3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

HÃY LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ

Ở đời này, ai cũng muốn những gì tốt nhất cho mình hoặc cho con cái của mình. Người ta muốn có địa vị, quyền cao chức trọng và được người khác kính nể, phục vụ mình. Điều này dĩ nhiên không xấu, nhưng liệu chúng ta có đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ đó không? Bởi vì ngồi ở địa vị “lãnh đạo” thôi thì chưa đủ để trở thành “hiền nhân quân tử”, mà còn phải tận tâm gánh vác trách nhiệm với tất cả sức lực và khả năng, sống chết với sứ mạng. Các môn đệ xưa kia của Chúa Giêsu cũng không phải ngoại lệ. Các ông cũng ham muốn ngồi chỗ tốt, làm “công hầu khanh tướng” trong Nước Chúa .

  1. Thật là cả gan!

Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây” (Mc 10:35). Đây là những lời rào đón trước sau của Giacôbê và Gioan với Chúa Giêsu. Những lời này cho thấy Giacôbê và Gioan hoàn toàn nhận thức rõ ràng về những gì hai ông muốn có và đang chuẩn bị nói ra. Hai ông hẳn chưa mường tượng được phản ứng của Thầy mình, nhưng chắc chắn hai ông đã hình dung ra những phản ứng của các đồng môn. Những mong muốn kín đáo cần phải được che đậy, giữ trong bí mật. Chính vì thế hai ông cảm thấy cần phải đề cập vấn đề một cách bóng gió, có phần dè chừng như vậy. Nhưng cũng chính vì vậy mà Chúa Giêsu buộc hai ông phải nói rõ ra: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (Mc 10:36). Bây giờ là lúc họ cần phải nói “huỵch toẹt”, không giữ gìn ý tứ gì nữa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10:37).

Hai ông thật là cả gan! Sự cả gan này có thể được coi là bằng chứng của niềm hy vọng vào Chúa Giêsu, mà theo suy nghĩ của hai anh em ông, là Đấng sớm muộn sẽ khôi phục vương triều Đavít vinh quang thuở xưa. Giacôbê và Gioan muốn ở bên hữu và bên tả Chúa Giêsu trong vinh quang của Ngài, trong Vương quốc của Ngài. Chỉ vậy thôi! Các ông là những môn đệ được kêu gọi đầu tiên, thậm chí là hai trong ba người bạn gần gũi nhất của Chúa Giêsu, nhưng vẫn chưa hiểu gì về kế hoạch của Thầy mình. Họ tưởng rằng Chúa Giêsu sắp tổ chức một vương quốc trên trần thế này, và đã đến lúc tranh thủ giành trước những địa vị tầm cỡ nào đó!

Đây thật là một khoảnh khắc hiếm hoi trong Tin Mừng khi bản tính tranh giành hơn thua của con người lộ ra một cách trần trụi như vậy. Quả thực, việc tranh giành này diễn ra ngay sau lần thứ ba Chúa Giêsu long trọng tiên báo cuộc khổ nạn của Ngài: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Ngài và sẽ nộp Ngài cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Ngài, khạc nhổ vào Ngài, họ sẽ đánh đòn và giết chết Ngài. Ba ngày sau, Ngài sẽ sống lại” (Mc 10:33-34).

Ngay trong lần thứ hai Chúa Giêsu báo trước về cuộc khổ nạn của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài, và ba ngày sau khi bị giết chết, Ngài sẽ sống lại Thánh sử Máccô nói rất rõ: “Nhưng các ông không hiểu lời đócác ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9:31- 34).

Có lẽ hai anh em ông suy tính rằng những địa vị lớn lao cần phải có sự liên kết chặt chẽ với quyền lực của Vị Thầy đầy quyền năng, một gắn kết toàn diện vì lợi ích tương lai. Lời yêu cầu của hai anh em ông cũng có thể dựa trên lời hứa: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm…” (Mc 10:28). Điều này còn rõ hơn trong Tin Mừng Thánh Mátthêu: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel” (Mt 19, 28).

Nhưng đối với Chúa Giêsu thì tòa xét xử, hay ghế ngồi của quan chức nơi trần gian, không xác định địa vị cao thấp trong Nước Trời, và đó không phải là việc của Ngài: “Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho” (Mc 10:40). Qua lời này, Chúa Giêsu mặc khải ý nghĩa trọn vẹn về con đường của Ngài, về cuộc hành trình lên Giêrusalem mà Ngài đang thực hiện, vốn tạo nên bối cảnh của câu chuyện hiện tại. Đó không chỉ là một vấn đề với các môn đệ đang theo Ngài mà còn đối với chính Ngài: tự do chấp nhận tiến tới Cuộc Khổ Nạn và phó thác chính mình vào Thiên Chúa Cha với niềm tin tưởng trọn vẹn. 

  1. Lời cảnh báo cho chúng ta, những môn đệ hôm qua và hôm nay

Dẫu sao Chúa Giêsu cũng cảnh báo ý định của anh em nhà Giêbêđê khi họ thúc giục Ngài thực hiện mong muốn của họ, vì nó bộc lộ thói tranh giành địa vị “ăn trên ngồi trước” hơn những người khác: “Giữa anh em thì không được như vậy” (Mc 10:43).

Lời cảnh báo được gửi đến tất cả các môn đệ của ngày hôm qua và ngày hôm nay. Mong muốn thống trị người khác hoàn toàn không phải là đặc quyền của Giacôbê, Gioan và những ai muốn theo Chúa Kitô. Dù mọi quyền hành hợp pháp đều đến từ chính Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu khẳng định trước mặt Philatô sau này: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19:11) nhưng Chúa Giêsu cũng cảnh báo chống lại ảo tưởng nhìn thấy nơi Ngài một Đấng Cứu Thế đánh đuổi người La Mã ra khỏi Israel, giải phóng dân Do thái, thiết lập triều đại của Ngài theo cách “thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (Mc 10:42). Giấc mơ cố hữu về một chế độ chính trị thần quyền, do Giáo hội nắm giữ, vẫn còn là một cám dỗ đối với nhiều tín hữu hôm nay. Lời Chúa Giêsu vẫn mãi là một thử thách với những ai muốn bước theo Ngài: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). 

  1. Hạ mình đến chết trên thập giá

Đối với Chúa Kitô, việc sử dụng quyền lực đúng đắn là phục vụ người khác. Việc phục vụ của Chúa Kitô đi xa đến độ hạ mình xuống thành thân phận nô lệ mà Thánh Phaolô mô tả dưới ánh sáng Thập Giá: “Ngài hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philíp 2, 7-8).

Đó là việc hủy diệt chính mình cho đến khi không còn lại gì, “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Như vậy, con đường dẫn Chúa Giêsu đến vinh quang trên toàn Vũ trụ là con đường nhục nhã của thập giá và cái chết mà Ngài tự chấp nhận theo Thánh Ý Chúa Cha: “Chén Thầy sắp uống…phép rửa Thầy sắp chịu” (Mc 10:39). Do đó người theo Chúa Kitô “một khi cùng chịu đau khổ với Ngài, được thông phần đau khổ của Ngài…cũng được thông phần vinh quang của Ngài” (Rm 8:17).

Con đường để đạt tới “chỗ ngồi bên tả bên hữu” Chúa Kitô chính là những Thập Giá mỗi ngày mà những ai bước theo Ngài cần sẵn lòng chấp nhận và thậm chí mộ mến. Những Thập Giá mỗi ngày đó, dù muốn dù không, là điều không tránh khỏi, và dành cho những môn đệ của Chúa Giêsu, giống như thập giá dành cho hai tên trộm cướp: “Bên cạnh Ngài, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái” (Mc 5:27). Chỉ khác một điều, liệu chúng ta có như người trộm lành, trong đau khổ chết chóc trên thập giá, nhận ra phận tội lỗi của mình: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm.  Chứ ông này đâu có làm điều gì trái đâu!” (Lc 23:41), biết tin tưởng vào Đấng chịu đóng đinh và kêu lên: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42). Đây mới đích thực là chỗ ngồi bên hữu và bên tả Con Người trong giờ Thương Khó vinh hiển của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã bảo hai anh em nhà Giêbêđê: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38).

Chén, đối với các ngôn sứ, không chỉ là biểu tượng của đau khổ, mà là “chén lôi đình, chén nồng choáng váng” dành cho dân tội lỗi, như tiên tri Isaia đã kêu lên: “Thức dậy, thức dậy đi, đứng lên nào, Giêrusalem hỡi! Từ tay Chúa, ngươi đã nhận, đã uống chén lôi đình, ngươi đã cạn chén nồng choáng váng” (Is 51,17). Đó là chén đích đáng dành cho dân tội lỗi mà Chúa Giêsu sẽ uống! Chúa Giêsu đang nói đến một huyền nhiệm, đó là cái chết, một cái chết trong bạo lực, bất công, khủng khiếp của một Đấng vô tội, nhưng lại là “giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).

Nhưng hai môn đệ tự tin chắc chắn: “Các ông đáp: Thưa được” (Mc 10:39). Các ông không chùn bước, miễn là đạt được mục đích, là tham gia vào quyền lực của Đấng Mêsia. Các ông vẫn tin rằng người ta vào Nước Thiên Chúa như khải hoàn bước vào một tòa thành; rằng bước theo Chúa Giêsu là chinh phục được những vùng đất và có quyền lực như những chiến lợi phẩm.

Một lần nữa, Chúa Giêsu lại kiên trì và hiền từ giải thích: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10: 45). Và chuẩn mực đó chiếu sáng những gì Ngài đang thực hiện trong hiện tại và soi tỏ những gì các môn đệ của Ngài sẽ làm theo Ngài trong tương lai. Hai anh em Giacôbê và Gioan sẽ theo Chúa Giêsu trên con đường phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người, và họ cũng sẽ sẵn lòng chấp nhận cái chết. Tất cả chúng ta cũng vậy khi giờ đến (Ga 17:1). Đó là con đường mà sớm hay muộn tất cả mọi người theo Chúa Kitô đều bước vào, nhưng không phải bước vào cõi chết tăm tối phi lý và vô nghĩa mà bước vào sự sống đời đời với Đấng Phục Sinh, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4: 14-16).

Phêrô Phạm Văn Trung

LÀM ĐẦY TỚ

Hai anh em nhà Giêbêđê đã to gan đến xin Chúa Giêsu cho xí phần tả hữu khi Chúa được vinh quang, theo mộng tưởng của họ là Chúa sẽ làm vua. Không riêng gì hai vị nhà Giêbêđê vốn được đặt biệt danh là “con của sấm sét” (hay thiên lôi con) mà cả mười vị còn lại đã chưng hửng trước lời của thầy Giêsu: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống, phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”(Mc 10,39-40).

Cái lầm căn bản của cả nhóm đó là mong sẽ được có chức vị cao trọng ngoài xã hội, và dĩ nhiên sẽ được hưởng vinh hoa phú quý khi đi theo Thầy Giêsu. Vị tôn sư người Nagiarét đủ đầy quyền năng trong lời nói lẫn hành động hẳn phải là Đấng Thiên Sai, và chắc chắn Người sẽ giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ ngoại bang và sẽ được phong làm vua. Ngay cả trước khi Chúa về trời thì các ngài cũng còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cvtđ 1,6). Các vị lầm thì cũng dễ hiểu vì chưa được nghe lời khẳng định của Thầy trước mặt Philatô rằng Người là vua nhưng nước Người không thuộc về thế gian này (x.Ga 18,33-38).

Nơi con người, song hành với tính xã hội thì có đó bản năng thống trị. Ở giữa một tập thể, người ta có khuynh hướng tìm cách làm đầu kẻ khác. Dẫu sao đi nữa, làm đầu con tôm cũng hơn là làm đuôi con rồng. Dù lớn hay bé, khi đã được làm đầu thì không chỉ sẽ được kính trọng mà còn được cung phụng. Vì thế, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy đây là một chủ đề thường xuyên trở thành nguyên cớ tranh luận giữa tập thể nhóm Mười Hai.

“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,44). Lời khẳng định của Chúa Giêsu là một mệnh lệnh. Thế nhưng, thực tế minh chứng cho thấy chúng ta vẫn còn đặt để mệnh lệnh ấy trên giấy cách nào đó. Không riêng gì người theo Chúa, quý vị nắm trọng trách ngoài xã hội cũng khẳng định rằng chính quyền là đầy tớ nhân dân. Thế mà chuyện đầy tớ ăn trên ngồi trước, còn các ông chủ thì khép nép tìm các hạt cơm thừa; đầy tớ thì chễm chệ ghế salon nệm dày, sở hữu nhà cao cửa rộng còn ông chủ lại vất vưởng trong các căn chòi ọp ẹp…đã trở thành “chuyện tử tế” của một thời qua các thước phim của đạo diễn Trần Văn Thủy và hình như là của nhiều thời, nhiều nơi.

Có thể có nhiều lý do để biện minh về việc các ngài đầy tớ sở hữu cũng như sử dụng các phương tiện sang trọng. Các vị ấy cần có phương tiện thích ứng để làm đầy tớ tốt hơn, hữu hiệu hơn. Các vị ấy không chỉ cần có tác phong tương xứng, mà còn cần có những cái bên ngoài như y phục, đồ dùng, phương tiện đi lại…cách nào đó cho phù hợp với vai vế hay chức vụ đảm nhận mà thôi (noblesse oblige). Đây có thể là lời giải thích khá hữu lý và hợp tình. Thế thì đâu là dấu chỉ một người làm đầu đang thực sự làm đầy tớ?

Chúa Giêsu đã cho chúng ta một dấu chỉ bằng chính cuộc sống, cung cách hành động của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Có thể nói việc hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho muôn người là bằng chứng của việc làm đầy tớ. Tác giả thư Do Thái triển khai việc làm đầy tớ qua hình ảnh vị Thượng Tế biết “cảm thương” nỗi yếu hèn của nhân loại (x.Dt 4,13). Ngôn sứ Isaia lại tiên báo việc làm đầy tớ bằng hình ảnh người tôi tớ trung thành chịu đau khổ để gánh lấy hậu quả tội lỗi con người (x.Is 53,10-11).

Số người được làm đầu con rồng trong Giáo hội hay ngoài xã hội quả là không nhiều, nhưng số người làm đầu con tôm, tôm to, tôm vừa, tôm bé hay các loại tép thì đếm không xuể. Có một vài người thuộc quyền của chúng ta, dưới quyền của chúng ta, trong trách vụ của chúng ta thì chúng ta đang được đặt làm đầu. Đó là đàn chiên chúng ta đang chăn dắt, đó là con cái mà ta đã sinh thành, đó là nhóm học sinh ta đang dạy dỗ, đó là những người cô thân, bé phận ngoài xã hội hay trong Giáo hội, đó là những người yếu đuối, tội lỗi đang cần chúng ta nâng đỡ, dìu dắt, chỉ lối, dẫn đường…Như thế, có thể nói hầu hết chúng ta đã được đặt làm đầu. Đã làm đầu thì phải làm đầy tớ.

Để thực sự làm đầy tớ, tiên vàn cần phải có sự đồng cảm, đồng thân, chung phận một cách nào đó. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta khi “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-11).

Xã hội có ngày càng công bằng, văn minh, thịnh vượng hay không, Giáo hội có ngày càng tinh tuyền, thánh thiện hay không, chắc hẳn phụ thuộc rất nhiều vào việc những người đứng đầu có thực sự sống tôn chỉ “làm đầy tớ nhân dân”, “làm tôi tớ của đàn chiên” hay không. Mong sao tôn chỉ ấy không dừng lại ở khẩu hiệu hay ở các bài phát biểu hùng hồn, nhưng được hiện thực hóa bằng việc làm và thái độ sống của những người làm đầu. Ngoài việc các đầy tớ phải hiến dâng mạng sống vì chủ, thì có thể nói một trong những tiêu chí để thẩm định các vai vế chủ - tớ có chính hiệu không, thì hãy xem các ông chủ tức là người dân, các con chiên, có được phép và được quyền mạnh dạn mở miệng nói lên suy nghĩ, nhận định của mình hay trình bày các nhu cầu chính đáng của mình trước các vị “đầy tớ” hay không, và dĩ nhiên không thể thiếu sự chân thành lắng nghe của các vị này.

Lm  Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

CÓ 2 CÁCH ĐỂ LẠC ĐÀ CHUI QUA LỖ KIM

Nếu Bill Gates hôm nay đi lễ tại các Nhà Thờ Công Giáo, chắc hẳn phải giật mình vì một so sánh Chúa Giêsu dùng quả là gây thất vọng cho kẻ có tiền. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Đàng. Con lạc đà, dẫu là con con, nhỏ xíu, cũng không thể chui qua lỗ kim, ấy vậy mà Chúa nói con lạc đà lớn chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Chúa. Có người đã cố mài dũa cho dễ nuốt trôi câu sánh ví trên, bằng cách sử dụng từ ngữ học. Họ nói, con lạc đà và sợi dây thừng trong tiếng Do Thái, đọc na ná giống nhau, cho nên, có lẽ Chúa nói: cuộn dây thừng chui qua lỗ kim. Thánh Cyrillo ủng hộ lối giải thich này. Còn giả như cứ để con lạc đà, chứ không phải dây thừng, thì lại có một mài dũa khác:  lỗ kim là tên một cổng thành hẹp tại Giêrusalem. tức là con lạc đà chui qua cổng hẹp…

Nhưng những lối giải thích đó đều không đúng. Thật ra những hình ảnh tương tự cũng đã có trong loại trình thuật của các thầy Rabbi. Ví dụ để đánh dấu một việc không thể làm nổi, bộ Talmud Babylon dùng lối ví von: voi chui qua lỗ kim. Ngay chính Chúa Giêsu trong diễn từ nhắm tới nhóm Biệt phái đã trách cứ họ “kinh kệ dài dòng lại nuốt chửng gia tài những bà góa” (Mt 23,14). Và Chúa nói thêm “các ngươi gạn lọc từng con muỗi nhưng lại nuốt chửng cả con lạc đà” (Mt 23,24).

Vì thế đích thị là Chúa muốn nói lạc đà — chứ không phải dây thừng; và lỗ kim — chứ không phải cổng hẹp của Thành. Vậy là: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa.

Nhưng, có 2 cách để con lạc đà có thể chui qua lỗ kim:

(1) làm cho lỗ kim thật to.

(2) thu con lạc đà lại thật nhỏ.

  1. Lỗ kim to

Ta từng thấy thế giới của những vật khổng lồ, như chiếc bánh Trung Thu năm nào tại Maximart đủ cho 10 ngàn người. Bánh tét tại Nha Trang dài đủ cho 5000 người, thì một cây kim khổng lồ, với lỗ kim thật to, thì có đến 2 con lạc đà, một bướu hay hai bướu cũng băng qua lọt, chứ đừng nói gì một con.

Vậy người giàu có nếu muốn lọt vào Nước Trời, thì cũng hãy làm cho lỗ kim rộng ra. Rộng ra là quảng đại. Tiền chỉ lo thu vào mà không cho đi, thì chẳng khác gì làm lỗ kim thu nhỏ lại. Một ngón tay cũng không chui lọt, chứ đừng nói cả bàn tay, cả con người.

Giakêu Trưởng Ty Quan Thuế, giàu nứt đố đổ vách, làm sao chui lọt lỗ kim, nếu ông không thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”  Chúa Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ábraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Giakêu đã nới rộng lỗ kim 4 lần, nên dễ dàng để ơn cứu độ lọt vào nhà.

Trên bia mộ trong một nghĩa trang kia có khắc mấy giòng chữ sau đây cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác.

Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng.

Những gì tôi đã cho đi, nay thuộc về tôi.

Chính những cái mình cho đi, mình quảng đại ban phát, thì mới làm cho lỗ kim rộng rãi ra thêm, hầu con lạc đà có thể chui lọt. Và như thế, người càng giàu có càng ban phát càng dễ vào Nước Chúa. Khi cho đi là khi nhận lãnh. (Phanxicô)

  1. Thu nhỏ con lạc đà lại

Chắc một số người trong chúng ta đã từng đi xem triển lãm về thế giới thu nhỏ lại gọi là miniature, nơi mà trên một cọng tóc, người ta khắc được cả một đoàn lạc đà, và ở đầu một cây kim khâu, nằm gọn 3 chú lạc đà nơi lỗ kim nhỏ. Dĩ nhiên muốn xem chúng phải dùng kính lúp hoặc hiển vi. Vậy muốn lạc đà chui qua lỗ kim khâu, hãy thu nhỏ con lạc đà lại.

Thu nhỏ lại là nó đang lớn biến nó thành nhỏ. Có một bộ phim mang tựa đề tương tự: Tôi đã thu nhỏ con tôi. Có nhiều cách thu. Có nhiều cách biến. Riêng đối với tiền của, có một cách biến nó thành nhỏ là: đổi ngôi cho nó. Nó đang làm chủ, oai nghi bệ vệ, hãy biến nó làm tôi, làm đầy tớ trong tay. Nếu để tiền của làm chủ, đừng hòng chui lọt lỗ kim. Nhưng nếu biến nó thành tên đầy tớ hèn mọn, nhỏ bé, ta sử dụng thế nào tuỳ ý ta, ta sai nó đi đâu nó đi đó, ta chuyển nó cho ai, nó nghe theo, vậy là ta có thể cho nó đi qua lọt thỏm vào lỗ kim nhỏ.

Một người giàu có nọ thường đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Có tiền, có thiện chí, nhưng người này cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa.

Ngày nọ, thánh nhân tìm gặp ông, sau một hồi chuyện vãn, thánh nhân nhìn lên cây thánh giá treo trên tường, ngài ước tính độ cao của Thánh giá, rồi đề nghị với người đàn ông giàu có: “Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh Giá không?”.

Người đàn ông đứng dậy giơ cánh tay lên, nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá. Bấy giờ, thánh nhân mới dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giàu có đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với cây Thánh Giá. Người đàn ông làm theo ý thánh nhân, ông đã sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Hôm nay nhà này được ơn cứu độ.

Thánh nhân đưa ra bài học như sau: “Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải”. Sai tiền bạc đi, chứ không phải để nó sai ta đi kiếm nó.

Địa chỉ mà đồng tiền đi tới, Chúa đã nói rõ trong đoạn Tin Mừng khi âu yếm nhìn chàng thanh niên giàu có: Anh chỉ thiếu một điều, là bán hết của cải đem phân phát cho kẻ nghèo. Địa chỉ là kẻ nghèo chứ không phải cửa sau của các nhà cầm quyền, e sẽ theo Năm Cam tròng đầu vào lỗ giây thừng, chứ không phải chui qua lỗ kim nữa.

Vậy là, thu nhỏ con lạc đà, đối với tiền của, sẽ là câu nói ta thường nghe: “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu.” Mà không chỉ xấu, ông chủ này còn ác độc nữa, có thể giết chết ta như chơi.

Có ba người bộ hành, bạn chí thân với nhau, trên đường đi tìm hạnh phúc, bất chợt nghe tiếng la thất thanh của vị đạo sĩ từ trong núi chạy ra: Chết! Chết! Chết! Tôi đã gặp thần chết! Ba người bộ hành trên yêu cầu vị đạo sĩ dẫn mình vào hang để xem thần chết. Vào hang đá sâu, vị đạo sĩ chỉ cho ba người thấy một kho vàng chôn giấu. Vị đạo sĩ lại kêu to: Thần chết! Thần chết! Thần chết! rồi bỏ chạy.

Ba người quá đỗi bàng hoàng vì kho vàng quá lớn. Họ cùng nhau hối hả đào. Nhưng cần phải có lương thực ăn hầu đủ sức mà tiếp tục đào chứ. Một người tình nguyện đi mua thức ăn. Nhưng bất hạnh thay, khi ông ta đi mua thức ăn thì hai người ở lại cùng nhau lập mưu kế để giết ông. Quả nhiên, khi mang thức ăn về, ông đã bị giết như kế hoạch và số vàng ấy được chia đôi và cho vào bao cẩn thận. Bấy giờ hai người cùng nhau ăn trước khi xuống núi. Nhưng không ngờ trong thức ăn ấy đã có thuốc độc của gã đàn ông kia muốn số vàng ấy thuộc trọn về riêng mình.

Dù là nới rộng lỗ kim hay thu nhỏ con lạc đà cũng qui về điểm này: đổi tiền. Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không được biến đổi thành việc lành. Đó là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.

Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

Vì Tình Yêu Chúng Ta Phải Làm Nhiều Hơn Nữa

Chủ đề: “Chỉ cần chúng ta tiến về phía Chúa một bước, thì Ngài sẽ chạy về phía chúng ta mừơi bước”

James Kallam kể lại một mẩu chuyện vui trong các bài viết của ông như sau: Cách đây nhiều năm, có một thanh niên làm nghề bán sách rong từ nhà này đến nhà kia, anh đến hành nghề tại một vùng quê nọ. Một hôm, anh vào nhà một nông gia, ông này đang ngồi trên chiếc ghế xích đu ở cổng trước. Chàng thanh niên đến gần người nông dân nhiệt tình ngỏ lời: “Thưa ông, tôi có bán một cuốn sách chỉ cách canh tác sinh lợi gấp 10 lần cách ông đang làm”.

Người nông dân chẳng thèm ngước lên. Ông tiếp tục đong đưa chiếc ghế đu. Cuối cùng, sau vài phút, ông ta liếc mắt nhìn chàng thanh niên rồi nói; “Này anh bạn trẻ, tôi chả cần sách của anh, tôi cũng biết làm thế nào để canh tác sinh lợi gấp 10 lần cách thức tôi hiện đang làm”.

***

Câu chuyện trên giúp ta hiểu rõ điều Chúa Giêsu đang nói trong bài Phúc Âm hôm nay. Người nông dân có khả năng canh tác tốt hơn nhưng ông ta lại thiếu nhiệt tình để dấn thân làm điều ấy. Chàng thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng cũng dư sức làm nhiều hơn là chỉ tuân giữ các giới luật, nhưng anh ta chả có nhiệt tình để làm điều ấy. Bài Phúc Âm hôm nay nói thẳng cho ta thấy Kitô giáo không chỉ hệ tại việc tuân giữ các lệnh truyền. Chúa Giêsu tra vấn anh chàng giàu có về sự tuân giữ lệnh truyền như là khởi điểm cho đời sống Kitô hữu. Chàng trả lời là đã tuân giữ tất cả lệnh truyền ấy, tức là chưa hề làm gì thương tổn ai… Về điểm này Chúa Giêsu tỏ ra thán phục anh ta. Nhưng đồng thời Ngài lại cho chàng ta thấy rõ Kitô giáo không chỉ là việc tuân giữ các huấn lệnh tiêu cực ấy như đừng trộm cắp hay lừa đảo…. Kitô giáo mang tính tích cực hơn nhiều: Ngài nói thẳng với anh chàng giàu có:

“Anh chưa bao giờ gây thương tổn cho ai quả là đáng khen, nhưng anh đã làm gì để giúp đỡ ai chưa? Anh đã biết dùng của cải để cho kẻ đói ăn, cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ vô gia cư trú ngụ chưa?”

Chính khi nghe điều này anh chàng giàu có kia nhận ra mình vẫn còn khiếm khuyết biết bao. Vì vậy Chúa Giêsu bèn thách thức anh: ‘Nếu muốn theo tôi thì anh hãy thay đổi cách nhìn đi, đừng chỉ nhắm đến sự tốt lành một cách tiêu cực, tỉ như không gây thiệt hại cho ai – và anh hãy nhắm sống tốt lành một cách tích cực hơn, chẳng hạn như giúp đỡ người khác. Cứ thực hành điều này, anh sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay trong cuộc sống này và cả trong cuộc sống mai sau”

Thách đố Chúa Giêsu đặt ra cho anh chàng giàu có thể tóm lược như sau; Anh có dám chấp nhận mọi thiệt thòi để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mà anh mong muốn không? Anh có quan niệm bước theo tôi là bị thiệt thòi không? Nghĩa là anh có sẵn sàng hy sinh của cải của anh để được sống vĩnh cửu, cũng như để theo tôi không?

Anh chàng giàu có trả lời:
– Thưa thầy, tôi cũng muốn theo Ngài lắm, nhưng tôi không muốn chấp nhận sự thiệt thòi kia;

Thế là anh chàng thanh niên giàu có đành từ chối lời mời gọi của Chúa Giêsu. Việc dùng của cải không chỉ cho bản thân và gia đình xem ra là một hy sinh quá lớn đối với anh.

Điều này bày ra trước mắt mỗi người chúng ta ngay bây giờ hình ảnh sau: Nhiều người trong chúng ta giống như anh nông dân ngồi chơi trước cổng nhà. Chúng ta biết rõ chính mình có thể trở thành một Kitô hữu, tốt hơn gấp mười lần tình trạng hiện nay nhưng chúng ta vẫn thiếu nhiệt tình để làm điều ấy.

Chúng ta khác nào anh chàng giàu có trong Phúc Âm hôm nay. Chúng ta cũng đã tuân giữ những luật truyền, nhưng chúng ta vẫn chưa đủ quảng đại hết sức có thể đối với những người túng thiếu, kẻ trần trụi và người đói khát.

Vì công việc đó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ, phải can đảm và phải khôn ngoan sáng suốt để nhận ra rằng sự hy đó là cần thiết để đem lại an bình và vui tươi trong tâm hồn. Và để có thể hy sinh và chấp nhận những thiệt thòi đau khổ đó, điều hết sức quan trọng là phải có một động lực mạnh để thúc đẩy ta, và động lực đó chính là tình yêu: yêu Thiên Chúa và thương tha nhân. Tình yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta làm nhiều hơn những đòi hỏi tiêu cực của lề luật: cấm hại người, cấm gian dối, cấm trộm cắp… Một thanh niên yêu một thiếu nữ sẽ không chỉ hài lòng với việc không làm hại cô ấy, không nói dối, không xúc phạm đến cô ấy.. Tình yêu khiến anh phải làm hơn như thế rất nhiều, và nếu không làm hơn được như thế, chắc chắn đó không phải là tình yêu. Cũng vậy, nếu chúng ta chỉ hài lòng với những giới luật Chúa dạy, chúng ta mới chỉ là người “quen biết” với Chúa, chưa phải là người yêu Chúa. Nếu chúng ta không muốn làm điều gì tích cực hơn nữa, chính là vì chúng ta thiếu tình yêu, chúng ta chưa yêu Chúa và thương tha nhân.

Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã biết mình phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt hơn gấp mười lần hiện nay, nhưng chúng ta đã không làm, vì chúng ta thiếu tình yêu, thiếu nhiệt tình. Cũng như anh chàng nông dân ngồi trên ghế xích đu kia, anh đã biết rõ phải làm gì để canh tác có hiệu quả gấp mười lần phương pháp anh đang làm, nhưng anh đã không thèm làm. Lý do có thể là anh ngại ngùng phải bỏ vốn ra nhiều hơn, phải bỏ ra nhiều công sức hơn, phải mệt mỏi hơn. Lý do sâu xa hơn khiến anh ngại là vì anh chưa thấy nhu cầu của vợ con anh đang càng ngày càng tăng lên, hay anh chưa đủ quan tâm đến những nhu cầu ấy, hay nói cách khác đi là tình yêu của anh đối với những người thân của mình chưa đủ mạnh để thúc đẩy anh hoạt động, làm những gì phải làm và nên làm.

Tình trạng đó Thánh Phaolô cũng đã cảm nghiệm được nơi con người của ngài. Ngài viết: “Quả thực ngay những gì điều tôi làm tôi cũng không hiểu được nữa, vì những gì tôi muốn thì tôi lại không làm, còn những gì tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15). Và ngài đã giải thích tình trạng đó như sau: không phải là tôi hành động, mà là tội lỗi ở trong tôi đã hành động (Rm 7:20). Và theo ngài chỉ có Đức Kitô mới có thể cứu ta ra khỏi tình trạng ấy. (Rm 7:24). Do đó, muốn thoát khỏi tình trạng ù lỳ không chịu làm những gì cần phải làm, ta phải tin tưởng vào ngài đã đến để giải phóng ta khỏi tình trạng đó, và ta cũng phải hết lòng yêu mến ngài qua những người sống bên cạnh ta, chung quanh ta. Chỉ có tình yêu mới giải phóng ta khỏi tình trạng ù lỳ đó. Tình yêu phát sinh sức mạnh.

Rất nhiều người trong chúng ta có tâm trạng hài lòng vì mình đã theo được chính đạo, và tự mãn vì mình đã giữ luật Chúa một cách trọn vẹn từ hồi nhỏ, giống như anh chàng thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là một điều rất đáng khen, và Thiên Chúa cũng rất hài lòng vì ta đã sống được như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhìn chàng thanh niên đó một cách thiện cảm và đem lòng yêu thương. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn kêu mời chúng ta đi xa hơn một bước kia, là sẵn sàng hy sinh nhiều hơn nữa cho Thiên Chúa và tha nhân. Đang khi bên cạnh chúng ta còn biết bao nhiêu người nghèo khổ túng thiếu, hay cần tới sự giúp đỡ cụ thể của chúng ta, chúng ta không thể vừa nói mình yêu Chúa lại vừa làm ngơ hay phớt lờ những nhu cầu của họ. Tình yêu thúc đẩy ta phải làm một cái gì cụ thể để thoả mãn phần nào những nhu cầu đó của anh em. Và chúng ta cũng cần phải có con mắt nhận xét và tâm hồn nhạy bén để nhận ra những nhu cầu ấy nơi những người sống gần mình nhất. Để đi vào cụ thể, tôi xin đề nghị với anh chị em là mỗi ngày chúng ta dành ra ít phút suy nghĩ để xét xem những người ở gần ta có nhu cầu gì mà ta có thể giúp đỡ cụ thể được, và chúng ta quyết định mỗi ngày làm một hai việc cụ thể giúp ích cho người khác, việc đó càng buộc ta phải hy sinh, thiệt thòi, mất mát thì càng tốt, và tối đến ta xét lại xem mình đã thực hành quyết định đó thế nào. Làm được như thế, chính là đã áp dụng phần nào tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.

Để kết thúc, tôi xin nhắc lại lời kinh Cáo Mình mà chúng ta đọc mỗi khi chuẩn bị dâng Thánh Lễ, trong đó có câu; “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót”. Tôi xin nhấn mạnh đến “những điều thiếu sót”, là những gì mà chúng ta đáng lẽ phải làm, nên làm, mà chúng ta đã không làm. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải ra tay cứu giúp người khác mà ta đã không ra tay. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải hy sinh cho người khác mà ta đã không hy sinh, vì chúng ta không muốn bị thiệt thòi, bị mất mát, bị phiền hà, là những lần đáng lẽ chúng ta phải bỏ tiền bạc ra để cứu giúp ai đó, nhưng vì tính bỏn xẻn, tính toán, khiến chúng ta lại thôi. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải can đảm đứng ra bênh vực lẽ phải, nhưng vì sợ bị liên lụy, sợ bị lôi thôi, mà chúng ta đành làm ngơ để cho bất công được tự do hoành hoành. Mỗi lần đọc kinh Cáo Mình khi dâng Thánh lễ, chúng ta phải nghĩ đến những thiếu sót đó.

Cha Mark Link, S.J.

HAI CÁI NHÌN KHÁC TẦM NHÌN

Thánh Marcô cho biết: “Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương” anh ta. Từ cái nhìn của Chúa Giêsu, tôi thấy không chỉ một mà là hai cái nhìn: của Chúa Giêsu và của người thanh niên. Nhưng không dừng ở cái nhìn, mà trong từng cái nhìn còn cho thấy tầm nhìn.

Tầm nhìn của Chúa Giêsu là hướng người thanh niên về cùng chính Chúa, là dẫn anh ta đi tới tột đỉnh của sự sống, đó là sống đời đời trong Chúa, có chính Chúa là gia nghiệp vĩnh cửu.

Còn người thanh niên, dẫu đã là người tốt, anh không thể phóng tầm nhìn xa hơn mớ vật chất mà anh đang sở hữu. Anh sụ mặt bỏ đi ngay sau lời mời gọi của Chúa: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”, đến nỗi Chúa phải thốt lên lời xót xa: “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa”.

  1. NGƯỜI THANH NIÊN – GIỚI HẠN CỦA MỘT CÁI NHÌN.

Người thanh niên đã thật sự tốt. Anh giàu nhưng cái giàu của anh chân chính, không tội lỗi, không hoen ố. Anh đã có thói quen giữ trọn giới răn của Chúa từ thuở nhỏ. Lối sống lành mạnh, gieo nhiều thiện cảm của anh đã là sự ngưỡng mộ của bao nhiêu người.

Chúa trao cho anh cái nhìn. Đó là cái nhìn của Đấng Cứu chuộc trên thụ tạo của mình. Đó cũng là cái nhìn của lòng thương yêu, sự thấu hiểu, sự chúc lành và trao ban ân phúc…

Trên tất cả, cái nhìn của Chúa còn mời gọi anh bước tiếp, bước xa, bước dài trên con đường thánh thiện, con đường của sự hoàn hảo, con đường đích thực, con đường đưa tới hạnh phúc khôn cùng, đưa tới chiếm lĩnh trọn vẹn sự sống trong Chúa, không chỉ nơi trần thế, mà còn trong “trời mới đất mới”, nơi không còn lo lắng, đau thương, chết chóc…

Chúa không bằng lòng với cái nhìn chỉ bằng đôi mắt, dù cái nhìn của Chúa dành cho anh là “nhìn chăm chú”. Chúa muốn anh, qua đôi mắt ấy, anh hãy tiến tới trong cùng một TẦM NHÌN của chính Chúa.

Tầm nhìn ấy chính là biết nhận ra siêu nhiên quý hơn phàm trần; đường đi lên trời là mang lấy trọn đời mình niềm phó thác chứ không trông vào vật chất; theo Chúa bằng một trái tim không san sẻ là phải cho người nghèo tất cả, để trở nên như Chúa là người nghèo giữa mọi người nghèo.

Để sống với Chúa, để đi cùng Chúa, con người ta đâu chỉ hoàn thành một vài giới răn, đâu chỉ là không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng gian, không lường gạt, và đã thảo kính đối với cha mẹ là đủ!

Để đi cùng Chúa, kẻ được gọi là người tốt, người thánh thiện còn phải sống như chính Chúa đã sống, yêu như Chúa đã yêu, hy sinh và hiến dâng mình như Chúa đã hy sinh và hiến dâng. Và nếu cần, chấp nhận chết như Chúa đã chết vì ích lợi thiêng liêng của anh chị em mình.

Vì thế, muốn theo Chúa, anh cần vượt xa vài giới răn đã từng sống, vượt xa cái tư tưởng cho rằng, như thế là mình đã tốt. Anh phải trở nên bần cùng, phải trở nên không còn gì, không có gì, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, đau khổ của người mang lấy phận nghèo.

Anh cần phải giẫm lên sự bám víu vật chất, vượt trên cái nhìn hoàn toàn trần trụi, nhỏ bé của một con người để có thể nhận ra “một kho báu trên trời”, như khởi điểm cho việc anh mặc lấy tầm nhìn của Chúa. 

Một khi có được khởi điểm của một tầm nhìn mới, Chúa sẽ tiếp tục mời gọi anh: “Rồi đến theo Ta”.

Nhưng anh thất bại. Đó cũng là sự thất bại của lời Chúa mời gọi: Người thanh niên không thể vượt qua cái nhìn của mình để có thể mặc lấy tầm nhìn của Chúa. Anh không dám phó mình trong tay Chúa. Anh không thể nhìn thấy Chúa là bảo đảm của sự sống bản thân. Anh chấp nhận thua cuộc để trở về với căn nhà và mớ vật chất mà anh đã từng đổ mồ hôi lẫn công sức để tạo ra.

  1. HÃY MẶC LẤY TẦM NHÌN CỦA CHÚA.

Mỗi tín hữu cần đinh ninh lời này của Chúa: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng các ngươi; đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta. Trời cao hơn đất thế nào, đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như vậy” (Is 55, 8-9).

Chúa là thượng trí. Chúa nhìn mọi sự khác chúng ta nhìn. Chúa nhìn mọi sự trong chiều kích siêu việt và khôn ngoan. Không có bất cứ ai, không có bất cứ cái gì thoát được tầm nhìn của Chúa.

Chúa đã nhìn thấy sự cuối cùng ngay lúc khởi đầu. Chúa luôn đi bước trước và muốn ta theo Chúa, phó mình cho Chúa. Nói mạnh hơn, ta hãy ném mình vào vòng tay của Chúa, chấp nhận để Chúa hoàn toàn lo liệu và dẫn dắt.

Đàng khác, Chúa yêu ta, hiểu ta hơn ta có thể yêu và hiểu chính mình. Trong tình yêu ấy, Chúa có kế hoạch tốt lành cho cuộc đời ta. Ta không bao giờ đơn độc vì có Chúa luôn ở cùng như chính Chúa đã từng hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu mà Chúa dành cho, để bước đi cùng Chúa trong đường lối, trong tầm nhìn hoàn hảo của Chúa. Chỉ khi nhìn sự việc bằng cái nhìn của Chúa, ta mới không nản lòng, không thất vọng, không mất niềm vui khi phải đối diện cùng thử thách trong đời.

Hãy nhớ lại hoàn cảnh và ơn gọi của thánh Phaolô để thêm mạnh mẽ tín thác vào lòng thương yêu của Chúa, mạnh mẽ để Chúa dẫn dắt, cùng quyết bước đi với Chúa trong chính tầm nhìn của Chúa.

Chính thánh Phaolô cũng xác nhận trong thư gởi tín hữu Philipphê: “Tôi muốn anh em biết là những gì xảy đến cho tôi thật ra đã giúp cho Tin Mừng được tiến triển” (1, 12).

Bởi từ khi thánh Phaolô trở thành Kitô hữu, ngài ôm giấc mơ lớn: Rao giảng tại Rôma, thành phố quan trọng nhất thế giới, trung tâm của thế giới thời bấy giờ. Vì thế, sau nhiều năm bôn ba, cuối cùng ngài có mặt tại Rôma.

Nhưng thánh ý và tầm nhìn của Chúa hoàn toàn khác. Sau khi đến Rôma, thay vì truyền giáo, thánh nhân lại bị cầm tù. Thánh nhân trở thành kẻ thù của triều đình Ceasar, lúc đó là Nero, một trong những khuôn mặt xấu xa và độc ác nhất của lịch sử loài người.

Là tù nhân hoàng gia, thánh Phaolô bị xiềng chung với một người lính canh cũng của hoàng gia suốt 24 giờ trong một ngày. Cứ sau bốn giờ người ta lại thay đổi phiên lính canh. Việc này diễn ra ròng rã suốt gần ba năm. Có ai ngờ, trong chừng ấy thời gian, thánh Phaolô đã làm chứng về Chúa Kitô cho khoảng 4.380 người lính canh.

Ai mới thực sự là tù nhân của ai? Ai mới thật sự bị giam cầm?

Chương 4 thơ gởi tín hữu Philipphê còn cho biết: Trong hơn hai năm bị xem là tù nhân, thánh Phaolô còn được tiếp xúc với nhiều thành viên trong gia đình Nero. Một số trong họ, nhờ lời chứng của thánh nhân tại tòa án ở Rôma, đã trở thành Kitô hữu. 

Chưa hết, là con người của sự hăng say ra đi, thực tế đã nhiều lần lao mình vào cánh đồng truyền giáo, bất chấp mọi sóng gió, vượt trên mọi thác ghềnh, khó có thể khiến một người như thánh Phaolô ngồi yên.

Chỉ có trong nhà tù, thánh nhân bị buộc phải ngồi yên. Kết quả của những ngày tháng lao lý ấy, thánh nhân đã viết nhiều bức thơ không phải chứa đựng tư tưởng của một tù binh, không hề chứa đựng cái đầu của kẻ mất tự do, nhưng chất chứa sứ mạng của một tông đồ, chất chứa tinh thần của người chỉ biết tùng phục Chúa Kitô.

Điều gì có sức tác động lớn hơn: lời rao giảng của thán Phaolô ở đấu trường La mã, chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc nhất thời hay những lá thơ, đúng hơn là những quyển sách nhân danh Chúa Kitô, có giá trị rao giảng về Chúa Kitô suốt hơn hai mươi thế kỷ qua và sẽ còn về sau cho hết thế hệ loài người này đến thế hệ loài người khác!

Đây hoàn toàn không phải kế hoạch của tông đồ Phaolô. Tất cả đều được sắp xếp trong thánh ý quan phòng và khôn ngoan của Chúa. Chúng thể hiện đường lối của Chúa, tình yêu của Chúa, tầm nhìn kỳ vỹ và nhiệm lạ của Chúa.

Bản thân thánh Phaolô cũng là tấm gương hoàn bị cho mỗi Kitô hữu hôm nay. Thánh nhân luôn tin tưởng, Chúa có chương trình lớn hơn có lợi cho bản thân mình và cho danh Chúa.

Dù ngược ý mình, thánh nhân không tìm cách nổi loạn, hay kháng cự, nhưng luôn hạnh phúc giao phó bản thân, giao phó hoàn toàn hoàn cảnh mà chính mình đang rơi vào để chỉ một mình Chúa tùy nghi quyết định.

Bạn thân mến, như người thanh niên xưa trong Tin Mừng, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên không còn gì, không có gì, để hoàn toàn nghèo khó nhằm cùng Chúa bước đi trong tầm nhìn của Chúa.

Nhưng đừng như người thanh niên ấy. Bạn và tôi không “sụ mặt bỏ đi” nhưng trao đời mình cho Chúa để Chúa dẫn dắt, để đi cùng Chúa trong tầm nhìn mới mà Chúa hoạch định.

Hãy nhớ, Chúa luôn ban ơn giúp sức cho ta, nhưng Chúa không thay ta chọn lựa và quyết định. Từng người đều có quyền tiếp tục hay bỏ cuộc. Chúa mời gọi, nhưng đứng vững trong lòng tin, trong sự cậy trông hay không là tùy ở ta. Ta có quyền quyết định vận mạng đời mình y như trường hợp của người thanh niên trong Tin Mừng.

Vì thế, một khi quyết theo Chúa, mỗi người hãy cùng với thánh Phaolô, từng ngày sống là từng ngày tập nhìn bằng tầm nhìn của Chúa. Hãy luôn tự hỏi: “Chúa muốn gì nơi con? Chúa đang thực hiện điều gì trên cuộc đời con? Có phải đây là cách Chúa đưa con đi về phía Chúa?”.

Hãy tự hỏi để khám phá đường lối và tầm nhìn của Chúa. Hãy quyết bước theo, đừng cưỡng lại, dẫu phải đối diện cùng nhiều khó khăn, ngang trái, nghịch cảnh, thậm chí cả đến đau đớn, trầy xướt, rát buốt…

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Subcategories