3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Phương tiện và Tin Mừng

Từ câu chuyện chiếc Minsk

Sau khi về nhận xứ Malâm, Cha Gioan NVH có ngay kế hoạch bán chiếc xe máy Honda Nhật đang chạy để mua một chiếc Minsk. Bà con nực cười ông cha xứ mình chạy chiếc Minsk giống mấy người xe thồ, xe ôm, chẳng ra dáng vẻ ông cha xứ tí nào. Mãi đến mấy tháng sau họ mới hiểu, chiếc Minsk là phương tiện tốt nhất có thể đưa cha đi đến vùng Đami cách Giáo Xứ nhà 70 cây số về hướng Tây Bắc, giáp ranh với Bảo Lộc, Lâm Đồng, nơi ấy, có vài trăm con chiên đang tản mác trên các đồi chè ngập nắng.

Vào ngày 11.9.2001, chúng tôi được đi với cha Gioan đến thăm vùng Đami đèo núi.  Được biết, bà con hầu hết từ những tỉnh miền Bắc đến đây tìm kế sinh nhai. Họ sống trên đồi, nhà này cách nhà kia có khi cả cây số. Chỉ mới 6 tháng sau khi về nhận xứ và năm lần “đến xem nơi người ở và ở lại với người” mà cha Gioan đã thuộc hầu hết địa chỉ của con chiên và thành lập được ba điểm tập trung để dâng Thánh Lễ. Còn các Bí Tích hầu hết cử hành tại nhà dân. Sau hơn 10 năm, Đami nay đã tràn đầy sức sống mới của Tin Mừng, đã là Giáo Xứ với ba bốn Giáo Họ.

Chiếc Minsk là phương tiện, nhưng là phương tiện đơn sơ mà hiệu quả của một sứ giả có tấm lòng mang Sứ Điệp Tin Mừng đến cho muôn dân. Chiếc Minsk ắp đầy kỷ niệm của bao lần vấp đá, trượt đồi, té ngã, cán chó, tai nạn… và cả những lần bị rượt đuổi vì tội làm Lễ nhà dân không xin phép…

Các Linh Mục được sai đi

Hy vọng đây là một trong trăm ngàn minh họa rất hùng hồn về việc các Linh Mục, Sứ giả Tin Mừng tại Việt Nam đã và đang tuân thủ đúng lệnh truyền của Chúa Giêsu, Người Sai Đi: “đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo”.

Vâng, có thể nói, không vì hoàn cảnh quá sức khó khăn đến nổi Giáo Dân Việt Nam không lo lắng được, hoặc chính các Linh Mục không sắm sửa cho mình những phương tiện, tiện nghi thoải mái, nhưng vì các ngài muốn thực hiện cuộc sống đơn sơ khó nghèo như đòi hỏi của Tin Mừng, và hơn thế nữa, các ngài ý thức được việc chính yếu của lệnh sai đi là “rao giảng sự thống hối”.

Khi đề cập đến chi tiết này có thể có người bi quan vặn hỏi: “Được bao nhiêu phần trăm như thế mà dám cả quyết vậy ?” Chúng ta nên biểu quyết: “Gần trăm phần trăm”. Bởi vì, con số những người được sai đi hôm nay bị tục hóa, bị phương tiện hóa, không thi hành sứ vụ chính yếu của mình… chỉ là số phần trăm nho nhỏ thôi. Nhưng, bởi vì, sự xấu xa dễ ảnh hưởng nhanh và rộng hơn là điều tốt lành, nên khi có vài trường hợp không phù hợp là đã có thể gây hoang mang lớn lao cho mọi người.

Hơn nữa, cũng cần phải cẩn trọng trước những đồn đoán, phao tin làm mất danh dự của các Linh Mục bởi vì những người chống phá Giáo Hội cũng đang rắp tâm tìm các khe hở của các Linh Mục để thổi phồng lên cho thỏa mãn ý đồ đen tối. Thiết tưởng, dẫu sao, chúng ta cũng hãy cầu nguyện và tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần và tình yêu Chúa Kitô sẽ thúc bách các Linh Mục “thống hối, canh tân” trước khi rao giảng sự thống hối, đổi mới theo Tin Mừng.

Giáo Dân được sai đi

Không chỉ các Linh Mục mới là những người nhận lệnh sai đi loan báo Tin Mừng, mà cả mỗi tín hữu hôm nay, được sai đến trong môi trường sống của mình để làm chứng cho Thiên Chúa. Mỗi chúng ta cũng được mời gọi sống đời đơn sơ khó nghèo và đặc biệt quan tâm đến việc truyền giáo ngay trong chính lúc khó nghèo đau khổ nhất. Thế nhưng, chúng ta vẫn:

Từ chối một sẻ chia với người vì cho rằng phải đợi đến dư thừa mình mới chia sẻ được.

Từ chối thăm viếng người vì cho rằng mình không có thời gian cho việc vô bổ ấy.

Từ chối một chút chạnh lòng vì cho rằng lúc mình khốn khó chẳng thấy ai ngó tới.

Từ chối một lời tốt lành khuyên nhủ vì cho rằng người lòng chai dạ đá.

Từ chối một lời xin lỗi vì cho rằng người thấp bé hèn kém hơn mình.

Từ chối một lời cảm ơn vì cho rằng người làm ơn cho mình đang bố thí hơn là giúp đỡ.

Chúng ta đã bị lệ thuộc quá nhiều vào phương tiện, vào điều kiện, mà không chú tâm đến việc đáp đền hồng ân Thiên Chúa bằng cách loan báo sứ điệp Tin Mừng cho anh em, làm chứng về “cuộc sống bình an trong Chúa” cho mọi người.

Lời Chúa hôm nay đang nhắc nhớ chúng ta đơn sơ khiêm tốn bắt chước gương tiên tri Amos, nhận ra ơn gọi rao giảng Tin Mừng của mình là hồng ân cao cả vượt lên trên thân phận tầm thường và bất toàn của mình: “Tôi chỉ là người chăn chiên và đi hái sung vả, và Chúa đã gọi: Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân của Ta” ( Am 7, 15 ), và chu toàn sứ vụ của mình theo thể cách đơn sơ nhất, phù hợp nhất với Tin Mừng, để phục vụ cho Tin Mừng.

Nguyện xin Chúa cho các Linh Mục của Chúa chuyên tâm “rao giảng sự thống hối”, “trừ quỷ, xức dầu, chữa lành” cho đoàn chiên Chúa. Và xin cho các tín hữu Chúa không quá lệ thuộc vào phương tiện trần gian, những luôn năng nổ chu toàn sứ vụ tông đồ trong đời thường. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG

Bụt nhà không thiêng

Trong truyện cổ Trung hoa có kể rằng: Dương Phủ lúc còn nhỏ nhà nghèo, nhưng hết sức cấy cầy để phụng dưỡng cha mẹ. Một hôm ông nghe bên đất Thục có ông Võ Tề đại sư rất nổi tiếng, ông liền xin song thân đến tầm sư học đạo. Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:

– Được gặp Võ Tề đại sư chẳng bằng gặp Phật

Dương phủ hỏi: Phật ở đâu?

Lão tăng bảo rằng: ngươi cứ quay trở về, gặp người nào quấn vải trên người, đi dép ngược là chính Đức Phật đó.

Dương phủ nghe lời quay về, đi đường chẳng gặp ai cả. Về tới nhà, đêm khuya, trời tối, ông gọi cửa. Mẹ ông nghe tiếng con mừng quá, chạy vội ra, quấn vội chiếc mền vào người, đi đôi dép ngược ra mở cửa cho ông. Bấy giờ ông nhìn kỹ, giống như hình dáng Đức Phật mà lão tăng đã mô tả.

Từ đó, ông mới hiểu ra rằng: Phật chẳng ở đâu xa mà là chính cha mẹ ở trong nhà. Đúng như cha ông ta vẫn nói: “Tu đâu cho bằng tu nhà – Thờ cha kính mẹ mới là đạo con”. Thế nhưng, thói đời thì vẫn thường là: “Bụt nhà không thiêng” hay “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh”. Người ta xem thường những con người đang chung sống với mình. Ít ai nhận ra điều hay, cái đẹp mà những người thân nhất đang cống hiến cho chúng ta. Có khi còn dửng dưng, xem thường và cư xử thiếu kính trọng với những con người đang sống vì chúng ta. Có nhiều người ở ngoài đời thì nhẹ nhàng, tao nhã, lịch sự, về nhà lại gắt gỏng, chửi chồng đánh con hay đánh vợ chửi con. Có nhiều người thì dễ dàng mở miệng khen ngợi hàng xóm láng giếng, kể cả người dưng nước lã, thế mà, người trong gia đình lại suốt ngày cau có, phàn nàn. Có nhiều người luôn nghĩ cách làm vui lòng hàng xóm nhưng lại tàn bạo thô thiển với gia đình dòng tộc. Có nhiều người luôn tỏ ra đáng yêu trước người dưng nước lã, nhưng lại đáng ghét với người thân họ hàng.Họ chính là những người dại khờ mà cha ông ta bảo rằng: “khôn nhà dại chợ”, hay “làm phúc nơi nao để cầu cao rách nát”.

Đó cũng là thái độ của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ đã vấp phạm với Chúa. Vì họ quá biết về gốc gác, gia cảnh của Chúa. Con bác thợ mộc và bà Maria đang chung sống giữa họ. Đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Chúa Giêsu. Dù rằng họ thán phục về tài ăn nói lưu loát của Chúa. Dù rằng họ thán phục vì sự hiểu biết Kinh Thánh của Chúa. Dù rằng họ đã chứng kiến biết bao phép lạ mà Chúa đã làm để cứu chữa các bệnh nhân khỏi đau khổ bệnh tật và khỏi cái chết đã định. Nhưng vì sự kiêu ngạo, cố chấp, dân Do Thái đã không chấp nhận một vì Thiên Chúa quá giản dị như Giêsu con của bác thợ mộc thành Nagiarét. Đối với một dân tộc đã từng tự hào có Thiên Chúa ở cùng. Có cánh tay quyền năng của Chúa đã giúp họ đánh bại quân thù. Tâm trí họ chỉ trông đợi một Đấng Messia oai hùng, Đấng sẽ đến trị vì muôn nước và sẽ giúp họ làm bá chủ hoàn cầu. Chính vì lẽ đó, người đồng hương đã không nhận ra Chúa là Đấng Messia và còn có những lời nói, cử chỉ bất kính. Với thái độ cực đoan đó, Chúa Giêsu đã vạch trần tâm ý của họ với một lời thật xót xa “Không một tiên tri nào được kính trọng tại quê hương mình”.

Đó là cách cư xử bất công của con người ngày hôm qua cũng như hôm nay. Họ đánh giá nhau theo định kiến có sẵn trong đầu. Đôi khi còn bị ác cảm, yên trí về địa vị, gia tộc và quá khứ của một người, khiến chúng ta đánh giá sai lệch và nông cạn về nhau. Thực tế là vậy, khi chúng ta đã không có cái nhìn khách quan sẽ dẫn đến những nhận định bất công và thiếu trung thực. Vì “Yêu ai thì nói quá ưa – Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”. Người tốt hay xấu tùy thuộc vào cái nhìn của chúng ta. Có người ở đây được coi là xấu, ở nơi khác lại được đánh giá là tốt. Có người ở nhà được coi là vô tích sự nhưng ở ngoài lại hoạt bát nhanh nhẹn. Có người ở đây được tán thưởng, ngợi khen, về nhà bị khinh bỉ, xem thường.

Phải chăng Lời Chúa hôm nay là lời nhắc nhở về thái độ vô ơn và bất cập của chúng ta? Tại sao chúng ta không khuyến khích nhau vươn lên thay vì kèn cựa và nói hành nói xấu lẫn nhau? Tại sao chúng ta không có cái nhìn cái tốt về nhau để sống vui tươi lạc quan, thay cho cái nhìn thiển cận và thiếu yêu thương chỉ dẫn đến đau buồn và thất vọng? Xin Chúa giúp chúng ta đủ khôn ngoan nhận ra giá trị lớn lao của nhau, để có thái độ tôn trọng và tri ân. Xin Chúa ban cho chúng ta một tâm hồn rộng mở và giầu lòng quảng đại để chúng ta đón nhận nhau trong yêu thương, và nhất là biết đối xử tốt với nhau khi còn đang sống bên nhau, đừng để thời gian trôi qua trong sự tiếc nuối xót xa… vì mình đã không một lần đối xử tốt với những người thân yêu mà nay đã không còn. Amen.

Lm Jos. Tạ Duy Tuyền

 

BẬC THANG GIÁ TRỊ

Một người thù ghét chủ tiệm buôn lớn, đã lợi dụng sơ hở của chủ nhân nên lẻn vào cửa tiệm giữa đêm khuya để tìm cách phá hoại.

Thấy trong cửa hàng có một chiếc TV ghi giá 10 triệu đồng, gần đó có một thùng rác ghi giá 50.000 đồng. Người đột nhập gỡ miếng giấy ghi giá 10 triệu ở TV gắn vào thùng rác và gỡ miếng giấy ghi giá 50.000 đồng ở thùng rác dán vào TV. Thế là chiếc TV mắc tiền bị hạ giá, chỉ đáng 50.000 đồng trong khi thùng rác hèn hạ được nâng giá lên 10 triệu đồng và y tiếp tục thực hiện như thế với những món hàng khác.

Hành động quái ác nầy khiến khách hàng không thể nhận ra đâu là giá trị đích thực của các món hàng nên có thể mua lầm một cách tai hại. (Phỏng theo mẩu chuyện của Frère Phong).

 

Giá trị con người hôm nay cũng bị đảo lộn như thế.

Một số người đánh giá thấp những người nghèo nhưng có tâm hồn cao đẹp, có phẩm chất cao quý… trong khi đó lại đánh giá cao những người thiếu phẩm chất đạo đức mà chỉ có bộ cánh hào nhoáng bên ngoài, có xe sang, nhà lớn…

Nhiều bạn trẻ nông nổi hôm nay tôn những diễn viên ăn mặc lố lăng, phong cách quái đản, đầu óc và tâm hồn rỗng tuếch… lên làm thần tượng, mà không biết quý trọng những người khôn ngoan và đạo đức…

 

Qua Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô cho thấy người dân thành Na-da-rét cũng đánh giá Chúa Giê-su theo nhãn quan đó.

Mặc dù danh tiếng Chúa Giê-su đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều bệnh nhân và nhờ những phép lạ Ngài làm, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giê-su, nhìn đến anh chị em họ hàng của Ngài thuộc hàng dân dã, và ngay cả bản thân Ngài trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng, nên họ không còn quý trọng và đặt niềm tin vào Ngài (Mc 6,3).

Thế là Chúa Giê-su chẳng làm phép lạ nào tại Na-da-rét (Mc 6, 5) cho người đồng hương. Ngài rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi khác.

Tiếc thay, vì đánh giá Chúa Giê-su theo dáng vẻ bên ngoài mà không dựa vào phẩm chất của Ngài nên dân làng Na-da-rét đã không tôn trọng Chúa Giê-su và đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Ngài ưu ái dành cho họ.

 

Trong xã hội hôm nay cũng thế. Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên giới trẻ ngày nay cố tạo cho mình có “lớp sơn” hào nhoáng bên ngoài, tranh đua ăn mặc cho hợp thời trang, lôi cuốn… còn đầu óc, trái tim và tâm hồn thì trống rỗng.

Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên nhiều người sẵn sàng hiến thân làm nô lệ cho tiền bạc, cố tìm cách trở nên giàu sang bằng mọi giá, cho dù phải bán rẻ lương tâm, danh dự và ngay cả thân xác mình!

Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên người ta đánh giá con người dựa theo số lượng của cải mà người đó sở hữu chứ không dựa vào phẩm chất cao đẹp bên trong.

Trước thực trạng đó, Công Đồng Vaticano II nhắc nhở mọi người: “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người."

 

Lạy Chúa Giê-su,

Xin giúp chúng con biết thẩm định giá trị con người dựa vào phẩm chất của họ, chứ không phải dựa vào những thứ “bao bì”, vỏ bọc bên ngoài.

Và xin cho nhân loại hôm nay biết nhận ra đâu là giá trị tinh thần cao quý đáng theo đuổi suốt đời và đâu là điều xa hoa phù phiếm không nên quyến luyến ham mê. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

TIN MỪNG CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN. Mác-cô 6, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Đến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

KHI TÔI YẾU, CHÍNH LÀ LÚC TÔI MẠNH

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (6,1-6)

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

“Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”

Cả ba thánh sử Mátthêu, Luca và Máccô đều thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu trở về quê nhà và bị những người đồng hương, thậm chí những người họ hàng thân thiết coi thường. Lý do vì Người từng sống giữa họ với một cuộc sống thật giản dị tại Nadarét, quê hương của Người, và dân làng ai cũng biết Người!

Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi tìm mọi cách để đến gần với con người. Người mong chờ con người mở rộng lòng và tin tưởng vào Người, nhưng Người chỉ gặp sự khước từ và hoài nghi khiến cho: “Người lấy làm lạ vì họ không tin”.

Suốt ba năm rao giảng Tin mừng, không phải lúc nào Chúa Giêsu cũng được mọi người tin nhận, nhất là những người nắm rõ luật Chúa và giữ luật nghiêm ngặt như giới Pharisiêu và luật sĩ, thậm chí các tông đồ cũng có lúc bị Chúa khiển trách là “cứng lòng, kém tin”. Hơn hai ngàn năm sau, trong thời đại chúng ta, tình trạng không tín ngưỡng, không tin vào Thiên Chúa vẫn còn! Có biết bao nhiêu phụ huynh đã tận tâm giáo dục con cái mình theo đạo Chúa, trong tinh thần Giáo Hội. Thế nhưng, hôm nay, con cháu họ không còn tin vào Thiên Chúa hoặc không còn giữ đạo nữa! Chúng ta thấy rằng chính Chúa Giêsu đã giảng dạy, đã làm những phép lạ, nhưng Người không thể làm cho dân làng của Người và ngay trong chính họ hàng thân thuộc tin vào Người, dù rằng họ vẫn tưởng rằng họ biết rất rõ về Người.

Cả ba bài đọc hôm nay đều nói về “linh đạo của sự thất bại”, đó là nhận biết sự bất toàn của mình và dám đi vào thất bại để qua đó mọi người nhận biết quyền năng của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tiên tri Êdêkien được Chúa sai đến nói lời của Người với một dân “lòng chai dạ đá, phản nghịch và chống lại Thiên Chúa”. Dù ông có thể thất bại vì họ có thể không nghe lời ông, nhưng họ sẽ được nhận biết có một ngôn sứ đang ở giữa họ. Trong bài đọc II, thánh Phaolô lại vui mừng và tự hào về những yếu đuối của mình, vì nhờ đó mà sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong ngài. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu không vì sự thất bại nơi quê hương mà từ bỏ sứ mạng của mình. Trái lại, vì sự cứng lòng tin của những người đồng hương mà các làng chung quanh được nghe Người rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa.

“Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (c. 10). Điều này phải trở thành nguyên tắc cho những ai muốn làm việc tông đồ. Họ không hãnh diện về những tài năng mình có, cũng không nhát đảm vì mình yếu đuối, bởi họ biết phải cậy trông vào ai để thi hành sứ mạng Chúa trao phó. Vì như lời Chúa Giêsu nói với vị tông đồ: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (c. 9). Như thế, chính ơn Chúa cứu rỗi chứ không phải do công lênh hay cố gắng của con người!

Khi kể lại việc thất bại của Chúa Giêsu tại Nadarét, thánh sử Máccô nghĩ đến Giáo Hội, đến mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa vẫn đang còn tiếp diễn, mà chỉ với con mắt đức tin người ta mới nhận ra được tầm quan trọng của nó. Ngày xưa, dân làng Nadarét khinh thường Chúa Giêsu, hôm nay, vẫn còn những nhóm Kitô hữu tỏ thái độ chống lại một số lập trường của Giáo Hội khi họ tuyên bố chỉ tin vào Chúa chứ không tin vào Giáo Hội!

Bản chất của Giáo Hội là Thánh nhưng gồm những con người tội lỗi, yếu đuối và đầy giới hạn. Tuy vậy, Chúa vẫn luôn nói với chúng ta qua Giáo Hội. Người tiếp tục công trình của Người qua con người, qua những người mà chúng ta quen biết, có khi quá quen biết. Nếu việc thiếu đức tin của dân làng Nadarét làm cho Chúa Giêsu ngạc nhiên và bị xúc phạm, thì phải chăng Giáo Hội hôm nay vẫn còn bị tê liệt bởi sự thiếu đức tin hoặc sự cứng lòng tin của chính những người ở trong Giáo Hội chăng?

Trong mỗi thời đại, Chúa đều gửi đến các ngôn sứ loan báo lời Người. Ngày xưa, có các ngôn sứ như Êdêkien hay tông đồ Phaolô. Ngày nay chúng ta cũng có những vị “ngôn sứ” như mục sư Martin Luther King, Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, v.v... Các ngài đã không vì sợ những người có quyền thế hay búa rìu dư luận mà im lặng, nhưng đã lên tiếng chống lại bất công, lên án chiến tranh, bạo lực để bảo vệ những người bé nhỏ bị áp bức. Nhưng những lời nói của họ chỉ được đáp lại bằng những phản ứng thù nghịch, chống đối. Nếu họ khuyên sống chung thủy trong đời sống vợ chồng để tránh bệnh Siđa, họ lại bị dân chúng lên án. Nếu họ kêu: “Hãy ngừng mọi bạo động!”, người ta lại ám sát họ. Nếu họ mạnh dạn tố cáo bất công xã hội, nhất là đối với những người nghèo, vô gia cư, người ta lại tìm cách bịt miệng họ!

Chúng ta luôn cần đến các ngôn sứ của Chúa, nhất là trong thời đại hôm nay, mặc dù đôi lúc các vị ấy khiến chúng ta cảm thấy phiền hà, khó chịu. Họ nhắc nhở chúng ta những gì Tin Mừng truyền dạy, về luật Chúa và luật con người. Trong xã hội hôm nay, nơi những bạo lực, bất công ngự trị, nhân quyền bị vi phạm, chúng ta cần lắng nghe các ngôn sứ nhắc nhở chúng ta về tình thương yêu qua từng chặng đường của cuộc đời. 

Ước gì chúng ta biết lắng nghe và đón nhận các thông điệp mà Chúa gửi đến qua trung gian của những người thân quen của chúng ta, ngay cả qua trung gian của những người bé mọn và nơi các trẻ thơ.

* Để nghe trên Youtube:

https://youtu.be/yPIhylISwq0

 

ĐƯỜNG ĐẾN TỰ DO

“Khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay!”.

Một nhà ẩn tu nói, “Bạn muốn tự do? Muốn thực sự khám phá nó? Chắc chắn là bạn muốn! Nhưng điều đó có ý nghĩa gì; và làm thế nào để có được nó? Hãy kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh!’. Hãy sống một đời sống chay tịnh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Để tự do, hãy sống một đời sống chay tịnh!”. Thoạt tiên, liên kết này có vẻ lạ thường; nhưng quả vậy, chay tịnh là phương tiện giúp đào sâu đức tin và là ‘đường đến tự do’ đích thực! Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đồng tình với nhà ẩn tu.

Chay tịnh có một vị trí nhất định trong đời sống thiêng liêng; bởi lẽ, nó tạo ra một cơn đói triền miên, đói Thiên Chúa! Mục đích của chay tịnh là “kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh’”, nâng cao một điều tốt tự nhiên, giúp tâm hồn thanh thoát, để nhạy bén hơn với những gì siêu nhiên, những gì thuộc về Thánh Thần. Chay tịnh là sự im lặng của xác thịt giúp cho sự khao khát thiêng liêng trở nên mãnh liệt hơn. Vì thế, khi tự do từ chối bản thân, bạn sẵn sàng mở lòng mình ra như một bầu rượu vốn sẽ không rạn nứt khi Thiên Chúa đổ vào đó rượu mới Thánh Thần của Ngài.

Tự do đích thực là tự do thoát khỏi những ràng buộc của ích kỷ hay khuynh hướng xấu để sống trong niềm vui với Thiên Chúa, niềm vui sống gần Thiên Chúa, như được ‘Chàng Rể’ luôn ở kề bên. Đó là niềm vui thiên đàng, niềm vui đời đời. Như thế, chay tịnh, ‘đường đến tự do’ giục giã bạn “kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh’”, vượt qua những ham muốn xác thịt để phó mình cho Thánh Thần.

Trong cuộc sống, có những lúc “Chàng Rể bị đem đi”. Đó là lúc chúng ta cảm nhận sự vắng bóng Chúa Kitô. Điều này có thể xảy đến do tội lỗi; cũng có thể đến khi chúng ta ngày càng đến gần Chúa hơn. Bấy giờ, chay tịnh có một vai trò quan trọng! Tại sao? Trước hết, chay tịnh giúp giải phóng những ràng buộc tội lỗi, củng cố ý chí, thanh lọc những lăng loàn. Trường hợp thứ hai, khi chúng ta đang tiến rất gần Chúa Kitô - Đấng che giấu sự hiện diện của chính Ngài - để chúng ta biết tìm Ngài nhiều hơn. Trong trường hợp này, chay tịnh trở thành phương tiện giúp đào sâu đức tin và sự cam kết.

Anh Chị em,

“Khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay!”. Việc chay tịnh các môn đệ đã sống, Giáo Hội và chúng ta đang sống là phương tiện hiệp nhất chúng ta với Chúa Kitô đau khổ. Như vậy, việc từ bỏ bản thân để làm theo ý Thiên Chúa chính là tham dự vào Sự Cứu Chuộc của Ngài; đó là ‘đường đến tự do’ đích thực của Phục Sinh vinh hiển! Thiên Chúa phán, “Núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nổng sẽ tuôn chảy” - bài đọc một. Chúa là Đấng sẽ trả lại gấp bội cho ai biết mở lòng trở về với Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn tự do, cho con dám kiêng khem những gì ‘là tốt’, để khát khao những gì ‘là thánh’, chính Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Subcategories