3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

KHUYẾN KHÍCH

“Các con hãy đi!”.

“Những con ngỗng ở phía sau đội hình phát ra tiếng kêu. Tôi cho rằng đó là cách chúng thông báo rằng, chúng đang theo dõi và mọi việc đều ổn. Những tiếng kêu lặp đi lặp lại hẳn sẽ khuyến khích những con đi trước tiếp tục bay. Bản năng của loài ngỗng là làm việc cùng nhau, khích lệ nhau. Cho dù đó là quay, vỗ, trợ lực hay chỉ đơn giản là kêu lên… Điều này cho phép chúng hoàn thành những gì đã đặt ra!” - Chuck Swindoll.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng từ ‘đàn ngỗng đang bay’ của Chuck Swindoll đưa chúng ta về Lời Chúa ngày lễ kính thánh Barnaba. Qua đó, bạn và tôi - dù ở đấng bậc nào - vẫn luôn ý thức trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, đó là ‘khuyến khích’ nâng đỡ người khác, “Các con hãy đi!”.

Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba. “Barnaba”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khuyến khích!’. Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống Antiôkia để xem xét hiện tình. Vui mừng khi thấy “ơn Thiên Chúa”, Barnaba “khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa”; ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao. Sau đó, đến Taxô, Barnaba tìm Phaolô, người mới tin; đưa Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ nỗi vui, “Chúa đã mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói những lời đầy ‘khuyến khích’ với các môn đệ, “Các con hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ!”. Ma quỷ vui mừng mỗi khi chúng ta nói và hành xử tiêu cực làm cho người khác nhụt chí. Nó mở tiệc lớn mỗi khi ai đó nói một lời chua cay làm tan nát một cộng đoàn, một gia đình. Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức đề phòng và ra sức ‘khuyến khích’ nhau. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khích lệ nhau để “hoàn thành những gì đã đặt ra”. Bởi lẽ, chúng ta không lên thiên đàng một mình!”.

Đức Phanxicô nói, “Đời sống Kitô hữu là phục vụ. Thật là buồn khi thấy các Kitô hữu sẵn sàng phục vụ Dân Chúa, nhưng cuối cùng lại ‘sử dụng’ Dân Chúa. Ơn gọi của chúng ta là ‘phục vụ’ chứ không phải ‘sử dụng’. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta luôn có nguy cơ sa vào vấn đề ‘lời lỗ’, chúng ta hối lộ Chúa. Đó không phải là con đường đúng… Mối quan hệ nhưng không với Chúa là điều sẽ giúp chúng ta có được mối quan hệ tương tự với người khác. Đời sống Kitô hữu có nghĩa là bước đi, rao giảng, ‘khuyến khích’ và phục vụ, nhưng đừng lợi dụng người khác!”.

Anh Chị em,

“Các con hãy đi!”. Noi gương thánh Barnaba, chúng ta ra đi mở mang Nước Chúa trong đấng bậc mình. Và rõ ràng, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ luôn luôn đóng một vai trò nhất định, không chỉ trong các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Giáo Hội trưởng thành và ngay trong thế giới hiện đại. Không chỉ trong Giáo phận, Giáo xứ, các hội đoàn mà còn trong gia đình, trong các tổ chức lớn nhỏ. Bạn và tôi hãy là những con người dám dấn thân, những con người sẵn sàng vực dậy những ai đang bủn rủn, đầu gối rã rời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con luôn là một con người đầy lửa, sẵn sàng thắp sáng và sưởi ấm tình yêu Chúa trong một thế giới khá lạnh lẽo này!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

CÁI GIÁ ĐẮT ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ CỦA CHÚA GIÊSU

Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ của Ngài ở đây. Ngài đang nói về cái giá phải trả để trở thành môn đồ của Ngài. Đó là một cái giá đắt để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt10: 37). Để trở thành một môn đệ nhiệt tình tìm cách sống cho Ngài thì đó là một cái giá thậm chí còn cao hơn: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:38).

Trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu, gia đình của các môn đệ không biết Kitô giáo là gì... và vì thế, trong con mắt của họ, Chúa Giêsu và những người đi theo Ngài đã tạo thành một giáo phái Do Thái, như nhiều giáo phái khác. Các gia đình có thể nghi ngờ con cháu của họ đang bắt đầu theo giáo phái mới lạ này, và khuyên bảo họ thay đổi ý định hoặc báo cáo với giáo quyền Do thái và chính quyền Rôma. Trong hoàn cảnh đó, các môn đệ của Chúa Giêsu đôi khi cần phải đưa ra lựa chọn: gia đình hoặc Chúa Giêsu. Vì vậy Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ của Ngài sẵn sàng chịu đựng sự bất hòa trong chính gia đình của họ. Dĩ nhiên, đó không phải là một sự chọn lựa phe nhóm, càng không phải là việc tạo lập phe cánh của Chúa Giêsu. Nhưng đó là một lời mời gọi sống hiệp nhất với Ngài.

Nhưng những lợi ích và phúc lành thì rất đáng giá. Chúng ta không kiếm được đường lên Thiên đàng bằng những gì chúng ta làm cho Chúa, nhưng là một Kitô hữu, cuộc sống của chúng ta sẽ thanh thản hơn nhiều khi chúng ta nhiệt thành sống theo Chúa Giêsu: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10: 40). Ở đây Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài rằng ai yêu cha mẹ hơn mình yêu Ngài thì không đáng làm môn đồ Ngài. Điều này cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu mến Ngài hơn bất cứ điều gì khác trên thế giới này. Chúa Giêsu muốn chúng ta đặt Ngài lên hàng đầu, đặt những ước muốn của Ngài lên hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta. Sẽ có lúc bạn có thể biết rằng Chúa muốn bạn làm điều gì đó. Có thể Chúa muốn bạn đi đâu đó và bạn sẽ bị cha mẹ, con cái và bạn bè thân thiết của mình làm cho nản lòng. Chúa Giêsu muốn bạn yêu mến và vâng lời Ngài hơn cha mẹ bạn hay bất cứ ai khác trong cuộc đời bạn. Có những lúc chúng ta phải lựa chọn làm điều Chúa muốn chúng ta làm hoặc làm điều người khác muốn chúng ta làm. Chúa Giêsu nói rằng nếu muốn trở thành môn đồ của Ngài, chúng ta phải đặt ước muốn của Ngài lên trên hết. Những ai cương quyết chọn nghe theo các thành viên trong gia đình hơn là nghe theo Chúa Giêsu sẽ thấy rằng họ không bao giờ xứng đáng với Chúa Giêsu và rằng, dù họ có thể đạt được sự đồng thuận trong gia đình, họ đã đánh mất sự sống vĩnh cửu của mình: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10: 39. Đôi khi chúng ta phải từ bỏ tất cả những gì chúng ta có để phục vụ Ngài. chúng ta phải đặt mong muốn của Ngài lên trên hết. Chúa Giêsu đã từ bỏ tất cả những gì Ngài có để mua chúng ta.

Chúng ta không chỉ yêu Chúa Giêsu hơn yêu cha mẹ và gia đình mình, mà chúng ta còn yêu Ngài hơn yêu con cái mình. Trở thành môn đồ của Chúa Giêsu có nghĩa là Ngài phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không thể làm tôi hai chủ. Sẽ đến lúc chúng ta phải đưa ra lựa chọn. Là môn đệ của Chúa Giêsu, Ngài muốn chúng ta luôn chọn đặt Ngài lên hàng đầu trong cuộc đời mình. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta phải vác thập tự giá mình mà theo Ngài. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải chết đi chính mình và sống cho Ngài, theo Ngài bằng cuộc sống của chúng ta. Đó là điều Ngài muốn cho chúng ta. Ngài khuyến khích chúng ta khi nói rằng bất cứ ai vì Ngài mà mất mạng sống thì sẽ tìm được. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta từ bỏ mọi thứ trong cuộc sống của mình để theo Ngài, Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta, Ngài sẽ đảm bảo rằng chúng ta trở thành con người mà chúng ta được tạo dựng để trở thành. Chúa Giêsu đã tạo ra chúng ta; chúng ta sẽ không bao giờ biết tại sao Ngài dựng nên chúng ta cho đến khi chúng ta hy sinh mạng sống mình cho Ngài và đi theo Ngài. Đó là đời sống yêu thương, hy sinh mạng sống mình và đặt Chúa Giêsu lên hàng đầu. Ngài nói rằng nếu chúng ta muốn giữ sự sống của mình mà không theo Ngài, thì chúng ta sẽ mất tất cả những gì chúng ta đang sống. Danh tiếng, sự nổi tiếng, tiền bạc, hạnh phúc, tất cả những thứ này chỉ cần một hơi thở là sẽ biến mất. Khi chúng ta sống cho Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng ta sẽ tồn tại mãi mãi.

Chúng ta đã từ bỏ cuộc sống của mình để theo Chúa Giêsu chưa? Nếu như vậy, bạn có chọn đi theo Chúa Giêsu bất kể người khác nói gì không? Bạn có tin rằng bạn sẽ thật sự tìm được sự sống của mình khi bạn hy sinh tất cả cho Chúa Giêsu không? Hôm nay, chúng ta hãy mở mắt và tai ra và để ý đến những gì Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta: đặt Ngài trên hết những điều khác trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta đáp ứng cụ thể với mong muốn của Chúa Giêsu như thế nào? Phần lớn chúng ta là con cái trong gia đình, cho nên sống hiếu thảo, yêu thương, kính trọng và vâng lời cha mẹ cũng là một cách buông bỏ cái tôi ích kỷ của mình, chấp nhận những vất vả, khó khăn, vác lấy những thập giá lớn nhỏ mỗi ngày theo gương mẫu của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu tôn kính cha mẹ trần thế của Ngài là Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngài cũng tôn vinh Cha Trên Trời của mình bằng cách tuân giữ trọn vẹn giới luật của Thiên Chúa: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Khi lớn lên, Chúa Giêsu vâng lời, yêu thương và chăm sóc cha mẹ trần thế của Ngài: “Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:51). Ngay cả khi ở trên thập giá, Ngài vẫn nhờ một môn đệ chăm sóc Mẹ mình: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Ngài nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:26-27).

Chúng ta được mời gọi hiếu thảo với cha mẹ mình: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20:12; Đnl 5:16). Chính Chúa Giêsu đã quở trách người Pharisêu bày ra các tập tục dưới danh nghĩa Thiên Chúa để trốn tránh bổn phận thờ cha kình mẹ: “Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giê-usalem đến gặp Chúa Giêsu và nói rằng: Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? Ngài trả lời: Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mt15:1-7). Vì vậy những ai còn sống chung với cha mẹ nên thảo hiếu với cha mẹ mình bằng cách kiên nhẫn phục vụ cha mẹ, chăm chỉ làm việc chăm sóc gia đình, chu đáo quan tâm đến các ngài bằng những món quà cụ thể, dành thời gian cho các ngài và nói chuyện với các ngài: “Biết đối đáp khiến con người vui thú, nói đúng lúc, thật tốt đẹp dường bao!... Người công chính nghĩ suy rồi mới đáp, miệng kẻ ác tuôn trào chuyện xấu xa… Cứ kiên nhẫn, thủ lãnh sẽ xiêu lòng, lời mềm mỏng làm nát tan xương cốt” (Châm ngôn 15:23; 15:28; 25:15), và xin sự tha thứ nếu mắc tội với cha mẹ mình. Trung thành với Chúa Giêsu là không tức giận và khó chịu với người khác, nhưng “hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà” (1Tm 6: 11).

Sau này thánh Phaolô dạy các tín hữu giáo đoàn Êphêsô: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6: 1-4). Còn với giáo đoàn Côlôssê, ngài nói: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3: 20-21).

Thánh Giacôbê khuyên cũng nhắc bảo các tín hữu: “Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ. Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính” (Giacôbê 3:13-18).

Phêrô Phạm Văn Trung

lược dịch từ https://jonglassonline.com

TRONG CHÚA CHÚNG TA MẠNH MẼ

Hội Thánh không ngừng mời gọi con cái Thiên Chúa hãy siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Vâng lời Hội Thánh, chúng ta đến với Thánh Thể Chúa bằng nhiều hoạt động cụ thể như:

- Tham dự thánh lễ mỗi ngày và tham dự tích cực, tham dự bằng cả niềm ý thức và tin tưởng vào một mình Chúa là Đấng duy nhất có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu Ngài;

- Chầu Mình Thánh Chúa;

- Thường xuyên đặt mình trước Thánh Thể trong thinh lặng để cầu nguyện và tôn thờ Chúa;

- Giữ tâm hồn thanh sạch trước và sau khi rước Chúa Thánh Thể;

- Sống hòa nhã, tôn trọng, gần gũi với mọi người, yêu thương, tha thứ và đón nhận mọi người vì lòng yêu mến đối với Chúa;

- Luôn đề cao tinh thần bác ái, tương trợ nhau mọi nơi, mọi lúc;

- Luôn phấn đấu thi hành những điều luật Chúa và Hội Thánh dạy;

- Luôn ý thức để cho Lời Chúa thấm vào lòng và hết sức thực thi như ý Chúa mong mỏi...

Chúng ta cần tin tưởng vững vàng rằng, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể là:

I. ĐẾN VỚI NGUỒN SÁNG CỦA ĐỜI NGƯỜI.

Trần gian đã trở nên bóng tối, tội lỗi đã giăng mắc từ sau khi nguyên tổ vong ân và bội phản Thiên Chúa của mình. Tội lỗi và sự ác, sự dữ ngang nhiên xâm nhập và đánh vào đời sống, đánh vào từng hoạt động của con người.

Nhưng vì yêu, Thiên Chúa đã gieo ánh sáng vào bóng tối trần gian để cứu độ con người. Bằng một hành động cứu độ lớn không thể tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16), Thiên Chúa đã làm cho ánh sáng cứu độ tràn ngập, để bất cứ ai đón nhận Người Con Một ấy, cũng đều nhận lãnh chính ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa Kitô, Người Con Một của Thiên Chúa, cũng đã chứng thực mình là ánh sáng cứu độ trần gian: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).

Bởi Chúa Kitô chính là ánh sáng của trần gian, vì thế, mỗi lần đến với Thánh Thể của Chúa, chúng ta sẽ được Chúa soi chiếu trên cuộc đời của mình.

Chúa chính là ánh sáng, là sức nóng sưởi ấm lòng ta. Hơn thế, nơi Thánh Thể, dấu chỉ của tình yêu bền vững, không chỉ là chốn để con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa cũng tìm kiếm và chờ đợi con người.

Vì thế, hãy đến với Thánh Thể, chúng ta sẽ gặp được chính tình yêu đang không ngừng hướng về chúng ta. Cũng chính vì thế, càng đau đớn bao nhiêu, ta càng cần phải tìm về nguồn tình yêu là chính Thánh Thể Chúa bấy nhiêu.

Có mấy cách giúp ta đón nhận ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể:

- Suy niệm và sống Lời Chúa: Nơi Lời của Chúa, Chúa đang giảng dạy, giáo huấn, chỉ đường lối để ta đến với Chúa. Vì thế, khi đến trước Thánh Thể, ta chăm chú đọc và suy niệm Lời Chúa là cách tốt nhất để khám phá Thánh ý Chúa.

- Tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa Giêsu Thánh Thể: Tin rằng, Chúa Giêsu đang hiện diện thật sự với trọn vẹn Mình và Máu Ngài, linh hồn và Thiên tính Ngài. Có tin như thế, con người mới có thái độ yêu mến và tôn thờ cách xứng hợp trước mầu nhiệm tình yêu cao cả này.

- Như Đức Maria, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cần chiêm ngắm Thánh Thể cách thân tình sốt sắng. Đức Mẹ đã trung thành chiêm ngắm Chúa, đã khắc ghi và nội tâm hóa Lời Chúa suốt cả cuộc đời của Đức Mẹ.

Ngày nay, mặc lấy tâm tình yêu mến Chúa của Đức Mẹ, chúng ta sẽ thực sự cưu mang chính Chúa trong lòng mình, trong suốt đời sống, trong mọi hoạt động, mọi tương quan của mình.

II. DỊP ĐỂ NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH.

Đó là kinh nghiệm của chính tôi. Đời linh mục không phải lúc nào cũng phẳng lặng. Có những lần biển cả cuộc đời dậy sóng. Những lần như thế, người trong cuộc chỉ còn một nguồn trợ lực duy nhất là Thánh Thể Chúa. Nơi bao trùm cả một không gian tĩnh mịch ấy, lại là nơi bình an nội tâm thật lắng sâu mang đầy sức sống.

Đã có biết bao nhiêu lần trong đời, muốn khóc, khóc không nổi. Nỗi rát buốt như dồn lên tận cổ và chặng lại một cách dồn nén, một cách tức tưởi. Chỉ cần quỳ xuống bên nhà tạm, nước mắt lại có thể lăn trên má, những thử thách như có dịp được trút và tay Chúa. Chúa vẫn ân thầm đỡ nâng, ban ơn và đồng hành.

Bên Thánh Thể Chúa, tôi càng khám phá ra rằng, chính Chúa dùng những thử thách ấy để dạy tôi nhiều bài học xác đáng, cần thiết.

Chúa dạy tôi đón nhận nhiều thử thách trong âm thầm tin tưởng, không nao núng.

Chúa dạy tôi yêu mến Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi phải đối đầu với muôn nỗi bi ai, thổn thức, nhiều lúc như cắt da, cắt thịt.

Chúa dạy tôi luôn tin tưởng phó thác cho thánh ý Chúa, để từ nơi Chúa, tôi kín múc sức mạnh cho tinh thần và tình yêu của bản thân dành cho Chúa, giúp tôi cố gắng trung thành theo Chúa, trung thành phụng sự Chúa.

Chúa dạy tôi, càng trong khó khăn càng bám vào Chúa hơn, càng nhẫn nại để bước theo bước chân của Chúa bằng trọn lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Chúa dạy tôi, giữa bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, còn có một chốn bình an để quay về, để ngã mình vào mà gột rửa mọi nỗi chán chường, mọi ngã lòng, mọi ê chề, mọi nỗi nhục nhằn, mọi lao tác, mọi bất trắc... mà lấy lại niềm bình an, lấy lại niềm tin, lấy lại nghị lực, lấy lại sức sống, lấy lại bao nhiêu những vững chãi cho hành trình tiếp theo mà bản thân nhiều lúc tưởng chừng như đổ gục, mà khả năng bản thân tưởng chừng đã đổ nát từ lâu.

Chúa dạy tôi biết dùng chính thử thách để lớn lên, để trưởng thành và kiên vững sau mọi nghịch cảnh, mọi va đập.

Chúa dạy tôi biết sợ tội lỗi, biết tôn trọng con người, và cố hết sức để đừng làm tổn thương anh chị em mình.

Chúa dạy tôi biết cảm thông với nỗi đau, vớic sự yếu đuối của mọi người, nhất là của anh em linh mục, những người cùng chung lý tưởng với mình.

Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi biết, mình tuy chưa lớn mạnh nhưng có thể đủ sức vượt thắng; tuy chưa trọn vẹn như mong mỏi nhưng có thể bước đi trên con đường trọn lành; tuy chưa đủ thánh thiện nhưng có thể theo Chúa tiến về sự hoàn bị hơn; tuy chưa yêu thương nhiều như Chúa đòi hỏi nhưng có khả năng biết yêu hơn; tuy chưa làm được gì lớn cho đoàn chiên của Chúa nhưng vẫn có những nỗ lực ít ỏi để có thể trao dâng về Chúa...

Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi biết mình luôn có Chúa ban ơn, có Chúa đồng hành, có Chúa sớt chia. Tôi biết mình không mồ côi, vì Chúa chẳng buông ai ra khỏi vòng dây tình yêu của Chúa bao giờ...

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

THEO Ý CHÚA

(St 3, 9-15; 2 Cr 4, 13-5.1; Mc 3, 2035).

Thiên Chúa tác tạo con người có linh hồn, trí khôn, lý trí và tự do để quyết định chọn lựa. Đây là một hồng ân cao quý nhất của loài người. Nếu con người biết dùng trí khôn suy nghĩ để chọn lựa đúng thì con người sẽ được hưởng phúc lộc, nhưng nếu chọn lựa sai lầm, con người sẽ lãnh chịu hậu quả vô lường. Tự do chọn lựa là một thách đố vô cùng quan trọng. Sống là chúng ta phải chọn lựa giữa cái tốt và cái xấu, giữa đúng và sai, giữa sự thật và sự giả dối, giữa sự thánh thiện và tội lỗi và giữa sống và chết. Đôi khi chúng ta cũng đối diện với những chọn lựa không thể rõ ràng như trắng và đen, họa và phước. Có nghĩa là trong sự chọn lựa có một phần đúng và một phần sai hoặc có cả tốt lẫn xấu. Lương tâm lành mạnh sẽ giúp chúng ta chọn lựa quyết định đúng đắn. 

Khi Thiên Chúa tạo dựng nguyên tổ, Ngài phán với ông Ađam và bà Evà: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết (St 2, 16-17). Ông bà nguyên tổ nghe theo lời dụ dỗ và xúi dục của thần dữ nên đã trái lệnh Chúa. Ông Ađam biết lỗi nên sợ hãi và trốn lánh sự hiện diện của Thiên Chúa. Ông thành thật thú lỗi, nhưng cũng tìm cách đổ lỗi cho bà Evà để tránh bớt tội.  Đúng vậy, chúng ta không phạm lỗi một mình. Tội lỗi có liên quan đến người khác. Tác nhân bên ngoài là một động lực gây nhiều ảnh hưởng đến hành động của chúng ta. Với ý thức tự chọn lựa, chúng ta phải chịu trách nhiệm về suy tưởng, lời nói, hành động và sự chọn lựa tự do của mình.

Thần dữ luôn rảo quanh tìm mồi để quấy phá. Con người bị ám ảnh bởi quyền lực bóng tối và sự dữ. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo Do-thái và dân chúng không nhận diện ra Chúa. Dân chúng đã chụp mũ Ngài bằng những hình ảnh khác nhau. Có khi người ta cho Ngài là người mất trí. Có lúc họ nói Ngài bị quỷ ám. Tệ hơn nữa khi Chúa Giêsu dùng quyền năng để trừ quỷ thì người ta lại tố cáo là Ngài dùng quyền của tướng quỷ để trừ. Vì sự vô minh và lòng ghen tị, họ đã xúc phạm đến Chúa.

Chúa Giêsu đã dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để phân tích cho họ hiểu ý nghĩa của việc trừ quỷ. Một nước muốn tồn tại không thể phân rẽ và tru diệt lẫn nhau. Ma quỉ là thần dữ cũng cần có sự đoàn kết để phá hoại và lôi kéo nhiều người về cùng phe nhóm của nó. Ma quỉ không tốt lành khi có nhã ý muốn phụ giúp chúng ta điều gì. Tất cả các cơn cám dỗ là để dẫn chúng ta đi vào con đường rộng thênh thang, con đường đầy hoa thơm cỏ lạ và dễ dàng. Chúng ta không cần phải gắng sức phấn đấu vì các con đường đó là những con đường xuôi dốc. Cuộc sống dễ dãi, hưởng thụ, thỏa mãn, tự do ham muốn và buông thả đều là những mời gọi của tà thần. 

Sự thù hành ghen ghét sẽ bào mòn nhân đức của con người. Các kinh sư là những người ngồi trên tòa Môisê giảng dạy dân chúng, thế nhưng họ lại nối giáo cho giặc để gây hại cho Chúa Giêsu. Sự sân hận đã kéo lôi con người vào những tranh chấp hơn thua để dành gây ảnh hưởng. Chúa Giêsu với uy quyền xua đuổi ma quỷ, chữa lành các tật bệnh và làm các phép lạ kèm theo, các người lãnh đạo tôn giáo không nhận ra các dấu chỉ thần thiêng này. Vì sự giận dữ, họ đồng lõa với những người chống đối, thù ghét và tẩy chay Chúa Giêsu. Giận thì mất khôn. Các kinh sư sợ bị mất ảnh hưởng với dân dân chúng và sợ họ đi theo người Thầy mới.

Chúa Giêsu dùng cơ hội này để dạy dỗ dân chúng về sự thi hành thánh ý Chúa: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."(Mc 3,35). Mọi người sống và thực hành ý Chúa đều là người nhà của Chúa. Chúa mở rộng cửa đón nhận mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nô lệ hay tự do và tất cả mọi người được mời gọi để gia nhập vào Nước Chúa. Nước Chúa không dành riêng cho người Do-thái, cho dù họ là anh cả trong dòng giống được chọn. Muốn gia nhập đoàn dân Chúa, điều cốt yếu là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Vì Thiên Chúa mong muốn cho mọi người cùng được chung hưởng hạnh phúc muôn đời.

Trong thơ gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã chép rằng: Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời (2 Cor 4, 17). Khổ đau gian truân là lẽ thường trong cuộc sống. Những buồn phiền ngang trái này sẽ là những bước thang giúp chúng ta bước lên con đường trọn lành. Chúng ta cần phấn đấu, tập luyện và tu thân để giảm bớt đi những phiền toái trong cuộc sống. Chúng ta hãy tự làm chủ và chọn thái độ sống cho đời mình. Đừng để những cảm xúc nhất thời bên ngoài ảnh hưởng đến những suy tư và cảm giác của chúng ta. Đôi khi chúng ta đánh mất mình và bị lệ thuộc vào những sự tưởng tượng không thật do người khác đem đến.

Lạy Chúa, xin cứu giúp chúng con thoát khỏi những ràng buộc vô nghĩa. Chúng con đang còn bị mải mê và chìm đắm trong những tham sân si của đời sống. Cho chúng con học biết sự tha thứ và buông bỏ để tâm hồn chúng con được thư thái an vui với cuộc sống. Chúa là gia nghiệp đích thực của chúng con.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ, Tháng 06/2024

Bản PDF và Bản Word

*******

Trọng kính Quí Cha, Quí Tu sĩ nam nữ và Quí vị.

Hai files đính kèm là Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ, bản văn chính thức đang hiện hành của UBPT, HĐGMVN.

Bản văn này do Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ, Dòng Đồng Công tại Hoa Kỳ đánh máy vi tính, anh em Mạng truyền thông Công Giáo www.thanhlinh.net thực hiện dàn trang để hỗ trợ cho việc in ấn cá nhân thành những tập sách nhỏ rất thuận tiện sử dụng. Và đã được Đức Cha Chủ Tịch UBPT cho phép BBT CGVN phổ biến rộng rãi qua mạng toàn cầu, nhằm phục vụ cho mọi nhu cầu cá nhân và cộng đoàn.

Chúng con xin kính báo để mọi người yên tâm sử dụng và nhẫn nại chờ đợi Sách Bài Đọc (mới) của UBPT đang được Tòa Thánh phê duyệt.

Download >>  PDF file

Download >>  MS Word

 

Subcategories