3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Chúa đến mang lại niềm vui và hạnh phúc

Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm C

Có người cho rằng Chúa Giê-su đến trần gian chỉ nhằm cứu rỗi phần hồn con người; còn phần xác thì chẳng đáng bận tâm.

Thật ra không phải thế, vì ngoài việc loan Tin Mừng và tự hiến đời mình cứu độ nhân loại, cho họ được hưởng hạnh phúc đời sau, Chúa Giê-su còn thiết tha đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người ngay trên cõi đời nầy nữa.

Sự kiện xảy ra tại tiệc cưới Ca-na chứng tỏ điều đó.

Hôm ấy, Chúa Giê-su đến tham dự tiệc cưới tại Ca-na cốt để đem lại niềm vui cho cô dâu chú rể và chúc lành cho họ được trăm năm hạnh phúc. Chúa Giê-su xem đây là điều quan trọng nên Ngài không chỉ tham dự một mình mà cùng đi với Mẹ Maria và các môn đệ để cho niềm vui của đôi hôn nhân được tăng lên.

Thế rồi, đang giữa tiệc vui bỗng hết rượu. Đây là chuyện không may và ngày vui của đôi tân hôn có nguy cơ trở thành ngày rầu rĩ vì cô dâu chú rể sẽ bị gièm pha trách móc, tiệc cưới sẽ để lại ấn tượng đáng buồn trong lòng khách dự tiệc.

Trước tình thế đó, Mẹ Maria tìm đến với Chúa Giê-su để xin Ngài cứu vãn. Thế là mặc dù “giờ của Ngài” chưa đến (Ga 2,4), Chúa Giê-su cũng đã thực hiện phép lạ đầu tay, hoá nước thành rượu ngon với số lượng dư dật để đem lại niềm vui cho mọi người.

Sự việc nầy cho thấy hạnh phúc của con người là mục tiêu quan trọng mà Chúa Giê-su nhắm tới. Sau nầy, Chúa Giê-su thực hiện nhiều phép lạ khác cũng không ngoài mục tiêu đó.

Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người goá phụ Na-in nên Chúa Giê-su đã cho con trai bà đã chết được sống lại, dù bà chưa ngỏ lời van xin (Lc 7,11-17).

Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho hai chị em Mác-ta và Maria ở Bê-ta-ni-a đang sầu thảm vì mất em, Chúa Giê-su đã truyền cho La-da-rô chết chôn trong mồ được sống lại. Nhờ đó, cả gia đình được chan hoà niềm vui (Ga 11, 32-43).

Cũng vì muốn đem lại niềm vui cho hai môn đệ Em-mau đang sống trong ưu phiền thất vọng, Chúa Giê-su phục sinh đã hiện ra, cùng đồng hành với các ông, đem lời kinh thánh sưởi ấm tâm hồn sầu muộn của các ông (Lc 24, 32).

Và rất nhiều phép lạ khác Chúa Giê-su đã thực hiện như cho người mù được xem thấy, cho người điếc được nghe, người què đi được, người phong hủi được sạch, người câm được nói, cho người đói được ăn, cho người nghèo được nghe Tin Mừng… cũng đều nhằm đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.

Hơn nữa, Chúa Giê-su không muốn đem lại cho người đời một niềm vui chóng qua, một thứ hạnh phúc mau tàn, nhưng là một thứ hạnh phúc vững bền đặt nền trên tình yêu thương huynh đệ.

Biết rằng con người sẽ luôn luôn bất hạnh nếu thiếu vắng tình thương, rằng tình thương là yếu tố cốt thiết đem lại niềm vui và hạnh phúc cho muôn người, nên Chúa Giê-su không ngừng kêu gọi mọi người hãy yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Gioan 13, 34).

Ngài cũng báo trước cho mọi người biết rằng hạnh phúc đời đời trên thiên quốc chỉ dành riêng cho những ai yêu thương phục vụ người khác, đồng thời cảnh báo rằng khổ hình đời đời trong hỏa ngục là hậu quả phải đến cho những kẻ không sẵn sàng cứu giúp những người khốn khổ quanh mình (Mát-thêu 25, 31-46).

Như thế, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người chung quanh không còn là chuyện nhỏ nhưng là một quan tâm hàng đầu của Chúa Giê-su.

Lạy Chúa Giê-su,

Là Ki-tô hữu, là cánh tay nối dài của Chúa, chúng con được mời gọi tiếp tay với Chúa để vun đắp niềm vui và mang lại hạnh phúc cho những người đang sống quanh chúng con. Xin cho chúng con trở thành sứ giả của niềm vui và hạnh phúc mà Chúa gửi đến cho tha nhân, để qua chúng con, lòng thương xót của Chúa trải rộng trên tất cả mọi người. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

HẠNH PHÚC CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO – NHỜ ĐÂU?

Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm C

Từ ngàn xưa, trong quan niệm của dân Chúa, Đức Chúa mà họ tôn thờ phải là Đấng cao cả vô song, Đấng mà con người không thể đến gần, không thể diện đối diện, không thể sống sót nếu Ngài không cho phép.

  1. Chúa Giêsu, hình tượng Thiên Chúa giữa loài người.

Từ ngàn xưa, con người chỉ có thể nhìn thấy Thiên Chúa từ phía sau, bởi: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống”. Hoặc uy quyền dữ dội của Thiên Chúa có thể nhận thấy ngay trước mắt: “Ông Utda giơ tay ra về phía Hòm Bia Thiên Chúa và giữ lại, vì bò trượt chân. Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với ông Utda, và Thiên Chúa đánh phạt ông tại chỗ vì lầm lỗi đó. Ông chết tại đó, bên Hòm Bia Thiên Chúa” (2Sm 6, 6).

Vậy mà hôm nay, Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa đại diện cho Thiên Chúa, lại có thể đến và tham dự ở một đám cưới. Đó là hình ảnh vô cùng mới mẻ, xem ra có phần táo bạo.

Tuy nhiên, đó cũng là một diễn tả mới mẻ về vẻ đẹp của tình yêu mà Thiên Chúa trao tặng loài người: Thiên Chúa chấp nhận đồng hóa mình với loài người. Qua sự hiện diện đầy gần gũi, một sự hiện diện bất chấp mọi ràng buộc, bất chấp mọi ranh giới, Thiên Chúa cho thấy, Ngài là Đấng không hề xa cách nhưng dấn thân nơi mọi biến cố vui buồn của cuộc sống. Vì tình yêu xóa mọi khoảng cách ấy, qua đám cưới làng Cana, Thiên Chúa nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài chính thức ban phúc lành và thánh hóa mọi mối dây hôn nhân của loài người.

Với hình ảnh Chúa Giêsu hiện diện giữa loài người, Thiên Chúa thực sự bước vào đời sống trần thế. Thiên Chúa trở nên gần gũi và cảm thông cho thân phận mỏng giòn của chúng ta. Thiên Chúa không vô cảm đứng bên ngoài quan sát, nhưng đã nên một trong chúng ta.

  1. Người Nữ bảo vệ hôn nhân Công giáo.

Tôi biết Ông Bà Cố từ lâu lắm. Ông Bà nay đã tám mươi và ngoài tám mươi. Ông Bà có năm người con, thì người con cả và con út đã là linh mục. Vì hoàn cảnh, ba người con còn lại đều ở riêng. Dù đông con, Ông Bà trở nên côi cút trong căn nhà của mình.

Chỉ có các giờ lễ, giờ kinh nguyện làm niềm vui của tuổi già. Nơi Ông Bà làm góc cầu nguyện, luôn luôn có tượng Đức Mẹ Phatima. Trong các giờ kinh nguyện, không thể thiếu việc lần chuỗi Mân côi và bên cạnh tượng Đức Mẹ là cây nến sáng lung linh.

Khi còn khỏe, Ông Bà phải lặn lội, bươn chải, buôn bán ở chợ để có thể nuôi các con ăn học, vì thế cũng chẳng có nhiều thời gian bên cạnh các con. Đàng khác, Ông Bà không phải là người có nhiều kiến thức, chắc chắn việc giáo dục các con cũng không thể tròn trịa, đầy đặn.

Nhưng cho đến hiện tại, các con của Ông Bà đều thành nhân, thành thân. Trong những lần thăm và chuyện trò, tôi thấy nơi Ông Bà toát lên niềm hạnh phúc của hoàng hôn đời người.

Vì đâu sự thành công đến với Ông Bà và gia đình Ông Bà? Hoàn toàn không hề do tiền của hay quyền thế ở đời này. Bởi Ông Bà hoàn toàn thiếu thốn những điều ấy.

Chắc chắn ngoài sự nỗ lực để sống trọn ơn gọi hôn nhân, sống trọn lề luật của Chúa và Hội Thánh, sống chuyên chăm không một phút giây lơ lỏng trong cầu nguyện, hình ảnh của Mẹ Thiên Chúa không bao giờ thiếu vắng.

Trong trình thuật của mình, thánh Gioan cho thấy Đức Mẹ chỉ nói có hai câu: “Họ hết rượu rồi” với Chúa Giêsu và “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo” với các gia nhân, nhưng là hai câu cần thiết vô cùng, quan trọng vô cùng, đúng thời điểm vô cùng.

Có thể nói mà không sợ nói ngoa rằng: Vì Đức Mẹ, bữa tiệc tiếp tục, niềm vui tiếp tục, hạnh phúc của lứa đôi tiếp tục.

Quan trọng trên hết mọi điều quan trọng: Vì Đức Mẹ, phúc lành của Chúa trên đời sống hôn nhân càng chan chứa, càng tràn đầy. Phúc lành đó không dừng cho ngôi nhà và đôi tân hôn của làng Cana ngày ấy rồi thôi, nhưng tiếp tục sống và triển nở trong mọi hôn nhân, mọi ngôi nhà qua mọi thời đại, nếu mọi con người trong từng ngôi nhà, từng mối dây hôn nhân biết trân trọng, biết giữ gìn.

Mặt khác, thánh ý Chúa muốn ngày thành lập BÍ TÍCH HÔN NHÂN có sự hiện diện và chuyển cầu của Đức Mẹ, càng cho thấy chỗ đứng của Đức Mẹ trong đời hôn nhân và gia đình của nhân loại: CHÚA ĐẶT ĐỨC MẸ LÀM NGƯỜI GÌN GIỮ VÀ BẢO VỆ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.

Chúa biết không gia đình nào là không đối diện cùng thử thách. Chúa biết, thánh giá mà gia đình của Chúa xưa phải chấp nhận, cũng sẽ là thánh giá của mọi gia đình. Vì thế, Chúa đặt Đức Mẹ làm bổn mạng của mọi gia đình.

Hãy luôn níu lấy Đức Mẹ. Hãy để Đức Mẹ giáo dục, hãy theo học ngôi trường của Đức Mẹ, hãy ghi nhớ luôn luôn lời Đức Mẹ dạy: “Người bảo gì, thì phải làm theo”, nhờ đó, gia đình sẽ luôn thấm đẫm tình yêu của Chúa và tràn ngập lòng thương yêu dành cho nhau.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

MỘT SỨ ĐIỆP ĐƯỢC BAN TRÊN MỘT DÒNG SÔNG

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C

Đó là SỨ ĐIỆP VỀ ƠN HIỆP THÔNG TRONG BÍ TÍCH RỬA TỘI. Và con sông ấy chính là sông của đức tin, sông của tình yêu nguồn khởi đi từ Thiên Chúa, sông của ơn cứu độ, sông chảy dọc quê hương Dothái, đồng thời cũng là dòng sông chảy dọc lịch sử bất chấp Cựu hay Tân ước: sông Giodan.

Sứ điệp trên dòng sông còn cho ta những hiểu biết về một giá trị cao cả: hiệp thông để được sống. Đó không là một sứ điệp thông thường do Đức Thánh Cha ban hành. Nhưng chính Chúa Giêsu trực tiếp ban hành bằng hành động nơi chính bản thân mình, khi nhận phép rửa của thánh Gioan trên dòng sông Giodan, đó là ơn hiệp thông hoàn hảo: Hiệp thông với con người và hiệp thông với Thiên Chúa. Qua bài Tin Mừng hôm nay, ta biết điều đó.

Hiểu rằng hiệp thông để được sống, ta nhận ra bí tích rửa tội là cả một kho tàng được làm quà tặng quý giá, Chúa Kitô để lại cho Hội Thánh, và Hội Thánh tiếp tục tặng ban cho từng người.

  1. HIỆP THÔNG VỚI CON NGƯỜI.

Phép rửa của thánh Gioan là phép rửa “tẩy giả”, nghĩa là phép rửa mời gọi mọi người sám hối, và bất cứ ai tỏ lòng sám hối, đều có thể cùng đến để nhận phép rửa từ tay thánh Gioan.

Chúa Kitô không là tội nhân, không là người cần đến phép rửa của thánh Gioan. Còn hơn thế, vì nếu phép rửa của thánh Gioan chỉ mới “tẩy giả”, thì chính Chúa mới thật là Đấng sáng lập bí tích rửa tội để tha tội thật, để bất cứ ai lãnh nhận bí tích ấy, đều có được mọi quyền lợi của một Kitô hữu.

Chưa hết, chính thánh Gioan từng khẳng định vai trò quan trọng của Chúa Kitô: “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.

Cao trọng là thế, Chúa vẫn hạ mình xuống. Trên bờ sông Giodan, Chúa vẫn xếp hàng cùng dân tộc của mình. Bằng cách ấy, Chúa tự mình đứng chung hàng với tội nhân, để rồi tiếp tục chấp nhận dìm mình xuống cùng một dòng nước với họ. Chúa trở nên khiêm hạ và mất hút trong đám đông.

Có ai ngờ Đấng vô tội lại tỏ lòng sám hối; Đấng xóa tội trần gian lại cúi mình trước một con người để xin phép rửa; Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần lại xin được chịu phép rửa sám hối trong nước; Đấng có quyền tha thứ lại thực hiện hành vi của người cần được tha thứ.

Qua tất cả những hành vi đó, Chúa dạy ta bài học của sự hiệp thông. Chính trong phép rửa, Thiên Chúa nghiêng mình xuống để hiệp thông với con người. Còn hơn như vậy, Chúa hiệp thông hoàn toàn với kẻ tội lỗi. Chúa trở thành một người anh em giữa mọi người.

Bởi thế, phép rửa mà ta lãnh nhận hôm nay cũng sẽ làm cho ta hiệp thông với anh em mình, với những người chia sẻ cùng một đức tin, làm thành Hội Thánh, thân mình của Chúa Kitô.

  1. HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA.

Nhưng sứ điệp hiệp thônG chưa dừng ở đó. Nó còn cho biết một danh dự vô cùng, danh dự cả thể mà Thiên Chúa ban tặng loài người: Họ được sống trong sự sống của Thiên Chúa. Đây mới là ơn hiệp thông hoàn hảo mà bí tích rửa tội mang lại cho ta.

Hiệp thông với Thiên Chúa đến nỗi được sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa, để như Chúa Kitô, được làm con Thiên Chúa, cùng thừa hưởng gia nghiệp nơi chính Người Con. Nghĩa là con người phải nhờ Chúa Kitô mới có được giá trị lớn lao.

Chúa Kitô đã mạc khải điều đó sau khi bước lên từ dòng nước Giodan: Một cảnh tượng huy hoàng chưa từng có, một khoảnh khắc vinh hiển đã làm cho Chúa Kitô, một con người tưởng như tầm thường ấy, lại quá sức rực rỡ và diệu kỳ: “Trời mở ra, Thánh Thần Chúa dưới hình chim bồ câu, ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con’”.

Chính trong phép rửa, Chúa Giêsu hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là sự hiệp thông Ba Ngôi, một sự hiệp thông hoàn hảo mà Thiên Chúa dành cho những ai thuộc về Ngài. Hoàn hảo cho đến mức, từ nay, người lãnh nhận, được Chúa thông ban chính sự sống của Ngài.

Đó là sự sống đã được trao ban cho Chúa Kitô từ nơi Chúa Cha nhờ Chúa thánh Thần. Và Chúa Kitô, một khi lập bí tích rửa tội theo ý Thiên Chúa, thông ban chính sự sống ấy cho chúng ta. Vì lẽ đó, thánh Phaolô không ngần ngại nói rằng: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Ai thuộc về Thiên Chúa, người đó có Chúa Kitô, đúng như danh xưng mà họ được diễm phúc khoát vào: “Kitô hữu”. Và bất cứ ai được chìm trong sự sống của Chúa Kitô, được mang lấy Chúa Kitô trong tâm hồn, người đó sống trong sự sống của Thiên Chúa, sự sống mà chính Chúa Kitô sống.

Nói như thế hơi khó hiểu. Ta có thể hiểu một cách nôm na thế này: Nếu một ngày nào ta phải sống xa người mẹ của mình. Sự xa cách ấy làm ta da diết nhớ. Hình ảnh người mẹ nơi quê nhà cứ hiện rõ mồn một trong từng nếp nghĩ, từng lời nói, từng sinh hoạt hàng ngày của ta… Càng nhớ bao nhiêu, ta càng sống theo ý muốn, theo lời răn dạy, ngay cả những gì mà bà đã từng làm, đã từng nói… bấy nhiêu.

Cũng có lúc, những hành động của ta, vì sự thương mến ấy, hình như rập khuôn theo những hành động mà bà đã từng thực hiện. Có thể nói, dù xa mẹ nhưng người mẹ ấy vẫn sống trong sự sống của ta, và ta cũng chìm vào trong tất cả nếp sống của bà.

Chỉ là cách hiểu nôm na, nhưng một ví dụ như thế có thể giúp ta áp dụng để sống Lời Chúa trong cuộc sống của mình: Chỉ có một cách duy nhất giúp ta sống bí tích rửa tội để được hiệp thông với Thiên Chúa là mang lấy tâm tư của Chúa Kitô.

Nghĩa là mỗi người hãy yêu mến Chúa Kitô nhiều hơn nữa, để nhờ lòng yêu mến, ta sẽ sống như Chúa Kitô dạy, như Chúa Kitô hành động, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người như Chúa Kitô yêu.

Tắt một lời: sống như Chúa Kitô đã sống.

Vì Chúa Kitô sống và hiệp thông hoàn hảo trong tình yêu Ba Ngôi, cũng vậy, bạn và tôi chỉ có thể hiệp thông để được sống chính sự sống của Ba Ngôi, khi bản thân mỗi người chỉ biết mang lấy tâm tư như đã có trong Chúa Kitô.

Sứ điệp về ơn hiệp thông được ban trên dòng sông Giodan là sứ điệp quang trọng, vì nơi đó, Chúa dạy ta bài học của sự hiệp thông trong bí tích rửa tội: Hiệp thông với con người để yêu thương con người hơn. Và hiệp thông với Thiên Chúa để được nhận lãnh chính sự sống của Thiên Chúa và được sống trong sự sống ấy.

Có sống ơn hiệp thông hoàn hảo như thế, mới chứng tỏ rằng, ta sống hoàn hảo bí tích rửa tội.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

KHÔNG DO DỰ

Thứ Bảy Tuần 1 Thường Niên C

“Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Khi Abraham Lincoln chuẩn bị ký Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ, ông cầm bút, di chuyển đến dòng chữ ký, dừng lại một lúc rồi thả bút xuống, đi đi lại lại. Khi được hỏi tại sao, tổng thống trả lời, “Nếu tên tôi đi vào lịch sử, thì đó sẽ là vì đạo luật này; và nếu tay tôi run khi ký, sẽ có người nói rằng ‘ông ấy đã do dự!’”. Sau đó, quay lại, Lincoln cầm bút và mạnh dạn ký tên mình.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu Lincoln do dự khi ký vào bản tuyên ngôn thì Lêvi – trong Tin Mừng hôm nay – đã ‘không do dự’ khi ký thác cả cuộc đời của mình vào tay Chúa Giêsu – người gọi ông, “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi đang ngồi ở đó. Người bảo ông, “Anh hãy theo tôi!”. Ông đứng dậy đi theo Người!”.

Khi cảm thấy một điều gì đó giá trị hơn, người ta dễ rời công việc cũ. Lêvi rời công việc cũ để bắt đầu một công việc mới. Trước đó, Lêvi ‘mê tiền’, nay ‘mê Chúa’. Những đồng xu La Mã có thể đã rơi từ tay anh; hoặc có thể, anh đã nuốt một ngụm nước bọt, nhanh chóng chỉnh lại chiếc áo, rồi ‘không do dự’, loạng choạng bước theo đám bụi mờ bởi đôi dép của con người ấy đập xuống mặt đường khô khốc! Từ đó, cuộc đời Lêvi đổi thay, anh trở thành Matthêu – một người bạn, một môn đệ, một tông đồ của Chúa Giêsu!

Chúa Kitô đi qua mọi cuộc đời và mọi người đều có cơ hội nói ‘có hoặc không’, ‘ở lại hoặc đi theo’, ‘thay đổi hoặc giữ nguyên trạng’; khoảnh khắc ấy có thể chỉ đến một lần! Khoảnh khắc ấy được Caravaggio vẽ lại như một thước phim quay chậm. Một trục ánh sáng xuyên qua căn phòng; ngón tay xương xẩu của Chúa Giêsu chỉ vào một ‘quý ông’ bảnh trai đang ‘với tay trên đống tiền’. Khung cảnh diễn ra trong một phòng nhá nhem. ‘Ánh sáng và bóng tối nô đùa’; ‘tội lỗi và đức hạnh ẩu đả’; ‘quá khứ và tương lai bỡn nhả’. Rồi sẽ ra sao? Nào ai biết! Nhưng Matthêu đã đáp lại người gọi anh, ‘ngặt nghèo nhưng hào hiệp’, ‘chóng vánh nhưng yêu thương’, ‘liều lĩnh nhưng tín thác!’. Để rồi anh được nhớ đến mỗi khi Tin Mừng thứ nhất được đọc chỉ vì khoảnh khắc ‘không do dự’ ấy!

Từ đó, Matthêu miệt mài suy ngẫm, chiêm ngắm, ghi ghi, chép chép về vị Thầy của mình. Matthêu đã cống hiến những gì tự tay mình viết ra, góp phần làm nên Tin Mừng – “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” – bài đọc một; vì lẽ “Lời Chúa là thần khí và là sự sống!’ – Thánh Vịnh đáp ca. Nhờ đó, con người thuộc mọi thời biết Chúa Giêsu, được kêu gọi “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần!” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Ông đứng dậy đi theo Người!”. Chúa gọi bạn và tôi. Khoảnh khắc ấy không chỉ xảy ra một lần, nhưng có thể từng ngày, từng giờ, trong từng biến cố. Dầu muốn hay không muốn, khoảnh khắc ấy cũng sẽ xảy ra, hoặc đã xảy ra; chỉ có điều, chúng ta không nhận biết! Với trái tim của người Thầy; đúng hơn, của một người yêu, Chúa Giêsu vẫn đang đợi chờ, khát khao giây phút ấy sớm xảy đến, hầu chúng ta không còn loạng choạng ‘trong hiện trạng đáng thương’ của mình nhưng có thể mạnh mẽ bước đi ‘không do dự’ để trở nên con người mới, một con người mà Chúa muốn chúng ta trở thành.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì con ‘chóng vánh’ với những lần Chúa gọi, khi dám đứng lên, ‘không do dự’ đi tới một ‘chân trời mới’ – chân trời hoán cải, chân trời rao giảng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

LU MỜ ĐI

Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh C

“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”.

Schleiermacher – triết gia người Đức – nhân vật định hình sự tiến bộ của tư tưởng hiện đại. Một tối kia, ông lang thang một mình trong công viên; một cảnh sát đi tới, định đưa ông về đồn vì nghĩ rằng, ông là một gã say. Cảnh sát hỏi, “Ông là ai?”; Schleiermacher buồn buồn trả lời, “Ước gì tôi biết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Schleiermacher, cũng thế, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta không biết mình là ai, làm việc cho ai và phải trở thành ai? Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả không biết mình là ai, thầy mình là ai, họ ghen tuông khi Chúa Giêsu cũng làm phép rửa. Gioan bảo họ, “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”.

Sự khiêm nhường của Gioan là một bài học tuyệt vời, đặc biệt đối với những ai đang tích cực tham gia vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Quá thường xuyên khi chúng ta tham gia vào một số hoạt động tông đồ; và cùng lúc đó, “sứ vụ” của những người khác lại dường như đang phát triển nhanh hơn chúng ta. Bấy giờ, sự ghen tị có thể xuất hiện. Vậy mà, vai trò của chúng ta trong sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội Chúa Kitô là phải tìm cách hoàn thành ‘vai trò của mình và chỉ vai trò của mình’. Không bao giờ chúng ta cho phép mình cạnh tranh với những người khác trong Giáo Hội. Chúng ta cần biết khi nào phải hành động theo ý muốn của Chúa, và khi nào phải lùi lại – ‘lu mờ đi’ – để những người khác hoàn thành ý định của Ngài. Chúng ta phải làm theo ý muốn của Chúa, không hơn, không kém và không gì khác!

Vậy mà rất nhiều lần, trong sứ vụ tông đồ, chúng ta làm điều ngược lại, ‘Cần tôi lớn lên, Chúa và anh em tôi cần nhỏ lại!’. Cám dỗ tìm kiếm chính mình trong việc tông đồ, trong việc phục vụ Giáo Hội là một cám dỗ triền miên ở mọi thời, nơi bất cứ ai, thuộc bất cứ đấng bậc nào! Một số người chỉ cống hiến khi công việc mang lại cho họ danh dự, trọng vọng, uy tín hoặc nâng cao tầm quan trọng của bản thân. Chúng ta tuyên bố phục vụ Chúa Kitô, nhưng nếu địa vị bị tổn hại, uy tín bị chỉ trích; hoặc thấy ai đó kém khả năng đứng trên chúng ta về thứ hạng, thì trái tim chúng ta vỡ vụn; cam kết của chúng ta suy tàn. Vào những thời điểm đó, chớ gì chúng ta có thể vượt qua thử thách khi biết ‘lu mờ đi’ để có thể tìm lại niềm vui cho chính mình như Gioan đã nêu gương.

Anh Chị em,

“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”. Đề nghị của Gioan mời gọi mỗi người chúng ta ngày càng làm rỗng chính mình để Chúa Kitô có thể lớn lên, lấp đầy trái tim chúng ta bằng chính Ngài. Theo cách nói của Phaolô, “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”. Để đạt được điều này, chúng ta phải làm gì? Như Gioan, chúng ta ý thức mình chỉ là những “người bạn của chú rể, đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở”. Chỉ lúc đó, chúng ta mới có niềm vui, niềm vui đích thực. Tình yêu dành cho Chúa Kitô không phải là nỗ lực một sớm một chiều, nhưng như Gioan, nó là thành quả của nhiều năm cầu nguyện, chinh phục bản thân và trung thành với một cuộc sống hoán cải và biết ‘lu mờ đi’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thật xấu xí khi con ‘hơn thua’ trong việc tông đồ. Cho con biết nhỏ lại, ‘lu mờ đi’ để Chúa và anh chị em con được lớn lên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories