3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

THEO Ý CHÚA

(St 3, 9-15; 2 Cr 4, 13-5.1; Mc 3, 2035).

Thiên Chúa tác tạo con người có linh hồn, trí khôn, lý trí và tự do để quyết định chọn lựa. Đây là một hồng ân cao quý nhất của loài người. Nếu con người biết dùng trí khôn suy nghĩ để chọn lựa đúng thì con người sẽ được hưởng phúc lộc, nhưng nếu chọn lựa sai lầm, con người sẽ lãnh chịu hậu quả vô lường. Tự do chọn lựa là một thách đố vô cùng quan trọng. Sống là chúng ta phải chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu, giữa đúng và sai, giữa sự thật và sự giả dối, giữa sự thánh thiện và tội lỗi và giữa sống và chết. Đôi khi chúng ta cũng đối diện với những chọn lựa không thể rõ ràng như trắng và đen, họa và phước. Có nghĩa là trong sự chọn lựa có một phần đúng và một phần sai hoặc có cả tốt lẫn xấu. Lương tâm lành mạnh sẽ giúp chúng ta chọn lựa quyết định đúng đắn. 

Khi Thiên Chúa tạo dựng nguyên tổ, Ngài phán với ông Ađam và bà Evà: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết (St 2, 16-17). Ông bà nguyên tổ nghe theo lời dụ dỗ và xúi dục của thần dữ nên đã trái lệnh Chúa. Ông Ađam biết lỗi nên sợ hãi và trốn lánh sự hiện diện của Thiên Chúa. Ông thành thật thú lỗi, nhưng cũng tìm cách đổ lỗi cho bà Evà để tránh bớt tội.  Đúng vậy, chúng ta không phạm lỗi một mình. Tội lỗi có liên quan đến người khác. Tác nhân bên ngoài là một động lực gây nhiều ảnh hưởng đến hành động của chúng ta. Với ý thức tự chọn lựa, chúng ta phải chịu trách nhiệm về suy tưởng, lời nói, hành động và sự chọn lựa tự do của mình.

Thần dữ luôn rảo quanh tìm mồi để quấy phá. Con người bị ám ảnh bởi quyền lực bóng tối và sự dữ. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo Do-thái và dân chúng không nhận diện ra Chúa. Dân chúng đã chụp mũ Ngài bằng những hình ảnh khác nhau. Có khi người ta cho Ngài là người mất trí. Có lúc họ nói Ngài bị quỷ ám. Tệ hơn nữa khi Chúa Giêsu dùng quyền năng để trừ quỷ thì người ta lại tố cáo là Ngài dùng quyền của tướng quỷ để trừ. Vì sự vô minh và lòng ghen tị, họ đã xúc phạm đến Chúa.

Chúa Giêsu đã dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để phân tích cho họ hiểu ý nghĩa của việc trừ quỷ. Một nước muốn tồn tại không thể phân rẽ và tru diệt lẫn nhau. Ma quỉ là thần dữ cũng cần có sự đoàn kết để phá hoại và lôi kéo nhiều người về cùng phe nhóm của nó. Ma quỉ không tốt lành khi có nhã ý muốn phụ giúp chúng ta điều gì. Tất cả các cơn cám dỗ là để dẫn chúng ta đi vào con đường rộng thênh thang, con đường đầy hoa thơm cỏ lạ và dễ dàng. Chúng ta không cần phải gắng sức phấn đấu vì các con đường đó là những con đường xuôi dốc. Cuộc sống dễ dãi, hưởng thụ, thỏa mãn, tự do ham muốn và buông thả đều là những mời gọi của tà thần. 

Sự thù hành ghen ghét sẽ bào mòn nhân đức của con người. Các kinh sư là những người ngồi trên tòa Môisê giảng dạy dân chúng, thế nhưng họ lại nối giáo cho giặc để gây hại cho Chúa Giêsu. Sự sân hận đã kéo lôi con người vào những tranh chấp hơn thua để dành gây ảnh hưởng. Chúa Giêsu với uy quyền xua đuổi ma quỷ, chữa lành các tật bệnh và làm các phép lạ kèm theo, các người lãnh đạo tôn giáo không nhận ra các dấu chỉ thần thiêng này. Vì sự giận dữ, họ đồng lõa với những người chống đối, thù ghét và tẩy chay Chúa Giêsu. Giận thì mất khôn. Các kinh sư sợ bị mất ảnh hưởng với dân dân chúng và sợ họ đi theo người Thầy mới.

Chúa Giêsu dùng cơ hội này để dạy dỗ dân chúng về sự thi hành thánh ý Chúa: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."(Mc 3,35). Mọi người sống và thực hành ý Chúa đều là người nhà của Chúa. Chúa mở rộng cửa đón nhận mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nô lệ hay tự do và tất cả mọi người được mời gọi để gia nhập vào Nước Chúa. Nước Chúa không dành riêng cho người Do-thái, cho dù họ là anh cả trong dòng giống được chọn. Muốn gia nhập đoàn dân Chúa, điều cốt yếu là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Vì Thiên Chúa mong muốn cho mọi người cùng được chung hưởng hạnh phúc muôn đời.

Trong thơ gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã chép rằng: Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời (2 Cor 4, 17). Khổ đau gian truân là lẽ thường trong cuộc sống. Những buồn phiền ngang trái này sẽ là những bước thang giúp chúng ta bước lên con đường trọn lành. Chúng ta cần phấn đấu, tập luyện và tu thân để giảm bớt đi những phiền toái trong cuộc sống. Chúng ta hãy tự làm chủ và chọn thái độ sống cho đời mình. Đừng để những cảm xúc nhất thời bên ngoài ảnh hưởng đến những suy tư và cảm giác của chúng ta. Đôi khi chúng ta đánh mất mình và bị lệ thuộc vào những sự tưởng tượng không thật do người khác đem đến.

Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con thoát khỏi những ràng buộc vô nghĩa. Chúng con đang còn bị mải mê và chìm đắm trong những tham sân si của đời sống. Cho chúng con học biết sự tha thứ và buông bỏ để tâm hồn chúng con được thư thái an vui với cuộc sống. Chúa là gia nghiệp đích thực của chúng con.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

TRONG CHÚA CHÚNG TA MẠNH MẼ

Hội Thánh không ngừng mời gọi con cái Thiên Chúa hãy siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Vâng lời Hội Thánh, chúng ta đến với Thánh Thể Chúa bằng nhiều hoạt động cụ thể như:

- Tham dự thánh lễ mỗi ngày và tham dự tích cực, tham dự bằng cả niềm ý thức và tin tưởng vào một mình Chúa là Đấng duy nhất có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu Ngài;

- Chầu Mình Thánh Chúa;

- Thường xuyên đặt mình trước Thánh Thể trong thinh lặng để cầu nguyện và tôn thờ Chúa;

- Giữ tâm hồn thanh sạch trước và sau khi rước Chúa Thánh Thể;

- Sống hòa nhã, tôn trọng, gần gũi với mọi người, yêu thương, tha thứ và đón nhận mọi người vì lòng yêu mến đối với Chúa;

- Luôn đề cao tinh thần bác ái, tương trợ nhau mọi nơi, mọi lúc;

- Luôn phấn đấu thi hành những điều luật Chúa và Hội Thánh dạy;

- Luôn ý thức để cho Lời Chúa thấm vào lòng và hết sức thực thi như ý Chúa mong mỏi...

Chúng ta cần tin tưởng vững vàng rằng, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể là:

I. ĐẾN VỚI NGUỒN SÁNG CỦA ĐỜI NGƯỜI.

Trần gian đã trở nên bóng tối, tội lỗi đã giăng mắc từ sau khi nguyên tổ vong ân và bội phản Thiên Chúa của mình. Tội lỗi và sự ác, sự dữ ngang nhiên xâm nhập và đánh vào đời sống, đánh vào từng hoạt động của con người.

Nhưng vì yêu, Thiên Chúa đã gieo ánh sáng vào bóng tối trần gian để cứu độ con người. Bằng một hành động cứu độ lớn không thể tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16), Thiên Chúa đã làm cho ánh sáng cứu độ tràn ngập, để bất cứ ai đón nhận Người Con Một ấy, cũng đều nhận lãnh chính ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa Kitô, Người Con Một của Thiên Chúa, cũng đã chứng thực mình là ánh sáng cứu độ trần gian: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).

Bởi Chúa Kitô chính là ánh sáng của trần gian, vì thế, mỗi lần đến với Thánh Thể của Chúa, chúng ta sẽ được Chúa soi chiếu trên cuộc đời của mình.

Chúa chính là ánh sáng, là sức nóng sưởi ấm lòng ta. Hơn thế, nơi Thánh Thể, dấu chỉ của tình yêu bền vững, không chỉ là chốn để con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa cũng tìm kiếm và chờ đợi con người.

Vì thế, hãy đến với Thánh Thể, chúng ta sẽ gặp được chính tình yêu đang không ngừng hướng về chúng ta. Cũng chính vì thế, càng đau đớn bao nhiêu, ta càng cần phải tìm về nguồn tình yêu là chính Thánh Thể Chúa bấy nhiêu.

Có mấy cách giúp ta đón nhận ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể:

- Suy niệm và sống Lời Chúa: Nơi Lời của Chúa, Chúa đang giảng dạy, giáo huấn, chỉ đường lối để ta đến với Chúa. Vì thế, khi đến trước Thánh Thể, ta chăm chú đọc và suy niệm Lời Chúa là cách tốt nhất để khám phá Thánh ý Chúa.

- Tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa Giêsu Thánh Thể: Tin rằng, Chúa Giêsu đang hiện diện thật sự với trọn vẹn Mình và Máu Ngài, linh hồn và Thiên tính Ngài. Có tin như thế, con người mới có thái độ yêu mến và tôn thờ cách xứng hợp trước mầu nhiệm tình yêu cao cả này.

- Như Đức Maria, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cần chiêm ngắm Thánh Thể cách thân tình sốt sắng. Đức Mẹ đã trung thành chiêm ngắm Chúa, đã khắc ghi và nội tâm hóa Lời Chúa suốt cả cuộc đời của Đức Mẹ.

Ngày nay, mặc lấy tâm tình yêu mến Chúa của Đức Mẹ, chúng ta sẽ thực sự cưu mang chính Chúa trong lòng mình, trong suốt đời sống, trong mọi hoạt động, mọi tương quan của mình.

II. DỊP ĐỂ NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH.

Đó là kinh nghiệm của chính tôi. Đời linh mục không phải lúc nào cũng phẳng lặng. Có những lần biển cả cuộc đời dậy sóng. Những lần như thế, người trong cuộc chỉ còn một nguồn trợ lực duy nhất là Thánh Thể Chúa. Nơi bao trùm cả một không gian tĩnh mịch ấy, lại là nơi bình an nội tâm thật lắng sâu mang đầy sức sống.

Đã có biết bao nhiêu lần trong đời, muốn khóc, khóc không nổi. Nỗi rát buốt như dồn lên tận cổ và chặng lại một cách dồn nén, một cách tức tưởi. Chỉ cần quỳ xuống bên nhà tạm, nước mắt lại có thể lăn trên má, những thử thách như có dịp được trút và tay Chúa. Chúa vẫn ân thầm đỡ nâng, ban ơn và đồng hành.

Bên Thánh Thể Chúa, tôi càng khám phá ra rằng, chính Chúa dùng những thử thách ấy để dạy tôi nhiều bài học xác đáng, cần thiết.

Chúa dạy tôi đón nhận nhiều thử thách trong âm thầm tin tưởng, không nao núng.

Chúa dạy tôi yêu mến Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi phải đối đầu với muôn nỗi bi ai, thổn thức, nhiều lúc như cắt da, cắt thịt.

Chúa dạy tôi luôn tin tưởng phó thác cho thánh ý Chúa, để từ nơi Chúa, tôi kín múc sức mạnh cho tinh thần và tình yêu của bản thân dành cho Chúa, giúp tôi cố gắng trung thành theo Chúa, trung thành phụng sự Chúa.

Chúa dạy tôi, càng trong khó khăn càng bám vào Chúa hơn, càng nhẫn nại để bước theo bước chân của Chúa bằng trọn lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Chúa dạy tôi, giữa bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, còn có một chốn bình an để quay về, để ngã mình vào mà gột rửa mọi nỗi chán chường, mọi ngã lòng, mọi ê chề, mọi nỗi nhục nhằn, mọi lao tác, mọi bất trắc... mà lấy lại niềm bình an, lấy lại niềm tin, lấy lại nghị lực, lấy lại sức sống, lấy lại bao nhiêu những vững chãi cho hành trình tiếp theo mà bản thân nhiều lúc tưởng chừng như đổ gục, mà khả năng bản thân tưởng chừng đã đổ nát từ lâu.

Chúa dạy tôi biết dùng chính thử thách để lớn lên, để trưởng thành và kiên vững sau mọi nghịch cảnh, mọi va đập.

Chúa dạy tôi biết sợ tội lỗi, biết tôn trọng con người, và cố hết sức để đừng làm tổn thương anh chị em mình.

Chúa dạy tôi biết cảm thông với nỗi đau, vớic sự yếu đuối của mọi người, nhất là của anh em linh mục, những người cùng chung lý tưởng với mình.

Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi biết, mình tuy chưa lớn mạnh nhưng có thể đủ sức vượt thắng; tuy chưa trọn vẹn như mong mỏi nhưng có thể bước đi trên con đường trọn lành; tuy chưa đủ thánh thiện nhưng có thể theo Chúa tiến về sự hoàn bị hơn; tuy chưa yêu thương nhiều như Chúa đòi hỏi nhưng có khả năng biết yêu hơn; tuy chưa làm được gì lớn cho đoàn chiên của Chúa nhưng vẫn có những nỗ lực ít ỏi để có thể trao dâng về Chúa...

Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi biết mình luôn có Chúa ban ơn, có Chúa đồng hành, có Chúa sớt chia. Tôi biết mình không mồ côi, vì Chúa chẳng buông ai ra khỏi vòng dây tình yêu của Chúa bao giờ...

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

SỐNG TRAO BAN NHƯ CHÚA ĐÃ SỐNG

Sống là cho đi. Không ai sống cho riêng mình. Eva được tạo dựng vì Adam. Con người chúng ta được tạo dựng vì tha nhân. Người sống vì tha nhân mà hy sinh, mà phục vụ thì họ mới trở nên cao cả và có giá trị với gia đình và xã hội.

Cuộc đời Chúa Giê-su không chỉ trao ban cho nhân loại khi Ngài nhập thế làm người và nhập thế cứu đời. Trước khi về Trời Ngài còn lập bí tích Thánh Thể để trao ban chính mình trở nên của ăn, của uống cho nhân loại. Trong Bí tích Thánh Thể, sự trao ban của Chúa Giê-su được mô tả một cách rõ ràng khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, và trao cho các môn đệ. Sau đó, Ngài lấy chén rượu, cũng tạ ơn và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội”.

Qua việc trao ban Mình và Máu Thánh của Ngài, như một hiện thân tình yêu vô bờ và lòng từ bi dành cho nhân loại. Chúa Giê-su còn mời gọi tất cả những ai tham dự vào bí tích này cũng noi gương Ngài biết sống trao ban tình yêu, sức khoẻ, thời giờ để phục vụ anh em. Ngài muốn chúng ta mỗi khi ăn tấm bánh ấy phải loan truyền tình yêu tự hiến của Ngài đến muôn đời. Một tình yêu cho đi mà không mong đền đáp. Một tình yêu hiến dâng quên đi cả tính mạng của mình. Một tình yêu chịu nghiền nát thành của ăn cho người mình yêu.

Ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa giúp chúng ta nhìn lại sự trao ban của chúng ta để sám hối và canh tân. Bởi lẽ, đâu đó khi chúng ta cho đi vẫn có chọn lọc, có toan tính thiệt hơn.

Có đôi lần ta bắt gặp hình ảnh khách bộ hành dừng lại, tần ngần mở ví, tìm đồng tiền nhỏ nhất trao cho người ăn xin ven đường.

Có đôi lần chúng ta cũng từng thu dọn những quần áo cũ kỹ, không hợp thời để cho đi những nơi đang gặp thiên tai bão tố.

Có những khi ta thấy những công nhân giải lao chia sẻ với nhau một cái bánh thành ba thành bốn cũng rất hạnh phúc ấm áp.

Có những khi ta cũng thấy người có đôi mắt sáng sẵn sàng hiến một con mắt của mình cho người bị nạn hỏng cả hai mắt; người có hai quả thận hoạt động tốt, hiến cho người bị hư thận hoàn toàn một quả; người có hai lá phổi lành lặn, hiến cho người bị ung thư hai buồng phổi một lá; người có hai cánh tay khoẻ mạnh tình nguyện hiến nguyên cả một cánh tay của mình cho người bị tai nạn nghề nghiệp đứt lìa hai chi trên.

Tình yêu con người có chọn lọc, thế nên, chỉ khi nào người ta yêu mến ta mới dám cho đi, dám  cho đi cả chính mình cho người mình yêu.

Chúa Giê-su trao ban hết tất cả những gì Người có và ban chính bản thân Người vì yêu thương chúng ta.

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15,13)

Khi tham dự Thánh Lễ và rước lễ, chúng ta được mời gọi sống và làm chứng cho tình yêu thương và hy sinh đó trong cuộc sống hằng ngày, yêu thương và phục vụ tha nhân, như Chúa Giê-su đã dạy và làm gương cho chúng ta. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

https://youtu.be/k9CidScDhPU

Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ, Tháng 06/2024

Bản PDF và Bản Word

*******

Trọng kính Quí Cha, Quí Tu sĩ nam nữ và Quí vị.

Hai files đính kèm là Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ, bản văn chính thức đang hiện hành của UBPT, HĐGMVN.

Bản văn này do Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ, Dòng Đồng Công tại Hoa Kỳ đánh máy vi tính, anh em Mạng truyền thông Công Giáo www.thanhlinh.net thực hiện dàn trang để hỗ trợ cho việc in ấn cá nhân thành những tập sách nhỏ rất thuận tiện sử dụng. Và đã được Đức Cha Chủ Tịch UBPT cho phép BBT CGVN phổ biến rộng rãi qua mạng toàn cầu, nhằm phục vụ cho mọi nhu cầu cá nhân và cộng đoàn.

Chúng con xin kính báo để mọi người yên tâm sử dụng và nhẫn nại chờ đợi Sách Bài Đọc (mới) của UBPT đang được Tòa Thánh phê duyệt.

Download >>  PDF file

Download >>  MS Word

 

HÃY YÊU ĐI RỒI SẼ BIẾT SỰ THẬT

Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x.Ga 16,13). Nhờ lời mạc khải của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi riêng biệt là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chỉ một Thiên Chúa duy nhất mà là Ba Ngôi. Tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa. Một mầu nhiệm vượt quá trí suy của nhân loại.

Vì sao Ba Ngôi mà chỉ là một Thiên Chúa hay vì sao chỉ một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi? Xin được trả lời cách thành thật rằng bản thân không biết. Vì tin vào Đức Kitô, Đấng có lời quyền năng và yêu thương tôi cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá, nên tôi tin vào lời của Người. Chính Chúa Kitô đã phải trả giá rất đắt, là cái chết thập giá, cho sự mạc khải này trong bối cảnh Do Thái giáo chỉ tin có một Thiên Chúa duy nhất và độc nhất. Chúng ta đừng quên một trong những lý do khiến những người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đã từng lấy đã ném Chúa Giêsu và lên án tử hình cho Người, vì Người tự cho mình là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x.Ga 10,31-33; Mt 26,62-66).

Thánh Kinh, đặc biệt Chúa Kitô không cho biết vì sao một Thiên Chúa mà là Ba Ngôi, nhưng đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào. Đó là mầu nhiệm tình yêu liên đới, hiệp thông trọn hảo, đầy năng động và sáng tạo. Và chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình, ngay trong kiếp lữ thứ này, có thể cảm nghiệm phần nào đó mầu nhiệm ấy, khi sống trong Thánh Thần, Đấng là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa con và Chúa Cha.

“Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và Đức Giêsu Kitô mà Cha sai đến” (Ga 17,3). Làm sao để nhận biết sự thật này nếu không được Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa tác động. Chúng ta đã được nhận làm con trong Đức Giêsu. “Vì là con, nên Thiên Chúa sai Thánh Thần của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta và kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6). “ Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy (x.1Cor 12,3). Thánh Thần chính là nguồn tình yêu. Vì thế chỉ những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu biết sự thật. Và khi hiểu biết sự thật thì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống đời đời.

Làm sao ta có thể biết nghĩa phu thê là gì khi ta chưa sống hết tình với người phối ngẫu?  Làm sao ta có thể biết được thế nào là quê hương khi ta chưa hết lòng hết tâm với vận mệnh quốc gia dân tộc? Làm sao ta có thể biết được giá trị của con người trong cõi nhân sinh này khi ta chưa trải rộng con tim với người đồng loại, với người anh chị em cận kề, nhất là với những người cô thế cô thân ? …

Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết nhiều lẽ huyền nhiệm của sự trao ban và đón nhận. Hãy hiệp thông cách thực sự thì bạn sẽ biết thế nào là tình liên đới. Đây là một cái lẽ biết theo nghĩa Thánh Kinh, tức là không chỉ nhìn thấy thực tại, thấy vấn đề bằng trí khôn, mà còn gắn bó thiết thân, chung lưng đấu cật, khi buồn lẫn khi hoan lạc, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp phải nghịch cảnh, gian truân.

Ngay trong cuộc sống này, có nhiều điều mà lý trí phải chào thua. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại  trí óc, nhưng là ở trái tim. Có thể có trường hợp người ta đâm ra mù quáng vì yêu. Nhưng đó chỉ là thứ tình yêu vị kỷ, nghiêng chiều đam mê vụ lợi hoặc bất chính. Khi đã biết yêu với tình yêu trong sáng, quảng đại quên mình, với một tình yêu bắt nguồn từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thì không một ai là không ở trong ánh sáng. Và chính ánh sáng sẽ soi dẫn chúng ta đến cùng chân lý.

Là kitô hữu, không gì hơn là biết quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi để rồi biết yêu thương nhau bằng:

1. Một tình yêu thúc đẩy ta không chỉ muốn mà còn biết chủ động, tích cực làm cho người mình yêu phát triển và nên hoàn thiện.

2. Một tình yêu thúc đẩy ta tìm mọi cách để cho người mình yêu nên đáng yêu và được nhiều người yêu mến.

3. Một tình yêu thúc đẩy ta nỗ lực hết mình làm cho người mình yêu có đủ khả năng và sự nhiệt tình để yêu mến kẻ khác.

4. Một tình yêu thúc đẩy chúng ta hăng say kiến tạo những điều tốt đẹp cho nhau trong tinh thần liên đới và đầy trách nhiệm.

Khi ta sống được chút tâm tình yêu mến này, thiết tưởng rằng chúng ta sẽ chẳng còn băn khoăn với câu hỏi tại sao Ba Ngôi mà chỉ một Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì biết cội nguồn của mình chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Và hầu chắc chúng ta sẽ biết sống sao cho xứng với phẩm vị của mình vốn là hình ảnh của Đấng Toàn Năng là Cộng Đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –  Ban Mê Thuột.

Subcategories