3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Có một tương quan thật lạ lùng - Chúa Nhật 4 PS A

Khi giới thiệu một nhân vật quan trọng cho công chúng thì người ta sẽ nêu lên tước vị, vai trò hay học vị cao nhất của người đó để cho mọi người nể trọng, chẳng hạn: Đây là ngài tổng thống… Đây là giáo sư tiến sĩ… Đây là khoa học gia nổi tiếng…

Thế mà qua đoạn Tin mừng được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su tự giới thiệu Ngài bằng một danh hiệu thật lạ kỳ và đáng kinh ngạc. Ngài nói: “Tôi là cửa chuồng chiên!” (Ga 10,7).

Vì sao Chúa Giê-su lại tự giới thiệu mình với một vai trò quá đỗi tầm thường như thế? 

Xưa kia, tại Do-thái, để canh giữ đoàn chiên ban đêm, người chăn chọn một bãi đất trống ngoài đồng rồi rào dậu chung quanh, chỉ chừa một lối hẹp cho chiên ra vào mà không có cửa. Ban đêm, sau khi đã lùa chiên vào ràn, người chăn nằm ngay lối ra vào chật hẹp đó thay cho cánh cửa. Thế là chiên bên trong không thể ra bên ngoài được vì đã có người chăn chặn lối, kẻ trộm bên ngoài cũng không vào trong ràn bắt chiên được vì người chăn đã chắn lối đi. Như thế, người chăn trở thành một “cánh cửa sống” bảo vệ an toàn cho đoàn chiên.

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su tự xưng mình là “cửa chuồng chiên” như thế đó.

 

Thân thế của Chúa Giê-su

Chúa Giê-su, Đấng xưng mình là người chăn chiên, là cửa chuồng chiên… lại có thân thế rất diệu kỳ.

Ngài chính là Ngôi Lời, tức là Thiên Chúa ngôi hai, đã hiện hữu từ lúc vũ trụ chưa được tác thành, như Tin mừng Gioan cho biết: “Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời… Ngôi Lời là Thiên Chúa.”

Ngài cũng chính là Đấng tạo dựng nên vũ trụ càn khôn: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 1-3).

Thế mà, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Ngài cư ngụ giữa chúng ta để làm gì?

– Để chia vui với người vui như Ngài đã tham dự tiệc cưới tại Ca-na và làm phép lạ đầu tay cho nước hóa nên nhiều rượu ngon cho mọi người vui hưởng;

– Để khóc với người khóc như Ngài đã khóc thương trước mồ La-da-rô khi thấy cô Maria nức nở khóc thương em mình đã chết;

– Để cảm thông với vô vàn đau đớn, khốn khổ của nhân loại, của những người bệnh hoạn tật nguyền… Vì thế, Ngài đã làm cho người mù được thấy, người què được đi, người câm được nói, người phong hủi được lành sạch…

Thế là Ngài đã tạo nên một tương quan rất đặc biệt, rất độc đáo với con người.

Tương quan đó thế nào?

– Ngài là Đấng Tạo hóa, đã dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên vô tận, so với Ngài, con người chẳng là gì cả. Vậy mà Ngài vẫn trân trọng chúng ta, yêu quý chúng ta, quan tâm chăm sóc từng người chúng ta.

– Ngài là Chúa tể trời đất, là vua hoàn vũ cao sang phép tắc, quyền năng vô lượng, còn chúng ta chỉ là thần dân nhỏ bé; nhưng Ngài vẫn quý mến chúng ta, không xem chúng ta như người dân đen vô danh tiểu tốt.

Vậy thì tương quan giữa Ngài với chúng ta như thế nào?

Thưa, đó là tương quan bạn bè! Ngài trở nên bạn hữu của chúng ta, Ngài thân ái gọi chúng ta là bạn, như lời Ngài nói:  “Thầy không gọi các con là tôi tớ… nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu…” (Ga 15,15).

Và qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su xác lập thêm một tương quan mới giữa Ngài với chúng ta, đó là tương quan giữa người chăn và đoàn chiên. Như người chăn chiên tốt, Ngài thấu hiểu từng con chiên một, gọi đích danh từng con trong đoàn, Ngài đi trước dẫn chiên theo sau và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.

Và đặc biệt hơn nữa, Ngài tự ví mình như cánh cửa chuồng chiên.

– Cánh cửa này đóng lại vào ban đêm để bảo vệ chiên khỏi tay trộm cướp, khỏi nanh vuốt của thú rừng;

– Cánh cửa này mở ra vào ban ngày để đưa chiên đến đồng cỏ xanh, đến nguồn suối mát… vì mục đích Ngài đến trần gian là “để cho chiên Ngài được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

 

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa hạ mình xuống thật thấp để nâng chúng con lên thật cao; Chúa chấp nhận làm người để nâng loài người lên hàng con Thiên Chúa; Chúa tự xóa mình đi, gác bỏ vinh quang, quyền lực qua một bên để hóa thân làm người phàm yếu đuối, để đồng cam cộng khổ với chúng con, để nên bạn bè thân thiết, chia vui sẻ buồn với chúng con và thậm chí còn trở thành cánh cửa chuồng chiên để che chắn, bảo vệ chúng con là đoàn chiên của Chúa.

Xin cho chúng con hiểu cho thấu tình thương sâu đậm Chúa dành cho chúng con và sống sao cho xứng với tình yêu đó.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

Tin mừng Gio-an 10,1-10

1 “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

MỞ RA MỘT TẦM NHÌN MỚI - Thứ Bảy Tuần 3 PS

 

“Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”.

Alvin Jennings nói, “Nhiều Kitô hữu ngày nay sống một cuộc sống như trong ‘sương mù’. Họ để cho vô số rắc rối che khuất tầm nhìn và làm suy yếu tinh thần. Nhưng “Thiên Chúa chẳng ban cho chúng ta một thần khí gây nhát đảm, mà là một Thần Khí khiến chúng ta mạnh mẽ”. Đừng để sương mù che khuất! Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho bạn!”. Lời Chúa hôm nay ‘mở ra một tầm nhìn mới’ về Bí Tích Thánh Thể; nhờ đó, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn Bí Tích Tình Yêu này. Chúa Giêsu nói, “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”.

Trước những lời này, người Do Thái sửng sốt. Thật dễ hiểu! Họ sợ máu! Với họ, máu thật linh thiêng, là nguồn gốc sự sống, không bao giờ được chạm vào. Vậy phải hiểu thế nào? Đừng hiểu theo nghĩa đen! Để biết sâu sắc hơn ý muốn của Chúa Giêsu, những lời này phải được soi rọi dưới ánh sáng đức tin. Trong đêm bị trao nộp, giữa bữa Tiệc Ly, Ngài đã hiến mình để nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta; vì thế, Mình Thánh chúng ta đón nhận đích thực là thịt máu Giêsu, Chiên Thiên Chúa. Mỗi khi rước Ngài, “ăn thịt và uống máu Tôi”, chúng ta đồng hoá ‘toàn bộ con người, toàn bộ suy nghĩ, toàn bộ hành động’ của mình vào chính Ngài. Ngài đã không nói “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong tôi và Tôi ở lại trong người ấy” sao? Như vậy, đón lấy Ngài không chỉ hiểu trong bối cảnh “rước lễ”; nhưng như một dấu chỉ ‘mở ra một tầm nhìn mới’ của một ‘quan hệ rộng hơn’, ‘gắn bó hơn’; nghĩa là toàn bộ cuộc sống!

Thánh Thể trước hết là một cử hành cộng đồng về những gì ‘chúng ta là’, ‘chúng ta có’, ‘chi thể của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô’. Qua Lời truyền phép, bánh rượu trở nên Thịt Máu Chúa, đến với chúng ta, ‘mở ra một tầm nhìn mới’ trong tình bác ái hiến dâng; Ngài đến qua từng kinh nghiệm yêu thương chúng ta có với nhau. Tắt một lời, Thánh Thể không chỉ là việc rước Chúa trong nhà thờ, nhưng là ‘cả cuộc sống’ dù chúng ta ở đâu, đang làm gì.

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết, không bao giờ Phaolô hình dung con đường mình sẽ đi vào mấy mươi năm cuối đời; nhưng Chúa Phục Sinh thì có! Ngài ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho Phaolô; từ một người bắt bớ Hội Thánh, Phaolô được chọn làm sứ giả của Thánh Thể; Bí Tích này được Phaolô ghi lại chi tiết trong thư Côrintô. Như vậy, kế hoạch Chúa dành cho Phaolô, cho mỗi người chúng ta có thể táo bạo hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng; để rồi, cùng Phaolô, chúng ta “Đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” Thánh Thể như lời Thánh Ca Phúc Âm gợi ý.

Anh Chị em,

“Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”. Khổ thay, những của ăn mau hư nát thế tục lại chi phối và quấn lấy tâm trí chúng ta như lớp sương mù che khuất tầm nhìn, khiến chúng ta không thấy gì xa hơn. Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới!’. Hãy để Lời Chúa ‘mở ra một tầm nhìn mới!’. Vì vậy, mỗi khi rước Chúa, chúng ta trao cho Ngài cơ hội để Ngài uốn nắn và đồng hoá chúng ta với Ngài như đã đồng hoá và uốn nắn Phaolô. Có như thế, phong thái, suy nghĩ và toàn thể con người chúng ta sẽ hoà tan trong Đấng chúng ta rước lấy; và cuối cùng, mỗi người trở nên một Giêsu khác, tấm bánh bẻ ra cho muôn người!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần rước Chúa, cho con ý thức, Chúa sống trong con, con sống trong Chúa. Ước gì con thuộc trọn về Chúa, làm điều Chúa muốn, muốn điều Chúa ưa thích!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

ĐƯỢC LÔI KÉO - Thứ Năm Tuần 3 PS

 

“Chẳng ai đến được với Tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi không lôi kéo người ấy!”.

Một nhà chiêm niệm nói, “Lo lắng là lãng phí thời gian hôm nay, xáo trộn các cơ hội của ngày mai với những rắc rối của ngày hôm qua! Đang khi điều đáng lo nhất, là lúc bạn nghĩ, bạn đang ở một mình! Bạn quên Thiên Chúa, Đấng trợ giúp bạn. Bạn luôn ‘được lôi kéo’ về phía Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn luôn ‘được lôi kéo’ về phía Ngài!”. Đó là nguyên tắc thiêng liêng tuyệt vời mà Tin Mừng hôm nay tiết lộ cho bạn và tôi. Chúa Giêsu nói rất rõ, “Chẳng ai đến được với Tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi không lôi kéo người ấy!”.

Khi nói, “Chẳng ai đến được với Tôi”, Chúa Giêsu muốn nói, việc đến với Ngài trong đức tin, lớn lên trong đức tin là điều không ai có thể làm một mình! Thiên Chúa luôn đi bước trước; Ngài khơi lên cơn khát tâm linh trong mỗi trái tim. Phần chúng ta, là đáp lại. Tất nhiên, không phải cách thụ động, chờ Chúa ra tay! Ngài không ngừng vươn tới, không ngừng nói và không ngừng cuốn hút chúng ta; nhưng về phía mình, chúng ta cần lắng nghe! Vì thế, biết mình ‘được lôi kéo’, bạn và tôi chỉ cần hoà mình vào lời ‘tán tỉnh’ nhẹ nhàng của Ngài và tiếng thầm thì của Thánh Thần; và điều này thường xảy ra dưới hình thức ân sủng, vốn tinh tế, thúc giục, gọi mời.

Trong một thế giới bận rộn vốn rất giỏi trong việc khiến chúng ta “lãng phí thời gian hôm nay, xáo trộn các cơ hội của ngày mai với những rắc rối của ngày hôm qua”, bạn và tôi phân tâm! Tiếng thì thầm của Chúa Cha lại hoàn toàn khác. Chúng chỉ được lắng nghe qua im ắng nội tâm, dẫu không cần ai đó phải ở trong một tu viện. Chỉ cần trung thành cầu nguyện và hình thành thói quen hướng về Chúa mọi lúc, người ấy sẽ cảm nhận mình ‘được lôi kéo’. Và điều đó sẽ đạt được khi mỗi người biết làm đi làm lại thói quen tốt lành này!

Câu chuyện của bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một ví dụ. Ngồi trên xe, viên thái giám đọc sách Isaia. Thần Khí nói với Philipphê, “Tiến lên, theo kịp xe kia!”. Những gì xảy ra sau đó quả là việc của Thánh Thần. Philipphê giảng giải, nói về Chúa Giêsu cho ông; sau cùng, là phép rửa. Rõ ràng, vị quan này ‘được lôi kéo’ bởi Thánh Thần qua vị tông đồ. Thật thú vị, bản thân Philipphê cũng ‘được lôi kéo’; ông tiếp tục hành trình, lòng hỷ hoan; mọi thành ông đi qua được rao giảng Tin Mừng. Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Toàn trái đất, hãy tung hô mừng Chúa!”.

Anh Chị em,

“Chẳng ai đến được với Tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy”. Chúa Cha luôn lôi kéo chúng ta về phía Ngài qua Chúa Giêsu; nhưng tiếng nói của vật chất, dễ dãi bao giờ cũng hấp dẫn hơn tiếng nói của Ngài; tiếng của thần dữ bao giờ cũng dễ nghe hơn tiếng của thần lành. Vì thế, Thiên Chúa phải đi bước trước, Ngài không ngừng vươn tới, không ngừng nói, không ngừng lôi kéo chúng ta. Vấn đề là liệu chúng ta có lắng đọng đủ để lắng nghe và hoà mình trong lời ‘tán tỉnh’ của Ngài không; lời ‘tán tỉnh’ này có khi êm ái, nhưng lắm lúc nổ ran như sấm rền. Chớ gì chúng ta đủ bình tâm trước mọi biến cố, mọi vấn đề; luôn ý thức, “tôi không ở một mình”, hầu có thể cảm nghiệm sự chèo kéo của Ngài. Hãy tin tôi, nếu không cảm nhận ‘được lôi kéo’ bởi Chúa Cha, bạn sẽ dễ dàng buông mình cho vô vàn chèo kéo thế tục!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hãy lôi con về phía Ngài mỗi ngày, hầu con đủ sức kéo người khác về phía Chúa! Và mỗi chúng con sẽ cảm nhận ‘được bay bổng’, ‘được lôi kéo’ bởi ân sủng từ trên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MỞ RA MỘT TẦM NHÌN MỚI - Thứ Sáu Tuần 3 PS

“Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”.

Alvin Jennings nói, “Nhiều Kitô hữu ngày nay sống một cuộc sống như trong ‘sương mù’. Họ để cho vô số rắc rối che khuất tầm nhìn và làm suy yếu tinh thần. Nhưng “Thiên Chúa chẳng ban cho chúng ta một thần khí gây nhát đảm, mà là một Thần Khí khiến chúng ta mạnh mẽ”. Đừng để sương mù che khuất! Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho bạn!”. Lời Chúa hôm nay ‘mở ra một tầm nhìn mới’ về Bí Tích Thánh Thể; nhờ đó, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn Bí Tích Tình Yêu này. Chúa Giêsu nói, “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”.

Trước những lời này, người Do Thái sửng sốt. Thật dễ hiểu! Họ sợ máu! Với họ, máu thật linh thiêng, là nguồn gốc sự sống, không bao giờ được chạm vào. Vậy phải hiểu thế nào? Đừng hiểu theo nghĩa đen! Để biết sâu sắc hơn ý muốn của Chúa Giêsu, những lời này phải được soi rọi dưới ánh sáng đức tin. Trong đêm bị trao nộp, giữa bữa Tiệc Ly, Ngài đã hiến mình để nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta; vì thế, Mình Thánh chúng ta đón nhận đích thực là thịt máu Giêsu, Chiên Thiên Chúa. Mỗi khi rước Ngài, “ăn thịt và uống máu Tôi”, chúng ta đồng hoá ‘toàn bộ con người, toàn bộ suy nghĩ, toàn bộ hành động’ của mình vào chính Ngài. Ngài đã không nói “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong tôi và Tôi ở lại trong người ấy” sao? Như vậy, đón lấy Ngài không chỉ hiểu trong bối cảnh “rước lễ”; nhưng như một dấu chỉ ‘mở ra một tầm nhìn mới’ của một ‘quan hệ rộng hơn’, ‘gắn bó hơn’; nghĩa là toàn bộ cuộc sống!

Thánh Thể trước hết là một cử hành cộng đồng về những gì ‘chúng ta là’, ‘chúng ta có’, ‘chi thể của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô’. Qua Lời truyền phép, bánh rượu trở nên Thịt Máu Chúa, đến với chúng ta, ‘mở ra một tầm nhìn mới’ trong tình bác ái hiến dâng; Ngài đến qua từng kinh nghiệm yêu thương chúng ta có với nhau. Tắt một lời, Thánh Thể không chỉ là việc rước Chúa trong nhà thờ, nhưng là ‘cả cuộc sống’ dù chúng ta ở đâu, đang làm gì.

Thật thú vị, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết, không bao giờ Phaolô hình dung con đường mình sẽ đi vào mấy mươi năm cuối đời; nhưng Chúa Phục Sinh thì có! Ngài ‘mở ra một tầm nhìn mới’ cho Phaolô; từ một người bắt bớ Hội Thánh, Phaolô được chọn làm sứ giả của Thánh Thể; Bí Tích này được Phaolô ghi lại chi tiết trong thư Côrintô. Như vậy, kế hoạch Chúa dành cho Phaolô, cho mỗi người chúng ta có thể táo bạo hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng; để rồi, cùng Phaolô, chúng ta “Đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” Thánh Thể như lời Thánh Ca Phúc Âm gợi ý.

Anh Chị em,

“Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời!”. Khổ thay, những của ăn mau hư nát thế tục lại chi phối và quấn lấy tâm trí chúng ta như lớp sương mù che khuất tầm nhìn, khiến chúng ta không thấy gì xa hơn. Hãy để ánh nắng Chúa Kitô ‘mở ra một tầm nhìn mới!’. Hãy để Lời Chúa ‘mở ra một tầm nhìn mới!’. Vì vậy, mỗi khi rước Chúa, chúng ta trao cho Ngài cơ hội để Ngài uốn nắn và đồng hoá chúng ta với Ngài như đã đồng hoá và uốn nắn Phaolô. Có như thế, phong thái, suy nghĩ và toàn thể con người chúng ta sẽ hoà tan trong Đấng chúng ta rước lấy; và cuối cùng, mỗi người trở nên một Giêsu khác, tấm bánh bẻ ra cho muôn người!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần rước Chúa, cho con ý thức, Chúa sống trong con, con sống trong Chúa. Ước gì con thuộc trọn về Chúa, làm điều Chúa muốn, muốn điều Chúa ưa thích!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

KHÔNG CHO PHÉP BẤT CỨ ĐIỀU GÌ KHÁC LẤP ĐẦY - Thứ Tư Tuần 3 PS

“Tôi sẽ không để mất một người nào!”.

“Tôi có cảm tưởng dường như trong trái tim tôi có một lỗ hổng lớn; và tôi không thể lấp đầy nó bằng bất cứ thứ gì!”. Đó là cảm thán của một cô gái trẻ vừa trở lại với các Bí Tích sau nhiều năm. Cô đang khao khát, một cơn khát cháy bỏng Chúa Kitô. May mắn thay, Ngài đã ‘không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy’ trái tim cô! Nó vốn đã thuộc về Ngài và chỉ một mình Ngài!

Kính thưa Anh Chị em,

Hẳn người bạn trẻ tốt phúc đó đã hiểu rất rõ câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho Tôi, Tôi sẽ không để mất một người nào!”. Gặp lại Chúa Kitô, ngụp lặn trong lòng thương xót của Ngài, cô trải nghiệm một điều gì đó thật vĩnh cửu, “Ai thấy người Con, và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”.

Được tạo dựng cho vô biên, mỗi người có một khao khát bên trong; cơn khát đó có tên ‘Lỗ Hổng’ của trái tim. Dù nhỏ hay không quá nhỏ, nó là một lỗ hổng ‘có kích cỡ bằng Chúa Kitô!’; nó thuộc về Ngài, và chỉ một mình Ngài. Ngài ‘không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy’ nó!

Vậy nếu điều đáng khao khát thực sự là Chúa Kitô, thì thử hỏi, điều gì có thể ngăn cản bạn và tôi đến với Ngài? Phải chăng đó là niềm kiêu hãnh, sự lười biếng tinh thần, hay hời hợt thiêng liêng? Vậy mà, đằng sau những lý do ấy, thường là một nỗi sợ. Sợ mở lòng cho Chúa Kitô! Bởi lẽ, chúng ta thường nghĩ rằng, mở lòng cho Ngài, tôi sẽ thua cuộc! Chính xác! Đó là nỗi sợ đụng chạm đến cái tôi của mình. Đức Bênêđictô XVI đã đề cập đến nỗi sợ này trong bài giảng đầu tiên của giáo triều ngài, “Đừng sợ Chúa Kitô! Ngài không lấy gì đi, nhưng ban cho bạn tất cả. Hãy dâng toàn thân cho Ngài, chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng. Hãy mở ra, mở rộng những cánh cửa cho Chúa Kitô và bạn sẽ tìm thấy sự sống đích thực!”.

Trải nghiệm ‘mở ra’ này cũng là trải nghiệm của Phaolô, một con người mà bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay bóc trần. Đó là một biệt phái cuồng tín, đã từng lầm lạc đến nỗi giết chóc Hội Thánh; một con người hãnh tiến, kiêu ngạo và mù quáng. Thế nhưng, một khi mở ra cho Chúa Kitô, Phaolô không còn là mình, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi”. Phaolô trở nên một lợi khí của Ngài, nên nguồn ân phúc cho các Giáo Hội non trẻ, và là một trong những trụ cột đầu tiên của Kitô giáo. Hội Thánh vui mừng, dân ngoại mừng vui; một nỗi vui được Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Toàn trái đất, hãy tung hô mừng Chúa!”.

Anh Chị em,

“Tôi sẽ không để mất một người nào!”. Chúa Giêsu không muốn để mất một ai, kể cả những kẻ chống đối Ngài, giết Ngài. Ngài đến tìm một nhân loại đã hư mất; trong đó, có những con người đã mất hoặc đang trên đà hư mất. Ngài tìm Matthêu, Giakêu; tìm người phụ nữ Samaria bên bờ giếng; tìm người nữ ngoại tình; tìm các biệt phái như Nicôđêmô và Saolô; và đến cuối đời, Ngài kịp tìm người trộm lành. Vậy hãy để cho Ngài tìm kiếm! Nói cho Ngài ‘nơi’ bạn và tôi đang hư mất! Chỉ Ngài mới có thể thoả mãn và lấp đầy trái tim chúng ta. Ngài ‘không cho phép bất cứ điều gì khác lấp đầy’ nó! Thú vị thay, đây cũng là ước muốn của chính Thiên Chúa, Đấng sở hữu muôn loài lại ước ‘được lấp đầy’ bởi chính mỗi người chúng ta. Hãy để cho ‘giấc mơ kép’ của Ngài thành hiện thực! Hãy làm rỗng trái tim để Ngài tự do yêu bạn, sử dụng bạn, lấp đầy bạn như Ngài mơ ước! Và ngược lại, hãy lấp đầy trái tim Ngài bằng tình yêu của chính bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, không được Chúa lấp đầy, trái tim con sẽ được lấp đầy bằng những thứ khác. Cho con biết, con thuộc về ai. Hãy lấp đầy con, và con sẽ lấp đầy Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories