3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

TỘI LỖI CÓ THỂ TRỞ NÊN ĐỘNG LỰC CHO TÌNH YÊU - Thứ Sáu 26/05

 

“Con có yêu mến Thầy không?”.

Năm 1795, Joséphine phải lòng Napoléon; năm sau, họ thành hôn! Napoléon đắm đuối, nhưng xem ra Joséphine chẳng mấy rung động với vị tướng trẻ hơn mình 6 tuổi. Sau đám cưới, Napoléon viễn chinh Italy; Joséphine gần như công khai cặp bồ với các tình nhân; nổi tiếng, là Trung Uý Hippolyte Charles. Năm 1804, tức 9 năm sau, Napoléon trở thành Đại Đế, Joséphine được triệu vào cung với sắc phong “Hoàng Hậu”. Tại sao một người phản bội đến thế lại được yêu? Một học giả chuyên môn về Napoléon nói, “Tội lỗi có thể trở nên động lực cho tình yêu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Napoléon quên hết quá khứ của Joséphine, Chúa Giêsu quên hết quá khứ của Phêrô! Trong Tin Mừng hôm nay, đến ba lần, Ngài hỏi ông, “Con có yêu mến Thầy không?”. Hẳn Ngài không cần Phêrô hối lỗi ba lần, nhưng Phêrô cần bày tỏ tình yêu ‘gấp ba lần’. Thông điệp Lời Chúa thật rõ nét, ‘Tội lỗi có thể trở nên động lực cho tình yêu!’.

“3”, con số của sự hoàn hảo. Chẳng hạn, khi tuyên xưng “Thánh, Thánh, Thánh!”, biểu thức này nói lên rằng, Thiên Chúa là Đấng thánh khiết nhất. Trả lời Chúa Giêsu ba lần, “Con yêu mến Thầy”, Phêrô có cơ hội bày tỏ tình yêu của mình theo cách thánh khiết nhất; ba lần ‘tỏ tình’ thay cho ba lần ‘chối tình!’. Điều này tiết lộ nhu cầu của bạn và tôi, là chúng ta phải yêu mến Chúa, tìm kiếm lòng thương xót của Ngài theo cách ‘gấp ba lần’. Hãy để Chúa Giêsu hỏi bạn ba lần với một câu hỏi, và biết rằng, Ngài không hài lòng với một câu trả lời qua quít, “Con yêu mến Chúa”. Ngài muốn nghe nó một lần, hai lần, và một lần nữa một cách thánh khiết nhất, “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa!”. Đây phải là câu trả lời cuối cùng!

‘Ba lần với một câu hỏi’ cho chúng ta cơ hội biểu lộ khát khao cháy bỏng đối với lòng lân tuất của Chúa. Còn hơn cả Joséphine, tất cả chúng ta đều phạm tội; phủ nhận Thiên Chúa khi cặp bồ với đủ loại hình ‘ngẫu tượng!’. Nhưng điều đáng mừng là Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta biết rằng, ‘Tội lỗi có thể trở nên động lực cho tình yêu!’. Ngài không ghê tởm, cũng không viết tội của ai trên trán người ấy. Ngài đòi chúng ta chỉ một điều: đau buồn chân thành và hoán cải thực sự từ con tim; Ngài muốn chúng ta từ bỏ tội lỗi đến mức tối đa. Vì lẽ, Ngài đã hiến thân chịu chết để rửa sạch muôn vàn tội lỗi; Ngài đã sống lại và vẫn sống! Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho biết, Phaolô, tù nhân, đã xác tín điều đó! Phestô nói với vua Agrippa, “Họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống!”.

Anh Chị em,

“Con có yêu mến Thầy không?”. Hãy dành thời giờ, lặp đi lặp lại câu hỏi này không chỉ một lần, ba lần, nhưng nhiều lần! Chúa Thánh Thần sẽ tỏ cho bạn và tôi thấy được chiều sâu tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu và cách chúng ta bày tỏ tình yêu với Ngài. Hãy bày tỏ tình yêu của bạn đối với Chúa Giêsu theo cách ‘gấp ba lần’. Hãy để nó trở nên sâu sắc, thánh khiết và không đổi thay. Chúa Giêsu sẽ đón nhận hành động chân thành này và trả lại cho bạn không chỉ gấp ba, nhưng ‘gấp “n” lần!’. Đừng sợ vì sự bất xứng của mình. Trước Thiên Chúa, nào có ai xứng! Hãy đến với Chúa, kín múc ân sủng thứ tha của Ngài, dù bạn có thế nào đi nữa; cặp bồ ‘công khai hay chùng lén!’. Hãy nói với Ngài, không chỉ một lần, ba lần nhưng nhiều lần, với hết tâm hồn; rằng, bạn yêu mến Ngài. Bởi lẽ, ‘Tội lỗi có thể trở nên động lực cho tình yêu!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa; và Chúa biết con yêu mến ‘những gì ít hơn Chúa!’. Xin biến đổi con, hầu con dâng Chúa tình yêu và ước muốn hoán cải đến mức tối đa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

NGƯỚC MẮT LÊN TRỜI - Thứ Năm 25/05

 

“Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện!”.

George Muller nói, “Cám dỗ thường tình của Satan là khiến chúng ta từ bỏ việc đọc Lời Chúa và bỏ cầu nguyện! Nó làm đủ cách để chứng tỏ, đọc Lời Chúa là vô ích; cầu nguyện là vô tích sự. Sự thật là, để có thể yêu thích Lời Chúa, bạn phải tiếp tục đọc; và để có thể yêu thích cầu nguyện, bạn phải tiếp tục cầu nguyện! Cầu nguyện là ‘ngước mắt lên trời’, nói với Chúa, “Lạy Chúa, xin ban Lời, này con đang nghe!”. Sống động đến thế, sao bạn lại từ bỏ?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Sống động đến thế, sao bạn lại từ bỏ?”. Cùng với khuyến cáo của Muller, một chi tiết của Lời Chúa hôm nay sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên đến bất ngờ. Đó là, khi cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu ‘ngước mắt lên trời!’. ‘Ngước mắt lên trời’, Chúa Giêsu chiêm ngưỡng sự hiện diện huy hoàng của Cha trong một chiều kích mới mẻ, tuyệt đối lạ lẫm; một chiều kích mà mỗi người chúng ta cần cả một cuộc đời để khám phá. Đó là “chiều kích siêu việt” của Thiên Chúa!

Chúa Cha, Đấng siêu việt! “Siêu việt” là trên hết, trước hết và vô cùng. Ngài vượt trên mọi sự, Ngài “bất tử”; thế giới không chứa nổi Ngài, không phàm nhân nào hiểu hết Ngài. Siêu việt của Thiên Chúa còn là siêu việt của Ba Ngôi; tuy là Ba nhưng là Một! Quan hệ giữa Ba Ngôi là quan hệ hỗ tương sâu sắc tự bản chất của từng Ngôi. Và dẫu hai từ “bất tử” và “siêu việt” khá xa lạ, nhưng những khái niệm này cần được suy gẫm; ý nghĩa của chúng cần được nắm bắt. Bởi lẽ, hiểu được mối quan hệ nội tại của Ba Ngôi, chúng ta mới hiểu được ‘ảnh hưởng trực tiếp của nó’ đến mối quan hệ của mỗi chúng ta với Ngài. Chúng ta chia sẻ sự sống và tình yêu của Ngài; nghĩa là, sống chính sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Cùng Chúa Giêsu, bạn và tôi ‘ngước mắt lên trời’, chiêm ngưỡng sự uy nghi, vinh quang, quyền năng của Chúa Ba Ngôi!

Thật trùng hợp, bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho thấy sự thông hiệp của chúng ta với Thiên Chúa khi chúng ta tin xác loài người ngày sau sống lại, tin các thiên thần và linh hồn bất tử. Như vậy, cùng với Phaolô và người Pharisêu, chúng ta không chỉ tin vào sự “bất tử” và “siêu việt” của Thiên Chúa, nhưng còn tin vào sự “bất tử” và “siêu việt” của chính mình. Thiên Chúa, đã thông ban Ngài cho những ai tin nhận Ngài, tin nhận Chúa Giêsu, Đấng họ nương thân! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu!”.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện!”. Cùng Chúa Giêsu, chúng ta ‘ngước mắt lên trời’ và làm như Ngài; đồng thời, biết rằng, Thiên Chúa hiển vinh và siêu việt này đang đoái thương ngự xuống, ở lại và cắm lều trong linh hồn chúng ta. Ngài thiết lập quan hệ cá nhân bền bỉ với chúng ta. Ngài, Đấng tạo thành, ngàn trùng chí thánh; Đấng duy trì vạn vật, nhưng cũng là Đấng đang ở với tôi, trong tôi, đang yêu thương tôi! Vinh quang Ngài cửu trùng thăm thẳm không chứa nổi, nhưng lại đang ngự nơi sâu kín bí mật của tâm hồn tôi. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi thừa nhận sự hiện diện của Ngài, và ‘ngước mắt lên trời’, kính uý Ngài, yêu mến Ngài, Đấng đang sống trong mỗi người. “Sống động đến thế, sao bạn lại từ bỏ?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế gian luôn kéo ghì con xuống, xin Thánh Thần đỡ nâng, giúp con ‘ngước mắt lên’, chiêm ngắm sự huy hoàng của Chúa. ‘Lạy Chúa, xin ban Lời, này con đang nghe!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC LUÔN BẤT NGỜ TUYỆT VỜI - Thứ Hai 22/05

“Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói!”.

Arminius nói, “Đức tin là tác động của Thiên Chúa, soi sáng tâm trí và niêm phong trái tim! Con đường phía trước luôn bất ngờ tuyệt vời. Nó là quà tặng đơn thuần của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu con đường phía trước của đức tin luôn bất ngờ tuyệt vời như Arminius nhận định thì Thánh Thần Chúa Giêsu hứa, Thánh Thần mà Phaolô cầu xin cho các tín hữu Êphêsô qua Lời Chúa hôm nay là quà tặng bất ngờ tuyệt vời hơn!

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ mô tả thực trạng đức tin của các tín hữu Êphêsô, họ không biết Chúa Thánh Thần; thật ý vị, nó còn tiết lộ thực trạng đức tin của bạn và tôi! Bởi lẽ, thú nhận của họ, cách nào đó, cũng có thể là nhìn nhận của nhiều người trong chúng ta. Rằng, “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói!”. Các tín hữu Êphêsô cần được hướng dẫn về vai trò của Chúa Thánh Thần; và cả chúng ta, cũng cần được giáo huấn trong đức tin về Ngài.

Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ tỏ ra tự tin, pha lẫn chút tự phụ, về nhận thức của họ đối với Chúa Giêsu, “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và không cần phải có ai hỏi Thầy. Chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến!”. Ngờ đâu, Chúa Giêsu chọc thủng sự tự tin mong manh đó! Ngài cho biết, chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa, họ sẽ bỏ rơi Ngài, phó mặc Ngài, và mỗi người sẽ đi theo một con đường riêng, “Này đã đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, các con sẽ phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình!”.

Như các tín hữu Êphêsô, chúng ta vẫn là những con người dò dẫm, còn phải học biết rất nhiều điều về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa, cũng như học biết mối quan hệ hỗ tương giữa chúng ta với Ngài và ngược lại. Hơn các môn đệ Êphêsô, chúng ta được nghe, được lãnh nhận Thánh Thần; tuy nhiên, mỗi người vẫn phải tìm hiểu vị trí và vai trò của Ngài trong từng biến cố cuộc sống mình. Và khi nói đến đức tin, Thánh Thần sẽ là một tác nhân không thể thiếu của linh hồn; vì nhờ Ngài, chúng ta mới có khả năng khám phá mỗi ngày những ‘cảnh vực thần linh’ kỳ diệu của đời sống ân sủng với tư cách con cái Thiên Chúa. ‘Con đường phía trước luôn bất ngờ tuyệt vời’ mà chính Thánh Thần sẽ giúp mỗi người khám phá!

Anh Chị em,

“Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói!”. Hãy để nhìn nhận này thức tỉnh chúng ta! Bởi lẽ, có Thánh Thần là một chuyện, sống theo Thánh Thần là chuyện hoàn toàn khác! Bằng chứng là chúng ta chưa biến đổi! Hiểu biết của chúng ta đang chỉ ở tầm thấp với những gì khả giác; với Ngài, chúng ta mới có khả năng vói tới những tầm cao của ân sủng. Chúa Thánh Thần không ngừng vén mở cho chúng ta những điều mới lạ từ Thiên Chúa, một người Cha gần gũi, yêu thương với nhiều bất ngờ. Và điều bất ngờ lớn nhất là tình yêu Ngài dành cho chúng ta! Bạn và tôi đang nằm trong lòng bàn tay Cha, Ngài có kế hoạch và chương trình riêng cho từng người. Vì thế, giữa cuộc đời cam go này, hãy bám chặt Chúa Thánh Thần, ngoan nguỳ, dễ bảo với Ngài. ‘Con đường phía trước luôn có những bất ngờ tuyệt vời’ cho dẫu đó có thể là chông gai, thập giá. Có Ngài, chúng ta an tâm!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con luôn nói “Có” với Chúa Thánh Thần. Với Ngài, con sẽ không nhàm chán với những gì quen thuộc, không bao giờ choáng ngợp với những gì bất ngờ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

GIỜ TÔN VINH - Thứ Ba 23/05

 

“Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha!”.

Oswald Chambers nói, “Lựa chọn đau khổ luôn bao hàm một điều gì đó sai trái; chọn ý muốn của Thiên Chúa, cả khi điều đó có nghĩa là đau khổ, lại là điều hoàn toàn khác! Không vị thánh nào chọn đau khổ; họ chọn ý muốn của Thiên Chúa, cho dù điều đó có nghĩa là đau khổ hay không. Chọn ý muốn của Chúa, họ tôn vinh Ngài. Và như Chúa Giêsu, giờ tôn vinh tột cùng nhất của họ là lúc họ hiến mình vì Ngài cho đến chết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Giờ tôn vinh tột cùng nhất của họ là lúc họ hiến mình vì Ngài cho đến chết!”. Câu nói của Oswald Chambers giúp chúng ta phần nào hiểu được lời cầu nguyện rất khác thường của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha!”. Nào có ai cầu xin tôn vinh chính mình? Vậy ‘giờ tôn vinh’ này phải được hiểu thế nào?

Trước hết, ‘giờ tôn vinh’ Chúa Giêsu nói đây chính là ‘giờ đóng đinh’ của Ngài trên thập giá. Điều này xem ra mâu thuẫn; vì lẽ, Ngài vừa nói đến tôn vinh vừa ám chỉ một khoảnh khắc chết chóc. Nhưng, từ góc độ thiêng liêng, Chúa Giêsu coi đó là giờ vinh quang thực sự của Ngài. Đó là giờ Ngài được Cha Trên Trời tôn vinh vì Ngài đã hoàn thành thánh ý Chúa Cha một cách hoàn hảo khi hoàn toàn chấp nhận cái chết để cứu rỗi thế giới, một cái chết nói lên rằng, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một!”; và Con của Ngài đã thể hiện tình yêu cứu độ đó đối với con người đến mức chết trên thập giá!

Bạn và tôi cũng phải nhìn thấy điều này từ quan điểm con người! Từ cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải ý thức ‘giờ tôn vinh’ này là điều mà chúng ta cũng có thể liên tục nắm lấy để thánh giá đời mình cũng có thể trổ sinh hoa trái cứu độ. ‘Giờ tôn vinh’ của Chúa Giêsu là điều mà chúng ta phải thường xuyên sống. Bằng cách nào? Bằng cách không ngừng ôm lấy thánh giá đời mình hầu nó cũng là giây phút dâng lên Chúa Cha ngàn vinh quang. Khi làm điều này, thánh giá của chúng ta mang một chiều kích thiêng thánh; bởi lẽ, nó đã trở nên nguồn ân sủng cứu độ của Thiên Chúa như thánh giá của Con Một Ngài!

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy, chính thánh Phaolô đã sống tâm tình hiến dâng đó; ngài nói với các tín hữu Êphêsô, “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy đến cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng, xiềng xích và gian truân đang chờ tôi”. Phải! Thánh giá đang chờ Phaolô, ‘giờ tôn vinh’ của Phaolô đã được chuẩn bị sẵn sàng!

Anh Chị em,

“Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha!”. Như Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Cha điều này. Vẻ đẹp của Tin Mừng là mọi đau khổ chúng ta chịu, mọi thập giá chúng ta vác, đều là cơ hội để biểu lộ thập giá của Chúa Kitô. Chúng ta được Ngài mời gọi không để tìm vinh quang cho mình; nhưng để không ngừng dâng ngàn vinh quang cho Thiên Chúa bằng cách sống sự đau khổ và cái chết của Ngài chính trong cuộc đời mình. Hãy biết rằng, trong Chúa Kitô, những khó khăn đó có thể thông phần vào tình yêu cứu rỗi của Ngài nếu bạn dám tháp nhập thánh giá đời mình vào thập giá của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không chọn đau khổ; con chọn ý muốn của Chúa! Đừng để con tìm vinh quang thế gian, một tìm vinh quang Chúa, cho dù phải khổ đau!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

HÃY ĐI! - Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên

“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”.

“All Hallows College”, một đại học danh tiếng ở Ái Nhĩ Lan, nơi đào tạo các linh mục truyền giáo tại các nước nói tiếng Anh. Trên cánh cửa của đại học, người ta có thể đọc thấy khẩu hiệu ghi rõ mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật Thăng Thiên hôm nay ghi lại mệnh lệnh dứt khoát của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi Ngài về trời, “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”.

Vào thời Chúa Giêsu và những năm đầu tiên của Giáo Hội, thật khó để tưởng tượng Phúc Âm sẽ được rao giảng cho mọi quốc gia. Bởi lẽ, cộng đồng những người tin chỉ là một nhóm thiểu số, rải rác trên một khu vực rất nhỏ. Tuy nhiên, ngày nay, Giáo Hội đã có mặt khắp cả địa cầu; Tin Mừng đã đến với mọi đất nước, mọi dân tộc; Thánh Kinh được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ và các môn đệ của Chúa Giêsu tiếp tục được đào tạo, tiếp tục được sai, ‘Hãy đi!’.

Vậy mà, không ít người trong chúng ta có thể dễ dàng chán nản khi chỉ tập trung vào những gì đang xảy ra trong đời sống Hội Thánh ở một nơi nào đó. Edward Schillebeeckx từng cho rằng, “Chúng ta đang sống chính sự nản lòng của các tông đồ tiên khởi trong thời gian giữa ‘cái chết của Chúa Giêsu và lúc họ nhận ra Ngài đã phục sinh’. Như họ, chúng ta có cùng cảm nhận, cùng hoài nghi với sự mơ hồ của họ trên đường Emmaus. Chúng ta biết Chúa Kitô, nhưng là một Chúa Kitô từng bị đóng đinh; vì thế, chúng ta không nhận ra Ngài đang đi, đang sống giữa chúng ta hơn bao giờ hết, dù theo một cách khác. Như các môn đệ Emmaus, chúng ta thường cúi mặt bước đi đầy hoang mang. Phải, chúng ta cần Chúa Kitô xuất hiện trong một hình hài mới để tái định hình chân dung của Ngài, hầu có thể nhận ra Ngài đang hiện diện!”.

Đồng ý một phần với Schillebeeckx, cha Ron Rolheiser còn có một cái nhìn khác, “Giáo Hội ngày nay đang ở trong khoảng thời gian ‘giữa phục sinh và thăng thiên’; Giáo Hội cảm nhận sự nản lòng đáng kể, với những ‘dung mạo’ phù hợp của một nhận thức cũ về Chúa Kitô, nên không nhận ra Ngài trong giây phút hiện tại. Với những ai lớn lên trong một nhận thức đức tin nào đó, thì Chúa Kitô đã bị đóng đinh. Thế nhưng, Chúa Kitô không chết, Hội Thánh không chết. Cả Chúa Kitô và Hội Thánh đang rất sống động bước đi với chúng ta; Ngài đang dần dần tự mình tái định hình ‘dung mạo’ cho chúng ta, diễn giải Thánh Kinh cho chúng ta, và một lần nữa nói với chúng ta rằng: Không phải Chúa Kitô và Hội Thánh cần chịu nhiều đau khổ sao?”.

Anh Chị em,

“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”. Lễ Chúa Lên Trời mời gọi chúng ta đến với một sự thật; rằng, có một Đấng đã chết! Nhưng có một sự thật khác còn phong phú hơn; rằng, Đấng ấy cần từ bỏ cách thức hiện diện trước đây để có thể hiện diện theo một cách mới. Thần học và linh đạo thăng thiên, căn bản gói gọn trong những lời này: Từ chối bám chặt vào những gì từng có, buông bỏ nó, để có thể nhận ra sự sống mới; đón nhận sinh khí của sự sống ấy và thi hành mệnh lệnh ‘Hãy đi!’ Ngài giao phó. Vì thế, lễ Thăng Thiên là lễ của niềm hy vọng; lễ mời gọi chúng ta hãy hy vọng về Chúa Kitô, về Hội Thánh. Nó không phải là một lễ kỷ niệm sự ra đi của Chúa Giêsu; đúng hơn Ngài đi vào trong một sự hiện diện mới với các tông đồ, với chúng ta cách tuyệt vời hơn trong Thánh Thần và qua Thánh Thần.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù con gần đất hơn gần trời, xin đừng để lòng con nặng ‘mùi đất’; cho con luôn hướng lên cao, để có thể ngát thơm ‘mùi trời’ và sẵn sàng ra đi để toả hương!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories