3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

MỘT CÂU CHUYỆN LỚN HƠN - Thứ Tư Tuần Bát Nhật PS

“Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”.

“Anh trộm bị đóng đinh thủng cả hai tay để không thể làm gì cho Chúa. Một cái đinh xuyên hai bàn chân để anh không thể chạy vặt cho Ngài. Vậy mà Chúa Kitô đã tặng anh món quà cứu rỗi. Ngài ném cho anh tấm hộ chiếu, và anh vào thiên đàng! Câu chuyện tuy gãy gọn, nhưng nó là ‘một câu chuyện lớn hơn’ câu chuyện một đời bôn tẩu của bạn và tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với câu chuyện của người trộm lành, hai bài đọc hôm nay là những câu chuyện thật đẹp! Câu chuyện anh què, người ngồi ăn xin bên cửa đền thờ; câu chuyện thứ hai thú vị hơn, hai môn đệ Emmaus nhận ra danh tính người khách lạ đồng hành! Đó là Đức Kitô Phục Sinh, người kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn!’.

Với anh què, bài đọc thứ nhất mô tả khá chi tiết, “Hằng ngày, anh được khiêng đến cửa đền thờ”; ở đó, anh xin bố thí. Nghĩa là anh hoàn toàn bất lực. Thật tuyệt vời, Phêrô và Gioan, “Nhân danh Giêsu Nazareth”, tặng anh món quà của Ngài để anh có thể rón rén thử đôi chân ‘mới’ và “Cùng hai ngài tiến vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa”. Câu chuyện của anh què chứng tỏ ‘một câu chuyện lớn hơn’ về Chúa Phục Sinh, Đấng Phêrô rao giảng, khiến “3.000 người trở lại”. “Thấy anh què đi, dân chúng ngợi khen Chúa”; và niềm vui của họ vỡ oà qua tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

Câu chuyện thứ hai hấp dẫn hơn. Hai môn đệ thất chí về làng, mọi việc xem ra quá nghiệt ngã! Giêsu, người họ đặt trọn niềm hy vọng, nay chỉ là một cái xác ‘vô hồn’ đang yên nghỉ trong một ngôi mộ ‘vô danh’. Và kìa, một người khách lạ đồng hành, người này có vẻ ‘vô tội’ khi ‘vô tâm’ với những gì đã diễn ra trong mấy ngày qua. Thật dễ thương, người ấy sẵn sàng lắng nghe những gì họ kể; để rồi, trách họ ‘vô tín’, “Ôi kẻ khờ dại! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”. Người ấy kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn’, “Từ Môisen đến tất cả các tiên tri”. Thật hồi hộp với phần kết. Khi gần tới làng, hai người mở lời, “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Để khi ngồi ăn, người ấy “cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận biết Chúa Giêsu”.

Anh Chị em,

“Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”. Tại sao lại buồn bã? Các ông đang ‘mắc kẹt’ với những ‘tai ương và vết thương’ của chính họ; họ thất vọng vì chậm tin vào Thánh Kinh. Augustinô nói, “Họ bối rối khi thấy Ngài bị treo trên thập giá, đến nỗi họ quên mất sự dạy dỗ của Ngài, không tìm kiếm sự phục sinh của Ngài và không mảy may nhớ lại những lời Ngài đã hứa!”. Điều này cũng đúng với bạn và tôi, chúng ta chưa hiểu hết ‘câu chuyện lớn hơn’ của Thiên Chúa. Phía sau cuộc khổ nạn của Con mình, Thiên Chúa chứng tỏ ơn Ngài cứu độ để “dưới gầm trời này chỉ nhờ Đấng ấy mà chúng ta được nhận lãnh hết ơn này đến ơn khác”. Đó là câu chuyện vĩ đại mà Thiên Chúa muốn kể cho chúng ta. Nhân loại đang cần nghe câu chuyện đó và cần được chữa lành nhờ danh Đấng ấy. Ai sẽ kể về Ngài cho thế giới nếu không phải bạn và tôi! Chớ gì mỗi người chúng ta sẽ là bạn đồng hành cho những ai trên ‘đường Emmaus’ đời họ, kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn’ về Giêsu, Đấng Cứu Độ Thế Giới, để mắt họ cũng sáng ra mà ‘quay về phía Mặt Trời’, hầu có thể bước đi trong an bình và niềm vui!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ kể cho Chúa câu chuyện ‘đáng thương’ đời con; Chúa sẽ kể cho con câu chuyện ‘đáng mừng’ về lòng thương xót Ngài. Đến lượt con, con sẽ đồng hành với những ai lạc hướng, kể cho họ ‘câu chuyện lớn hơn’ về Chúa, Đấng cứu độ con, cứu độ thế giới!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

LUÔN MUỐN NHIỀU HƠN - Thứ Ba Tuần Bát Nhật PS

“Đừng động đến Ta!”.

Alexander MacLaren, nhà chú giải Thánh Kinh lỗi lạc Scotland, có lần viết, “Bạn có thể có được Thiên Chúa bao nhiêu tuỳ thích! Chúa Kitô trao chìa khoá kho tàng vào tay bạn, bạn có thể lấy tất cả những gì bạn muốn. Nếu một người được vào kho vàng thỏi của ngân hàng, được phép lấy bao nhiêu tuỳ ý; nhưng anh ấy chỉ lấy một xu, thì lỗi tại ai mà anh ta nghèo? Hãy muốn thật nhiều! Và đừng quên, Chúa Kitô ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Kitô ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho bạn!”. Đó cũng là những gì Ngài muốn cho Maria trong Tin Mừng hôm nay. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cho Maria như một người làm vườn, cô muốn ôm chân Ngài; nhưng Ngài nói, “Đừng động đến Ta!”. Tại sao? Chỉ vì Ngài muốn Maria thay đổi cách nhìn, cách ứng xử với Ngài một cách hoàn toàn khác! Ngài ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho cô!

Maria hết lòng vì Thầy, bằng chứng là sự hiện diện của cô dưới chân thập giá; phải chăng, do lòng thương xót, Ngài đã trục xuất bảy quỷ cho cô! Mặc dù sự gắn bó và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu rất đẹp đẽ và thánh thiện, tuy chưa hoàn thiện, Maria chỉ muốn Thầy Chí Thánh được trả lại cho cô theo cách cô muốn. Vì lý do đó, Chúa Giêsu nói, “Đừng động đến Ta!”.

Khi nói, “Đừng động đến Ta!”, Chúa Giêsu muốn nói với Maria rằng, ‘Mối quan hệ của con với Ta sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thiêng liêng hơn, thiên đàng hơn. Nó không còn ở cấp độ con người! Ta sẽ không chỉ là bạn đồng hành của con; Ta ‘luôn muốn nhiều hơn!’. Ta muốn con yêu Ta “hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn” và Ta sẽ sớm ở trong con và con ở trong Ta. Ta sẽ ngự trong trái tim con, nên một với con, và trở thành Đức Lang Quân của con cho đến đời đời!’. Đây là ‘một cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa trời với đất’, ‘một hiệp thông mầu nhiệm giữa người với Chúa’, ‘một tương quan mới giữa Đấng Cứu Chuộc với tội nhân’ mà ai ai cũng được mời gọi đến chia sẻ. Họ sẽ cùng Ngài ‘xe duyên’; và điều này chỉ có thể xảy ra một khi Chúa Giêsu đã lên trời, ngự bên hữu Cha sau khi hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên dương thế!

“Đừng động đến Ta!”. Sẽ rất bất ngờ khi chúng ta đọc lại những lời này với ý thức rằng, Chúa Giêsu ‘muốn được động đến’ hơn bao giờ hết! Ngài muốn chúng ta ôm chặt Ngài với sự hiểu biết rằng, Ngài đã thực sự lên cùng Cha! Giờ đây, Ngài mời chúng ta dính trết với Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, trong tha nhân. Ngài muốn chúng ta bám lấy Ngài với từng thớ thịt, từng hơi thở của mình; Ngài muốn ở cùng, trở nên mỗi người chúng ta để biến đổi từng người theo cách thức riêng của Ngài. Maria Mađalêna đang tận hưởng vĩnh viễn hạnh phúc này; và quà tặng này cũng đang được trao cho mỗi chúng ta ngay hôm nay chứ không đợi đến mai ngày trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Đừng động đến Ta!”. Chúa Phục Sinh ‘luôn muốn nhiều hơn’, Ngài muốn chúng ta gói lấy “những vàng thỏi”, đừng nhặt “mấy đồng cắc”. Ngài muốn bạn và tôi yêu Ngài hơn từng ngày, tha thiết hơn từng giờ; bởi lẽ, với tình yêu, không bao giờ đủ! Từ đó, chúng ta sống cho Ngài từng giây, từng phút. Ngài không chỉ ‘luôn muốn nhiều hơn’ trái tim yêu thương của chúng ta; nhưng thật bất ngờ, Ngài ‘luôn muốn nhiều hơn’ cả những tội lỗi cùng những gì hơi hướng thế tục nơi mỗi người. Đó là tất cả những gì Chúa Phục Sinh đang chờ, và đang muốn nhất nơi bạn và tôi. Hãy dâng Ngài thời giờ, sức khoẻ, niềm vui và cả thập giá. Phải, cả những thập giá! Thú vị thay, đôi khi, thập giá đó là chính sự ươn hèn, các tính hư nết xấu và cả tội lỗi của bạn và tôi nữa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, cho con biết yêu mến Chúa hơn từng ngày, sống thánh hơn từng giờ, để thoả lòng mong mỏi của Đấng ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho con từng giây!”, Amen. 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

CHÚA KITÔ PHỤC SINH ĐEM LẠI MỘT VIỄN CẢNH MỚI

Quả thật, sự sống lại của Chúa Giêsu đánh dấu sự khởi đầu của một lối sống mới tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết nhưng hiện nay đang sống và sống đời đời. Nhờ chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và sự chết, các tín hữu được ban cho một viễn cảnh mới. Thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã thay đổi mãi mãi cách chúng ta nhìn về sự chết, về cuộc sống, về thế giới này và về nhau.

Như nhà thần học Karl Rahner đã từng giải thích, sự phục sinh của Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của con người, vốn giống như Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. “Một ngày kỳ lạ, bí nhiệm, im lặng, một ngày không có phụng vụ, Thứ Bảy Tuần Thánh là biểu tượng của cuộc sống hàng ngày, là sự hòa lẫn giữa nỗi kinh hoàng khủng khiếp của Thứ Sáu Tuần Thánh và sự chờ đợi niềm vui hân hoan của Lễ Phục Sinh. Cuộc sống bình thường của con người chủ yếu cũng ở giữa hai tâm trạng này; Thứ Bảy Tuần Thánh, vốn là cuộc sống của chúng ta, phải là cuộc chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, niềm hy vọng vững vàng về vinh quang cuối cùng của Thiên Chúa.” [1]

Rahner gợi ý rằng để sống cuộc đời này như ngày Thứ Bảy Tuần Thánh một cách xứng đáng đó là sống trong hy vọng, làm những gì có thể làm được và trông đợi Thiên Chúa làm những gì chúng ta không thể làm được. Đó là nhận ra sự thật trong lời nói của Tertullianô (145-220 CN), “Caro cardo salutis - xác thịt là bản lề của sự cứu độ”. Thực chất của lễ Phục sinh là Thiên Chúa không chỉ ở trên kia như một đấng siêu việt hoàn toàn khác. Ngài đã đến với chúng ta, bằng xương bằng thịt của sự sống của con người và trong sự sống đó đã biến đổi con người chúng ta. “Từ đó, Đất Mẹ chỉ sinh ra những đứa con được biến đổi. Vì sự phục sinh của Chúa Giêsu là khởi đầu cho sự phục sinh của mọi xác thịt.” [2]

Một quan điểm khác về sự sống lại đã được thánh Augustinô (354-430 CN) đề xuất từ nhiều thế kỷ trước. Vị giám mục thành Hippo nói, “Hãy đưa cho tôi một người đang yêu, và người ấy sẽ hiểu được sự sống lại.” Mở rộng tư tưởng của thánh Augustinô, Gerald O'Collins [3] giải thích rằng tình yêu giữa một người nam và một người nữ hàm chứa tình yêu thiêng liêng được bày tỏ trong sự sống lại. “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” và “Từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài” (Mc 1:11, 9:7) có ý nói “Ngài sẽ không chết”, hay đúng hơn, “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát” (Cv 2,25-31). Thánh sử thứ tư cũng sử dụng ngôn ngữ yêu thương tương tự khi kể về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1) Tình yêu thương không bị giới hạn bởi thời gian hay cái chết. Cha mẹ không nói với con cái, “Bố mẹ sẽ yêu con 10, 15 hay 20 năm.” Con cái không nói, “Con sẽ quên mẹ khi mẹ chết.” Những người yêu nhau không nói: “Anh sẽ yêu em trong năm năm.” Tình yêu đích thực được cam kết và tự cam kết bằng ngôn ngữ “mãi mãi.” [4]

Trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, những người con yêu dấu của Chúa Cha được hứa rằng tình yêu vĩnh cửu của Ngài sẽ cùng họ đi đến cuộc sống bên kia nấm mồ. Nơi Chúa phục sinh, các tín hữu tìm thấy một viễn cảnh mới về niềm hy vọng và ý nghĩa để nhìn vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh của cuộc sống con người. Chúa Giêsu, Đấng đã chết và nay đã sống lại, đảm bảo với chúng ta về sự biến đổi cứu độ của mọi xác thịt.

Bài đọc I - Công Vụ 10:34, 37-43

Khi thánh Luca viết sách Công vụ Tông đồ vào khoảng giữa những năm 80 CN, hai nhân vật chính trong đó, Phêrô và Phaolô, đã qua đời. Nhưng thánh Luca không đề cập đến cái chết của hai vị anh hùng này của hội thánh sơ khai. Thay vào đó, thánh Luca để lại cho độc giả ấn tượng rằng sứ vụ của Phêrô và Phaolô vẫn còn nguyên vẹn và các tông đồ tiếp tục nói chuyện với Hội Thánh thông qua các bài diễn từ được cho là của các ngài. Qua đó, Luca cho thấy một cái nhìn sâu sắc về “kế hoạch”, hay “ý muốn” của một Thiên Chúa đích thực ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, các bài diễn văn có chức năng như một phương tiện để thánh Luca công bố Tin mừng. Thực tế là bài giảng này, giống như tất cả những bài khác, chứa đựng các yếu tố chính hoặc sứ điệp cơ bản về ơn cứu độ, như cái chết của Chúa Giêsu phù hợp với kế hoạch đã định trước của Thiên Chúa, rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết như đã được báo trước trong sách thánh, và các nhân chứng đã nhìn thấy Ngài trong trạng thái sống lại.

Các bài diễn văn hoặc bài phát biểu được cho là của thánh Phaolô đã trình bày kerygma – sứ điệp cơ bản - nhằm mục đích dành cho khán giả dân ngoại, trong khi các bài diễn văn của thánh Phêrô hướng đến thính giả hoặc độc giả Do Thái. Tuy nhiên, trong bài đọc thứ nhất hôm nay, thánh Phêrô được miêu tả trong một tư cách khác thường khi rao giảng cho dân ngoại. Với tư cách là người đứng đầu được Hội thánh công nhận, thánh Phêrô tán thành sứ mệnh loan báo Tin mừng cho dân ngoại và tất cả các hậu quả của nó, ví dụ những người Do Thái và những người Dân Ngoại, được hiệp nhất bởi đức tin nơi Chúa Kitô, sẽ không còn bị ngăn cách bởi những khác biệt về sắc tộc hoặc các quy tắc thanh sạch/ô uế. Hơn nữa, bài giảng của thánh Phêrô đại diện cho việc hoàn thành mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã ban hành ở cuối Tin mừng Luca, nghĩa là tin mừng về sự tha thứ và cứu rỗi phải được rao giảng nhân danh Ngài “cho muôn dân” (Luca 24:47). Có thể nói rằng sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Phêrô và các Kitô hữu gốc Do Thái khác bắt đầu nhận ra thách thức của việc chấp nhận một quan điểm phổ quát hơn về sự cứu rỗi, rằng “ai tin vào Ngài thì sẽ nhờ danh Ngài mà được ơn tha tội” (Cv 10: 43). Thử thách này được đưa ra trong bối cảnh trở lại đạo của viên sĩ quan dân ngoại Cornelius và của cả gia đình ông. Được Luca đưa tin rộng rãi (Cv 10:1-11:18), sự kiện Cornelius là quyết định mang tính bước ngoặt đối với cộng đoàn sơ khai và là hình mẫu cho việc truyền giáo đang phát triển này.

Hàm ý phổ quát về sự phục sinh của Chúa Giêsu, rằng tất cả xác thịt đã được Thiên Chúa yêu thương và biến đổi đòi hỏi những người cử hành thực tại này trong lễ Phục sinh phải nhìn nhận ngay cả những người xa cách và khác biệt nhất giữa chúng ta trong một viễn cảnh mới, tức là viễn cảnh tình yêu.

Bài đọc II - Côlôsê 3:1-4

Do những tiến bộ của y khoa, đặc biệt là vào nửa sau của thế kỷ 20, một hiện tượng được gọi là “trải nghiệm cận tử” đã trở nên gần như phổ biến. Nạn nhân của các cơn đau tim hoặc chấn thương thể chất nghiêm trọng khác, lẽ ra đã chết, giờ đây có thể được hồi sức và tiếp tục cuộc sống bình thường. Nhiều người sống sót sau cuộc chạm trán với cái chết như vậy đã nói rằng cuộc sống của họ đã bị thay đổi hoàn toàn bởi trải nghiệm đó. Các giá trị và ưu tiên đã được điều chỉnh. Con người và các mối tương quan trở nên quan trọng hơn mọi thứ. Những điều tầm thường trước đây vốn đã nhận được rất nhiều nỗ lực và sự chú ý đã trở nên vô nghĩa để cho những khía cạnh thực sự thiết yếu của sự hiện hữu của con người có thể được quan tâm nhiều hơn. Theo một nghĩa nào đó, thánh Phaolô muốn độc giả của ngài cũng có cách nhìn tương tự về đời sống của họ trong Chúa Kitô.

Nhờ phép rửa tội, người tín hữu đã chết với Chúa Kitô và cùng với Ngài sống lại trong một cuộc sống mới đầy ân sủng và vinh quang. Kinh nghiệm về sự chết và sống lại đó sẽ thay đổi hoàn toàn các giá trị, các ưu tiên và phong cách sống tiếp theo của tín hữu, sao cho cõi lòng của họ “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới”, và “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3:1,2). Thật không may, những người Côlôsê nhận được bức thư này đã bị lôi kéo theo những hướng khác.

Êpápra đã thành lập hội thánh tại Côlôsê và có lẽ cũng đã đem Tin mừng đến các thành phố khác trong thung lũng Lycus (Laođixê, Hiêrabôli). Thánh Phaolô cũng có mối liên hệ với thành phố này, thông qua các mối liên hệ của ngài với Philemon, Onesimus, Apphia và Archippus. Mặc dù thư Côlôxê vẫn là một phần trong kho văn bản Phaolô đang gây tranh cãi, nhưng bức thư được gửi nhân danh thánh Phaolô đến Côlôxê phù hợp với những mối quan tâm thần học của vị Tông đồ.

Những người giảng thuyết giả mạo (Cl 2:4,8) đã quấy phá thành phố, tấn công cả quyền tối cao của Chúa Kitô và nhân tính thật của Ngài và thay vào đó đưa ra một thứ hỗn hợp của chiêm tinh học ngoại giáo, thuyết ngộ đạo nguyên thủy và một hình thức dị thường của thuyết thần bí Do Thái. Để các tín hữu không bị ảnh hưởng bởi những sai lầm này, tác giả Côlôxê nhắc nhở độc giả của mình rằng sự cam kết của họ với Chúa Kitô khi chịu phép thánh tẩy đòi hỏi họ phải đổi mới hàng ngày trong sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Bài Tin mừng - Gioan 20:1-9

Là một trong những giáo lý chính của đức tin Kitô giáo, sự phục sinh của Chúa Giêsu cũng là một trong những mầu nhiệm lớn nhất của Kitô giáo. May mắn thay, thánh sử Gioan đã hướng dẫn các độc giả của mình hiểu rõ hơn về Chúa Giêsu phục sinh nhờ Tin mừng. Dù một số người cho rằng người môn đệ Chúa yêu có tên gọi Gioan này không phải là một nhân vật lịch sử cụ thể thì Gioan vẫn là biểu tượng của người môn đệ chân chính luôn ở gần Chúa Giêsu và là người đầu tiên tin vào sự phục sinh của Ngài: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Gn 20: 8).

Là một người hướng dẫn có khả năng, người môn đệ Chúa yêu là người gần Chúa Giêsu nhất trong Bữa Tiệc Ly: “Trong số các môn đệ, có một người được Chúa Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Chúa Giêsu” (Ga 13:23-26); ông ở lại bên thập  giá của Chúa Giêsu với Mẹ Maria và được Chúa Giêsu giao phó cho Mẹ chăm sóc: “Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có thân mẫu Ngài, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clôpát, cùng với bà Maria Mácđala. 2Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Ngài nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:25-27). Ông đã ở với Simon Phêrô khi Maria Mađalêna báo tin về ngôi mộ trống: “Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến” (Ga 20:2). Lần đầu tiên đến mộ Chúa Giêsu, ông đã nhìn thấy và hiểu những điều mà Maria không hiều. Trong khi bà nghĩ rằng thi thể của Chúa Giêsu đã bị lấy đi, thì người môn đệ được yêu mến đã nhận ra rằng, qua sự sắp xếp có trật tự của những tấm vải liệm, thi thể của Chúa Giêsu không bị đánh cắp mà thực sự là Ngài đã sống lại: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20: 8) Dường như đức tin của ông không phải là kết quả của nỗ lực và sự hiểu biết của con người mà là hiệu quả của tình yêu của Chúa Kitô trong người môn đệ. [5]

Sau đó, khi đang câu cá với Phêrô, người môn đệ được yêu mến sẽ nhận ra Chúa phục sinh của mình đang đứng trên bờ biển và chỉ Ngài cho Phêrô: “Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó!” (Ga 21:7). Khi kết thúc sách Tin mừng của mình, thánh sử Gioan đã xác định môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến là nguồn có thẩm quyền cho công việc của ông: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (Ga 21:24).

Giống như các thiên sứ giải nghĩa trong các câu chuyện phục sinh nhất lãm (Mt 22:5, Mc 16:5, Lc 24:4), người môn đệ Chúa yêu giúp độc giả của Tin mừng hiểu được mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu và đến với đức tin. Bài học dành cho độc giả là tình yêu dành cho Chúa Giêsu giúp người ta có cái nhìn sâu sắc để phát hiện ra sự hiện diện của Ngài. Người Môn Đệ Được Yêu Dấu, ở đây cũng như ở những nơi khác, môn đệ lý tưởng của Chúa Giêsu, nêu gương cho tất cả những người khác noi theo. [6] Là gương mẫu và là người hướng dẫn cho chúng ta về mầu nhiệm Phục sinh, người môn đệ được yêu mến này mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng và vui mừng với ông trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta khi nhập thể, chịu đóng đinh, chết và phục sinh.

[1] The Great Church Year, Crossroad Pub. Co., New York: 1994.

[2] Karl Rahner, The Content of Faith, Crossroad Pub. Co., New York: 1992.

[3] Họ Đang Nói Gì Về Sự Phục Sinh?, Paulist Press, New York: 1978.

[4] Gerald O'Collins, op. cit.

[5] Wilfrid Harrigton, The Saving Word, Michael Glazier Co., Wilmington: 1980.

[6] Raymond E. Brown, op. cit., Vol. II, #29A.

 

Phêrô Phạm Văn Trung lược dịch,

từ Patricia Datchuck Sánchez, http://www.nationalcatholicreporter.org

 

 

PHỤC SINH

(Tđcv 10, 34a. 37-43; Col 3, 1-4; Ga 20, 1-9).

Chúng ta đang bước đi trong niềm tin sống đạo. Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là niềm hy vọng tuyệt đối cho những ai tin. Niềm tin của chúng ta dựa vào lời dạy của Chúa Giêsu, niềm tin của Giáo Hội và của các nhân chứng. Sự kiện mồ trống là dấu chỉ đầu tiên cho chúng ta nhận biết là xác của Chúa không còn ở trong mồ. Maria báo tin cho các môn đệ, Phêrô cùng Gioan chạy ra mộ, các ông cũng thấy ngôi mộ trống và khi bước vào trong chỉ thấy khăn liệm và băng vải. Các ông nghiệm ra được những lời Kinh Thánh đã báo trước về Đức Giêsu. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh đem lại cho các ông sự phấn chấn và vui mừng.

Tông đồ Gioan mục kích sự việc đã xảy ra, ông thấy và ông tin. Chính Gioan đã viết sách Phúc âm kể lại câu truyện này. Gioan là tông đồ trẻ và được Chúa Giêsu đặc biệt ưu ái. Ông đã được hiện diện trong những biến cố quan trọng và ở sát gần bên Chúa, như khi Chúa cho con gái ông Giairô sống lại, Chúa biến hình trên núi, giây phút buồn sầu trong vườn Cây Dầu và trên thập giá, Chúa đã trao Mẹ của Ngài cho thánh Gioan phụ dưỡng. Gioan là tông đồ duy nhất không lãnh triều thiên tử đạo, nhưng đã trung thành cho tới cùng đường và giữ vững đức tin. Ngài là nhân chứng sống động cho tới tuổi già chuyên lo truyền đạt chân lý phúc âm.

Các môn đệ không chỉ chứng kiến cảnh ngôi mộ trống nhưng đã được nhìn xem, đụng chạm, đàm đạo và ăn uống với Chúa Kitô Phục Sinh. Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ viết: Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại (Tđcv 10, 40). Như sau một chiến trận hoang tàn, có kẻ phản bội, có người chối Chúa, một số bỏ chạy và và một số khác ẩn mình trốn tránh khỏi tai mắt thiên hạ vì sợ người Do-thái. Tâm hồn của các môn đệ dĩ nhiên có nhiều hoang mang lo lắng và buồn đau. Nay con tim đã vui trở lại. Nhưng niềm vui hoàn toàn khác biệt, niềm vui của hy vọng vào cuộc sống trường sinh bất diệt.

Các tông đồ bắt tay vào sứ mệnh làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu bắt đầu thấm nhuần và được áp dụng cụ thể vào cuộc sống. Các ngài không còn đi tìm vinh quang giả tạo của thế trần, nhưng đã thấu triệt ý nghĩa của cuộc hành đạo. Tất cả các môn đệ can đảm xả thân và mỗi người ra đi một hướng để rao giảng Tin Mừng phục sinh cho mọi dân mọi nước. Rao giảng Chúa Kitô Phục Sinh là trung tâm điểm của tất cả Tin Mừng. Sự sống lại của Chúa Kitô là niềm hy vọng vào sự sống và sự sống lại đời đời. Chúa Kitô trở thành trung gian giữa Chúa Cha và vũ trụ muôn loài. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Đấng xóa tội trần gian.

Hằng năm, Giáo Hội Mẹ mời gọi chúng ta cử hành các biến cố tưởng niệm cuộc đời của Chúa Kitô, để chúng ta được hun đúc niềm tin và tiến bước trên con đường trọn lành. Mùa Chay đã qua và Mùa Phục Sinh bắt đầu. Ngó nhìn lại những tháng ngày qua, đôi khi chúng ta quá thờ ơ và dửng dưng với những lời mời gọi ăn năn sám hối trở về cùng Chúa. Đôi khi chúng ta mải mê thế sự, lo lắng tất bật làm ăn và kiếm sống. Biết rằng đang phải sống giữa một xã hội xô bồ, tranh dành và hưởng thụ, nhưng chúng ta cũng chẳng có thể làm cho ngày dài thêm hay đời trẻ trung trở lại. Đừng để lỡ cơ hội tìm về nguồn sự sống để hiểu biết về ý nghĩa của những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.

Tự vấn, Chúa Kitô phục sinh có mang lại niềm vui cho tâm hồn chúng ta hay không? Sự kiện Chúa Kitô chịu chết và sống lại có ý nghĩa gì không? Chúng ta đang cố công vun đắp cho sự sống này, nhưng đừng quên niềm hy vọng sự sống vĩnh cửu đời sau. Cuộc lữ hành trần thế của chúng ta phải hướng tới cùng đích. Chúa Kitô là ánh sáng và sự sống. Hãy gắn kết chặt chẽ với Chúa Kitô là nguồn sự sống. Chúa Giêsu nói rằng không có Thầy, chúng con không thể làm gì được. Có Chúa, chúng con sẽ có tất cả. Hãy dục lòng tin, cậy và mến, để chúng ta biết phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã phục sinh từ cõi chết. Alleluia. Chúa Kitô là hoa qủa đầu mùa của những kẻ yên giấc, xin cho chúng con biết đặt niềm tin yêu và hy vọng vào sự phục sinh của Chúa, hầu chúng con cũng sẽ được tham dự vào sự sống vĩnh cửu ngày sau.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

ĐỨC GIÊ-SU PHẢI TRỖI DẬY TỪ CÕI CHẾT

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CN PHỤC SINH ABC

Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

 

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG : Ga 20,1-9

(1) Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp Simon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu ?”. (3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. (6) Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu, khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng : Theo Kinh Thánh,  Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

2.Ý CHÍNH :

Gio-an viết Tin Mừng nhằm mục đích “Để anh em tin rằng  Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (ga 20,31). Riêng đoạn Tin Mừng hôm nay, Gio-an cho thấy Đức Giê-su thực sự đã từ cõi chết sống lại như Người đã báo trước.

3.CHÚ THÍCH :

– C 1 : + Ngày Thứ Nhất trong tuần : Theo Sáng Thế Ký, thì một tuần lễ có bảy ngày. ngày Thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát và bắt đầu một tuần lễ. Về sau, Giáo Hội dựa vào việc Chúa Phục Sinh hiện ra vào ngày Thứ Nhất, nên gọi là ngày Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. +sáng sớm… lúc trời còn tối : Về thời gian khi các phụ nữ ra thăm mộ, các Tin Mừng có những diễn tả hơi khác nhau : Ở đây Gio-an viết : “Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối” (x. Ga 20,1); Còn Mát-thêu viết : “Sau ngày Sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló rạng (x. Mt 28,1); So với Mác-cô : “Sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc” (x. Mc 16,2) ; Riêng Lu-ca lại viết : “Ngày Thứ Nhất trong tuần, vừa tảng sáng” (x. Lc 24,1). + Ma-ri-a Mác-đa-la : Mác-đa-la là một thị trấn nằm trên bờ phía tây biển hồ Ghen-nê-xa-rét. Là quê của bà Ma-ri-a. Bà đã từng bị 7 quỷ ám trước khi theo Chúa Giê-su (x. Lc 8,2). Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên đã ra thăm mộ Chúa (x. Ga 20,1; Mt 28,1; Lc 24,10). Trước đó, bà đã can đảm đứng gần thập giá (x. Ga 19,25; Mt 27,56) và đã chứng kiến hai môn đệ mai táng Thầy trong mồ (x. Mt 27,61; Mc 15,47).

– C 2 : + Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô : Câu này nói lên vai trò quan trọng đặc biệt của Phê-rô là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Do đó, Ma-ri-a Mác-đa-la cần phải báo cáo với ông trước tiên về việc xác Thầy biến mất. + Và người môn đệ Đức Giê-su thương mến : Cách nói “môn đệ Đức Giê-su thương mến” là kiểu nói riêng trong Tin Mừng Gio-an. Đây là cách tác giả nói về mình một cách khiêm tốn khi không muốn nhắc đến tên của mình. + Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết : Khi thấy mồ trống, Ma-ri-a Mác-đa-la không nghĩ đến việc Chúa sống lại như nhiều lần Người đã báo trước, mà bà chỉ theo suy luận tự nhiên để cho rằng ai đó đã đến mang xác Thầy ra khỏi mồ. Từ “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ Ma-ri-a không đi ra mộ Chúa một mình mà đi chung với mấy bà khác nữa (x. Mt 28,1).

-C 3-4 : + Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ : Khi được các phụ nữ báo tin mộ trống và xác Thầy biến mất, hai môn đệ nòng cốt là Phê-rô và Gio-an liền tức tốc chạy ra mộ để kiểm tra thực hư. điều đó cho thấy lòng nhiệt thành và ý thức trách nhiệm trổi vượt của hai ông. + Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước : Lý do Gio-an chạy nhanh hơn và đến mộ trước Phê-rô đơn giản là vì ông trẻ hơn nên khỏe và chạy nhanh hơn Phê-rô, và có lẽ cũng vì nôn nóng do yêu mến Thầy nhiều hơn.

– C 5-6 : + Băng vải còn ở đó : Đây là tấm vải lớn bao bọc toàn thân Đức Giê-su. Khăn này theo truyền thuyết còn được lưu giữ tại nhà nguyện thánh Gio-an ở Tu-ri-nô miền Bắc nước Ý. + Nhưng không vào : Gio-an không vào có thể do ông tôn trọng và nhường cho Phê-rô là đàn anh vào trước mình. Nhưng đúng hơn có lẽ do ông cảm thấy bàng hoàng trước sự kiện cửa mồ rộng mở và mải lo suy nghĩ về những tấm khăn để lại, đủ thời gian cho Phê-rô theo sau kịp chạy đến nơi. + Si-mon Phê-rô … vào thẳng trong mộ : Phê-rô tính nóng nảy nên lập tức bước vào trong mộ.

– C 7-9 : + Và khăn che đầu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi : Bên trong mộ các khăn liệm xác vẫn còn để lại, khác với trường hợp La-da-rô khi sống lại ra ngoài trong tình trạng “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11,43-44). Điều này cho thấy Đức Giê-su không cần ai giúp đỡ khi trỗi dậy ra khỏi mồ. Người đã có thể tự lăn tảng đá che kín mộ ra thì cũng có thể tự tháo gỡ các khăn liệm và khăn che mặt như vậy. Sự kiện khăn còn để lại cho Gio-an thấy Thầy Giê-su đã thực sự sống lại. Vì không kẻ trộm nào lại bỏ công sức và thời gian để làm một việc vô ích là cởi các dây vải ra và xếp gọn để vào một chỗ rồi mới đem xác trần đi cả ! + Ông đã thấy và đã tin : Dấu chỉ ngôi mộ trống và các băng vải liệm xác được xếp gọn lại đã giúp Gio-an suy luận và đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. +Trước đó hai ông chưa hiểu rằng : Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết : Trước khi thấy các dấu chứng vừa nói thì Gio-an và các tông đồ đều không tin Thầy các ông sẽ sống lại, dù Người đã báo trước  ba lần (x. Mt 16,21; 17,23; 20,19). Nhưng khi thấy các dấu chứng như mồ trống, các khăn vải liệm xác, dây băng được cuộn lại riêng một chỗ, thì các ông đã nhớ lại những lời Thánh Kinh được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su và tin Người đã thực sự sống lại (x.Tv 16,10; Tv 2,7; Hs 6,2).

4.CÂU HỎI :

1) Tại sao ngày nay người ta gọi ngày Thứ Nhất trong tuần là Chúa Nhật ? 2) Về thời điểm bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra thăm mộ Chúa, so sánh bản tường thuật của 4 tác giả Tin Mừng khác nhau thế nào ? 3) Bạn biết gì về thân thế của bà Ma-ri-a Mác-đa-la ? 4) Bà đã báo tin xác Thầy biến mất cho ai ? Tại sao ? 5) Qua câu nói với Phê-rô và Gio-an, bà Ma-ri-a Mác-đa-la có tin việc Thầy Giê-su đã phục sinh hay không ? 6) Hành động chạy nhanh ra mộ của Phê-rô và Gio-an cho thấy tinh thần trách nhiệm của 2 ông thế nào ? 7) Tại sao Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô ? 8)Tại sao ông Gio-an đến mộ trước Phê-rô mà không vào bên trong mộ ngay ? 9) Khi thấy hiện tượng mộ trống, băng vài và khăn che đầu được xếp gọn, hai ông đã tin gì về mầu nhiệm Đức Giê-su sống lại ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA : Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).

2.CÂU CHUYỆN :

1) VỀ SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH :

Sau khi chịu chết trên thập giá, Đức Giê-su đã sống lại và vào trong vinh quang. Tuy vậy, trên tay chân và cạnh sườn Người vẫn còn mang những dấu tích đau thương từ những cây đinh nhọn và lưỡi đòng đâm thâu. Một vị thiên thần đã lên tiếng hỏi Đức Giê-su rằng : “Chắc Chúa đã phải chịu muôn vàn đau khổ nhục nhã do loài người dưới thế gây ra ?” Người đáp : “Đúng vậy !” Thiên thần hỏi tiếp : “Có phải tất cả con cái loài người đều biết Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết để đền thay các tội lỗi của họ không ?” Chúa trả lời : “Chưa đâu, mới chỉ có một số ít người nhận biết mà thôi”. Thiên thần lại nói : “Thế thì Chúa đã làm gì để họ nhận biết ơn cứu độ đó ?”  Chúa đáp : “Ta lại đi loan báo Tin Vui cho những người khác, đến khi nào tất cả mọi người trên địa đầu đều được nghe Tin Mừng cứu độ ấy mới thôi”. Vị thiên thần đã hiểu rõ tính bốc đồng của loài người và nghi ngờ họ nên hỏi tiếp: “Giả như Phê-rô, Gio-an và các Tông đồ quên thi hành sứ mệnh rao giảng đó thì sao ? Nếu các tín hữu các thế hệ sau này có lúc nào đó gặp phải những bách hại chống đối của kẻ gian ác mà chán nản buông xuôi thì sao ? Chúa có lập thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa thôi ?” Chúa Giê-su trả lời: “Ta sẽ không bao giờ lập ra thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa ! Ta đã biết trước tính khí con cái loài người thường nhát đảm sợ sệt và bất định, nên đã thổi hơi ban sức mạnh Thần Khí của Ta cho họ, để giúp họ thi hành sứ mệnh, và Ta hoàn toàn tin tưởng họ sẽ chu toàn được sứ mệnh đó”.

2) ĐƯỢC PHỤC SINH NHỜ SỐNG THEO LỜI CHÚA DẠY :

Cuốn phim “Chiếc cầu sông Quai” diễn tả câu chuyện phục sinh tại một trại tù như sau:

Vào thời đệ nhị thế chiến, những người lính đồng minh bị quân đội Nhật bắt làm tù binh, được đem tới vùng biên giới Miến Điện và Thái Lan để xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển vũ khí. Cuộc sống ở đây thật khắc nghiệt. Họ bị cưỡng bức lao động dưới cái nóng như đổ lửa, có khi lên tới những 49 độ. Họ bị đối xử một cách tàn thệ. Chính cuộc sống khắc khổ này đã làm cho họ trở nên những con người độc ác. Họ cư xử với nhau bằng luật rừng « Mạnh được yếu thua », trộm cắp, nghi ngờ và làm tay sai chỉ điểm nhau cho bọn lính cai tù.

Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra: Có hai tù nhân nọ, đã tổ chức cho những bạn tù của mình thành một nhóm học hỏi Lời Chúa. Và nhờ sự học hỏi này, mà Lời Chúa bắt đầu thấm vào tâm hồn họ, để rồi chính họ khám phá ra Đức Ki-tô đang sống giữa họ. Ngài hiểu và cảm thông với nỗi đau của họ, bởi vì Ngài cũng đã từng sống vất vả, đã từng chịu cảnh đói khát mệt mỏi, đã từng bị môn đệ phản bội và đã từng bị bọn lính Rô-ma đánh đòn... Từ đó, tất cả những lời Đức Giê-su nói và những việc Ngài làm đều mang một ý nghĩa mới và trở nên sống động đối với các tù nhân. Họ không còn nghĩ mình là nạn nhân của một cuộc chiến dã man. Họ không còn chỉ điểm và trộm cắp của nhau, nhưng đối xử với nhau bằng tình thương yêu và nhất là họ bắt đầu cầu nguyện cho nhau.

Từ đó, trong trại tù thỉnh thoảng có những tiếng hát vui tươi thay cho sự thinh lặng căng thẳng, giống như sự khác biệt giữa cái chết và sự phục sinh. Nói cách khác, sự biến đổi xảy ra trong trại tù chính là một lễ phục sinh, là một phép lạ làm cho họ tin tưởng lẫn nhau thay vì nghi ngờ nhau. Làm cho họ biết chia sẻ với nhau thay vì trộm cắp. Làm cho họ biết giúp đỡ nhau thay vì tìm cách chỉ điểm làm hại lẫn nhau.

3) TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT :

Một cuốn phim mang tựa đề “Thế Giới Trong Tăm Tối” diễn tả câu truyện về một nhà khảo cổ danh tiếng tổ chức một cuộc khai quật khoa học ở Giê-ru-sa-lem.

Ngọn đồi Gôn-gô-tha được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và các hang động của một nghĩa trang bên cạnh cũng được thăm dò khám xét kỹ lưỡng. Vì theo Tin Mừng Thánh Gio-an, xác của Chúa Giê-su được chôn cất trong một phần mộ gần nơi Ngài bị án tử hình Thập giá. Sau bao công khó đào bới khám xét, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố : “Tôi đã tìm được xác ông Giê-su”. Rồi ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ, quy tụ hàng trăm ký giả và nhiếp ảnh viên để trình bày kết quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào bới khảo cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mặt mọi người một xác người đã khô đét, nhưng còn có thể nhận ra là tay chân của xác người này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu và cả những dấu chứng tỏ thân xác ấy bị nhuốm máu qua những vết in trên tấm khăn liệm xác.

Cuốn phim quay lại cảnh mọi người im lặng theo dõi bài thuyết trình của nhà khảo cố. Tình cờ có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng : “Đây là sự thật hiển nhiên. Ông ta bị đóng đinh, đã chết và đã được táng xác” và nhà khảo cổ tiếp lời : “Vâng, đúng thế, bị đóng đinh, chết và được an táng. Nhưng làm gì có chuyện Phục Sinh, bởi vì xác ông ta vẫn còn nằm đây”.

Tiếp đến, cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giê-su :

Không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa.

Một linh mục tắt đèn Nhà Chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nhà thờ.

Chuông các thánh đường im tiếng.

Các nữ tu cởi khăn trùm đầu.

Thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống.

Đèn bên những ngôi mộ bị dập tắt.

Thế giới chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.

Cuốn phim kết thúc với cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận : “Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm giả xác của ông Giê-su và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi khởi sự cuộc đào bới tìm kiếm này”.

Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng ngàn người tuôn đến ngôi mộ thánh ở Giê-ru-sa-lem như chúng ta chứng kiến hàng năm trong Tuần Thánh. Những ngọn nến được thắp lên và các tín hữu mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng đi khắp nơi soi sáng con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin Chúa Giê-su đã Phục Sinh : Tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Sự sống mạnh hơn cái chết.

3. SUY NIỆM :

Bằng lối văn súc tích và hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng Gio-an đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức mến của ba nhân vật quan trọng trong Tin Mừng Phục Sinh hôm nay như sau :

1) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ THÚC BÁCH MA-RI-A MÁC-ĐA-LA ĐI TÌM CHÚA :

Niềm vui Phục Sinh khởi đầu bằng việc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi thăm mộ ngay từ sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá che cửa mộ đã bị lăn sang một bên và xác Thầy trong mộ biến mất. Cũng như chính lòng mến đã làm cho bà thêm can đảm đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25), và ở lại chứng kiến việc 2 môn đệ an táng Thầy trước đó (x. Mt 27,61), thì giờ đây lòng mến đó lại thôi thúc bà cùng mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để ướp xác Thầy theo phong tục Do thái (x. Mc 16,2). Khi thấy mộ trống, Ma-ri-a hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ Phê-rô và Gio-an (x. Ga 20,2). Theo bà suy nghĩ thì ai đó đã đến lấy mất xác Thầy và bà không biết họ đã để Thầy ở đâu (x. Ga 20,13.15). Ma-ri-a không hề nghĩ rằng Thầy đã phục sinh, mà bà chỉ mong sao tìm lại được xác Thầy để mang về chôn lại trong mộ mà thôi. Sau khi Phê-rô và Gio-an chạy ra mộ rồi trở về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc, Ma-ri-a lại quay ra mộ mà than khóc. Trong lần ra mộ thứ hai này, bà đã trở thành người đầu tiên gặp được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người còn trao cho bà sứ vụ đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ như sau : “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ rằng : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

2) CHÍNH LÒNG MẾN ĐÃ GIÚP GIO-AN NHẬN BIẾT CHÚA PHỤC SINH :

Gio-an là một trong bốn môn đệ được Thầy kêu gọi đầu tiên (x Mt 4,21). Là một trong ba môn đệ được chứng kiến Thầy biến hình (x Mt 17,1) và cũng là người môn đệ được Thầy yêu mến nhất (x Ga 13,23). Tình yêu đối với Thầy đã thôi thúc ông, làm cho ông trở thành người can đảm hơn cả: Không bỏ chạy như các môn đệ khác, nhưng âm thầm theo dõi các sự kiện xảy ra từ lúc Thầy bị bắt đến khi bị xét xử giữa hai tòa án đạo và đời; Can đảm đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của Thầy và được Thầy trăn trối Đức Ma-ri-a làm Mẹ của mình và đón Mẹ về nhà mà phụng dưỡng thay cho Thầy (x Ga 19,27). Cũng do tình yêu thôi thúc mà Gio-an đã trở thành người môn đệ đầu tiên trong Nhóm Mười Hai nhận ra Chúa Phục Sinh tại biển hồ Ti-bê-ri-a (x Ga 21,7). Cũng chính tình yêu ấy đã thúc bách Gio-an chạy nhanh hơn 0và đạt đến đức tin trước Phê-rô (x Ga 20,8).

3) CHÍNH LÒNG MẾN LÀM PHÊ-RÔ ĐƯỢC TRAO QUYỀN CHĂN CHIÊN :

Phê-rô là một trong bốn môn đệ đã theo Đức Giê-su trước hết (x. Mt 4,18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy (x. Mt 19,27-29; Lc 18,28-30). Ông luôn được xếp đứng đầu danh sách Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2). Ông còn là một trong ba môn đệ được nhìn thấy Thầy biến hình trên núi cao (x Mt 17,1), được chứng kiến phép lạ Người cho bé gái mới chết sống lại (x Lc 8,51), được ở gần Đức Giê-su khi Người hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x Mt 26,37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng,  Đức Giê-su thường đến ở trọ tại nhà ông Si-mon Phê-rô tại thành Ca-phác-na-um (x Mc 1,29). Có lần Phê-rô đại diện anh em tuyên xưng đức tin “Thầy chính là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ đức tin đó, Phê-rô đã được khen có phúc, và được Thầy hứa sẽ xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin vào Đức Giê-su vững chắc như đá của ông. Người cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (x Mt 16,17-19). Ông còn được  trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (x. Lc 22,31-32). Dù còn nhiều khuyết điểm như: bị Thầy nặng lời quở trách vì dám khuyên Thầy đừng chấp nhận con đường thập giá (x Mt 16,22-23), hoặc có lúc ông đã bị Thầy trách kém lòng tin (x Mt 14,31) hay trách khi ông không muốn cho Thầy rửa chân (x Ga 13,6-8). Phê-rô còn bị trách khi quá tự tin vào sức riêng của mình (x Mt 26,33-35). Nhất là ông đã tỏ ra hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước đó (x Mt 26,69-75).

Nhưng bù lại Phê-rô đã có lòng yêu mến Thầy hơn ai hết. Lòng mến của ông thể hiện qua thái độ dứt khoát từ bỏ nghề chài lưới và chấp nhận theo Thầy làm nghề chài lưới các linh hồn (x Mt 4,18-20). Ông cũng thường được Đức Giê-su hỏi ý kiến như: Thầy trò có nên nộp thuế Đền thờ không ? (x Mt 17,24-27). Có lần ông hỏi ý Đức Giê-su về số lần phải tha thứ cho anh em (x Mt 18,21). Ông cũng đại diện anh em để tuyên xưng đức tin và thề quyết trung thành với Thầy đến cùng (x Ga 6,68-69). Ông can đảm rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế khi chúng đến bắt Thầy (x Ga 18,10). Ông không chạy trốn như các ông khác mà đi theo Gio-an theo dõi diễn tiến tòa án xét xử Thầy (x Ga 18,15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị mất, Phê-rô cùng Gio-an chạy ra mộ để kiểm chứng thực hư. Trước sự kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, Phê-rô đã tin Thầy sống lại chứ không bị kẻ trộm lấy xác (x Ga 20,8-9). Sau đó ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước anh em Nhóm Mười Một (x Lc 24,34; 1 Cr 15,5). Khi được Gio-an mách bảo Người mặc áo trắng đứng trên bờ hồ là Thầy, Phê-rô vội khoác áo vào rồi nhảy xuống biển bơi vào bờ để mau được gặp Thầy (x Ga 21,7). Ông cũng tuyên xưng lòng mến ba lần và được Thầy trao cho sứ vụ chăn dắt chiên con chiên mẹ và chăn dắt cả đàn chiên là Hội Thánh (x Ga 21,15-17). Ông còn chứng tỏ lòng mến tột cùng khi sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho thầy (x Ga 21,18-19).

4) THỰC HÀNH ĐỨC TIN VÀ ĐỨC MẾN HÔM NAY :

Chính lòng mến Chúa đã làm cho Ma-ri-a Mác-đa-la ăn năn sám hối tội lỗi, ra thăm mộ đầu tiên và đã được Chúa Phục Sinh hiện ra trao cho sứ vụ loan Tin Mừng cho các tông đồ. Cũng chính lòng mến Thầy của Gio-an đã làm cho ông nhận ra Thầy trước anh em và thấy được ý nghĩa của những sự kiện dẫn đến mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su. Lòng mến  cũng làm cho ông Phê-rô luôn gắn bó mật thiết với Thầy, hy sinh mọi sự để đi theo làm môn đệ của Thầy. Dù có lúc yếu đuối sa ngã phạm tội, nhưng ông đã sớm hồi tâm sám hối trở về và được Thầy tín nhiệm đặt làm Đá Tảng đức tin, có nhiệm vụ củng cố đức tin cho các anh em (x Lc 22,32), và còn được Chúa Phục Sinh trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh.

Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để ta khỏi bị thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau khổ thất bại trên đường đời. Cuộc sống chúng ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng, khi những gì chúng ta yêu quý nhất hoặc những người thân yêu nhất của mình không còn, chúng ta thường chạy đôn chạy đáo đi tìm người chết trong nước mắt đau thương như Ma-ria Mác-đa-la xưa (x Ga 20,11.13). Nhưng cái chết đã không giam hãm được sự sống: Sự sống đã trỗi dậy từ cõi chết; Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối tử thần;Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Ki-tô sẽ được Hội Thánh loan báo đi khắp thế gian như lệnh Người truyền trước khi lên trời (x Mt 28,19).

4.THẢO LUẬN :

Khi gặp phải những hoàn cảnh đau thương trái ý, bạn cần làm gì để không chán nản thất vọng, nhưng luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, hy vọng Người sẽ kíp thời giải cứu và giúp bạn mau trỗi dậy ?

5.LỜI CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Sự phục sinh của Chúa vừa là lời mời gọi, lại vừa lôi cuốn chúng con hướng tâm hồn lên cao để nhận ra giá trị tương đối của sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền trần gian… hầu noi gương các thánh : chúng con sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa và dám sống chết cho tình yêu ấy, để quyết dấn thân đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng đón nhận những đau khổ thua thiệt… vì xác tín rằng : “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.- AMEN.

LM ĐAN VINH –  HHTM

Subcategories