SỐNG VÀ LOAN BÁO NIỀM VUI, BÌNH AN
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Con người luôn khao khát tìm kiếm niềm vui, bình an và ý nghĩa cuộc sống. Nhưng những biến chuyển không ngừng của xã hội hiện đại, từ xung đột chính trị, bất ổn kinh tế, đến những áp lực cá nhân, khiến nhiều người cảm thấy lạc lối. Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay mang đến một thông điệp hy vọng, niềm vui đích thực và sứ mệnh lan tỏa bình an ngay trong gian khổ, vì niềm vui và bình an không phải là điều xa vời, mà là ân sủng Thiên Chúa ban tặng cho những ai đặt niềm tin vào Ngài.
- Lời Hứa Về Bình An và Vinh Quang
Ngôn sứ Isaia mang đến một lời mời gọi đầy hy vọng: “Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ” (Is 66:10-14). Đây là lời hứa về sự phục hồi toàn diện, nơi Thiên Chúa ban tặng bình an và vinh quang cho dân Ngài. Isaia viết: “Ta sẽ khiến ơn thái bình chảy đến như dòng sông cả, và của cải muôn dân tuôn về như thác đổ” (Is 66:12). Bình an mà Thiên Chúa hứa ban không chỉ là sự vắng bóng chiến tranh hay xung đột, mà là một tình trạng hài hòa sâu sắc, nơi con người được kết hiệp với Thiên Chúa và sống viên mãn trong tình yêu Ngài.
Hình ảnh “như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ” và “được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối” (Is 66:11-12) diễn tả tình yêu dịu dàng, gần gũi của Thiên Chúa, giống như tình mẫu tử. Đây là một tình yêu không chỉ nuôi dưỡng mà còn xoa dịu những vết thương sâu kín trong tâm hồn. Lời hứa này đặc biệt ý nghĩa trong những thời khắc đau khổ, khi con người đối diện với mất mát, thất bại, hay tuyệt vọng. Thiên Chúa, như một người mẹ, không chỉ thấu hiểu nỗi đau của con cái mà còn ban tặng sự an ủi, khiến “thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh” (Is 66:14). Thông điệp này nhắc nhở rằng niềm vui đích thực không đến từ những thành công trần thế, mà từ sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống.
- Giêrusalem: Giáo Hội và Nước Trời
Trong truyền thống Kitô giáo, Giêrusalem không chỉ là một thành phố vật chất mà còn là biểu tượng của Giáo Hội và Nước Trời. Thánh Augustinô nói chỉ trong mối tương quan với Thiên Chúa, con người mới tìm thấy ý nghĩa và sự bình an sâu xa mà thế gian này, với những giá trị tạm bợ, không thể mang lại. Thánh nhân nhấn mạnh rằng niềm vui, bình an và công lý đích thực chỉ được tìm thấy trong Thành Đô của Thiên Chúa: “Trong Thành Đô của Thiên Chúa không theo sự khôn ngoan của loài người, mà chỉ có sự tin kính, thờ phượng Thiên Chúa chân thật và mong đợi phần thưởng trong cộng đoàn của các thánh nhân, của các thiên thần thánh thiện cũng như của những con người thánh, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (Quyển XIV, Chương 28).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong thông điệp Fratelli Tutti, tiếp tục ý tưởng này khi kêu gọi xây dựng “một nền văn hóa mới”, trong đó mọi người sống trong tình huynh đệ và cùng nhau nỗ lực vì sự hòa hợp: “Cuộc sống là nghệ thuật gặp gỡ giữa biết bao bất đồng. Đã nhiều lần tôi mời gọi phát triển một nền văn hóa gặp gỡ vượt lên những biện chứng đối kháng nhau. Đó là một lối sống nhằm tạo nên một khối đa diện với nhiều góc cạnh, nhưng vẫn là một thể thống nhất mang nhiều sắc thái, bởi vì “toàn thể lớn hơn thành phần”. Khối đa diện này là hình ảnh của một xã hội có nhiều khác biệt, bổ sung, làm phong phú và soi sáng lẫn nhau cho dù vẫn có những bất đồng và ngờ vực. Thật vậy, người ta có thể học hỏi lẫn nhau, không ai là vô dụng, không ai là thừa thãi” (số 215). Vì thế, “khối đa diện này” không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn là lời mời gọi hành động. Đó một xã hội lý tưởng, nơi con người sống theo các giá trị của Tin Mừng, yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Trong thế giới ngày nay, với những chia rẽ về sắc tộc, tôn giáo và chính trị, lời mời gọi xây dựng một “Giêrusalem mới” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
- Đóng Đinh Tính Xác Thịt và Trở Thành Thụ Tạo Mới
Thánh Phaolô tuyên bố: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6:14). Đối với Thánh Phaolô, thập giá là trung tâm của đời sống Kitô hữu, là nguồn mạch của sự đổi mới và bình an. Ngài viết: “Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14). “Thế gian” ở đây không chỉ là thế giới vật chất, mà là hệ thống giá trị sai lệch, những cám dỗ và tham vọng không đặt nền tảng trên Thiên Chúa.
Khi một người chấp nhận thập giá, họ từ bỏ sự chi phối của thế gian và mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa. Qua thập giá, con người được tái sinh thành “một thụ tạo mới” (Gl 6:15), vượt qua những nghi thức bề ngoài như cắt bì hay các quy tắc tôn giáo cứng nhắc. Sự đổi mới này không chỉ là một thay đổi nội tâm mà còn là một cách sống mới, nơi con người sống vì Thiên Chúa và vì tha nhân.
Thánh Phaolô khẳng định: “Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Chúa Giêsu” (Gl 6:17). Những “dấu tích” này là các vết sẹo mà ngài chịu đựng vì rao giảng Tin Mừng – từ những lần bị đánh đập, tù đày, đến sự bách hại. Những dấu vết này không phải là biểu tượng của sự thất bại, mà là bằng chứng của lòng trung thành và tình yêu hy sinh. Lời chúc phúc của Thánh Phaolô – “Chúc Israel của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Ngài” (Gl 6:16) bao gồm tất cả những ai tin vào Chúa Kitô và sống theo con đường trở thành thụ tạo mới.
Thánh Gioan Kim Khẩu gọi thập giá là “niềm hy vọng của các Kitô hữu” và là biểu tượng của chiến thắng trước sự dữ (Bài giảng về Thập Giá). Theo ngài, thập giá không chỉ là công cụ của sự đau khổ, mà là biểu tượng của tình yêu và sự cứu chuộc. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng nhấn mạnh: “Thập giá là mặc khải tối cao của tình yêu Thiên Chúa” (Bài giảng Lễ Lá, 2007). Thập giá không phải là sự áp đặt hay hình phạt, mà là con đường tự nguyện mà Chúa Kitô đã chọn để cứu rỗi nhân loại. Qua thập giá, con người được mời gọi tham dự vào tình yêu hy sinh của Ngài.
Trong Thế chiến II, Corrie và gia đình bà đã liều mạng giấu những người Do Thái khỏi sự truy lùng của Đức Quốc Xã. Khi bị phát hiện, Corrie và chị gái Betsie bị đưa đến trại tập trung Ravensbrück, nơi họ phải đối mặt với những điều kiện sống khắc nghiệt và sự tàn bạo của chiến tranh. Tuy nhiên, ngay cả trong hoàn cảnh đen tối nhất, Betsie vẫn tìm thấy hy vọng và bình an trong đức tin vào Thiên Chúa.
Trong cuốn “Nơi Ẩn Náu” Corrie kể lại cách Betsie khuyến khích bà nhận ra ánh sáng giữa bóng tối. Betsie tin rằng tình yêu của Thiên Chúa có thể chạm đến mọi hoàn cảnh, ngay cả trong trại tập trung. Một lần, khi bị giam trong một căn phòng chật chội đầy rận, Betsie đã cảm tạ Chúa vì những con rận, bởi chúng khiến lính canh tránh xa, cho phép các tù nhân tổ chức cầu nguyện. Chính đức tin này đã giúp Corrie tìm thấy niềm vui và ý nghĩa, đúng như lời Tiên tri Isaia: “Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh” (Is 66:14). Sau khi được thả, Corrie tiếp tục sứ mệnh chia sẻ Tin Mừng, mang niềm vui và hy vọng đến với thế giới.
- Được sai đi mang bình an đến mọi người
Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, một con số mang tính biểu tượng cho sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội. Ngài căn dặn: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10:3). Lời này vừa là lời cảnh báo về những thách thức, vừa là lời khẳng định về sự quan phòng của Thiên Chúa. Các môn đệ không mang theo hành trang vật chất, mà chỉ mang lời chúc phúc: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10:5). Bình an - Shalom - trong truyền thống Do Thái không chỉ là sự yên ổn, mà là sự trọn vẹn, sức khỏe, và hạnh phúc tràn đầy. Tuy nhiên, bình an này cần được đón nhận với lòng tin.
Các môn đệ được sai đi để chữa lành bệnh nhân và loan báo: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10:9). Hành động chữa lành và lời rao giảng này là dấu hiệu của quyền năng Thiên Chúa, minh chứng rằng Nước Trời không phải là một viễn cảnh xa xôi, mà là một thực tại đang hiện diện, khẳng định rằng Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần, bất kể thái độ của con người.
Khi các môn đệ trở về, họ hân hoan báo cáo: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10:17). Chúa Giêsu xác nhận quyền năng của họ, nhưng đồng thời nhắc nhở: “Anh em chớ vui mừng vì quỷ thần khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10:20). Lời này nhấn mạnh rằng niềm vui đích thực không nằm ở những thành công tạm thời, mà ở mối hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa. Sứ mệnh rao giảng không phải là để tìm kiếm danh vọng, mà là để làm chứng cho tình yêu và vinh quang của Ngài.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng sứ mệnh rao giảng là công bố vinh quang của Thiên Chúa và làm cho Vương quốc Ngài hiện diện trong thế giới: “Giáo Hội có "sứ mệnh loan truyền và khai mở Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như Vương Quốc của Chúa Kitô nơi mọi dân nước” (Thông điệp Redemptoris Missio, số 18). Mỗi Kitô hữu được mời gọi trở thành sứ giả của Tin Mừng, mang bình an và hy vọng đến mọi ngõ ngách của xã hội: “Tin Mừng dành cho mọi người, không chỉ cho một số người. Tin Mừng không chỉ dành cho những người có vẻ gần gũi với chúng ta hơn, dễ tiếp thu hơn, chào đón hơn. Tin Mừng dành cho mọi người. Đừng sợ ra đi và mang Chúa Kitô đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, đến tận rìa xã hội, thậm chí đến những người có vẻ xa cách nhất, thờ ơ nhất. Chúa tìm kiếm tất cả, Ngài muốn mọi người cảm nhận được sự ấm áp của lòng thương xót và tình yêu của Ngài” (ĐGH Phanxicô, Thánh lễ bên bờ sông Copacabana, Rio de Janeiro, ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28, 28.07.2013)
Niềm vui và bình an không phải là sự vắng bóng thử thách, mà là sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Lời mời gọi cuối cùng dành cho mỗi người là: Bạn có cảm thấy được sai đi để mang bình an của Chúa đến cho người khác không? Hãy để tình yêu của Chúa Kitô dẫn dắt bạn, để bạn trở thành ánh sáng và hy vọng trong một thế giới đang khao khát niềm vui và bình an.
Phêrô Phạm Văn Trung