3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

SAI HAI NGƯỜI MỘT

Hôm nay bài Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng, và sai các ông đi từng hai người một. "Sai đi từng hai người một," đó là đề tài hôm nay. Chúa có ý gì khi sai từng hai người một?

  1. Để hỗ trợ

Chắc chắn là để hỗ trợ (nhau). Chị ngã em nâng. (chứ không phải: Tưởng rằng chị ngã em nâng

Ai ngờ chị ngã em bưng miệng cười !).

Nếu đi một mình thì khi gặp khó khăn -chẳng hạn khi bị người đời từ chối không tiếp- các ông sẽ không biết bàn hỏi với ai, không được ai khích lệ ủi an, nên sẽ dễ nản lòng bỏ cuộc. Hơn nữa có lúc Chúa còn nói rõ, Thầy sai anh em đi như chiên giữa sói rừng, nên cần có nhau chống đỡ kẻ dữ là điều hiển nhiên.

Trong Bộ Giáo Luật mới, có một hình thức coi xứ mà trước đó đã manh nha một vài nơi, đó là coi xứ tập thể. Nhiều cha sở thay vì ở một mình tại xứ, thì cùng với các cha xứ khác, ở chung một nơi, rồi toả đi các xứ. Về ăn chung, nghỉ đêm cùng một nhà. Có thời gian nâng đỡ trò chuyện hỏi han nhau. VN chưa thấy nhưng nhà dòng thì có nhiều.     

Nhưng cho dẫu được sai đi một mình, thì đâu phải một mình mình đi, mà có Chúa ở cùng. Có Chúa ở cùng nào ta sợ chi. Côn trượng Ngài làm ta an lòng. Thánh Vịnh 22 cho ta biết điều đó. Cho nên Chúa sai từng hai người một để nâng đỡ nhau chưa hẳn là lý mạnh. Lý mạnh là: Cần hai người để làm chứng.

  1. Để làm chứng

Có hai điều cần làm chứng.

1) làm chứng cho sự thật. Trong Luật Mô-sê mà Chúa Giêsu có lần nhắc tới, nói rằng: chứng của hai người là chứng thực… Cho dẫu là chứng gian, nhưng hai người cùng làm chứng như nhau thì người ta tin là thật. Câu chuyện bà Suzanna bị hai ông già” dê, tuổi mùi, ước muốn phạm tội với bà mà không được bà đáp trả, nên đã cáo gian bà phạm tội với một chàng trai nào đó, mạnh khoẻ chạy nhanh quá nên hai ông già không chụp bắt được chàng, là một ví dụ về chứng hai người thì hiệu quả đến mức nào. Chỉ cần hai người tố cáo y một tội là bà Suzanna bị đưa đi ném đá chết ngay. Cũng may mà câu bé Daniel được Chúa soi sáng để giải oan cho bà Suzanna bằng một câu hỏi, hỏi riêng từng ông: bà Suzanna phạm tội dưới gốc cây nào, thì, ông già Dê trả lời dưới gốc cây chò, ông lão Mùi trả lời dưới gốc cây tùng. Thế là chỉ còn có một chứng. Một chứng cây tùng, một chứng cây chò. Nên không đủ 2 chứng. Nên cũng lộ ra là chứng gian luôn.

Hai người đi rao giảng, cùng nói về một điểm, cùng kêu gọi sám hối, thì người ta tin là cần phải sám hối thật, hơn là chỉ một tiếng kêu, gọi mời hoán cải.

Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với một anh em trong dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo”. Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang con đường bên phải, rẽ phải con đường bên trái, rồi ung dung đi con đường khác trở về nhà dòng. Thầy dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!” Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao ?”

Giá như Phanxicô chỉ đi có một mình. Làm sao làm chứng mạnh mẽ được như đi hai người, ăn mặc giống nhau, thái độ giống nhau, mắt nhìn về một hướng, để kêu gọi người ta hoán cải.

Cần có ít là hai người để làm chứng cho sự thật.

Nhưng đó có lẽ cũng chưa phải là lý mạnh lắm để Chúa Giêsu sai từng hai người một. Lý mạnh để Chúa sai đi từng hai người một là: làm chứng cho yêu thương.

2) làm chứng cho yêu thương. Cần ít là hai người ngang nhau thì mới diễn tả yêu thương được chứ. Có cấp bậc chỉ là thương, xót thương. Ý thức được điều đó, nên đức TGM Saigon trước đây không cử các cha phó xứ, mà chỉ gửi bài sai các cha phụ tá. Bởi vì cũng có cả ngàn lẻ một chuyện giữa cha chính và cha phó. Còn giữa cha sở và linh mục phụ tá, thì nằm ở hai cấp độ xa nhau, nên ít xảy ra chuyện này chuyện kia hơn. Cha phó là gần ngang với cha chánh. Mà hai cha này, nơi nào chẳng may không yêu thương nhau thì càng phản chứng hơn là thà chỉ có một mình cha xứ. Đó cũng là lý lẽ mà các cha triều dọn bài giảng không thấy khai thác đề tài sai đi từng hai người một. Linh mục dòng thì nói được, vì luôn có cộng đoàn là những anh em ngang hàng hỗ trợ, chẳng khác gì sai đi từng hai người một. Sai đi từng hai người một là để làm chứng cho yêu thương. Người không cùng máu mủ ruột thịt nhưng yêu thương nhau như thế đó.

Khi các nhà truyền giáo đến Việt-Nam giảng đạo và có người theo. Các người không theo, nhìn những người theo, xem đặt tên cho họ là đạo gì, vì lúc đó chưa chữ Kitô, chưa có tiếng Thiên Chúa như sau này, thì … quả là điều tốt lành cho đạo ta: những người không theo đạo gọi những người theo đạo là họ theo “đạo yêu nhau,” vì thấy họ yêu thương nhau dường nào (ví như cộng đoàn tiên khởi mà Luca mô tả trong sách Công Vụ). Đây là chi tiết chúng ta biết được nhờ nhà thừa sai Gaspar d’Amaral gửi báo cáo về cho bề trên của mình ở Bồ Đào Nha.

Có một giám mục đến thêm sức cho một xứ đạo. Trước khi thêm sức, ngài hỏi vài câu giáo lý xem trình độ tới đâu. Ngài hỏi: cái gì là dấu hiệu của đạo chúng ta. Không cánh tay nào giơ lên. Ngài hỏi lại cộng với gợi ý như  ghi dấu thánh giá trên mình. Chợt một cánh tay giơ lên, và nói: yêu thương. Đức cha bịp miệng mình kịp trước khi phát ra tiếng wrong: sai. Mà đâu có sai. Quá đúng.

Chúa Giêsu nói người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ thầy: là các con yêu nhau, chứ đâu phải là các con vác thánh giá, là các con nhăn mặt lại chịu khổ đau. Này ta ban điều răn mới, điều răn của riêng ta, là yêu thương, chứ không phải đau khổ.

Sai đi từng hai người một là để làm chứng cho sự thật và nhất là làm chứng cho yêu thương.

Chúng ta không được sai đi để truyền giáo ở đâu xa, nhưng chúng ta ở trong gia đình. Một gia đình chứng tá, là một gia đình mà chồng và vợ, hai người bình đẳng yêu thương nhau, chứ không phải chồng chúa thương xót vợ tôi, hay vợ là trời thương hại chồng là đất. Yêu chứ không chỉ là thương. Như thế mới xứng danh là gia đình công giáo, mà cốt tuỷ của đạo là yêu thương và Chúa sai đi từng hai người một cũng là để làm chứng cho yêu thương.

Trong một cuộc hội thảo về truyền giáo, nhiều học giả phát biểu hùng hồn, nhiều thừa sai kể ra kinh nghiệm. Một người da đen ngồi ở góc, cuối cùng cũng được mời phát biểu. Chị nói : ở đất nước tôi, Phi Châu, khi truyền giáo cho một vùng nào, người ta gửi tới đó một gia đình công giáo.

Kìa họ yêu thương nhau biết là chừng nào. Đó là lời giảng hùng hồn nhất. Tại nhà thờ các linh mục thương yêu nhau, (một linh mục thì khó làm chứng được điều này), tại nhà mình cha mẹ yêu thương nhau, thế là Chúa đã sai đi từng hai người một.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

AN BÌNH

Ai cũng mong muốn những công việc, những mẫu truyện, những hài kịch hay những cuốn phim có kết thuận, nghĩa là kết có hậu. Nhân vật tốt lành sẽ chiến thắng. Người làm ác sẽ bị loại trừ. Vai chính trong các cốt truyện rất quan trọng vì có ảnh hưởng sâu rộng quần chúng. Bài đọc thứ nhất trích sách tiên tri Isaia, phần kết Bài ca Thứ Ba của tiên tri Isaia diễn tả về sự hoan lạc và an ủi vỗ về của dân Do-thái tại thành thánh Giêrusalem. Bài đọc thứ hai trích đoạn chương sau cùng của thơ Thánh Phaolô gởi cho tín hữu thành Galata cầu chúc mọi người hưởng sự bình an thư thái. Hai bài đọc có kết thúc rất tốt đẹp.

Dân Do-thái được Thiên Chúa ưu ái hướng dẫn và ban lề luật để trở thành một dân tộc vĩ đại. Dân Chúa chọn có nhiệm vụ chuẩn bị đón nhận Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Qua mỗi thời kỳ lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đều sai các tiên tri đến để gióng lên tiếng kêu mời gọi vừa để cảnh tỉnh và vừa hy vọng. Chờ mong ngày Thiên Chúa giải thoát dân khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Ngày đó ánh sáng sẽ bừng lên trong đêm tối. Con dân sẽ được qui tụ về một mối. Và mọi người sẽ nhìn thấy ánh vinh quang Thiên Chúa. Đấng sẽ đến có uy quyền trên mọi tạo vật. Tiên tri Isaia đã mang đến cho dân chúng niềm hy vọng một tương lai rạng sáng.

Truyện kể: Một hôm, có chàng thanh niên vào rừng đốn củi. Đến trưa nhọc mệt, anh nằm nghỉ dưới gốc cây đa cổ thụ. Nhìn lên thấy cành lá xum xuê rườm rà, nhưng qủa đa thì nhỏ xíu. Anh nghĩ, tôi mà là ông Trời, tôi cho nó mang trái lớn như trái bí và lá to như lá chuối. Như thế mới cân xứng. Đang khi thân cây bí yếu ớt mà phải mang trái lớn và cây chuối không cứng rắn mà phải mang lá to như tấm phản. Quả Đức Chúa Trời thiếu khôn ngoan. Hay là không có Đức Chúa Trời và mọi vật do ngẫu nhiên mà có? Miên man nghĩ như vậy, anh thiếp đi ngủ lúc nào không hay. Đang giấc ngủ say, có một cơn gió lớn thổi mạnh làm rớt xuống giữa sống mũi anh một qủa đa. Anh giật mình thức giấc, vừa xít xa vừa nghĩ: May qúa, phải chi trái đa lớn như trái bí thì kể như bữa nay tôi tận số rồi. Thế ra Đức Chúa Trời khôn thật. Ngài sắp đặt tất cả rồi đấy chứ! 

Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống bình an và hạnh phúc. Khi Chúa Giêsu giáng trần, các Thiên thần đã ca hát: Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Sau khi sống lại từ cõi chết, mỗi lần hiện ra với các tông đồ, Chúa đều chào chúc: Bình an cho các con. Chúa Giêsu cũng truyền dạy các tông đồ chia sẻ sự bình an với mọi người: Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”(Lc 10, 5). Chúa mở lối cho mọi người vào Nước Trời chung hưởng hạnh phúc đời đời. Lối vào phải bước ngang qua cửa hẹp. Có rất nhiều người muốn vào Nước trời nhưng còn bận vướng nhiều dịch vụ ở đời và vác mang lỉnh kỉnh nhiều thứ qúa. Ôm đồm đủ mọi thứ nên thường bị mắc kẹt ngoài cửa. Muốn đi qua cửa hẹp, cần có sự đơn giản, lòng thành, thanh thản và giảm bớt nhu cầu vật chất bao quanh. 

Mỗi người chúng ta đều có những khoảnh khắc an vui tự tại. Sự an bình đích thực chìm đắm trong tình yêu thương của Chúa. Tâm hồn cảm thấy thanh thoát, buông bỏ những lo âu phiền muộn và kết hợp mật thiết với Chúa. Thánh Augustinô đã chia sẻ cảm nghiệm sự khao khát nội tâm tìm kiếm Chúa. Ngài viết rằng Chúa hiện diện với những ai mong tìm kiếm Chúa. Chúa luôn ở trong con nhưng con lại ra ngoài tìm kiếm Chúa. Con chìm đắm trong những của cải vật chất mà Chúa đã tạo thành. Chúa ở với con nhưng con không kết hợp với Chúa. Của cải thế gian tách lìa con ra khỏi Chúa. Đã nhiều lần Chúa gọi, la lớn, đánh động và chiếu dọi vào sự ngu muội và câm điếc của hồn con nhưng con vẫn cứ làm ngơ. Cho tới khi con được hưởng nếm sự dịu ngọt của Chúa, con khao khát Chúa hơn nữa. Chúa động chạm đến hồn con và rực cháy lửa mến với sự bình an đích thực.

Thánh Phaolô đã hãnh diện trở thành môn đệ trung thành của Chúa Kitô. Ngài đã chiến đấu thắng vượt bản thân để cùng thông hiệp vào thập giá Đức Kitô. Phaolô nói rằng tôi sống nhưng không còn là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi. Thánh giá Chúa Kitô là đỉnh cao của ơn cứu độ. Cây Thánh giá trở thành cây sự sống. Chúa Kitô đã chết và đã phục sinh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc nhở: Chúng ta có nguy cơ sa vào cám dỗ của một Kitô giáo mà không có cây thánh giá. Và có sự cám dỗ khác: Đó là một Kitô giáo với thập giá nhưng không có Chúa Giêsu. Đây là sự cám dỗ của chủ thuyết chiến thắng. Chúng ta muốn chiến thắng ngay mà không đi đến thập giá, một chiến thắng thuộc thế gian.

Lạy Chúa, con đường Chúa đã đi qua là con đường thập giá. Không có con đường tắt để chiếm đoạt Nước Trời. Chúa Giêsu chết trên thập giá mang lại ơn cứu độ đời đời cho những ai tin tưởng nơi Ngài. Xin cho chúng con vác thánh giá theo chân Chúa cho đến cùng. Đến với Chúa, chúng con sẽ được nghỉ ngơi, bình an thư thái và sau cùng được chung hưởng hạnh phúc trường sinh.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

VỀ VỚI CỘNG ĐOÀN

Lễ Kính THánh Tôma Tông Đồ

“Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong nhà, có cả Tôma ở đó với các ông!”.

“Không có cộng đoàn thì khó tìm được Chúa Giêsu!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ kính thánh Tôma tông đồ cho thấy cách tốt nhất, nhanh nhất để gặp lại Chúa Giêsu là ‘về với cộng đoàn!’.

Khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ chiều ngày Phục Sinh, Tôma không có mặt. Thật thú vị, tên của ông có nghĩa là “Đi đy mô!”; nhưng “Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong nhà, có cả Tôma ở đó với các ông”, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ. Rõ ràng tự tách mình khỏi cộng đoàn, Tôma bỏ lỡ cơ hội gặp Thầy; rời xa cộng đoàn, đương nhiên Tôma sống trong sợ hãi, buồn sầu và nghi nan. Khi Tôma trở lại, những người bạn thân yêu nói với ông, “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Dĩ nhiên là Tôma không tin và ông đưa ra một loạt các điều kiện.

Chúa Giêsu đã đến, đáp ứng những điều kiện đó; Ngài chỉ cho Tôma thấy những vết thương theo cách thông thường, trước mặt mọi người, trong cộng đoàn chứ không phải bên ngoài. “Cộng đoàn là nơi những vết thương được đụng chạm và đức tin được phục hồi. Không ở đó, Tôma không thể chạm vào những dấu đinh!” - James Martin. Chúa Giêsu như muốn nói với Tôma rằng, “Muốn gặp Thầy, con đừng tìm đâu xa; hãy về đây - ‘về với cộng đoàn’ của con - anh em của con, đừng bao giờ rời xa họ! Hãy cầu nguyện với họ, bẻ bánh với họ!”.

Chúa Giêsu cũng nói điều này với chúng ta, “Hãy ‘về với cộng đoàn’, về với gia đình; ở đó, con sẽ tìm thấy ta. Đó là nơi ta sẽ tỏ cho chúng con thấy những dấu đinh của những vết thương in trên cơ thể ta - những dấu hiệu của tình yêu - dấu hiệu của sự sống chiến thắng sự chết, tình yêu chiến thắng ích kỷ và tha thứ chiến thắng trả thù. Chính ở đó - cộng đoàn, gia đình - chúng con sẽ khám phá ra khuôn mặt của ta, khi chúng con chia sẻ những khoảnh khắc nghi ngờ và sợ hãi với những người thân yêu. Hãy bám chặt vào họ hơn!”. “Chúa Giêsu không hiện ra riêng cho Tôma trong một khoảnh khắc đặc biệt cá nhân, nhưng nơi các môn đệ tụ họp. Đó là bài học cho tất cả những ai tìm Ngài!” - Erik Varden.

Anh Chị em,

“Có cả Tôma ở đó với các ông!”. ‘Về với cộng đoàn’ cho dù cộng đoàn không hoàn hảo, nhưng là nơi Chúa hiện diện. Tôma phải quay lại cộng đoàn để thấy điều ông khao khát. Cộng đoàn là nơi phải trở về vì ít nhất ba lý do: nơi an ủi chúng ta trong những lúc bất an; nơi mọi nghi ngờ đều có thể dẫn đến một kết quả sáng sủa hơn - bất chấp một sự không chắc chắn nào đó; và cuối cùng, thông thường, đó là nơi Chúa Giêsu tỏ mình cho những ai biết gắn bó với nhau trong cầu nguyện, trong hiện diện và trong những chia sẻ yêu thương. “Tôma không tin không phải vì ông thiếu lý trí, mà vì ông ‘thiếu cộng đoàn’. Đức tin được củng cố trong sự hiệp thông. Nơi nào có hai hay ba người họp lại, nơi đó có Đức Kitô sống động như Ngài đã nói!” - Luis Antonio Tagle.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, rời xa cộng đoàn, con có thể giữ lý thuyết về Chúa, nhưng đánh mất sự hiện diện của Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

SỐNG VÀ LOAN BÁO NIỀM VUI, BÌNH AN

Con người luôn khao khát tìm kiếm niềm vui, bình an và ý nghĩa cuộc sống. Nhưng những biến chuyển không ngừng của xã hội hiện đại, từ xung đột chính trị, bất ổn kinh tế, đến những áp lực cá nhân, khiến nhiều người cảm thấy lạc lối. Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay mang đến một thông điệp hy vọng, niềm vui đích thực và sứ mệnh lan tỏa bình an ngay trong gian khổ, vì niềm vui và bình an không phải là điều xa vời, mà là ân sủng Thiên Chúa ban tặng cho những ai đặt niềm tin vào Ngài.

  1. Lời Hứa Về Bình An và Vinh Quang

Ngôn sứ Isaia mang đến một lời mời gọi đầy hy vọng: “Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ” (Is 66:10-14). Đây là lời hứa về sự phục hồi toàn diện, nơi Thiên Chúa ban tặng bình an và vinh quang cho dân Ngài. Isaia viết: “Ta sẽ khiến ơn thái bình chảy đến như dòng sông cả, và của cải muôn dân tuôn về như thác đổ” (Is 66:12). Bình an mà Thiên Chúa hứa ban không chỉ là sự vắng bóng chiến tranh hay xung đột, mà là một tình trạng hài hòa sâu sắc, nơi con người được kết hiệp với Thiên Chúa và sống viên mãn trong tình yêu Ngài.

Hình ảnh “như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ” và “được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối” (Is 66:11-12) diễn tả tình yêu dịu dàng, gần gũi của Thiên Chúa, giống như tình mẫu tử. Đây là một tình yêu không chỉ nuôi dưỡng mà còn xoa dịu những vết thương sâu kín trong tâm hồn. Lời hứa này đặc biệt ý nghĩa trong những thời khắc đau khổ, khi con người đối diện với mất mát, thất bại, hay tuyệt vọng. Thiên Chúa, như một người mẹ, không chỉ thấu hiểu nỗi đau của con cái mà còn ban tặng sự an ủi, khiến “thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh” (Is 66:14). Thông điệp này nhắc nhở rằng niềm vui đích thực không đến từ những thành công trần thế, mà từ sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống.

  1. Giêrusalem: Giáo Hội và Nước Trời

Trong truyền thống Kitô giáo, Giêrusalem không chỉ là một thành phố vật chất mà còn là biểu tượng của Giáo Hội và Nước Trời. Thánh Augustinô nói chỉ trong mối tương quan với Thiên Chúa, con người mới tìm thấy ý nghĩa và sự bình an sâu xa mà thế gian này, với những giá trị tạm bợ, không thể mang lại. Thánh nhân nhấn mạnh rằng niềm vui, bình an và công lý đích thực chỉ được tìm thấy trong Thành Đô của Thiên Chúa: “Trong Thành Đô của Thiên Chúa không theo sự khôn ngoan của loài người, mà chỉ có sự tin kính, thờ phượng Thiên Chúa chân thật và mong đợi phần thưởng trong cộng đoàn của các thánh nhân, của các thiên thần thánh thiện cũng như của những con người thánh, để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (Quyển XIV, Chương 28).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong thông điệp Fratelli Tutti, tiếp tục ý tưởng này khi kêu gọi xây dựng “một nền văn hóa mới”, trong đó mọi người sống trong tình huynh đệ và cùng nhau nỗ lực vì sự hòa hợp: “Cuộc sống là nghệ thuật gặp gỡ giữa biết bao bất đồng. Đã nhiều lần tôi mời gọi phát triển một nền văn hóa gặp gỡ vượt lên những biện chứng đối kháng nhau. Đó là một lối sống nhằm tạo nên một khối đa diện với nhiều góc cạnh, nhưng vẫn là một thể thống nhất mang nhiều sắc thái, bởi vì “toàn thể lớn hơn thành phần”. Khối đa diện này là hình ảnh của một xã hội có nhiều khác biệt, bổ sung, làm phong phú và soi sáng lẫn nhau cho dù vẫn có những bất đồng và ngờ vực. Thật vậy, người ta có thể học hỏi lẫn nhau, không ai là vô dụng, không ai là thừa thãi” (số 215). Vì thế, “khối đa diện này” không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn là lời mời gọi hành động. Đó một xã hội lý tưởng, nơi con người sống theo các giá trị của Tin Mừng, yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Trong thế giới ngày nay, với những chia rẽ về sắc tộc, tôn giáo và chính trị, lời mời gọi xây dựng một “Giêrusalem mới” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

  1. Đóng Đinh Tính Xác Thịt và Trở Thành Thụ Tạo Mới

Thánh Phaolô tuyên bố: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6:14). Đối với Thánh Phaolô, thập giá là trung tâm của đời sống Kitô hữu, là nguồn mạch của sự đổi mới và bình an. Ngài viết: “Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14). “Thế gian” ở đây không chỉ là thế giới vật chất, mà là hệ thống giá trị sai lệch, những cám dỗ và tham vọng không đặt nền tảng trên Thiên Chúa.

Khi một người chấp nhận thập giá, họ từ bỏ sự chi phối của thế gian và mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa. Qua thập giá, con người được tái sinh thành “một thụ tạo mới” (Gl 6:15), vượt qua những nghi thức bề ngoài như cắt bì hay các quy tắc tôn giáo cứng nhắc. Sự đổi mới này không chỉ là một thay đổi nội tâm mà còn là một cách sống mới, nơi con người sống vì Thiên Chúa và vì tha nhân.

Thánh Phaolô khẳng định: “Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Chúa Giêsu” (Gl 6:17). Những “dấu tích” này là các vết sẹo mà ngài chịu đựng vì rao giảng Tin Mừng – từ những lần bị đánh đập, tù đày, đến sự bách hại. Những dấu vết này không phải là biểu tượng của sự thất bại, mà là bằng chứng của lòng trung thành và tình yêu hy sinh. Lời chúc phúc của Thánh Phaolô – “Chúc Israel của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Ngài” (Gl 6:16) bao gồm tất cả những ai tin vào Chúa Kitô và sống theo con đường trở thành thụ tạo mới.

Thánh Gioan Kim Khẩu gọi thập giá là “niềm hy vọng của các Kitô hữu” và là biểu tượng của chiến thắng trước sự dữ (Bài giảng về Thập Giá). Theo ngài, thập giá không chỉ là công cụ của sự đau khổ, mà là biểu tượng của tình yêu và sự cứu chuộc. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng nhấn mạnh: “Thập giá là mặc khải tối cao của tình yêu Thiên Chúa” (Bài giảng Lễ Lá, 2007). Thập giá không phải là sự áp đặt hay hình phạt, mà là con đường tự nguyện mà Chúa Kitô đã chọn để cứu rỗi nhân loại. Qua thập giá, con người được mời gọi tham dự vào tình yêu hy sinh của Ngài.

Trong Thế chiến II, Corrie và gia đình bà đã liều mạng giấu những người Do Thái khỏi sự truy lùng của Đức Quốc Xã. Khi bị phát hiện, Corrie và chị gái Betsie bị đưa đến trại tập trung Ravensbrück, nơi họ phải đối mặt với những điều kiện sống khắc nghiệt và sự tàn bạo của chiến tranh. Tuy nhiên, ngay cả trong hoàn cảnh đen tối nhất, Betsie vẫn tìm thấy hy vọng và bình an trong đức tin vào Thiên Chúa.

Trong cuốn “Nơi Ẩn Náu” Corrie kể lại cách Betsie khuyến khích bà nhận ra ánh sáng giữa bóng tối. Betsie tin rằng tình yêu của Thiên Chúa có thể chạm đến mọi hoàn cảnh, ngay cả trong trại tập trung. Một lần, khi bị giam trong một căn phòng chật chội đầy rận, Betsie đã cảm tạ Chúa vì những con rận, bởi chúng khiến lính canh tránh xa, cho phép các tù nhân tổ chức cầu nguyện. Chính đức tin này đã giúp Corrie tìm thấy niềm vui và ý nghĩa, đúng như lời Tiên tri Isaia: “Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh” (Is 66:14). Sau khi được thả, Corrie tiếp tục sứ mệnh chia sẻ Tin Mừng, mang niềm vui và hy vọng đến với thế giới.

  1. Được sai đi mang bình an đến mọi người

Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, một con số mang tính biểu tượng cho sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội. Ngài căn dặn: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10:3). Lời này vừa là lời cảnh báo về những thách thức, vừa là lời khẳng định về sự quan phòng của Thiên Chúa. Các môn đệ không mang theo hành trang vật chất, mà chỉ mang lời chúc phúc: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10:5). Bình an - Shalom - trong truyền thống Do Thái không chỉ là sự yên ổn, mà là sự trọn vẹn, sức khỏe, và hạnh phúc tràn đầy. Tuy nhiên, bình an này cần được đón nhận với lòng tin.

Các môn đệ được sai đi để chữa lành bệnh nhân và loan báo: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10:9). Hành động chữa lành và lời rao giảng này là dấu hiệu của quyền năng Thiên Chúa, minh chứng rằng Nước Trời không phải là một viễn cảnh xa xôi, mà là một thực tại đang hiện diện, khẳng định rằng Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần, bất kể thái độ của con người.

Khi các môn đệ trở về, họ hân hoan báo cáo: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10:17). Chúa Giêsu xác nhận quyền năng của họ, nhưng đồng thời nhắc nhở: “Anh em chớ vui mừng vì quỷ thần khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10:20). Lời này nhấn mạnh rằng niềm vui đích thực không nằm ở những thành công tạm thời, mà ở mối hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa. Sứ mệnh rao giảng không phải là để tìm kiếm danh vọng, mà là để làm chứng cho tình yêu và vinh quang của Ngài.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng sứ mệnh rao giảng là công bố vinh quang của Thiên Chúa và làm cho Vương quốc Ngài hiện diện trong thế giới: “Giáo Hội có "sứ mệnh loan truyền và khai mở Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như Vương Quốc của Chúa Kitô nơi mọi dân nước” (Thông điệp Redemptoris Missio, số 18). Mỗi Kitô hữu được mời gọi trở thành sứ giả của Tin Mừng, mang bình an và hy vọng đến mọi ngõ ngách của xã hội: “Tin Mừng dành cho mọi người, không chỉ cho một số người. Tin Mừng không chỉ dành cho những người có vẻ gần gũi với chúng ta hơn, dễ tiếp thu hơn, chào đón hơn. Tin Mừng dành cho mọi người. Đừng sợ ra đi và mang Chúa Kitô đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, đến tận rìa xã hội, thậm chí đến những người có vẻ xa cách nhất, thờ ơ nhất. Chúa tìm kiếm tất cả, Ngài muốn mọi người cảm nhận được sự ấm áp của lòng thương xót và tình yêu của Ngài” (ĐGH Phanxicô, Thánh lễ bên bờ sông Copacabana, Rio de Janeiro, ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28, 28.07.2013)

Niềm vui và bình an không phải là sự vắng bóng thử thách, mà là sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Lời mời gọi cuối cùng dành cho mỗi người là: Bạn có cảm thấy được sai đi để mang bình an của Chúa đến cho người khác không? Hãy để tình yêu của Chúa Kitô dẫn dắt bạn, để bạn trở thành ánh sáng và hy vọng trong một thế giới đang khao khát niềm vui và bình an.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

Xây Cuộc Đời Trên Đá Vững Chắc Là Thi Hành Ý Chúa

Cuộc sống con người là một chuỗi dài những chọn lựa. Mỗi chọn lựa không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn quyết định tương lai. Câu chuyện giữa ông Áp-ram, bà Xa-rai và nàng Ha-ga trong bài đọc Sách Sáng Thế là minh chứng sống động cho những hệ lụy kéo dài từ một quyết định không xuất phát từ lòng tin tưởng vững chắc vào kế hoạch của Thiên Chúa. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc then chốt cho đời sống người môn đệ: không phải cứ nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là đủ, nhưng phải thực sự sống và thi hành ý Chúa thì mới được vào Nước Trời. Nền tảng cuộc đời vững chắc không nằm ở việc tuyên xưng ngoài miệng, mà ở sự vâng phục và thực hành Lời Chúa.

Trở lại với câu chuyện trong sách Sáng Thế, ông Áp-ram là người đã được Thiên Chúa chọn để trở thành tổ phụ của một dân tộc đông đúc như sao trời, như cát biển. Lời hứa ấy đã được Thiên Chúa lập đi lập lại với ông, khẳng định nhiều lần và kèm theo giao ước. Tuy nhiên, lòng người là lòng hay lo âu và nôn nóng. Khi thấy thời gian kéo dài mà lời hứa chưa thành hiện thực, vợ ông là bà Xa-rai đã chọn cách giải quyết theo lối nhân loại: trao người tỳ nữ của mình cho chồng để sinh con. Dù đây là một giải pháp hợp lý theo văn hóa thời đó, nhưng lại không đặt niềm tin hoàn toàn vào kế hoạch và thời điểm của Thiên Chúa. Và kết quả là gì? Là chuỗi đau khổ kéo dài: Ha-ga kiêu căng khi có thai, bà Xa-rai ganh tị và hành hạ, Áp-ram thì lúng túng và thiếu trách nhiệm. Sự bình an tan biến, thay vào đó là xung đột, ghen tuông, trốn chạy và cuối cùng là một dòng dõi sẽ luôn “đối đầu với anh em mình”.

Từ góc độ này, ta thấy rõ rằng khi con người không kiên nhẫn chờ đợi Chúa, mà muốn tự “xây dựng kế hoạch cứu độ” theo lối riêng mình, thì hậu quả luôn là rối ren và xáo trộn. Ha-ga trốn chạy, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi nàng. Sứ thần của Đức Chúa hiện ra, hỏi nàng “Ngươi từ đâu đến và đi đâu?” – một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng sâu xa vô cùng: câu hỏi đánh động lương tâm, giúp con người ý thức mình đang ở đâu trong hành trình ơn gọi và niềm tin. Sứ thần truyền cho Ha-ga hãy trở về, chấp nhận nghịch cảnh, và trong sự vâng phục đó, một lời hứa lớn được ban cho nàng: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra thật nhiều, đến mức không thể đếm được.” Dù dòng dõi ấy sẽ luôn sống trong mâu thuẫn, nhưng cũng là dấu chỉ cho thấy: Thiên Chúa không bỏ rơi ai, dù là người ở bên lề hay bị đẩy ra ngoài.

Khi đối chiếu với bài Tin Mừng, ta càng hiểu rõ hơn rằng, sống đức tin không chỉ là tuyên bố bằng lời nói hay thể hiện bên ngoài, nhưng chính là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Có người nhân danh Chúa mà trừ quỷ, làm phép lạ, nói tiên tri – những hành vi tôn giáo mạnh mẽ – nhưng lại không được vào Nước Trời, vì không sống đúng với sự thật và lòng ngay chính. Chúa Giêsu tuyên bố thẳng thắn: “Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác.” Những lời này không nhằm dọa dẫm, nhưng cảnh tỉnh, để người tín hữu xét lại cách sống đạo của mình: tôi đang xây dựng cuộc đời mình trên đá hay trên cát? Tôi theo Chúa bằng việc thực hành Lời Ngài, hay chỉ bằng cảm xúc, hình thức, danh tiếng bên ngoài?

Hình ảnh hai người xây nhà là một dụ ngôn đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa. Người khôn là người nghe và đem Lời Chúa ra thực hành – ví như xây nhà trên đá. Khi giông tố đến – biểu tượng của thử thách, khổ đau, nghi ngờ, bệnh tật, phản bội, mất mát – căn nhà ấy vẫn đứng vững. Trong khi đó, người nghe mà không sống theo – ví như xây nhà trên cát – sẽ sụp đổ tan tành. Sự khác biệt không nằm ở chỗ ai được mưa sa hay nước cuốn, vì cả hai đều bị thử thách như nhau, nhưng khác ở nền tảng họ chọn lựa từ đầu: người xây trên đá là người sống với đức tin hành động, người xây trên cát là người có đạo ngoài miệng mà không có trong lòng.

Trong thời đại hôm nay, không thiếu những người rao giảng Lời Chúa, phục vụ Hội Thánh, thậm chí làm việc lớn lao nhân danh Chúa, nhưng lại không sống trong ý Chúa, không yêu sự công chính, không bảo vệ sự thật, không từ bỏ tính ích kỷ, kiêu căng, giả hình. Những căn nhà tưởng như đồ sộ, lộng lẫy, nhưng được xây trên cát mỏng manh của thói giả dối, của nền văn hóa chạy theo hình thức, danh tiếng, quyền lực. Khi bão tố đến – như thử thách của danh lợi, của dư luận, của sự thật bị phơi bày – căn nhà ấy sụp đổ không còn gì. Lời Chúa hôm nay giúp ta tỉnh thức, và mời gọi ta xét lại chính mình: tôi sống đức tin như thế nào? Có khi nào tôi đang nhân danh Chúa mà lại sống ngược với thánh ý Chúa không?

Ngược lại, người xây đời mình trên đá – nghĩa là trên sự vâng phục, trung tín và yêu mến Chúa – thì dù âm thầm hay nhỏ bé, dù không nổi bật, nhưng luôn đứng vững. Có thể họ là những người mẹ âm thầm nuôi dạy con cái trong đức tin, những người cha chân chính làm việc lương thiện giữa một xã hội gian dối, những linh mục sống đời trong sạch và khiêm nhường, những giáo dân không tên tuổi nhưng luôn sống bác ái và trung thành với Chúa. Đó chính là những căn nhà được xây trên nền đá của Lời Chúa và đức ái. Họ không cần kêu lên “Lạy Chúa, Lạy Chúa” cách rình rang, nhưng cuộc sống của họ là một lời tuyên xưng sống động và trung thực nhất.

Bài học của Ha-ga cũng mời gọi ta đừng bao giờ coi thường hay bỏ rơi những con người nhỏ bé, những người tưởng chừng “ngoài cuộc chơi” của ơn gọi lớn lao. Thiên Chúa thấy, nghe, và thấu hiểu tất cả – kể cả nỗi đau của người bị tổn thương, bị loại trừ, bị hành hạ. Khi một người phụ nữ như Ha-ga – thân phận tôi tớ, người ngoại bang, có con ngoài hôn nhân – lại được chính sứ thần Thiên Chúa đến gặp và hứa ban cho dòng dõi đông đúc, ta hiểu rằng ánh mắt của Thiên Chúa không như ánh mắt người đời. Ngài không bị đóng khung bởi thành tích, huy chương hay vẻ ngoài, nhưng nhìn thấu tâm hồn, và luôn mở ra cánh cửa cứu độ cho tất cả.

Giữa thế giới hôm nay đầy lừa dối và bấp bênh, khi nhiều người đang xây cuộc đời mình trên cát của ảo vọng, ảo danh, ảo ảnh truyền thông, người Kitô hữu được mời gọi trở lại với nền đá là Lời Chúa. Chính Lời Chúa là kim chỉ nam hướng dẫn mọi quyết định, là ánh sáng trong đêm tối, là chỗ dựa khi mọi sự khác tan vỡ. Xây nhà trên đá là sống kết hiệp với Chúa bằng cầu nguyện, bằng đức ái, bằng lắng nghe và thi hành Lời Chúa mỗi ngày – dù âm thầm, dù tốn công, dù không ai vỗ tay.

Vì thế, Lời Chúa hôm nay không chỉ là lời cảnh tỉnh nhưng còn là lời mời gọi hy vọng. Chúa không đòi chúng ta làm những phép lạ hay thành công lớn lao, nhưng mời gọi sống trung thực, sống đức tin cụ thể qua việc nhỏ mỗi ngày. Ai sống như thế là đang xây nhà trên đá, là đang tiến bước vào Nước Trời bằng cửa hẹp nhưng chắc chắn. Dù cuộc sống có bao lần mưa sa bão táp, dù có lúc lòng ta cũng mỏi mòn như bà Xa-rai, đau khổ như Ha-ga, hay mơ hồ như đám đông nghe Chúa giảng, ta vẫn được mời gọi bám chặt vào nền đá của đức tin.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn kiên vững để không chạy theo cách giải quyết dễ dãi theo kiểu thế gian, không sống đạo hình thức bề ngoài, không xây nhà cuộc đời mình trên cát của cảm xúc chóng qua hay thói quen hời hợt. Xin cho chúng ta biết chọn đá vững là Lời Chúa, là thánh ý Chúa, để dù thế giới có đổi thay, lòng người có bội bạc, ta vẫn đứng vững, vẫn thuộc về Chúa, và chắc chắn được vào Nước Trời như lời Người đã hứa.

Lm. Anmai, CSsR

Subcategories