia đình đã viết: "Thiên Chúa đồng hoá với con người, với những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người cha, người mẹ, người bạn trăm năm, người con trong gia đình."

Qua dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su tỏ cho thấy những ai cho những người đói khát đầu đường xó chợ một bát cơm thì Chúa nói là họ cho Chúa ăn. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo, thì Chúa nói là họ đã cho Ngài mặc. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian thì Chúa nói là họ đã cho Chúa trọ nhà… Nói như thế, Chúa Giê-su tự đồng hoá mình với mọi người chung quanh. Nói khác đi, Chúa Giê-su khẳng định rằng Ngài là một với mỗi người chung quanh; Ta làm gì cho họ là làm cho chính Ngài. (xem Mt 25, 31-46)

Khi chưa nhận biết Đức Giê-su là Thiên Chúa, Phao-lô ra tay bách hại các môn đệ của Ngài dữ dội. Vì thế, ông đã bị quật ngã trên đường Đa-mát và có tiếng Chúa Giê-su vang lên giữa thinh không: "Sao-lô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Phao-lô hết sức kinh hoàng: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Có tiếng từ trời đáp: "Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ". (Cv 22, 6-9). Chính từ hôm đó, Sao-lô (tức thánh Phao-lô tông đồ) mới giác ngộ rằng các tín hữu cũng chính là Chúa Giê-su, bắt bớ họ là bắt bớ chính Chúa.

Chính những Lời Chúa dạy trên đây là ánh sao sáng, còn sáng hơn sao Bê-lem năm xưa, soi sáng cho chúng ta biết Chúa đang ở ngay trong gia đình, trong làng xóm của chúng ta, để chúng ta đến hầu hạ phục vụ và dâng lễ vật cho Ngài.

Lễ vật của chúng ta không phải là vàng, nhũ hương và mộc dược nhưng là một tấm áo cho cha, một bát cơm cho mẹ, là sách vở bút mực cho con cái học hành, là sự ân cần săn sóc cho những người đau khổ chung quanh chúng ta.

Đó là những lễ vật quý báu mà Chúa Giê-su đang thiết tha chờ đợi. Ước gì chúng ta mau mắn và quảng đại hiến dâng cho Ngài.

Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

NGẮM GIA ĐÌNH CHÚA GIÊSU VÀ NHÌN LẠI GIA ĐÌNH TA

Lễ Thánh Gia

Để làm người, Chúa Giêsu, Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã chọn cách làm con, sống như mọi người con trong gia đình. Chúa là con trong tay Đức Mẹ, trong tay thánh Giuse. Người đã để cha mẹ của mình săn sóc, bồng ẵm, cho bú mớm, nuôi dưỡng và lớn lên trong tay cha mẹ mình. Chúa làm con “hoàn hảo” đến nỗi, không bao giờ Đức Mẹ và thánh Giuse phải ngậm ngùi, ngỡ ngàng vì bất chợt “thấy Chúa” hơn là “thấy con” nơi trẻ Giêsu của mình.

Chúa đã chọn cho mình một gia đình để làm người như tất cả chúng ta là người. Chúa đã sinh ra từ một gia đình để biến gia đình của Chúa thành kiểu mẫu cho mọi gia đình. Ơn thánh hóa trong gia đình của Chúa ngập tràn, để nói cùng mọi người rằng, gia đình nào biết để cho Chúa ngự trị, Chúa ở cùng, Chúa đồng hành, gia đình ấy cũng sẽ được Chúa chúc lành, được Chúa nâng đỡ và thánh hóa.

Chúa đã sinh ra từ một người mẹ rất thánh và chọn cho mình một người cha thánh thiện để dạy mọi thành viên trong gia đình hãy sống ơn gọi nên thánh, hãy dành tình yêu cho nhau thật chân thành, mọi nơi mọi lúc. Đó cũng là bài học dạy các gia đình: Đời sống thánh thiện được thể hiện qua từng nếp nghĩ, nếp làm, sẽ nâng cao giá trị gia đình, sẽ là nền tảng trong mọi quyết định của gia đình. Đó cũng là bài học về ơn nghĩa vợ chồng, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, sự đùm bọc, quan tâm, lo lắng cho nhau không bao giờ được phép vắng bóng.

Hạnh phúc nơi gia đình của Chúa dạy tất cả các  gia đình: hạnh phúc không xuất phát từ tiền của, danh vọng, nhưng xuất phát từ một đời sống cầu nguyện và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Cuộc sống nơi gia đình Chúa, cũng giống như bao nhiêu gia đình trên thế giới: có đầy đủ những ngày mưa, những ngày nắng. Tai ương đã kéo về đe dọa từ khi những con người trong gia đình ấy còn chưa sống bên nhau. Chỉ có thánh ý Chúa là nổi bậc trong mọi quyết định, để giữ vững hạnh phúc mà thôi.

Bình an nơi gia đình của Chúa dạy các gia đình: Bình an không phải là “chăm ấm, nệm êm”, nhưng là bình an nội tâm gắn kết với thánh giá qua mọi chiều kích của cuộc sống. Bởi qua bao nhiêu thăng trầm, Đức Maria vẫn luôn ghi nhận từng biến cố và suy niệm trong lòng. Thánh Cả Giuse cũng chỉ chống đỡ bằng thái độ trầm tư, thinh lặng và chìm đắm trong nguyện cầu. Chúa Giêsu càng lớn, càng thêm khôn ngoan, càng đầy ơn Thánh Thần để mãi trung thành với Thánh ý dù phải vượt thác băng ghềnh.

Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng nói riêng, nhiều thành viên trong các gia đình nói chung, hết sức sai lầm khi tự biến mình thành những kẻ bị chôn vùi trong cám dỗ của  kiếm tiền và vòng xoáy của công việc.

Họ biện minh bằng những bộn bề này tiếp nối lo toan kia. Từ đó, ngôi nhà của họ chẳng khác quán trọ qua đêm. Vợ chồng con cái chỉ trở về nhà để nghỉ ngơi, thậm chí không còn những bữa ăn chung, những buổi sinh hoạt gia đình...

Con cái lớn lên lúc nào không hay nên cả vợ lẫn chồng không thể cùng con chia sẻ những vui buồn trong sinh hoạt hằng ngày; không thể hiểu được con, nhất là không thể hiểu tâm sinh lý của con khi con bước vào tuổi mới lớn, là lứa tuổi có nhiêu biến động hơn hết mọi lứa tuổi...

Mải miết với công việc, mải miết cùng lý do cơm áo gạo tiền..., để rồi kết quả cuối cùng có khi thật ê chề, thật đau đớn: vợ chồng, con cái dần trở nên xa lạ, khó hiểu nhau, khó trao đổi và tâm sự cùng nhau. Từng thành viên trong gia đình, dù ở cạnh nhau, tự dưng trở nên xa vắng. Tương quan trong cùng một gia đình sao cứ lỏng lẻo và ngày càng lao dốc trong sự lỏng lẻo ấy.

Vì thế, chúng ta hãy luôn ghi nhớ, chỉ có gia đình mới là mái ấm hạnh phúc lớn nhất mà ta từng có. Chỉ có hạnh phúc gia đình mới là thứ quí giá nhất, lớn lao nhất của đời người. Chỉ có gia đình mới là chốn bảo vệ, nơi hun đúc nghị lực giúp ta vượt mọi khó khăn, mọi thách thức, mọi thăng trầm, mọi buồn vui của cả kiếp người...

Gia đình, nơi trú ngụ an toàn trong đời, không thể có bất cứ nơi nào bằng.

Gia đình, nơi duy nhất cho ta sự nghỉ ngơi sau bao nhiêu bôn ba, va chạm giữa chợ đời.

Gia đình, nơi của những tiếng cười, những lời ru không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm đời người.

Gia đình, nơi mà những bữa cơm dù thiếu thốn hay đủ đầy, mãi theo từng bước chân của kẻ bắt đầu từ đó ra đi.

Gia đình, nơi từng con người học cách yêu thương, học quan tâm, chăm sóc người khác ngoài bản thân.

Gia đình, mái trường đầu tiên cho ta thành nhân, thành thân để có thể bước ra với đời mang theo cách sống, cách giao tiếp khi phải nhập cuộc vào xã hội.

Gia đình, nơi mà bất cứ lúc nào ta cũngcó thể quay về tìm chốn an nghỉ, tìm sức mạnh tinh thần cho mọi hoàn cảnh, thậm chí cả những hoàn cảnh suy sụp nhất của đời ta.

Hãy cử hành những giờ kinh, giờ cầu nguyện, giờ suy tôn Lời Chúa trong gia đình. Hãy luôn nhắc nhở nhau giữ gìn ơn Chúa bằng sự siêng năng cầu nguyện chung, riêng, cầu nguyện cho chính bản thân và cho nhau. Hãy thúc giục nhau cử hành thánh lễ, nhất là các thánh lễ Chúa nhật. Hãy cùng nhau siêng năng lãnh bí tích, nhất là bí tích hòa giải và Mình Thánh Chúa. Hãy thường xuyên hiến dâng gia đình mình cho Thiên Chúa, Dức Mẹ và thánh Giuse...

Các thành viên trong gia đình cần luôn gắn bó với nhau trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện. Đừng bao giờ đánh mất gia đình bằng bất cứ hành động hay suy nghĩ dại dột nào. Bởi nếu tự đánh mất gia đình, ta đang tự đánh mất nguồn sống, chỗ dựa và sự trưởng thành bền bỉ, hiệu quả và hiện sinh nhất của đời ta.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Ánh sáng chiếu rọi mọi dân nước

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh C

Tạp chí La Civiltà Cattolica số ra ngày 23 tháng 12 năm 2024 vừa qua có viết rằng: “Đây là lễ Giáng sinh thứ ba liên tiếp mà chúng ta đang sống trong thời kỳ chiến tranh…Cơn thịnh nộ không thể kiểm soát đang tấn công tất cả mọi người, đặc biệt là dân thường, người già, phụ nữ và trẻ em. Những ngôi nhà đổ nát chôn vùi cư dân, toàn bộ khu phố bị san phẳng, bệnh viện trở thành mục tiêu có thể là nơi ẩn náu của bọn khủng bố, những người mê sảng lang thang không biết đi đâu, khắp nơi đều thấy xác trẻ em đã chết. Thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản, chẳng hạn như nước và thuốc men. Việc chăm sóc những người bị thương rất khó khăn, nơi trú ẩn an toàn rất hiếm cũng như cơ hội tái tổ chức chuỗi cung ứng thực phẩm. Ở khắp mọi nơi, chúng ta thấy đống đổ nát, máu, sự tuyệt vọng, cái chết: những thực tế gợi lại quá khứ xa xôi mà chúng ta nghĩ rằng mình đã bỏ lại phía sau mãi mãi.”

Sau đó tờ báo nhận định:

Chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh năm nay trong một tình huống bi thảm như vậy. Chúa Giêsu lại một lần nữa sinh ra trong lịch sử và trong cuộc sống của chúng ta. Đây là câu chuyện muôn thuở, một câu chuyện thể hiện kế hoạch của Thiên Chúa, lẽ ra phải diễn ra một cách phong phú và thanh thản, nhưng thay vào đó lại nảy sinh trong một cảnh tượng đau khổ, thất bại, bạo lực và chết chóc.” Và tờ tạp chí đặt một câu hỏi: “Điều này đối với chúng ta, có ý nghĩa gì?” [1]

  1. Ánh sáng chiếu rọi

Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều sự chia rẽ. Chúng ta không muốn nghĩ mọi thứ trên thế giới lại tồi tệ đến vậy. Nhưng không phải thế giới của chúng ta đen tối như vậy hay sao? Chúng ta dễ có cảm giác có quá nhiều bóng tối ở khắp mọi nơi. Tất cả những điều này làm nổi bật những xung khắc trong các mối tương quan của con người hiện tại. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thừa  nhận rằng nguyên cớ của những xung khắc đó nằm ở chính cõi lòng sâu thẳm của tất cả chúng ta: thiếu ánh sáng của Chúa Giêsu Nhập thể và Nhập thế. Bóng tối không nhận ra ánh sáng: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài” (Ga 1: 9-10). Nhưng hôm nay - cũng như ngàn năm trước, ánh sáng đó vẫn đang tỏa sáng. Bóng tối cũng không thể chế ngự ánh sáng: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1: 5). Ánh sáng đó - Ngôi Lời Giêsu - chỉ cho chúng ta con đường thoát khỏi tất cả những điều tồi tệ này để đến với những điều tốt đẹp hơn.

Những chương đầu của sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là ai và Ngài từ đâu đến. Chúa Giêsu đến từ Bêlem, quê hương của vua Đavít, thuộc miền Giuđê. Nhưng thực ra chúng ta học biết rằng Chúa Giêsu là Ngôi lời đã có từ lúc khởi đầu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). Ngôi Lời cũng là “Sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1:4) cho thời đó và cho đến tận ngày nay. Ánh sáng Ngôi Lời Giêsu chiếu vào thế gian. Những nhà chiêm tinh đến Giêrusalem, theo dấu một ngôi sao. Không phải là một ngôi sao bình thường. Người ta tranh luận: đây có thể là một sao chổi không? Hay là sự giao thoa giữa các hành tinh? Một siêu tân tinh, có lẽ vậy? Chúng ta không biết chắc. Nhưng dù gì đi nữa thì đó hẳn là một thiên thể vô cùng chói lọi mà Đấng tạo nên các tinh tú đã đặt trên bầu trời. Thực tế là ánh sao đó nổi trội và đang chuyển động, rõ ràng là kỳ diệu, chắc chắn là siêu nhiên. Thiên Chúa Cha khiến các tầng trời chuyển động để cho thấy sự lớn lao nơi Ngôi Lời Thiên Chúa, Con của Ngài.

Thật không hợp lý chút nào khi Vua của người Do Thái lại sinh ra trong một máng cỏ bừa bộn. Ít ra là phải trong một dinh thự dành riêng cho các cậu ấm cô chiêu giàu có và quyền quý chứ! Thế mà Ngài lại là một đứa trẻ nghèo hèn hơn cả những đứa trẻ con nhà bình dân. Tại sao? Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói “Dấu hiệu của Thiên Chúa là Ngài đã trở nên nhỏ bé vì chúng ta. . . . Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu Ngài, chào đón Ngài và yêu mến Ngài” (Bài giảng Lễ Đêm Giáng Sinh, 24 tháng 12 năm 2006). Con trẻ được tỏ lộ ra cho tất cả chúng ta, cho người Do Thái và người ngoại, cho người giàu và người nghèo: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Luca 2:30).

Lễ trọng Hiển Linh hôm nay, Giáo hội mừng Chúa Giêsu tỏ mình ra với thế giới, qua cuộc gặp gỡ với ba nhà thông thái từ phương Đông, được ngôi sao dẫn đường, để chiêm ngắm hài nhi mới sinh trong máng cỏ ở Bêlem. Họ là dân ngoại, không thuộc về Istael, dân Chúa. Hiển Linh có nghĩa là đột nhiên cảm thấy Thiên Chúa bộc lộ chính Ngài cho chúng ta hiểu thấu, cho chúng ta nhận ra được điều gì đó rất quan trọng đối với mình; một trải nghiệm tâm linh mạnh mẽ. Lễ Hiển Linh quan trọng với chúng ta như thế nào, chúng ta được Thiên Chúa bộc lộ cho điều gì và cảm nghiệm mạnh mẽ điều gì?

Liệu chúng ta có cảm nghiệm được điều ngôn sứ Isaia diễn tả trong bài đọc thứ nhất không: “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Ngài xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (60: 2-3)?

Trong vở kịch Barjona của Sartre, ba đạo sĩ giải thích hành trình của họ với người đứng đầu Do Thái, người này gọi họ là những kẻ ngốc nghếch già nua lẩm cẩm: “Này Barjona, đúng là chúng tôi rất già nhưng chúng tôi có sự khôn ngoan và biết mọi điều xấu xa trên thế giới. Khi chúng tôi nhìn thấy ngôi sao này trên trời cao, trái tim chúng tôi nhảy lên vì vui sướng như trái tim của trẻ thơ. Chúng tôi đã từng như trẻ thơ, và chúng tôi lên đường vì chúng tôi muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ phát xuất từ niềm hy vọng, với tư cách là những con người. Này Barjona, người đánh mất niềm hy vọng, sẽ bị đuổi ra khỏi làng và bị nguyền rủa. Những viên đá trên đường sẽ thô ráp hơn dưới chân ông ta và những bụi cây sẽ nên gai góc hơn. Gánh nặng sẽ đè nặng lên lưng ông ta, mọi bất hạnh sẽ hành hạ ông ta như những con ong giận dữ, và mọi người sẽ chế giễu ông ta. Nhưng mọi thứ đều mỉm cười với người có niềm hy vọng. Đối với người ấy, thế giới là một món quà. Vậy thì hãy đến đây, liệu ông muốn ở lại đây hay quyết định đi theo chúng tôi?”

Chúng ta có dám, như ba vị đạo sĩ, lên đường tìm kiếm niềm hy vọng của chúng ta, nơi Chúa Giêsu, trở thành “Những Người Hành Hương của Hy Vọng” (Chủ đề của Năm Thánh 2025) và trao tặng Ngài món quà đáng giá nhất ở mọi lứa tuổi, chính là tình yêu của chúng ta. Chúng ta hãy mang tình yêu của chúng ta dành cho chồng, cho vợ, cho con cái, bạn bè, hàng xóm, đến máng cỏ của Chúa Hài Nhi. Xin Chúa chấp nhận và chiếu sáng tình yêu đó của chúng ta.

  1. Tỏa sáng như những ngọn đèn giữa bóng tối bao quanh

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy “mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông” (Mt 2:1), họ thấy một ánh sáng trên bầu trời, và họ lên đường hướng về Giêrusalem tìm kiếm và hỏi: “Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2:1-2). Và họ đã được chỉ dẫn, bằng lời trong Sách Thánh: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2:5-6). Tại Bêlem này, họ tìm thấy thứ mà họ đang tìm kiếm. Không chỉ là một kỳ quan thiên văn dẫn họ đến một bữa tiệc thỏa mãn đôi mắt chiêm tinh của họ, mà là một vẻ đẹp trời cao làm no thỏa trái tim của họ: hy vọng, hòa bình, niềm vui, từ vị Vua trẻ thơ mà họ tìm thấy ở Bêlem.

Những lời mở đầu của bài đọc thứ nhất đưa ra cho chúng ta một mệnh lệnh để tuân theo: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi” (Is 60:1). Ngôi sao, ánh sáng của Chúa Giêsu Hài Đồng, là dành cho tất cả chúng ta, những người tìm kiếm hòa bình, ơn cứu độ, cuộc gặp gỡ giữa dân Chúa và dân ngoại, những người tin và những người không tin. Thiên Chúa gọi chúng ta lại với nhau để được thấm đẫm tình yêu của Ngài, và Ngài kêu gọi chúng ta trở thành một gia đình nơi hòa bình và hòa giải ngự trị. Ánh sáng mang lại cho chúng ta đức tin, hy vọng và tình yêu. Làm thế nào chúng ta chào đón những người hàng xóm và bạn bè không chia sẻ đức tin của mình? Giống như các nhà thông thái vốn đã thực hiện một chuyến đi phi thường để tỏ lòng tôn kính Chúa Kitô mới sinh, chúng ta cũng được mời gọi tỏ lòng tôn kính và trở thành người loan báo Tin Mừng, để công bố rằng Chúa Giêsu đã sinh ra và có niềm hy vọng nơi Ngài, Đấng đã sống và yêu thương, đã chết và đã sống lại vì chúng ta. Chúng ta tràn ngập niềm vui và dám mời những người khác bước vào chia sẻ niềm vui đó.

Lễ Hiển Linh không chỉ là một sự kiện cách đây lâu rồi. Lễ Hiển Linh nhắc nhở chúng ta rằng sứ mệnh của Chúa Giêsu là dành cho tất cả mọi người. Ngài đến vì mọi người và mọi dân nước. Ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi trên chúng ta ngày hôm nay, hướng dẫn chúng ta và chỉ cho chúng ta con đường. Ánh sáng này mời gọi chúng ta theo Chúa Giêsu và chia sẻ ánh sáng của Ngài với những người khác.

Trong bài đọc thứ hai, thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô nói về một mầu nhiệm được mặc khải cho ngài. Mầu nhiệm này là dân ngoại là đồng thừa kế với người Do Thái, cùng chia sẻ những lời hứa qua Chúa Giêsu. Bài đọc này cho thấy rằng ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang lại là dành cho tất cả mọi người: “Mầu nhiệm đó là: trong Chúa Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3: 2-3, 5-6).

Trong quá khứ, có những sự chia rẽ mạnh mẽ giữa người Do Thái và người ngoại bang. Sứ điệp của Phaolô phá vỡ những rào cản này. Thánh nhân giải thích rằng trong Chúa Giêsu, tất cả mọi người đều được chào đón. Đây cũng là sứ điệp của Lễ Hiển Linh: các nhà thông thái, vốn không phải là người Do Thái, đã đến để thờ lạy Chúa Giêsu. Chuyến viếng thăm của họ cho thấy Chúa Giêsu đã đến vì tất cả các dân nước.

Lễ Hiển Linh nhắc nhở chúng ta rằng ân sủng của Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người, bất kể xuất thân của họ. Ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi trên tất cả mọi người, mời gọi chúng ta trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi sống sứ điệp hiệp nhất này và chia sẻ Tin Mừng với những người khác, trở nên những ngọn đèn tỏa sáng giữa bóng tối bao quanh chúng ta.

Phêrô Phạm Văn Trung

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giang-sinh-trong-thoi-chien

 

Trẻ Giêsu trong Đền Thánh Giêrusalem

Lễ Thánh Gia

  1. “Con có bổn phận ở nhà của Cha con” (Lc 2: 49)

Chúa Giêsu vừa bước sang tuổi mười hai, độ tuổi mà theo người Do Thái thời đó là khá trưởng thành về mặt đức tin. Người con trai rời bỏ tuổi thơ để hòa nhập vào đời sống xã hội. Chúa Giêsu biểu lộ sự trưởng thành và tư thế tự do thực thi ý Chúa Cha của mình. Cùng với cha mẹ lên Đền thờ Giêrusalem để mừng lễ Vượt qua nhưng Ngài ở lại đó mà không báo cho cha mẹ biết. Mẹ Maria và Thánh Giuse tưởng Ngài ở trong đoàn lữ hành, nhưng thực ra Ngài không ở trong đoàn người đó. Ngài vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình phàm nhân, khỏi mối liên hệ họ hàng trần gian, vốn gắn bó với nề nếp và di sản của dòng tộc loài người. Ngài vượt lên khỏi những thói quen và truyền thống của con người, khỏi Lề luật... Ngài thuộc về nơi khác, thuộc về Thiên Chúa, Cha của Ngài, như trong bài đọc thứ nhất, bà Anna, mẹ của ngôn sứ Samuel, đã nói với ông Encana, chồng bà: “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi” (1 Sm 1:22). Bà còn nói với tư tế Êli rằng: “Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Chúa. Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Ngài. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Chúa” (1 Sm 1: 26-28). Chúa Giêsu biết rằng Ngài thuộc về Thiên Chúa: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Dĩ nhiên, hai ông bà ngơ ngác không hiểu! Nhưng sau đó, Chúa Giêsu trở về Nadarét cùng với cha mẹ. Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu là một người trưởng thành như thế nào khi kết rằng: “Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2: 52).

Liệu Chúa Giêsu có phải là người con thoát ly gia đình ngay khi còn trẻ không? Không phải thế, mà ngược lại, Ngài ở lại trong nhà Cha của mình, không chạy trốn đâu hết. Nếu Thánh Giuse và Mẹ Maria ngạc nhiên, lo lắng, thì với Chúa Giêsu, rõ ràng Đền Thờ là nơi Ngài phải đến, là nơi Ngài hiệp thông tự nhiên với Chúa Cha.

Tại sao chúng ta phải đến nhà thờ? Chúng ta tìm kiếm gì ở đó? Đối với nhiều Kitô hữu ngày nay, nhà thờ dường như là một nơi ít có sự thân thiết, ít có tình huynh đệ cảm thông thực sự. Vì thế, chúng ta phải tìm lại cảm giác bình an như trong gia đình, gần gũi với Chúa Cha và anh chị em mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cố gắng quay lại nhà thờ như trở về ngôi nhà thời thơ ấu đầy kỷ niệm, nơi chúng ta tìm được lại chính mình là ai một cách sâu sắc, tìm thấy lại gia đình mình ở đó? Trong nhà thờ, chúng ta có thể lắng nghe Lời Chúa, suy ngẫm, rước lấy Mình Thánh Chúa Kitô, gặp gỡ những anh chị em Kitô hữu khác và rồi sau đó được lớn lên trong sự khôn ngoan và ân sủng, ở chính nơi chúng ta sinh sống, trong gia đình, trong môi trường làm việc của chúng ta. Nhà thờ có thể là nguồn suối, nơi chúng ta gặp Chúa, gặp anh chị em chúng ta, chứ không chỉ đơn giản là một bổn phận tôn giáo nặng tính bó buộc hay chỉ là những nghi lễ hình thức bên ngoài chẳng mấy cảm xúc ấn tượng. Ở nhà thờ chúng ta có thể trở thành những người con của Cha. Có lẽ những người thân yêu, bạn bè của chúng ta khó hiểu, nhưng chúng ta nên giải thích cho họ rằng đó là một nơi tự nhiên đối với chúng ta, một nơi thân thiết. Chúng ta hãy cầu xin rằng một ngày nào đó họ sẽ hiểu ra rằng người ta hoàn toàn là chính mình chính khi ở nhà thờ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho họ được “ngạc nhiên” (Lc 2: 47) về chứng tá niềm vui giản dị của chúng ta khi đến nhà thờ và thúc đẩy họ, đến lượt của họ, bước vào trong nhà của Cha.

  1. “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con” (Lc 2: 46)

Việc Mẹ Maria và Thánh Giuse lạc mất và tìm gặp Con mình trong đền thờ khi lên 12 tuổi đã phá tan sự im lặng từ khi Chúa Giêsu được sinh ra tới lúc Ngài ra hoạt động công khai. Câu chuyện ghi chú rằng Mẹ Maria và Thánh Giuse khá lo lắng vì “Không thấy con đâu” (Lc 2:45), nhưng sau ba ngày đã tìm thấy Ngài. Theo Sách Thánh, khoảng thời gian ba ngày này đầy ý nghĩa vì đây là ngày đặc biệt mà Thiên Chúa tạo ra sự sống mới và thiết giao ước của mình với nhân loại, qua Israel. Thiên Chúa ngự xuống trên Núi Xinai vào ngày thứ ba: “Chúa phán với ông Môsê: Hãy đến với dân và bảo họ: hôm nay và ngày mai phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, phải giặt quần áo, và đến ngày kia phải sẵn sàng, vì ngày kia Chúa sẽ ngự xuống trên núi Xinai trước mắt toàn dân… Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh…Cả núi Xinai nghi ngút khói, vì Chúa ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Môsê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. Chúa ngự xuống trên núi Xinai, trên đỉnh núi” (Xh 19:10-20). Cũng như câu chuyện Giôna ở trong bụng con cá lớn 3 ngày: “Chúa khiến một con cá lớn nuốt ông Giôna. Ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Từ trong bụng cá, ông Giôna cầu nguyện cùng Chúa, Thiên Chúa của ông. Ông nói: Từ cảnh ngặt nghèo, tôi kêu lên Chúa, Ngài đã thương đáp lời. Lạy Chúa, từ lòng âm phủ, con cầu cứu, Ngài đã nghe tiếng con” (2:1-3). Ngôn sứ Hôsê cũng ghi nhận việc Chúa hoàn lại cho Israel sự sống vào ngày thứ ba: “Ngài đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Ngài đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. Sau hai ngày, Ngài sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Ngài” (6: 1-2). Như thế ý tưởng chết đi rồi sống lại vào ngày thứ ba đã bắt đầu từ lâu trong Cựu Ước. Mẹ Maria đã phải xa cách Con mình ba ngày trước khi tìm lại được. Hẳn là điều này ám chỉ khoảng thời gian Chúa Giêsu được mai táng trước khi sống lại. Hơn nữa, Tân Ước cho biết rằng biến cố Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu diễn ra tại Giêrusalem, nơi Ngài hoàn tất công việc mà Chúa Cha đã định trước. Mẹ Maria và Thánh Giuse đã phải cực lòng như thể Chúa Giêsu đã mất ba ngày rồi: “Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2: 48). Đúng là Chúa Giêsu đã được Chúa Cha định trước phải chết, ngay lúc còn nhỏ, nhưng đến “ngày thứ ba Ngài sống lại như lời Thánh Kinh. Ngài lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha” (Kinh tin kính Nicea, được đọc trong thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng).

Một trong những nỗi buồn chán trong cuộc đời là cảm thấy cuộc sống của chúng ta không đi đến đâu cả, không có ý nghĩa gì cả. Chúng ta mơ - với một chút mơ hồ - sẽ đạt được điều gì đó thực sự tuyệt vời và có giá trị trường tồn. Nhưng rồi chúng ta thức dậy và mọi thứ cứ thật nhỏ nhoi, tầm thường và vô nghĩa. Chúng ta được dựng nên để sống với khát khao về một ý nghĩa, một mục đích, một vận mệnh quan trọng. Chúng ta mong muốn rằng những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, bất kể tầm thường và bình thường đến đâu, đều là một bước dẫn tới một điều tuyệt vời, tốt đẹp và tươi sáng vào ngày mai, chứ không phải sinh ra để chờ chết, chết không ý nghĩa, không giá trị, chỉ là tuyệt vọng mãi mãi.

Chúa Giêsu cũng được sinh ra để rồi cũng phải chết, nhưng cái chết của Ngài làm cho hiện hữu của mọi người và mỗi người tràn đầy giá trị, ý nghĩa và hy vọng vào sự sống đời đời vinh quang sau cái chết thể lý. Nhờ cái chết vì yêu thương của Chúa Giêsu, “là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta” (1 Ga 2:2) mà chúng ta được giải thoát trọn vẹn khỏi số phận “ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1:79), không còn lệ thuộc thế gian chóng qua, nhưng “nhờ đức tin, tất cả đều là con cái Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô”  (Gl 3:26), thuộc về Chúa Cha, “ở nhà của Cha” (Lc 2:49). Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy vận mệnh quan trọng và tươi sáng đó nhờ cái chết theo đúng kỳ hạn của Chúa Giêsu: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta…ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5: 5-8). Thánh Gioan trong bài đọc thứ hai còn nhấn mạnh: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1).

  1. “Thêm khôn ngoan, ân nghĩa với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52)

Ở đây một lần nữa Thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu phát triển rất bình thường, có quá trình trưởng thành như một người bình thường. Với Ngài, cũng như với những người khác, sự khôn ngoan ngày càng phát triển theo năm tháng, và đi vào tâm hồn con người của Ngài như đi vào tâm hồn của những người khác - ví dụ, qua sự hướng dẫn ở trường học Nadarét, qua các buổi nghe Sách Thánh ở hội đường của cộng đồng - điểm khác biệt là trong mọi giai đoạn lớn lên, Ngài đều đạt đến sự hoàn hảo về sự khôn ngoan, đạo đức và tâm linh của giai đoạn đó; không có tội lỗi, sự ích kỷ hay kiêu ngạo nào trong Ngài, vốn là những điều ngăn cản sự khôn ngoan phát triển nơi những người khác.

Bản tính thần linh của Chúa Giêsu mãi mãi hoàn hảo nên không thể có sự tăng thêm. Việc ngày càng thêm khôn ngoan, thêm ân nghĩa được thánh Luca nói đến ở đây chỉ liên quan đến bản tính con người của Chúa Giêsu, bao gồm một linh hồn có lý tính và một thân xác con người. Thân thể Ngài tăng trưởng về vóc dáng và sức nặng, và linh hồn Ngài tăng trưởng về sự khôn ngoan và về tất cả các tư chất của một tinh thần con người. Bản tính con người của Chúa Giêsu nhận được sự sáng soi tỏ tường và tiệm tiến khi Ngài dần lớn lên. Mặc dù Ngôi Lời vĩnh cửu đã kết hợp với linh hồn nhân loại của Ngài ngay từ khi Ngài mới sinh ra, đúng hơn là ngay khi Ngài tượng thai trong cung lòng Mẹ Maria, nhưng thần tính ngự trong Ngài đã tự biểu lộ ra cùng với nhân tính của Ngài tùy theo từng giai đoạn, quidquid recipitur ad modum recipientis recipitur - bất cứ điều gì nhận được đều được nhận theo cách của người nhận, nghĩa là tùy mức độ nhân tính đó có khả năng tiếp nhận bao nhiêu  phẩm tính thần linh; và khi các khả năng của linh hồn nhân loại của Ngài ngày càng triển nở, thì sự thông truyền hiểu biết, sự khôn ngoan và các ân tứ khác lớn hơn từ thần tính được thông truyền cho nhân tính đó. Và Ngài “thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2: 52) nghĩa là, Ngài có được tất cả những ân sủng khiến Ngài được cả Thiên Chúa và con người chấp nhận. Tất cả những điều này phù hợp với phận người khiêm hạ của Ngài; vì khi Ngài hạ mình xuống làm một trẻ sơ sinh, dần lớn lên thành một trẻ em, rồi trở thành một thanh niên, thì hình ảnh của Thiên Chúa tỏa sáng dần lên trong Ngài khi Ngài lớn lên thành một thanh niên, hơn là khi Ngài còn là một trẻ sơ sinh và một trẻ em.

Chúng ta hãy cầu xin cho con cháu của chúng ta, những người trẻ, khi họ lớn lên về vóc dáng, họ cũng được lớn lên về sự khôn ngoan và ân sủng; và rồi, khi họ lớn lên về sự khôn ngoan và ân sủng, họ cũng lớn lên trong “ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2: 52).

Chúng ta cũng cầu xin, như thánh Gioan trong bài đọc thứ hai, cho chính mỗi người chúng ta cũng lớn lên trong “ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”, nghĩa là biết “tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa…ở lại trong Thiên Chúa…và biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí Ngài đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3: 24) để rồi chúng ta thực hành lời căn dặn của Thánh Phaolô: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:12-14). Cụ thể chúng ta biến đổi gia đình mình thành một gia đình thánh theo gương mẫu Thánh Gia: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3:18-21).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Subcategories