3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

LỀ LUẬT VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Các trang Kinh Thánh hôm nay giúp chúng ta khám phá hai chủ đề chính: sự vâng phục Thiên Chúa qua việc thực hành các mệnh lệnh của Ngài và lòng thương xót được thể hiện qua tình yêu thương dành cho người lân cận.

  1. Vâng Phục Thiên Chúa Dẫn Đến Hạnh Phúc

Thiên Chúa hứa ban phúc lành cho những ai vâng phục Ngài: “Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho anh em thành công trong mọi công việc tay anh em làm, cho anh em sinh nhiều con cái, gia súc anh em sinh sôi nảy nở, đất đai anh em sinh nhiều hoa trái, để anh em được hạnh phúc… miễn là anh em nghe tiếng Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Ngài, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ” (Đnl 30: 9-10).

Những lời này cho thấy rằng sự vâng phục không chỉ là một nghĩa vụ, mà là một lời mời gọi để sống trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Các mệnh lệnh của Ngài không phải là gánh nặng hay điều gì xa vời: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30:14). Lời Chúa không ở trên trời hay bên kia biển, mà ở trong lòng chúng ta, để chúng ta sẵn sàng đem ra thực thi trong đời sống.

Thánh Augustinô đã nhấn mạnh rằng sự vâng phục Thiên Chúa là con đường dẫn đến tự do thực sự: “Lòng con thao thức cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Tự thú, I, 1). Thánh nhân giải thích rằng con người chỉ tìm thấy niềm vui và sự viên mãn khi sống theo ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì ý muốn ấy được khắc ghi trong tâm hồn mỗi người. Sự vâng phục không phải là sự áp đặt, mà là sự trở về với cội nguồn của chính mình.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong thông điệp Laudato Si’ (Vatican, 2015), nhấn mạnh rằng việc vâng phục Thiên Chúa không chỉ là tuân giữ các điều răn, mà còn là sống một đời sống hài hòa với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thụ tạo. Ngài viết: “Sự vâng phục Thiên Chúa dẫn chúng ta đến việc chăm sóc ngôi nhà chung và yêu thương những người xung quanh, bởi vì tất cả đều được liên kết trong kế hoạch của Thiên Chúa” (Laudato Si’, số 66). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng sự vâng phục không chỉ là một hành động cá nhân, mà còn là một cam kết với cộng đồng và môi trường.

Một gia đình người Ba Lan mới được phong chân phước. Józef và Wiktoria Ulma cùng bảy đứa con của họ đã bị Đức Quốc xã giết hại vào năm 1944 vì che chở cho tám người Do Thái.

Sau quyết định tàn bạo của Hitler thực hiện “giải pháp cuối cùng”, gia đình Ulma, dù biết rõ rủi ro đối với bản thân nhưng bất chấp tình hình tài chính khó khăn, và được thúc đẩy bởi lệnh truyền của tình yêu và tấm gương của Người Samaritanô tốt lành, đã che giấu một gia đình Do Thái trong một năm rưỡi trước khi họ bị tố giác với mật vụ Gestapo. Sau khi giết những người Do Thái mà họ tìm thấy, các mật vụ của chế độ Đức Quốc xã hành quyết cả gia đình Ulma vì đã che chở những người Do Thái đó như một lời cảnh cáo cho những người khác. Bảy đứa con của hai vợ chồng Józef và Wiktoria Ulma cũng chia sẻ đức tin và cái chết của cha mẹ chúng, kể cả đứa bé còn trong bụng mẹ Wiktoria cũng đã nhận được phép rửa tội bằng máu (https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2022-12)

  1. Đức Kitô, Nguồn Viên Mãn và Hòa Giải

Thánh Phaolô tôn vinh Chúa Kitô là trung tâm của mọi thụ tạo và là nguồn mạch của sự hòa giải: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo… Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1:15, 20).

Chúa Kitô không chỉ là Đấng Tạo Hóa mà còn là Đấng Cứu Chuộc, mang lại sự hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại, giữa con người với nhau, và giữa con người với các thụ tạo khác. Sự viên mãn của Thiên Chúa hiện diện trong Ngài, và qua Ngài, chúng ta được mời gọi tham dự vào kế hoạch cứu độ.

Thánh Irênê thành Lyon khẳng định rằng Chúa Kitô là “sự tóm lược” của toàn thể vũ trụ (Chống lạc giáo, III, 16, 6). Ngài giải thích rằng mọi sự được tạo dựng trong Chúa Kitô và hướng về Ngài, và qua thập giá, Chúa Kitô đã tái lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại. Sự vâng phục của Chuá Kitô đối với ý muốn của Chúa Cha trở thành mẫu mực cho chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng Chúa Kitô là nguồn hy vọng của chúng ta: “Nhờ Chúa Kitô, chúng ta biết rằng chúng ta không bước đi trong bóng tối, mà được hướng dẫn bởi ánh sáng của sự sống đời đời” (Spe Salvi, số 4, 2007). ĐGH mời gọi các Kitô hữu sống trong sự kết hiệp với Chúa Kitô, để qua đó, họ có thể mang lại bình an và hy vọng cho thế giới.

Micae Hồ Đình Hy (1808–1857) là một vị quan tam phẩm trong triều đình nhà Nguyễn, thời vua Tự đức, nhưng dù ở trong cảnh quyền lực và danh vọng, ngài không chạy theo “bóng tối” của thế gian. Ngài được biết đến không chỉ là một vị quan thanh liêm, mà còn sống trong ánh sáng của đức tin, trở thành chứng nhân rạng ngời cho Chúa Kitô giữa thời kỳ bách hại Công giáo.

Khi nhà vua cấm đạo, ngài không hề giấu giếm đức tin: “Tâu bệ hạ, đã ba mươi năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Chúa Kitô”. Vào năm 1857, ngài đã chấp nhận bị xử trảm vì đức tin Công giáo của mình. Trong khổ hình, ngài đã nói với lính canh: “Thà linh hồn tôi được sống lại đời đời bên Chúa, còn hơn sống trên đời trong bóng tối tội lỗi.” Đây chính là lời minh chứng cho việc nhờ Chúa Kitô, ngài bước đi trong ánh sáng khác hẳn đời sống thế tục. Quan thái bộc Micae Hồ Ðình Hy được nâng lên bậc chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988 (hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-micae-ho-dinh-hy-tu-dao-ngay-22-thang-5-nam-1857-48926).

III. Yêu thương người thân cận là thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa

Dụ ngôn người Samaritanô tốt lành trong là một lời dạy mạnh mẽ về lòng thương xót và tình yêu dành cho người thân cận. Khi được hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10:29), Chúa Giêsu kể câu chuyện về người Samaritanô, người đã dừng lại, chăm sóc, và giúp đỡ một người bị cướp đánh nhừ tử, trong khi thầy tư tế và thầy Lêvi đã bỏ qua. Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10:37).

Dụ ngôn này không chỉ định nghĩa “người thân cận” vốn là bất cứ ai cần sự giúp đỡ, mà còn kêu gọi chúng ta hành động với lòng thương xót, vượt qua mọi rào cản về tôn giáo, văn hóa, hay định kiến.

Thánh Gioan Kim Khẩu, trong bài giảng về lòng thương xót, nhấn mạnh: “Nếu bạn không thấy Chúa trong người nghèo khổ, bạn sẽ không tìm thấy Ngài ở bất cứ đâu khác” (Bài giảng về Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, 50, 3). Ngài dạy rằng lòng thương xót là dấu chỉ của một Kitô hữu đích thực, bởi vì nó phản ánh tình yêu của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông sắc Misericordiae Vultus - Dung mạo Lòng thương xót (2015), tuyên bố rằng lòng thương xót là “là trái tim sống động của Tin Mừng” (số 12). Ngài kêu gọi các Kitô hữu sống lòng thương xót qua những hành động cụ thể: “Cơ man nào là những vết thương mang trên thân xác của những người không có tiếng nói bởi vì tiếng kêu của họ bị bóp nghẹt và bị át đi bởi sự thờ ơ của kẻ giàu có!..Chúng ta được được mời gọi để chữa lành những vết thương này, xoa dịu chúng với dầu an ủi, băng bó chúng với lòng thương xót và chữa lành chúng với tình liên đới và sự chăm sóc chu đáo…Chúng ta hãy mở to mắt và nhìn thấy sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của những anh chị em chúng ta đang bị từ chối phẩm giá, và chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ!” (Misericordiae Vultus, số 15).

Lời Chúa hôm nay đều nhấn mạnh một chân lý cốt lõi: vâng phục Thiên Chúa và thương xót người khác là hai mặt của cùng một đời sống Kitô hữu. Sự vâng phục dẫn chúng ta đến việc sống theo Lời Chúa, và lòng thương xót là cách chúng ta thể hiện tình yêu ấy trong cuộc sống hằng ngày. Như Chúa Giêsu đã dạy: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10:27). Hai điều răn này không thể tách rời:

  • Sống Lời Chúa mỗi ngày: Hãy dành thời gian đọc và suy niệm Kinh Thánh, để Lời Chúa thấm sâu vào lòng.
  • Thực thi lòng thương xót: Hãy bắt đầu bằng những hành động nhỏ, như một nụ cười, một lời an ủi, hay một hành động cụ thể có thể thay đổi cuộc sống của người khác.
  • Gắn bó với cộng đoàn: Tham gia vào các hoạt động của giáo xứ hoặc các tổ chức từ thiện để chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa với cộng đoàn.

Lòng thương xót, được thể hiện qua dụ ngôn người Samaritanô tốt lành, là cách chúng ta sống Lời Chúa và phản chiếu tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hòa giải muôn vật qua thập giá của Ngài, như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là một lực vượt qua tất cả mọi thứ, làm đầy trái tim với tình yêu và mang lại ủi an qua sự tha thứ…thiếu vắng chứng tá cho lòng thương xót, cuộc sống trở thành vô ích và vô sinh, như thể bị cô lập trong một sa mạc cằn cỗi” (Misericordiae Vultus, số 9 và 10). Chúng ta được mời gọi “đi và làm như vậy” (Lc 10:37), mang tình yêu và bình an của Thiên Chúa đến với thế giới.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

LUẬT SAMARITANÔ

Câu chuyện kể của Chúa Giêsu về người Samarianô nhân hậu đã khởi hứng cho một câu chuyện phim khá lý thú. Nội dung chuyện phim như sau: Một cô sinh viên trường y đang học năm cuối chương trình y khoa một lần kia chứng kiến một người đứng tuổi mập mạp đang trong cơn đột quỵ. Hoàn cảnh lúc ấy thật cấp bách, theo sự hiểu biết về y khoa mà cô sinh viên đã tiếp thu ở nhà trường thì cần phải có một tiểu phẩu nhỏ nơi cổ nạn nhân mới có thể cứu sống nạn nhân kịp thời trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cô sinh viên ngành y ấy đã theo tiếng lương tâm mà làm tiểu phẩu trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nạn nhân được cứu sống, nhưng lại bị một di chứng là khó phát âm vì khi làm tiểu phẩu, cô sinh viên chưa tốt nghiệp ấy bị một sai sót nhỏ. Cô sinh viên bị nạn nhân kiện. Nhiều thế lực không tốt cũng nhân cơ hội ấy để kiện luôn cả khoa và trường mà cô sinh viên đang theo học. Vụ kiện làm xôn xao dư luận, trở thành đề tại “hot” và cô sinh viên đang ở trong cảnh thế bí chỉ vì lý do chính là chưa tốt nghiệp, chưa có bằng chứng nhận được phép hành nghề y khoa. Và nhà trường cũng như bị liên lụy trách nhiệm đáng kể. Câu chuyện tưởng như không có hậu ấy đã thay đổi vào phút chót khi viên luật sư trẻ đầy tâm huyết đã tìm ra một luật để bào chữa đó là luật Samaritanô. Câu chuyện phim trở thành có hậu khi cô sinh viên được tòa tuyên vô tội.

Thánh tông đồ dân ngoại nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn mọi Lề Luật” (Rm 13,8). Có thể nói rằng luật tình yêu là luật của các luật. Tuy nhiên cần xác định thế nào là yêu thương. Dưới khía cạnh tiêu cực, “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại”(Rm 13,10). Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Theo Tanmút Do Thái giáo thì Rapbi Hinlen cũng nói: “Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích”. Ông Tobia cha, đã khuyên bảo người con một đạo lý tương tự như trên: “Này con, hãy cẩn thận trong mọi việc con làm, và hãy tỏ ra con là nhà gia giáo trong mọi cách ăn thói ở của con. Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả”(Tb 4,14-15). Chúa Kitô đã đưa luật tình yêu này đến tận cùng với chiều kích tích cực: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và các lời ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

Bài Tin mừng Chúa Nhật XV TN C tường thuật khi được Chúa Giêsu hỏi rằng trong Luật đã viết những gì thì vị thông luật đã trả lời đó là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng ông ta trả lời chính xác và hãy làm như vậy thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp (x.Lc 10,25). Kitô hữu chúng ta ít băn khoăn hay tranh luận về giới luật phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Quả thật nếu đã tin nhận Thiên Chúa là căn nguyên và là cứu cánh của mọi vật mọi loài, nhất là loài người chúng ta thì việc phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, cũng như vị thông luật kia, chúng ta nhiều khi cảm thấy khó khăn với giới luật yêu tha nhân như chính mình.

Cựu Ước ghi rõ là phải yêu người thân cận như chính mình. Thế thì ai là người thân cận của chúng ta? Hạn từ người thân cận dường như giả thiết một sự giới hạn nào đó cả về mối tương quan cũng như điều kiện hoàn cảnh. Người Do Thái vốn ưu tiên đặt nặng mối dây tương quan niềm tin tôn giáo, kế đến là là mối tương quan màu da quốc tịch… Và chắc chắn kẻ thù không hề có trong phạm trù người thân cận. Chúng ta nhận ra điều này khi họ được dạy rằng “hãy yêu thương đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43).

Chúa Giêsu đã làm chưng hửng vị thông luật kia, khi mở rộng phạm trù người thân cận đến tất cả mọi người, không trừ ai. Người lại còn khẳng định tính tất yếu và vô điều kiện của giới luật yêu người. Câu chuyện “người Samaritanô nhân hậu” là một ví dụ minh họa rõ nét. Dù là luật của nghi lễ tế tự như trường hợp vị tư tế hay dù là một sự cẩn trọng, khôn ngoan cần có như trường hợp của vị trợ tế hay dù bất cứ lý do gì cũng không thể là nguyên cớ khiến ta xao nhãng hay thoái thác nghĩa vụ sống yêu thương. Theo nội dung câu chuyện kể, khi truyền cho vị thông luật là hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu thì Chúa Giêsu nhắc nhớ vị ấy cũng như chúng ta rằng đừng hỏi ai là người thân cận của tôi mà hãy tự hỏi tôi là người thân cận của những ai. Chúng ta phải trở nên người thân cận của tất cả những ai đang cần đến lòng xót thương, ngay ở đây và lúc này.

Là Kitô hữu, chúng ta không thể bỏ qua nội dung dụ ngôn cuộc phán xét chung trong Tin mừng Matthêu đã được Giáo hội viết thành lời kinh “mười bốn mối thương người”. “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống…Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta….Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói các ngươi đã không choTa ăn; Ta khát các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã không cho mặc…”(Mt 25,31-46).

“Hãy đi và hãy làm như người Samaritanô nhân hậu!” Một lệnh truyền mang tính cấp thiết vì nó liên hệ đến hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Lạy Chúa, con phải là người thân cận của ai đây? Không phải ở đâu xa hay là ngày mai, nhưng hôm nay và ở nơi này, lạy Chúa, những ai đang cần lòng thương xót, sự cứu giúp và nâng đỡ của con? Nếu thật lòng và xác tín với lời cầu nguyện trên, chắc chắn chúng ta sẽ biết phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

THUỶ CHUNG

Thứ Sáu Tuần 14 TN C

“Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói!”.

Trong “Những Điều Nhỏ Nhặt” – “Bits & Pieces” – tác giả nhận xét, “Chính những gì mà những con người không quan trọng làm mới thực sự có ý nghĩa và quyết định tiến trình lịch sử nhân loại. Thế giới sẽ sớm tàn nhưng sự thuỷ chung, lòng trung thành và sự cống hiến của những con người vô danh này lại làm nên lịch sử!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không chỉ nói đến những con người ‘thuỷ chung’ vô danh góp phần làm nên lịch sử, nhưng còn nói đến những con người ‘thuỷ chung’ hữu danh được Chúa sai đi làm nên lịch sử! Và Ngài, Đấng Thuỷ Chung – kiến tạo lịch sử – luôn ở cùng họ!

Câu chuyện Giuse – người được sai đi để cứu một dân – tiếp tục. Sau khi tỏ mình cho các anh, Giuse được Pharaô ban xa mã để nghinh đón cha già và họ hàng – bài đọc một. Khi Giacóp vừa vui mừng, vừa lo lắng vì sắp rời quê, thì Thiên Chúa trấn an, “Đừng sợ xuống Ai Cập. Chính Ta sẽ xuống với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên!”. Ôi! Đấng uy dũng, quyền năng sẽ ‘di cư’ với dân; để về sau, chính Ngài – rất ‘thuỷ chung’ – sẽ ‘hồi hương’ họ lên lại quê nhà! “Chúng ta có một Thiên Chúa của lịch sử, không ở trên mây, mà là Đấng cùng bước với dân – Ngài xuống Ai Cập với nhà Giacóp và không rời họ cho đến khi họ trở về đất hứa!” – Phanxicô.

Trong Tin Mừng hôm nay, khi sai các môn đệ đi, Chúa Giêsu không yêu cầu họ có khả năng đối mặt với những con sói; trở nên đông đảo, có uy tín và thế giới sẽ lắng nghe… và họ sẽ đánh bại bầy sói. Không! Ngài sai họ đi như chiên, và điều này quan trọng! Nếu bạn không muốn làm chiên, Chúa không bảo vệ bạn; nếu bạn là chiên, hãy yên tâm! Ngài yêu cầu bạn luôn là chiên – nhu mì, trong trắng, sẵn sàng hy sinh; và Ngài, Mục Tử ‘thuỷ chung’ sẽ nhận ra chiên mình và bảo vệ nó khỏi sói! “Có những lúc tôi thấy mình như một con chiên giữa bầy sói. Chính trong sự yếu đuối ấy, tôi nhớ rằng, Chúa đã chọn sống như chiên – để chiên không bao giờ đơn độc!” – Madeleine Delbrêl.

Anh Chị em,

“Như chiên đi vào giữa bầy sói”. “Chừng nào bạn và tôi còn là chiên con, chúng ta sẽ thắng; ngay cả khi bị vây hãm bởi nhiều con sói! Nhưng nếu chúng ta trở thành sói – ‘Ồ, thông minh làm sao, tôi cảm thấy hài lòng về bản thân!’ – chúng ta sẽ bị đánh bại, bởi sẽ bị tước mất sự giúp đỡ của Người Chăn Chiên. Ngài không chăn sói, mà chăn chiên!” – Gioan Kim Khẩu. Thánh Vịnh đáp ca tiết lộ, “Người công chính được Chúa thương cứu độ!”. Mỗi ngày, ‘Giêsu Thuỷ Chung’ – Emmanuel – đang ở với chúng ta. Vấn đề còn lại là liệu chúng ta có biết đến với Ngài để kín múc sức mạnh và nghị lực hầu có thể đương đầu với đủ ‘loại hình sói’ trong cuộc sống. “Chúng ta yếu đuối không phải vì không có sói, mà vì đã quên tìm đến Mục Tử. Sức mạnh thật không nằm nơi gươm giáo, nhưng nơi lòng gắn bó với Đấng đã chiến thắng thế gian!” – Fulton J. Sheen.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đi vào thế giới, không vô danh chút nào. Cho con luôn là chiên ‘thuỷ chung’; đừng để con là sói, ‘vô danh’ cũng không và ‘hữu danh’ lại càng không!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

RỈ TAI

Thứ Bảy Tuần 14 TN C

“Điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng!”.

Mary, một học sinh hở hàm ếch, điếc một tai. Nhưng ngày kia, kiểm tra thính giác, cô giáo Léonard đã dành cho Mary một ánh mắt ấm áp và một phép mầu! Học sinh xếp hàng để nghe một lời rất khẽ của cô giáo; sau đó, viết ra giấy. Và đây, những gì Mary viết ra: “Ước gì con là con gái nhỏ của mẹ!”. Đó là một lời rỉ tai thay đổi một cuộc đời!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cũng nói đến những lời ‘rỉ tai’. Đó là trối trăng mà các anh của Giuse ‘cho là’ đã nhận từ cha trước khi ông qua đời; đó còn là những lời “rỉ tai” lúc đêm hôm của Chúa Giêsu mà các môn đệ sẽ “nói ra giữa ban ngày” và “lên mái nhà rao giảng!”.

Sợ rằng, Giuse nhớ lại chuyện xưa, các con của Giacóp sai người đến nói với Giuse những lời ‘rỉ tai’ được cho là của cha – bài đọc một. “Cha của chú trước khi chết đã truyền rằng: Các con hãy nói thế này với Giuse: Thôi ! Xin con tha tội tha lỗi cho các anh con, vì họ đã gây ra điều ác cho con!”. Nghe thế, Giuse bật khóc. “Không phải Giuse khiến các anh mình run sợ, mà là chính lương tâm của họ tố cáo. Khi lòng mình không ngay chính, người ta nhìn sự tha thứ cũng thành mối đe dọa!” – Augustinô; đang khi “Hỡi những ai nghèo hèn, hãy tìm kiếm Thiên Chúa, là tâm hồn phấn khởi vui tươi!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, lời ‘rỉ tai’ Chúa Giêsu nói lúc đêm hôm là gì? Đây là một câu hỏi quan trọng. Hãy nhớ lại cách thức Ngài giảng dạy! Đầu tiên, Ngài nói xa gần bằng dụ ngôn để khơi gợi sự tò mò; một khi người nghe đã lớn lên trong đức tin, Ngài sẽ bắt đầu nhỏ to những lẽ thật sâu sắc – lẽ thật sâu sắc nhất là Chúa Cha! Ngài sẽ truyền đạt theo những cách thức vượt quá ngôn từ – che đậy bởi các hình tượng – để rồi, tỉ tê về Chúa Cha và con người Ngài theo những cách thức ‘không lời’ thầm kín nhất.

Như vậy, rất nhiều điều Chúa Giêsu muốn nói, nhưng Ngài chỉ nói “lúc đêm hôm” của đời sống nội tâm; qua đó – nhờ cầu nguyện, chiêm ngắm và soi rọi của Thánh Thần – ngay cả giữa tối tăm, chúng ta sẽ nghe được những lời ‘rỉ tai’ sâu sắc nhất vượt quá ngôn từ, khái niệm và hình ảnh. “Chúa nói với linh hồn trong thinh lặng. Và những lời thì thầm ấy, linh hồn chỉ nghe được khi đêm xuống và mọi tiếng ồn bên ngoài lặng đi!” – Gioan Thánh Giá.

Anh Chị em,

“Điều anh em nghe rỉ tai!”. Dưới ánh quang Thánh Thể, chúng ta lắng nghe Chúa Giêsu ‘rỉ tai’ từ bóng tối của đức tin những lời vốn có thể thay đổi cả một cuộc đời. Hãy để Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào niềm tin sâu sắc nhất, chắc chắn nhất về tình yêu, sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. “Hãy ở lại với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Chính trong im lặng của sự hiện diện ấy, Ngài sẽ nói với bạn những lời không ai khác có thể nói – những lời có thể thay đổi đời bạn từ cội rễ!” – Gioan Phaolô II.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không ao ước những ‘thủ thỉ’ của Chúa, con sẽ bị mê hoặc bởi những ‘thì thầm’ của thế gian. Dạy con chìm sâu hơn trong cầu nguyện và chiêm ngắm mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TRAO TẶNG KHO BÁU TIN MỪNG

Sứ mạng loan báo Tin mừng cho muôn dân là sứ mạng hàng đầu của Chúa Giê-su và cũng là sứ mạng tối thượng của Hội thánh.

Hội thánh là một Thân thể huyền nhiệm gồm có Chúa Giê-su là Đầu và mỗi một tín hữu là một chi thể trong Thân thể nầy. Do đó, bất cứ ai là chi thể của Chúa Giê-su đều phải tham gia vào sứ mạng cao quý, trọng đại nầy.

Chính vì thế, trước hết, Chúa Giê-su tuyển chọn 12 Tông đồ; sau đó, Ngài chọn 72 môn đệ khác và sai các ngài ra đi loan báo Tin mừng.

Hôm nay, trong thế kỷ 21 này, Ngài tuyển chọn thêm nhiều môn đệ khác, trong số đó phải kể đến một tỷ ba trăm triệu người Công giáo và hơn một tỷ người khác thuộc các Giáo hội của Chúa Ki-tô, để tham gia vào công việc loan Tin mừng cho gần tám tỷ người trên thế giới.

Hôm xưa, khi sai bảy mươi hai môn đệ ra đi, Chúa Giê-su căn dặn các ông rằng : "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về."  Lời căn dặn nầy hôm nay cũng được lặp lại với mỗi người chúng ta.

Đáp lời Chúa mời gọi, chúng ta sẵn sàng cầu xin có thêm thợ gặt, nhưng vấn đề là chúng ta sẽ cầu cho ai đi làm thợ gặt đây?

Ai là thợ gặt của Chúa?

Khi cầu xin cho được bình an, sức khoẻ và may mắn… thì chúng ta cầu cho bản thân mình trước; còn khi cầu cho có người làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa, thì chúng ta cầu Chúa ban ơn đó cho những người khác, ngoại trừ ta!

Nhưng, dù muốn dù không thì chúng ta đã là thợ gặt chính danh ngay từ khi được lãnh Bí tích Thánh tẩy. Nhờ Bí tích nầy, chúng ta trở nên chi thể của Chúa Giê-su và được thông dự vào chức vụ ngôn sứ, tức sứ vụ loan Tin mừng của Ngài. Vậy thì loan báo Tin mừng là trách nhiệm của chúng ta, của từng chi thể Chúa Giê-su, không thể thoái thác được, trừ phi chúng ta tự tách lìa mình khỏi Thân thể Chúa.

Trao tặng kho báu Tin mừng

Người ta chỉ có thể tặng ban cho người khác những gì mình đang có. Không ai có thể cho điều mình không có.

Vì thế, người đi loan báo Tin mừng cho người khác không thể thiếu thốn Tin mừng.

Tiếc thay, nhiều tín hữu còn ‘nghèo thiếu’ Tin mừng, vì chưa đọc và nghiền ngẫm Lời Chúa dạy hằng ngày, chưa khám phá kho tàng khôn ngoan chứa đựng trong đó và đời sống của họ chưa thấm đẫm Tin mừng!

Nếu Tin mừng của Chúa Giê-su chưa sáng lên trong cuộc đời ta, chưa bừng cháy trong tim ta… thì làm sao chúng ta có thể đem lửa ấy thắp lên cho người khác được? Không ai có thể cho điều mình không có.

Thế nên, việc quan trọng nhất là chúng ta phải đọc và suy niệm Tin mừng hằng ngày rồi mới có thể ban tặng cho người khác được.   

Lạy Chúa Giê-su,

Sau khi sống lại, Chúa hiện ra với các môn đệ và phán: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Thế là từ hôm đó, Chúa chuyển giao trọn vẹn sứ mạng loan báo Tin mừng mà Chúa nhận lãnh từ Chúa Cha cho các môn đệ cũng như cho chúng con là chi thể trong Thân mình Chúa.

Xin cho chúng con luôn ý thức sứ mạng thiêng liêng cao cả Chúa trao và ra công gắng sức thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, để muôn người khắp nơi được đón nhận Tin mừng và ơn cứu độ của Chúa. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà  

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10, 1-12).

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: 'Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi'.

"Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: 'Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần'. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Subcategories