- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
- YêuThương Nhau: Điều Răn Mới và Dấu Chỉ Của Người Môn Đệ
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu để lại điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau.” Tình yêu này không chỉ là cảm xúc mà là sự hy sinh, phục vụ, và sẵn sàng hiến mạng sống vì người khác, như chính Chúa Giêsu đã làm: “Như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).
Trong một trại tập trung thời chiến, một người lính canh phát hiện ra một nhóm tù nhân đang âm thầm chia sẻ cho nhau những mẩu bánh mì ít ỏi mà họ có. Người lính canh ngạc nhiên hỏi: “Các người là ai mà lại làm như vậy?” Một người tù nhân yếu ớt trả lời: “Chúng tôi là những người tin vào Chúa Giêsu. Ngài đã dạy chúng tôi yêu thương nhau.” Người lính canh lặng lẽ bước ra xa.
Yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương là dấu chỉ của người môn đệ của Ngài: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13: 35) Thánh Gioan Kim Khẩu, một Giáo phụ thế kỷ thứ tư, đã nhấn mạnh rằng tình yêu là dấu chỉ rõ ràng nhất của đời sống Kitô hữu: “Không có gì làm cho chúng ta giống Chúa hơn là tình yêu dành cho tha nhân, kể cả kẻ thù” (Bài giảng số 71 về Tin Mừng Gioan). Tình yêu này trở thành chứng tá mạnh mẽ, lôi kéo người khác tin vào Chúa Kitô và sống yêu thương như Ngài.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong thông điệp Deus Caritas Est – Thiên Chúa là Tình yêu (2005), khẳng định: “Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là bất khả phân ly, chúng làm nên một giới răn duy nhất. Cả hai đều xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng thương yêu ta trước. Lúc đó sẽ không còn vấn đề của một giới răn áp đặt từ bên ngoài, bất khả thi, nhưng đúng hơn, từ một cảm nghiệm bên trong về một tình yêu được ban tặng, một tình yêu mà tự bản chất, phải được sẻ chia sau đó cho người khác” (số 18). Điều này nhắc nhở rằng tình yêu là trung tâm của sứ mạng Kitô hữu.
Trong những năm 1970, Mẹ Têrêsa Calcutta đã chăm sóc những người nghèo khổ nhất tại Kolkata, Ấn Độ, bất kể tôn giáo hay xuất thân của họ. Mẹ chỉ ăn bánh mì chấm với nước lã, nên chưa bao giờ Mẹ cân nặng hơn 45-46 kg. Một phóng viên đã hỏi Mẹ: “Thưa Mẹ, làm thế nào mà Mẹ có sức mạnh để tiếp tục sống như vậy?” Mẹ đã trả lời: “Tôi nhìn vào khuôn mặt của người nghèo, mà thấy mặt Chúa Giêsu”. Một lần, mẹ tìm thấy một người đàn ông Hindu đang hấp hối trên đường phố. Mẹ đã ôm ông vào lòng, rửa sạch vết thương, và ở bên ông cho đến khi ông qua đời, cảm nhận được tình yêu và phẩm giá con người. Hành động này đã khiến nhiều người tại Kolkata nhận ra sức mạnh của tình yêu Kitô giáo. Vào ngày Mẹ qua đời, mùng 5 tháng 9, 1997, toàn thể thế giới vỗ tay reo mừng. Trong Chúa Giêsu, Mẹ Têrêsa đã tìm thấy sức mạnh, để tiếp tục cuộc đua đường trường của Mẹ. Tình yêu mến Chúa Giêsu là động lực để phục vụ tha nhân và sống bác ái.
- Loan Báo Tin Mừng Tình yêu Thiên Chúa Giữa Thử Thách
Về bản chất, truyền giáo là sự biểu lộ tình yêu biến đổi của Chúa thông qua cả lời nói và hành động. Nền tảng của việc truyền giáo đích thực nằm ở tình yêu thương của chúng ta với người khác – không phải là một khái niệm trừu tượng. Khi Chúa Giêsu phán “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35), Ngài đã thiết lập tình yêu thương như là dấu hiệu đích thực của những người theo Ngài.
Thật vậy, chỉ riêng các thực hành tôn giáo không làm nên công cuộc truyền giáo đích thực. Như Thánh Phaolô đã diễn tả một cách mạnh mẽ: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13:3).
Công cuộc truyền giáo đòi hỏi một cuộc sống hướng về Thiên Chúa và tha nhân, nơi các hoạt động tôn giáo không phải là mục đích mà là kênh dẫn tình yêu Thiên Chúa chảy vào một thế giới bị tổn thương. Sứ mệnh này đòi hỏi sự khiêm nhường chân thành, sự hoán cải cá nhân và phục vụ người khác, giúp mọi người có thể gặp gỡ tình yêu của Chúa qua lời nói và hành động. Việc truyền giáo thực sự diễn ra khi cuộc sống của chúng ta trở thành minh chứng sống động cho tình yêu của Thiên Chúa – không chỉ qua những cử chỉ lớn lao hay những bài phát biểu hùng hồn, nhưng qua cam kết hàng ngày để yêu thương cụ thể, phục vụ khiêm nhường và làm chứng một cách chân thực về sức mạnh biến đổi của sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc sống mỗi ngày. Đây là một công việc gian khổ, đòi buộc nhiều hy sinh, ngay cả đổ máu và hiến dâng mạng sống.
Hai tông đồ Phaolô và Barnaba nhiệt thành loan báo Tin Mừng tại các thành phố Lycaonia, Lystra, Iconium và Antiochia. Dù đối mặt với sự chống đối và bách hại, các ngài vẫn kiên trì củng cố đức tin của các môn đệ, khuyến khích họ “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14:22). Sau khi hoàn thành sứ mạng, các ngài trở về Antiochia, thuật lại “tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Ngài đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14:27).
Một Kitô hữu đến thăm một vị thiền sư và nói: “Xin thầy cho phép tôi đọc cho thầy nghe Bài Giảng Trên Núi”. Thiền sư đáp: “Tôi rất thích nghe”. Người Kitô hữu đọc một câu rồi ngước mắt lên nhìn. Thiền sư mỉm cười nói: “Đấng đã phán những lời đó chắc chắn phải là một vị đã Giác Ngộ”. Người Kitô hữu cảm thấy khoái trá. Ông tiếp tục đọc. Thiền sư ngưng lại rồi nói: “Những lời đó phải phát xuất từ Đấng Cứu Thế của nhân loại”. Người Kitô hữu cảm thấy thích thú. Ông tiếp tục đọc cho đến hết. Lúc bấy giờ thiền sư tuyên bố: “Người đã rao giảng như thế phải là Thiên Chúa”. Nỗi vui mừng của người Kitô hữu thật vô bờ bến. Ông ra về, cương quyết sẽ trở lại một ngày khác, để thuyết phục thiền sư trở thành Kitô hữu. Trên đường về nhà, ông gặp Chúa Giêsu đứng bên vệ đường. Ông đã thưa với Chúa một cách khoái trá: “Lạy Chúa, con đã làm cho người đó xưng ra Chúa là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu mỉm cười và nói: “Con đã làm gì hay đâu, ngoại trừ việc con thổi phồng cái tôi Kitô hữu của con mà thôi?” (Như Tiếng Chim Ca, LM Anthony de Mello, SJ).
Đời sống đức tin của người Kitô hữu không chỉ là lời rao giảng về Chúa Giêsu, mà còn phải nên giống như Ngài: “Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13: 1).
- Trời Mới Đất Mới
Hình ảnh tuyệt đẹp về một “trời mới đất mới” nơi “Thiên Chúa ở cùng nhân loại... Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn than khóc, kêu la hay đau khổ nữa” (Kh 21:3-4) là lời hứa về nguồn hy vọng lớn lao, khẳng định rằng mọi đau khổ sẽ được thay thế bằng sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, Đấng “làm cho mọi sự trở nên mới” (Kh 21:5).
Thánh Augustinô, trong tác phẩm Thành Đô Thiên Chúa, đã diễn giải viễn cảnh này như một lời mời gọi hướng lòng về quê hương vĩnh cửu: “Ở đó, chúng ta sẽ được nghỉ ngơi và nhìn thấy, yêu mến và ngợi khen” (Thành Đô Thiên Chúa, XXII, 30). Viễn cảnh này không chỉ là niềm an ủi mà còn là động lực để các Kitô hữu sống đời sống thánh thiện giữa trần gian.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong tông huấn Gaudete et Exsultate – Vui mừng và Hân hoan (2018), nhấn mạnh rằng niềm hy vọng vào trời mới đất mới thúc đẩy chúng ta dấn thân xây dựng một thế giới công bằng và yêu thương ngay hôm nay: “Chúng ta được mời gọi sống thánh thiện trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, để góp phần vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa” (số 26).
Nạn diệt chủng Rwanda năm 1994 còn được gọi là Diệt chủng người Tutsi, là vụ giết người hàng loạt do chính quyền Rwanda do đa số người Hutu lãnh đạo nhắm tới sắc tộc Tutsi ở nước này. Ước chừng 500.000 tới 1.000.000 người Rwanda, tức 70% dân số người Tutsi, và 30% người Pygmy bị sát hại trong khoảng 100 ngày, từ tháng 4 đến giữa tháng 07 năm 1994. Tuy thế, sau cuộc diệt chủng kinh hoàng đó, tại một ngôi làng nhỏ, nhờ gợi ý của một nhóm Kitô hữu từ cả hai bộ tộc, các bộ tộc đối địch đã cùng nhau xây dựng một trung tâm hòa giải. Họ tổ chức các buổi cầu nguyện chung, lấy cảm hứng từ sách Khải Huyền: “Đấng ngự trên ngai phán: Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21: 5), để chữa lành vết thương, tha thứ, hòa giải và xây dựng một cộng đồng mới.
Nỗ lực hòa giải và tha thứ này là dấu chỉ cho thấy trời mới đất mới có thể bắt đầu ngay giữa lòng thế giới đau khổ: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Ngài sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Ngài, còn chính Ngài sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21: 3-4).
Tình yêu là cốt lõi của mọi sứ mạng, là dấu chỉ nhận biết người môn đệ, là sức mạnh của Tin Mừng biến đổi thế giới, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về tình yêu của chúng ta, về cách chúng ta yêu thương anh chị em mình, đặc biệt là những người yếu đuối và thiếu thốn nhất…Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian này với lòng thương xót và sự kiên nhẫn để chúng ta có thể học cách nhận ra Ngài mỗi ngày nơi những người nghèo và những người thấp hèn. Chúng ta hãy ra sức vì điều tốt lành và tỉnh thức trong lời cầu nguyện và tình yêu” (buổi tiếp kiến chung, thứ Tư, 24 tháng 4 năm 2013).
Phêrô Phạm Văn Trung
- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
Hình ảnh chiên cừu dễ gây ngộ nhận vì người ta cho rằng chiên cừu chẳng biết làm gì hơn là ngoan ngoãn vâng lời. Nhưng con chiên trong bài Tin Mừng ta vừa nghe hoàn toàn không có tính cách thụ động như thế. Trái lại phải tích cực, chủ động. Sự tích cực chủ động của đoàn chiên được Chúa Giêsu diễn tả bằng những từ “nghe” và “theo”: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.
Nghe. Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người. Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như tiếng vỗ của một bàn tay. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của từ bỏ mình, dẫn ta lên một ngọn đồi gai góc của thập giá hy sinh và thách thức ta phục vụ đến hy sinh cả mạng sống. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỷ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quý trên đời.
Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn. Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.
Theo. Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó. Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.
Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ. Mức độ thứ nhất: Thích nhìn, nghe người mình yêu. Mức độ thứ hai: Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu. Mức độ cuối cùng: Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống vì người yêu.
Như thế, theo tức là yêu thương ở cao độ. Con chiên đi theo Chúa như thế phải hoàn toàn chủ động và nhất là thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ đoàn chiên. Hành động của Chúa chiên tốt lành được Chúa Giêsu tóm gọn trong hai động từ: “biết” và “cho”.
Biết. Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên. Ông biết tên từng con. Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên. Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta. Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư? Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội. Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư? Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá. Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư? Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giếtsimani và trên thập giá. Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư? Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người. Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư? Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.
Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.
Cho. Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quý giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Ngài. Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên. Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Những giá trị bị đảo lộn. Những con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt. Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ anh chị em trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi guơn Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Lạy Chúa là là Mục Tử chăn giữ đời con, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đã bao giờ bạn nghe được tiếng Chúa nói trong sâu thẳm tâm hồn bạn chưa?
2. Có lần nào bạn cảm nghiệm được sự ngọt ngào được sống thân mật với Chúa chưa?
3. Bạn cũng là Mục Tử của gia đình bạn, xóm bạn ở, sở nơi bạn làm việc. Bạn có là Mục Tử tốt lành không?
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt