3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

KHI TÔI YẾU, CHÍNH LÀ LÚC TÔI MẠNH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (6,1-6)

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

“Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”

Cả ba thánh sử Mátthêu, Luca và Máccô đều thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu trở về quê nhà và bị những người đồng hương, thậm chí những người họ hàng thân thiết coi thường. Lý do vì Người từng sống giữa họ với một cuộc sống thật giản dị tại Nadarét, quê hương của Người, và dân làng ai cũng biết Người!

Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi tìm mọi cách để đến gần với con người. Người mong chờ con người mở rộng lòng và tin tưởng vào Người, nhưng Người chỉ gặp sự khước từ và hoài nghi khiến cho: “Người lấy làm lạ vì họ không tin”.

Suốt ba năm rao giảng Tin mừng, không phải lúc nào Chúa Giêsu cũng được mọi người tin nhận, nhất là những người nắm rõ luật Chúa và giữ luật nghiêm ngặt như giới Pharisiêu và luật sĩ, thậm chí các tông đồ cũng có lúc bị Chúa khiển trách là “cứng lòng, kém tin”. Hơn hai ngàn năm sau, trong thời đại chúng ta, tình trạng không tín ngưỡng, không tin vào Thiên Chúa vẫn còn! Có biết bao nhiêu phụ huynh đã tận tâm giáo dục con cái mình theo đạo Chúa, trong tinh thần Giáo Hội. Thế nhưng, hôm nay, con cháu họ không còn tin vào Thiên Chúa hoặc không còn giữ đạo nữa! Chúng ta thấy rằng chính Chúa Giêsu đã giảng dạy, đã làm những phép lạ, nhưng Người không thể làm cho dân làng của Người và ngay trong chính họ hàng thân thuộc tin vào Người, dù rằng họ vẫn tưởng rằng họ biết rất rõ về Người.

Cả ba bài đọc hôm nay đều nói về “linh đạo của sự thất bại”, đó là nhận biết sự bất toàn của mình và dám đi vào thất bại để qua đó mọi người nhận biết quyền năng của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tiên tri Êdêkien được Chúa sai đến nói lời của Người với một dân “lòng chai dạ đá, phản nghịch và chống lại Thiên Chúa”. Dù ông có thể thất bại vì họ có thể không nghe lời ông, nhưng họ sẽ được nhận biết có một ngôn sứ đang ở giữa họ. Trong bài đọc II, thánh Phaolô lại vui mừng và tự hào về những yếu đuối của mình, vì nhờ đó mà sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong ngài. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu không vì sự thất bại nơi quê hương mà từ bỏ sứ mạng của mình. Trái lại, vì sự cứng lòng tin của những người đồng hương mà các làng chung quanh được nghe Người rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa.

“Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (c. 10). Điều này phải trở thành nguyên tắc cho những ai muốn làm việc tông đồ. Họ không hãnh diện về những tài năng mình có, cũng không nhát đảm vì mình yếu đuối, bởi họ biết phải cậy trông vào ai để thi hành sứ mạng Chúa trao phó. Vì như lời Chúa Giêsu nói với vị tông đồ: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (c. 9). Như thế, chính ơn Chúa cứu rỗi chứ không phải do công lênh hay cố gắng của con người!

Khi kể lại việc thất bại của Chúa Giêsu tại Nadarét, thánh sử Máccô nghĩ đến Giáo Hội, đến mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa vẫn đang còn tiếp diễn, mà chỉ với con mắt đức tin người ta mới nhận ra được tầm quan trọng của nó. Ngày xưa, dân làng Nadarét khinh thường Chúa Giêsu, hôm nay, vẫn còn những nhóm Kitô hữu tỏ thái độ chống lại một số lập trường của Giáo Hội khi họ tuyên bố chỉ tin vào Chúa chứ không tin vào Giáo Hội!

Bản chất của Giáo Hội là Thánh nhưng gồm những con người tội lỗi, yếu đuối và đầy giới hạn. Tuy vậy, Chúa vẫn luôn nói với chúng ta qua Giáo Hội. Người tiếp tục công trình của Người qua con người, qua những người mà chúng ta quen biết, có khi quá quen biết. Nếu việc thiếu đức tin của dân làng Nadarét làm cho Chúa Giêsu ngạc nhiên và bị xúc phạm, thì phải chăng Giáo Hội hôm nay vẫn còn bị tê liệt bởi sự thiếu đức tin hoặc sự cứng lòng tin của chính những người ở trong Giáo Hội chăng?

Trong mỗi thời đại, Chúa đều gửi đến các ngôn sứ loan báo lời Người. Ngày xưa, có các ngôn sứ như Êdêkien hay tông đồ Phaolô. Ngày nay chúng ta cũng có những vị “ngôn sứ” như mục sư Martin Luther King, Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, v.v... Các ngài đã không vì sợ những người có quyền thế hay búa rìu dư luận mà im lặng, nhưng đã lên tiếng chống lại bất công, lên án chiến tranh, bạo lực để bảo vệ những người bé nhỏ bị áp bức. Nhưng những lời nói của họ chỉ được đáp lại bằng những phản ứng thù nghịch, chống đối. Nếu họ khuyên sống chung thủy trong đời sống vợ chồng để tránh bệnh Siđa, họ lại bị dân chúng lên án. Nếu họ kêu: “Hãy ngừng mọi bạo động!”, người ta lại ám sát họ. Nếu họ mạnh dạn tố cáo bất công xã hội, nhất là đối với những người nghèo, vô gia cư, người ta lại tìm cách bịt miệng họ!

Chúng ta luôn cần đến các ngôn sứ của Chúa, nhất là trong thời đại hôm nay, mặc dù đôi lúc các vị ấy khiến chúng ta cảm thấy phiền hà, khó chịu. Họ nhắc nhở chúng ta những gì Tin Mừng truyền dạy, về luật Chúa và luật con người. Trong xã hội hôm nay, nơi những bạo lực, bất công ngự trị, nhân quyền bị vi phạm, chúng ta cần lắng nghe các ngôn sứ nhắc nhở chúng ta về tình thương yêu qua từng chặng đường của cuộc đời. 

Ước gì chúng ta biết lắng nghe và đón nhận các thông điệp mà Chúa gửi đến qua trung gian của những người thân quen của chúng ta, ngay cả qua trung gian của những người bé mọn và nơi các trẻ thơ.

* Để nghe trên Youtube:

https://youtu.be/yPIhylISwq0

 

BẬC THANG GIÁ TRỊ

Một người thù ghét chủ tiệm buôn lớn, đã lợi dụng sơ hở của chủ nhân nên lẻn vào cửa tiệm giữa đêm khuya để tìm cách phá hoại.

Thấy trong cửa hàng có một chiếc TV ghi giá 10 triệu đồng, gần đó có một thùng rác ghi giá 50.000 đồng. Người đột nhập gỡ miếng giấy ghi giá 10 triệu ở TV gắn vào thùng rác và gỡ miếng giấy ghi giá 50.000 đồng ở thùng rác dán vào TV. Thế là chiếc TV mắc tiền bị hạ giá, chỉ đáng 50.000 đồng trong khi thùng rác hèn hạ được nâng giá lên 10 triệu đồng và y tiếp tục thực hiện như thế với những món hàng khác.

Hành động quái ác nầy khiến khách hàng không thể nhận ra đâu là giá trị đích thực của các món hàng nên có thể mua lầm một cách tai hại. (Phỏng theo mẩu chuyện của Frère Phong).

 

Giá trị con người hôm nay cũng bị đảo lộn như thế.

Một số người đánh giá thấp những người nghèo nhưng có tâm hồn cao đẹp, có phẩm chất cao quý… trong khi đó lại đánh giá cao những người thiếu phẩm chất đạo đức mà chỉ có bộ cánh hào nhoáng bên ngoài, có xe sang, nhà lớn…

Nhiều bạn trẻ nông nổi hôm nay tôn những diễn viên ăn mặc lố lăng, phong cách quái đản, đầu óc và tâm hồn rỗng tuếch… lên làm thần tượng, mà không biết quý trọng những người khôn ngoan và đạo đức…

 

Qua Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô cho thấy người dân thành Na-da-rét cũng đánh giá Chúa Giê-su theo nhãn quan đó.

Mặc dù danh tiếng Chúa Giê-su đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều bệnh nhân và nhờ những phép lạ Ngài làm, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giê-su, nhìn đến anh chị em họ hàng của Ngài thuộc hàng dân dã, và ngay cả bản thân Ngài trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng, nên họ không còn quý trọng và đặt niềm tin vào Ngài (Mc 6,3).

Thế là Chúa Giê-su chẳng làm phép lạ nào tại Na-da-rét (Mc 6, 5) cho người đồng hương. Ngài rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi khác.

Tiếc thay, vì đánh giá Chúa Giê-su theo dáng vẻ bên ngoài mà không dựa vào phẩm chất của Ngài nên dân làng Na-da-rét đã không tôn trọng Chúa Giê-su và đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Ngài ưu ái dành cho họ.

 

Trong xã hội hôm nay cũng thế. Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên giới trẻ ngày nay cố tạo cho mình có “lớp sơn” hào nhoáng bên ngoài, tranh đua ăn mặc cho hợp thời trang, lôi cuốn… còn đầu óc, trái tim và tâm hồn thì trống rỗng.

Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên nhiều người sẵn sàng hiến thân làm nô lệ cho tiền bạc, cố tìm cách trở nên giàu sang bằng mọi giá, cho dù phải bán rẻ lương tâm, danh dự và ngay cả thân xác mình!

Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên người ta đánh giá con người dựa theo số lượng của cải mà người đó sở hữu chứ không dựa vào phẩm chất cao đẹp bên trong.

Trước thực trạng đó, Công Đồng Vaticano II nhắc nhở mọi người: “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người."

 

Lạy Chúa Giê-su,

Xin giúp chúng con biết thẩm định giá trị con người dựa vào phẩm chất của họ, chứ không phải dựa vào những thứ “bao bì”, vỏ bọc bên ngoài.

Và xin cho nhân loại hôm nay biết nhận ra đâu là giá trị tinh thần cao quý đáng theo đuổi suốt đời và đâu là điều xa hoa phù phiếm không nên quyến luyến ham mê. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

TIN MỪNG CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN. Mác-cô 6, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm B

 Kng 1,13-15; 2,23-24; 2C 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

Ðau khổ, bệnh tật, chết chóc: bởi đâu đến? Diệt được không? Làm thế nào? Ba bài Kinh Thánh hôm nay gợi lên nhiều suy nghĩ. Cho dù Lời Chúa chỉ dễ hiểu đối với những ai có lòng tin; nhưng khách quan cũng có thể nâng đỡ suy nghĩ của con người. Ít ra đó cũng là quan điểm của tác giả bài đọc I hôm nay.

A. Thiên Chúa Ðã Không Làm Ra Sự Chết

Thật vậy, vào khoảng nửa thế kỷ I trước khi Ðức Yêsu Kitô ra đời, một người trí thức Dothái sống lưu lạc ở Alexandria, thủ đô văn hóa của thế giới Hylạp thời bấy giờ. Ông gặp gỡ nhiều luồng tư tưởng triết học ngoại giáo. Họ luôn đề cập đến các sự dữ ở đời. Họ chưa phân biệt như Gabriel Marcel sau này ở thời đại chúng ta, triết gia công giáo này bảo không nên đặt sự dữ thành "vấn đề", vì nếu là vấn đề thì phải có giải pháp; và rõ ràng cho đến nay không có giải pháp nào xóa bỏ được sự dữ. Tốt hơn hãy coi nó là "mầu nhiệm", và đối với mầu nhiệm, con người đừng tìm cách khắc phục nhưng hãy đưa mình vào để cảm nghiệm.

G. Marcel là triết gia, nên nói tiếng nói của triết học. Tác giả đoạn sách Khôn ngoan hôm nay chỉ là một người Dothái trí thức không biết luật pháp Môsê và mạc khải của Thiên Chúa. Ông muốn đem Lời Chúa nói với những người chỉ quanh quẩn với các lý luận triết học. Ông khẳng định không úp mở: Thiên Chúa không làm ra sự chết. Người chỉ làm ra sự sống. Nơi Người chỉ có tích cực, đến nỗi Người chẳng vui gì khi sinh linh hư diệt.

Như vậy thế giới này là công trình của một ông thiện và một ông ác, của một thần lành và một thần dữ như có thứ triết học chủ trương sao? Chắc chắn tác giả của chúng ta không nghĩ như vậy. Quan niệm lưỡng nguyên coi vạn vật là con đẻ của hai nguyên lý lành-dữ bị chính triết học phi bác, ít ra nơi những suy tư nghiêm chỉnh. Tác giả là người Dothái có mạc khải của Thiên Chúa. Ông nhớ đến trang đầu tiên trong sách Khởi nguyên nói rằng: Thiên Chúa dựng nên vạn vật và Người thấy chúng thật tốt lành. Và ông viết: " Những gì được sinh thành ra trong vũ trụ đều lương hảo". Ông diễn tả đúng niềm tin như Lời Chúa mạc khải.

Tuy nhiên ông phải nói cho người Hylạp hiểu: vì sao lại có sự dữ, là đau khổ, bệnh tật và nhất là sự chết? Sự chết bao trùm mọi sự dữ ở đời. Nó không có mặt trong trời đất khi Thiên Chúa sinh thành vạn vật. Nó đã từ đâu tới để đến nỗi bây giờ nó gieo rắc đau thương, bệnh tật và tang tóc ở mọi nơi? Nhất là nơi con người. Phải nói rằng chỉ nơi con người ta sự chết mới được cảm nghiệm như là sự dữ. Và người ta lấy tâm trạng của mình để phóng lên trên sự vật, khiến chúng ta có thể nói: người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Ở đây không phải là chỗ để chúng ta tranh luận triết học. Nhưng người ta không sai lầm lắm đâu khi quan niệm rằng chính ý thức về sự chết là sự dữ ở nơi mình mà con người đâm ra nhìn thấy các khía cạnh tiêu cực nơi ngoại vật. Một em bé thơ ngây không dễ yếm thế như những người đã có kinh nghiệm đau khổ. Ít ra chúng ta nên tập suy nghĩ rằng: những sự dữ bên ngoài không quan trọng và chủ yếu như sự dữ ngay trong con người chúng ta. Và có thể nói như thánh Phaolô: Tạo vật đang rên xiết vì còn phải chờ ngày con cái Thiên Chúa xuất hiện nơi chúng ta. Hoặc như tác giả hôm nay viết trong bài sách Khôn ngoan: Tử thần không có quyền bá chủ cõi trần (khi cõi trần này được tạo dựng).

Vậy chính con người mang sự chết và bè lũ của nó là đau khổ, bệnh tật đến sao? Cũng không phải. Con người linh ư vạn vật. Khi do Chúa tạo thành, con người cũng là tạo vật thật tốt lành. Và phải tốt lành hơn mọi vật khác. Con người đã được dựng nên giống hình ảnh tạo hóa, theo như bản chất của Người. Con người cũng phải bất hoại vì lẽ Thiên Chúa không làm ra sự chết và Người không vui khi sinh linh hư diệt. Tác giả chỉ tìm thấy nguyên do sự chết nơi con người trong mạc khải của chính Thiên Chúa. Ở chương 3 sách Khởi nguyên, chúng ta đã được nghe biết về câu truyện cám dỗ và sa ngã của nguyên tổ loài người. Vì tội lỗi của Adam-Evà mà sự chết đã xâm nhập vào thế gian. Nó là hình phạt của tội lỗi. Và tội lỗi do tên cám dỗ mang lại. Do đó tác giả viết: "Còn chết, có nhập vào trần gian, ấy là do quỷ đố kỵ".

Tác giả bài sách Khôn ngoan đã chỉ vắn tắt lập lại giáo lý của sách Khởi nguyên, của truyện Thiên Chúa dựng nên vạn vật và nhất là con người. Người đã sinh thành con người tốt lành và bất tử, với điều kiện loài người không phạm tội. Nhưng chính vì không trung thành với Người, Adam-Evà đã phạm tội và đã chuốc lấy hình phạt được báo trước: đó là sự chết và bè lũ đi theo nó, là đau khổ và tật bệnh.

Tác giả có làmcho các triết gia Hylạp suy nghĩ không? Ông đã làm phận sự của người dân có mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên chỉ ai có niềm tin mới biết đón nhận; nhưng khi con người nhận thấy các suy tư của mình lúng túng trong những điều khó hiểu như các thắc mắc về đau khổ, bệnh tật và chết chóc mà chúng ta thường gọi chung là sự dữ, Lời Chúa có thể là ánh sáng cho những tâm hồn thiện chí và có khả năng nâng đỡ suy tư của con người.

Chúng ta cám ơn Chúa vì có sẵn đức tin. Chúng ta hôm nay hiểu hơn giáo lý về sự dữ. Chúng ta sẽ bắt chước tác giả sách Khôn ngoan, khi có dịp đã không ngần ngại chia sẻ với mọi người chung quanh niềm tin của mình để góp phần suy nghĩ với họ về mọi cái xảy ra trong cuộc sống con người. Hơn nữa, nhờ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta còn có thể đi xa hơn. Sau khi đã biết sự chết bởi đâu đến, chúng ta còn được mạc khải về đường lối giải thoát cứu độ.

B. Chúa Yêsu Kitô Ðã Cứu Người Ta Khỏi Chết

Ít khi chúng ta thấy các tác giả thánh lồng hai câu truyện vào với nhau như trong bài Tin Mừng hôm nay. Có cả một câu truyện dài tường thuật việc một người phụ nữ khỏi bệnh lồng trong câu truyện Chúa đến chữa một em bé sống lại. Câu truyện nào quan trọng hơn? Nhất là có tương quan mật thiết nào giữa hai câu truyện không? Có thể nói cả hai chỉ nhằm đề cao một chủ đề cho thấy hành trình của đức tin cứu độ.

Thật vậy, có một nét chung rất bề ngoài của hai câu truyện. Người phụ nữ đã bị bệnh 12 năm và trở thành nan trị. Em bé đó cũng 12 tuổi và đã chết. Cả hai trường hợp đều nói lên tình trạng nan giải của nhân loại tội lỗi. Nhưng rồi cả hai đều đã được cứu thoát nhờ việc tiếp xúc với Ðức Yêsu. Người phụ nữ thì rờ vào áo Người; còn em bé thì được Người cầm tay đỡ dậy. Tuy nhiên điều mà có lẽ thánh Marcô muốn chú trọng hơn cả trong hai câu truyện là từ tình trạng bệnh tật, chết chóc đến trạng thái khỏe mạnh, sống vui, con người phải làm một cuộc hành trình đức tin.

Có lẽ vì vậy mà tác giả đã dừng lại lâu ở trên đường đi. Và rõ ràng ông đã coi thường con đường bề ngoài dẫn Ðức Kitô đi. Ông chú ý vào con đường tâm hồn dẫn người ta đến với Người.

Khởi đầu, ông Yairô đến xin Người lại nhà ông đặt tay lên đứa con sắp chết. Lúc ấy Người đang ở giữa đám đông. Không ai có thái độ nào khác thường đối với Người. Nhưng Yairô đã đến sấp mình dưới chân Người. Ðó là cử chỉ thờ lạy; đó là hành vi đức tin, nổi bật hẳn lên giữa đám đông chưa biết nhận ra con người thật của Ðức Kitô. Có thể niềm tin kia còn mơ hồ vì Yairô đã xin Người đến nhà ông và đặt tay trên con bệnh. Ông nhớ lại nhiều hình ảnh về các tiên tri. Có lẽ ông đã thấy nhiều pháp sư có khả năng chữa bệnh như vậy. Dù sao ông đã có niềm tin. Và chút niềm tin này đủ để Ðức Yêsu lên đường đi cứu độ.

"Người ta chen cả vào Người", để Người thật sự là Ðấng Emmanuel tức là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi; và cũng để Người sống như mọi người và để người ta phải đón nhận Người trong nhân tính khiêm cung khó nghèo.

Người phụ nữ bị bệnh 12 năm có niềm tin ấy. Bà coi thường luật "dơ và sạch" cấm bà động vào người ta. Bà âm thầm nói lên niềm tin ở trong lòng trước khi sờ vào áo Người. Bao nhiêu kẻ khác chen vào Người mà Người không để ý, nhưng ơn cứu độ ở nơi Người đón nhận ai là kẻ có lòng tin đến với Người. Người cảm thấy mãnh liệt có một kẻ tin đụng vào mình. Người là Ðấng được sai đến để "khơi nguồn và viên thành đức tin" như lời thư Hipri nói. Thế nên Người lên tiếng, làm nổi khuôn mặt của kẻ có niềm tin lên. Người suy tôn kẻ ấy và đồng thời muốn khơi dậy nhiều niềm tin như vậy.

Khốn nỗi, thế gian luôn muốn chọc phá công việc cứu độ của Thiên Chúa và dập tắt ngọn lửa lòng tin mà Ðức Yêsu vừa nhóm lên. Người nhà viên trưởng hội đường đến báo tin em bé đã chết rồi và bảo ông Yairô đừng phiền hà Ðức Yêsu nữa. Nếu không có phép lạ vừa xảy ra cho người phụ nữ được khỏi bệnh; nếu không có những lời Ðức Yêsu vừa cổ võ lòng tin của bà; và nhất là nếu không có chính lời Người giờ đây bảo ông: Ðừng sợ, hãy tin mà thôi. Ông Yairô có lẽ đã theo lời người ta khuyên và đã xin Người đừng mất công đến nhà ông làm gì nữa. Nhưng may Người đã "viên thành" đức tin cho ông. Ông cứ để Người đi.

Người chỉ để cho Phêrô, Yacôbê và Yoan đi theo. Người muốn cho ba môn đệ đặc biệt này được chứng kiến một việc để sau này đức tin được nâng đỡ khi thấy Người rũ rượi cầu nguyện nơi vườn Ghếtsêmani.

Thế gian lại đặt thêm chướng ngại vật trên con đường đức tin. Những tiếng khóc lóc kêu la ầm ĩ và nhất là những tiếng cười nhạo báng khi nghe Người nói: "Em bé chỉ ngủ thôi", là tất cả những hình ảnh về sự thiếu lòng tin và sự cứng lòng tin của thế gian muốn vây hãm và làm cản bước hành trình đức tin của những người đi theo Ðức Yêsu.

Nhưng khi Người cầm tay cho em bé đã nằm chết mà Người chỉ coi như đang "ngủ" được chỗi "dậy" thì niềm tin của Người trở thành hoàn toàn. Nói đúng ra, niềm tin vào Người sẽ chỉ hoàn toàn, khi người ta tin Người đã "ngủ" và chỗi "dậy" trong mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Người. Khi ấy không những người ta tin Người có phép làm cho kẻ chết sống lại, mà còn làm cho mọi kẻ tin Người sẽ được sống đời đời. Bây giờ Người trở thành sự sống lại và sự sống cho những ai tin Người. Người là Ðấng chiến thắng sự chết và cứu người ta khỏi đau khổ đời đời. Và như vậy như lời Phaolô nói: Cũng như chỉ vì một người mà sự tội đã đột nhập trần gian, và vì tội, thì sự chết nữa... Cũng vậy, công đức của một người đã thành giải án tuyên công đem lại sự sống cho hết mọi người hết thảy (Rm 5,12.18). Và bài sách Khôn ngoan hôm nay phải có bài Tin Mừng này mới đầy đủ. Chúng ta cám ơn mạc khải của Thiên Chúa. Chúng ta tin vào Người là Ðấng đã chiến thắng sự chết để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ tin vui mừng ấy với hết mọi người, đặc biệt với những người khổ đau. Và ở đây, chúng ta được bài thư Phaolô hướng dẫn.

C. Chúng Ta Hãy Chia Sẻ Với Những Người Túng Thiếu

Thánh Tông đồ khuyên giáo dân Côrintô rộng rãi trong việc lạc quyên cho anh em tín hữu ở Yuđêa. Sự việc nay đã qua rồi. Nhưng lý lẽ thánh tông đồ đưa ra vẫn luôn hợp thời.

Không phải giáo dân Côrintô giàu có gì. Cho dù bấy giờ họ không gặp cảnh túng đói như tín hữu ở Yêrusalem, nhưng dân Chúa ở mọi nơi vẫn là thành phần nghèo khó trong xã hội. Tuy nhiên người có đức tin phải nhìn đời bằng cách khác. Cho dù về vật chất họ có nghèo, nhưng về tinh thần và lòng đạo đức, họ là những người giàu có. Bởi vì Ðức Yêsu Kitô đã trở nên nghèo khó để làm giàu cho họ. Người đã từ bỏ tất cả, ngay đến bản thân mình trong mầu nhiệm thập giá, để trở nên giàu có mọi ơn Thánh Thần cho những ai tin Người. Theo nguyên tắc, mọi tín hữu khi chịu phép Rửa đã nhận được tất cả mọi Lời Hứa của Thiên Chúa. Họ được "trổi trang về mọi mặt: về lòng tin, về lời nói, về trí tri, về sốt sắng mọi kiểu, về lòng mến...". Họ có cả Nước Trời làm gia nghiệp. Thế thì họ không thể chật hẹp về lòng thương . Có sẵn lòng chia sẻ với người túng thiếu hơn, họ mới tỏ ra biết quý hóa các ơn cao trọng họ đang mang trong mình.

Chia sẻ bao nhiêu? Thánh Tông đồ đáp: miễn sao có sự đồng đều! Không ai buộc làm cho kẻ khác được thư thái, còn mình lại bị túng quẫn. Nhưng sự dư giả của mình phải đắp vào sự thiếu thốn của người khác để rồi ra sự dư giả của họ sẽ bồi vào sự thiếu thốn của mình, và như thế là có đồng đều.

Lập trường của thánh Tông đồ như vậy rất rõ. Người có đức tin phải thấy mình được Thiên Chúa ban cho quá nhiều ơn cao cả. Lòng họ phải rộng rãi. Họ phải biết sống chia sẻ, làm sao trong anh em có sự đồng đều.

Một lập trường như thế còn là lời kêu gọi chúng ta trong thế giới hiện nay mà các chênh lệch về của cải đang tăng thêm nhiều đau khổ cho xã hội loài người. Ðó là kêu gọi đòi hỏi, gắt gao. Chúng ta không dễ tự nguyện nghe theo. Phải nhìn vào gương Chúa Yêsu: giàu có như Người mà vì chúng ta, Người đã trở nên nghèo khó ngõ hầu chúng ta được nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người.

Giờ đây Người sắp hiện diện giữa chúng ta trong mầu nhiệm bàn thờ. Người dùng bánh rượu là những thứ thô sơ để làm dấu chỉ cuộc tử nạn phục sinh của Người. Người trở nên khó nghèo trong mầu nhiệm Thánh giá và Thánh Thể này, để chúng ta được nhận lấy sự sống của chính Thiên Chúa và mọi phúc lộc khác đi theo sự sống này. Chúng ta được nên giàu có khác thường. Chúng ta phải rộng rãi, sẵn lòng chia sẻ với mọi người để có sự đồng đều. Như vậy cũng chẳng tiêu diệt được hết các đau khổ, tật bệnh, chết chóc của đời này đâu. Nhưng không kể phần hạnh phúc cụ thể mà sự chia sẻ của chúng ta sẽ đem lại cho người này người khác, chúng ta còn chứng tỏ đã hiểu nguyên do đích thực của sự chết và sự dữ, cũng như giải pháp đích thực cho các đau khổ và sự chết đời đời nằm ở chân lý nào. Chúng ta hòa mình và sống trong "mầu nhiệm" đau khổ chứ không chỉ nhìn các đau khổ ở đời như một "vấn đề" triết học khách quan. Và chúng ta làm được như vậy nhờ có Lời Chúa hôm nay.

Qua đoạn Tin Mừng trên, ta thấy cả hai việc chữa lành đều do được chạm tới Chúa. Ðức Giêsu là Thiên Chúa. Ngài có uy quyền trên mọi thế lực: Bệnh tật và cả sự chết nữa.

Nhờ lòng tin của Giairô mà con gái ông được cứu sống, và cũng nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu mà người đàn bà bị băng huyết được chữa lành. Niềm tin, lòng khiêm nhường của Giairô và người đàn bà đã cho họ được điều họ mong ước.

Ðặc biệt, nhờ vào lòng tin nơi Chúa Yêsu Kitô, đấng đã chiến thắng sự chết để ban cho chúng ta sự sống hạnh phúc bất diệt. Chúng ta hãy sốt sắng dọn lòng trí đón nhận Người trong mầu nhiệm cử hành giờ đây nơi bàn thờ.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chúng con được rước Chúa, chúng con được chạm tới Chúa. Ước chi mọi tật nguyền trong chúng con được lành mạnh. Chúng con dâng hiến Chúa trọn con người chúng con. Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi. Amen.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

ĐƯỜNG ĐẾN TỰ DO

“Khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay!”.

Một nhà ẩn tu nói, “Bạn muốn tự do? Muốn thực sự khám phá nó? Chắc chắn là bạn muốn! Nhưng điều đó có ý nghĩa gì; và làm thế nào để có được nó? Hãy kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh!’. Hãy sống một đời sống chay tịnh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Để tự do, hãy sống một đời sống chay tịnh!”. Thoạt tiên, liên kết này có vẻ lạ thường; nhưng quả vậy, chay tịnh là phương tiện giúp đào sâu đức tin và là ‘đường đến tự do’ đích thực! Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đồng tình với nhà ẩn tu.

Chay tịnh có một vị trí nhất định trong đời sống thiêng liêng; bởi lẽ, nó tạo ra một cơn đói triền miên, đói Thiên Chúa! Mục đích của chay tịnh là “kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh’”, nâng cao một điều tốt tự nhiên, giúp tâm hồn thanh thoát, để nhạy bén hơn với những gì siêu nhiên, những gì thuộc về Thánh Thần. Chay tịnh là sự im lặng của xác thịt giúp cho sự khao khát thiêng liêng trở nên mãnh liệt hơn. Vì thế, khi tự do từ chối bản thân, bạn sẵn sàng mở lòng mình ra như một bầu rượu vốn sẽ không rạn nứt khi Thiên Chúa đổ vào đó rượu mới Thánh Thần của Ngài.

Tự do đích thực là tự do thoát khỏi những ràng buộc của ích kỷ hay khuynh hướng xấu để sống trong niềm vui với Thiên Chúa, niềm vui sống gần Thiên Chúa, như được ‘Chàng Rể’ luôn ở kề bên. Đó là niềm vui thiên đàng, niềm vui đời đời. Như thế, chay tịnh, ‘đường đến tự do’ giục giã bạn “kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh’”, vượt qua những ham muốn xác thịt để phó mình cho Thánh Thần.

Trong cuộc sống, có những lúc “Chàng Rể bị đem đi”. Đó là lúc chúng ta cảm nhận sự vắng bóng Chúa Kitô. Điều này có thể xảy đến do tội lỗi; cũng có thể đến khi chúng ta ngày càng đến gần Chúa hơn. Bấy giờ, chay tịnh có một vai trò quan trọng! Tại sao? Trước hết, chay tịnh giúp giải phóng những ràng buộc tội lỗi, củng cố ý chí, thanh lọc những lăng loàn. Trường hợp thứ hai, khi chúng ta đang tiến rất gần Chúa Kitô - Đấng che giấu sự hiện diện của chính Ngài - để chúng ta biết tìm Ngài nhiều hơn. Trong trường hợp này, chay tịnh trở thành phương tiện giúp đào sâu đức tin và sự cam kết.

Anh Chị em,

“Khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay!”. Việc chay tịnh các môn đệ đã sống, Giáo Hội và chúng ta đang sống là phương tiện hiệp nhất chúng ta với Chúa Kitô đau khổ. Như vậy, việc từ bỏ bản thân để làm theo ý Thiên Chúa chính là tham dự vào Sự Cứu Chuộc của Ngài; đó là ‘đường đến tự do’ đích thực của Phục Sinh vinh hiển! Thiên Chúa phán, “Núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy” - bài đọc một. Chúa là Đấng sẽ trả lại gấp bội cho ai biết mở lòng trở về với Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn tự do, cho con dám kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh’, chính Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

Muốn đạt được thành công lớn trên đường đời, muốn tạo nên những kỳ tích, muốn làm nên những công trình vĩ đại, công trình thế kỷ… thì đừng cậy dựa nhiều vào sức mạnh của đôi tay, của bắp thịt… nhưng chủ yếu là dựa vào sức mạnh của trí tuệ, của ý chí và đặc biệt là của niềm tin. Không có sức mạnh tinh thần như trí khôn, ý chí, niềm tin… thì sức mạnh của đôi tay chẳng mang lại thành quả nào đáng kể.

Cụ thể, sở dĩ con người có thể đổ bộ lên Mặt Trăng hay cho tàu vũ trụ đáp xuống Sao Hỏa được… là vì các khoa học gia TIN rằng họ có thể làm được, rồi từ đó, dựa vào năng lực của trí tuệ, của ý chí để tiến hành.

Nếu ta không tin rằng mình làm được một việc nào đó, thì chắc chắn ta chẳng bao giờ thành công. 

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su chứng tỏ cho chúng ta biết rằng lòng TIN có thể đem lại thành quả cao đẹp:

 

  1. Lòng tin cứu người phụ nữ bị bệnh nan y

Một phụ nữ bị băng huyết 12 năm vô phương cứu chữa. Bà tin chắc rằng nếu chỉ được chạm nhẹ vào áo của Chúa Giê-su thôi, thì bệnh của bà sẽ được chữa lành. Với niềm tin đó, bà lén lút chen vào đám đông, tiến lại đằng sau Chúa Giê-su, chạm nhẹ vào áo Ngài và tức khắc bà được chữa lành. Khi phát hiện ra sự việc nầy, Chúa Giê-su xác nhận: “Nầy con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Chính Chúa Giê-su xác nhận rằng lòng tin có sức mạnh thần kỳ có thể cứu người phụ nữ khỏi chứng bệnh nan y.

 

  1. Lòng tin cứu sống đứa trẻ mới qua đời

Đang khi ông trưởng hội đường dẫn Chúa Giê-su tiến vội về nhà để nhờ Chúa cứu chữa đứa con gái của ông đang hấp hối, thì người nhà của ông chạy đến báo cho biết rằng con gái ông chết rồi, đừng phiền Chúa đến nhà mất công.

Nghe vậy, Chúa Giê-su động viên ông ta: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi." Tin là được. Thế rồi, nhờ lòng tin, con gái ông đã được cứu sống.

Một lần nữa, Tin mừng chứng tỏ cho thấy lòng tin có thể làm cho người chết sống lại.

Còn nhiều sự kiện khác được ghi lại trong Tin mừng chứng tỏ cho thấy phải có lòng tin thì mới đạt được điều mong muốn và không tin thì chẳng được gì (Mt 13, 58). Với lòng tin, người ta làm được tất cả như lời Chúa Giê-su dạy: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi nầy: “Rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ chuyển qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được" (xem: Mt 17, 19-20; Mt 15, 28; Mt 21, 21-22).

Quả vậy, điểm lại những nhân vật đạt được thành công lớn lao trên thế giới, ta thấy rằng nguyên nhân chính giúp họ thành đạt là nhờ mạnh tin. Vững tin rằng mình sẽ làm được thì sẽ được như ý.

Như thế, lòng tin là bí quyết để thành công trên đường đời và cũng là chìa khoá mở vào kho tàng ân sủng của Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa Giê-su,

Chúng con tạ ơn Chúa đã trao vào tay mỗi người chúng con chìa khóa thần kỳ để mở kho tàng ân sủng vô biên của Chúa, đó là lòng tin. Xin cho chúng con biết sử dụng chìa khóa kỳ diệu nầy để chiếm hữu được những điều chúng con hằng khao khát đợi trông. Amen.

 

Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà

 

Tin mừng Mác-cô (5, 21-43)

21 Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người,23 và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống."24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

35 Đức Giê-su đang đi, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? "36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi."37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.39 Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! "40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.41 Người cầm lấy tay nó và nói: "Ta-li-tha-kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! "42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

Subcategories