3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

XÂY DỰNG PHÚC LỢI CỘNG ĐỒNG

(Suy niệm Tin mừng Gio-an (6, 1-15) Chúa nhật 17 thường niên B)

Quy luật của sự sống là mọi người phải nhờ cậy nhau, nương tựa vào nhau mà sống. Không ai có thể sống biệt lập, không cần sự trợ giúp của người khác. Từ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, các phương tiện đi lại… cho đến sách vở, kiến thức… đều do người khác cống hiến cho ta. Không nhờ cậy người khác, không ai có thể sống cho ra người. Vì thế, đến lượt mình chúng ta cũng có nghĩa vụ cống hiến công sức, tài năng, trí tuệ… của mình cho cho người khác.

Nói tóm lại, góp phần xây dựng phúc lợi cộng đồng là nghĩa vụ của mỗi cá nhân.

 

Chúa Giê-su hiến thân xây dựng phúc lợi cộng đồng

Hiến thân phục vụ cộng đồng nhân loại là ưu tiên hàng đầu của Chúa Giê-su. Vì thế, Ngài đã từ trời, hạ mình xuống thế làm người để phục vụ nhân loại và hiến ban cả mạng sống để cứu rỗi muôn người.

Trong ba năm bôn ba rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su luôn sống vì mọi người:

Không một người đau khổ nào đến với Chúa Giê-su mà không được Ngài thương xót, không bệnh nhân nào đến với Ngài mà không được chữa lành.

 

Ngoài ra, Chúa Giê-su mong muốn các môn đệ trở thành bàn tay nối dài của Ngài để hy sinh, phục vụ mọi người chung quanh.

Cụ thể là qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su kêu mời các môn đệ cùng tham gia vào việc nuôi ăn đoàn dân đông đảo đang theo Ngài suốt ngày hôm ấy.

Trước hết Chúa hỏi Phi-líp-phê, để mời gọi ông cùng chung lo với Ngài: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."

Bấy giờ môn đệ thứ hai là An-rê tham gia: “Thưa Thầy, ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! "

Thế là em bé nầy được đưa đến với Chúa Giê-su. Ngài đã thuyết phục em chịu hy sinh phần ăn quý hóa của mình cho tập thể. Thế là ngay cả trẻ con cũng được Chúa Giê-su mời gọi góp phần cho phúc lợi của cộng đồng.

Khi bụng đói cồn cào thì chẳng có gì cần hơn cơm bánh. Vậy mà em bé nầy đã quảng đại trao năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ vào tay Chúa Giê-su.

Nhờ có sự tham gia của các môn đệ và đứa bé, “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy.”

Thế rồi, điều tuyệt vời là đang khi mỗi người nhận miếng bánh nhỏ và vui lòng chia sẻ phần bánh ít ỏi của mình cho người khác thì phép lạ xảy ra: Bánh càng trao đi thì càng được tăng thêm nhiều, cá càng được chia ra thì lại phát sinh gấp bội, nhiều đến nỗi cả 5.000 người ăn không hết còn dư lại cả 12 thúng đầy! 

 

Sứ điệp Tin mừng:

Qua phép lạ nầy, Chúa Giê-su dạy chúng ta một bài học vô cùng quý báu, đó là khi mọi người trên thế giới nầy sẵn sàng chia phần bánh của mình cho những người đang túng thiếu chung quanh, thì sẽ không bao giờ có người đói khát.

 

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đến trần gian hiến trọn đời mình để mưu cầu lợi ích cho toàn thể nhân loại. Chúa không chỉ cứu rỗi linh hồn con người mà thôi, nhưng còn nỗ lực xây dựng một thế giới lành mạnh, hạnh phúc ngay trên mặt đất bằng cách cổ võ mọi người dấn thân phục vụ, yêu thương.

Xin dạy chúng con xa lánh thói vô cảm đang dần dần tàn phá xã hội; trái lại, biết noi gương Chúa hiến thân đem lại phúc lợi cho anh chị em chung quanh mình. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

Tin mừng Gio-an (6, 1-15)

Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? "Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! "Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi."Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! " Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

 

ÔM LẤY NÓ!

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!”.

“We Are the World”, “Chúng Ta là Thế Giới”, một ca khúc Michael Jackson và Lionel Richie viết. Một đĩa đơn “thu hút sự chú ý chưa từng có của quốc tế về châu Phi” ghi âm năm 1985 với sự góp giọng của hơn 45 siêu ca sĩ; đạt doanh số hơn 20 triệu bản, thu hơn 75 triệu dollars quỹ giúp châu Phi. “Chúng ta là thế giới, hãy học biết chia sẻ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nói rằng “Chúng ta là thế giới, hãy học biết chia sẻ!”, khác nào nói, hãy ‘Ôm lấy thế giới!’. Vậy mà, Lời Chúa hôm nay cảnh báo, đó là một thế giới ‘đầy cỏ!’; một thực tế vừa xót xa vừa đáng mừng! Tại sao? Cỏ ở khắp mọi nơi, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa còn nhiều hơn cỏ; nó bao phủ cả thế giới! Quan trọng hơn, bạn và tôi được kêu gọi để ‘ôm lấy nó’ và cho phép Thiên Chúa ‘ôm nó’ qua chính mình!

Nếu coi lúa tốt là tất cả những gì Chúa Kitô dạy thì thế giới ngày nay có rất nhiều điều trái nghịch Kitô giáo; nói cách khác, lắm cỏ! Cỏ thậm chí sinh sôi nhiều hơn và dễ thấy hơn lúa. Vậy không lẽ Chủ Mùa cho phép cỏ át lúa? Không đâu! Chúa Giêsu nói, “Cha trên trời cho mặt trời mọc trên kẻ xấu và người tốt!”. Vì thế, khi thấy cỏ hầu như ở khắp mọi nơi, chúng ta không nản chí; trái lại, cứ ‘ôm lấy nó’, để Vương Quốc Đức Kitô hiện diện trong đó, ít nữa là ‘thế giới quanh mình!’.

Cần nhớ, cỏ luôn luôn có và nó sẽ có cho đến tận thế! Tập trung vào lúa, đừng tập trung vào cỏ! Tập trung vào cỏ, chúng ta có thể rơi vào phê phán hoặc rút lui khỏi những tương tác với ai không nhìn mọi thứ như chúng ta nhìn; và như thế, trở nên tiêu cực, đánh mất hy vọng và niềm vui. Không! Tình yêu kêu gọi chúng ta không chỉ thấy ‘những gì đang có’ nhưng còn mời gọi chúng ta thấy ‘những gì có thể!’. Mẹ Têrêsa nói, “Tôi tin rằng, Thiên Chúa yêu thương thế giới qua chúng ta!”. Vậy tôi có cho phép Thiên Chúa yêu nó qua tôi, và tôi có cùng Ngài ‘ôm lấy nó’, một thế giới đáng thương?

Thật trùng hợp, điều chúng ta được mời gọi cũng là điều Giêrêmia đã sống! - bài đọc một. Giêrêmia không nguyền rủa dân, một Israel phản nghịch; trái lại, ông ôm lấy dân! Đúng hơn, Giêrêmia cho phép Thiên Chúa qua ông, ôm lấy Israel, “Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này!”. “Nơi” của Chúa là ‘đất Hứa’, là đền thờ, là “Cung điện khả ái” như Thánh Vịnh đáp ca hoài niệm.

Anh Chị em,

“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!”. “Mùa gặt” là ‘mùa xót thương!’. Với Chủ Mùa, ‘cỏ thành lúa’ vẫn là điều có thể. Lòng thương xót là nguồn gốc và động lực của mọi cuộc hoán cải. “Lòng thương xót là gì nếu không phải là tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng đã đương đầu với tội lỗi của con người, kiềm chế xung năng của công lý nghiêm khắc, và để cho mình ‘bị lay động’ bởi sự khốn khổ của các tạo vật vốn thúc đẩy đến toàn bộ, đến nỗi trao cả món quà của bản thân, Con Một, trên thập giá!” - Gioan Phaolô II. Cả chúng ta, hãy ước ao thật nhiều về một kinh nghiệm tái tạo của lòng thương xót, để có thể cùng Chúa ‘ôm lấy nó’, một thế giới đáng thương hơn là đáng ghét!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể ôm lấy một thế giới ‘ít lúa, lắm cỏ’, tiên vàn, xin ân sủng Chúa hoán cải tâm hồn con; nhờ đó, nó ‘đầy Chúa’ và ‘sạch cỏ!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

MỘT CHỦ ĐỀ LUÔN CÓ TÍNH THỜI SỰ: MỤC TỬ

Khởi đầu phần Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVI TN B, Giáo hội cho chúng ta nghe những lời đanh thép thật đáng sợ: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác, sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23,1)… “Này Ta để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi…”(c.3). Các hành vi gian ác của các mục tử đã rõ ràng với lời nguyền rủa của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Giêrêmia. Đó là những mục tử làm cho đàn chiên tan tác vì chẳng lưu tâm gì đến đàn chiên. Đó là những mục tử chỉ biết lo cho bản thân, mãi mê kiếm tìm quyền lực, thu tích của cải. Các hậu quả mà chính vị mục tử gánh lấy có thể không xảy ra ở đời này nhưng chắc chắn không thể tránh được ở đời sau. Tuy nhiên, với chính đàn chiên thì hậu quả như nhãn tiền ở đời này. Đàn chiên tan tác, con thì gầy yếu, con thì bệnh tật, con thì bỏ mạng dưới móng vuốt của thú dữ rừng hoang… Chính vì lợi ích của đàn chiên do đó Thiên Chúa không thể không ra tay đúng lúc, đúng thời. Người sẽ loại bỏ các mục tử vô tâm và bất nhân ấy để rồi “sẽ cho xuất hiện các mục tử tốt lành”(c.4).

Vị mục tử tốt lành “chính danh” đã xuất hiện. Có thể nói rằng một người duy nhất trong nhân loại đã tự giới thiệu: “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10,11), đó là Chúa Giêsu Kitô, Cứu Chúa của chúng ta. Đây là một sự tự khẳng định không phải liều lĩnh hay khoa trương, nhưng rất có căn cứ. Chính con người và cuộc đời của Chúa Giêsu mà Tin Mừng tường thuật xác nhận cho ta căn cứ này. Tin mừng Thánh Gioan trình bày khá đầy đủ về hình ảnh vị mục tử nhân lành. Đó là người biết chiên, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đàn chiên, là người luôn đi trước đàn chiên để dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát, để bảo vệ đàn chiên trước nanh vuốt của sói dữ và ác thù. Chúa Nhật XVI TN B, Mẹ Hội Thánh giới thiệu cho chúng ta đoạn Tin Mừng thánh Maccô mô tả một vài nét về vị mục tử ấy, đó là người biết quan tâm đến đàn chiên cách cá thể và cụ thể, toàn diện và đến cùng.

1.Yêu thương cách cá thể và cụ thể: Giêsu không chỉ yêu thương đàn chiên cách tổng thể nhưng còn với tính cách cá thể từng chiên một. Người sẵn sàng bỏ 99 con chiên để tìm cho đựơc một con chiên lạc bầy. Đó là người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã 12 năm. Đó là người bại tay trong một Hội Đường nhân ngày hưu lễ. Đó là hai người bị quỷ ám ở vùng Ghêrada, là em bé con ông Giairô, trưởng Hội đường đựơc chỗi dậy từ cõi chết. Và giờ đây, đó là nhóm Mười Hai tông đồ đang mệt nhoài vì chuyến đi truyền giáo vất vả.

Tình yêu của mục tử Giêsu không dừng lại ở tình cảm suông, nhưng luôn được thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực và chứng nghiệm được. Không phải chúng ta cổ võ chủ nghĩa duy hiệu năng nhưng nhiều khi việc xem thường các kết quả bên ngoài cũng là một trong những cách thế che đậy sự thiếu dấn thân tích cực hoặc biện minh cho một thứ tình cảm hời hợt trên môi miệng.

2.Yêu thương cách toàn diện: Vị mục tử Giêsu không phải yêu thương đàn chiên cách phiếm diện hoặc chỉ có linh hồn hay chỉ có thể xác. Người chăm sóc đàn chiên cách toàn diện cả xác lẫn hồn. Không chỉ rao giảng tin mừng cho dân chúng, nhưng khi thấy họ đang cồn cào vì bụng đói thì Người đã cho họ no nê bằng bánh và cá. Người không chỉ chữa lành bệnh tật cho chiên mà còn xua trừ ma quỷ ra khỏi chiên. Người không chỉ nhắm đến chuyện tâm linh mà còn lo lắng cả phương diện thể lý của các môn đệ. “Các con hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Một lời chỉ dạy vừa thân tình vừa thiết thực. Giữa một thế giới đầy tiếng động, lắm tất bật do bởi công việc, nhiều căng thẳng vì các kế hoạch, chương trình chồng chất… thì một vài giây phút nghỉ ngơi, thư giãn quả là rất cần thiết cho thể lý và tâm hồn. Ai không biết nghỉ ngơi thì cũng khờ dại không kém gì người lười biếng không chịu làm việc. Một vị thầy vừa lo lắng cho các môn sinh về việc làm là sai đi truyền giáo sau khi đã ban cho họ quyền trên bệnh tật và ma quỷ,  nay lại còn lo cho họ cả chuyện nghỉ ngơi, đích thật là vị mục tử tốt lành.

3.Yêu thương cho đến cùng: Nói đến tính đến cùng trong tình yêu của vị mục tử Giêsu, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến việc Người hiến dâng mạng sống vì đàn chiên. Tuy nhiên bài Tin Mừng Chúa Nhật này lại cho ta thấy một nét trong tình yêu đến cùng của Người đó là sẵn sàng từ bỏ nhu cầu chính đáng của mình vì nhu cầu cấp thiết của đàn chiên. “Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (c.34).

Hơn bao giờ hết, ngày nay, chúng ta không chỉ mong mà còn khao khát có được nhiều mục tử tốt lành. Chúng ta cầu nguyện. Quả không sai. Bên cạnh đó cần nỗ lực cộng tác với Chúa để hạn chế tối đa những mục tử gian ác, những mục tử chỉ biết mưu cầu lợi ích bản thân, những mục tử làm đàn chiên tan tác, những mục tử không có tấm lòng với chiên... Tín hữu Kitô chúng ta vốn sợ mang tai mang tiếng khi có chuyện đụng chạm đến các đấng bậc bề trên, sợ mang tiếng chống cha, chống cụ, và lại còn sợ Chúa phạt, khiến cả gia đình ngóc đầu lên không nỗi. Dĩ nhiên, nếu chúng ta ‘công kích” các mục tử gian ác bằng các phương thế tiêu cực thì có khi là đáng trách và không phải phép. Không ai là không thể đổi thay. Vậy cách thế tích cực hơn là hãy tìm cách xây dựng các chủ chăn vô tình, tắc trách, thành những mục tử nhân hậu, tốt lành theo khả năng và hoàn cảnh của chúng ta. Các phương thế xây dựng thì đủ kiểu, nhiều cách, miễn sao chúng được thực thi trong đức ái.

Chủ đề “mục tử” (trong Giáo Hội) và “người lãnh đạo” (ngoài xã hội) luôn có tính thời sự. Một lẽ thường tình: “mạnh ở tướng chứ mạnh gì ở quân”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

HƯƠNG THƠM CỦA KÝ ỨC

“Phúc cho mắt các con vì được thấy; phúc cho tai các con vì được nghe!”.

“Ôi, đôi bạn diễm phúc! Mọi tạo vật đều mắc nợ quý ngài, vì qua quý ngài, một quà tặng thanh khiết nhất, xinh đẹp nhất dâng cho Đấng Tạo Hoá; đó là Thánh Mẫu tinh tuyền mà chỉ mình ‘Nàng’ xứng đáng cưu mang Đấng Tạo Dựng muôn loài!” – Gioan Đamas.

Kính thưa Anh Chị em,

Đó là bút tích thâm trầm và sâu sắc của vị thánh tiến sĩ thế kỷ thứ 8 khi nói về hai thánh Gioakim và Anna, song thân của Đức Maria như là ‘hương thơm của ký ức’ – theo Đức Thánh Cha Phanxicô – Giáo Hội mừng kính hôm nay.

Trong một Thánh Lễ ban ơn toàn xá và cầu nguyện cho người cao tuổi, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, chúng ta phải biết thu thập, cẩn thận giữ gìn và bảo vệ kho báu quý giá mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người, đó là các bậc sinh thành. “Ông bà của chúng ta và người già không phải là đồ thừa của cuộc sống, không phải là đồ vụn vặt bỏ đi; họ là những mẩu bánh quý giá còn sót lại trên bàn ăn cuộc sống và vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, ‘hương thơm của ký ức!’”.

Lời Chúa được chọn hôm nay nhắc lại cùng một điều. “Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ của mình qua các thời đại. Có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên; tên tuổi của họ sẽ được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia; sự khôn ngoan của họ được cộng đoàn truyền tụng”. Huấn Ca gọi các ngài là vĩ nhân; và còn hơn cả vĩ nhân, vì qua họ, Thiên Chúa tặng ban cho thế giới, cho Giáo Hội không chỉ các vĩ nhân mà cả những thánh nhân. Họ là vĩ nhân của các vĩ nhân!

Song thân của Đức Maria là ông bà ngoại của Chúa Giêsu; chính các ngài đã giúp hình thành một môi trường đức tin lành thánh, trong đó, trẻ Giêsu phát triển về trí tuệ, tâm đức và cả tầm vóc trước mặt Thiên Chúa và loài người. Ngày lễ hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến ‘hương thơm của ký ức’ Chúa ban cho mình; các ngài là những người đầy lòng tin “đã đi trước chúng ta và đang nghỉ giấc bình an”. Không chỉ nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục, chúng ta còn nhớ đến đức tin; trong đó, các ngài đã sống, chiến đấu, cầu nguyện… và thắp lên ngọn lửa đức tin trong linh hồn và cuộc sống bạn và tôi.

Anh Chị em,

“Phúc cho mắt các con vì được thấy; phúc cho tai các con vì được nghe!”. Như vậy, chúng ta không chỉ mắc nợ các thế hệ đi trước, nhưng còn nợ nần thế hệ cùng thời và nợ cả những thế hệ tương lai. Tại sao? Vì nhờ các đấng sinh thành, chúng ta tin nhận Chúa Giêsu; và trong Chúa Giêsu, chúng ta được lãnh nhận mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Vì thế, bổn phận của chúng ta là phải chia sẻ đặc quyền đó, đặc quyền mà “Nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy, mà không được thấy; mong mỏi nghe mà không được nghe”; nghĩa là không chỉ gìn giữ ‘hương thơm của ký ức’, chúng ta còn phải chia sẻ hương thơm Giêsu cho các thế hệ hôm nay và mai ngày.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì cuộc sống của con luôn toả hương nhân đức của các đấng sinh thành; và nhất là ngạt ngào hương Giêsu mà con ra sức ướp lấy mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

LƯƠNG THỰC CHO TÂM HỒN

Chúng ta thử quan sát 2 nhóm người:

Nhóm thứ nhất gồm những người chỉ hấp thụ các loại thực phẩm vật chất như cơm bánh, rượu bia… mà không tiếp nhận lương thực tinh thần lành mạnh như sách báo tốt, những lời khuyên dạy khôn ngoan…

Nhóm thứ hai gồm những người thường xuyên hấp thụ lương thực tinh thần lành mạnh như là học hỏi điều hay điều tốt, trau dồi nhân đức và thực hành những giáo huấn của Chúa Giê-su và các bậc thánh hiền.

Kết quả là trong số những người thuộc nhóm người thứ nhất, vì chỉ hấp thụ lương thực vật chất mà không biết đến lương thực tinh thần lành mạnh, nên họ ứng xử như những người thiếu văn hóa, phẩm chất của họ xuống cấp, tư cách của họ sa sút… vì thế, họ thường bị người đời xem thường, khinh dể; còn nhóm thứ hai, nhờ hấp thụ lương thực tinh thần cao quý nên họ tạo cho mình tư cách đáng trọng, tác phong đáng nể và có nhiều phẩm chất cao đẹp được mọi người quý trọng và yêu thương.

Các loài thú chỉ cần thức ăn vật chất: trâu, bò, dê, cừu … chỉ cần ăn rơm, rạ, cỏ, lá; con heo cần cám; gà vịt chỉ cần bắp lúa là xong…

Trong khi đó, con người thì khác. Ngoài thực phẩm thông thường là cơm bánh, con người còn cần đến thức ăn thứ hai, rất cần thiết, rất quan trọng… Đó là những lời răn dạy khôn ngoan, những giáo huấn lành mạnh… có khả năng làm cho họ ngày càng văn minh, tiến bộ, tốt lành. Như thế, lương thực tinh thần lành mạnh là điều tối cần mà mỗi người phải tiếp nhận không thể bỏ qua.

Nếu con người chỉ dùng lương thực vật chất mà thôi thì con người không hơn gì thú vật và sẽ gây ra nhiều thảm họa cho thế giới.

Do đó, Chúa Giê-su dạy rằng: “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng Lời Chúa nữa.[1]”

Chính vì thế, khi “Chúa Giê-su thấy một đám người rất đông tuôn đến với Ngài, thì Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” và Ngài tỏ lòng thương xót bằng cách “dạy dỗ họ nhiều điều.[2]”

Tiếc thay, nhiều người không màng đến lương thực tinh thần mà chỉ quan tâm đến lương thực vật chất. Nếu các nhà hảo tâm hoặc các tổ chức từ thiện phân phát cơm bánh, thực phẩm miễn phí mỗi ngày thì sẽ có rất đông người đến nhận, còn nếu chỉ trao tặng sách quý, báo chí lành mạnh, sách dạy làm người hay dạy sống đạo mà thôi… thì chỉ có ít người quan tâm.

Noi gương Chúa Giê-su, nếu chúng ta thực lòng yêu mến người khác, thì không chỉ giúp họ lương thực nuôi xác mà còn trao tặng cho họ lương thực nuôi hồn, đó là những lời khuyên dạy khôn ngoan, là những hướng dẫn đạo đức, là những gương lành việc tốt… vì đây là thứ làm cho họ trở nên những người có phẩm chất cao hơn, văn minh và tiến bộ hơn.

Cha mẹ thương con thì không chỉ lo cho con được no cơm, ấm áo… mà còn lo khuyên dạy con cái nên người trưởng thành, giúp cho con được học tập tốt và trau dồi nhân đức.

Bạn bè thương nhau thì không quên trao tặng cho nhau những lời khuyên mang lại lợi ích thiết thực, giúp nhau thăng tiến trên đường nhân đức.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con đừng mải mê kiếm tìm lương thực nuôi xác mà không dành thời giờ tìm kiếm lương thực nuôi hồn. Xin cho chúng con thường xuyên hấp thụ Lời Chúa là kho tàng lương thực tinh thần phong phú mang lại niềm vui, sự sống và hạnh phúc đời đời cho chúng con. Amen.

 

Lm. Inhaxiô Trần Ngà 

Tin mừng thánh Mác-cô 6, 30-34

30 Các Tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”

[1] Mát-thêu 4,4

[2] Mc 6,34

Subcategories