3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

THỜ CHÚA VÌ CÁI GÌ?

Năm phụng vụ 2024 là năm B. Hội THánh đề nghị suy niệm Tin Mừng của các Chúa nhật năm B là Tin Mừng theo thánh Marcô. Tuy nhiên, liên tiếp từ Chúa nhật XVI đến Chúa nhật XXI, Hội Thánh đề nghị suy niệm Tin Mừng theo thánh Gioan, hầu như trọn chương 6, với cùng một chủ đề: bánh.

Khởi đi từ dấu lạ hóa bánh và cá (Chúa nhật XVI), Chúa Giêsu dẫn ta đến cùng bí tích Thánh Thể. Đó không phải là bánh mà là Bánh trường sinh, là chính thịt máu Chúa, nguồn sống thiêng liêng và vĩnh cửu của người tin.

Với dấu lạ của Chúa, đám rất đông được no nê, họ muốn suy tôn Chúa làm vua. Nhưng Chúa lên núi. Chúa tìm về Chúa Cha, rồi Chúa về Capharnaum.

Sau khi Chúa Giêsu rời đám đông, và sau khi không nhìn thấy Chúa, họ lên thuyền sang bờ hồ bên kia. Tại đây, họ thấy Chúa Giêsu. Nhưng Chúa biết rõ lý do của sự hăng hái đi tìm: "Các ngươi tìm Ta không phải vì đã trông thấy các dấu lạ, nhưng bởi vì đã được ăn bánh no nê".

Chúa Giêsu muốn đưa người ta đi xa hơn những thứ vật chất của trần thế. Chúa muốn người ta điều chỉnh những mặc định mà họ tự vẽ ra trong chính thâm tâm của họ: cơm bánh, cái bụng và thể xác.

Chúa Giêsu muốn con người hãy mơ giấc mơ cao chứ đừng chỉ là những thứ tầm thường của cuộc sống đời này. Chúa đòi chúng ta hãy thực sự đến với Chúa, đi tìm chính Chúa vì Chúa chứ đừng nhìn thấy nơi Chúa một sự lợi dụng, một "cái nhà kho" để chỉ vào đó lấy ra những thứ mình thích, những thứ làm vui bản thân mình. Họ không được phép mặc cho bánh mà họ được ăn nhiều giá trị hơn, hay giá trị cao hơn chính bản thân Đấng ban bánh.

Chúa vừa trách nhưng cũng vừa khích lệ họ: "Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng vì lương thực tồn tại cho cuộc sống vĩnh cửu mà Con Người sẽ ban cho".

Chúng ta cần đặt vấn đề cho mình: Tôi thờ Chúa, tôi giữ đạo vì mục đích gì? Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian, mọi biến cố của đời mình, tôi có nhận ra chính Chúa hiện diện? Có thấy bàn tay Chúa đỡ nâng, che chở? Có biết tình yêu Chúa luôn tuôn đổ, luôn dắt dìu, luôn bảo vệ?...

Cũng y như đám đông chỉ biết và nhìn thấy cái trước mắt, ngày xưa, khi được thoát Aicập, lẽ ra đoàn dân phải hết lòng biết ơn Thiên Chúa, Đấng đã tặng ban cho họ một tình yêu giải phóng tuyệt vời, thì họ chỉ thấy và bám vào vật chất, vào cái tầm thường, mặc cho bản thân đang phải nô lệ.

Họ chỉ dừng lại có một điều duy nhất là trách móc Chúa và ông Môisen, đại ân nhân của họ: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Aicập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!" (Xh 16,3 - Bài đọc 1). 

Chúng ta cần đặt lại vấn đề cho mình bằng chính lời hỏi mà đám đông đã hỏi Chúa Giêsu: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?".

Hỏi như vậy không phải chỉ để gò mình vào một mớ luật lệ của tôn giáo như đức tin vào Chúa chỉ có lề luật và sống cho xong một mớ lề luật là đủ. Đức tin vào Chúa và việc thờ phượng Chúa là trọn vẹn đời sống, con người, tình yêu, tâm trí. Chúa phải là Đấng chiếm trọn trái tim, trọn ý chí, lý trí, năm tháng ngày giờ, sức khỏe, mạng sống... của chúng ta.

Đi tìm Chúa mà chỉ gói gọn trong một mớ luật lệ là tự mình giảm thiểu đời sống của bản thân trong tương quan với Chúa đến độ vô hồn, đến độ máy móc qua một số hay một hệ thống luật lệ. Chỉ cần thực hiện cho xong việc phải làm, không một chút tự nguyện, không một chút tự do, không một chút yêu thương, không một chút quan tâm.

Đó không phải là tương quan Thiên Chúa - con người, Đấng là Cha - chúng ta là con, Chúa Kitô - và người môn đệ. Đúng hơn, đó là thứ tương quan chủ - tớ, kẻ thống trị - người bị trị.

Chúng ta hãy đi tìm Chúa nơi chính Chúa, vì chính Chúa như Chúa dạy: Tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến. Đấng ấy chính là Chúa Giêsu. Hãy đến cùng Thánh Thể, hãy hết lòng thờ phượng và yêu mến Thánh Thể. Hãy luôn ghi khắc lời dạy của Chúa Giêsu: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ".

Từng người hãy rời xa, hãy bỏ lại những thứ mà bản thân vẫn mong tìm trong cuộc đời như uy quyền, sự giàu có, nhục dục, nhiều thứ đam mê vô bổ, thậm chí tội lỗi..., để tâm hồn có đủ chỗ trống mà lấp đầy bằng chính Chúa Giêsu Kitô, tình yêu và mọi ân ban, mọi quan tâm mà Chúa Kitô dành cho...

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

VÌ CỦA ĂN TỒN TẠI ĐẾN MUÔN ĐỜI

Theo từng góc nhìn và theo từng đặc điểm muốn nhấn mạnh, các triết gia xưa nay đã từng cho chúng ta các khái niệm về con người để phân biệt với các loài vật. Con người là hữu thể biết suy tư, phản tỉnh, con người là con vật biết lao động, con người là sinh vật có lý trí, ý chí tự do, con người là sinh vật có tính xã hội, con người là sinh vật có tôn giáo…Xin được góp thêm một cái nhìn được gợi ý qua các bài đọc Chúa Nhật XVIII TN B: con người là hữu thể của muôn đời.

Cũng như các loài có sự sống, loài người không thể thoát được một nhu cầu căn bản là sinh tồn. Để phục vụ nhu cầu này, tự bên trong các loài có sự sống sẵn có một năng lực mạnh mẽ được gọi là bản năng sinh tồn. “Khi đói thì đầu gối cũng phải bò”. Để làm bất cứ việc gì thì tiên vàn người ta phải sống. Nhu cầu ăn uống quả là một nhu cầu chính đáng. Người Việt Nam dùng hạn từ ăn ở đầu các từ ghép để mô tả nhiều động thái rất khác nhau như ăn bớt, ăn bám, ăn chận, ăn cắp, ăn mặc, ăn ở, ăn hại, ăn học, ăn hiếp, ăn chận, ăn vạ…nếu đếm thì không dưới cả trăm từ. Xem ra “cái ăn” nó liên hệ đến mọi lãnh vực của kiếp người. Con người dù là hữu thể này nọ nhưng vẫn là một sinh vật, luôn cần có cái để sống.

Không hiểu sao mà hơn hai phần ba những từ ghép bắt đầu bằng từ ăn thì thường mang ý nghĩa tiêu cực. Không nguyên chỉ vì “miếng ăn là miếng tồi tàn”, nhưng ngay trong lòng con người vẫn bàng bạc nhận thức rằng dù cho nhu cầu ăn uống thật là chính đáng nhưng đã là người thì phải vượt lên trên nhu cầu tồn sinh của loài vật. Trong khi các loài động vật thường thỏa mãn mỗi khi nhu cầu ăn uống được đủ đầy, thì trái lại, dù cho đã đầy đủ lương thực ăn uống, con người vẫn khao khát một sự sống cao hơn mà chúng ta gọi là sự sống bất diệt hay sự sống trường sinh. Tuy nhiên cái sự sống trường sinh mà con người khao khát ở đây, thường chỉ là sự kéo dài của sự sống đời này.

Cựu Ước đã hé mở cho thấy con đường để được sống đời đời đó là tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa. Khi thử thách dân phải lâm cơn đói khát trong sa mạc, và rồi ban Manna từ trời, Thiên Chúa muốn dân xác tín rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Người phán ra” (x.Dnl 8,3). Sau khi thi thố quyền năng cho năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ no nê bánh cá, Chúa Giêsu đã mời gọi họ “hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27). Để có được lương thực này Chúa Giêsu đã minh nhiên tự khẳng định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).

Chúa Kitô là Bánh trường sinh. Kitô hữu chúng ta thảy đều khẳng định chân lý này. Thế nhưng để cho lời khẳng định này đi vào cuộc sống thì còn đó khoảng cách không dễ vượt qua. Đến với Chúa Kitô vì “cái bụng” của mình như người Do Thái xưa vốn là điều dễ thấy đó đây. Sau sự cố tòa tháp đôi ở New York thì dân chúng nước Mỷ xem ra đạo đức hẳn lên, đến với Chúa rất nhiều. Tại quê nhà Việt Nam, đã một thời, sau khi các ngân hàng thắt chặt tín dụng, thì hình như có nhiều khuôn mặt lạ chuyên chăm xuất hiện tại nhà thờ hay ở các đền đài. Gặp cơn quẩn bách thì chạy đến cầu Chúa giúp, nhưng tựu trung đều chỉ là những sự thuộc đời này. Làm thế nào để giúp ta vượt qua được những sự hữu hình đời này khi chúng ta vẫn còn ở trong thế gian? (x.Ga 17,11). Khi người Do Thái hỏi Chúa Giêsu là làm thế nào để được gọi là làm công việc của Thiên Chúa, tức là tìm kiếm lương thực đem lại sự sống đời đời thì Người đã khẳng định đó là “Hãy tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến” (Ga 6,29).

Tin vào Chúa Giêsu là một tiến trình đón nhận và dấn thân theo Người, sống lời Người chỉ dạy. Cũng vẫn tìm kiếm những chuyện ở đời này nhưng chúng ta sẽ làm cho chúng thành vĩnh cửu khi chúng ta tìm kiếm chúng theo ý và cách thức Chúa hướng dẫn. Lời Chúa trong Thánh Kinh, đặc biệt trong bốn Tin mừng trình bày cho chúng ta cách thế tuyệt vời đó là hãy tìm kiếm những thiện hảo đời này trong sự công bình, trong tình liên đới và chí cống hiến.

Một học sinh, sinh viên ra công học hành để tích lũy kiến thức, công nghệ, tài năng…nhưng trong sự công bình, nghĩa là trong sự trung thực, hợp pháp, không quanh co, dối trá, lọc lừa… thì bạn ấy đang làm việc vì lương thực đời đời. Cũng là học hành để thăng tiến bản thân nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn học khác theo khả năng và hoàn cảnh của mình, nghĩa là biết sống tình liên đới thì ta đang làm việc cho sự sống đời đời. Chọn một ngành nghề để vừa thăng tiến danh vị, vừa bảo đảm nhu cầu cá nhân lẫn gia đình, lại vừa có điều kiện để phục vụ đồng loại, để phát triển xã hội, giáo hội thì đích thực ta đang ra công làm việc vì của ăn cho sự sống đời đời.

“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Số người cho rằng cuộc đời con người thực sự chấm dứt với cái chết thể lý vốn không mấy nhiều. Kitô hữu chúng ta thì minh nhiên tuyên xưng có sự sống đời đời. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thì sự sống đời đời của chúng ta lại bắt nguồn từ những thực tại đời này, những thực tại mà Ngôi Lời đã tự nguyện nhận lấy vào Ngôi vị của Người khi vào đời. Khi chúng ta nỗ lực tìm kiếm những chuyện đời này trong công bình, trong tình liên đới và chí cống hiến là chúng ta đã làm cho những sự đời này đi vào vĩnh cửu cùng với Chúa Kitô, trong Người và nhờ Người.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

CHỐN NƯƠNG MÌNH

“Chúa là chốn con nương mình!”.

Đọc Augustinô, chúng ta hiểu thế nào là sự chữa lành! “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”. Và Augustinô kết luận, “Lãng quên Thiên Chúa là chết; tìm kiếm Thiên Chúa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa là sống!”; “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Lãng quên Thiên Chúa là chết; tìm kiếm Thiên Chúa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa là sống!”. Cùng với Tin Mừng hôm nay, Thánh Vịnh đáp ca – “Chúa là chốn con nương mình!” – cho thấy hành trình cuộc đời mỗi người là một hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm kho báu, tìm ‘chốn nương mình’.

Có ‘chốn nương mình’ tạm bợ; có ‘chốn nương mình’ bền vững! Và Giêsu, ‘chốn’ đáng nương mình nhất vì Ngài là ‘Kho Báu’ của mọi kho báu! Sự bồn chồn trong trái tim mỗi người về một tình yêu có thể sánh với sự bồn chồn của người đi tìm kho báu. Theo những cách khác nhau, chúng ta trải qua những khát khao về một tình yêu vô điều kiện; một bảo đảm hạnh phúc đời này, đời sau và câu trả lời cho mọi nan đề. Trong Chúa Giêsu, chúng ta có tất cả! Hãy đào sâu ý thức về sự vĩ đại của món quà tình bạn mà Ngài ‘tặng không’ như người kia tình cờ tìm được kho báu ngoài đồng. Hãy ra sức tìm kiếm và củng cố tình bạn này bằng sự cởi mở trước tình yêu của Ngài như người kia ‘rảo khắp’ tìm ngọc đẹp. Và bạn sẽ nghiệm ra Giêsu là ‘chốn nương mình’ đích thực nhất.

Trong Chúa Giêsu, chúng ta khám phá cuộc sống mình có giá trị vô hạn trước mặt Thiên Chúa; trong giáo huấn Ngài, chúng ta khám phá sự khôn ngoan để xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng vững bền; và trong ân sủng Ngài, chúng ta nhận được sức mạnh để lớn lên trong tình yêu! Kho báu Giêsu là nơi đầu tư tốt nhất cho một tương lai vững chắc; nơi mỗi người có thể sống ơn kêu gọi ‘cho sự vĩ đại’ của mình. Vì thế, hãy gác lại mọi bận tâm khác để làm sao thực sự sở hữu Ngài! Hãy bỏ qua một bên bất cứ điều gì tìm cách mang lại cho chúng ta một cảm giác an toàn ngoài Ngài! Vì lẽ, không chỉ là ‘chốn nương mình’, Chúa Giêsu còn là Đấng biến đổi tất cả những ai tìm Ngài nương thân!

Giêrêmia đã nói lên niềm xác tín đó khi coi Thiên Chúa là ‘chốn nương mình’, coi Lời Ngài như của ăn – bài đọc một. “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ”; và Chúa phán, “Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi để cứu sống và giải thoát ngươi!” đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là chốn con nương mình!”.

Anh Chị em,

“Chúa là chốn con nương mình!”; “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con!”. Ai gần Giêsu, sở hữu Giêsu, người ấy sở hữu Thiên Chúa, sở hữu thiên đàng. Augustinô và các thánh sở hữu Giêsu, họ được Ngài biến đổi. Như vậy, với Chúa Giêsu, một con tim không hoán cải, không thể dịch chuyển, là một con tim của người đánh mất khả năng cảm nhận rằng, mình được yêu; đánh mất khả năng đó, bấy giờ, sẽ là đánh mất một kho tàng! Hãy như Augustinô, như các thánh, một khi tìm được Giêsu, bạn và tôi hãy cố ôm chặt Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, “con càng khốn khổ, Ngài càng gần con”. Cho con biết rằng, càng gần thế gian, con càng nghèo; càng gần Chúa, con càng bớt nghèo và giàu ra!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

VƯỢT QUA HỐI TIẾC

Thứ Bảy Tuần 17 Thường Niên B

“Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy!”.

“Để có thể vượt qua hối tiếc, thoát khỏi nỗi đau gây nên bởi những hối hận về quá khứ, sợ hãi về tương lai… hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài bằng việc trung thành với ân sủng!” - Jean-Pierre de Caussade.

Kính thưa Anh Chị em,

Giá mà câu nói của Jean-Pierre de Caussade được áp dụng cho Hêrôđê thì linh hồn của một quận vương đã không hư mất! Trong Tin Mừng hôm nay, Hêrôđê cho rằng, Chúa Giêsu hẳn là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết, thì phải chăng bên trong ông đã có một sự đấu tranh với những hối tiếc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi? Giá mà ông ‘vượt qua hối tiếc’ và cho phép lòng thương xót Chúa bước vào!

Sau khi giết Gioan, Hêrôđê nghe biết danh tiếng của Chúa Giêsu, tin tức về Ngài đã lan truyền nhanh chóng và kịp đến tai ông. Với phiên bản của Marcô, chúng ta biết, “Hêrôđê sợ Gioan, biết Gioan là người công chính và thánh thiện nên giam giữ ông. Khi nghe Gioan nói, ông rất bối rối, nhưng vẫn thích nghe”. Có thể Hêrôđê đã có một tia sáng đức tin nào đó, nhưng cuối cùng, bị chi phối bởi những đam mê và ham muốn quyền lực. Có lẽ đó là lý do tại sao ban đầu ông giữ Gioan lại trong tù; và có vẻ như Hêrôđê cũng tỏ ra hối hận hoặc sợ hãi về việc chặt đầu Gioan. Và cũng rất có thể vì lý do này mà Hêrôđê đã nghĩ ngay đến Gioan khi lần đầu nghe về Chúa Giêsu và “quyền năng lớn lao” đang hoạt động trong Ngài.

Sự hối tiếc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi là những tác động phổ biến của một lương tâm đang xung đột. Hêrôđê là một ‘mẫu gương’ về những gì xảy ra khi chúng ta không giải quyết được xung đột đó bên trong chính mình. Cách duy nhất để ‘vượt qua hối tiếc’ và giải quyết sự bối rối bên trong của một lương tâm xung đột là ‘khiêm nhường đầu phục sự thật’. Hãy tưởng tượng nếu Hêrôđê đã ăn năn; hãy tưởng tượng nếu ông ta đã tìm đến Chúa Giêsu, thú nhận tội lỗi mình và cầu xin sự tha thứ! Đó sẽ là một câu chuyện tuyệt vời. Thật tiếc, thay vào đó, chúng ta có chứng từ của một người đã đi lạc không để cho lòng thương xót Chúa bước vào nên vẫn ngoan cố trong tội.

Anh Chị em,

“Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy!”. Hãy suy gẫm về lời chứng không thánh thiện này của Hêrôđê! Chúa có thể sử dụng mọi thứ cho vinh quang Ngài, và Ngài thậm chí có thể sử dụng mẫu gương của Hêrôđê để chúng ta thấy bất kỳ khuynh hướng tương tự nào. Bạn có đấu tranh với sự hối tiếc, sợ hãi và tội lỗi không? Tin tốt lành là xung đột này dễ dàng được giải quyết bằng một tấm lòng khiêm nhường tìm kiếm sự thật. Hãy tìm kiếm sự thật để ‘vượt qua hối tiếc’, thừa nhận bất kỳ tội lỗi dai dẳng nào mà bạn cần giải quyết và cho phép lòng thương xót của Chúa bước vào để giải thoát bạn. Tắt một lời, “Hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài dành cho bạn!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con đủ sức nhảy bổ vào vòng tay từ ái của Chúa; nhờ đó, con thoát khỏi những nỗi đau của quá khứ, bất an của hiện tại và sợ hãi của tương lai!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

Bánh và Cá

Chủ đề: "Chỉ cần chúng ta trao phó cho Chúa Giêsu phần ít ỏi của mình, Ngài sẽ biến phần ít ỏi ấy thành bội phần vượt quá những kỳ vọng lớn lao nhất của chúng ta"

Jay Keler có viết một quyển sách nhan đề Growing Places (Những vùng đang phát triển), trong đó ông kể: Một đêm nọ, ông từ máy bay bước xuống một phi trường ở Ấn Độ. Ngay khi máy bay vừa chạm đất, ông nhận thấy những bóng người đang nằm ngủ xếp lớp hai bên lề đường bay. Jay liền hỏi người ngồi bên cạnh thì anh ta trả lời: Đấy là những kẻ sống vô gia cư. Suốt ngày đường bay hấp thụ sức nóng để về đêm trở thành máy sưởi ấm cho đám người ấy đỡ lạnh. Rời khỏi máy bay, Jay đi nhận hành lý và lên xe buýt về một thành phố lân cận. Sau nửa đêm xe buýt mới đến nơi. Khi bước xuống con phố hoang vắng dẫn đến khách sạnh, ông nhận thấy chung quanh ông toàn là lũ dân nghèo khổ. Thế rồi thình lình ông nghe có tiếng động kỳ lạ vang lên: Lịch kịch, lịch kịch, lịch kịch, ông liền quay lại và thấy một thằng bé có cặp giò bị cưa hầu như lên tận háng. Thằng bé đang cố trườn mình đi tới trên hai chiếc nạng bé tí. Khi đến gần Jay, thằng bé chìa tay ra xin: Jay liền cho nó tất cả số tiền lẻ trong người rồi tiếp tục đi về khách sạn. Vừa đi được một quãng mười bước, ông lại nghe âm thanh kỳ lạ khác. Ông quay đầu lại nhìn thì nhận ra một thằng ăn xin khác đang đánh thằng bé hồi nãy bằng chính đôi nạng của nó. Chúng đang cưỡng bức thằng bé nọ giao cho chúng những đồng tiền xu mới xin được. Jay nói rằng suốt đêm ấy ông không hề chợp mắt ngủ được.

Ngày nọ, có một phụ nữ trung niên đến với lũ người nghèo khó, hung dữ này. Nhìn thấy tình trạng bi đát trước mắt, bà tự nhủ lòng: "Ta phải làm một điều gì mới được", thế rồi bà dồn tất cả tiền bạc của mình thuê một căn nhà cũ với chiếc sàn nhà dơ dáy bẩn thỉu. Tuy căn nhà không khang trang lắm nhưng có thể dùng được. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm lũ con nít đem về để dạy dỗ chúng. Bà dùng căn nhà cũ kỹ làm phòng học, dù không có lấy một chiếc bàn giấy, một chiếc ghế hoặc một cái bàn. Bà dùng sàn nhà làm bảng viết phấn, bà dùng một tấm vải rách nát cũ kỹ lau sạch nền rồi viết lên trên đó cho lũ trẻ học. Đấy là phương cách bà dùng để chiến đấu sự nghèo dốt và hung dữ chung quanh bà. Nó là câu trả lời gây cảm động nhất mà bà có thể thực hiện.

Thế rồi điều gì đã xảy ra cho người phụ nữ và công việc bảo trợ của bà ấy? Ngày hôm nay bà đã có 80 trường học trang bị đầy đủ, 300 nhà phát chẩn lưu động hiện đại. 70 bệnh viện cho người cùi, 30 viện chăm sóc người hấp hối, 30 mươi viện chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi và 40,000 tình nguyện viên khắp thế giới sẵn lòng giúp đỡ bà. Người phụ nữ đó không ai khác chính là Mẹ Têrêsa.

Tôi cho rằng không có câu chuyện nào hay hơn để làm sáng tỏ chủ điểm của bài đọc thứ nhất và bài Phúc Âm hôm nay. Ta hãy suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay; cậu bé nọ có 5 ổ bánh và 2 con cá, Chúa Giêsu đã yêu cầu cậu mang đến để Ngài thiết đãi đám đông dân chúng. Cậu bé liền giao bánh và cá cho Chúa Giêsu để Ngài thực hiện điều kế tiếp. Cuối cùng Ngài đã thết đãi hơn 5000 người no nê.

Đấy cũng chính là điều Mẹ Têrêsa đã làm. Bà giao cho Chúa "Bánh và Cá' của bà để Ngài thực hiện điều kế tiếp. Thế là Ngài đã nhân chúng lên gấp bội vượt mọi điều mơ ước của bà. Câu chuyện Mẹ Têrêsa, câu chuyện người đàn ông trong bài đọc thứ nhất hôm nay cũng như câu chuyện Phúc Âm hôm nay đều nêu lên cùng một chủ điểm giống nhau. Đó cũng là chủ điểm bài phát biểu của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với các thanh niên tại Edinburg trong lần Ngài đến thăm Scotland vào năm 1982. Đức Giáo Hoàng nói với họ: "Giờ đây tôi xin nhấn mạnh chủ điểm này: cậu bé trong Phúc Âm đã trao cho Chúa tất cả khả năng cậu có để rồi Chúa Giêsu thết đãi đám dân 5000 người no nê một cách thật lạ lùng và đồ ăn vẫn còn dư. Đời sống của các bạn cũng y hệt như thế. Nếu phải một mình đối đầu với những thách đố khó khăn của cuộc sống, các bạn sẽ cảm thấy mình không đủ khả năng và lo sợ trước viễn cảnh tương lai. Nhưng tôi xin nói với các bạn điều này: 'Hãy đặt cuộc đời các bạn trong tay Chúa Giêsu. Ngài sẽ chấp nhận và sẽ chúc lành cho các bạn và sẽ biến đổi cuộc đời các bạn một cách tốt đẹp hơn, vượt mọi kỳ vọng lớn lao nhất của các bạn."

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại tâm hồn mình và tự vấn xem chúng ta đang đặt trong tay Chúa Giêsu bao nhiêu phần trăm cuộc sống và khả năng chúng ta để Ngài sử dụng theo ý Ngài muốn? Nói rộng hơn, chúng ta có dâng hiến chính mình và mọi khả năng của mình như Mẹ Têrêsa, như người đàn ông trong bài đọc thứ nhất và như cậu bé trong bài Phúc Âm hôm nay đã làm chưa? Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu ngỏ lời với chúng ta, "Tôi cần tài năng các anh, tôi cần lòng quảng đại của các anh, tóm lại tôi cần các anh, cần đôi chân, đôi tay, môi miệng các anh. Vì hôm nay tôi chỉ biết nhờ đôi chân các anh để mang tôi đến các khu xóm tồi tàn, các xưởng thợ và phòng làm việc ở các phố thị của các anh. Tôi chỉ biết nhờ đôi tay các anh để vươn tới những người yếu đuối bơ vơ, những người vô gia cư và lâm vào tình trạng tuyệt vọng. Tôi chỉ biết nhờ miệng lưỡi các anh để nói cho các anh chị em tôi lý do tôi đã đến trên trái đất này, đã chịu đau khổ và chịu chết cho họ"

Tóm lại trong sứ điệp Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài thực hiện những phép lạ y hệt những phép lạ Ngài đã làm trong Kinh Thánh. Bất cứ chúng ta trao tặng cho Ngài điều gì: chẳng hạn thời gian, tài năng, lời cầu nguyện, sự hy sinh và nguồn lực của chúng ta- Ngài sẽ sử dụng nó để đem lại kết quả vượt mọi kỳ vọng vĩ đại nhất của chúng ta. Ngài sẽ bội nhân chúng lên vượt khỏi bất cứ niềm mơ ước nào của chúng ta giống như Ngài đã biến đổi những ổ bánh và 2 con cá trong bài Phúc Âm hôm nay vậy. Đấy chính là lời mời gọi Chúa Giêsu ngỏ với chúng ta trong những bài đọc hôm nay.

Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời Kinh nguyện rất được Thánh Ignatiô de Loyola yêu chuộng. Xin mời yên lặng hiệp ý cùng tôi:

"Lay Chúa, xin hãy nhận lấy tự do, trí nhớ, sự hiểu biết và toàn bộ ý chí của con. Xin hãy nhận lấy toàn thân con và tất cả sở hữu của con. Ngài đã ban tặng cho con, giờ đây con xin hiến tặng hết cho Ngài để Ngài tùy nghi sử dụng. Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng như thế là đủ cho con rồi và con không còn mong muốn điều chi khác nữa."

Cha Mark Link, S.J.

Người Tín Hữu

Subcategories