3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

BÍ TÍCH THÁNH THỂ BAN SỰ SỐNG THẦN LINH 

Khi đọc lại những dòng Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước, người ta nhận ra một mạch xuyên suốt chương trình cứu độ của Thiên Chúa: ban cho sự sống muôn đời, mà đỉnh cao là Bí tích Thánh Thể, lương thực thần linh.

  1. Menkixêđê: tiên báo mầu nhiệm Thánh Thể

Trong sách Sáng Thế, khi tổ phụ Ápram chiến thắng trở về, ông được đón tiếp bởi một nhân vật lạ lùng: Menkixêđê, vua thành Salem, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, mang bánh và rượu ra

Menkixêđê là một nhân vật đầy huyền nhiệm. Thánh Vịnh 110 loan báo rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Tv 110: 4). Tác giả Thánh Phaolô sau này giải thích: “Trước hết, ông tên là Menkixêđê, nghĩa là vua công chính; rồi ông lại là vua Salem, nghĩa là vua bình an. Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế” (Hípri 7: 2- 3). Bánh và rượu ông dâng, chính là hình bóng của Thánh Thể – Mình và Máu Chúa Kitô.

Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Chúa Giêsu không theo phẩm trật Lêvi, nhưng theo Menkixêđê – tư tế không có khởi đầu hay kết thúc, dâng bánh và rượu, báo trước bàn tiệc Thánh Thể” (Bài giảng về thư Hípri, số 7).

Chính trong Bữa Tiệc Ly chức vị tư tế này được thể hiện trọn vẹn. Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, đã ghi lại chính xác lời Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em… Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới” (1Cr 11: 24 - 25).

Bánh và rượu ở đây không còn là biểu tượng nữa, mà trở thành thực tại thánh thiêng – Mình và Máu thật của Chùa Kitô, hiến tế cho nhân loại. Qua lời truyền phép của linh mục trong Thánh Lễ, người Kitô hữu không chỉ tưởng niệm biến cố xưa, mà còn thực sự được tham dự vào chính hy tế của Chúa Kitô trên Thập Giá, nay hiện diện một cách không đổ máu.

Thánh Tôma Aquinô xác tín: “Trong Bí tích Thánh Thể, không còn là hình bóng nữa, mà là chính Chúa Kitô – Ngôi Lời Nhập Thể, hiện diện thật sự” (Tổng luận Thần học III, quyển.75).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định trong Tông thư Desiderio Desideravi ban hành năm 2022: “Ước muốn vô hạn của Chúa Kitô là tái lập sự hiệp thông với chúng ta, vốn đã và vẫn là kế hoạch ban đầu của Ngài, sẽ không được thoả mãn cho đến khi mọi người nam nữ, từ mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc và mọi quốc gia (Kh 5: 9), sẽ được ăn Mình và uống Máu Ngài. Và vì lý do này, cũng một Bữa Tối đó sẽ được làm cho hiện diện trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể cho đến khi Ngài trở lại lần nữa” (số 4).

Đức Giáo Hoàng giải thích lý do: “Chúng ta cần Ngài. Trong Bí tích Thánh Thể và trong tất cả các bí tích, chúng ta được bảo đảm khả năng gặp gỡ Chúa Giêsu và được quyền năng của Mầu nhiệm Vượt qua của Ngài đến với chúng ta…Chúng ta là Nicôđêmô, là người phụ nữ Samaria bên giếng, là người bị quỷ ám ở Caphácnaum, là người bại liệt trong nhà Phêrô, là người đàn bà tội lỗi được ân xá, là người đàn bà bị băng huyết, là con gái của Giaia, là người mù thành Giêricô, là Giakêu, là Ladarô, là tên trộm và là Phêrô, tất cả đều được ân xá. Chúa Giêsu, Đấng không chết nữa, Đấng sống đời đời với các dấu chỉ cuộc Khổ nạn của Ngài tiếp tục tha thứ cho chúng ta, chữa lành chúng ta, cứu chúng ta bằng quyền năng của các bí tích” (số 11).

  1. Phép lạ hoá bánh ra nhiều – bánh cho cộng đoàn

Trong một khung cảnh hoang vắng, với hàng ngàn người đang đói khát, Chúa Giêsu nói một điều lạ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).

Với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Mọi người đều ăn và no nê, lại còn dư mười hai thúng đầy. Trình thuật này mang đậm hình ảnh Thánh Thể: dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao ban. Điều đáng chú ý là phép lạ không xảy ra trực tiếp từ tay Chúa Giêsu cho dân chúng, mà qua các môn đệ. Điều này báo trước vai trò của Hội Thánh trong việc phân phát Thánh Thể cho dân Chúa. Thánh Augustinô viết: “Điều nằm trên bàn thờ là chính Mình Ngài. Và Ngài muốn chính chúng ta trở nên bánh – được bẻ ra và chia sẻ cho người khác” (Bài giảng 272, Các giáo phụ Công đồng Nixêa và sau Nixêa, tập I).

Bí tích Thánh Thể là bánh sự sống, là quà tặng tình yêu cho mọi người. Bí tích Thánh Thể không chỉ dành cho việc thờ phượng, mà là sức sống nuôi dưỡng người tín hữu trên hành trình dương thế. Như dân Israel được nuôi bằng manna trong sa mạc (Xh 16), người Kitô hữu hôm nay được nuôi bằng chính Mình Máu Chúa Kitô. Hội Thánh khẳng định: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo. Những bí tích khác cũng như mọi thừa tác vụ trong Hội Thánh, và các hoạt động tông đồ, đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và quy hướng về bí tích đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta” (GLHTCG, số 1324).

Trong Tông huấn Sacramentum Caritatis, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh: “Hội Thánh sống nhờ Bí tích Thánh Thể. Vì trong bí tích này hy tế cứu độ của Chúa Kitô thực sự hiện diện, buộc mọi người phải chân nhận có một ảnh hưởng nhân quả của Bí tích Thánh Thể vào chính nguồn gốc của Hội Thánh. Bí tích Thánh Thể chính là Chúa Kitô, Đấng tự hiến ban chính mình cho chúng ta và không ngừng xây dựng chúng ta trở thành thân thể của Ngài. Vì thế, trong liên hệ hỗ tương giữa Bí tích Thánh Thể là bí tích xây dựng Hội Thánh, với chính Hội Thánh là nơi làm nên Bí tích Thánh Thể” (số 14).

  1. Các dấu chứng Thánh Thể

Phép lạ Thánh Thể đã xảy ra trong suốt lịch sử Công giáo, liên quan đến những phẩm chất sinh học của máu, thịt hoặc cả máu và thịt của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Những sự kiện phi thường này đã giúp mọi người thấy được thực tại linh thánh của bàn tay Thiên Chúa đằng sau thế giới vật chất, nhắc nhở những người Công giáo ngày nay rằng sự sống của chúng ta còn có nhiều điều hơn những gì chúng ta chỉ có thể hiểu bằng năm giác quan của mình.

*LM Otty Ossa Aristizábal là tuyên úy của Đền thánh Đức Mẹ Finca Betania, tại Cúa, Venezuela, vào năm 1991. Trong Thánh lễ nửa đêm kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, ngày 8 tháng 12 năm 1991, Cha Otty và nhiều tín hữu hành hương đã chứng kiến ​​Mình Thánh Chúa xuất hiện một đốm đỏ, và từ đốm đó dường như có chất lỏng màu đỏ chảy ra, như thể máu đang chảy ra. Cha Otty và những người hành hương đã xác định rằng máu không phải từ vị linh mục. Sau Thánh lễ, Cha Otty đã cất Bánh Thánh an toàn trong Phòng thánh của Đền thờ qua đêm. Ngày hôm sau, Cha Otty vẫn thấy một ít máu tiếp tục chảy và bắt đầu khô. Ngài nhận thấy rằng máu chỉ chảy từ một bên, mà không thấm sang phần còn lại của Mình Thánh. Sau khi Đức Hồng Y Pio Bello Ricardo, Giám mục Los Teques lúc bấy giờ, cho phép xét nghiệm và nghiên cứu, kết quả cho thấy máu thuộc nhóm AB. Mình Thánh hiện đang được lưu giữ tại tu viện các nữ tu Augustinô Thánh Tâm ở Los Teques. Nhiều khách hành hương đến đó để tôn thờ và chầu Thánh Thể (https://veym.net)

* Vào tháng 10 năm 2006, một giáo xứ trong Giáo phận Chilpancingo-Chilapa của Mexico đã tổ chức một buổi tĩnh tâm. Trong thánh lễ, hai linh mục và một nữ tu đang trao Mình Thánh Chúa thì vị nữ tu nhìn linh mục chủ tế với đôi mắt đẫm lệ. Mình Thánh mà vị nữ tu đang cầm bắt đầu chảy ra một chất lỏng màu đỏ.

Để thẩm định tính xác thực của sự kiện này, Đức Giám Mục Alejo Zavala Castro đã yêu cầu Tiến sĩ Ricardo Castañón Gómez, người nghiên cứu phép lạ Thánh Thể ở Buenos Aires, và nhóm của ông tiến hành nghiên cứu khoa học. Năm 2013, nghiên cứu kết luận rằng: “Chất màu đỏ được phân tích tương ứng với máu có chứa hemoglobin và DNA có nguồn gốc từ con người. . . Nhóm máu là AB, tương tự như nhóm máu được tìm thấy trong Bánh thánh Lancianô và trong Tấm vải liệm Turinô” (https://www.magistercenter.com).

*Vào ngày Giáng sinh năm 2013, tại Nhà thờ Saint Hyacinth ở Legnica, Ba Lan, một bánh thánh đã được thánh hiến rơi xuống sàn. Bánh thánh được đặt vào một thùng chứa nước để hòa tan. Thay vì tan ra, Bánh thánh đó tạo thành các vết màu đỏ. Vào tháng 2 năm 2014, bánh thánh đã được nhiều viện nghiên cứu khác nhau kiểm tra, bao gồm cả Khoa Y học Pháp y ở Szczecin, tuyên bố: “Trong hình ảnh mô bệnh học, các mảnh vỡ được tìm thấy chứa các phần bị phân mảnh của cơ vân chéo, rất giống với cơ tim.” Nghiên cứu phát hiện ra rằng mô có những thay đổi vốn chỉ xuất hiện trong tình trạng rất đau đớn.

Bánh Thánh chảy máu đã được Đức Giám mục Zbigniew Kiernikowski của Legnica chấp thuận cho tôn kính vào tháng 4 năm 2016. Ngài cho biết rằng Bánh Thánh chảy máu đó “có dấu hiệu của một phép lạ Thánh Thể” (https://www.magistercenter.com).

Mẹ Têrêsa Calcutta từng nói: “Nếu chúng ta có Chúa ở giữa chúng ta, với Thánh lễ và Rước lễ hằng ngày, tôi không sợ gì cho các chị em hay cho chính mình; Ngài sẽ chăm sóc chúng ta. Nhưng nếu không có Ngài, tôi không thể - tôi bất lực” (Mother Teresa: Come Be My Light, trang 26, 1947, Brian Kolodiejchuk).

Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa Giêsu vẫn lặp lại: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26: 26) và “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy” (Mt 26: 27-28). Và chúng ta đáp lại, không chỉ bằng việc rước lễ, mà bằng chính đời sống được “bẻ ra” cho anh em, như chính Chúa đã làm. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Mỗi Thánh Lễ là một cuộc sai đi – sai chúng ta đến với người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi” (Evangelii Gaudium, số 179, năm 2013).

Phêrô Phạm Văn Trung

LỄ CHÚA BA NGÔI: DUY NHẤT

(Chn 8, 22-31; Rm 5, 1-5; Ga 16, 12-15)

Sách Phương Ngôn còn gọi là Châm Ngôn (Proverb) nói về sự Khôn Ngoan. Người Do-thái ví sự khôn ngoan như người phụ nữ cố gắng kiên trì dẵn dắt mọi người ra khỏi con đường gian tà và tội lỗi. Trong đoạn sách Châm Ngôn hôm nay, sự Khôn ngoan được diễn tả như một nhân vật đã hiện diện với Thiên Chúa trước khi tạo dựng vũ trụ. Sự khôn ngoan ở cùng Thiên Chúa qua mọi công trình sáng tạo. Tiến trình lịch sử cứu độ được hé mở một cách rất tiệm tiến. Dân Do-thái tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và độc thần. Mầu nhiệm về Ngôi Ba Thiên Chúa được mạc khải từ từ từng bước. Hình bóng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần còn được ẩn giấu.

Nguồn Kinh Thánh mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuở xưa, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách phán dạy cha ông qua các ngôn sứ, nay Chúa dạy chúng ta qua chính Con Một của Người. Chúa Giêsu đã mạc khải về ngôi vị Thiên Chúa: Tôi và Chúa Cha là một (Ga 10, 30). Chúa Giêsu là hiện thân và là Ngôi Lời của Thiên Chúa, khi chúng ta biết Chúa Giêsu, là biết Chúa Cha. Thánh Luca diễn tả hình ảnh Thiên Chúa trong ngôi vị khác nhau qua biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Chính Chúa Giêsu đã dùng cách tuyên xưng Ba Ngôi Vị Thiên Chúa khi sai các tông đồ ra rao giảng Tin Mừng: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28, 19).

Giáo Hội tin kính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm vì sự giới hạn của ngôn ngữ, sự hiểu biết và trí khôn con người. Qua sự tìm hiểu và kinh nghiệm, chúng ta cũng chỉ học biết một chút về cơ cấu của các sự vật hiện hữu. Chúng ta bị giới hạn mọi thứ từ thời gian, không gian, kiến thức hẹp hòi và sự hiểu biết nông cạn. Tin vào lời Chúa. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta đòi hỏi hiểu thấu về Thiên Chúa, tôi sợ rằng đó chỉ có thể là chúa do con người nắn nên. Dựa vào lời mạc khải, Kinh Thánh không bao giờ dùng từ Chúa Ba Ngôi. Khoảng năm 115-120, thời Giáo Hội sơ khai, một triết gia tin đạo là Tertullian đã dùng từ ‘Chúa Ba Ngôi’ (Trinity) để cố gắng tìm cách đưa đức tin vào ngôn ngữ của loài người. Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa Cha là ‘Abba’, thánh Tôma tông đồ khi nhận diện ra Chúa đã thưa: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi. Chúa Giêsu là Chúa và Ngài gọi Thiên Chúa là Cha.

Chúng ta nhận biết được tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người qua sự hy sinh của Chúa Giêsu chết trên cây thánh giá. Mỗi lần chúng ta ghi dấu thánh giá trên thân mình, tuyên xưng rằng: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi kết hợp trong tình yêu. Trao ban tình yêu và hiến mình vì tình yêu. Chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm tình yêu vì tình yêu như biển trời mênh mông có thể dung chứa mọi thứ. Chúng ta được ngụp lặn trong biển tình yêu của Thiên Chúa. Tình Chúa lan tỏa như khí trời. Tình Chúa bao la hơn biển cả. Mỗi tâm hồn đều được mời gọi để mở đón tình yêu, sống tình yêu và trao ban tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa không bao giờ vơi cạn.

Qua Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta được tham dự vào sứ vụ làm nhân chứng cho Chúa Kitô phục sinh. Chúng ta trở nên con cái và được tháp nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúng ta là những người được thừa kế ân sủng cứu độ. Mỗi người đều phải chu toàn sứ vụ Kitô hữu của mình. Đời sống người Kitô hữu phải gắn bó với tình yêu Chúa Kitô thập giá. Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta đặt niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu của ơn cứu độ. Hãy trông cậy vào nguồn ân sủng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống này. Tất cả qui về sự thật là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã chịu chết và sống lại để chuộc tội cho nhân loại.

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mọi nơi và mọi lúc. Mỗi khi làm dấu thánh giá trên thân xác, xin cho chúng con ý thức và nhận biết tình yêu tuyệt vời Thiên Chúa đã dành cho loài người chúng con. Chúng con tôn thờ, ca ngợi và cảm tạ hồng ân Chúa đến muôn muôn ngàn đời.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

GIA ĐÌNH - CỘNG ĐỒNG TÌNH YÊU PHẢN CHIẾU TÌNH YÊU BA NGÔI

Trong lịch sử, người ta thường dùng những hình ảnh khác nhau để trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn hình ảnh ngọn lửa. Trong lửa luôn luôn có ba yếu tố: lửa – ánh sáng – sức nóng. Ba yếu tố đó không lẫn lộn vào nhau: ánh sáng là ánh sáng, lửa là lửa, sức nóng là sức nóng. Ba yếu tố phân biệt rõ ràng, nhưng cũng không bao giờ tách biệt khỏi nhau, ngược lại gắn chặt vào nhau. Có lửa là có ánh sáng, có sức nóng.

Từ hình ảnh ngọn lửa, người ta áp dụng để giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa ba Ngôi. Ba Ngôi chỉ là một Chúa duy nhất, nhưng phân biệt rõ ràng: Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi nhưng cũng chỉ là một. Và một Thiên Chúa nhưng vẫn cứ là Ba Ngôi.

Không thể lấy đi ánh sáng khỏi lửa và bảo rằng lửa cứ cháy mà không cần ánh sáng. Cũng vậy, vì Ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa, nên mọi hoạt động nơi Thiên Chúa đều quy về Ba Ngôi…

Dẫu sao mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vẫn luôn là huyền nhiệm lớn đối với con người. Đi tìm câu trả lời cho huyền nhiệm ấy, con người làm một sự cố gắng vượt trên sức hiểu biết của mình. Bởi thế, những hình ảnh mà con người cố gắng suy nghĩ để giải thích, dù có hay đến mấy, vẫn chỉ là cố gắng đầy khiếm diện và bất toàn mà thôi.

Điều hay nhất chúng ta cần làm có lẽ không phải là khám phá tới cùng mầu nhiệm Thiên Chúa cho bằng quay về với chính mình để sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Bởi vậy, tôi muốn mời bạn cùng tôi suy nghĩ về gia đình vì gia đình là một cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Từ xưa, trong Hội Thánh đã có thói quen áp dụng hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi là kiểu mẫu của tình yêu cha – mẹ – con cái. Ngay từ trong cung lòng mình, tình yêu Thiên Chúa đã là một tình yêu trao ban, tình yêu mở ra, vì thế một mà lại là ba: Trao ban giữa Cha, Con, Thánh Thần.

Nếu Ba Ngôi là kiểu mẫu của gia đình thì mọi thành viên trong gia đình cũng phải yêu nhau bằng tình yêu trao ban, tình yêu hiến thân, tình yêu mở ra đối với người mà mình yêu.

Tình yêu gia đình đòi hỏi có nhau, cho nhau và vì nhau. Nếu một thành viên nào trong gia đình chỉ biết có bản thân, yêu nhưng chỉ yêu chính mình, tình yêu đó đang phản lại kiểu mẫu của tình yêu Ba Ngôi.

Không thể chấp nhận một người làm chồng, làm cha quên trách nhiệm của mình, chỉ biết có say xỉn, còn vợ con có khổ, có đói không đoái hoài tới.

Cũng không ai có thể chấp nhận được một người làm vợ, làm mẹ tệ cho đến mức quên hết vai trò của mình, chỉ biết bài bạc, có khi thức thâu đêm suốt sáng chỉ để thỏa đam mê thấp kém này.

Chúng ta cũng không thể chấp nhận hình ảnh một đứa con trả treo với cha mẹ. Có khi bất chấp cha mẹ có khả năng hay không, nó đòi cho bằng được điều mà nó muốn có.

Tất cả những hình ảnh trên đều đi ngược lại tình yêu Ba Ngôi. Vì đó chỉ là một thứ ích kỷ, vụ lợi cho bản thân. Trên hết mọi sự, hãy bắt chước tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu là cho đi, là rộng ban, là mở ra.

Hãy sống làm sao để gia đình trở thành cộng đồng tình yêu, phản chiếu tình yêu Ba Ngôi.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ

Tín điều Ba Ngôi là nền tảng sâu xa nhất của đức tin Kitô giáo: một Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị – Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi không tách biệt, nhưng hiệp nhất hoàn hảo trong bản thể và khác biệt trong ngôi vị.

Sách Châm Ngôn hé mở điều kỳ diệu ấy qua hình ảnh của Sự Khôn Ngoan – tượng trưng cho Lời Thiên Chúa, là tiên trưng của Ngôi Hai: “Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Ngài, trước mọi công trình của Ngài từ thời xa xưa nhất... Ta hiện diện bên Ngài như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Ngài” (Cn 8: 22-30)

Chúa Con – Lời của Thiên Chúa – hiện diện từ trước khi vũ trụ hình thành, ở trong lòng Chúa Cha và cùng với Chúa Cha thực hiện công trình sáng tạo. Còn Chúa Thánh Thần, như sách Sáng Thế mô tả: “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2), biểu trưng cho hơi thở sự sống và tình yêu được tuôn trào từ nơi Chúa Cha và Chúa Con.

  1. Thiên Chúa Cha, nguồn ơn cứu độ

Thiên Chúa Cha là Đấng sáng tạo, và cai quản muôn loài: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (Stk 1: 1), và là nguồn cội của quyền làm người cha. Ngài là hình mẫu hoàn hảo của tình phụ tử, nơi đó con người được tham gia vào và có được tình phụ tử của chính mình: “Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài. Tình phụ tử này của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả qua hình ảnh tình mẫu tử . Hình ảnh tình mẫu tử nói lên rõ hơn sự gần gũi của Thiên Chúa và sự thân mật giữa Thiên Chúa với thụ tạo của Ngài. Như vậy, ngôn ngữ đức tin múc nguồn nơi kinh nghiệm phàm nhân về cha mẹ, các vị này một cách nào đo, là những đại diện đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người” (GLHTCG, số 239).

Thiên Chúa Cha là Đấng khởi xướng kế hoạch cứu độ nhân loại, một sáng kiến của Thiên Chúa, một dự án yêu thương và thương xót đối với loài người: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4: 4-5). Kế hoạch này bao trùm toàn bộ lịch sử thế giới, nhằm mục đích khôi phục lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người đã bị tội lỗi của Adam và Eva phá vỡ. Ngài là nguồn cứu độ tối thượng, được thực hiện qua sự nhập thể, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài, được Ngài sai đến để hoàn thành kế hoạch cứu độ và khôi phục mối tương quan tình yêu của loài người với Thiên Chúa.

Thiên Chúa Cha là Đấng nhận được mọi lời ngợi khen và vinh quang, qua công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu Kitô: “Sau đó, tôi nghe như có tiếng hô lớn của đoàn người đông đảo ở trên trời vang lên: Halêluia! Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ,

Đấng vinh hiển uy quyền!... Nào ca ngợi Thiên Chúa chúng ta, hỡi tất cả tôi trung của Chúa, hỡi những ai lớn nhỏ hằng kính sợ Ngài!... Halêluia! Đức Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng đã lên ngôi hiển trị. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh” (Kh 19: 1,5-7). Thiên Chúa Cha là trung tâm của kế hoạch cứu độ với tư cách là Đấng sáng tạo, Đấng hoạch định và là nguồn gốc ơn cứu độ của mọi người. Ngài là Đấng, trong tình yêu vô hạn của mình, khởi xướng, thực hiện và đón nhận vinh quang của kế hoạch này.

  1. Chúa Con, tình yêu Thiên Chúa nhập thể và cứu độ

Tình yêu của Thiên Chúa không dừng lại ở tạo dựng, nhưng đã lên tới đỉnh điểm khi Ngôi Hai nhập thể để cứu độ nhân loại. Như thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16)

Chúa Giêsu chính là tình yêu cứu độ mặc lấy xác phàm, trở nên người phàm, sống giữa con người, cảm thông mọi khổ đau, gánh lấy tội lỗi và ban ơn tha thứ qua cái chết trên thập giá. Chính Chúa Giêsu “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Qua cái chết và sự phục sinh, Chúa Giêsu đưa nhân loại vào sự sống mới. Ngài mở ra cánh cửa cho con người tham dự vào mối tương quan Ba Ngôi. Thánh Phaolô diễn tả điều ấy trong thư gửi tín hữu Rôma: “Nhờ đức tin, chúng ta được nên công chính, được bình an với Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô... vì lòng mến của Thiên Chúa đã được đổ tràn vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta” (Rm 5,1.5)

  1. Chúa Thánh Thần – tình yêu tuôn trào vào lòng nhân loại

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Chúa Thánh Thần được ban xuống để tiếp tục công trình cứu độ trong Hội Thánh. Thánh Gioan mô tả vai trò này cách rõ ràng: “Khi Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Ngài không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Ngài nghe, Ngài sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến...” (Ga 16,13-14).

Chúa Thánh Thần là “tình yêu được nhân vị hóa” (Thánh Tôma Aquinô, bàn về “Danh Chúa Thánh Thần”, Summa Theologiae, I, q.37, a.1). Ngài là sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, và là quà tặng mà Đức Kitô phục sinh ban cho Giáo Hội (Ga 20,22). Thánh Augustinô nói: “Chúa Thánh Thần là tình yêu giữa Cha và Con” (De Trinitate – Quyển XV, chương 17)

Trong Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium dạy rằng: “Thánh Thần sống trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ... Ngài hướng dẫn Hội Thánh trong chân lý toàn vẹn và hiệp thông” (Công đồng Vatican II, 1964, Lumen Gentium, số 4). Chính Ngài là Đấng ban sự sống, nâng đỡ những ai yếu đuối, khai sinh những đặc sủng, làm nảy nở hoa trái như thánh Phaolô liệt kê: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).

  1. Hội Thánh – nơi tình yêu Ba Ngôi tiếp diễn

Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là khái niệm trừu tượng, mà là một mô hình sống cho mỗi Kitô hữu. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: “Ba Ngôi là sự hiệp thông của tình yêu. Tình yêu ấy không khép kín, nhưng mở ra, chia sẻ và mời gọi. Chúng ta, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, chỉ thực sự sống đúng nghĩa khi sống trong tương quan tình yêu.” (ĐTC Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, 2005, số 11)

Hội Thánh – với các mối tương quan huynh đệ, với phụng vụ, đời sống bác ái và truyền giáo – chính là không gian sống động của tình yêu ấy. Từng gia đình, từng giáo xứ, từng nhóm nhỏ đều có thể là “hình ảnh nhỏ bé” của cộng đoàn Ba Ngôi, khi mọi thành viên sống yêu thương, lắng nghe, phục vụ và hiệp nhất: “Trong sứ điệp của Tin Mừng và trong mọi hình thức truyền giáo của Kitô giáo, người ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này giữa chúng ta mà Chúa Giêsu kêu gọi, bước theo sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: người ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này. Vẻ đẹp của Tin mừng - sự hiệp nhất - đòi hỏi phải được sống và được chứng kiến ​​trong sự hiệp nhất giữa chúng ta, những người rất đa dạng!” (ĐGH Phanxicô, Kinh Truyền tin, Quảng trường Thánh Phêrô, Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, 30 tháng 5 năm 2021).

Tình yêu là ngôn ngữ vượt tôn giáo. Nhưng nơi một Kitô hữu, tình yêu ấy có nguồn gốc – chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ mạng của mỗi người Kitô hữu: phản chiếu tình yêu Ba Ngôi bằng đời sống bác ái, tha thứ, hiệp thông. Giữa nhịp sống hiện đại và đôi khi khô khan, tình yêu của Ba Ngôi vẫn âm thầm hiện diện qua những hành động lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa.

Khi thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa nghiêm ngặt giữa đại dịch COVID-19, các nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá đã tình nguyện tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến và khu cách ly. Dù đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, các nữ tu đã dành thời gian chăm sóc bệnh nhân, cung cấp thực phẩm, nước uống, và hỗ trợ tinh thần cho những người đang tuyệt vọng. Một nữ tu chia sẻ: “Chúng tôi cảm nhận Chúa Thánh Thần thúc đẩy, ban sức mạnh để chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi, mang tình yêu Chúa đến với những người đau khổ.” Hành động này không chỉ giúp hàng trăm bệnh nhân được an ủi mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, lan tỏa niềm hy vọng giữa khủng hoảng. (Nguồn: bài viết “Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và sứ vụ giữa đại dịch COVID-19”, trang web tgpsaigon.net, ngày 15/09/2021).

Một linh mục dòng Tên kể lại rằng: trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, tại một giáo xứ ở Đồng Nai, một bác sĩ trẻ – không phải là người Công giáo – đã tình nguyện túc trực ở khu cách ly suốt hơn 3 tuần, không về nhà. Khi được hỏi lý do, anh trả lời: “Con thấy cha nhà thờ mỗi ngày vẫn vào khu F0 làm phép xức dầu cho bệnh nhân, nên con nghĩ: nếu một người tu hành dám liều mình vì đức tin, thì con cũng phải sống yêu thương và phục vụ như vậy.”

Là người cha trong gia đình, bạn phản chiếu tình yêu của Chúa Cha. Là người con biết vâng phục và yêu thương, bạn sống như Chúa Con. Là người biết nâng đỡ và hiệp nhất mọi người, bạn làm việc cùng Chúa Thánh Thần.

Cuối cùng, mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là để suy gẫm một cách trừu tượng, mà là để sống: sống trong ơn gọi làm con cái Chúa, sống hiệp thông với Hội Thánh, sống yêu thương và phục vụ người khác.

Mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá và đọc: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”, hãy nhớ rằng chúng ta đang bước vào trong vòng tay của một tình yêu – khởi đi từ muôn đời, đi qua Đức Giêsu, và được đổ tràn trong Thánh Thần – để rồi trở lại và biến đổi chính cuộc sống thường ngày của ta.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

KHÔNG CÓ LUẬT TRỪ

Thứ Bảy Tuần 10 Thường Niên C

"Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ!”.

“Sự trung thực là chương đầu tiên trong cuốn sách trí tuệ!” – Thomas Jefferson.

Kính thưa Anh Chị em,

Không ít Kitô hữu cho rằng, ngày nay, giới răn thứ Tám “Chớ làm chứng dối” không còn ràng buộc. Tin Mừng hôm nay cho biết – nó vẫn ràng buộc – với Chúa Giêsu, ‘không có luật trừ’ nào trong giới răn này; Ngài nói, “‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không!’”. Bởi lẽ “Sự trung thực là chương đầu tiên trong cuốn sách trí tuệ!”.

Nền tảng của giới răn thứ Tám chính là ‘phẩm giá con người’ vốn là hình ảnh Thiên Chúa, Ðấng tốt lành chân thật. Vì thế, tính cách căn bản nhất của nó là chân chính, tốt lành như Thiên Chúa, Đấng tạo thành nó. Với Ngài, không có ‘cách quãng’ giữa lời nói và việc làm; Cựu Ước cho biết, Thiên Chúa là Đấng giữ lời đã hứa. Cũng thế, Chúa Giêsu đến trần gian, không chỉ nói, Ngài làm và sống những gì Ngài dạy. Vì vậy, đức tính thật thà – nhất là trong lời nói – phải là đức hạnh đầu tiên của các Kitô hữu, con cái Ngài!

Điều răn thứ Tám kêu gọi chúng ta trở thành những con người trung thực và chính trực trong mọi hoạt động hàng ngày. Chúng ta không cần phải nhân danh Chúa mà thề thốt điều này, điều kia; cũng không cần cảm thấy nên thuyết phục người khác rằng, chúng ta đang nói thật trong tình huống này, tình huống nọ. Thay vào đó, nếu là người trung thực và chính trực, lời của chúng ta ‘tự nó’ sẽ đủ uy tín để thuyết phục người khác; và điều chúng ta nói sẽ đúng đắn, chỉ vì ‘chúng ta đã nói!’. “Chính trực là nói sự thật với chính mình; trung thực là nói sự thật với người khác!” – Spencer Johnson.

Chắc chắn, có một số lời thề mang tính trang trọng như lời thề hôn nhân hoặc khấn hứa. Đúng thế, một số Bí tích có một vài hình thức khấn hứa long trọng; tuy nhiên, bản chất của những lời này vẫn là một sự ‘thể hiện đức tin công khai’ hơn là để giữ cho người đó có trách nhiệm với lời khấn, lời thề. Những lời thề hoặc khấn hứa này – một lần nữa – tái khẳng định họ thuộc về Chúa Kitô và hoàn toàn thuộc về Ngài. “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới!” – bài đọc một. Mà với Đức Kitô, mọi sự đều là “có”; nơi Ngài, không thể vừa ‘có’ lại vừa ‘không!’, ‘không có luật trừ!’.

Anh Chị em,

“‘Có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không!”. Bạn và tôi hãy ghi khắc, nói sự thật và làm người của sự thật là cách thức loan báo Tin Mừng mạnh mẽ nhất. Hãy cam kết và Chúa sẽ làm những điều tuyệt vời thông qua những gì bạn nói, và tha nhân sẽ được hưởng nhờ khi họ ngày càng tin tưởng bạn hơn. “Hãy học cách gọi trắng là trắng, đen là đen, ác là ác và tốt là tốt. Học cách gọi tội lỗi là tội lỗi, và không gọi đó là sự ‘giải thoát và tiến bộ’ cả khi mọi thời trang và tuyên truyền đều chống lại nó. Đó là nền tảng sự hiệp nhất của vợ chồng và của gia đình, đó là sức mạnh của xã hội!” – Gioan Phaolô II.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con u mê khi thêm thắt điều điều kia; và như thế, con sẽ không thuyết phục được ai!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories