3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Tìm kiếm giá trị tuyệt đối

Cách đây khoảng 10 năm, tại bang California bên Mỹ, có hiện tượng thanh niên tự tử hàng loạt. Tất cả đều là những thanh niên trẻ tuổi, con nhà giàu, có học thức. Nguyên nhân tự tử là vì họ mong về Thiên đàng. Năm ấy có sao chổi xuất hiện. Họ cho rằng sao chổi chính là chuyến xe về Thiên đàng. Mấy mươi năm mới có một chuyến, nên họ vội vàng ra đi, sợ nhỡ chuyến.

Tính tỉ lệ những người tự tử, ta thấy thanh niên các nước giàu tự tử nhiều hơn thanh niên các nước nghèo. Hiện nay trong nước ta, tại các thành phố lớn, đang có hiện tượng các thanh niên đua xe gắn máy, liều lĩnh coi thường mạng sống. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy đó là những thanh niên con nhà giầu có.

Những hiện tượng đó đáng cho ta suy nghĩ. Những người nghèo đói thật vất vả khổ sở. Họ chỉ mong sao cho có đủ cơm ăn áo mặc. Có cơm ăn áo mặc đã là hạnh phúc. Nhưng khi người ta đã có đủ cơm đủ áo, đủ mọi phương tiện, người ta vẫn không hạnh phúc. Nhìn những thanh niên giầu có chán đời đi tìm cái chết; nhìn những thanh niên chán cảnh nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm đeo ba-lô đi du lịch bụi đời, ta thấy rằng vật chất không phải là tất cả. Và những khao khát của con người là vô tận. Hôm nay tôi chưa đủ ăn thì tôi mong cho có đủ ăn. Ngày mai đủ ăn rồi, tôi lại muốn ăn ngon hơn. Hôm nay còn đi bộ, tôi mong được một chiếc xe đạp. Có xe đạp rồi tôi mong có xe máy. Có xe máy rồi tôi mong có ô - tô. Có ô - tô rẻ tiền rồi, lại mong có cái tốt hơn, tiện nghi hơn, chạy nhanh hơn, êm ái hơn. Có tất cả rồi, người ta vẫn chưa hài lòng. Cuộc đời vẫn còn thiếu một cái gì đó. Bao tử hết bị hành hạ, thì lập tức tâm hồn cảm thấy những cơn đói khác dày vò: đói bình an, đói tình yêu, đói hạnh phúc, đói ý nghĩa cuộc đời, đói những điều cao thượng. Những cơn đói khát tinh thần này rất mãnh liệt. Nên con người mãi mãi khắc khoải đi tìm. Mà hạnh phúc dường như luôn luôn ở ngoài tầm tay với.

Hôm nay, đứng trước đoàn người hăm hở đi tìm lương thực, Đức Giêsu đã cảnh báo họ: “Đừng lo tìm những thứ lương thực hay hư nát, nhưng hãy tìm lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh”. Vì Người đã rõ giá trị tạm bợ của miếng cơm manh áo. Người cũng thấu rõ tâm hồn con người mau chán những gì đạt được. Người đã tạo dựng tâm hồn con người, nên Người hiểu lòng khao khát của con người là vô biên. Chỉ có những giá trị tuyệt đối mới có thể lấp đầy những khát khao ấy. Người đã mở đường để tâm hồn con người thoát khỏi những ràng buộc của vật chất, vươn lên tìm kiếm những giá trị thiêng liêng cao cả, xứng với tầm vóc con Thiên chúa.

Thế nhưng ta tìm đâu ra những giá trị tuyệt đối để lấp đầy nỗi khao khát vô biên? Ta tìm đâu ra thứ bánh làm dịu được cơn đói hạnh phúc? Hôm nay, Đức Giêsu giới thiệu cho ta thứ bánh đó. Đó là bánh đích thực, vì ăn rồi ta sẽ không bao giờ đói nữa. Đó là bánh ban sự sống, ai ăn sẽ không chết nữa. Đó là bánh ban hạnh phúc, ăn vào sẽ không còn khao khát điều gì khác. Đó là bánh Thiên Chúa ban chứ loài người không ban được. Đó là bánh từ trời chứ trần gian không sản xuất được. Tấm bánh đó là chính bản thân Người, Đức Giêsu Kitô.

Những người Do thái đã sai lầm khi đi tìm Đức Giê-su để được ăn bánh. Đức Giêsu đã cảnh tỉnh họ khi cho họ biết rằng không nên tìm bánh, vì như thế họ sẽ thất vọng. Bánh ăn rồi sẽ lại đói. Nhưng phải tìm chính Đức Giê-su. ở đây ta nhớ tới bài học Chúa đã dậy tổ phụ Ápraham. Thoạt tiên, Chúa kêu gọi tổ phụ Ápraham đi theo Chúa và hứa cho ông được một đất nước chảy sữa và mật và một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Nghe theo lời hứa, tổ phụ đã lên đường. Nhưng khi ông sinh được một người con trai duy nhất trong tuổi già, Chúa lại bảo ông phải sát tế dâng cho Chúa. Đây là một thử thách lớn lao, nhưng cũng là một lời mời gọi vươn lên. Ápraham được mời gọi thoát khỏi sự ràng buộc của lợi lộc vật chất. Theo Chúa chỉ vì Chúa chứ không phải vì lợi lộc vật chất. Ông hoàn toàn có lý vì ông đã chọn Chúa là sự Thiện tuyệt đối chứ không chỉ lựa chọn một vài sự thiện tương đối. Ông đã lựa chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc chứ không đuổi theo những ảo ảnh của hạnh phúc. Đức tin của ông hoàn toàn trưởng thành, nên ông đã trở thành Cha của những kẻ tin.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi, hãy noi gương tổ phụ Ápraham. Đừng tìm những mảnh vụn hạnh phúc, nhưng hãy đi đến nguồn mạch hạnh phúc. Đừng lo nắm giữ những của cải phù du, nhưng hãy tìm chiếm giữ kho tàng bền vững mối mọt không đục khoét được. Đừng đuổi theo những giá trị tương đối, nhưng hãy biết tìm kiếm giá trị tuyệt đối là chính Chúa. Chính Chúa sẽ làm ta no thoả. Chính Chúa sẽ lấp đầy những khát vọng của ta. Chính Chúa ban cho ta hạnh phúc tràn đầy, vĩnh viễn.

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với thánh Âucơtinh: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Có một thời người ta nói: “Đi đạo kiếm gạo mà ăn”. Bạn nghĩ gì về câu nói đó?
2. Mơ ước một đồ vật. Khi được rồi lại chán. Bạn có kinh nghiệm đó không?
3. Bạn có những khao khát về vật chất cũng như tinh thần. Khi đến với Đức Giêsu, bạn có thấy được thoả mãn phần nào không?

Gm. Giuse Ngô Quang Kiệt

THỜ CHÚA VÌ CÁI GÌ?

Năm phụng vụ 2024 là năm B. Hội THánh đề nghị suy niệm Tin Mừng của các Chúa nhật năm B là Tin Mừng theo thánh Marcô. Tuy nhiên, liên tiếp từ Chúa nhật XVI đến Chúa nhật XXI, Hội Thánh đề nghị suy niệm Tin Mừng theo thánh Gioan, hầu như trọn chương 6, với cùng một chủ đề: bánh.

Khởi đi từ dấu lạ hóa bánh và cá (Chúa nhật XVI), Chúa Giêsu dẫn ta đến cùng bí tích Thánh Thể. Đó không phải là bánh mà là Bánh trường sinh, là chính thịt máu Chúa, nguồn sống thiêng liêng và vĩnh cửu của người tin.

Với dấu lạ của Chúa, đám rất đông được no nê, họ muốn suy tôn Chúa làm vua. Nhưng Chúa lên núi. Chúa tìm về Chúa Cha, rồi Chúa về Capharnaum.

Sau khi Chúa Giêsu rời đám đông, và sau khi không nhìn thấy Chúa, họ lên thuyền sang bờ hồ bên kia. Tại đây, họ thấy Chúa Giêsu. Nhưng Chúa biết rõ lý do của sự hăng hái đi tìm: "Các ngươi tìm Ta không phải vì đã trông thấy các dấu lạ, nhưng bởi vì đã được ăn bánh no nê".

Chúa Giêsu muốn đưa người ta đi xa hơn những thứ vật chất của trần thế. Chúa muốn người ta điều chỉnh những mặc định mà họ tự vẽ ra trong chính thâm tâm của họ: cơm bánh, cái bụng và thể xác.

Chúa Giêsu muốn con người hãy mơ giấc mơ cao chứ đừng chỉ là những thứ tầm thường của cuộc sống đời này. Chúa đòi chúng ta hãy thực sự đến với Chúa, đi tìm chính Chúa vì Chúa chứ đừng nhìn thấy nơi Chúa một sự lợi dụng, một "cái nhà kho" để chỉ vào đó lấy ra những thứ mình thích, những thứ làm vui bản thân mình. Họ không được phép mặc cho bánh mà họ được ăn nhiều giá trị hơn, hay giá trị cao hơn chính bản thân Đấng ban bánh.

Chúa vừa trách nhưng cũng vừa khích lệ họ: "Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng vì lương thực tồn tại cho cuộc sống vĩnh cửu mà Con Người sẽ ban cho".

Chúng ta cần đặt vấn đề cho mình: Tôi thờ Chúa, tôi giữ đạo vì mục đích gì? Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian, mọi biến cố của đời mình, tôi có nhận ra chính Chúa hiện diện? Có thấy bàn tay Chúa đỡ nâng, che chở? Có biết tình yêu Chúa luôn tuôn đổ, luôn dắt dìu, luôn bảo vệ?...

Cũng y như đám đông chỉ biết và nhìn thấy cái trước mắt, ngày xưa, khi được thoát Aicập, lẽ ra đoàn dân phải hết lòng biết ơn Thiên Chúa, Đấng đã tặng ban cho họ một tình yêu giải phóng tuyệt vời, thì họ chỉ thấy và bám vào vật chất, vào cái tầm thường, mặc cho bản thân đang phải nô lệ.

Họ chỉ dừng lại có một điều duy nhất là trách móc Chúa và ông Môisen, đại ân nhân của họ: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Aicập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!" (Xh 16,3 - Bài đọc 1). 

Chúng ta cần đặt lại vấn đề cho mình bằng chính lời hỏi mà đám đông đã hỏi Chúa Giêsu: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?".

Hỏi như vậy không phải chỉ để gò mình vào một mớ luật lệ của tôn giáo như đức tin vào Chúa chỉ có lề luật và sống cho xong một mớ lề luật là đủ. Đức tin vào Chúa và việc thờ phượng Chúa là trọn vẹn đời sống, con người, tình yêu, tâm trí. Chúa phải là Đấng chiếm trọn trái tim, trọn ý chí, lý trí, năm tháng ngày giờ, sức khỏe, mạng sống... của chúng ta.

Đi tìm Chúa mà chỉ gói gọn trong một mớ luật lệ là tự mình giảm thiểu đời sống của bản thân trong tương quan với Chúa đến độ vô hồn, đến độ máy móc qua một số hay một hệ thống luật lệ. Chỉ cần thực hiện cho xong việc phải làm, không một chút tự nguyện, không một chút tự do, không một chút yêu thương, không một chút quan tâm.

Đó không phải là tương quan Thiên Chúa - con người, Đấng là Cha - chúng ta là con, Chúa Kitô - và người môn đệ. Đúng hơn, đó là thứ tương quan chủ - tớ, kẻ thống trị - người bị trị.

Chúng ta hãy đi tìm Chúa nơi chính Chúa, vì chính Chúa như Chúa dạy: Tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến. Đấng ấy chính là Chúa Giêsu. Hãy đến cùng Thánh Thể, hãy hết lòng thờ phượng và yêu mến Thánh Thể. Hãy luôn ghi khắc lời dạy của Chúa Giêsu: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ".

Từng người hãy rời xa, hãy bỏ lại những thứ mà bản thân vẫn mong tìm trong cuộc đời như uy quyền, sự giàu có, nhục dục, nhiều thứ đam mê vô bổ, thậm chí tội lỗi..., để tâm hồn có đủ chỗ trống mà lấp đầy bằng chính Chúa Giêsu Kitô, tình yêu và mọi ân ban, mọi quan tâm mà Chúa Kitô dành cho...

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

VƯỢT QUA HỐI TIẾC

Thứ Bảy Tuần 17 Thường Niên B

“Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy!”.

“Để có thể vượt qua hối tiếc, thoát khỏi nỗi đau gây nên bởi những hối hận về quá khứ, sợ hãi về tương lai… hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót của Thiên Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài bằng việc trung thành với ân sủng!” - Jean-Pierre de Caussade.

Kính thưa Anh Chị em,

Giá mà câu nói của Jean-Pierre de Caussade được áp dụng cho Hêrôđê thì linh hồn của một quận vương đã không hư mất! Trong Tin Mừng hôm nay, Hêrôđê cho rằng, Chúa Giêsu hẳn là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết, thì phải chăng bên trong ông đã có một sự đấu tranh với những hối tiếc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi? Giá mà ông ‘vượt qua hối tiếc’ và cho phép lòng thương xót Chúa bước vào!

Sau khi giết Gioan, Hêrôđê nghe biết danh tiếng của Chúa Giêsu, tin tức về Ngài đã lan truyền nhanh chóng và kịp đến tai ông. Với phiên bản của Marcô, chúng ta biết, “Hêrôđê sợ Gioan, biết Gioan là người công chính và thánh thiện nên giam giữ ông. Khi nghe Gioan nói, ông rất bối rối, nhưng vẫn thích nghe”. Có thể Hêrôđê đã có một tia sáng đức tin nào đó, nhưng cuối cùng, bị chi phối bởi những đam mê và ham muốn quyền lực. Có lẽ đó là lý do tại sao ban đầu ông giữ Gioan lại trong tù; và có vẻ như Hêrôđê cũng tỏ ra hối hận hoặc sợ hãi về việc chặt đầu Gioan. Và cũng rất có thể vì lý do này mà Hêrôđê đã nghĩ ngay đến Gioan khi lần đầu nghe về Chúa Giêsu và “quyền năng lớn lao” đang hoạt động trong Ngài.

Sự hối tiếc, sợ hãi và mặc cảm tội lỗi là những tác động phổ biến của một lương tâm đang xung đột. Hêrôđê là một ‘mẫu gương’ về những gì xảy ra khi chúng ta không giải quyết được xung đột đó bên trong chính mình. Cách duy nhất để ‘vượt qua hối tiếc’ và giải quyết sự bối rối bên trong của một lương tâm xung đột là ‘khiêm nhường đầu phục sự thật’. Hãy tưởng tượng nếu Hêrôđê đã ăn năn; hãy tưởng tượng nếu ông ta đã tìm đến Chúa Giêsu, thú nhận tội lỗi mình và cầu xin sự tha thứ! Đó sẽ là một câu chuyện tuyệt vời. Thật tiếc, thay vào đó, chúng ta có chứng từ của một người đã đi lạc không để cho lòng thương xót Chúa bước vào nên vẫn ngoan cố trong tội.

Anh Chị em,

“Đó chính là Gioan Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy!”. Hãy suy gẫm về lời chứng không thánh thiện này của Hêrôđê! Chúa có thể sử dụng mọi thứ cho vinh quang Ngài, và Ngài thậm chí có thể sử dụng mẫu gương của Hêrôđê để chúng ta thấy bất kỳ khuynh hướng tương tự nào. Bạn có đấu tranh với sự hối tiếc, sợ hãi và tội lỗi không? Tin tốt lành là xung đột này dễ dàng được giải quyết bằng một tấm lòng khiêm nhường tìm kiếm sự thật. Hãy tìm kiếm sự thật để ‘vượt qua hối tiếc’, thừa nhận bất kỳ tội lỗi dai dẳng nào mà bạn cần giải quyết và cho phép lòng thương xót của Chúa bước vào để giải thoát bạn. Tắt một lời, “Hãy để lại dĩ vãng cho lòng thương xót Chúa; trao tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và dâng hiện tại cho tình yêu Ngài dành cho bạn!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con đủ sức nhảy bổ vào vòng tay từ ái của Chúa; nhờ đó, con thoát khỏi những nỗi đau của quá khứ, bất an của hiện tại và sợ hãi của tương lai!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

 

VÌ CỦA ĂN TỒN TẠI ĐẾN MUÔN ĐỜI

Theo từng góc nhìn và theo từng đặc điểm muốn nhấn mạnh, các triết gia xưa nay đã từng cho chúng ta các khái niệm về con người để phân biệt với các loài vật. Con người là hữu thể biết suy tư, phản tỉnh, con người là con vật biết lao động, con người là sinh vật có lý trí, ý chí tự do, con người là sinh vật có tính xã hội, con người là sinh vật có tôn giáo…Xin được góp thêm một cái nhìn được gợi ý qua các bài đọc Chúa Nhật XVIII TN B: con người là hữu thể của muôn đời.

Cũng như các loài có sự sống, loài người không thể thoát được một nhu cầu căn bản là sinh tồn. Để phục vụ nhu cầu này, tự bên trong các loài có sự sống sẵn có một năng lực mạnh mẽ được gọi là bản năng sinh tồn. “Khi đói thì đầu gối cũng phải bò”. Để làm bất cứ việc gì thì tiên vàn người ta phải sống. Nhu cầu ăn uống quả là một nhu cầu chính đáng. Người Việt Nam dùng hạn từ ăn ở đầu các từ ghép để mô tả nhiều động thái rất khác nhau như ăn bớt, ăn bám, ăn chận, ăn cắp, ăn mặc, ăn ở, ăn hại, ăn học, ăn hiếp, ăn chận, ăn vạ…nếu đếm thì không dưới cả trăm từ. Xem ra “cái ăn” nó liên hệ đến mọi lãnh vực của kiếp người. Con người dù là hữu thể này nọ nhưng vẫn là một sinh vật, luôn cần có cái để sống.

Không hiểu sao mà hơn hai phần ba những từ ghép bắt đầu bằng từ ăn thì thường mang ý nghĩa tiêu cực. Không nguyên chỉ vì “miếng ăn là miếng tồi tàn”, nhưng ngay trong lòng con người vẫn bàng bạc nhận thức rằng dù cho nhu cầu ăn uống thật là chính đáng nhưng đã là người thì phải vượt lên trên nhu cầu tồn sinh của loài vật. Trong khi các loài động vật thường thỏa mãn mỗi khi nhu cầu ăn uống được đủ đầy, thì trái lại, dù cho đã đầy đủ lương thực ăn uống, con người vẫn khao khát một sự sống cao hơn mà chúng ta gọi là sự sống bất diệt hay sự sống trường sinh. Tuy nhiên cái sự sống trường sinh mà con người khao khát ở đây, thường chỉ là sự kéo dài của sự sống đời này.

Cựu Ước đã hé mở cho thấy con đường để được sống đời đời đó là tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa. Khi thử thách dân phải lâm cơn đói khát trong sa mạc, và rồi ban Manna từ trời, Thiên Chúa muốn dân xác tín rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Người phán ra” (x.Dnl 8,3). Sau khi thi thố quyền năng cho năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ no nê bánh cá, Chúa Giêsu đã mời gọi họ “hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27). Để có được lương thực này Chúa Giêsu đã minh nhiên tự khẳng định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35).

Chúa Kitô là Bánh trường sinh. Kitô hữu chúng ta thảy đều khẳng định chân lý này. Thế nhưng để cho lời khẳng định này đi vào cuộc sống thì còn đó khoảng cách không dễ vượt qua. Đến với Chúa Kitô vì “cái bụng” của mình như người Do Thái xưa vốn là điều dễ thấy đó đây. Sau sự cố tòa tháp đôi ở New York thì dân chúng nước Mỷ xem ra đạo đức hẳn lên, đến với Chúa rất nhiều. Tại quê nhà Việt Nam, đã một thời, sau khi các ngân hàng thắt chặt tín dụng, thì hình như có nhiều khuôn mặt lạ chuyên chăm xuất hiện tại nhà thờ hay ở các đền đài. Gặp cơn quẩn bách thì chạy đến cầu Chúa giúp, nhưng tựu trung đều chỉ là những sự thuộc đời này. Làm thế nào để giúp ta vượt qua được những sự hữu hình đời này khi chúng ta vẫn còn ở trong thế gian? (x.Ga 17,11). Khi người Do Thái hỏi Chúa Giêsu là làm thế nào để được gọi là làm công việc của Thiên Chúa, tức là tìm kiếm lương thực đem lại sự sống đời đời thì Người đã khẳng định đó là “Hãy tin vào Đấng mà Thiên Chúa sai đến” (Ga 6,29).

Tin vào Chúa Giêsu là một tiến trình đón nhận và dấn thân theo Người, sống lời Người chỉ dạy. Cũng vẫn tìm kiếm những chuyện ở đời này nhưng chúng ta sẽ làm cho chúng thành vĩnh cửu khi chúng ta tìm kiếm chúng theo ý và cách thức Chúa hướng dẫn. Lời Chúa trong Thánh Kinh, đặc biệt trong bốn Tin mừng trình bày cho chúng ta cách thế tuyệt vời đó là hãy tìm kiếm những thiện hảo đời này trong sự công bình, trong tình liên đới và chí cống hiến.

Một học sinh, sinh viên ra công học hành để tích lũy kiến thức, công nghệ, tài năng…nhưng trong sự công bình, nghĩa là trong sự trung thực, hợp pháp, không quanh co, dối trá, lọc lừa… thì bạn ấy đang làm việc vì lương thực đời đời. Cũng là học hành để thăng tiến bản thân nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn học khác theo khả năng và hoàn cảnh của mình, nghĩa là biết sống tình liên đới thì ta đang làm việc cho sự sống đời đời. Chọn một ngành nghề để vừa thăng tiến danh vị, vừa bảo đảm nhu cầu cá nhân lẫn gia đình, lại vừa có điều kiện để phục vụ đồng loại, để phát triển xã hội, giáo hội thì đích thực ta đang ra công làm việc vì của ăn cho sự sống đời đời.

“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Số người cho rằng cuộc đời con người thực sự chấm dứt với cái chết thể lý vốn không mấy nhiều. Kitô hữu chúng ta thì minh nhiên tuyên xưng có sự sống đời đời. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thì sự sống đời đời của chúng ta lại bắt nguồn từ những thực tại đời này, những thực tại mà Ngôi Lời đã tự nguyện nhận lấy vào Ngôi vị của Người khi vào đời. Khi chúng ta nỗ lực tìm kiếm những chuyện đời này trong công bình, trong tình liên đới và chí cống hiến là chúng ta đã làm cho những sự đời này đi vào vĩnh cửu cùng với Chúa Kitô, trong Người và nhờ Người.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

CHỐN NƯƠNG MÌNH

“Chúa là chốn con nương mình!”.

Đọc Augustinô, chúng ta hiểu thế nào là sự chữa lành! “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!”. Và Augustinô kết luận, “Lãng quên Thiên Chúa là chết; tìm kiếm Thiên Chúa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa là sống!”; “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Lãng quên Thiên Chúa là chết; tìm kiếm Thiên Chúa là tái sinh; ở trong Thiên Chúa là sống!”. Cùng với Tin Mừng hôm nay, Thánh Vịnh đáp ca – “Chúa là chốn con nương mình!” – cho thấy hành trình cuộc đời mỗi người là một hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm kho báu, tìm ‘chốn nương mình’.

Có ‘chốn nương mình’ tạm bợ; có ‘chốn nương mình’ bền vững! Và Giêsu, ‘chốn’ đáng nương mình nhất vì Ngài là ‘Kho Báu’ của mọi kho báu! Sự bồn chồn trong trái tim mỗi người về một tình yêu có thể sánh với sự bồn chồn của người đi tìm kho báu. Theo những cách khác nhau, chúng ta trải qua những khát khao về một tình yêu vô điều kiện; một bảo đảm hạnh phúc đời này, đời sau và câu trả lời cho mọi nan đề. Trong Chúa Giêsu, chúng ta có tất cả! Hãy đào sâu ý thức về sự vĩ đại của món quà tình bạn mà Ngài ‘tặng không’ như người kia tình cờ tìm được kho báu ngoài đồng. Hãy ra sức tìm kiếm và củng cố tình bạn này bằng sự cởi mở trước tình yêu của Ngài như người kia ‘rảo khắp’ tìm ngọc đẹp. Và bạn sẽ nghiệm ra Giêsu là ‘chốn nương mình’ đích thực nhất.

Trong Chúa Giêsu, chúng ta khám phá cuộc sống mình có giá trị vô hạn trước mặt Thiên Chúa; trong giáo huấn Ngài, chúng ta khám phá sự khôn ngoan để xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng vững bền; và trong ân sủng Ngài, chúng ta nhận được sức mạnh để lớn lên trong tình yêu! Kho báu Giêsu là nơi đầu tư tốt nhất cho một tương lai vững chắc; nơi mỗi người có thể sống ơn kêu gọi ‘cho sự vĩ đại’ của mình. Vì thế, hãy gác lại mọi bận tâm khác để làm sao thực sự sở hữu Ngài! Hãy bỏ qua một bên bất cứ điều gì tìm cách mang lại cho chúng ta một cảm giác an toàn ngoài Ngài! Vì lẽ, không chỉ là ‘chốn nương mình’, Chúa Giêsu còn là Đấng biến đổi tất cả những ai tìm Ngài nương thân!

Giêrêmia đã nói lên niềm xác tín đó khi coi Thiên Chúa là ‘chốn nương mình’, coi Lời Ngài như của ăn – bài đọc một. “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ”; và Chúa phán, “Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi để cứu sống và giải thoát ngươi!” đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là chốn con nương mình!”.

Anh Chị em,

“Chúa là chốn con nương mình!”; “Con càng khốn khổ, Ngài càng gần con!”. Ai gần Giêsu, sở hữu Giêsu, người ấy sở hữu Thiên Chúa, sở hữu thiên đàng. Augustinô và các thánh sở hữu Giêsu, họ được Ngài biến đổi. Như vậy, với Chúa Giêsu, một con tim không hoán cải, không thể dịch chuyển, là một con tim của người đánh mất khả năng cảm nhận rằng, mình được yêu; đánh mất khả năng đó, bấy giờ, sẽ là đánh mất một kho tàng! Hãy như Augustinô, như các thánh, một khi tìm được Giêsu, bạn và tôi hãy cố ôm chặt Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, “con càng khốn khổ, Ngài càng gần con”. Cho con biết rằng, càng gần thế gian, con càng nghèo; càng gần Chúa, con càng bớt nghèo và giàu ra!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Subcategories