3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

NGÀY CHÚA ĐÃ LÀM RA - CN Phuc Sinh A

“Đây là ngày Chúa đã làm ra. Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra!’”, Thánh Vịnh đáp ca Chúa Nhật Phục Sinh nói về ngày sống lại của Đức Kitô như thế. Chúng ta vui mừng hoan hỷ vì Ngài đã ôm tội lỗi của cả nhân loại vào trong huyệt mộ, chôn lấy nó; và Ngài không còn ở đó, vì đã chỗi dậy để khởi đầu một sự sống mới.

Nhiều nơi trên thế giới, lễ Phục Sinh đến vào mùa xuân. Đây là thời điểm mà thiên nhiên, tự nó, mang đến sự khởi đầu của một cuộc sống mới. Những bông hoa tulips bắt đầu vươn lên khỏi mặt đất im lìm giá lạnh, những chiếc lá nhú trên cành sắp biến khu rừng thành biển xanh; mặt trời toả chiếu rạng ngời, mang theo hơi ấm cho mọi loài. Muôn vật tự nó phản ánh vẻ huy hoàng sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Tuy nhiên, vào một thời điểm, khi sự ấm áp của vầng hồng toả rạng, một lần nữa, thiên nhiên được gọi từ cái chết của mùa đông bước sang sự sống hừng hực của mùa xuân.

Thiên Chúa nói theo nhiều cách, chu kỳ của thiên nhiên là một trong những cách thức dễ thấy nhất. Vậy nếu Cha Trên Trời nâng niu chăm bẵm từng tạo vật nhỏ bé đến thế, thì Ngài quan tâm đến việc tái tạo loài người đến thế nào? Quan tâm đến sự phục sinh của Con Chí Ái của Ngài nữa? Và nhất là, Ngài quan tâm đến việc những con trai, con gái của Ngài bước vào một cuộc sống mới giành được cho từng người nhờ sự Phục Sinh của con Ngài! Hãy để vẻ đẹp của tạo vật trở nên dấu chỉ cho bạn về ‘một thực tại vĩ đại hơn vô hạn!’. Hãy cho phép bản thân được cuốn hút vào những mới mẻ trong sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Vươn lên có nghĩa là trở nên một tạo vật mới trong Ngài!

Hãy gẫm suy những lời tuyệt diệu này, “Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra’, ‘ngày’ vui mừng trong cuộc sống mới Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nó ‘ở đây, lúc này!’. Đó là ‘ngày’ mà bạn và tôi được biến đổi bởi một con người, Giêsu, Đấng Phục Sinh. Cuộc sống mới phải bắt đầu ngay giờ này và phải liên tục trở nên mới mẻ, rạng ngời, khi chúng ta đi sâu hơn vào vinh quang của Đấng Phục Sinh.

“Đây là ngày Chúa đã làm ra!”; “Chúa đã sống lại!”, không phải là một công thức ma thuật làm tan biến các vấn đề. Không! Sự Phục Sinh của Chúa Kitô không làm điều này; thay vào đó, là sự chiến thắng của tình yêu đối với cội rễ của điều ác, một chiến thắng không ‘bỏ qua’ đau khổ và cái chết, nhưng ‘vượt qua’ chúng, ‘đứng trên’ chúng, ‘mở ra một con đường’ trong vực thẳm; biến sự ác thành điều thiện, và đây là dấu ấn độc đáo cho thấy quyền năng đích thực của Thiên Chúa.

Trước một thị trấn, tướng Massena bất ngờ xuất hiện với 18.000 quân. Hội đồng bô lão họp, “Đầu hàng là câu trả lời duy nhất!”. Thế nhưng, một cựu quan chức nói, “Hôm nay là lễ Phục Sinh, hãy mừng lễ và cứ để mọi rắc rối cho Chúa, Chúa có cách của Chúa!”. Họ cử người đến nhà thờ, xin cha xứ rung chuông báo lễ. Nghe tiếng chuông nhà thờ, Napoléon suy luận, quân đội Áo đã đến giải vây; họ phá trại và biến mất trước khi chuông nhà thờ và Kinh Vinh Danh ngừng vang lên.

Anh Chị em,

“Đây là ‘ngày Chúa đã làm ra!’”, ngày Chúa Giêsu tái tạo trời mới đất mới mà con người đã phá hỏng; ngày Ngài tái giao hoà ‘người với Chúa’, ‘người với người’ mà tội lỗi đã cắt đứt. Đúng thế, nơi sự Phục Sinh, Chúa Cha đã bắt đầu một cuộc sáng tạo mới. Nhưng không phải chỉ hôm nay mà mọi ngày là ‘ngày Chúa đã làm ra’. Hãy để cho mình tưng bừng hỷ hoan và tha nhân được tưng bừng hoan hỷ! Muốn thế, “hãy giao mọi rắc rối vào tay Chúa, Chúa có cách của Chúa”, và thôi làm điều ác, hãy gieo điều thiện. Hãy là con cái của Đấng Phục Sinh; bớt tìm “những sự thuộc hạ giới và không ngừng tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” như thư Côlôssê hôm nay mời gọi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết sống từng ngày với ‘tư chất’ của một người con đã được cứu chuộc: tưng bừng hỷ hoan; nhờ đó, anh chị em con được hưởng nhờ, và họ cũng tưng bừng hoan hỷ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

CÙNG MẸ, MỘT NGÀY LẶNG YÊN - Thứ Bảy Tuần Thánh

“Ngài không có ở đây!”.

Tại các Giáo Phận, phần lớn giáo dân các họ đạo truyền thống có thói quen ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu vào Mùa Chay. Riêng Tổng Giáo Phận Huế, kinh nguyện quý báu này được ngắm vào Tuần Thánh; đặc biệt, sáng thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Nó được gọi là Kinh Lễ Đèn, vì có đến 15 ngọn nến hoặc đèn, được đốt lên trên cùng một giá. Cách thức đọc Kinh Lễ Đèn được hướng dẫn đến từng chi tiết; cách chung, ngắm một chặng, tắt một ngọn nến, đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, ở Lễ Đèn 3, tức sáng thứ Bảy, ngọn nến 15 sẽ không được tắt! Thật thú vị, nó được đem vào phòng thánh một chốc, đang khi cộng đoàn quỳ gối ngắm “Thánh Mẫu Thống Khổ Kinh”. Sau đó, ngọn nến này được đem trở lại, đặt trên bàn thờ; ngọn nến đó tượng trưng cho Chúa Giêsu! Ngài đã chết, nhưng thực ra, cái chết của Ngài chỉ như một sự nghỉ ngơi trong mồ. Vì thế, thứ Bảy Tuần Thánh được coi như ngày mà Kitô hữu ‘cùng Mẹ, một ngày lặng yên’ đợi ngày Con Chúa phục sinh!

Kính thưa Anh Chị em,

Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội không có một nghi lễ nào, mãi cho đến buổi cử hành long trọng Đêm Vọng Phục Sinh. Hôm nay, Giáo Hội trầm tư suy gẫm chậm rãi với Đức Maria, Mẹ mình. Nắm lấy tay Mẹ, mỗi tín hữu tìm đến một ‘nơi vắng vẻ’, chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu; và nhất là, ‘cùng Mẹ, một ngày lặng yên’ để trải nghiệm các mầu nhiệm!

Phụng vụ của những ngày qua đầy cảm xúc với nhiều nghi lễ; thế nhưng, thứ Bảy Tuần Thánh lại trôi qua một cách lặng lẽ, thanh thản. Đó là một ngày để tận hưởng tất cả những tình cảm đan xen giữa trầm buồn lẫn hy vọng! Đừng để thứ Bảy Tuần Thánh trôi qua như bao ngày khác, hay chỉ là một ngày giữa thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Đó là một ngày mà tất cả chúng ta cùng Mẹ Maria và Mẹ Hội Thánh nữa, tĩnh lặng, chiêm ngắm và tôn thờ.

Chỉ trong sự suy gẫm thầm lặng này, các tông đồ, và cả chúng ta mới có thể nhìn thấy mọi sự đã xảy ra phù hợp và trùng khít với nhau thế nào. Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ những gì sẽ xảy ra với Ngài, kể cả sự phục sinh; Ngài đã nói với họ, nhưng tâm trí họ chưa chuẩn bị đủ để hiểu. Chỉ trong sự im ắng của ngày thứ Bảy, và nhờ có một ngày lặng yên với Mẹ Chúa Giêsu, họ mới có thể hiểu được những gì Thầy đã nói. Cũng thế, với chúng ta; cùng Mẹ Maria, chúng ta ghi nhớ những lời của Chúa Giêsu. Nhiều lần, chúng ta nghĩ, chúng ta biết Ngài là ai, dạy chúng ta điều gì, nhưng thực ra, những điều đó chưa đi vào trái tim chúng ta; bằng chứng là cuộc sống của bạn và tôi chưa biến đổi! Phải lắng nghe, cẩn thận suy gẫm những gì Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng, chúng ta mới hiểu được sâu sắc để áp dụng vào cuộc sống mình!

Anh Chị em,

“Ngài không có ở đây!”. Sự im lặng của ngày hôm nay không phải là một sự im lặng của thoái chí và tuyệt vọng, nhưng là ‘im lặng thánh’, một sự im lặng của niềm mong đợi lớn lao sẵn sàng bùng lên trong niềm vui ngập tràn của Đêm Vọng Phục Sinh. Chúng ta sẽ ‘đến mộ’ Chúa cùng với các thánh nữ, không phải để xức dầu cho một xác chết, nhưng để vui mừng với các thiên thần khi nghe họ tuyên bố, “Ngài không có ở đây. Ngài đã sống lại!”; “Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những kẻ chết?”. Và như thế, nhờ có một ngày lặng yên với Mẹ, chúng ta mới có thể vui mừng nói cùng Mẹ, “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Halleluia!”, và với Mẹ, chúng ta hát khúc khải hoàn ca, “Chúa Đã Sống Lại, Halleluia!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, xin dạy con biết chờ đợi Chúa như Mẹ. Không chỉ hôm nay, nhưng mỗi ngày, từng ngày, và ‘một đời với Mẹ’, con chờ đợi Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO - Thứ Năm Tuần Thánh A

“Ngài yêu thương họ đến cùng!”.

“Người khôn ngoan không coi trọng món quà của ‘người yêu’ cho bằng tình cảm của ‘người tặng’. Chúa Giêsu vừa là người yêu, cũng là người tặng! Món quà Ngài trao là chính mình Ngài. Không chỉ một lần, Ngài ‘tự hiến’ mỗi ngày! ‘Một lần tặng, muôn lần trao!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý nghĩa Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh có thể được tóm gọn trong hai từ: “Tự Hiến!”. Vì yêu thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu đã tự hiến đến ‘ba lần!’; và không chỉ ba lần, Ngài tự hiến đến ‘n’ lần, muôn lần! Bởi lẽ, mỗi ngày, trên các bàn thờ, Ngài tiếp tục tự hiến; và như thế, Ngài là Món Quà Tự Hiến ‘một lần tặng, muôn lần trao!’.

Tin Mừng nói, “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến… Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình, và Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Chính trong bữa ăn yêu thương mà mọi người Do Thái phải cử hành hằng năm, như bài đọc Xuất Hành cho biết, Chúa Giêsu tự hiến trong sự phục vụ yêu thương khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ! Cũng trong bữa tối đó, Ngài hiến mình dưới hình thức của ăn, của uống khi Ngài cầm lấy bánh rượu, thiết lập Bí Tích Thánh Thể, “Hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy!”, “Hãy nhận lấy mà uống, này là Máu Thầy!”. Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô viết, “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến!”.

Như vậy, khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, cũng như khi cầm bánh rượu là chính Thịt Máu Ngài để trao cho họ, Chúa Giêsu đã tiên liệu một “Món Quà” thiết thực hơn, lớn lao hơn mà Ngài sẽ trao vào ngày hôm sau! Với một thân xác nát tan, đỏ một màu máu, Ngài phó linh hồn và hiến mình cho Chúa Cha qua cái chết thập giá để hoàn tất công trình cứu độ! Như vậy, chỉ trong hai ngày Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên, Ngài đã tặng trao chính mình đến ba lần. Và còn hơn thế! Vì Ngài đã nói, “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”, hoặc “Hãy làm như Thầy đã làm cho các con!”, nên mầu nhiệm đức tin này liên lỉ được cử hành trên các bàn thờ. Qua Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ lẫn nhau; khi phục vụ lẫn nhau, Ngài tiếp tục phục vụ mỗi người ‘trong nhau và qua nhau!’. Bởi đó, Món Quà Giêsu không chỉ được trao một lần, ba lần, nhưng ‘n’ lần, muôn lần! ‘Một lần tặng, muôn lần trao!’.

Anh Chị em,

“Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Thông hiệp với Chúa Kitô trong Thánh Thể, chúng ta rước lấy Thịt Máu Ngài; nhờ đó, tìm thấy sức mạnh để “yêu đến cùng” như Ngài đã “yêu đến cùng!”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay viết, “Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô!”. Nhờ thông hiệp Máu Chúa Kitô, chúng ta mới có khả năng khiêm nhường phục vụ như Ngài; và như vậy, thế gian nhận biết chúng ta là môn đệ Ngài và Cha trên trời được tôn vinh. Thánh Thể nuôi dưỡng sự phục vụ; phục vụ, hiện thực hoá Thánh Thể. Thánh Thể biến đổi chúng ta nên ‘những Giêsu khác’, những con người tự hiến, một biểu hiện đẹp đẽ của sự thông hiệp mật thiết với Ngài, Đấng “yêu cho đến cùng”. Hãy để Thứ Năm Tuần Thánh; đúng hơn, hãy để Thánh Thể Chúa Kitô dạy bạn biết hiến dâng như Ngài! Noi gương tình yêu vĩ đại “yêu cho đến cùng” của Ngài, bạn và tôi cũng tự hiến để “yêu cho đến cùng!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, nhờ việc tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con, ước chi Thánh Thể Chúa biến đổi con mỗi ngày nên ‘một Giêsu khác!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

ĐÓNG ĐINH MỘT VỊ THẦN - Thứ Sáu Tuần Thánh A

“Chính Tôi đây!”.

Heywood Broun nói, “Không ai luôn nói về Chúa cho bằng những người cho rằng, ‘Không có Ngài!’”. Một nhà tu đức khác thì nói, “Không ai biết Đức Giêsu là Chúa mà lại đóng đinh Ngài! Nhưng, với ai tin Giêsu, mỗi lần phạm tội trọng, là họ đóng đinh Ngài; ‘đóng đinh một vị Thần!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ghi lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chỉ một mình Gioan có được lời khẳng định tuyệt vời của Ngài, “Chính Tôi đây!”. Khẳng định này đưa chúng ta về với một sự thật vô cùng quan trọng. Rằng, Ngài là Thiên Chúa! Vì thế, đóng đinh Giêsu, nhân loại ‘đóng đinh một vị Thần!’.

“Chính Tôi đây!”, “Chính là Ta!”, “Tôi Là!”, hay “Tôi Hằng Hữu!” là những ‘danh xưng’ chỉ dành cho Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã sử dụng danh hiệu này để mặc khải chính Ngài cho Môisen trên núi Sinai. Kitô giáo sử dụng nó để nói về Đấng tạo dựng muôn loài, nghĩa là tất cả mọi vật hiện hữu. Tuyệt vời thay, “Chính Tôi đây!” cũng là lời mà Chúa Giêsu công khai tuyên bố trước quân dữ. Như vậy, chẳng vô tình chút nào, Ngài muốn công khai thần tính của Ngài! Vì lý do đó, Gioan viết, “Nghe thế, họ giật lùi lại và ngã xuống đất!”. Suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, chúng ta đừng bao giờ quên thần tính của Ngài; Ngài là một Thiên Chúa bị đóng đinh, cũng là Đấng Cứu Độ Thế Giới, một thế giới trong đó con người ‘đóng đinh một vị Thần!’.

Thú vị thay! Cũng trong bối cảnh này, Phêrô tuyên bố một lời ngược lại hoàn toàn, một lời ‘không thể phàm nhân hơn’: “Không phải tôi!”. Đó là lời nói dối của ông trước một cô gái. Mỉa mai thay, không phải trước một bà hoàng, nhưng trước một đầy tớ! “Không phải tôi” là ‘nội hàm’ cho tất cả yếu đuối và mỏng giòn nhất của con người; Phêrô là đại diện cho mỗi người chúng ta. Khi làm vậy, Phêrô xác nhận sự yếu hèn của bản thân cũng như nhu cầu của mình đối với ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Về điểm này, bạn và tôi nên đồng ý với Phêrô!

Bối cảnh thương khó của Chúa Giêsu đặt liền kề việc chối Thầy của Phêrô và bản án thập giá của Ngài. Mặc dù cái chết của Chúa Giêsu vẫn sẽ xảy ra nếu không có sự chối Thầy của Phêrô; nhưng ảnh hưởng của nó vẫn tác động đến ông. Ngài đã chết thay cho Phêrô và tất cả mọi người; qua đó, Ngài cứu cả nhân loại khỏi mọi tội lỗi. Sự thiếu đức tin và tình yêu của Phêrô không thay đổi được điều đó; nhưng một khi Phêrô quay trở lại và tin, ông nhận ra rằng, Chúa Giêsu đã làm tất cả cho ông. Từ đó, Phêrô loan báo chân lý này thật xa và thật rộng! Rằng, “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Ngài vào thập giá” khác nào ‘đóng đinh một vị Thần’. Nhưng “Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại; đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô!”. Tác phẩm “Thập Giá Chiến Thắng” của Janice Alexander đã vẽ Ngài vui mừng, như một vị Vua đang dang tay ôm lấy cả nhân loại.

Anh Chị em,

“Chính Tôi đây!”. Khẳng định của Chúa Giêsu nói lên tất cả! Ngài là Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người, sống dưới chế độ lề luật của con người, và chết bởi lề luật của nó. Ngài chấp nhận bản án, chấp nhận cho nó ‘đóng đinh một vị Thần’. Thế nhưng, chính nhờ sự chết và những đau khổ Ngài chịu, nhân loại nhận được công chính hoá. Đó là đường lối khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ngài là vị Thiên Sai mà Chúa Cha đã phán, “Tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy mọi tội ác của họ” như Isaia tiên báo qua bài đọc hôm nay; cũng là Đấng mà tác giả thư Do Thái hôm nay tuyên xưng, “Con Thiên Chúa trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài”; hoặc đó còn là Đấng gọi Thiên Chúa là Cha như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”.    

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi lần phạm tội, con đóng đinh Chúa, ‘đóng đinh một vị Thần!’. Như Phêrô, xin giúp con kiên trì xây dựng lại bản chất thứ hai; đó là khả năng thống hối và quay trở lại!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MỘT SUY NGHĨ CHẾT CHÓC, MỘT SUY NGHĨ ĐÁNG MỪNG - Thứ Tư Tuần Thánh A

“Thưa Thầy, có phải con không?”.

Pascal nhận định, “Quả là một sự dữ khi mắc đầy lầm lỗi, nhưng sẽ là một sự dữ lớn hơn khi đầy lầm lỗi mà không nhận ra chúng!”. Như vậy, tệ hơn biết mấy, khi biết đó là lầm lỗi nhưng từ chối nhìn nhận nó và vờ nghĩ rằng, nó không phải là tội. Đó là ‘một suy nghĩ chết chóc!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Pascal hiện nguyên hình nơi con người Giuđa qua Tin Mừng hôm nay khi ông hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, có phải con không?”. Giuđa có thực sự nghĩ ông không phản bội? Chúng ta không biết chắc điều gì đang diễn ra trong tâm trí ông; nhưng rõ ràng, Giuđa đã phản bội! Thế nhưng, với chính mình, Giuđa không thừa nhận điều này, ông phủ nhận nó!

“Phủ nhận”, dưới dạng viết tắt, có nghĩa là, “Tôi thậm chí không biết mình đang nói dối!”. Phải chăng vì quá tham tiền, Giuđa đắm chìm trong tội và sa lầy trong tội đến nỗi ông không thể thừa nhận với chính mình, chứ đừng nói thừa nhận với người khác; rằng, ông đang nói dối và chuẩn bị phản Thầy. Đúng là ‘một suy nghĩ chết chóc!’.

Đây là một bài học quan trọng cho chúng ta trong Tuần Thánh. Tội lỗi không bao giờ là điều thú vị khi nhìn vào nó; phải hết sức can đảm mới có thể đối diện nó! Nhưng thử tưởng tượng, nếu Giuđa thực sự thú nhận những gì ông sắp làm; hoặc nếu ông sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, trước các bạn đồng môn, nói cho Thầy và anh em biết toàn bộ sự thật… thì có lẽ, hành động lương thiện này đã cứu được linh hồn vĩnh cửu và mạng sống mình. Điều này rất khó, đau đớn và nhục nhã, nhưng nếu vượt qua, thì đó là một chọn lựa sáng suốt nhất!

Điều này cũng đúng với chúng ta! Có lẽ chúng ta không ở vào thời điểm mà tội lỗi có thể dẫn đến sự phản bội Chúa Giêsu như Giuđa; nhưng mỗi người đều có thể tìm thấy một số loại hình phản bội của mình trong Tuần Thánh này. Bạn và tôi, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, hãy tìm cách khám phá một số ‘nếp tội’ hoặc thói quen xấu vốn đã hình thành nơi bản thân. Đây sẽ là một khám phá tuyệt vời nếu chúng ta có thể đối mặt với một tội ‘đầu nậu’ nào đó với lòng trung thực và sự dũng cảm. Điều này cho phép bạn bóc trần mọi tội lỗi của mình; chiến thắng nó, để khám phá sự tự do mà Chúa Phục Sinh muốn bạn trải nghiệm! Đừng quên lời thánh Phaolô, “Nếu chúng ta không trung tín, thì Ngài vẫn thành tín”. Niềm xác tín về tình yêu miên viễn của Chúa khuyến khích chúng ta tiếp tục trở về với Ngài. ‘Một suy nghĩ đáng mừng!’.

Anh Chị em,

“Thưa Thầy, có phải con không?”, câu nói buồn nhất này hẳn đã làm cho trái tim Chúa Giêsu tổn thương sâu sắc khi Ngài chứng kiến ​​việc chối nhận tội mình nơi Giuđa. Cũng thế, nhiều lần chối nhận tội mình, chúng ta không thành thực ăn năn. Hãy biến những ngày này thành thời gian cho sự chính trực và trung thực. Lòng thương xót Chúa lớn hơn tội của chúng ta vạn lần; nó sâu sắc và thuần khiết đến nỗi, nếu hiểu được nó, không ai cần phải tiếp tục phủ nhận tội mình dưới bất cứ hình thức nào, ‘một suy nghĩ đáng mừng!’. Chúa Giêsu sẵn sàng “nâng đỡ sự nhọc nhằn” của bạn và tôi, Ngài là vị Thiên Sai nhân ái. Isaia, qua bài đọc hôm nay tiên báo về Ngài rằng, “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn”. An ủi biết bao khi chúng ta hiểu được điều này! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa, đây giờ phút thi ân; vì ơn cả nghĩa dày!”. Tuần Thánh, tuần Thiên Chúa thi ân!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, vẫn còn kịp! Xin giúp con dám sấp mình trước toà Cáo Giải ngay hôm nay; ở đó, Chúa Xót Thương đang đợi để ôm lấy con. ‘Một suy nghĩ đáng mừng!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories