3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

KHU VƯỜN BÍ MẬT

“Ngài đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh!”.

“The Secret Garden”, “Khu Vườn Bí Mật”, cuốn sách của nữ văn sĩ Frances H. Burnett viết năm 1911, kể về một khu vườn bị khoá kín suốt 10 năm, cho đến khi Mary, một cô bé mồ côi ngang ngạnh, tình cờ có được chìa khoá. Cô bé đã đánh thức và hồi sinh khu vườn với tình yêu và sự chăm sóc. Khu vườn sống lại với những đổi thay của những đứa trẻ chung quanh Mary. Colin, một cậu trai èo uột chôn kín tuổi thơ, luôn nghĩ mình sắp chết; Dickon, một cậu bé chỉ kết thân với động vật. Nhờ khu vườn, Mary không còn là một tiểu thư trái khoáy; Colin rũ bỏ những tuyệt vọng để tuyên bố “sẽ sống mãi”. Khu vườn sáng bừng sức sống con trẻ bởi ‘tình yêu cuộc sống’ của chúng!

Kính thưa Anh Chị em,

Tương tự như thế, qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, một người câm điếc được Chúa Giêsu đưa vào một ‘khu vườn bí mật’ khác; ở đó, Ngài chữa lành anh. Marcô viết, Ngài ‘đem anh ta ra khỏi đám đông!’. Đó là một chi tiết khá bất ngờ, giàu ý nghĩa, đầy thú vị và không ít thời sự!

Tại sao Chúa Giêsu đưa người câm điếc ra khỏi đám đông? Phải chăng, Ngài muốn tránh xa ồn ào, Ngài muốn anh ở một mình với Ngài; Ngài muốn tỉ tê với anh trong thinh lặng và cô tịch. Ngài đưa anh vào ‘khu vườn bí mật’ có tên “Giêsu”, chính Ngài! Chính nơi cô tịch bên ngoài và trầm lắng bên trong ấy, tai anh nghe được “Lời Giêsu”, mắt anh thấy được “Ánh Sáng Giêsu”, miệng anh kêu được “Tên Giêsu”, và trái tim anh cảm nếm được “Tấm Lòng Giêsu”. Cũng thế, hơn bao giờ hết, dù muốn hay không muốn, trong những ngày hôm nay, Chúa Giêsu đang đưa mỗi người chúng ta đi vào ‘khu vườn bí mật’ của lòng mình là chính Ngài; Ngài muốn chúng ta tránh xa đám đông, tránh xa các hoạt động thường ngày; thậm chí tránh xa cả những người khác… để ở đó, Ngài cũng có thể thầm thì với chúng ta và chữa lành hồn xác mỗi người chúng ta.

Tin Mừng nói, Chúa Giêsu “đặt ngón tay vào tai người câm điếc và bôi nước miếng vào lưỡi anh”. Hôm nay, trong ‘khu vườn bí mật’ của mỗi người, Chúa Giêsu không chỉ đặt tay Ngài vào tai chúng ta, nhưng còn đặt tay Ngài vào tim của mỗi người; không chỉ muốn tai chúng ta được mở ra, Ngài còn muốn tim của chúng ta được nghe Lời Ngài, Lời cứu độ, Lời xót thương và Lời chữa lành. Trong khu vườn Giêsu, Ngài không chỉ muốn bôi nước miếng vào lưỡi chúng ta, nhưng còn muốn chúng ta uống chính Máu Ngài và được nuôi sống bằng chính Thịt Ngài. Những ngày hôm nay, khi không đến được nhà thờ, chớ gì mỗi người, mỗi gia đình chúng ta cũng có thể gặp gỡ Chúa Giêsu qua các giờ kinh sáng tối; ở đó, chúng ta lắng nghe Lời Chúa với một bản văn Thánh Kinh; và ở đó, chúng ta còn được rước Chúa thiêng liêng. Và như thế, Chúa Giêsu cũng có thể chạm vào tim và chữa lành linh hồn mỗi người từ ‘khu vườn bí mật’ của lòng mình, của gia đình mình!

Ở đó, Chúa Giêsu còn “ngước mặt lên trời”. Đúng, Ngài đang cầu xin Chúa Cha cho chúng ta; Ngài đang thổn thức, đang đau, đang thấp thỏm, bồn chồn với chúng ta. Rồi Ngài cũng thốt lên, “Effetha!”, “Hãy mở ra!”; Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha mở lòng chúng ta để đón nhận ân sủng của Ngài và mở ra với những nhu cầu của anh chị em chung quanh, những người đang đau khổ cần được giúp đỡ mà thánh Giacôbê nhắc đến qua thư ngài hôm nay. Chính trái tim, cốt lõi sâu thẳm của chúng ta, mà Chúa Giêsu muốn “mở ra”. Ngài là Lương Y Thiên Chúa sai đến, được Isaia báo trước qua bài đọc thứ nhất, “Bấy giờ mắt người mù sáng lên, và tai người điếc mở ra!”.

Anh Chị em,

Mỗi đôi tình nhân đều có những câu chuyện bí mật, nơi chốn bí mật; ở đó, họ tỏ tình cho nhau. Vậy, hãy trở về với khu vườn bí mật của lòng mình; Chúa Giêsu đang đợi, đang chờ để truyền sức sống thần linh của Ngài cho chúng ta. Ở đó, chúng ta sẽ cất lên, “Ca tụng chúa đi, hồn tôi hỡi!” như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nhắc nhở; ca tụng Chúa vì chúng ta là những người được Ngài cứu sống như cậu bé Colin tưởng mình sắp chết được hồi sinh trong câu chuyện của Burnett, như người câm điếc được chữa lành của Tin Mừng. Những ngày hôm nay, khi mọi người, giàu cũng như nghèo, quyền thế cũng như cùng đinh đang chới với giữa biển khơi, không biết bám vào đâu; thì chúng ta, con cái Chúa, những người may mắn, không chỉ được mặc một áo phao cứu sinh có tên “Giêsu”, nhưng còn được Ngài dìu vào một hải đảo có tên “Lòng Thương Xót”. Trong Ngài, chúng ta được che chở, nuôi sống. Vì thế, “Ca tụng chúa đi, hồn tôi hỡi!” là một điều phải lẽ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết trân quý những tuần sống ‘hiếm hoi’ trong ‘khu vườn bí mật’ lòng mình. Xin chữa lành con, để con có thể nghe và chuyển trao sứ điệp yêu thương của Chúa cho anh chị em con, ngay trong những ngày hôm nay”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

THANH TẨY TÂM HỒN TRƯỚC HẾT

Theo Kinh thánh thì án mạng đầu tiên xảy ra khi loài người mới có mặt trên trái đất nầy. Hung thủ là Ca-in và nạn nhân là A-ben, người em ruột thịt của anh. Tại sao Ca-in giết em?

Ca-in và A-ben là hai anh em ruột thịt hằng ngày vẫn vui đùa bên nhau, hoà thuận với nhau. Thế rồi, sau khi thu hoạch hoa màu, hai anh em cùng dâng lễ đầu mùa lên Thiên Chúa. Thiên Chúa nhận lễ vật của A-ben mà từ khước lễ vật của Ca-in.

Thế là từ đó, lòng ganh tị phát sinh trong lòng Ca-in, khiến Ca-in dụ em ra đồng và xông vào đánh chết người em.

Lòng ganh tị trong tâm hồn Ca-in là nguyên nhân chính xui khiến anh giết chết A-ben. 

Tương tự như thế,

– Chính vì lòng tham thúc đẩy nên mới sinh ra thảm cảnh cướp của giết người, tham ô, trộm cắp, buôn bán ma túy, sản xuất thực phẩm độc hại, buôn người và nhiều hình thức chiếm đoạt khác… Như thế, lòng tham trong thâm tâm con người là cội nguồn sinh ra rất nhiều tội ác khắp nơi. Nếu tâm hồn con người trong sạch, không chất chứa tham lam, không khao khát giàu sang, dư dật … thì người ta sẽ không gây ra những tội ác như trên.

Nếu các quốc gia không bị lòng tham xúi giục, không mưu toan chiếm đoạt lãnh thổ và tài nguyên nước khác để thu lợi cho mình … thì thế giới sẽ không có xung đột và chiến tranh.

– Chính vì lòng kiêu ngạo, muốn đặt mình lên địa vị cao, muốn thống trị người khác nên người ta mới đấu đá, giết hại nhau… để tranh giành chức quyền, thế lực, địa vị… Nếu có lòng khiêm tốn, bằng lòng với giới hạn của mình, người ta sẽ không làm hại người khác để củng cố địa vị, để tranh giành chức trọng quyền cao.

– Chính vì lòng tà dâm bùng lên trong lòng người mới phát sinh ra lạm dụng tính dục, ngoại tình, mua bán dâm và nhiều hình thức ăn chơi sa đọa tội lỗi khác lan tràn khắp địa cầu. Nếu người ta dập tắt mê muốn tà dâm trong lòng mình và kiềm chế dục vọng xác thịt, thì thế giới sẽ không có nhiều tệ nạn gian dâm như hôm nay…

Như thế, mọi thứ tội ác đều từ lòng người mà ra; đúng như lời Chúa Giê-su dạy: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 21-23).

 

Mầm mống tội lỗi rất đáng sợ

Tham lam, kiêu căng, ganh tị, tà dâm… là những mầm mống tội lỗi ẩn sâu trong lòng người, chúng tuy vô hình, nhưng có quyền lực vô song; hầu như tất cả mọi người xưa nay trên thế giới, ngay cả những anh hùng kiệt xuất, những ông vua đầy quyền lực, những nhân vật xuất chúng… đều bị chúng xui khiến, chỉ đạo, lèo lái… Chúng xui khiến người ta hành động y như người giật giây đứng sau bức màn, điều khiển mọi hoạt động của những con rối nước.

 

Điều đáng sợ là mầm mống tội lỗi thì vô hình vô dạng nên rất khó nhận diện và truy tìm ra chúng và vì không thấy nên người ta không quan tâm, bỏ mặc chúng hủy diệt tâm hồn.

Mầm mống tội lỗi không phải là khối u nằm trong thân xác gây đau đớn khó chịu nên người ta không quan tâm và không tìm cách loại bỏ chúng.

Do đó, những mầm mống, những cội rễ của tội lỗi… sẽ mãi mãi thống trị loài người, xui khiến, xô đẩy bao người lâm vào thảm cảnh chiến tranh, chém giết, cướp đoạt, gian dâm và muôn vàn hình thức tội lỗi khác.

Vì vậy, việc thanh tẩy tâm hồn, gạn sạch lòng mình khỏi tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ganh tị, tà dâm… là việc quan trọng hàng đầu mà mỗi người phải quyết tâm thực hiện.

 

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con mỗi ngày biết dành thời gian thinh lặng để nhìn sâu vào tận đáy lòng mình; nhờ đó, chúng con có thể phát hiện ra những ham muốn xấu xa đang đâm rễ trong đó.

Xin giúp chúng con kiên quyết nhổ bỏ chúng ngay từ hôm nay, để khỏi bị chúng điều khiển, chi phối và làm cho đời chúng con ra ô uế. Amen.

 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Lương Thực Của Người Khôn

Ở đời ai cũng cho mình là khôn. Không ai muốn bị người khác bảo mình là dại dột. Ai cũng cho mình là hay, là hơn, là nhất, và cái gì của mình cũng hay, cũng hơn, cũng nhất. Không ai muốn thua ai đến nỗi chỉ giữa hai người mà người ta cũng dùng phép so sánh nhất: “Nhà tôi với nhà chị thì nhà tôi giàu nhất”, “Con tôi với con chị thì con tôi học giỏi nhất”. Thậm chí ngay trong gia đình, vợ giành khôn hơn chồng, chồng giành khôn hơn vợ. Ai cũng giành cái khôn nhất cho mình, khôn từ kiến thức, kinh nghiệm, đến lời ăn tiếng nói, đến cả cách ăn cách mặc, cách ứng xử, cách kiếm sống, cách hưởng thụ tiêu khiển, cách ăn chơi.

Cuộc đời trần gian như một cuộc lữ hành. Con người cho mình là khôn và tự sức mình đi tìm hạnh phúc, đi tìm đất sống. Cuối cùng là khi chưa tìm được hạnh phúc, chưa tìm được đất sống và cũng không muốn tìm đất để chết, cũng đã phải chết và trở về lòng đất, nơi mà có thể cả đời mình chưa hề bận tâm tới. Một cuộc lữ hành gần như vô định hướng.

Biết bao người “tự cho mình là khôn” đang nhan nhản giữa chúng ta, và có khi cả chính chúng ta nữa, những người Công Giáo. Mấy chục năm nay, thêm một khẳng định trơ trẽn mà người ta vẫn cho như là chân lý của người khôn thời đại vô thần rằng: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Không thấy có chút khái niệm nào về sự hiện diện của Thiên Chúa và sức mạnh của thần linh trong suy nghĩ của người vô thần. Đến khi biết được “bàn tay ta” cũng có hồi bại liệt, “sức người” cạn kiệt thì mới vỡ lẽ ra hết đời, rồi liều mình tuyến bố “chết là hết”. Ôi, thật là tệ hại cho cái túi khôn của con người kiêu ngạo, như “con chim hay nói, nó nói tào lao, không có đứa nào, dạy cho tao nói”.

Với các Kitô Hữu Công Giáo, thiết tưởng phải ý thức rất rõ về sự hiện diện của mình trên trần gian nhờ và trong thánh ý của Thiên Chúa, phải ý thức về sự mỏng dòn của đời người để biết tìm một nơi nương tựa vững chắc là Thiên Chúa, phải ý thức rất chuẩn về cùng đích của cuộc đời là được sinh ra bởi Tình Yêu và sẽ trở về với Tình Yêu của Thiên Chúa… Vì thế, cuộc đời là một cuộc hành hương. Hành hương đi tìm đất sống, tìm hạnh phúc thật, hạnh phúc vô biên.

Cuộc hành hương ấy là cuộc lữ hành ý nghĩa, có địa chỉ, có định hướng, có niềm hy vọng, có mục đích. Ý nghĩa cuộc đời không phải là sự chết của thân xác hay hư nát, nhưng chính là sự sống và sự sống lại của thân xác cần phải hư nát.

Người đi trong cuộc lữ hành cần ăn để có sức đi. Nhưng tiếc là, đến một lúc chắc chắn rằng con người không còn sức để ăn nữa, và hiểu là cũng không còn sức để đi. Và lúc ấy mới hiểu ra lương thực trần gian cũng tạm bợ, cũng hư nát như cuộc đời trần gian vậy. “Tay ta làm nên tất cả” mà tất cả ấy là thứ tất cả chóng vánh, hư nát. “Sỏi đá cùng thành cơm”, nhưng rồi cơm bánh trần gian chỉ nuôi ta một thoáng đời ngắn ngủi.

 Lời Chúa hôm nay chỉ ra cho thấy thế nào là khôn hay dại đích thực trong cuộc lữ hành trần gian. Và đặc biệt hơn cho biết lương thực của người khôn là lương thực không hề hư nát để có một cuộc sống không hề hư nát. Lương thực ấy chính là Thánh Ý của Thiên Chúa và Thánh Thể Chúa Giêsu.

Từ Cựu Ước, lương thực ấy được sách Châm Ngôn đề cập đến: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan” ( Cn 9, 5 – 6 ).

“Bước theo đường lối khôn ngoan” là hãy tìm thánh ý của Đấng Khôn Ngoan, Đấng thượng trí tuyệt đối. Tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa và thưởng nếm sự thiện hảo của Ngài khi để cho sự thiện hảo của Ngài khẽ chạm vào cuộc sống, để sự thiện hảo của Ngài hướng dẫn mọi suy nghĩ, mọi hành vi.

Đừng trơ trẽn cậy dựa vào sức mình nhưng hãy cậy vào sức của Chúa.
Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở: “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” ( Tv 33, 9a ).

Thánh Phaolô lại khuyên “Hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa” ( x. Ep 5, 15 – 20 ).

Và đặc biệt hơn cả, Tin Mừng theo Thánh Gioan cho biết Lương Thực của người khôn ngoan là chính Thịt Máu Chúa Giêsu:

“Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” ( x. Ga 6, 51 – 59 ).

Người khôn ngoan là người tin có đời sau, và biết lo cho mình được sống không chỉ ở đời này, mà còn được sống ở đời sau.

Biết bao người trong chúng ta cũng đang sống theo cách sống của những người không tin có đời sau, nên chẳng tha thiết với lương thực trường sinh của người khôn ngoan theo thánh ý Chúa. Đã vậy, lại còn tiếp tay với những kẻ vô thần bằng cách thinh lặng trước những xúc phạm tày trời đối với Thiên Chúa, đối với những người tin Chúa, và cả với Thánh Thể Chúa Giêsu.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng con ơn khôn ngoan biết chọn Chúa làm noi nương tựa vững chắc trong cuộc đời, và biết sống nhờ sức sống nơi Thánh Ý và Thánh Thể Chúa. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG

Khi Bóng Tối Tràn Ngập

Chủ đề: "Muốn được sống, chúng ta phải chú tâm vào Đức Giêsu chứ không phải vào những vấn đề của chúng ta"

Một chiếc tàu đánh cá Xô Viết được đưa vào sửa chữa bên cạnh chiếc tàu tuần dương Hoa Kỳ tại bờ biển New England. Các quan chức Mỹ- Xô cùng ngồi trong chiếc tàu Nga bàn luận sôi nổi về kỹ thuật đánh cá ở Bắc Đại Tây Dương. Cuộc hội thảo đang tiến hành tốt đẹp thì vào đêm nọ, một sự cố bất ngờ đã đe doạ bầu khí thuận thảo giữa hai bên.

Chuyện xảy ra là có một thuỷ thủ người Nga tên Simas Kudirka lẻn ra khỏi tàu Xô Viết, bơi khỏi mười bộ (khoảng 3m) qua bên tàu Mỹ. Kudirka nài nỉ được tỵ nạn chính trị, nhưng vị chỉ huy tàu Mỹ từ chối. Quyết định này về sau bị các thượng cấp quở trách. Còn chàng thuỷ thủ hụt hẫng ấy bị giao lại cho nhà cầm quyền Xô Viết, bị trả về Nga, sau đó bị giam vào tù. Trong thời gian ở tù, chàng đã nhiều lần tuyệt vọng. May thay giữa cơn thử thách ấy, một tù nhân khác đã dạy chàng vần thơ của thi sĩ Ruydyard Kipling người Anh. Về sau, Kudirka cho hay rằng chính những dòng thơ này đã gíup chàng đương đầu với tương lai. Một đoạn trích từ những dòng thơ ấy:

"Nếu dành được chiến thắng hay gặp cơn hoạn nạn, con vẫn xử sự như nhau,
Nếu điều chân thực con nói ra, lại bị những tên vô lại vu khống là gian dối hại người, mà con vẫn tỏ ra bình thản.
Nếu nhìn toàn bộ sự nghiệp đời mình đang vỡ tan, mà con vẫn bình tâm nhẫn nhục xây dựng lại, bằng những phương tiện cùn lụt.
Nếu con vẫn có thể dồn toàn bộ năng lực của tâm hồn, thần kinh và gân cốt, để tiếp tục sinh hoạt như bình thường, sau khi chúng gần như bại liệt…
Và nếu con vẫn kiên gan bền chí, khi tất cả mọi sự đã tiêu tùng, chỉ còn lại ý chí trong con bảo con phải kiên trì…
Nếu con làm được như thế, thì trái đất và mọi sự trên đó sẽ thuộc về con.
Hơn thế nữa, hỡi con Ta, con sẽ là một con người đích thực."

Thỉnh thoảng, Kudirka lại nhẩm đi nhẩm lại những lời trên, dần dà chúng đem lại cho chàng một sức mạnh đáng kể giúp chàng kiên vững. Câu chuyện còn dài nhưng tôi xin rút ngắn lại Kudrika vẫn sống sót sau khi bị tù, và hiện nay anh đã được tự do. Kudirka cho rằng sở dĩ anh sống sót chính là nhờ sức mạnh tinh thần do bài thơ của Kipling đem lại. Bài thơ ấy giúp cho anh có sức mạnh để kiên trì khi nơi anh chẳng còn lại gì ngoài ý chí truyền bảo anh: hãy cứ bền gan.

***

Câu chuyện trên cho ta thấy rõ điểm trọng yếu trong bài Tin Mừng hôm nay, điểm trọng yếu đó là: Trong cuộc đời, có những lúc chúng ta dường như bị dồn vào chân tường và hầu như đang sắp sửa mất tất cả. Có những lúc chúng ta cần phải có một cái gì gíup chúng ta đừng nản chí. Chúng ta cũng thấy tâm trạng đó trong bài Tin Mừng hôm nay. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng bị đẩy vào chân tường. Niềm tin của các ông nơi Đức Giêsu bị thử thách trầm trọng, vì trong bài giảng Ngài nói rằng Ngài sẽ hiến chính thịt Ngài cho họ ăn.

Các môn đệ phản ứng lại thách đố này bằng hai cách: Một nhóm cảm thấy không thể nào chấp nhận được những lời Đức Giêsu nói ấy, nên họ từ giã Ngài, không còn theo Ngài nữa. Nhóm còn lại thắng được cơn thử thách và vẫn trung thành với Đức Giêsu. Tại sao nhóm thứ nhất thất bại và nhóm thứ hai thành công trong cuộc thử thách ấy?.

Tin Mừng không trả lời câu hỏi ấy, nhưng đã ghi lại một manh mối để trả lời. Manh mối đó là: khi Chúa Giêsu hỏi nhóm thứ hai: "Các con cũng bỏ Ta chứ?". Phêrô trả lời thay cho cả nhóm: "Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai đây? Thầy có lời ban sự sống đời đời. Và bây giờ chúng con biết và tin rằng Thầy là Đấng Thánh duy nhất từ Thiên Chúa đến". Bị dồn vào chân tường, nhóm này biết dán mắt vào Chúa Giêsu. Những lời Đức Giêsu nói ra không hề khiến họ chao đảo. Bị dồn vào chân tường, họ vẫn tin tưởng vững chắc vào Đức Kitô, đang khi nhóm thứ nhất làm ngược lại. Họ chỉ biết chú tâm vào vấn đề của họ, thắc mắc của họ. "Sao ông này lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?". Tóm lại, họ không biết nhìn đăm đăm vào Đức Giêsu.

Một đằng biết chú tâm vào Đức Giêsu, một đằng chỉ biết chú tâm vào những vấn đề của mình. Hai hình ảnh ấy cũng được diễn tả rõ ràng trong một đoạn Tin Mừng khác liên quan tới Chúa Giêsu và Thánh Phêrô:

Một đêm nọ, các tông đồ đi thuyền trên hồ thì một cơn bão lớn thổi tới. Khi cơn bão mạnh đến cực điểm thì Đức Giêsu hiện ra đi trên sóng tới với họ. Các tông đồ kinh khiếp quá la lên: "Ma! Ma!" Lập tức Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy can đảm lên! Ta đây! Đừng sợ!". Bấy giờ Phêrô lên tiếng: "Lạy Thầy, nếu quả thực là Thầy, xin hãy ra lệnh cho con bước trên mặt nước mà đến với Thầy!". Chúa Giêsu trả lời: "Cứ đến đi!". Thế là Phêrô bước ra khỏi thuyền và bắt đầu đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu. Nhưng khi thấy gió mạnh quá, ông liền kinh sợ, thế là ông bắt đầu chìm xuống nước… ông vội la to lên: "Thầy ơi, cứu con với!". Lập tức Chúa Giêsu đưa tay nắm lấy ông và nói: "Sao đức tin của con kém thế! sao con lại hồ nghi trong lòng?" (Mt 14: 26-31)

Câu chuyện trên cho thấy: Bao lâu Phêrô biết vững tâm nhìn vào Chúa Giêsu, thì ông được an lành. Nhưng khi ông rời mắt khỏi Ngài và bắt đầu chỉ chú tâm lo vấn đề của riêng mình, thì lập tức ông lâm vào nguy hiểm ngay.

Từ đó chúng ta có thể rút ra những kết luận thực tiễn:

Khi gặp bão tố, chúng ta đều xử sự giống như Phêrô. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta gặp những cơn bão tố cực kỳ nguy hiểm. Trong cuộc sống có những lúc chúng ta cảm thấy mình như muốn chìm lỉm như Phêrô. Khi gặp những cảnh như thế, chắc chắn chúng ta sẽ gặp trong tương lai, chúng ta đừng vấp phải cùng một lỗi giống như Phêrô. Chúng ta đừng chỉ biết chú ý đến cơn bão, nghĩa là chỉ biết chú tâm tới những vấn đề chúng ta. Tốt hơn, chúng ta hãy chú tâm vào Chúa Giêsu đang đứng trên thuyền và khích lệ chúng ta. Hoặc chúng ta có thể nghĩ tương tự như thế qua câu chuyện bài Phúc Âm hôm nay, tức câu chuyện Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài về bí tích Thánh Thể. Trong cuộc sống sẽ có những giây phút chúng ta cũng bị thách đố bị cám dỗ từ bỏ Chúa, không theo Ngài nữa. Những lúc đó, chúng ta đừng vấp phải những lầm lỗi giống như các tông đồ ngày xưa đã vấp phải. Nghĩa là đừng chỉ lo chú tâm đến vấn đề đang xảy đến cho chúng ta, mà hãy đưa mắt nhìn vào Chúa Giêsu. Chúng ta hãy xác nhận lại niềm tin vào Ngài như Thánh Phêrô đã làm và hãy thưa cùng Ngài:

"Lạy Chúa, Chúa có những lời ban sự sống đời đời. Chúng con tin… Ngài là Đấng Thánh duy nhất từ Thiên Chúa đến…."

Cha Mark Link, S.J.

Người Tín Hữu

Thịt Ta là của ăn

Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.

Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta. Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.

Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta, Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu:. Khi ban cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.

Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.

Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chịu lấy Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.

Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn hiểu thịt máu có ý nghĩa gì?
2) Chúa ban Thịt Máu Chúa cho ta. Điều này có ý nghĩa gì?
3) Thế nào là ở trong Chúa? Muốn ở trong Chúa bạn phải làm gì?
4) Thế nào là sống nhờ Chúa? Muốn sống nhờ Chúa bạn phải làm gì?

ĐTGM. Giuse Ngô quang Kiệt

Subcategories