3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Niềm hy vọng Nước Trời

Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế. Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta.

Việc Chúa Giêsu lên trời bảo cho ta biết rằng ngoài trái đất còn có trời. Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la. Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu.

Chúa Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta. Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người. Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”.

Chúa Giêsu đã liên kết ta thành một thân thể với Người. Người là đầu. Chúng ta là chi thể. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng sẽ tiến đến đấy.

Chúa Giêsu dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Con sẽ được ở trong nhà cha mẹ. Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên.

Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian. Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Chúa là Cha yêu thương mọi người. Nhiệm vụ đó là làm chứng về tình yêu thương của Cha đối với mọi người.

Hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta. Ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người. Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người.

Với niềm hy vọng đó, người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.

Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn nhiệm vụ ở trần gian để sau này con được về trời với Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Ham hố tiền bạc, danh vọng, chức quyền, khoái lạc làm đời sống ta nặng nề, không vươn lên cõi tâm linh được. Bạn thấy mình bị nặng nề về ham mê nào?
  2. Đời sống là một nỗ lực bay lên cao. Có khi nào bạn cảm thấy mình thoát khỏi những ràng buộc tầm thường để nhẹ nhàng bay lên không?
  3. Đời sống là một bổn phạn phải chu toàn. Bạn nghĩ gì về điều này?

 

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Quê Hương Chúng Ta Là Quê Trời

Quê Hương Chúng Ta Là Quê Trời
Lễ Chúa Giêsu lên Trời
(Lc 24, 46 - 53)

Hôm nay mừng Chúa lên Trời, vâng, toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả và nội dung gồm tóm trong những lời sau : "Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong... ". Và sau đó " Người lên Trời " (x. Cvtđ 1, 1- 11).

"Đã đến giờ Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha". Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Theo sự quan phòng trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, Chúa Giêsu từ giã Đức Maria, Mẹ Người, các môn đệ và nhất là tâm sự với các nhiều điều trước khi về Trời.

Chúa về Trời, làm cho các Tông đồ nhớ lại "nhiệm vụ" đã được giao phó: "Các con là nhân chứng về những sự việc ấy" (Lc 24,48). Nhiệm vụ  được ủy thác từ đây, đến lượt mình các Tông đồ phải thi hành cách trung thành.  Lời Chúa nói với các ông : "Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần (...). và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy …cho đến tận cùng trái đất"(Cv 1,8). Lời ấy vẫn còn rất thời sự và thật cấp bách, tiếp tục vang lên cách mạnh mẽ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Ðây là lệnh truyền chứ không phải là lựa chọn. Hết thảy mọi người, mọi cộng đoàn, mọi dòng tu đều phải ra đi để làm chứng cho Chúa.

Chúa về Trời, Vinh quang Ba Ngôi được hiển hiện

Biến Cố Chúa Lên Trời là một thể hiện Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; một sự thể hiện chỉ cho chúng ta biết cùng đích cho cuộc hành trình của cá nhân và vũ trụ. Mặc dù thể xác con người sẽ trở về bụi đất, nhưng trọn cả "chủ thể được cứu chuộc" bước theo Chúa Kitô mà về cùng Chúa Cha.

Trong lời chào từ biệt của Chúa Kitô Phục Sinh với các tông đồ, chúng ta nhận ra trước hết chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa Cha, Ðấng đã loan báo trong Kinh Thánh về cái chết và sống lại của Chúa Con, nguồn mạch của sự tha thứ và giải thoát. Và cũng trong những lời mà Chúa Kitô Phục Sinh nói ra, chúng ta nhận thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nguồn sức mạnh và là chứng tá cho các Tông đồ. Như thế, trọn cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều hiện diện trong chính giây phút Giáo hội được khai sinh.

Chúa về Trời, niệm hy vọng của chúng ta

Sau khi đã thân hành xuống thế, đi vào lịch sử của con người, bước vào trong bóng sự chết, Chúa Giêsu đã phục sinh và trở về trong vinh quang mà từ thuở đời đời Người đã có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hầu đưa nhân loại đã được cứu chuộc về với Chúa.

Nay Chúa Giêsu lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa đến muốn đời. Theo lời thánh Lêo Cả, Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, "vinh quang của Đầu" đã trở thành "niềm hy vọng cho thân xác" (x.Bài giảng lễ Thăng Thiên). Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, " Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc" (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25). Từ trên cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

Nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, chúng ta có hy vọng đạt tới sự công chính và sống thánh thiện nơi Người. Giáo hội có thể gặp phải những khó khăn, việc loan báo Tin Mừng có thể bị thất bại, nhưng vì Chúa Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa, Giáo hội sẽ không bao giờ bị đánh bại. Sức mạnh của Chúa Kitô vinh hiển, Con yêu dấu của Chúa Cha hằng gìn giữ chúng ta, giúp chúng ta tận tụy và trung thành với Nước Thiên Chúa một cách quảng đại. Sự kiện lên Trời của Chúa Giêsu ảnh hưởng cụ thể đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì mầu nhiệm này, toàn thể Giáo hội có ơn gọi đợi chờ trong niềm hân hoan hy vọng ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến.

Chúa Giêsu vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hiển vinh về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời.

Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, chúng con xin Mẹ bảo vệ và gìn giữ chúng con là con cái Mẹ. Xin Mẹ dạy chúng con biết sống và thực hành lời Chúa truyền dạy, để một ngày kia chúng con cũng được về Trời với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh vui hưởng tôn nhan Chúa Ba Ngôi đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

NGŨ TUẦN MỚI

LỄ ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ELISABETH

“Bà Elisabeth được đầy Thánh Thần”.

“Điều Giáo Hội cần ngày nay không phải là máy móc hiện đại, các tổ chức bề thế hay các kế hoạch quy mô; điều Giáo Hội cần là những con người cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần có thể sử dụng! Chúa Thánh Thần không tuôn tràn ân sủng qua các kế hoạch, mà qua con người; không đến bằng máy móc, mà bằng con người; không xức dầu cho các tổ chức, mà xức dầu con người - những con người cầu nguyện. Ở đâu có họ, ở đó có một lễ Ngũ Tuần mới!” - E. M. Bounds.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ở đâu có những con người cầu nguyện, ở đó có một lễ ‘Ngũ Tuần mới!’”. Tin Mừng ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng cho thấy Đức Maria là một trong những con người đó.

Vậy thì điều gì đã thôi thúc Maria mạo hiểm thực hiện một cuộc du hành đầy rủi ro và vội vã đến thế? Thưa đó là sức mạnh không thể cưỡng lại đang tác động trong Mẹ! Chính sự hiện diện của Thánh Thần từ ngày Truyền Tin đã làm lu mờ người thôn nữ và lấp đầy ‘thiếu nữ Sion’ này. Chính Thánh Thần giục giã Mẹ cất bước cùng lúc với sự thôi thúc bên trong của hài nhi Giêsu Mẹ cưu mang. Để rồi, Mẹ cùng Con, Con cùng Mẹ, đồng hành với Thánh Thần trong niềm vui; và như thế, sấm ngôn của Xôphônia được ứng nghiệm, “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!” - bài đọc một. Cũng Thánh Thần đó, đã ngập tràn Elizabeth khi bà vừa nghe lời chào của người em họ, đến nỗi, Gioan trong dạ mẹ cũng nhảy lên vì vui sướng.

Có thể nói, cuộc viếng thăm của Đức Maria là một lễ ‘Ngũ Tuần mới’ mà Elizabeth tự coi mình bất xứng để tham phần, “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”. Câu hỏi bồi hồi của Elizabeth phản ánh cùng một đức tính cần thiết nơi một con người cầu nguyện, đó là sự khiêm nhường! “Hãy luôn luôn và trên hết là những linh hồn cầu nguyện, tôn thờ, yêu thương. Catharina Siêna một con người cầu nguyện đã từng viết, “Trong bản chất của Ngài - Đấng Tối Cao Vĩnh Cửu - con sẽ biết bản chất của con!”. Và chị thánh tự hỏi, “Bản chất của con là gì? Đó là lửa!” - Gioan Phaolô II.

Anh Chị em,

“Bà Elisabeth được đầy Thánh Thần”. Nhờ cuộc thăm viếng của Maria, Elisabeth ngập tràn niềm vui và lửa Thánh Thần. “Đây là niềm vui mà trái tim cảm nhận khi chúng ta quỳ gối để tôn thờ Chúa Giêsu trong đức tin. Niềm vui mang Chúa Kitô, đầy Thánh Thần với lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vốn thúc đẩy chúng ta mang Chúa đến cho người khác một cách tất yếu!” - Bênêđictô XVI. Vì thế, khi cất lên Magnificat, Mẹ không còn dè giữ niềm vui cho mình, nhưng nghĩ tưởng về những gì Chúa làm cho nhân loại, cho dân tộc mình; một dân tộc, rồi đây, sẽ nhận biết ơn cứu độ nơi Đấng Mẹ cưu mang. Kìa! “Đấng Thánh cao cả của Israel ở giữa ngươi!” - Thánh Vịnh đáp ca. Ước gì, niềm vui cầu nguyện, niềm vui sống trong lửa Thánh Thần cũng mang đến một lễ ‘Ngũ Tuần mới’ cho gia đình, cho những người thân yêu, cho những anh chị em chung quanh cuộc sống của bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên một cỗ máy vô hồn, nhưng là một con người cầu nguyện đầy Thánh Thần; để ở đâu có con, ở đó có một lễ Hiện Xuống mới!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

CHÚA THĂNG THIÊN: KHỞI ĐẦU CHỨ KHÔNG PHẢI KẾT THÚC

Khi nhìn về cuộc đời của Đức Giêsu, biến cố Thăng Thiên dường như đánh dấu điểm kết thúc – kết thúc thời gian Ngài sống giữa loài người. Nhưng Tin Mừng Luca và sách Công vụ Tông đồ lại hé mở một chân trời mới: “Ngài rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24,51), nhưng không phải để lìa xa mãi mãi. Ngược lại, Ngài hứa ban Thánh Thần và trao cho các môn đệ một sứ mạng: làm chứng cho Ngài “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Thánh Lêô Cả từng khẳng định: “Sự Thăng Thiên của Chúa không phải là một sự chấm dứt, nhưng là làm cho bản tính con người nên cao cả, được nâng lên bên hữu Chúa Cha” (Sermo de Ascensione Domini). Điều này cũng có nghĩa rằng, trong Đức Kitô, tương lai chúng ta đã được mở ra: nơi Ngài đi đến là nơi chúng ta được mời gọi bước vào.

  1. Một Thiên Chúa không còn hữu hình – nhưng hiện diện sâu xa hơn

Các môn đệ đã từng có Chúa bên cạnh – thấy tận mắt, nghe tận tai, chạm tận tay. Nhưng giờ đây, Chúa không còn hiện diện theo cách ấy nữa. Tuy nhiên, trong thư Do Thái, tác giả khẳng định: “Chúa Kitô đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Chúa Giêsu không biến mất, Ngài thay đổi cách hiện diện. Từ nay, Ngài ở gần hơn bao giờ hết – nơi cõi lòng những ai tin yêu và bước theo Ngài.

Thánh Augustinô viết: “Chúa Giêsu lên trời, nhưng Ngài không rời bỏ chúng ta; Ngài vẫn hiện diện nơi chúng ta bằng chính Thánh Thần của Ngài” (In Ioannis Evangelium Tractatus). Ngày nay, nhiều người có cảm giác Thiên Chúa vắng mặt trước nỗi đau, chiến tranh hay bất công. Nhưng chính trong những khoảnh khắc tưởng như vắng mặt ấy, Chúa lại hiện diện sâu xa hơn, như cha Maximilian Kolbe trong trại tập trung Auschwitz, đã tự nguyện hy sinh để cứu mạng một người cha. Hành động hy sinh của cha Maximilian là sự hiện diện sống động của một Chúa Kitô luôn ở lại với nhân loại và sẵn sàng hy sinh vì mỗi người.

  1. Ơn gọi và sứ mạng của mọi Kitô hữu

Chúa Giêsu đã trao một sứ mạng rõ ràng: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48), và “anh em sẽ là chứng nhân... cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Trong thần học của Giáo hội sơ khai, vai trò “chứng nhân - ​μαρτυρία” không chỉ là kể lại chuyện đã thấy, mà là sống đến cùng niềm tin vào Đấng Phục Sinh, kể cả sẵn sàng chấp nhận cái chết. Thánh Têrêsa thành Calcutta từng nói: “Chúng ta không được mời gọi để thành công, mà để trung tín.” Sự trung tín ấy chính là cách sống chứng nhân cụ thể nhất.

Ngày nay, làm chứng cho Chúa không luôn đồng nghĩa với đổ máu, nhưng có thể là tin tưởng vững vàng vào Thiên Chúa giữa một xã hội đầy hoài nghi, hành xử trung thực giữa một môi trường đồi bại, tha thứ những tổn thương sâu sắc. Một linh mục trẻ từng chia sẻ rằng, ngài bị đe doạ khi lên tiếng bảo vệ người nghèo bị cưỡng chế đất bất công. Nhưng ngài nói: “Nếu mình không làm chứng cho sự thật, thì Thăng Thiên chỉ còn là một lễ tưởng niệm, không phải là cuộc sống.”

Trước khi sai đi, Chúa Giêsu không thúc ép các môn đệ phải ra đi ngay, mà căn dặn: “Hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49). Đây là một bài học quý giá: sứ vụ không thể tự mình làm được; cần phải chờ Thánh Thần. Không phải ngẫu nhiên mà việc Thăng Thiên và Hiện Xuống gắn kết chặt chẽ. Thăng Thiên mà không có Thánh Thần Hiện Xuống sẽ chỉ là một sự chia tay buồn bã.

Thánh Gioan Phaolô II viết: “Giáo hội không thể loan báo Tin Mừng nếu không nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Không có Thánh Thần, mọi công việc truyền giáo chỉ là hoạt động nhân đạo” (Redemptoris Missio số 30).

Cha sở một xứ đạo nhỏ bé vùng quê nước Ý kể rằng ông cụ già nhất xứ sáng nào cũng ngồi cầu nguyện thinh lặng rất lâu trước Thánh Thể. Khi cha sở hỏi ông cầu xin điều gì, cụ nói: “Con chỉ ngồi đây để Chúa đổ đầy vào con.” Đó chính là hình ảnh của người ở lại chờ Thánh Thần 0 để rồi ra đi không phải với sức lực hạn chế của bản thân, mà là với “quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24: 49). 

  1. Được mời gọi đến gần Thiên Chúa

Tác giả thư Hípri xác quyết: “Nhờ máu Chúa Giêsu, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh… con đường mới và sống động” (Hípri 10,19-20). Trong cái nhìn của người Do Thái, cung thánh là nơi Thiên Chúa ngự, nơi con người không thể tùy tiện vào. Nhưng nhờ Thập Giá và sự Phục Sinh, Chúa Giêsu đã mở toang bức màn ngăn cách ấy.

Điều đó có nghĩa là mỗi chúng ta đều được mời gọi đến gần Thiên Chúa với “lòng chân thành và đức tin trọn vẹn” (Hípri 10,22). Niềm tin không phải là cảm xúc nhất thời, mà là một quyết định sống theo sự thật, dù có thể phải chịu hiểu lầm, thiệt thòi.

Một bạn trẻ, muốn đi tu tận hiến đời mình cho Chúa nhưng bị cha mẹ phản đối, chia sẻ: “Con chỉ xin một điều: được sống đời mình như một câu trả lời cho tình yêu của Thiên Chúa.” Ước vọng ấy chính là hành trình bước vào cung thánh – không phải bằng đôi chân thể lý, nhưng bằng cuộc sống dâng hiến mỗi ngày.

Thật lạ sau khi Chúa Giêsu “rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24: 51), các môn đệ “lòng đầy hoan hỷ” (Lc 24,52), trong khi lẽ ra họ phải buồn bã. Nhưng họ vui, vì hiểu rằng việc Chúa rời khỏi là để gần gũi họ hơn. Họ hoan hỷ và “hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,53). Đây không phải là niềm vui cảm tính, nhưng là một niềm vui từ Chúa Thánh Thần - niềm vui khi biết mình có sức mạnh của Thánh Thần để thực thi sứ mạng yêu thương vô điều kiện.

Đức Bênêđictô XVI nói: “Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta niềm vui. Và Ngài chính là niềm vui. Niềm vui là món quà bao gồm tất cả các món quà khác. Đó là biểu hiện của hạnh phúc, của sự hòa hợp với chính mình, điều chỉ có thể đến từ sự hòa hợp với Chúa và với các thụ tạo của Ngài. Bản chất của niềm vui là tỏa sáng; nó phải tự truyền đạt. Tinh thần truyền giáo của Giáo hội không gì khác hơn là động lự cthông truyền niềm vui đã được ban tặng” (Diễn văn Giáng sinh gửi Giáo triều Rôma, 2008)

  1. Đừng chỉ đứng nhìn trời!

Hai thiên thần đã hỏi: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” (Cv 1,11). Câu hỏi ấy là một lời thức tỉnh. Đức Kitô lên trời không phải để chúng ta cứ ngước mắt lên trời mà quên bước đi trong cuộc sống này. Ngày nay, nhiều Kitô hữu có thể chỉ lo giữ các nghi thức, tập tục trong đạo, nhưng lại quên sống đạo. Có khi chúng ta quá chú trọng đến việc lên thiên đàng, mà quên rằng con đường lên thiên đàng phải đi qua những chọn lựa cụ thể nơi trần thế: yêu thương, hy sinh, phục vụ.

Tác giả thư Do Thái khẳng định: “Ngài sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Ngài” (Hípri 9: 28). Việc trông đợi không phải là thụ động chờ đợi, mà là sống trong tư thế sẵn sàng - như người đầy tớ khôn ngoan canh cửa chờ chủ về. Đó là một hy vọng không làm chúng ta buông xuôi, nhưng thúc đẩy chúng ta sống tốt hơn mỗi ngày.

Lễ Thăng Thiên không phải là một nghi lễ nhớ về quá khứ, nhưng là lời mời gọi hiện tại: hãy sống Thăng Thiên hôm nay, vì Chúa luôn hiện diện, hãy làm chứng cho một Đấng Phục Sinh đang ở giữa chúng ta, và hãy để Thánh Thần dẫn chúng ta đi đến tận cùng trái đất - tận cùng con tim con người. Sứ mạng ấy không dành cho những người hoàn hảo, nhưng cho những ai biết vâng theo Ý Chúa, biết chờ đợi Ngài, và biết yêu thương mọi người.

Đức Phanxicô đã nhấn mạnh:

Lý do đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã lãnh nhận, kinh nghiệm cứu độ thôi thúc chúng ta ngày càng yêu mến Ngài nhiều hơn. Có tình yêu nào không cảm thấy nhu cầu nói với người yêu, chỉ ra người yêu, làm cho người yêu được biết đến? Nếu chúng ta không cảm thấy cháy bỏng ước muốn chia sẻ tình yêu này, chúng ta cần phải tha thiết cầu nguyện để Ngài một lần nữa đánh động lòng chúng ta. Chúng ta cần nài xin ơn Chúa hằng ngày, xin Ngài mở những trái tim lạnh nhạt của chúng ta và khuấy động đời sống ơ hờ và hời hợt của chúng ta…Tốt biết bao khi đứng trước tượng chịu nạn, hay quỳ gối trước Thánh Thể, và chỉ đơn giản ở trong sự hiện diện của Ngài! Tốt biết bao khi một lần nữa Ngài đánh động cuộc đời chúng ta và thúc đẩy chúng ta chia sẻ sự sống mới của Ngài!” (Evangelii Gaudium, số 264).

 

Phêrô Phạm Văn Trung

KHÔNG AI LẤY MẤT

Thứ Sáu Tuần 6 Phục Sinh C

“Niềm vui của anh em, không ai lấy mất được!”.

Trong “Cuộc Nổi Loạn Thánh”, “A Holy Rebellion”, Thomas Ice & Robert Dean đặt vấn đề, “Khi nào chúng ta hành động như Satan?”. Câu trả lời đơn giản là “Khi bạn và tôi đặt lợi ích bản thân trên lợi ích của Chúa Kitô; và khi chúng ta coi khổ đau và thử thách như một bế tắc, thất bại, thay vì coi đó như khúc dạo đầu cho một niềm vui không ai lấy mất!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Quan điểm của Thomas Ice & Robert Dean được gặp lại trong Lời Chúa hôm nay. Thông điệp Chúa Phục Sinh ngỏ với Phaolô, “Thầy ở với anh!” cũng là thông điệp Ngài gửi cho các môn đệ mọi thời; rằng, khổ đau, bắt bớ, chỉ là khúc dạo đầu cho một niềm vui ‘không ai lấy mất’.

Khi thúc giục Phaolô “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh!”, Chúa Giêsu muốn xác nhận những gì rồi đây Phaolô sẽ chịu là có thật; việc người ta sẽ tìm cách bịt miệng Phaolô là có thật; việc chống lại lời Phaolô là có thật. Bởi thế, lý do Ngài bảo Phaolô “Đừng sợ!” là “Vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được!”. Qua đó, Ngài cho biết cấm cách, tù đày Phaolô và các môn đệ Giêsu mọi thời sẽ chịu là những gì phải đến trước để chuẩn bị cho một niềm vui có tên ‘Nên Giống Thầy’. Và còn hơn thế, nó còn là niềm vui ‘không ai lấy mất’ khi Thiên Chúa được vinh quang; dân thành này rồi sẽ tuyên xưng cùng dân các thành khác; rằng, “Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, khẳng định của Chúa Giêsu về những gì sẽ đến càng rõ nét hơn, “Anh em sẽ khóc lóc và than van”; nhưng Ngài kịp hứa - cũng một điệp khúc - “Thầy sẽ gặp lại anh em!”. Nghĩa là, “Thầy sẽ ở cùng anh em, ở với anh em, ở trong anh em!”. Và không thể tin được! Ngài dùng một hình ảnh sống động, thú vị, tưởng chừng như Ngài từng trải nghiệm, “Người phụ nữ sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”. Ngài bảo đảm sự hiện diện thường xuyên của Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào vốn cũng chỉ là khúc dạo đầu cho một niềm vui ‘không ai lấy mất’, niềm vui có Ngài kề bên!

 

Anh Chị em,

“Thầy ở với anh!” - như một tước hiệu mới - cũng là điều Thiên Chúa thường hứa với những ai Ngài gọi. Khi sai Môsê đi giải phóng dân, ông hỏi một đàng, Chúa trả lời một nẻo, “Con là ai mà dám ra trước Pharaô?” - “Ta sẽ ở cùng ngươi!” - một tên mới của Môsê! Trong biến cố Truyền Tin, “Mừng vui lên, Đấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng bà!”. Mỗi Thánh Lễ, chúng ta chào nhau, “Chúa ở cùng anh chị em!”, “Và ở cùng cha!”. “Chúa ở cùng chúng ta” quả là một sự thật đáng vui mừng. Vì thế, bao khốn khổ, đớn đau Chúa Giêsu chịu, kể cả cái chết trên thập giá… tất cả chỉ là để chuẩn bị cho một niềm vui lớn hơn, “Niềm Vui Phục Sinh”. Và còn hơn thế, “Niềm Vui Phúc Kiến” bên Cha đời đời, vốn đã xuất hiện ở cuối chân trời mà chúng ta đang hướng về - Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đang cầm trên tay triều thiên long lanh của con; vì thế, mọi ‘thánh giá mềm cứng’ đời con chỉ là khúc dạo đầu cho một niềm vui không bao giờ mất!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Subcategories