ĐÓN TIẾP CHÚA LÀ VIỆC CẦN THIẾT

Có những lúc, giữa bao bộn bề của cuộc sống, chúng ta chỉ muốn một phút ngồi xuống, thở chậm lại và tự hỏi: “Điều gì là quan trọng nhất trong đời tôi lúc này?” Chúa Giêsu trả lời: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,41-42). 

  1. Khi Thiên Chúa đến trong dáng vẻ người khách lạ

Trong một buổi trưa nắng gắt, “vào lúc nóng nực nhất trong ngày” (St 18: 1), ông Abraham đang ngồi nơi cửa lều thì bỗng thấy ba người lạ đứng gần. Ông không biết họ là ai, nhưng đã lập tức chạy ra đón, sụp mình lạy họ, khẩn khoản mời vào nhà: “xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài” (St 18: 3).

Không một chút do dự, ông vội vã vào lều bảo vợ lấy bột làm bánh, chọn con bê non mềm và ngon để làm thịt, rồi dọn sữa chua, sữa tươi đãi khách. Khi mọi sự đã sẵn sàng, ông “đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa” (St 18: 8). Một chủ nhà nhưng lại đứng hầu khách như đầy tớ.

Ông Abraham không ngờ rằng mình vừa tiếp đón chính Thiên Chúa cùng hai thiên thần. Chính từ cuộc viếng thăm ấy, một lời hứa vĩ đại được ban ra: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18: 10). Cuộc đời tưởng như đã khép lại của ông và vợ mình bỗng mở ra chương mới, mang tên Lời Hứa.

Thánh Gioan Kim khẩu suy niệm: “Thật tuyệt vời và đáng chú ý khi chúng ta tiếp đón với lòng thiện chí lớn lao bất cứ ai tình cờ đi ngang qua, ngay cả những người bị ruồng bỏ và những người vô giá trị. Chúa Kitô đã nói: Mỗi lần các ngươi làm điều đó cho một trong những người bé nhỏ nhất này, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy… Ở khắp mọi nơi, Chúa Kitô đều nói nhiều về những người nhỏ bé và tầm thường. Abraham cũng biết điều này, nên ông không hỏi những người đi ngang qua họ là ai và họ đến từ đâu, như chúng ta vẫn làm ngày nay; ông chỉ đơn giản chào đón tất cả những người qua đường. Vì nếu bạn muốn thể hiện lòng nhân từ, bạn không yêu cầu người khác cần phải có tiêu chuẩn gì, nhưng chỉ cần đáp ứng nhu cầu của họ” (Bàn về sự giàu có và nghèo đói, bản dịch: Catharine P. Roth, Crestwood, NY: SVS Press, 1984, 50-52). Bởi Thiên Chúa không chỉ đến trong ánh chớp hay gió lớn, mà còn đến trong hình dáng một người lạ xin nước uống ven đường.

  1. Mácta và Maria: phục vụ phải đi kèm lắng nghe

Đối chiếu với câu chuyện Ápraham là hình ảnh hai chị em Mácta và Maria (Lc 10: 38 - 42). Một lần khác, cũng là tiếp đón, nhưng phản ứng của hai người lại hoàn toàn khác.

Cô Mácta đón Chúa Giêsu vào nhà và lập tức “tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10: 40). Bếp núc, khăn bàn, dọn dẹp, tất cả đổ dồn lên cô. Trong khi đó, cô em Maria chỉ ngồi yên bên chân Chúa, lắng nghe Lời Ngài dạy. Sự trái ngược khiến Mácta không chịu nổi. Cô lên tiếng phàn nàn với Chúa: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10: 40).

Phản ứng của Chúa thật nhẹ nhàng mà cũng sâu xa: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10: 41 - 42).

Thánh Augustinô nhận định: “Không phải Chúa trách Mácta vì phục vụ, mà vì cô đã để công việc làm tâm hồn rối loạn. Maria được khen không phải vì lười biếng, mà vì đã biết lắng nghe trong thinh lặng” (Sermo 103, PL 38).

Cả Mácta và Abraham đều tiếp đón Chúa bằng hành động cụ thể: dọn bữa, phục vụ. Nhưng Maria đón Chúa bằng cách lắng nghe. Lắng nghe nơi chân Ngài, không để tiếng ồn ào nào che lấp được giọng nói yêu thương.

  1. Thánh Phaolô: đón Chúa trở thành mang lấy Chúa

Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê đưa việc “đón tiếp Chúa” đến một chiều sâu hơn nữa. Đó không chỉ là hành động, hay thậm chí là cầu nguyện, mà là một đời hiến dâng. Ngài viết: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Ngài là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Với Phaolô, tiếp đón Chúa là mang lấy thập giá của Ngài, mang lấy cuộc đời và sứ mạng của Ngài, như một người tôi tớ trung tín. Và mầu nhiệm ấy là “Chính Chúa Kitô đang ở giữa anh em” chính là “Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1: 27). Nơi Phaolô, ta thấy một người không chỉ đón nhận Chúa một lần, mà là mang lấy Chúa trọn đời, cả trong đau khổ, rao giảng, và hy sinh.

Thánh Giáo Hoàng Phaxicô nói: “Mọi sự đều phải được gác sang một bên khi Chúa Kitô đến thăm viếng chúng ta trong cuộc sống; sự hiện diện và lời Ngài phải được đặt lên trên hết mọi sự. Khi chúng ta thực sự tập trung lắng nghe Ngài, mây mù tan biến, nghi ngờ nhường chỗ cho chân lý, sợ hãi được thanh thản, và những tình huống khác nhau của cuộc sống được đặt đúng chỗ…Thái độ cầu nguyện của người tín hữu là ở trong sự hiện diện của Chúa để lắng nghe Ngài và hòa hợp với Ngài…là dừng lại vài phút trong ngày để tập trung vào sự thinh lặng, để dành chỗ cho Chúa…để ở lại một chút bên lề với Ngài, sau đó trở lại với những công việc hàng ngày với sự thanh thản và sức mạnh. Khi khen ngợi Maria đã chọn phần tốt hơn, Chúa Giêsu dường như lặp lại với mỗi người chúng ta: Đừng để mình bị choáng ngợp bởi những việc phải làm, nhưng trước hết và trên hết, hãy lắng nghe tiếng Chúa, để thực hiện đúng đắn những nhiệm vụ mà cuộc sống giao phó cho bạn” (Kinh truyền tin, quảng trường Thánh Phêrô, Chúa Nhật, 21 tháng 7 năm 2019).

  1. Một chuyện cần thiết mà thôi

Câu trả lời của Chúa Giêsu với Mácta: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10: 42), nghe thì đơn giản, nhưng đòi hỏi cả một đời chiêm nghiệm. Trong một thế giới ồn ào, vội vã, chúng ta thường giống Mácta hơn là Maria: luôn bận bịu, lo toan, băn khoăn điều này điều kia. Ngay cả khi làm việc tốt, như phục vụ người khác, ta cũng có thể quên mất lý do tại sao ta làm như vậy.

Lời Chúa nhắc nhở chúng ta phục vụ phải đi đôi với lắng nghe; hành động phải được nuôi dưỡng từ tương quan nội tâm với Thiên Chúa. Nếu không, phục vụ sẽ trở thành gánh nặng, sự bực tức, như Mácta đã cảm thấy. Và “chuyện cần thiết” ấy là gì? Là ở bên Chúa. Là để Chúa yêu ta. Là cho Ngài một chỗ nơi tâm hồn ta. Là mở cửa để Ngài bước vào.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết trong Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ - Gaudete et Exsultate: “Chúng ta không thể bỏ qua cầu nguyện thinh lặng lâu giờ vốn có thể giúp chúng ta nhận rõ hơn tiếng nói của Chúa, để hiểu ý nghĩa thực sự của những linh hứng mà chúng ta tin rằng mình đã tiếp nhận, để xoa dịu những lo âu và để tái tạo toàn thể cuộc sống của mình cách mới mẻ trong ánh sáng của Chúa.” (GE số 171)

  1. Những cụm sồi Mamrê hôm nay

Thế giới hôm nay vẫn có những cụm sồi Mamrê, nơi Chúa đến gõ cửa, không phải dưới hình ba người khách lạ, mà có thể là:

  • Một người nghèo xin ta giúp đỡ giữa trưa hè nắng gắt.
  • Một đứa con cần mẹ lắng nghe mà không bị gián đoạn bởi điện thoại.
  • Một người bạn gọi ta giữa lúc ta đang bận, chỉ để xin lời khuyên.

Đón tiếp Chúa không chỉ là tham dự Thánh lễ hay đọc kinh sáng tối, mà là sống với trái tim rộng mở, nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân.

Cha xứ của một giáo xứ ngoại thành Sài gòn kể chuyện: một ngày nọ, cha đang họp thì có một bà cụ lạ mặt già yếu gõ cửa xin ly nước. Ông giúp việc định từ chối, nhưng cha xứ động lòng thương, mời bà vào uống nước và nói chuyện. Qua chuyện trò, bà cho cha xứ biết bà từng là người phục vụ các sơ trong một nhà dòng. Nay bà già yếu, một mình, nương tựa người này người nọ, sống lây lất qua ngày. Cha xứ thấy tội nghiệp bà quá liền xin bà con trong xứ giúp bà vào ở trong nhà dành riêng cho các cụ ông cụ bà neo đơn trong xứ. Bà vào đó ở, được chăm sóc ăn uống và thuốc men, mãi cho đến khi bà chết lành, trong ơn nghĩa Chúa và bình an. Cha xứ kết luận: “Nếu hôm đó tôi quá để ý đến cuộc họp hơn là quan tâm đến một người khát nước, thì tôi đã bỏ lỡ chính Chúa rồi.”

Suy cho cùng, điều đẹp nhất không chỉ là đón Chúa vào nhà mình, mà là để Ngài cư ngụ nơi mình, rồi trở nên người mang Chúa đến cho người khác. Như Abraham, ta tiếp Chúa bằng lòng hiếu khách, rồi Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài. Như Maria, ta ngồi lắng nghe, rồi đem Lời Chúa gieo vào lòng người. Như Phaolô, ta mang lấy Chúa, để chia sẻ Ngài với Hội Thánh.

Từ đón tiếp  đến lắng nghe rồi mang lấy và rao giảng, đó là hành trình thiêng liêng của người môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Giữa những xô bồ của đời sống, Chúa vẫn đến với ta mỗi ngày: qua những tiếng gọi nhẹ nhàng, những khuôn mặt mệt mỏi, những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Câu hỏi là: Liệu ta có đang ở cửa lều như Abraham, sẵn sàng mở lòng? Hay ta đang tất bật như Mácta, đến mức chẳng còn giờ để lắng nghe Chúa nói? Hãy chọn phần tốt nhất. Hãy để mỗi căn nhà, trái tim, và công việc của bạn trở thành một cụm sồi Mamrê, nơi Thiên Chúa được tiếp đón, yêu mến, và ngự trị.

Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10: 42). Lạy Chúa, xin cho con biết chọn lắng nghe Lời Chúa, sống nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa, hôm nay và mãi mãi.

Phêrô Phạm Văn Trung