3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

ĐI RA TRONG ÁNH SÁNG - Thứ Hai Tuần 2 PS

“Nicôđêmô, một đầu mục của người Do Thái; ông đến gặp Chúa Giêsu ban đêm”.

Một ngọn hải đăng thật cần thiết trong việc soi dẫn tàu thuyền ở các vịnh, bãi cạn hay các lối vào cảng. Một trong những hải đăng nổi tiếng nhất là ngọn “Hải Đăng Alexandria”; xây từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, tồn tại đến thế kỷ 15, ở Alexandria, Ai Cập; và là kỳ quan của thế giới cổ đại.

Kính thưa Anh Chị em,

Ai Cập có một hải đăng 18 thế kỷ tuổi; nhưng nhân loại có một hải đăng ‘vô cùng tuổi’, chiếu sáng thế giới cổ đại lẫn hiện đại, ‘Hải Đăng Giêsu’. ‘Hải Đăng’ ấy không chỉ soi rọi trên biển Hồng Trần mà còn dẫn con người vào cảng cực lạc Thiên Quốc. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho thấy một người đến gần ‘Hải Đăng Giêsu’. Chi tiết thú vị của ‘cuộc tiếp cận’ ấy là vị khách đến vào ban đêm, một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa; và người ấy đã ‘đi ra trong ánh sáng’ sau khi gặp Ngài!

Tin Mừng Gioan là ‘Tin Mừng của những biểu tượng’. Nicôđêmô đến vào “ban đêm”, theo thánh Augustinô, vì lẽ ông chưa được sinh lại hoàn toàn và do đó, chưa sống trọn vẹn dưới ánh sáng đức tin; nói cách khác, chưa ‘đi ra trong ánh sáng’ Giêsu. Tiến trình đức tin của Nicôđêmô là tiến trình ‘đến với ánh sáng’; đúng hơn, tiến trình được tái sinh trong nước và Thánh Thần. Thoạt đầu, ông sợ hãi, hiểu biết của ông về Ngài còn rất ít; nhưng sau khi gặp Ngài, ông giác ngộ, trở nên mạnh mẽ. Về sau, ông mạnh dạn bênh vực Ngài; Ngài chết, ông công khai trợ táng. Nicôđêmô đã ‘đi ra trong ánh sáng’, ‘được sinh lại’ bởi nước và Thánh Thần; và ông theo Chúa Giêsu đến cùng.

Thật trùng hợp, Phêrô và Gioan trong bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay đi ra từ ngục tối và hân hoan bước đi trong quyền năng và sức mạnh của Đấng Phục Sinh; hai ngài đã ‘đi ra trong ánh sáng’ và Thánh Thần để can đảm bênh vực niềm tin vào Đấng các ngài cậy trông. Thánh Vịnh đáp ca tỏ bày niềm phấn khích, “Phúc cho tất cả những ai tin tưởng nơi Chúa”.

Nicôđêmô là một tấm gương tuyệt vời cho chúng ta trong thế giới hôm nay. Nhiều Kitô hữu cảm thấy việc sống đức tin một cách triệt để, đặc biệt trong môi trường làm việc, học đường và các cộng đồng… là một thách đố. Như Nicôđêmô, nhiều người cảm thấy dễ dàng hơn khi đến với Chúa Giêsu “ban đêm”; thế mà, dẫu đã đến với Ngài theo cách này, họ vẫn không bước ‘đi trong ánh sáng!’. Tại sao? Họ không muốn để mình được biến đổi; nói đúng hơn, được sinh lại bởi trên.

Anh Chị em,

‘Đi ra trong ánh sáng’ đồng nghĩa với việc sống trong ánh sáng, trong Thần Khí. ‘Đi ra trong ánh sáng’ là sống đời sống mới mà Chúa Phục Sinh mang lại. Thánh Phaolô nói, “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng”. Hãy để Thánh Linh đi vào bên trong bạn, dẫn dắt linh hồn bạn, dẫn đến nơi Ngài muốn. Thông thường, chúng ta chùn chân, sợ hãi, như Nicôđêmô trước đó; chúng ta không biết phải đi những bước tiếp theo, không biết phải làm gì để thực hiện những bước quan trọng này. Hãy học gương can đảm của Nicôđêmô! Như Nicôđêmô, chúng ta ý thức rằng, bước quan trọng là để Thánh Linh dẫn dắt, để Ngài sinh chúng ta một lần nữa; và với sự tự do của Thần Khí, chúng ta không biết nó sẽ kết thúc ở đâu, vì “gió muốn thổi đâu thì thổi”, nhưng tin chắc một điều, chúng ta đã ‘đi ra trong ánh sáng’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con luôn sống như con cái ánh sáng, hầu nhân loại biết rằng, “Hải Đăng Giêsu” đang sống, đang chiếu soi họ, chiếu soi thế giới!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

BÍ TÍCH THA TỘI - BÍ TÍCH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Ơn tha thứ khắc sâu khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa. Nó cần thiết để mang con người đến gần Thiên Chúa, mỗi khi con người sa ngã, lỗi phạm.

Chúa Giêsu biết rõ sự cần thiết này, nên vừa phục sinh, ngay sau khi trao ban một chuỗi đầy nghĩa xót thương: ơn bình an, ơn nối tiếp sứ mạng truyền giáo, ơn Chúa Thánh Thần, lập tức Đấng Phục Sinh ban ơn tha thứ:

“Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!’. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em’”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 19-22).

Nhận sứ mạng và kho tàng ơn tha thứ từ Chúa Kitô, Hội Thánh có nhiều hình thức khác nhau, giúp các tội nhân ăn năn tội lỗi của mình: nghi thức sám hối trong Thánh lễ, các cuộc hành hương, các việc làm bác ái, ăn chay hãm mình…

  1. BÍ TÍCH THA TỘI VÀ SỨ MẠNG HỘI THÁNH.

Tuy nhiên, “không có hành vi nào có ý nghĩa hơn, có hiệu quả thần linh hơn hay cao quý hơn, và đồng thời xét như là nghi thức, lại gần tầm tay cho bằng Bí tích Hòa giải” (Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 28).

Ý thức tầm quan trọng và cần thiết của bí tích xót thương ấy, Hội Thánh nhấn mạnh: “Những ai đến nhận lãnh Bí tích Hòa Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời, họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nghiệm để hoán cải họ” (Lumen Gentium số 11).

Tin lời Chúa của mình bảo đảm: Hết thảy những gì Hội Thánh dưới đất thực hiện đối với tội lỗi và tội nhân, thì cũng được Thiên Chúa chuẩn nhận: "Dưới đất các con tháo cởi cho ai, trên trời cũng tháo cởi" (Ga 20, 22), Hội Thánh luôn công bố ơn tha tội, mời gọi từng người con của mình siêng năng lãnh nhận bí tích tha tội, đồng thời sẵn sàng để được thực thi sứ mạng tha thứ trên tất mọi con người.

Khi sung sướng trao ban ơn tha thứ cho từng hối nhân, Hội Thánh cũng muốn công bố cho toàn thế giới về LÒNG XÓT THƯƠNG THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA là cao cả, lớn lao, lớn đến không có bất cứ bến bờ nào. Lòng thương xót ấy luôn mời gọi để được trao ban, luôn chờ đợi để được đáp trả, luôn sẵn sàng để được cống hiến, luôn thổn thức nếu bị làm ngơ ngoảnh mặt.

Khi sung sướng trao ban ơn tha thứ cho từng hối nhân, Hội Thánh dạy họ biết, chính Thiên Chúa dẫn đưa những người được cứu độ đến với Hội Thánh (x.Cv 2, 47) và mỗi hối nhân là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa. Từng người trong cộng đoàn Hội Thánh đã được lòng thương xót của Chúa triệu tập. Hội Thánh vừa là cộng đoàn đã được thương xót, vừa là dụng cụ của lòng thương xót.

Khi sung sướng trao ban ơn tha thứ cho từng hối nhân, Hội Thánh mang sứ mạng tha thứ không ngừng, tha thứ vô cùng. Qua đó dạy cộng đoàn gồm tất cả con cái mình cũng tha thứ cho nhau cách quảng đại, nhân ái, đầy lòng thương xót như Chúa của mình từng đòi hỏi: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22).

  1. HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH LÒNG THƯƠNG XÓT.

Bởi là bí tích của lòng thương xót, bí tích tha tội:

- Là phương thức hiệu quả nhất để chuyển tình yêu tha thứ của Thiên Chúa từ cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu đến với phận người tội lỗi. Nhờ đó, tội nhân thực sự giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Đức Phanxicô khẳng định điều đó trong Tông sắc Misericordiae Vultus – Dung mạo Lòng Thương xót:

“Nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài, tình yêu xóa bỏ tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa trở nên khả thi nhờ mầu nhiệm Vượt qua và qua trung gian của Giáo Hội. Thiên Chúa luôn sẵn sàng để thương xót, và không bao giờ mệt mỏi trong việc thương xót với những cách thức mới mẻ và bất ngờ” (số 22).

- Là cầu nối của lòng thương xót. Bởi bí tích thiêng liêng ấy không những giúp ta “phục hồi trong ơn nghĩa Chúa và liên kết với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1468), mà còn là cơ hội để ta “tái tạo sự hiệp thông huynh đệ, mà tội lỗi làm tiêu hao hay cắt đứt” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1469). Bí tích của lòng thương xót còn là cầu nối vì là nguồn ban ân sủng hữu hiệu giúp ta tìm về với chính mình, để càng nâng cao sự giao hòa giữa mình cùng Thiên Chúa, cùng muôn loài xung quanh.

- Là sức mạnh tẩy xóa mọi vết nhơ do tội gây ra, giúp ta can đảm chống lại chúng. “Nhờ Bí tích Hòa giải, Thiên Chúa thứ tha tội lỗi, những tội ấy hoàn toàn bị xóa bỏ; tuy nhiên, vẫn còn đó những dấu vết xấu xa do tội lỗi để lại trong lối hành xử và cách suy nghĩ của chúng ta. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn. Lòng thương xót trở thành những ân xá của Chúa Cha, qua trung gian Hiền thê của Đức Kitô, được ban cho tội nhân vừa lãnh ơn giao hòa, sẽ giải gỡ người ấy khỏi tất cả những hậu quả của tội lỗi, để có thể hành động với đức ái và lớn lên trong tình yêu, hơn là lại rơi vào tội lỗi” (Misericordiae Vultus, số 22). 

Hơn ai hết, hiểu biết sâu xa tầm quan trọng và tính thiêng liêng của bí tích tha tội trong hành trình đời sống Đức tin của mình, nhất là ý thức luôn luôn về Lòng thương xót, tất cả chúng ta tìm về với lòng thương xót của Thiên Chúa, tìm về với tình yêu Chúa Kitô ngang qua việc xưng thú tội lỗi. Nhờ đó, mỗi người trở nên khí cụ đắc lực của Lòng Thương xót cho tha nhân và thế giới.

Đó cũng chính là điều mà thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nhắn nhủ: “Anh chị em hãy cùng hướng về trái tim Đức Kitô, dấu chứng hùng hồn của lòng thương xót Thiên Chúa, của lễ đền tội chúng ta, niềm bình an và hòa giải của chúng ta, hầu kín múc nơi đó sức mạnh nội tâm dẫn đưa chúng ta ra khỏi tội lỗi và quy hướng chúng ta về Thiên Chúa, đồng thời tìm thấy nơi đó lòng nhân ái của Thiên Chúa như lời đáp trả thân tình cho hối nhân" (Reconciliatio et Paenitentia – Hòa giải và Sám hối, số 35).

III. CHÚNG TA LÃNH NHẬN BÍ TÍCH XÓT THƯƠNG.

Mỗi lần đến với tòa cáo giải, là mỗi lần tâm hồn ta chạm đến Lòng Nhân Từ xót thương và tha thứ của Thiên Chúa. Ngang qua bí tích của lòng xót thương này, Chúa ban cho ta sự bình an trong tâm hồn.

Nơi Chúa Giêsu, trong tình thương hiệp nhất với Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần chỉnh trang lại, làm mới lại, tô điểm lại và làm cho mạnh mẽ cả nội tâm và trọn linh hồn ta. Chính trong ơn tha thứ của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần biến đổi ta thành người mới, con người đã được phục sinh cùng với Chúa Kitô.

Trở về với Chúa trong ơn tha thứ, chúng ta còn được trở về với nguồn sự sống, có Chúa là Đấng vẫn hằng chờ đợi để có dịp bày tỏ sự yêu thương, sự âu yếm, sự quan phòng rất mực của Người.

Hãy nhớ, lòng Thiên Chúa chứa đầy yêu thương. Thiên Chúa đã yêu. Mãi mãi cứ yêu. Ngàn đời tình yêu Thiên Chúa vẫn không cùng. Vì thế, nơi tòa cáo giải, ta sẽ gặp gỡ Chúa Kitô của sự sống, của tình yêu tha thứ, của ơn phục sinh tuôn trào.

Nơi tòa cáo giải ấy, vừa khắc sâu tình yêu của Thiên Chúa, vừa bộc lộ đến vô cùng tình yêu chan chứa, chứa đầy trong Trái Tim Thiên Chúa qua hình tượng của Chúa Giêsu chết và sống lại vì ta.

Vì thế, càng thấy mình nhiều tội lỗi, anh chị em hãy càng nhanh chân chạy đến tòa cáo giải. Bất cứ ai chạy trốn bí tích xót thương đã lâu, hãy nhớ, một khi quyết tâm xưng thú tội mình, sẽ càng làm cho Thiên Chúa hạnh phúc, càng dễ dàng lôi kéo lòng thương xót của Thiên Chúa hơn, càng được Chúa dễ dàng trao bình an để tâm hồn họ khỏe mạnh hơn, vui sống hơn, tràn ngập ơn Chúa hơn.

Hãy nhớ lời Chúa Giêsu, nhờ đó ta càng có động lực để thường xuyên tìm đến bí tích của lòng xót thương không bao giờ vơi cạn: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải" (Lc 15, 6).

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ CÓ THỂ TƯỞNG TƯỢNG - Thứ Sáu Tuần Bát Nhật PS A

“Hãy đến mà ăn!”.

Pascal nói, “Điểm phân biệt lớn nhất về sự toàn năng của Thiên Chúa, là khi nghĩ về nó, trí tưởng tượng của con người sẽ không còn! Ngài luôn ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng thực điều Pascal nói. Với Chúa Phục Sinh, mọi sự có thể bắt đầu lại, có thể được phục hồi, kể cả đổ vỡ, phản bội và thất bại. Mọi sự trở nên mới mẻ! Với Ngài, mọi sự đều có thể cho Phêrô, cho các môn đệ, luôn luôn ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’.

Khi ai đó ở trong một tâm trạng xót xa, họ có xu hướng trở lại với nếp cũ hầu khôi phục sự tự tin và giá trị bản thân. Với Phêrô, nếp cũ là đánh cá, vì vậy ông ra biển, rủ các bạn cùng đi. Họ cũng là những người cảm thấy có lỗi vì đã bỏ Thầy trong cuộc thương khó và có lẽ do sự cắn rứt lương tâm nên họ dễ dàng nhập cuộc với Phêrô. Vậy mà nhóm bạn chài đáng thương ấy thật may mắn, họ gặp lại Thầy mình, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’. Ngài sẽ băng bó và chữa lành những trái tim thương tổn của họ, dẫu họ chưa nhận ra Ngài.

Chúa Phục Sinh hiện ra, truyền cho họ buông chài bên phải mạn thuyền và họ đã bắt được rất nhiều cá. Mẻ cá này không chỉ là ân huệ sau một đêm công cốc; nó mang tính biểu tượng cao! Biểu tượng trọng tâm là Đấng Phục Sinh đang ở với họ, giữa thất bại, ‘giữa nếp cũ, nhưng đánh bắt theo cách mới’. Gioan nói, “Chúa đó!”; Ngài thầm nhắc họ sứ mệnh ban đầu, “Lưới người như lưới cá!”. Và điều quan trọng, nếu họ tự sức làm điều này bằng nỗ lực của mình theo ‘nếp cũ’, họ sẽ trắng tay; nhưng làm theo ‘cách mới’, tức là ‘theo lệnh, theo cách Ngài’, ‘trong thời gian của Ngài’, nỗ lực của họ sẽ mang lại thành quả, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một bằng chứng. Trước thượng hội đồng, Phêrô tuyên bố những lý chứng hùng hồn nhất. Giêsu, “Tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Ngài, không ai đem lại ơn cứu độ!”, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca. 

Tin Mừng nói, “Bước lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Ôi! Với Phêrô, lại là một biểu tượng! Những ánh lửa của đêm nào sống lại trong ông, lửa phản bội, lửa chối Thầy; nhưng nay, lửa xót thương, lửa thứ tha! Trong đêm khổ nạn của Thầy, khi đang sưởi bên bếp lửa hồng, ông đã nói, “Tôi không biết người ấy!”; nhưng giờ đây, cũng bên bếp lửa hồng, ‘Người Ấy’ lại nói với ông và các bạn, “Hãy đến mà ăn!”. Sao mà thâm trầm đến thế, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng’; bởi lẽ, nó gợi lên những lời của đêm Tiệc Ly, lời từ các phép lạ bánh cá hoá nhiều, lời của các bữa ăn thắm tình Thầy, đượm tình trò.

Anh chị em,

“Hãy đến mà ăn!”. Chúa Phục Sinh mời tất cả chúng ta “Hãy đến mà ăn!”, đến dự bữa tiệc thịnh soạn của lòng thương xót Ngài. Lịch sử của Phêrô, của các môn đệ, cũng là lịch sử của mỗi người chúng ta. Không phải lúc nào chúng ta cũng trung tín, chân thực; ở đó có cả bất trung, bội tín, thậm chí bán Thầy. Vậy mà Chúa Phục Sinh quên hết! Lòng nhân hậu và xót thương của Ngài bù đắp mọi vong ân bội nghĩa, kể cả sự dữ; đến nỗi, như Gioan viết, “Không ai dám hỏi, ‘Ông là ai?’”. Ba năm nhìn thấy Thầy yêu thương bao người khốn khổ đã giúp họ nhận biết Ngài là Đấng Xót Thương; và nay Ngài thương xót chính họ! Ước gì bạn và tôi, cũng biết Ngài bằng chính danh xưng Thương Xót đó; và về sau, biết yêu mến Ngài như Phêrô yêu Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, ân sủng phục sinh không chỉ kết thúc với việc con được tha thứ; nó kết thúc với việc trái tim con được biến đổi ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

GIỮ CHO LỬA NỒNG NÀN - Thứ Bảy Tuần Bát Nhật PS A

“Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

Trong cuốn “Leadership”, “Thuật Lãnh Đạo”, Vance Havner viết, “Hãy để cuộc sống bạn toả sáng; không phải với ánh chớp loé sáng mà là với ngọn lửa nồng nàn! Thiên Chúa thích các vì sao hơn sao chổi; Ngài thích ngọn nến ‘giữ cho lửa nồng nàn’ hơn là một pháo sáng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thiên Chúa thích ngọn nến ‘giữ cho lửa nồng nàn!’”. Tin Mừng hôm nay chứng tỏ điều đó. Tóm tắt các sự kiện chung quanh sự phục sinh của Chúa Giêsu; và ngay đến ‘phần kết dài hơn’ của mình, Marcô tiếp tục gay gắt với các tông đồ, “Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng”. Tất nhiên, không chỉ các tông đồ, mà cả chúng ta, cần có một con tim ‘giữ cho lửa nồng nàn!’.

Dù được Thầy báo trước về cuộc khổ nạn và cả sự sống lại của Ngài, các tông đồ vẫn không tin việc Ngài đã phục sinh, hoặc có tin, cũng nửa vời! Maria Mađalêna, một nhân chứng rất đáng tin; hai môn đệ Emmaus hầu chắc đã nói sự thật. Bonagura Jr. nhận xét, “Trong thời đại ngày nay, việc dạy giáo lý kém hoặc nó không còn tồn tại, một nền văn hoá thế tục khắc nghiệt, sự thù địch của công chúng đối với Công Giáo, tổn thương hoặc mất mát, tai tiếng do tội lỗi của các tín hữu, hoặc tội lỗi của chính mình… những điều đó có thể làm lu mờ trí tuệ của chúng ta, khiến chúng ta mất đức tin. Đức tin được ban như ngọn lửa trong tim, mỗi người cần trau dồi nó trong cuộc sống; ‘giữ cho lửa nồng nàn’ trong tim mình mỗi ngày!”.

Cuộc đấu tranh của các tông đồ là cuộc đấu tranh của những ngọn lửa trong tim. Các ngài muốn tin, nhưng không để mình tự do đón nhận sứ điệp Phục Sinh cho đến khi có bằng chứng; đang khi mọi bằng chứng họ cần đều có sẵn! Chúa Phục Sinh thường xuyên mời gọi chúng ta tin Ngài. Quà tặng đức tin chỉ như ngọn lửa nhỏ mà chúng ta thường bất cẩn chường ra trước gió; chính sự bất cẩn này khiến lửa bị dập tắt trước khi kịp bùng lên. Mục tiêu của việc theo Chúa là để lửa ấy rực cháy. Và nó có thể! Bạn hoàn toàn có thể để nó rực cháy đến mức không gì có thể dập tắt. Điều quan trọng cần nhớ là, Chúa Giêsu tiếp tục đi về phía chúng ta cho đến khi bạn và tôi mở mắt! Bài đọc thứ nhất hôm nay là một bằng chứng. Các tông đồ, nguyên là những người từ chối tin, nay, công bố sự Phục Sinh của Thầy với một lòng tin đầy can đảm, “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra!”.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa thích ngọn nến ‘giữ cho lửa nồng nàn!’”. Cách thức gìn giữ ánh nến bên trong này liên quan đến cách thức chúng ta chăm sóc tia lửa vốn đã có ở đó. Để tránh sự bất cẩn, chúng ta cần có một đời sống cầu nguyện vốn là chìa khoá để Chúa lớn lên bên trong; Ngài ở đó, chuyện vãn, mời gọi chúng ta tin. Mỗi khi nghi ngờ, là lúc chúng ta vô tình chường ngọn lửa ấy ra trước gió; mỗi khi tập trung cao độ vào ngọn lửa bằng việc cầu nguyện, chúng ta cho phép nó phát triển. Cầu nguyện, lắng nghe, tin yêu là lối dẫn đến đức tin. Và nếu món quà đức tin ấy được gieo sâu và lớn lên bên trong một trái tim mềm mỏng, chúng ta sẽ nhanh chóng và dễ dàng tin rằng, Chúa Phục Sinh đang sống trong tôi, trong Lời, trong tha nhân, trong các Bí Tích, đặc biệt là Thánh Thể… như một đáp trả, mà không cần ai phải tận mắt nhìn thấy Ngài. Thật ý nghĩa với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho lửa yêu mến đốt mềm trái tim con, biến đổi con, giải thoát con khỏi bất kỳ sự chai lì nào; giúp con ‘giữ cho lửa nồng nàn’, để có thể rực cháy và cháy hết mình!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TRẢI NGHIỆM MỘT NIỀM VUI LẠ THƯỜNG - Thứ Năm Tuần Bát Nhật PS

“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”.

Một ấn phẩm Anh trao giải thưởng cho ai định nghĩa hay nhất về “Một Người Bạn Tốt Nhất”. Trong hàng nghìn câu trả lời nhận được, có những câu sau đây: “Một người hiểu được sự im lặng của bạn”; “Một người đến, khi cả thế giới ra đi”; “Một người nhân lên niềm vui, chia sẻ hạnh phúc, nỗi đau; giúp bạn ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường’ ngay giữa những mất mát!”. Câu trả lời cuối cùng này thu hút sự chú ý của nhiều người nhất!

Kính thưa Anh Chị em,

Như “Một Người Bạn Tốt Nhất”, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xuất hiện đúng lúc cho những người bạn của Ngài. Luca ghi lại một tâm trạng khó tả; một điều gì đó vừa không thể, vừa rất thật, “Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. Họ quá đỗi vui mừng đến mức không thể tin đây là sự thật; đúng hơn, họ chưa chuẩn bị đủ để có thể ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường!’.

Bất cứ một cuộc gặp gỡ nào với Chúa Giêsu đều luôn dẫn đến việc ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường!’. Nó vượt quá sự say mê và phấn khích; nó là một kinh nghiệm rất khác! Các môn đệ vui mừng, nhưng ‘Điều này là không thể!’. Hãy chụp lại ‘cái khung tâm trí’ đẹp đẽ này! “Chưa tin” có nghĩa là không chắc mình phải tin điều gì. Kìa, một Giêsu bị đóng đinh đang đứng trước họ với những hõm sâu còn chưa khô trên thân mình; một Giêsu đang nói với họ và yêu cầu một chút gì đó để ăn. Họ sốc, không tin và không chắc! Nhưng dường như nơi họ, vẫn có một niềm vui đang chực bùng nổ; họ sắp ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường’ với những gì họ đang thấy, nhưng có điều gì đó đang kìm hãm. Tất cả là quá tốt, nhưng không biết, có đúng như vậy không?

Phản ứng của các môn đệ cũng có thể là phản ứng của bạn và tôi. Một đôi khi, được nếm hưởng ân sủng của Chúa, chúng ta vẫn thường do dự! Ở đây, có nhiều lý do. Một trong những lý do khiến chúng ta chần chừ trong việc đón nhận ân sủng cách trọn vẹn chính là sự nản lòng! Các môn đệ vô cùng nản lòng trước cái chết của Thầy; và bây giờ, dù Thầy ở trước mặt, họ vẫn do dự trong việc ‘buông bỏ sự nản lòng’ mà họ đang cố ‘ôm chặt’. Cũng thế, chúng ta dễ dàng để cho sức nặng của thế giới, sức nặng của tội lỗi mình hoặc của người khác ghì xuống; chúng ta tức giận, khó chịu và ủ rũ vì những vấn đề phải đối mặt. Chúng ta ‘ôm chặt’ chúng! Đang khi nhận lấy niềm vui phục sinh có nghĩa là ‘buông bỏ’ sự nản lòng, để chăm chút nhìn vào thực tại Chúa muốn chúng ta tập trung vào. Ngài mời chúng ta nhìn xa hơn để đạt được một điều gì đó vĩ đại hơn; Ngài mời tôi nhìn vào chiến thắng của Ngài để có thể vui mừng.

Phêrô, qua bài đọc hôm nay, hướng niềm vui của đoàn người đang chạy theo ông đến việc ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường’ nơi Đấng mà nhờ quyền năng Ngài, anh què bẩm sinh đi được. Thánh Vịnh đáp ca hân hoan, “Lạy Chúa, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!”.

Anh Chị em,

“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. Giêsu, Đấng chiến thắng sự chết, đang ở với chúng ta. Ngài là “Người Bạn Tốt Nhất” nhân lên niềm vui, “Người Bạn đến, khi cả thế giới ra đi”. Hãy sống chết cho tình bạn siêu việt này! Mỗi ngày, qua Lời và Thánh Thể, chúng ta chia sẻ chính sự sống của Ngài; nhờ đó, bạn và tôi trải nghiệm thiên đàng ngay giữa biển trần đầy lo lắng. Vì thế, hãy sống giây phút hiện tại, thưởng thức nó! Mọi khoảnh khắc là thời điểm đẹp nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất Thiên Chúa cho chúng ta nếm cảm; vì biết rằng, Giêsu, “Người Bạn Tốt Nhất” có thể giúp bạn và tôi ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường’ ngay giữa những mất mát!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin lấy khỏi con những vui thoả ‘tầm thường’; giúp con buông bỏ những gì không cần thiết, hầu con hưởng nếm niềm vui ‘lạ thường’ của Chúa một khi con được biến đổi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories