- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Năm ngày Chúa nhật liên tiếp của năm B, từ CN 17 đến CN 21, ta đã được và sẽ được nghe nói về đề tài bánh. Nhiều bánh quá đến độ chán chê. Mà đúng là no nê chán chê thật, nếu đó là bánh, của ăn phần xác. No nê sẽ chán chê. Nhưng cũng có một thứ bánh no nê mà không chê chán. Đề tài hôm nay là phân biệt hai thứ bánh.
Nhưng trước hết ta hãy rảo qua bối cảnh của đoạn Tin Mừng được trích hôm nay. Số là cách đây mấy tuần, ta nghe đọc: Chúa thấy đám đông thì động lòng thương, và động lòng thương, thì Chúa liền dạy dỗ họ nhiều điều. Rồi đợi đến chiều tối, cũng động lòng thương đám đông đó, Chúa hoá bánh ra nhiều nuôi sống họ. Họ thấy vậy mừng quá, muốn kông kênh ông có phép biến hoá bánh ít ra bánh đa này lên làm vua, để khỏi lo khi làm ăn thua lỗ không cơm đổ vào miệng, thì đã có ông này hoá bánh ít dùm cho. Chúa biết vậy, nên trốn đi. Nhưng nào trốn được, cuối cùng họ cũng lần ra chỗ nấp của Ngài, mà không cần treo giải 30 triệu đôla như ai đó chỉ chỗ núp của Saddam Hussein đã được. Ông hoá bánh ra nhiều ấy trốn bên kia biển hồ chứ đâu! Khi gặp lại, dân lại còn xã giao chào hỏi: Thầy đến đây bao lâu rồi vậy. Chúa Giêsu đáp: "Thật, Tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm Tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. (Ga 6, 26). Và sau đó là một cuộc đối thoại về của ăn làm ta sống mãi.
Vậy là có của ăn mau hư nát và có lương thực trường sinh.
- Của ăn hư nát
Của ăn mau hư nát, ai cũng rõ, chính là thức ăn bỏ vào miệng. Dẫu cho hư nát nhưng nó làm cho ta sống, thiếu nó là chết… đói. Thức ăn này bỏ qua đêm, nhất là mùa hè oi bức, sẽ dễ hư thiu. Ngay bánh manna bởi trời xưa dân Do Thái ăn trong 40 năm sa mạc, mà ai lấy nhiều quá, ăn không hết, để qua hôm sau là liền có sâu bọ giòi. Hư thối ngay. Huống gì là bánh không phải bởi trời, như thức ăn mua ở chợ (Đakao) đây. Cũng có luật trừ là khi đi trong Sa mạc, ngày thứ sáu được lấy 2 phần, vì ngày thứ bảy ngày hưu, nên manna cũng hưu, nghỉ rơi, ngừng rớt.
Nhưng câu nói của Chúa Giêsu về hai thứ thức ăn: hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, thì thức ăn hư nát không chỉ là của ăn nhai được, mà là những gì làm cho người ta ra hư nát, tức là: của cải vật chất, tiền tài, danh vọng, mà ai cũng thèm ăn: ăn tiền. Ăn tiền dễ hư người, dễ nát thây. Mấy vụ xử bắn 12 phát nát thây dành cho các ông Tăng Kim Phụng, Phạm Nhật Hồng là một ví dụ. Năm Cam cũng vậy. Vậy hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hư nát. Mà vì loại của ăn thứ hai: lương thực thường tồn.
- Của ăn thường tồn
Chúa Giêsu hé cho thấy của ăn này vượt xa manna xưa, tuy nó cũng rơi từ trời xuống đó. Người Do Thái khoe: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: ‘Ngài đã cho họ ăn bánh bởi trời.’" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha Tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian". Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy". Chúa Giêsu bảo họ: "Chính Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ!”.
Vậy chẳng phải tìm đâu xa: bánh bởi trời đích thực, chính là Đấng bởi trời ngự xuống. Chính là Chúa Giêsu Kitô.
Khi hoàng đế Napoléôn nước Pháp, người chinh phục gần như cả Âu Châu, sau bị đày sang đảo Sainte Hélène, người viết tiểu sử cùng đi theo. Một hôm, thấy gần đến ngày gần đất xa trời của ông trời con một thời là Nã Phá Luân, người viết tiểu sử liền hỏi: “Ngài vui lòng cho biết: trong suốt cuộc đời của ngài, ngày nào là ngày hạnh phúc nhất?” Napoléôn suy nghĩ hồi lâu, rồi nói: “Tôi nhớ nhất ngày hạnh phúc trong đời của tôi là ngày, lâu lắm rồi, khi tôi còn bé: đó là ngày tôi được rước lễ lần đầu”.
Ngày hạnh phúc nhất của Nã Phá Luân đại đế không phải là ngày ngài lên ngai vàng, không phải là ngày chiến thắng vẻ vang khắp trời Âu và vùng Châu Phi phía Bắc. Cũng chẳng phải ngày cưới Josephine xinh đẹp hoặc ngày lấy Marie Louise đáng yêu. Mà là ngày được rước lễ lần thứ nhất.
Nhưng chúng ta không phải chỉ là rước Chúa lần thứ nhất, mà lần thứ ngàn, thứ muôn, thứ vạn. Tuổi càng cao, Chúa càng vào nhiều lúc. Cả ngàn, chục ngàn lần rước Chúa, ta có xem đó là lương thực thường tồn, là ngày hạnh phúc nhất nhì cuộc sống hay không? Chắc là chưa. Tôi cũng thế. Ngày nào cũng rước. Có ngày hai ba bốn bận. Nhưng không thấy si-nhê gì. Tại sao ? Có 2 lý do: vì chúng ta chưa đưa Chúa vào bánh, và vì chúng ta rước Chúa chứ chưa phải rước tấm bánh bẻ ra.
Chúng ta chưa đưa Chúa vào bánh.Chúa không có trong bánh. Nietzsche là triết gia, tổ của vô thần. Ông đã từng nóiThiên Chúa đã chết rồi. Ông lý luận: Thiên Chúa phải chết, con người mới làm Chúa được. Tại Braxin, có người đệ tử của Nietzsche làm một tấm bảng to, trên đó ghi rõ: Thiên Chúa đã chết. Ký tên Nietzsche. Ít ngày sau, cũng trên tấm bảng đó, hiện lên dòng chữ: Nietzsch đã chết. Ký tên, Thiên Chúa.
Không thể để Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Ta thường rước lễ như là ăn bánh chứ không phải rước Chúa, dẫu cho khi LM xướng “Mình Thánh Chúa Kitô, ta thưa Amen, tức tôi tin rõ ràng. Nhưng ta sau lễ, làm như không có Chúa trong ngày. Chúa chết ngay khi mình nhai bánh.
Rước Chúa, nhưng chưa phải là lĩnh tấm bánh bẻ ra.Ta rước Chúa cho lòng ta hạnh phúc, ta chịu lễ cho phần rỗi củariêng ta. Đó chưa phải là Thánh Thể, tấm bánh bẻ ra. Bẻ ra là chia sẻ. Chứ không phải bẻ ra cho nhỏ để dễ nuốt trôi. Nếu ta rước lễ ngàn vạn lần mà không một lần nào ta chia cơm sẻ bánh cho người đói ăn, là ta chưa rước tấm bánh bẻ ra. Hãy thử mà xem, khi ta chia sẻ, ta sẽ có hạnh phúc, và như thế ta có thể nói như Napoleon nói: ngày hạnh phúc là ngày rước Chúa, tấm bánh bẻ ra.
Và như thế ta có thể kết hợp hai thứ bánh. Biến bánh hay hư nát thành của ăn thường tồn. Đưa của ăn cho người túng thiếu, kèm theo tình yêu là phẩm tính của Thiên Chúa, là ta có được của ăn thường tồn mang lại hạnh phúc trường sinh.
Trong trận nội chiến ở Tây Ban Nha, một người lính bị thương nặng được đưa về bệnh viện dã chiến. Chàng có hy vọng là sẽ bình phục nhưng chàng lại không chịu ăn. Các y tá, các nữ tu đã tìm mọi cách thuyết phục, nhưng chàng từ chối mọi thức ăn đem tới. Một người bạn thân của chàng, biết chàng nhớ nhà; nên anh tình nguyện đi tìm nhà của người bị thương để mời bố chàng tới. Đến nhà của người bạn, anh kể rõ hoàn cảnh. Người cha của người bị thương chuẩn bị lên đường thì mẹ chàng gói cho con bà một tấm bánh. Người bị thương vui mừng khi thấy cha chàng tới và nhất là khi nghe cha chàng nói: “Này con, đây là tấm bánh mẹ con đã nướng”. Người con tươi nét mặt nói: “Vâng, bánh mẹ con làm, cho con một miếng”. Từ đó chàng bắt đầu trên đường bình phục. Chàng ăn bánh có tình của mẹ trong bánh. Bánh có tình yêu, là bánh có Chúa ngự. Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.
Có hai thứ của ăn. Của ăn hư nát và lương thực thường tồn. Hãy dùng của ăn hư nát giúp người khác để nó biến thành lương thực thường tồn mang lại niềm vui, hạnh phước và phúc trường sinh. Amen.
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
Hẹn gặp lại
- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
“Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”.
Nick Vujicic không có tứ chi; đúng hơn, chỉ có 1 bàn chân 2 ngón. Từ 8 tuổi, anh muốn tự tử; lên 10, tự dìm mình vào bồn tắm. Ấy thế, tình yêu đã giúp anh vượt qua! “Chúa đã lên kế hoạch cho cuộc đời tôi, tôi không thể tự dìm mình xuống. Tự coi mình là vô giá trị, bạn đặt giới hạn cho những điều kỳ diệu! Tôi không có tay để chạm vào người khác, nhưng trái tim tôi sẽ làm điều đó; nó sẽ làm rung động trái tim nhiều người!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một khi ôm lấy thập giá đời mình, Vujicic trở nên khí cụ tuyệt vời của Chúa. Phải chăng Vujicic đã sống bí quyết Chúa Giêsu tiết lộ trong Tin Mừng hôm nay, ‘thánh hoá nó!’, “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”.
Đối mặt với đau khổ do chính mình hoặc người khác gây ra, chúng ta có thể nghe, “Đây là ý Chúa” và chúng ta tiếp tục thu thập hy sinh như những con tem được sưu tầm với hy vọng sẽ trình chúng tại cửa thiên đàng. Thế nhưng, bản thân đau khổ chẳng có giá trị gì! Chúa Kitô không phải là người khắc kỷ. Ngài khát, Ngài đói, Ngài mệt, Ngài không thích bị bỏ rơi; Ngài để người khác giúp đỡ và bất cứ khi nào có thể, Ngài xoa dịu nỗi đau, dù là thể xác hay tinh thần của người khác. Vậy thì, điều gì đang xảy ra?
Trước khi mang thập giá, điều đầu tiên chúng ta làm là đi theo Chúa Kitô! Vấn đề không phải là chịu đau khổ rồi mới theo Ngài. Chúa Kitô phải được chúng ta theo đuổi ‘từ Tình Yêu’; để từ đó, bạn và tôi hiểu được ý nghĩa của hy sinh và từ bỏ chính mình! Chính tình yêu dẫn chúng ta đến hy sinh. Bất kỳ tình yêu đích thực nào cũng sinh ra theo cách này; nhưng không phải mọi hy sinh đều sinh ra tình yêu. Thiên Chúa không cần hy sinh; Thiên Chúa là Tình Yêu - và chỉ từ góc nhìn đó - nỗi đau, mệt mỏi và thập giá mới có ý nghĩa theo mô hình đã được mặc khải trong Chúa Kitô. “Khi một người yêu, người đó không đau khổ; nhưng nếu một người đau khổ, thì sự đau khổ đó đã được yêu!”.
Trong những sự kiện của cuộc sống, bạn đừng tìm nguồn gốc thiêng liêng để giải thích những thập giá đời mình - “Tại sao Chúa gửi nó đến tôi?” - nhưng tìm cách ‘thánh hoá nó’, “Làm sao tôi có thể biến nó thành một hành động của đức tin và tình yêu?”. Từ đó, chúng ta dõi theo Chúa Kitô và làm sao tin chắc chúng ta có thể xứng đáng với cái nhìn thương xót của Chúa Cha cùng một cái nhìn mà Ngài đã nhìn Con mình trên thập giá.
Anh Chị em,
“Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”. Nhiều Kitô hữu sẵn sàng làm bạn với Chúa Giêsu khi thuận lợi; tuy nhiên, vẫn có một số khác là bạn thực sự của Ngài, họ luôn ôm lấy thập giá, ‘thánh hoá nó’ cả trong những hoàn cảnh xấu nhất. Đời sống Kitô hữu là một trận chiến liên tục, khốc liệt và kéo dài cả đời - trận chiến từ bỏ mình. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ để đào ngũ khỏi chiến cuộc khắc nghiệt lúc này lúc khác; tuy nhiên, sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu chúng ta không bằng lòng ôm chặt thập giá đời mình để ‘thánh hoá nó’ như Chúa Kitô đã thánh hoá!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con giới hạn cho những điều kỳ diệu; điều đó bao hàm việc con sẵn sàng ôm lấy thập giá đời con, ‘thánh hoá nó’. Được như thế, con sẽ nên thánh!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)