TÔI PHẢI VỀ CÙNG CHA TÔI
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Ba điều cần phải làm trong mùa chay là cầu nguyện, chay tịnh và thực hành bác ái. Đây là những việc sẽ dẫn chúng ta tiến tới mối tương quan gần gũi hơn với Thiên Chúa, đón nhận ánh sáng Phục Sinh. Nhưng để được gần gũi, thân mật với Ngài, con người phải biết thống hối và trở về với Ngài. Và để diễn tả thái độ “thống hối và trở về”, Giáo Hội đã dùng dụ ngôn người con hoang đàng trở về làm minh họa và đề tài để suy niệm. Theo Thánh Luca thì cả hai người con đều không tốt, đã làm cho cha họ phải khổ tâm, nhưng mỗi người lại có những hành động thống hối khác nhau (Luca 15:11-32).
Trong câu chuyện người con thứ với trái tim vô cảm và vị kỷ đã đòi được chia phần gia tài thuộc về mình: “Xin cha chia gia tài thuộc về tôi cho tôi” (12). Người anh tuy không đến nỗi lạnh lùng, bất hiếu, nhưng lại không tỏ ra hiểu cha mình. Anh sống bên cha mà lòng tràn đầy toan tính, ghen tương với em.
Cơ hội đã đến với hai người để thống hối và trở về với cha mình. Với người con thứ là nạn đói nơi anh đang ở, sự nhục nhã mà anh đang phải chịu. Đây không chỉ là đói khát tâm linh mà còn là sự đói khổ vật chất. Hình ảnh huy hoàng trước và sau khi đã ăn chơi phung phí được thánh Luca mô tả: “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (14-16). Trong khi cơ hội thống hối và làm hòa của người con cả là sự vui mừng với cha khi em anh trở về.
Người em trong câu chuyện này đã biết nắm bắt cơ hội. Anh đã không phiền trách số phận, vì số phận là do anh tạo ra. Anh cũng không ghen tỵ với anh mình, vì anh biết mình đã tự tách ra khỏi bầu khí yêu thương của cha và của anh mình. Anh chấp nhận và đối diện với sự thật, rồi bằng thái độ tự hối, anh cương quyết về lại với cha mình: “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy’” (17-19). Và “Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha” (20). Đối với người anh thì khác, khi biết cha làm tiệc mừng em anh trở về thì “liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ” (28).
Con đã đắc tội với trời và với cha
Cả hai anh em trong câu chuyện đều làm phật lòng cha mình. Cả hai đã không sống đúng với thân phận làm con đối với người cha rất mực khoan nhân, rộng lượng, và yêu thương. Nhưng sự khác biệt là một người biết lỗi, nhận lỗi mình, xin lỗi và sửa lại lỗi, còn người kia thì không. Thánh Luca đã diễn tả thái độ sám hối và trở về của người em như sau: “Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha… Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...’” (20-21). Ngược lại, người anh cả chỉ biết giận dỗi, so đo và ghen tỵ.
“Hãy trở về với ta bằng tất cả con tim các người” (Joel 2:12). Người em trong Phúc Âm của Thánh Luca sau khi nhận ra mình, nhận ra lỗi phạm của mình, đã tự nhủ phải đứng dậy, dứt khoát với quá khứ, và chấp nhận về xin lỗi cha. Cha anh không những không trách phạt mà còn phục hồi mọi phẩm tước, và quyền lợi cho anh khi bảo các gia nhân: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (22-24).
Thái độ tự nhận và khiêm tốn của người con thứ tuy không phải là yếu tố quan trọng để cha anh cho lại danh phận và đón nhận anh, nhưng nó là một điều kiện cần thiết. Bởi nếu anh không nhận lỗi và can đảm trở về thì người cha sẽ không bao giờ vui mừng, hạnh phúc nhìn thấy anh “ đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (24). Người cha vui mừng vì thấy con đã trở về, và người con hạnh phúc bên tấm lòng của người cha.
“Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (18). Đó là thân phận sau cùng của người con thứ từ nơi xa xôi, nơi đã bóc lột tất cả những gì mà anh đã có trước khi rời khỏi nhà: một kẻ chăn heo, một tên nô lệ! Đây cũng là thân phận của chúng ta sau mỗi lần bỏ Chúa, mỗi lần phạm tội. Mỗi lần như vậy, chúng ta giống như người con thứ kia đã tiêu phí tất cả số vốn ân sủng mà chúng ta lãnh nhận được từ Cha trên trời, đã đánh mất danh phận của mình, và vì thế, chúng ta cần phải trở về tìm lại. Từ bỏ quá khứ tội lỗi và lao mình vào tình yêu Thiên Chúa sẽ đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và phẩm giá làm con Cha trên Trời mà chúng ta đã đánh mất vì phạm tội.
Cha và con
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Luca 15: 20).
Làm sao mà người cha này có thể thấy con ông từ đàng xa nếu như ông ngồi trong nhà? Hoặc nếu như ông bỏ rơi con ông, và mất hy vọng mà coi như anh ta đã chết? Chắc hẳn ông hàng ngày vẫn có sự chờ đợi, có niềm hy vọng. Ông chắc phải héo hon, phải canh cánh trong lòng ông, khiến vừa thoạt nhìn từ xa xa ông đã nhận ra con mình, dù lúc này nó có tiều tụy, bạc nhược, và tơi tả, rách rưới. Điều này cũng nhắc nhở về Chúa Cha trên Trời, để chúng ta can đảm trở về sau chuỗi ngày đi hoang, hoặc sau mỗi lần sa ngã, phạm tội. Vì chúng ta biết người Cha ấy vẫn hằng luôn thao thức, chờ đợi. Ngài đang mòn mỏi mong nhìn thấy chúng ta trở về để vui mừng và tha thứ.
Chúa Cha nhân từ vẫn luôn chờ đợi các tội nhân biết sám hối trở về để tha thứ, và mặc lại cho họ chiếc áo ân sủng, chiếc áo sang trọng của ơn gọi làm con Thiên Chúa. Trước những cám dỗ, yếu đuối và sa ngã, như người con thứ, tin tưởng vào tình thương Cha trên trời, chúng ta cũng hãy mạnh dạn nói với mình rằng: “Tôi phải đứng lên, đi về cùng cha tôi!” (Luca 15:18)
Mùa Chay 2025
Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt