3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

KHÔNG GIAN CHO CHÚA


T
hứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên B

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”.

“Một thuộc tính chỉ một mình Thiên Chúa có, là sự hiện diện của Ngài bao trùm mọi lúc và mọi nơi. Ngài không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Điều đó không có nghĩa là thiên nhiên - một phần của Chúa - đáng được tôn thờ. Tạo vật tách biệt với Tạo Thành nhưng không phải là không tuỳ thuộc vào Ngài; tuy nhiên, bất cứ một tạo vật nào vẫn cần một ‘không gian cho Chúa!’” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Một ‘không gian cho Chúa!’”. Đó là những gì Tin Mừng nói đến hôm nay. Chúa Giêsu không chấp nhận một đền thờ ngổn ngang, Ngài nhất định thanh tẩy nó, vì “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”.

Vào đền thờ, Chúa Giêsu thấy nó được vận hành bởi kẻ mua người bán; Ngài xua đuổi họ. Đừng nghĩ Chúa Giêsu là kẻ thù của thương mại! Thực tế, nhiều lần Phúc Âm đề cập đến việc mua bán mà không có bất kỳ hàm ý tiêu cực nào. Tuy nhiên, Chúa Giêsu tức giận vì hai lý do chính. Thứ nhất, việc kinh doanh được thực hiện bên trong đền thờ đang khi nó có thể được thực hiện bên ngoài. Thứ hai - quan trọng hơn - có thể các thượng tế trong đền thờ đã thông đồng với các hoạt động kinh doanh béo bở này và do đó, họ sẽ hưởng lợi từ nó. Đức Phanxicô gọi nó là “hối lộ thánh thiện”. Và hẳn như vậy vì Tin Mừng cho biết, “Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Ngài”.

“Họ tìm cách giết Ngài, nhưng không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Ngài”. “Sức mạnh của Chúa Giêsu nằm trong lời và trong tình yêu của Ngài. Và nơi nào có Chúa Giêsu, nơi đó không có chỗ cho tính thế gian; không có chỗ cho sự tham nhũng! Đây là một thách thức đối với mỗi người chúng ta; đây là cuộc đấu tranh mà Giáo Hội phải đối mặt mỗi ngày. Chúng ta phải luôn lắng nghe lời Chúa Giêsu và không bao giờ được tìm kiếm sự an ủi từ một chủ khác - Mammon. Ngài từng nói, “Không ai có thể làm tôi hai chủ!”. Thiên Chúa hoặc tiền bạc; Thiên Chúa hoặc quyền lực!” - Phanxicô.

Anh Chị em,

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện!”. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi đánh giá đền thờ lòng mình! “Nào anh em chẳng biết, anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”. Đây là một câu hỏi cấp bách giúp chúng ta nhìn lại tâm hồn, hầu xem liệu trong đó có đủ ‘không gian cho Chúa’ - sự hiện diện và lời của Ngài - không; hay ở đó đang có đủ các ‘loại hình kinh doanh’ - thậm chí có cả “mại thánh” hay “hối lộ thánh thiện?”. Ngoài ra, chúng ta có thể tự hỏi, liệu tâm hồn tôi có bị chiếm dụng bởi những tức giận, phẫn uất, cay đắng và bất khoan dung? Nó có bị lấn chiếm bởi những cảm giác tội lỗi hoặc sai lầm quá khứ, khiến chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung vào bản thân và những thiếu sót khiến linh hồn phải sống trong lo lắng và sợ hãi - thay vì để cho lòng thương xót và sự bình an của Chúa lấp đầy?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con ‘dọn chợ’ lòng con, vì nó thực sự phải là một không gian thánh đầy sự hiện diện của Chúa. Nhờ đó, hạt Lời mới có đất tốt và đủ nắng để lớn lên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

Quê Trời

(Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mt 13,24-32)

Có 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra có một số nhỏ các quốc gia độc lập như nước Vatican, Taiwan và Kosovo không là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nói đúng hơn là có tất cả 196 nước trên thế giới. Có những nước lớn, đất rộng người đông như Trung Hoa có trên 1 tỷ 341 triệu người, Ấn Độ có trên 1 tỷ 210 triệu và Hoa Kỳ có trên 314 triệu người. Tổng số dân trên thế giới khoảng trên 7 tỷ. Có những quốc gia nhỏ xíu như Vatican rộng (0,2 square miles) với 770 người và nước Monaco (0,7 square miles) với 32.000 dân. Số dân tăng dần mỗi năm. Số người qua đời ít hơn số trẻ sơ sinh. Dòng dõi này nối tiếp dòng dõi kia hướng đến cùng đích. Bước vào thế kỷ thứ 21, nhờ khoa học kỹ thuật siêu vượt, con người đã mở rộng tầm kiến thức và tạo mối liên hệ tới mọi quốc gia. Sự truyền thông đa chiều đã nối kết con người xích lại gần nhau hơn.

Sống trên trần gian là cuộc lữ hành đi về quê thật. Có biết bao con đường mở ra giúp dẫn đưa con người đi đến cùng đích. Con người mọi thời đã suy tư giác ngộ ra nhiều thứ đạo, nhiều tôn giáo và nhiều cách thế để đạt mục đích. Có 20 tôn giáo chính thức, đang là chỗ cậy dựa tinh thần cho nhiều người: Kitô giáo đông nhất có trên 2 tỷ tín đồ, Hồi giáo khoảng trên 1 tỷ 570 triệu, Hinduism (Ấn Độ giáo) có khoảng 950 triệu, Buddhism (Phật giáo) có số thống kê không chính xác (350-1.600 triệu tín đồ)… Ngoài ra còn rất nhiều các nhóm tôn giáo khác nhau. Tất cả các tôn giáo cùng đi tìm ý nghĩa và cùng đích cho cuộc sống hôm nay và ngày mai. Đa số các tôn giáo đều tin có cuộc sống hạnh phúc mai hậu nơi thiên đàng, niết bàn, cõi tây phương cực lạc, quê trời, cõi trời và nơi trường sinh bất tử.

Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta về Nước Trời. Nước Trời khởi đi từ trần thế và kết thúc trên quê trời. Nước Trời tại thế được ví như một thửa ruộng được gieo cả lúa và kẻ thù lén gieo cỏ lùng. Cả lúa và cỏ lùng chen nhau mọc lên. Dụ ngôn nói rằng: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30). Đây là một hình ảnh rất thực tế và sống động trong xã hội con người. Một tập thể con người trong bất cứ một nhóm hội, giáo hội và xã hội có những thành phần tốt xen lẫn những thành viên xấu. Cả tốt cả xấu sát cánh đồng hành với nhau. Cỏ và lúa không thể chuyển đổi hay biến đổi nhưng tâm con người có thể thay đổi từ xấu đến tốt và có khi từ tốt trở nên xấu.

Ông chủ ruộng không muốn nhân công nhổ cỏ lùng, sợ sẽ ảnh hưởng tới lúa. Lòng thương cảm của ông chủ: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa” (Mt 13,29). Hình ảnh biểu trưng của cỏ lùng và lúa rất dễ hiểu. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm đối diện với những người tốt, kẻ xấu. Mỗi người đều có cơ hội thay đổi để nên tốt lành hơn. Sự kiên nhẫn của ông chủ ruộng là một ân huệ của thời gian để con người kịp thời thay đổi cách sống. Sự thật ở đời, chúng ta khó tìm được một người hoàn toàn tốt hay một người toàn xấu. Trong tâm con người, có phần tốt và chút thói xấu lẫn lộn. Nghèo cùng tâm trí và không biết gieo duyên lành sẽ dễ bị cuốn lôi theo dòng chảy. Đôi khi vì quá chủ quan, chúng ta không nhận ra những thói hư tật xấu của mình. Mỗi người cần xét mình và biết mình để tìm cách sửa sai và thăng tiến mỗi ngày.

Trong thế giới ngày nay, xuất hiện rất nhiều tôn giáo dẫn đường cuộc sống. Mỗi tôn giáo với những linh đạo riêng có thể giúp các tín đồ của mình tu thân và tu tâm để thoát vòng loạn ly. Đời sống con người hiện đại đang dần bị tục hoá. Ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ và tương đối đang bủa vây và kéo chìm con người trở về với bản năng hưởng thụ. Qua truyền thông nối mạng, hình như các tệ nạn và gương xấu đang tràn lan một cách mạnh mẽ như sóng triều. Sức mạnh của sự thoả mãn vật chất mạnh hơn các lý tưởng tinh tuyền của tôn giáo. Nhiều người tìm kiếm thoả mãn những đòi hỏi vật chất và vui hưởng cuộc sống trong hiện tại, thay vì hướng đến cuộc sống hạnh phúc tương lai. Chúng ta cần thức tỉnh cả trong ý tưởng, tâm linh và thân xác để nhận diện ý nghĩa thật của cuộc sống.

Cỏ lùng chen lấn phát triển rất nhanh. Có nhiều tâm hồn giống như cỏ dại mải mê hưởng thụ cuộc sống, chỉ biết lo tìm thoả mãn những nhu cầu vật chất hiện tại. Nhiều bạn trẻ thả trôi cuộc đời lênh đênh không có lý tưởng, đích điểm. Thật đáng thương cho kiếp phận con người. Hằng ngày tôi gặp gỡ nhiều người trẻ tự thắt nút cuộc đời qua những biến cố xảy ra. Đang trong tuổi đẹp trăng tròn, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu tìm hưởng thụ tính dục, rồi sớm có con, không hôn nhân, không gia đình, thay bạn đổi bồ như thay áo. Qua năm tháng, những nút thắt cuộc đời đan kết chất chồng lên nhau như mối tơ vò. Nhìn một người mẹ trẻ có 3 đứa con với 2 hoặc 3 bạn tình. Tương lai tại thế của các bạn trẻ này thật mờ mịt khó đường giải quyết. Xảy một ly đi một dặm, làm lại cuộc đời thế nào bây giờ! Làm sao chúng ta có thể nói với họ về tương lai của ngày sau? Các bạn trẻ tự giới hạn viễn tượng sống để giải quyết vấn đề hiện tại với nhiều điều nan giải. Cứ thế cuộc đời bị luẩn quẩn trong mạng lưới ràng buộc, cả nể cho nên sự dở dang.

Chúa Giêsu mở cửa Nước Trời mời gọi mọi người bước vào. Nước Trời được ví như hạt cải bé nhỏ được gieo trong ruộng. Một việc tốt dù nhỏ cũng có thể sinh ra hoa trái tốt lành. Chúng ta phải gieo nhân tốt mới có thể sinh quả tốt được. Giữa ngã ba cuộc đời, chúng ta phải biết chọn lựa và từ bỏ. Chọn lựa con đường dẫn đến hạnh phúc và an lạc. Từ bỏ đi những bận vướng của cuộc sống. Cuộc đời có nhiều vương vấn nên cần có thái độ dứt khoát. Ai cũng có thể làm lại cuộc đời. Không khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Chấp nhận thực tại, chúng ta tháo cởi từng những nút thắt để cuộc sống tâm linh được thanh thản và an vui. Những việc làm tốt nho nhỏ hằng ngày sẽ lớn dần và đơm bông kết trái.

Chúa Giêsu biết thân phận yếu đuối mỏng giòn và tội lỗi của con người, nên Ngài đã dâng hiến lễ đền tội để giao hoà. Thư gửi tín hữu Dothái viết: “Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo” (Dt 10,14). Dù con người có sa phạm, lầm lạc và tội lỗi, Chúa vẫn có cách dẫn đưa họ trở về như mẫu gương của Thánh Augustinô. Nếu chúng ta chỉ hối tiếc về sự sa ngã lầm lạc thì chưa đủ. Muốn làm lại cuộc đời, chúng ta cần thành tâm nhận lỗi, rồi hối lỗi, thật lòng sửa lỗi, chuộc lỗi, xin tha lỗi và tu luyện tâm tính. Đây là một sự thách đố quyết tâm đổi đời. Hãy chạy đến với lòng Chúa thương xót xin ơn tha thứ. Chúa sẽ tẩy sạch tâm hồn, đổi mới trái tim yêu thương và thánh hoá ta nên con người mới trong ân sủng.

Niềm tin vào Thiên Chúa là niềm hy vọng viên mãn. Tiên tri Đanien đã có thị kiến về ngày thế mạt: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (Đn 12,2). Chúng ta không thể coi thường những chỉ thị, huấn lệnh và lời giảng dạy trong Giáo Hội. Niềm tin tôn giáo là cửa ngõ dẫn chúng ta vào Nước Trời. Chúng ta cần phải đi, phải bước tới và thực hành những điều Chúa truyền dạy. Nước Trời mở cửa đón nhận tất cả mọi người, nhưng chỉ những kẻ kiên trì phấn đấu đến cùng mới đáng hưởng phần phúc thiên đàng.

Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho Nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày để ngày sau được chung hưởng hạnh phúc đời đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Trung tín trong đức tin, an toàn cho đời sau

Lúc này trời tối sớm, và vài tuần nữa ngày sẽ ngắn lại và chúng ta sẽ bắt đầu vào mùa Vọng. Chúng ta tự nhiên muốn tìm ánh sáng khi trời tối sớm. Chúng ta đặt niềm tin hy vọng ánh sáng Thiên Chúa sẽ chiếu soi trong bóng tối. Thiên Chúa không để chúng ta vấp ngã hay lạc hướng, Chúa sẽ cho chúng ta ánh sáng để soi lối chúng ta đi về với Chúa.

Nhưng, trước hết có những việc cần phải giải quyết. Vì thế cuối tuần này và tuần sau những bài sách đọc sẽ nhắc cho chúng ta nhớ là thế giới này sẽ qua đi, và những cam kết lọc lừa không thể giúp chúng ta trong những lúc gặp khó khăn hay thử thách. Chỉ Thiên Chúa là niềm hy vọng của chúng ta, đường lối Ngài chính là lối đi của chúng ta. Vì thế khi chúng ta dựa vào những cam kết gian trá, hay sai trái, chúng ta có thể quay nhìn về ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa.

Các tác giả của Kinh Thánh muốn chúng ta để ý đến những điều khiến chúng ta tin tưởng, mạnh dạn hơn, nên lời văn thường nhắc đến “thời tận cùng” của thế giới. Chúng ta đọc thấy lời văn đó trong sách Đa-ni-en và trong phúc âm thánh Mác-cô. Từ “thời tận cùng” tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “kéo màn lên”. Sách về “thời tận cùng” muốn chúng ta nghĩ như là sự thật sẽ xảy ra, nhưng đang còn ở sau một bức màn che. Chúng ta tưởng là chúng ta trông thấy, nhưng thật ra chưa thấy. Chúng ta tưởng chúng ta biết nhưng thật ra chúng ta chưa biết gì. Và khi bức màn che mắt chúng ta được kéo lên, chúng ta có thể trong thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, và đó là ngày Ngài đến với thế giới chúng ta.

Lời văn về “thời tận cùng” không có ý nghĩa thật, hay không có những cách nào để có thể hiểu các dấu chỉ đó. Lời văn đó cũng không dùng để tiên đoán ngày giờ và nơi các hiện tượng sẽ xảy ra. Mặc dù có những người cố gắng tìm hiểu để tiên đoán những hiện tượng đó. Thỉnh thoảng chúng ta đọc những bài tiên đoán do những người sống trên núi hay trong sa mạc cho rằng những việc họ tiên đoán là từ Kinh thánh và họ cho biết là ngày tận cùng sẽ đến. Khi những tai họa đến, con người không có hy vọng sẽ trở về tìm lại việc làm của họ, tìm lại trường học của con cái họ, vì thế giới đã cùng tận thì ai còn dựa vào toán số làm gì nữa?

Những bài văn về “thời tận cùng” không có mật mã. Nếu chúng ta biết số mật mã chúng ta có thể tiên đoán những hiện tượng trên thế giới. Trái lại lời văn đó ám chỉ một sự thật ngấm ngầm rất quan trọng cho những người có đức tin. Đối với những người Do Thái sống trong thời kỳ bắt đạo, họ có cảm tưởng như Thiên Chúa đã bỏ rơi họ. Và Daniel cam đoan với họ là sau những lúc khó khăn của thời cùng tận, Thiên Chúa sẽ thương những người trung kiên đến cùng. Nhưng, còn hơn thế nữa là Thiên Chúa sẽ không buông tay để họ có cảm tưởng như đang bị thử thách nên Thiên Chúa bảo thiên sứ Micae che chở cho họ (Dn 12:1). Vì Ngài là “thiên Thần hộ thủ”. (Micae có nghĩa là “giống như Chúa).

Khi những quẫn bách của thời tận cùng đến, dân Chúa sẽ thoát khỏi, vì Thiên Chúa sẽ che chở họ. Rồi đến thời quẫn bách ấy đấng Mê-si-a sẽ đến, Bài sách Daniel không hứa hẹn là những người tin Thiên Chúa sẽ không gặp khó khăn thử thách. Không ai có thể nhắc chúng ta điều ấy cả. Chúng ta đã biết vô số những người tốt và vô tội bị bách hại vì những kẻ độc tài trên thế giới này. Nhưng Daniel cam đoan với dân Do Thái thời đó là Thiên Chúa sẽ đến cứu thoát họ và sẽ không để họ chịu hủy diệt.

Vậy những người thời đó và chúng ta có những cam đoan gì? Điều gì đã giúp chúng ta qua những cơn thử thách về đức tin, thử thách từ bên trong và bên ngoài? Daniel không phải tự mình hứa hẹn với dân thời đó. Ông ta không nói với người Do Thái thời đó là “hãy vui lên! Mọi sự sẽ không sao. Chỉ cần kiên nhẫn”. Những gì Daniel nói với họ và với chúng ta là “Những ngày ấy, tôi, Daniel, nghe lời này của Thiên Chúa…” Lời hứa này trấn tĩnh chúng ta: “Chúng ta có lời Chúa hứa…” Vậy thì, thử hỏi Chúa có đáng tin cậy không? Chúa có sẽ giữ lời hứa không? Chúng ta có thể sống mà không trông thấy dấu hiệu nâng đỡ chúng ta không? Chúng ta có thể tiếp tục tin rằng Thiên Chúa ở bên chúng ta không? Nếu chúng ta có niềm hy vọng đó thì, với lời hứa của Thiên Chúa chúng ta có thể bền vững.

Trong bài phúc âm hôm nay Chúa Giêsu dùng lời văn “thời tận cùng” khi Chúa Giêsu nói sẽ có còn gian nan và theo đó “như thế một Con Người đi đến với mây trời…” (Dn 7:13). Khó khăn sẽ quẫn bách, hầu như vũ trụ bị xáo trộn. Những ngày quẫn bách như thế gây nên những câu hỏi thời xưa cũng như thời nay: “vậy ai nắm quyền trong vũ trụ? Thiên Chúa hay Hổn Mang?”

Hổn Mang như có sức mạnh hơn hết, nhất là khi những điều chúng ta quen thuộc và tin tưởng đều bị xáo trộn. Chúa Giêsu nhắc đến cây vả trổ hoa là dấu chỉ niềm hy vọng. Trong mùa đông không dấu gì chỉ sự chết bằng cây vả trong vườn nhà ông tôi. Nhưng hễ mùa xuân đến là lá bắt đầu nẩy mầm non, và đến mùa hè thì chúng tôi lại được có trái ngọt ăn. (thử hỏi những cây vả ấy có thể làm cho một người vô thần tin vào Thiên Chúa không?)

Những Kitô Hữu thời tiên khởi và cả chúng ta đều có thể đặt câu hỏi “vậy ai là người có quyền đến khi mọi sự sẽ cùng tận?” Chúa sẽ nói lại là “các con hãy tin lời của Ta. Thiên Chúa có quyền và Thiên Chúa biết ngày giờ sẽ đến khi nào. Trong lúc ấy các con hãy sẵn sàng đợi ngày ta trở lại và hãy tiếp tục sống trung thành với lời của Ta.”

Đó là đức tin của Kinh Thánh: Ngay giữa lúc mọi sự đều xáo trộn, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và Thiên Chúa sẽ lại đến trong vinh quang chiến thắng sự chết. Thật lời nói của Chúa Giêsu đến đúng lúc và đem lại niềm hy vọng cho chúng ta. Chúa Giêsu sắp vào thành Giê-ru-sa-lem và sắp bị chết. “Gian truân” mà Chúa Giêsu nói trước cho các môn đệ là gian truân sẽ đến cho chính mình Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu chết thì mọi sự sẽ tan vỡ đối với các môn đệ, vậy các ông có nhớ lời Chúa Giêsu đã nói để đợi mùa xuân đến không? Hôm nay, thử hỏi chúng ta có tin vào lời Chúa Giêsu nói “lời của Ta không bao giờ mất đi”, vậy chúng ta có tin hay không?

Với sự sống lại của Chúa Giêsu, thời cùng tận đã bắt đầu. Chúng ta không biết bao giờ Chúa Giêsu sẽ trở lại. Chúng ta cũng không biết tại sao chúng ta lại phải đợi lâu đến thế. Có thể là sự chờ đợi lâu có ích cho thế giới. Có thể là Thiên Chúa cho chúng ta nhiều thì giờ chờ đợi để chúng ta có dịp sửa soạn, không phải chỉ riêng mình chúng ta, mà có lẽ chúng ta có thêm thì giờ để làm chứng về Chúa Giêsu cho thế giới, và chúng ta có thể mời thêm nhiều người đến lãnh nhận tình thương của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Trong khi chờ đợi, chúng ta sống như là Chúa Giêsu sắp trở lại. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nhìn vào những dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa Giêsu bên cạnh chúng ta qua Chúa Thánh Linh, và chúng ta sống để làm chứng cho những dấu chỉ đó. Thiên Chúa muốn mời gọi thêm nhiều người nữa biết thương yêu Đấng mà Chúa Giêsu chứng minh. Hôm nay trong thánh lễ, chúng ta mừng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong lời kinh thánh và trong bí tích thánh thể, và chúng ta được sự cam đoan là mặc dù sự cùng tận đến như thế nào đi nữa, Chúa Thánh Linh sẽ ở bên chúng ta để nuôi dưỡng chúng ta.

chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP

Lm. Jude Siciliano, OP

Tận thế

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXXIII/TN-B – Mc 13, 24-32) trình thuật về ngày cánh chung vũ trụ (ngày tận thế): "Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.” Ngày tận thế đã được tiên báo từ Cựu Ước: "Thời đó, sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Thời đó, trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời.” (Bài đọc 1 – Đn 12, 1-3).

Nếu đọc hết cả "Bài giảng cánh chung” (Mc 13, 1-32) thì sẽ thấy ngày cuối cùng của trần thế thật là khủng khiếp: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính Ta đây!", và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn. Phần anh em, anh em hãy coi chừng! Người ta sẽ nộp anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ được biết… Anh em sẽ nộp nhau cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Mc 13, 5-13). Vâng, "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển." (Lc 21, 25-26). Ngày cuối cùng của trần thế là như vậy đó! Và chỉ nghĩ tới thôi cũng đã thấy sợ hãi khôn cùng, chẳng hiểu khi đối diện với sự thật thì sẽ ra sao?

Có lẽ cũng vì thế – vì muốn “nổ” để chứng tỏ mình là kẻ “thức giả” (người hiểu biết thứ xịn!) – nên những nhà tiên-tri-thời-đai đã tiên đoán năm 2.000, mở đầu cho thiên niên kỷ thứ 3, sẽ là ngày tận thế. Có một điểm tức cười là trong xã hội lại phao lên một tin (không biết có phải xuất phát từ những nhà tiên-tri-thời-đai hay không?) là trái đất sẽ tối tăm mù mịt trong 3 ngày liền! Tận thế mà chỉ tối tăm có 3 ngày thôi sao? Sau 3 ngày đó thì sao? Kẻ viết bài này vốn bị căn bệnh mãn tính “đa nghi như Tào Tháo” nên không tin và đã ôm bụng cười khi có mấy người quen mách bảo “mua sẵn mấy thùng mì tôm” để phòng hờ 3 ngày đó không đi chợ được thì có cái mà dằn bụng. Ôi chao! Tận thế mà mặt đất chỉ tối tăm có 3 ngày và trong 3 ngày đó thì cứ yên nhiên ăn mì tôm là thoát nạn! Làm cứ như mấy thùng mì tôm ấy là “Thuyền cứu tinh Nô-ê” không bằng!

Chưa nguôi cơn sốt “tận thế năm 2.000” thì thế giới lại ngất ngư về tin đồn tận thế vào ngày 21/12/2012. Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng, giả thuyết về “ngày tận thế 21/12/2012” xuất phát từ những thông tin thêu dệt từ lời tiên đoán của một tác giả khoa học viễn tưởng trùng hợp ngẫu nhiên với lịch của người Maya cổ đại. Những người Maya cổ đại sống ở Trung Mỹ và Mexico đã sáng tạo hệ thống tính thời gian và bộ lịch tuần hoàn có tên gọi là Long Count Calendar (lịch Đếm Dài). Theo tính toán của người Maya thì ngày 21/12/2012, tức là ngày thứ 1.872.000 kể từ ngày 11/8/3114 trước công nguyên sẽ là một ngày cực kỳ trọng đại, đó là thời khắc mà thời đại của chúng ta sẽ kết thúc để chuyển sang một thời đại mới. Như vậy là ngày 21/12/2012 chỉ kết thúc một giai đoạn để chuyển sang một giai đoạn khác chớ không phải là tận diệt hoàn toàn!

Tuy nhiên, sự giải thích lệch lạc đã khiến một bộ phận không nhỏ dân chúng tại nhiều nước như Nga, Pháp, Trung Quốc, Serbia, Mỹ… hoang mang. Họ tích trữ lương thực và nhu yếu phẩm, đổ xô tới hai ngọn núi “thần bí” ở Pháp và Serbia để tránh ngày tận thế: Đó là ngọn “Pic de Bugarach” nằm ở phía Tây Nam nước Pháp, cao 1.230m, là đỉnh núi cao nhất thuộc dãy Corbières. Nơi đây trực thuộc Languedoc-Roussillon – vùng trồng nho lớn nhất nước Pháp; Và ngọn “Rtanj” nằm ở phía Đông Serbia, kéo dài khoảng 200km về phía Đông Nam của Belgrade. Trên núi có đỉnh Siljak, cao 1.565m với hình dáng đặc biệt. Đây chính là nơi được đồn đoán cất giữ nhiều bí ẩn. Nếu không tới được 2 ngọn núi đó thì lên kế hoạch đóng tàu (như kiểu tàu Noah – Nô-ê), hoặc làm qủa cầu khủng (kiểu khinh khí cầu). Hoành tráng nhất phải kể đến tour du lịch 24 giờ mang tên “Cơ hội sống sót” tại Moscow (Nga); nhưng nếu muốn tận hưởng ngày “tận thế” trong tour du lịch hoành tráng này thì phải có ít nhất 2.000 USD!

Thế giới náo động vì ngày tận thế đến độ Tòa Thánh Vatican phải lên tiếng: Hãng thông tấn AP đưa tin: Đức Giám mục Jose Funes, giám đốc Đài thiên văn Vatican, viết trên L'Osservatore Romano, một tờ báo của Tòa thánh, rằng tận thế là đề tài "không đáng được thảo luận", dù chúng đang tràn ngập trên mạng Internet. Ngài giải thích: "Đúng thế, vũ trụ đang giãn nở. Theo một số mô hình vật lý, vào một thời điểm nào đó, vũ trụ sẽ ngừng giãn nở và trái đất diệt vong. Nhưng sự kiện đó sẽ không xảy ra trong vài tỷ năm tới." Năm 2012 qua đi một cái vù như “bóng câu qua cửa sổ”. Ấy thế là những nhà tiên-tri-thời-đại chưng hửng! Nhưng theo AFP thì vụ 21/12/2012, ngành du lịch đã thu được một lợi nhuận khổng lồ (hàng tỷ USD)!

Chuyện chưa đến hồi kết thúc! Các chuyên gia đoán vận số trái đất lại căn cứ vào lời sấm truyền trong văn hóa Viking ở Bắc Âu mà cho rằng Trái đất sẽ tận diệt vào ngày 22/2/2014. Dư luận thế giới chưa hết xôn xao thì gần đây, tin đồn một “nhà tiên tri tự phong” còn trẻ tên Rev. Efrain Rodriguez cho biết anh đã nhận được lời nhắn từ Chúa Trời và đã quyết định gửi bức thư về cho NASA báo tin: "Một tiểu hành tinh to bằng chiếc xe buýt mang tên 2014 EC sẽ tấn công gần Puerto Rico vào khoảng ngày 22 đến 28/9/2015. Vụ tấn công này sẽ gây ra những trận động đất, sóng thần mạnh trên diện rộng, tàn phá các bờ biển phía Đông của Mỹ, Mexico, Trung, Nam Mỹ và khiến Trái đất diệt vong." Tuy nhiên, NASA đã bác bỏ thông tin về việc Trái đất sẽ kết thúc vào tháng 9/2015 và cho đó là nhận định vô căn cứ. Phát ngôn viên của NASA cho hay: "Hiện nay không có tiểu hành tinh nào có nguy cơ tấn công Trái đất, và nếu có thì xác suất của vụ va chạm lớn gây ra động đất, sóng thần là khá nhỏ. Trong thực tế, sẽ không có một tiểu hành tinh nào đủ lớn để đe dọa Trái đất trong vài trăm năm tới". (nguồn: Dailymail).

Tục ngữ Hán Việt có câu “Sự bất quá tam” (một sự việc nào đó thường không xảy ra quá 3 lần), ngụ ý: Đừng để một việc làm hay một hành động không tốt hoặc một lỗi lầm xảy ra quá ba lần. Dân gian VN cũng có câu đừng để chuyện chướng tai gai mắt xảy ra “quá tam ba bận”. Chẳng hiểu những nhà Tiên-tri-thời-đai nghĩ sao khi đã tiên đoán ngày tận thế tới 4 lần (năm 2000; ngày 12/12/2012; ngày 22/2/2014, ngày 28/9/2015), mà nó vẫn chưa xảy ra?!! Dông dài đôi điều cho vui và đỡ sợ, bây giờ thì xin nghiêm chỉnh vào đề:

Điều đáng lo ngại nhất là thế giới ngày nay đã diễn ra y hệt như lời tiên báo của Đức Ki-tô, thậm chí còn tệ hại hơn nữa là khác. Sự sa đọa và tội lỗi của nhân loại ngày càng gia tăng. Con người dường như ngày càng mất đi cảm thức về tội lỗi. Người ta chỉ biết quan tâm chạy theo những quyến rũ của vật chất, của quyền lực danh vọng, của thú vui xác thịt… Con người trở nên ích kỷ hơn bao giờ hết. Các tôn giáo có khuynh hướng chỉ chú tâm đến những lễ nghi hay hình thức bên ngoài mà quên đi tinh thần phải có ở bên trong. Vì thế, khả năng soi sáng và hướng dẫn thế giới của các tôn giáo không mấy hữu hiệu. Giới tăng lữ, tu sĩ bị tục hóa đến nỗi nhiều người chỉ coi tác vụ của mình như một nghề nghiệp sinh nhai. Ấy là chưa kể những “Ki-tô, ngôn sứ, tiên tri giả” nhan nhản khắp nơi. Đó là những điều khiến Đức Giê-su đã đoán trước và lo ngại cho thế giới này: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Đó mới thật sự là nỗi lo sợ của những kẻ thức giả và nói chung là của những người còn tin vào một cõi sống có thực dành cho con người sau ngày tận thế (kẻ lành hưởng phúc, kẻ dữ chịu án phạt đời đời).

Tham sinh uý tử (tham sống sợ chết) là bản chất con người, chuyện đó không có gì đáng trách. Tuy nhiên, chỉ cần đọc tiếp đoạn Tin Mừng trích dẫn trên thì sẽ thấy “sau cơn mưa, trời lại sáng’, sau lúc tối tăm ngặt nghèo là sự chói rạng của bầu trời hy vọng: "Ngay sau những ngày gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia.” (Mt, 24, 29-31). Đấng Cứu Độ sẽ tái quang lâm và khi đó chính là lúc cả một bầu trời hy vọng sẽ đến với những kẻ “TIN và kiên trì với niềm tin của mình mà vượt qua mọi gian nan, thử thách”.

Điều cần thiết là trong những ngày cuối cùng ấy phải cảnh giác cao độ, kẻo mắc mưu gian của những kẻ “phản Ki-tô” hoặc “Ki-tô giả” (“Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào” – 2Tx 2, 3). Ấy cũng bởi vì chúng ta xưng mình là "con cái", là "tôi tớ" của Thiên Chúa là Đấng Chân Thật, nhưng lại tin nghe và hùa theo những chuyên gia “lộng giả thành chân” (lấy giả làm thật), tránh né sự thật, đánh bóng, tô hồng cho sự giả trá để biến nó thành "sự thật" với mục đích lôi cuốn những người trẻ lòng non dạ... Họ chính là những kẻ đã bị ngôn sứ I-sai-a vạch trần mưu gian: “Khốn thay những kẻ lấy dây gian tà kéo lầm lỗi, và dùng thừng kéo xe mà lôi theo tội ác… Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối, biến cay đắng thành ngọt ngào, ngọt ngào thành cay đắng.” (Is 5, 18-20).

Như vậy thì thái độ ứng xử cần có của Ki-tô hữu phải là tỉnh thức và chờ đợi hay nói cách khác “Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời” như lời khuyên của nhà phù thuỷ tin học Steve Jobs (Giám đốc điều hành Công ty máy tính Apple). Một cách cụ thể là hãy nhìn lại mình để thấy được mình đã sống như thế nào và tận dụng ngày cuối cùng của cuộc đời ra sao, để sẵn sàng đón nhận ngày phải đến và sẽ đến – ngày “chung thẩm” cuộc sống trần ai. Thánh Phao-lô đã gửi tín hữu Ê-phê-sô những lời khuyên chí tình chí nghĩa: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối” (Ep, 15-16). Vâng, “biết tận dụng thời buổi hiện tại” và hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng: Yêu thương gia đình và những người thân cận như thể không còn dịp để yêu thương nữa. Cuối cùng, hãy cầu nguyện như thể mình cầu nguyện lần cuối.

Tóm lại, bất cứ một sự gì trên đời có khởi đầu thì cũng có kết thúc, có “sinh” thì có “diệt” (Hữu sinh tất hữu diệt: 有 生 必 有 滅 ). Vũ trụ được tạo thành (sinh) tất nhiên sẽ có ngày tận cùng (diệt). không có bất cứ một sự gì là miên viễn bất tử cả. Là con người thì ai cũng biết chắc chắn 100% rằng mình sẽ chết. Mà cũng vì thế nên con người cứ mò mẫm tin vào thầy nọ thuốc kia đi tìm thần dược trường sinh bất tử. Từ khi con người – nhờ hồng ân Thiên Chúa thương ban – hiện dịên trên trái đât này, cho tới ngày nay, chưa một ai chứng minh được rằng mình thoát khỏi sự chết, thoát khỏi sự trở về với cát bụi.

Con người biết chắc mình đã “sinh ký” (sống gởi) thì sẽ “tử quy” (thác về); nhưng khổ một nỗi là chẳng ai biết chắc được về ngày giờ chết của mình. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, không ai ngờ trước được. Ngày cánh chung cũng vậy thôi (“Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả Người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36). Vì thế, người Ki-tô hữu hãy tin tưởng vào Lời dạy của Đức Giê-su Thiên Chúa về “Thời cánh chung” (Mt 24, 1-46; Mc 13, 1-37; Lc 21, 5-38), nhìn vào “Những điềm báo trước” (Mt 24, 4-13; Mc 13, 5-13; Lc 21, 8-19), và từ đó đề ra một kế hoạch chuẩn bị thật chu đáo cho ngày diện kiến Ông Chủ để được Người phán dạy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" (Mt 25, 23). Ước được như vậy.

Ôi! Lạy Chúa! Con ao ước ngày “thẩm định chung cuộc” phải là ngày hạnh phúc nhất của con. Con muốn chuẩn bị bằng cách: ngày nào hay giờ nào con cũng sống như thể ngày đó hay giờ đó là ngày hay giờ cuối cùng cuộc đời trần thế của con, để “biết tận dụng thời buổi hiện tại” như lời dạy của Thánh Phao-lô. Hy vọng với cách đó, con sẽ luôn luôn sẵn sàng trở về với Chúa bất cứ giây phút nào. Ôi! Lạy Chúa! Xin thương xót con, xin giúp con sống thật sự tinh thần chuẩn bị sẵn sàng đó, để “Khi Chúa thương gọi con về, Hồn con hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng con nức vui tiếng cười, lưỡi con vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô, con thật vinh phúc.” (Kim Long – “Ngày về” – TCCĐ). Amen.

JM. Lam Thy ĐVD

Tấm lòng cho đi

Nếu hỏi rằng ai là người có giá trị trong cuộc đời của bạn? Có lẽ không phải là người có tiền, có địa vị mà là người đã từng hy sinh cho bạn. Nếu hỏi rằng ai là người có ích với bạn? Có lẽ không phải là người có quyền lực, có danh giá mà là người tận tuỵ dìu dắt bạn. Vậy theo bạn, ai là người nghèo đáng thương nhất trong cuộc đời? Có lẽ người nghèo đáng thương nhất là người không có tấm lòng để cho. Sự ích kỷ đã đẩy họ đến bần cùng đến nỗi không mua được bạn bè, không mua được niềm vui của sự trao ban. Sự tham lam đã khiến họ chơi bần với anh em, dẫn đến sự xa cách lạnh lùng.

Có một gia đình kia rất giầu có. Một hôm ông bố dẫn con về quê với ý định cho con thấy người nghèo sống ra sao. Hai bố con ở chơi mấy ngày với một gia đình nông dân mà người ta vẫn coi là rất nghèo trong làng. Lúc trở về, ông bố hỏi con: Con đã thấy người nghèo sống ra sao? Đứa con trả lời: Cám ơn bố đã cho con thấy mình nghèo như thế nào. Còn họ thật giàu có. Ông bố hỏi lại: Tại sao con lại nghĩ thế? Đứa con trả lời: Con thấy chúng ta chỉ có một con chó, họ có tới 4 con. Chúng ta chỉ có một cái hồ cỏn con ở giữa vườn, còn họ có dòng sông dài đến vô tận. Chúng ta chỉ có mấy cái đèn ngoài vườn, còn ban đêm họ có bao nhiêu là sao sáng. Trước nhà chúng ta chỉ giới hạn ở trước sân vườn, còn trước nhà họ là không gian mênh mông đến tận chân trời. Chúng ta chỉ sống trên mảnh đất bé nhỏ, còn họ có ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay. Chúng ta có gia nhân phục vụ nhưng họ chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta phải mua thực phẩm nhưng họ tự tay trồng lấy lúa rau. Chúng ta có tường rào vây quanh bảo vệ, nhưng họ có bạn hữu bảo vệ… Ông bố nghe mà cứ ngẩn ngơ người, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước nhận xét thật đơn sơ của đứa con.

Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra 2 nhận định khác nhau về 2 loại người. Nhận định thứ nhất về nhóm biệt phái, đại diện cho thành phần có chức có quyền. Nhận định thứ hai về bà goá nghèo, đại diện cho những con người thấp hèn, nghèo đói. Cả hai đều lên đền thờ với hai thái độ khác nhau. Bà goá nghèo khiêm tốn. Nhóm biệt phái giầu có lại kiêu căng. Bà goá nghèo dâng tất cả những gì mình có cho Chúa. Người biệt phái chỉ có lòng tự cao tự đại.

Nhóm biệt phái là những công chức đền thờ nhưng không đóng góp của chung mà chỉ lợi dụng để lấy của chung thành của riêng. Họ là những người giàu có nhưng lòng họ chất chứa đầy sự kiêu căng, vụ lợi đến nỗi không còn lòng quảng đại để cho đi.

Bà goá nghèo tiền, nghèo của nhưng lại giàu tấm lòng. Bà thành kính lên đền thờ với thái độ khiêm tốn thẳm sâu trước nơi cực thánh của Chúa. Bà đã dâng tất cả những gì mình có cho Chúa, dù chỉ là một đồng xu nhỏ bé.

Chúa đã khen ngợi tấm lòng bà goá. Một tấm lòng chân thành và quảng đại. Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Kẻ không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng.

Thực vậy, sự giầu có về vật chất đôi khi làm con người nghèo khó về tinh thần. Sự nghèo khó vật chất đôi khi lại thảnh thơi tâm hồn. Kẻ tham lam thường nghèo đói về lòng nhân ái. Kẻ biết sống khó nghèo thường chứa chan tình yêu. Kẻ có chức có quyền dễ mất tính bao dung và thương xót. Kẻ khốn cùng dễ cảm thông với bất hạnh bần cùng của tha nhân.

Xét cho cùng, sự giàu có không hệ tại ở đồng tiền hay chức vị. Sự giàu có hệ tại ở những tương quan với đồng loại. Do vậy, điều mà con người cần tích luỹ không phải là của cải trần gian mà là tình yêu đối với tha nhân. Điều mà con người thu gom không phải là hàng hoá xa xỉ phẩm mà là từng nghĩa cử cao đẹp chúng ta dành cho đồng loại.

Kẻ có chức có quyền càng bị kết án nặng hơn nếu họ không biết dùng địa vị của mình để phục vụ một cách vô vị lợi. Chính họ không những phải trả lẽ trước mặt Chúa về sự ích kỷ của mình, mà còn mất đi cơ hội mua lấy bạn hữu Nước Trời bằng tấm lòng rộng lượng của mình.

Mỗi người chúng ta chỉ là những quản lý của Chúa, hãy biết đón nhận trong sự khiêm tốn và biết trao ban cho anh em theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Xét cho cùng, tất cả những gì chúng ta có, đều nhận lãnh do lòng quảng đại của Chúa. Do đó, những gì chúng ta cho, không phải chúng ta cho của riêng mình, nhưng là giao lại cho người khác những gì thuộc về Chúa. Dù vậy Chúa vẫn thưởng công cho chúng ta. Vì Chúa đã từng nói: “Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Subcategories