3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

CÓ 2 CÁCH ĐỂ LẠC ĐÀ CHUI QUA LỖ KIM

Nếu Bill Gates hôm nay đi lễ tại các Nhà Thờ Công Giáo, chắc hẳn phải giật mình vì một so sánh Chúa Giêsu dùng quả là gây thất vọng cho kẻ có tiền. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Đàng. Con lạc đà, dẫu là con con, nhỏ xíu, cũng không thể chui qua lỗ kim, ấy vậy mà Chúa nói con lạc đà lớn chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Chúa. Có người đã cố mài dũa cho dễ nuốt trôi câu sánh ví trên, bằng cách sử dụng từ ngữ học. Họ nói, con lạc đà và sợi dây thừng trong tiếng Do Thái, đọc na ná giống nhau, cho nên, có lẽ Chúa nói: cuộn dây thừng chui qua lỗ kim. Thánh Cyrillo ủng hộ lối giải thich này. Còn giả như cứ để con lạc đà, chứ không phải dây thừng, thì lại có một mài dũa khác:  lỗ kim là tên một cổng thành hẹp tại Giêrusalem. tức là con lạc đà chui qua cổng hẹp…

Nhưng những lối giải thích đó đều không đúng. Thật ra những hình ảnh tương tự cũng đã có trong loại trình thuật của các thầy Rabbi. Ví dụ để đánh dấu một việc không thể làm nổi, bộ Talmud Babylon dùng lối ví von: voi chui qua lỗ kim. Ngay chính Chúa Giêsu trong diễn từ nhắm tới nhóm Biệt phái đã trách cứ họ “kinh kệ dài dòng lại nuốt chửng gia tài những bà góa” (Mt 23,14). Và Chúa nói thêm “các ngươi gạn lọc từng con muỗi nhưng lại nuốt chửng cả con lạc đà” (Mt 23,24).

Vì thế đích thị là Chúa muốn nói lạc đà — chứ không phải dây thừng; và lỗ kim — chứ không phải cổng hẹp của Thành. Vậy là: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa.

Nhưng, có 2 cách để con lạc đà có thể chui qua lỗ kim:

(1) làm cho lỗ kim thật to.

(2) thu con lạc đà lại thật nhỏ.

  1. Lỗ kim to

Ta từng thấy thế giới của những vật khổng lồ, như chiếc bánh Trung Thu năm nào tại Maximart đủ cho 10 ngàn người. Bánh tét tại Nha Trang dài đủ cho 5000 người, thì một cây kim khổng lồ, với lỗ kim thật to, thì có đến 2 con lạc đà, một bướu hay hai bướu cũng băng qua lọt, chứ đừng nói gì một con.

Vậy người giàu có nếu muốn lọt vào Nước Trời, thì cũng hãy làm cho lỗ kim rộng ra. Rộng ra là quảng đại. Tiền chỉ lo thu vào mà không cho đi, thì chẳng khác gì làm lỗ kim thu nhỏ lại. Một ngón tay cũng không chui lọt, chứ đừng nói cả bàn tay, cả con người.

Giakêu Trưởng Ty Quan Thuế, giàu nứt đố đổ vách, làm sao chui lọt lỗ kim, nếu ông không thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”  Chúa Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ábraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Giakêu đã nới rộng lỗ kim 4 lần, nên dễ dàng để ơn cứu độ lọt vào nhà.

Trên bia mộ trong một nghĩa trang kia có khắc mấy giòng chữ sau đây cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác.

Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng.

Những gì tôi đã cho đi, nay thuộc về tôi.

Chính những cái mình cho đi, mình quảng đại ban phát, thì mới làm cho lỗ kim rộng rãi ra thêm, hầu con lạc đà có thể chui lọt. Và như thế, người càng giàu có càng ban phát càng dễ vào Nước Chúa. Khi cho đi là khi nhận lãnh. (Phanxicô)

  1. Thu nhỏ con lạc đà lại

Chắc một số người trong chúng ta đã từng đi xem triển lãm về thế giới thu nhỏ lại gọi là miniature, nơi mà trên một cọng tóc, người ta khắc được cả một đoàn lạc đà, và ở đầu một cây kim khâu, nằm gọn 3 chú lạc đà nơi lỗ kim nhỏ. Dĩ nhiên muốn xem chúng phải dùng kính lúp hoặc hiển vi. Vậy muốn lạc đà chui qua lỗ kim khâu, hãy thu nhỏ con lạc đà lại.

Thu nhỏ lại là nó đang lớn biến nó thành nhỏ. Có một bộ phim mang tựa đề tương tự: Tôi đã thu nhỏ con tôi. Có nhiều cách thu. Có nhiều cách biến. Riêng đối với tiền của, có một cách biến nó thành nhỏ là: đổi ngôi cho nó. Nó đang làm chủ, oai nghi bệ vệ, hãy biến nó làm tôi, làm đầy tớ trong tay. Nếu để tiền của làm chủ, đừng hòng chui lọt lỗ kim. Nhưng nếu biến nó thành tên đầy tớ hèn mọn, nhỏ bé, ta sử dụng thế nào tuỳ ý ta, ta sai nó đi đâu nó đi đó, ta chuyển nó cho ai, nó nghe theo, vậy là ta có thể cho nó đi qua lọt thỏm vào lỗ kim nhỏ.

Một người giàu có nọ thường đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Có tiền, có thiện chí, nhưng người này cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa.

Ngày nọ, thánh nhân tìm gặp ông, sau một hồi chuyện vãn, thánh nhân nhìn lên cây thánh giá treo trên tường, ngài ước tính độ cao của Thánh giá, rồi đề nghị với người đàn ông giàu có: “Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh Giá không?”.

Người đàn ông đứng dậy giơ cánh tay lên, nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá. Bấy giờ, thánh nhân mới dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giàu có đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với cây Thánh Giá. Người đàn ông làm theo ý thánh nhân, ông đã sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Hôm nay nhà này được ơn cứu độ.

Thánh nhân đưa ra bài học như sau: “Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải”. Sai tiền bạc đi, chứ không phải để nó sai ta đi kiếm nó.

Địa chỉ mà đồng tiền đi tới, Chúa đã nói rõ trong đoạn Tin Mừng khi âu yếm nhìn chàng thanh niên giàu có: Anh chỉ thiếu một điều, là bán hết của cải đem phân phát cho kẻ nghèo. Địa chỉ là kẻ nghèo chứ không phải cửa sau của các nhà cầm quyền, e sẽ theo Năm Cam tròng đầu vào lỗ giây thừng, chứ không phải chui qua lỗ kim nữa.

Vậy là, thu nhỏ con lạc đà, đối với tiền của, sẽ là câu nói ta thường nghe: “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu.” Mà không chỉ xấu, ông chủ này còn ác độc nữa, có thể giết chết ta như chơi.

Có ba người bộ hành, bạn chí thân với nhau, trên đường đi tìm hạnh phúc, bất chợt nghe tiếng la thất thanh của vị đạo sĩ từ trong núi chạy ra: Chết! Chết! Chết! Tôi đã gặp thần chết! Ba người bộ hành trên yêu cầu vị đạo sĩ dẫn mình vào hang để xem thần chết. Vào hang đá sâu, vị đạo sĩ chỉ cho ba người thấy một kho vàng chôn giấu. Vị đạo sĩ lại kêu to: Thần chết! Thần chết! Thần chết! rồi bỏ chạy.

Ba người quá đỗi bàng hoàng vì kho vàng quá lớn. Họ cùng nhau hối hả đào. Nhưng cần phải có lương thực ăn hầu đủ sức mà tiếp tục đào chứ. Một người tình nguyện đi mua thức ăn. Nhưng bất hạnh thay, khi ông ta đi mua thức ăn thì hai người ở lại cùng nhau lập mưu kế để giết ông. Quả nhiên, khi mang thức ăn về, ông đã bị giết như kế hoạch và số vàng ấy được chia đôi và cho vào bao cẩn thận. Bấy giờ hai người cùng nhau ăn trước khi xuống núi. Nhưng không ngờ trong thức ăn ấy đã có thuốc độc của gã đàn ông kia muốn số vàng ấy thuộc trọn về riêng mình.

Dù là nới rộng lỗ kim hay thu nhỏ con lạc đà cũng qui về điểm này: đổi tiền. Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không được biến đổi thành việc lành. Đó là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.

Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

HAI CÁI NHÌN KHÁC TẦM NHÌN

Thánh Marcô cho biết: “Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương” anh ta. Từ cái nhìn của Chúa Giêsu, tôi thấy không chỉ một mà là hai cái nhìn: của Chúa Giêsu và của người thanh niên. Nhưng không dừng ở cái nhìn, mà trong từng cái nhìn còn cho thấy tầm nhìn.

Tầm nhìn của Chúa Giêsu là hướng người thanh niên về cùng chính Chúa, là dẫn anh ta đi tới tột đỉnh của sự sống, đó là sống đời đời trong Chúa, có chính Chúa là gia nghiệp vĩnh cửu.

Còn người thanh niên, dẫu đã là người tốt, anh không thể phóng tầm nhìn xa hơn mớ vật chất mà anh đang sở hữu. Anh sụ mặt bỏ đi ngay sau lời mời gọi của Chúa: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”, đến nỗi Chúa phải thốt lên lời xót xa: “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa”.

  1. NGƯỜI THANH NIÊN – GIỚI HẠN CỦA MỘT CÁI NHÌN.

Người thanh niên đã thật sự tốt. Anh giàu nhưng cái giàu của anh chân chính, không tội lỗi, không hoen ố. Anh đã có thói quen giữ trọn giới răn của Chúa từ thuở nhỏ. Lối sống lành mạnh, gieo nhiều thiện cảm của anh đã là sự ngưỡng mộ của bao nhiêu người.

Chúa trao cho anh cái nhìn. Đó là cái nhìn của Đấng Cứu chuộc trên thụ tạo của mình. Đó cũng là cái nhìn của lòng thương yêu, sự thấu hiểu, sự chúc lành và trao ban ân phúc…

Trên tất cả, cái nhìn của Chúa còn mời gọi anh bước tiếp, bước xa, bước dài trên con đường thánh thiện, con đường của sự hoàn hảo, con đường đích thực, con đường đưa tới hạnh phúc khôn cùng, đưa tới chiếm lĩnh trọn vẹn sự sống trong Chúa, không chỉ nơi trần thế, mà còn trong “trời mới đất mới”, nơi không còn lo lắng, đau thương, chết chóc…

Chúa không bằng lòng với cái nhìn chỉ bằng đôi mắt, dù cái nhìn của Chúa dành cho anh là “nhìn chăm chú”. Chúa muốn anh, qua đôi mắt ấy, anh hãy tiến tới trong cùng một TẦM NHÌN của chính Chúa.

Tầm nhìn ấy chính là biết nhận ra siêu nhiên quý hơn phàm trần; đường đi lên trời là mang lấy trọn đời mình niềm phó thác chứ không trông vào vật chất; theo Chúa bằng một trái tim không san sẻ là phải cho người nghèo tất cả, để trở nên như Chúa là người nghèo giữa mọi người nghèo.

Để sống với Chúa, để đi cùng Chúa, con người ta đâu chỉ hoàn thành một vài giới răn, đâu chỉ là không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng gian, không lường gạt, và đã thảo kính đối với cha mẹ là đủ!

Để đi cùng Chúa, kẻ được gọi là người tốt, người thánh thiện còn phải sống như chính Chúa đã sống, yêu như Chúa đã yêu, hy sinh và hiến dâng mình như Chúa đã hy sinh và hiến dâng. Và nếu cần, chấp nhận chết như Chúa đã chết vì ích lợi thiêng liêng của anh chị em mình.

Vì thế, muốn theo Chúa, anh cần vượt xa vài giới răn đã từng sống, vượt xa cái tư tưởng cho rằng, như thế là mình đã tốt. Anh phải trở nên bần cùng, phải trở nên không còn gì, không có gì, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, đau khổ của người mang lấy phận nghèo.

Anh cần phải giẫm lên sự bám víu vật chất, vượt trên cái nhìn hoàn toàn trần trụi, nhỏ bé của một con người để có thể nhận ra “một kho báu trên trời”, như khởi điểm cho việc anh mặc lấy tầm nhìn của Chúa. 

Một khi có được khởi điểm của một tầm nhìn mới, Chúa sẽ tiếp tục mời gọi anh: “Rồi đến theo Ta”.

Nhưng anh thất bại. Đó cũng là sự thất bại của lời Chúa mời gọi: Người thanh niên không thể vượt qua cái nhìn của mình để có thể mặc lấy tầm nhìn của Chúa. Anh không dám phó mình trong tay Chúa. Anh không thể nhìn thấy Chúa là bảo đảm của sự sống bản thân. Anh chấp nhận thua cuộc để trở về với căn nhà và mớ vật chất mà anh đã từng đổ mồ hôi lẫn công sức để tạo ra.

  1. HÃY MẶC LẤY TẦM NHÌN CỦA CHÚA.

Mỗi tín hữu cần đinh ninh lời này của Chúa: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng các ngươi; đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta. Trời cao hơn đất thế nào, đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như vậy” (Is 55, 8-9).

Chúa là thượng trí. Chúa nhìn mọi sự khác chúng ta nhìn. Chúa nhìn mọi sự trong chiều kích siêu việt và khôn ngoan. Không có bất cứ ai, không có bất cứ cái gì thoát được tầm nhìn của Chúa.

Chúa đã nhìn thấy sự cuối cùng ngay lúc khởi đầu. Chúa luôn đi bước trước và muốn ta theo Chúa, phó mình cho Chúa. Nói mạnh hơn, ta hãy ném mình vào vòng tay của Chúa, chấp nhận để Chúa hoàn toàn lo liệu và dẫn dắt.

Đàng khác, Chúa yêu ta, hiểu ta hơn ta có thể yêu và hiểu chính mình. Trong tình yêu ấy, Chúa có kế hoạch tốt lành cho cuộc đời ta. Ta không bao giờ đơn độc vì có Chúa luôn ở cùng như chính Chúa đã từng hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu mà Chúa dành cho, để bước đi cùng Chúa trong đường lối, trong tầm nhìn hoàn hảo của Chúa. Chỉ khi nhìn sự việc bằng cái nhìn của Chúa, ta mới không nản lòng, không thất vọng, không mất niềm vui khi phải đối diện cùng thử thách trong đời.

Hãy nhớ lại hoàn cảnh và ơn gọi của thánh Phaolô để thêm mạnh mẽ tín thác vào lòng thương yêu của Chúa, mạnh mẽ để Chúa dẫn dắt, cùng quyết bước đi với Chúa trong chính tầm nhìn của Chúa.

Chính thánh Phaolô cũng xác nhận trong thư gởi tín hữu Philipphê: “Tôi muốn anh em biết là những gì xảy đến cho tôi thật ra đã giúp cho Tin Mừng được tiến triển” (1, 12).

Bởi từ khi thánh Phaolô trở thành Kitô hữu, ngài ôm giấc mơ lớn: Rao giảng tại Rôma, thành phố quan trọng nhất thế giới, trung tâm của thế giới thời bấy giờ. Vì thế, sau nhiều năm bôn ba, cuối cùng ngài có mặt tại Rôma.

Nhưng thánh ý và tầm nhìn của Chúa hoàn toàn khác. Sau khi đến Rôma, thay vì truyền giáo, thánh nhân lại bị cầm tù. Thánh nhân trở thành kẻ thù của triều đình Ceasar, lúc đó là Nero, một trong những khuôn mặt xấu xa và độc ác nhất của lịch sử loài người.

Là tù nhân hoàng gia, thánh Phaolô bị xiềng chung với một người lính canh cũng của hoàng gia suốt 24 giờ trong một ngày. Cứ sau bốn giờ người ta lại thay đổi phiên lính canh. Việc này diễn ra ròng rã suốt gần ba năm. Có ai ngờ, trong chừng ấy thời gian, thánh Phaolô đã làm chứng về Chúa Kitô cho khoảng 4.380 người lính canh.

Ai mới thực sự là tù nhân của ai? Ai mới thật sự bị giam cầm?

Chương 4 thơ gởi tín hữu Philipphê còn cho biết: Trong hơn hai năm bị xem là tù nhân, thánh Phaolô còn được tiếp xúc với nhiều thành viên trong gia đình Nero. Một số trong họ, nhờ lời chứng của thánh nhân tại tòa án ở Rôma, đã trở thành Kitô hữu. 

Chưa hết, là con người của sự hăng say ra đi, thực tế đã nhiều lần lao mình vào cánh đồng truyền giáo, bất chấp mọi sóng gió, vượt trên mọi thác ghềnh, khó có thể khiến một người như thánh Phaolô ngồi yên.

Chỉ có trong nhà tù, thánh nhân bị buộc phải ngồi yên. Kết quả của những ngày tháng lao lý ấy, thánh nhân đã viết nhiều bức thơ không phải chứa đựng tư tưởng của một tù binh, không hề chứa đựng cái đầu của kẻ mất tự do, nhưng chất chứa sứ mạng của một tông đồ, chất chứa tinh thần của người chỉ biết tùng phục Chúa Kitô.

Điều gì có sức tác động lớn hơn: lời rao giảng của thán Phaolô ở đấu trường La mã, chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc nhất thời hay những lá thơ, đúng hơn là những quyển sách nhân danh Chúa Kitô, có giá trị rao giảng về Chúa Kitô suốt hơn hai mươi thế kỷ qua và sẽ còn về sau cho hết thế hệ loài người này đến thế hệ loài người khác!

Đây hoàn toàn không phải kế hoạch của tông đồ Phaolô. Tất cả đều được sắp xếp trong thánh ý quan phòng và khôn ngoan của Chúa. Chúng thể hiện đường lối của Chúa, tình yêu của Chúa, tầm nhìn kỳ vỹ và nhiệm lạ của Chúa.

Bản thân thánh Phaolô cũng là tấm gương hoàn bị cho mỗi Kitô hữu hôm nay. Thánh nhân luôn tin tưởng, Chúa có chương trình lớn hơn có lợi cho bản thân mình và cho danh Chúa.

Dù ngược ý mình, thánh nhân không tìm cách nổi loạn, hay kháng cự, nhưng luôn hạnh phúc giao phó bản thân, giao phó hoàn toàn hoàn cảnh mà chính mình đang rơi vào để chỉ một mình Chúa tùy nghi quyết định.

Bạn thân mến, như người thanh niên xưa trong Tin Mừng, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên không còn gì, không có gì, để hoàn toàn nghèo khó nhằm cùng Chúa bước đi trong tầm nhìn của Chúa.

Nhưng đừng như người thanh niên ấy. Bạn và tôi không “sụ mặt bỏ đi” nhưng trao đời mình cho Chúa để Chúa dẫn dắt, để đi cùng Chúa trong tầm nhìn mới mà Chúa hoạch định.

Hãy nhớ, Chúa luôn ban ơn giúp sức cho ta, nhưng Chúa không thay ta chọn lựa và quyết định. Từng người đều có quyền tiếp tục hay bỏ cuộc. Chúa mời gọi, nhưng đứng vững trong lòng tin, trong sự cậy trông hay không là tùy ở ta. Ta có quyền quyết định vận mạng đời mình y như trường hợp của người thanh niên trong Tin Mừng.

Vì thế, một khi quyết theo Chúa, mỗi người hãy cùng với thánh Phaolô, từng ngày sống là từng ngày tập nhìn bằng tầm nhìn của Chúa. Hãy luôn tự hỏi: “Chúa muốn gì nơi con? Chúa đang thực hiện điều gì trên cuộc đời con? Có phải đây là cách Chúa đưa con đi về phía Chúa?”.

Hãy tự hỏi để khám phá đường lối và tầm nhìn của Chúa. Hãy quyết bước theo, đừng cưỡng lại, dẫu phải đối diện cùng nhiều khó khăn, ngang trái, nghịch cảnh, thậm chí cả đến đau đớn, trầy xướt, rát buốt…

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Túp lều lý tưởng

Thật tuyệt vời biết bao khi hai thanh niên nam, nữ yêu thương nhau và được kết hợp thành vợ chồng, rồi cùng sống trong một “Túp Lều Lý tưởng”, luôn có anh và em để xây dựng một gia đình hạnh phúc:

“Đời mình đẹp mãi với Em và Anh,
Đời mình đẹp mãi dưới túp Lều Tranh!”

(Hoàng Thi Thơ)

Dù chỉ là một túp lều tranh, nhưng có hai tâm hồn yêu thương nhau cùng chung sống, “Túp Lều Tranh” trở nên “Túp Lều Lý Tưởng!”

Một cách đơn giản, mọi sinh vật “giống đực” và “giống cái” trên mặt đất, khi ‘đến thời đến lúc’ là có một sức thu hút lẫn nhau theo bản tính tự nhiên, chung sống với nhau và sinh sản con cái để nối dõi dòng giống. ‘Người Nam’ và ‘Người Nữ’ khi đến tuổi “cập kê” cũng có sức thu hút nhau theo bản tính tự nhiên, thương yêu nhau, rồi kết hiệp với nhau ‘nên một thân xác’ (Matcô 10:8) để sinh con cái tiếp nối cộng đồng nhân loại. Trong Bài Đọc I (Sách Sáng Thế 2: 18-24) Chúa đã chúc lành cho cuộc hôn phối của Adong và Evà, và bảo “Hãy sinh sản ra đầy mặt đất!” Trong Bài Phúc Âm (Matcô 10: 2-16),Chúa Giêsu đã vui vẻ chúc lành cho các em nhỏ người ta đưa đến với Chúa. Vì thế, hôn phối luôn luôn phải là sự kết hợp giữa một “Người Nam” và một “Người Nữ” để sinh con cái, không thể là sự phối hợp giữa hai người cùng phái tính, nam với nam hoặc nữ với nữ.

Hơn nữa, đời sống vợ chồng là một kết hiệp vĩnh viễn ‘mãi mãi dưới túp lều tranh’ không thể phân ly như Chúa Giêsu đã quả quyết “Điều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân ly!” (Matcô 10:9). Con người
khác với các loài vật khác, con người đã được Chúa “dựng nên theo hình ảnh Chúa” (Sách Sáng Thế 1:27), nên có tình yêu tự do và trách nhiệm. Trước khi kết hôn thành vợ chồng, các bạn trẻ luôn được tự do để suy nghĩ và lựa chọn, không thể “yêu cuồng, sống vội” để đưa đến tan vỡ đáng tiếc, phá họai hạnh phúc gia đình, và ảnh hưởng đến tương lai con cái. Để nói lên sự kết hiệp bền vững giữa vợ chồng, Bài Đọc I hôm nay đã lấy hình ảnh câu chuyện Chúa lấy chiếc xương sườn của ông Adong mà dựng nên bà Evà, người vợ của ông (Sách Sáng Thế 2: 21-23)

Hôn phối là điều rất quan trọng chẳng những cho gia đình, mà còn cho quốc gia và xã hội. Có những quốc gia ngày nay thiếu ‘giới trẻ” vì nhiều đôi vợ chồng không muốn sinh con, hạn chế sinh sản bừa bãi, phá thai tự do, và ly dị dễ dàng khi gặp những khó khăn thử thách.

Thiên Chúa đã chúc phúc cho đôi tân hôn đầu tiên của nhân loại là ông Adong và bà Evà ngay trong vườn địa đàng. Chính Chúa Giêsu cũng đã mở đầu cuộc đời công khai của Ngài bằng việc cùng đi với Mẹ Maria và các Tông đồ đến dự tiệc cưới Cana, và làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu để cứu vãn danh dự cho đám cưới nửa chừng hết rượu này.

Chúa Giêsu khi ‘xuống thế làm người’, Ngài cũng đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dù nghèo khó và trải qua bao gian truân thử thách, nhưng vẫn luôn gắn bó và chia sẻ tình thương, hạnh phúc; đó thật là một gia đình gương mẫu cho các gia đình chúng ta. Thánh Giuse và Mẹ Maria là gương mẫu cho các bậc làm cha mẹ, và Chúa Giêsu là gương mẫu cho các người làm con ‘luôn biết vâng lời cha mẹ’ (Luca 2: 51). Khi chịu nạn chịu chết đổ máu ra để chuộc tội nhân loại, một lần nữa Chúa Giêsu lại “thánh hóa chúng ta và cho chúng ta trở nên anh em với nhau trong cùng một gia đình nhân loại!” (Bài Đọc II, Thư Do Thái 2: 9-11).

Sự bền vững và hạnh phúc gia đình đặt tại đâu?

Trước đây, tôi có nghe chuyện các bạn trẻ ở Hà Nội, sau năm 1954, sống trong cảnh nghèo khó, khi lập gia đình thì đặt hạnh phúc nơi ba chữ “B” đơn giản: ‘Buồng’ (tiếng Bắc, có nghĩa là phòng ngủ) tượng trưng một ‘căn hộ’ chính phủ cấp cho để ở; ‘Bìa’ là phiếu mua thực phẩm (theo chế độ quốc doanh thời đó); ‘Bà’ là mẹ già để gởi con khi vợ chồng đi làm. Sau này, tôi lại nghe nói tại các quốc gia tự do, thì các bạn trẻ đặt hạnh phúc gia đình trên ba chữ “C”: Car (xe), Condo (nhà), và Credit Card (Thẻ Tín Dụng).

Nhưng hạnh phúc gia đình không chỉ cần những điều kiện vật chất, mà còn cần những điều kiện tinh thần, nên các nhà đạo đức đưa thêm vào những chữ “C” khác: Communication: Vợ chồng phải biết thành thực và thẳng thắn bầy tỏ tâm tư, nguyện vọng với nhau để luôn ‘hiểu được nhau’ và cùng cộng tác (Cooperation) với nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình. Những sự thiếu thông cảm thường đưa đến chỗ hiểu lầm, nghi ngờ và ghen tuông, là những căn nguyên đưa đến bất hòa, và đổ vỡ đáng tiếc. Khi đã quyết tâm sống đời sống vợ chồng, các bạn trẻ phải quyết tâm dấn thân (Commitment) chấp nhận mọi khó khăn, thử thách, cùng chia vui, sẻ buồn để vượt qua mọi khủng hoảng mà đời sống chung luôn xẩy ra. Sau đó, vợ chồng cũng cần biết ‘thương cảm nhau’ (Compassion), nghĩa là phải biết quên mình, từ bỏ ích kỷ, để nhận ra những ‘khó khăn’, những ‘khủng hoảng’ của nhau để an ủi, nâng đỡ nhau trong cuộc sống, thay vì giận hờn, phiền trách hoặc xa tránh.

Ý thức được sự quan trọng của cuộc sống hôn nhân, nên cha ông chúng ta, từ thuở xa xưa, đã có những tục lệ, tuy có vẻ rườm rà, nhưng thật sự cần thiết, để chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sống lứa đôi, như ‘làm mối’, ‘xem mắt’, ‘dạm ngõ’, ‘đính hôn’ trước khi thật sự ‘thành hôn’ với nhau để nên vợ chồng và xây dựng một gia đình mới.

Giáo hội cũng luôn khuyến khích các bạn trẻ hãy cầu nguyện và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định cuộc sống hôn nhân. Sau đó, phải qua một khóa học “Dự Bị Hôn Nhân” để cùng nhau học hỏi giáo lý Công Giáo về đời sống gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Nghe các kinh nghiệm của các vị đã sống lâu năm trong đời sống gia đình kể lại mà học hỏi và chuẩn bị chu đáo hành trang ‘vào đời’ để khởi sự một cuộc hành trình dài, đầy hạnh phúc, nhưng cũng không thiếu những khó khăn thử thách.

Xin hiệp lời cầu nguyện chung: Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Giuse, và các Thánh, ban muôn ơn lành cho các gia đình chúng ta, cho các bạn trẻ mới bước vào đời sống lứa đôi, cho các bạn trẻ đang tìm hiểu và chuẩn bị đời sống hôn nhân.

LM. Anphong Trần Đức Phương

VietCatholic Network

NẺO ĐƯỜNG THEO CHÚA KITÔ

Chúng ta tuân giữ các giới răn mà Tin Mừng khuyên tuân giữ để trở nên “Kitô hữu tốt lành”. Rồi đôi khi giống như người giàu có trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy mình tương đối hài lòng về chính mình. Chúng ta tin rằng chúng ta đã đạt đến một mức độ hoàn hảo nhất định, bởi vì chúng ta đã tuân giữ lề luật của Thiên Chúa và Hội Thánh khá trọn vẹn… nhất là khi so sánh với bao người khác còn “bê tha lỗi tội nặng nể”.

  1. Đến và theo Chúa Giêsu: chuẩn mực để có được sự sống đời đời

Người giàu có đến thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Có lẽ ông ta nghĩ rằng mình có điều gì đó tốt lành ông ta đã làm được khiến ông ta xứng đáng được hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Não trạng này là điều hoàn toàn có thể xảy ra nơi dân Do thái thời Chúa Giêsu khi mọi thứ trong đời sống đều được đánh giá theo mức độ tuân giữ lề luật Môsê, nhiều khi đến mức chi li, ngặt nghèo. Vì thế điều trước tiên Chúa Giêsu làm là đặt ra một câu hỏi: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc10:18). Qua đó Chúa Giêsu xác định chuẩn mực của sự nhân lành: chỉ một mình Thiên Chúa là nhân lành.

Việc tuân giữ các điều răn, trọn vẹn bao nhiêu có thể, giúp con người sống tốt lành ở trần gian. Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị của các giới răn đó. Chính Ngài kể ra các giới răn mà người ta, bất kể ở nơi nào và thời đại nào, chủng tộc, văn hóa, xã hội, hệ thống pháp luật nào, đều cần phải thực hiện nơi trần thế này: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ” (Mc 10:19) và Ngài hỏi người giàu có: “Hẳn anh biết các điều răn đó” (Mc 10:19). Người ấy trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20). Vấn đề là ông ta không chỉ muốn những phúc lành mà việc tuân giữ các lề luật đem đến cho ông ta trên trần gian mà còn cả cuộc sống vĩnh cửu. Một mức độ hoàn toàn khác, đúng hơn đó là một cảnh giới khác biệt “một trời một vực”. Mặc dù ông ta không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, nhưng những điều này không thể mang lại cho ông ta phúc lành đời đời. Chỉ có một con đường mà Chúa Giêsu đã đến thế gian này để mở ra. Cần phải theo Ngài đi vào con đường ấy với tấm lòng xa khỏi những dính mắc trần gian. Vì vậy, Chúa Giêsu trả lời anh: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21).

Câu nói của Chúa Giêsu chứa đựng những động từ: “đi, bán, đến và theo”. Chính mối tương quan gắn kết “đến và theo” Chúa Giêsu mới là chuẩn mực để có được “sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Chính Chúa Giêsu lên tiếng mời gọi người giàu có khi xưa, và chúng ta ngày nay, đi vào trong tương quan gắn kết đó, bất kể chúng ta đã tuân giữ lề luật đến mức độ nào.

Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10:22). Biết bao nhiêu người như anh ấy! Dù họ biết rằng còn thiếu điều gì đó để hạnh phúc vẹn tròn khi nghĩ về tương lai; nhưng họ vẫn muốn bám giữ vào của cải đời này, không từ bỏ bất cứ điều gì, đặc biệt là không “đến và theo” Chúa Kitô. Họ thấy rằng Chúa không có sức hấp dẫn đối với lòng họ. Những trò vui trần thế còn nhiều và chẳng tội gì hy sinh thực tế hiện tại này cho một tương lai không chắc chắn, chưa tới. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, nhiều vất vả, khốn đốn, mới tạo ra được của cải hiện tại, không thể bỏ đi mà không ảnh hưởng tới những ngày sắp tới “biết ra sao ngày mai”. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ đi theo con đường này thì rốt cuộc, sớm muộn, chúng ta sẽ phải mất tất cả, chịu bất hạnh vĩnh viễn: “Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:20-21). Khi “đến và theo Chúa”, sử dụng của cải đời này vì lợi ích xác hồn của những người nghèo, những người thiếu thốn vật chất, tinh thần chung quanh mình, chúng ta không đánh mất của cải đó; trái lại, chúng được biến đổi thành những phúc lành trên trời và vĩnh cửu: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu… Vậy hãy lo tìm Nước của Ngải, còn các thứ kia, Ngài sẽ thêm cho… Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12: 15, 30, 33).

  1. Của cải trần gian và sự sống đời đời

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10: 23). Câu nói này khiến các môn đệ sững sờ (Mc 10:24) vì trong Cựu Ước, giàu sang phú quý được coi là phần phúc lộc của Thiên Chúa, và sự giàu sang ấy là ngay chính: “Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc. Gia đình họ phú quý giàu sang, đức công chính của họ tồn tại muôn đời” (Tv 112: 2-3). Giàu sang như ông Abraham (St 13) hay ông Gióp (1-2;42,10-15) là phúc lành của Thiên Chúa. Nhưng với Chúa Giêsu, Đấng khai mở Tân Ước, không dừng lại trước sự ngạc nhiên lớn lao của các môn đệ, Ngài nhấn mạnh thêm nữa: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10: 25), trong đó “phúc lành” không còn là một vùng đất hay của cải trần gian nhưng là Thiên Chúa, sự sống đời đời. Ở đây một lần nữa, các môn đệ không đi vào suy nghĩ của Chúa Giêsu. Họ ngạc nhiên và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10:26). Trong sự cai quản của Thiên Chúa, của cải trần gian thuộc về tất cả mọi người, là “của đồng lần thiên hạ tiêu chung”, nhưng Thiên Chúa giao cho những người giàu “quản lý” không phải để họ tiêu xài, thỏa mãn những ham muốn của riêng mình,  nhưng phải phân phối lại cho những người khác. Thiên Chúa ban phúc cho họ: “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình… Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc” là để “đức công chính của họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ” (Tv 112:5-9). Nhưng người ta ngày nay, giống như các môn đệ ngày xưa, vẫn hiểu rằng những của cải trần thế này không liên quan gì đến sự sống vĩnh cửu, vì những của cải ấy chỉ có thể được hưởng thụ ở dưới trần gian này mà thôi. Thậm chí chúng ta tin rằng những người giàu có, dường như là đối tượng được Chúa ưu ái, có đủ điều kiện làm những việc lành để vào Nước Chúa dễ dàng hơn. Chúng ta xem xét mọi việc theo công trạng của con người chứ không theo quan điểm ân sủng của Thiên Chúa. Sự thật là những của cải này có ma lực nắm giữ trái tim và gắn chặt lòng dạ con người vào trần gian, tạo ra một trở ngại to lớn ngăn cản người ta từ bỏ mọi thứ để chiếm lấy một kho báu thiêng liêng và vĩnh cửu, có thật, dù tạm thời còn mờ nhạt: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt” (1 Cor 13:12). Kho báu ấy đang ẩn giấu trong một Chúa Kitô “sống vô gia cư chết vô địa táng”, không có chỗ tựa đầu (Lc 9:58), trong một thế giới mà con người duy vật coi của cải vật chất là giá trị tuyệt đối. Trong thế giới đó, những người nghèo, hầu như không có gì để hưởng thụ, bị coi khinh, bỏ rơi, lãng quên, lại dễ dàng mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18). 

  1. Sức mạnh của Thiên Chúa nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta

Khi các môn đệ hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10: 26). Chúa Giêsu trả lời: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27). Thiên Chúa có thể làm mọi sự, và Ngài đã làm mọi sự cần thiết để những người lạc lối, hư hỏng, đáng thương, không có khả năng làm gì, có thể tìm thấy một ơn cứu độ hoàn hảo mà Ngài ban tặng miễn phí cho bất cứ ai chấp nhận nhờ đức tin vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn con người bằng con mắt khác hơn là con mắt của quan tòa xử án theo luật: “Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21). Chúa Giêsu nhìn chúng ta trước và Ngài yêu thương chúng ta không vì bất cứ công trạng nào của chúng ta!

Mọi sự bắt đầu từ ánh nhìn yêu thương của Chúa Giêsu. Chính vì Ngài yêu thương con người vô điều kiện, nên Ngài tin tưởng khích lệ người giàu có, cũng là khích lệ chúng ta: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21). Mục đích của việc “đi và bán những gì anh có mà cho người nghèo” chính là “đến và theo tôi” Thực tế, người giàu có đã đến với Chúa Giêsu rồi, nhưng có điều ông ta đến nhưng chưa theo Chúa. Lối sống của người giàu có này có vẻ rất đáng kể. Chính ông ta chủ động đến với Chúa Giêsu, hỏi một câu hỏi nghiêm túc và quan trọng nhất trong đời người: làm gì để được sự sống đời đời. Câu hỏi của ông rất thực tế: nên làm gì? Ông dường như sẵn lòng làm theo những gì Chúa Giêsu Kitô bảo để đạt được sự sống đời đời. Chúa Giêsu ban cho ông một món quà. Ngài yêu cầu ông ta đi theo Ngài, giống như Ngài đã từng nói với các tông đồ: “Các anh hãy theo tôi” (Mc 1:16-20). Chúa Giêsu yêu mến những người có thiện chí. Ngài cho chúng ta biết điều kiện cần thiết để được sự sống đời đời: từ bỏ mọi sự để hiến thân hoàn toàn cho Ngài. Đề nghị của Chúa Giêsu dường như đảo ngược mọi nỗ lực của chúng ta. Sự sống đời đời không phải là kết quả của mọi dự tính hay cố gắng trở nên hoàn thiện của chúng ta, mà từ ân huệ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính khi coi mọi sự trần gian là không đáng kể và bước theo Chúa Giêsu mà chúng ta nhận được sức mạnh để bắt đầu chu toàn lề luật và thậm chí hơn cả lề luật, để sống trong Thánh Thần. Chúng ta hãy để cho mình được cái nhìn yêu mến của Ngài đánh động và đáp lại lòng yêu mến đó.

Đôi khi chúng ta quá bận tâm đến công ăn việc làm kiếm tìm tiền của vật chất đến nỗi không thể dành một chút thời gian để cầu nguyện, dạy giáo lý, thăm nom phục vụ những người cơ nhỡ chung quanh mình. Mỗi chúng ta đều có một hình thức gắn bó nào đó với mọi thứ trên trần gian. Xin Chúa giúp chúng ta đừng để của cải trần gian lấp đầy tâm hồn chúng ta: “Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được” (1Tm 6:7), nhưng chính Chúa Giêsu Kitô mới là “nguồn giàu sang phú quí” (2 Cor 8:9) đích thực của chúng ta. Chọn Ngài là chọn mọi sự như Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1Tm 6:17-19).

Phêrô Phạm Văn Trung.

TÔN TRỌNG VÀ QUÝ MẾN GIA ĐÌNH

Sứ điệp: Gia đình đáng quý trọng vì đó là Hội thánh tại gia và là đền thờ của Thiên Chúa.

Chưa bao giờ các gia đình lại gặp nhiều đe doạ và sóng gió hung tợn như ngày hôm nay. Hàng loạt rồi hàng loạt gia đình bị rạn nứt, bị sụp đổ trước những cơn địa chấn kinh hồn do chủ trương hưởng lạc và đời sống vô luân gây nên như nạn ly dị tràn lan, hôn nhân thử cũng như kết hôn đồng tính gia tăng ngày càng đáng sợ…

Lời Chúa giúp chúng ta nhận ra giá trị cao cả của gia đình để chúng ta trân trọng yêu mến gia đình và từ đó quyết tâm xây dựng gia đình nên tốt lành thánh thiện hơn.

Theo Lời Chúa dạy, chúng ta có thể khẳng định rằng gia đình có một giá trị rất cao quý, vì những lý do sau:

  1. Gia đình là công trình tuyệt vời của Thiên Chúa. Thiên Chúa là kiến trúc sư đã thiết kế và xây dựng gia đình.

Bài đọc sách Sáng thế hôm nay viết: “Thiên Chúa nói: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh chúng ta, giống chúng ta.” Rồi Thiên Chúa đã dựng nên A-đam và lấy sườn A-đam dựng nên E-va, rồi trao E-va cho A-đam làm bạn đời. Thế là gia đình đầu tiên của nhân loại được tạo thành. Đây là kiệt tác tuyệt vời nhất, vượt lên trên mọi kỳ quan khác, nên chúng ta phải hết lòng quý trọng.

  1. Gia đình là Hội thánh nhỏ của Chúa

Chúa Giê-su đã dùng bí tích Thánh tẩy để rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành chi thể của Chúa Ki-tô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Vì thế mỗi tín hữu đã rửa tội được xem là thánh. Gia đình Công giáo bao gồm những người đã được hiến thánh, nên đây chính là Hội thánh tại gia.

Công đồng Vatican II cũng gọi gia đình là Hội thánh tại gia.”[1]

Vì thế, chúng ta phải tôn trọng, quý mến gia đình như chúng ta vẫn luôn tôn trọng và quý mến Hội thánh Chúa; phải góp phần xây dựng gia đình nên thánh thiện như chúng ta vẫn đóng góp công sức xây dựng Hội thánh.

  1. Gia đình là đền thờ Chúa ngự

Thánh Phao-lô dạy rằng: “Anh em không biết rằng anh em là Đền thờ Thiên Chúa và Thánh thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Ai phá hủy Đền thờ Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người đó. Vì Đền thờ Chúa là nơi thánh và Đền thờ đó chính là anh em.” (I Cor3,16).

Người chồng cũng như người vợ trong gia đình đều là đền thờ của Thiên Chúa. Vì thế, khi 2 người nầy kết hợp với nhau thì gia đình của họ cũng là đền thờ Chúa ngự. Họ có thể thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa ngay trong gia đình mình.

Vì thế, phải hết sức trân trọng, yêu mến gia đình như chúng ta luôn trân trọng nhà thờ giáo xứ.

Nếu ai làm cho gia đình tan vỡ bằng bạo lực, bằng ngoại tình, ly thân ly dị… là phá hủy đền thờ Thiên Chúa và phải mang lấy hậu quả tai hại, như thánh Phao-lô nói: “Ai phá hủy Đền thờ Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy.”

Lạy Chúa Giê-su,

Gia đình là quà tặng tuyệt vời nhất mà Chúa ban cho chúng con. Xin cho chúng con hết sức trân trọng, yêu quý gia đình, cố công xây đắp gia đình cho xứng là đền thờ Chúa ngự và đừng bao giờ phá hoại Hội thánh nhỏ này bằng những hành vi sai trái của chúng con. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 2-12)

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

[1] (LG 11. GLHTCG 1.656).

 

Subcategories