3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

CHÚA NHẬT 19/11/23 – TUẦN 33 TN – A   

  Lc 9,23-26

Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam

TƯỞNG MẤT ĐI NHƯNG LẠI ĐƯỢC

“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Suy niệm: Những lời Chúa trên đây vẫn vang vọng và hiện thực qua bao thế hệ cho đến hôm nay. Đã có bao nhiêu người sẵn sàng đánh đổi mạng sống để thực thi lời ấy? Ngày ấy ai đã dám bước lên pháp trường trong ánh mắt và linh hồn hướng về trời; ngày ấy ai đã dám ‘bất khẳng quá khoá’ (không chịu chối đạo bằng cách bước qua thập giá), để rồi phải chịu chết rũ tù, chịu phanh thây, trảm quyết, bá đao và biết bao khổ hình khủng khiếp khác? Đó là hàng trăm ngàn tín hữu đã chấp nhận vong thân để làm chứng cho niềm tin bất khuất, mà trong số đó, 118 vị được nêu danh và tuyên hiển thánh và chân phước. Lời Chúa trên đây đã thành hiện thực: “Ai dám liều mất mạng sống mình vì Chúa thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Mời Bạn: Chúng ta không chết vì đạo như các vị thuở xưa nhưng có thể chết vì đạo từng giây phút trong cuộc sống hằng ngày, khi chúng ta hy sinh, đón nhận những điều trái ý, những bất công, khinh miệt, thù ghét chỉ vì chúng ta dám trung thành sống theo Lời Chúa truyền dạy. Bạn đã có kinh nghiệm tử vì đạo trong những tình huống tương tự như vậy chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn chọn một điều trong Tám Mối Phúc Thật để trung thành thực hiện trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời Chúa là sức mạnh để các thánh tử đạo trung kiên trong niềm tin vào Chúa. Xin cho chúng con cũng biết lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống để chúng con luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù gặp bất cứ khó khăn, thiệt thòi nào. Amen.

 

Chúa Nhật Tuần 26 TN A

HOÁN CẢI BÊN TRONG DẪN ĐẾN VÂNG PHỤC BÊN NGOÀI

Câu chuyện dụ ngôn kể về một người đàn ông và hai đứa con trai của ông. Người đàn ông đó là chủ một vườn nho. Trong nền văn minh nông nghiệp của Israel, các vườn nho thường là hoạt động kinh doanh của gia đình. Và trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, gia đình này đang làm vườn nho. Hai người con trai làm việc cho cha nhưng cũng làm việc cho chính mình, vì họ là người thừa kế vườn nho.

Người đàn ông đến gặp con trai đầu lòng và nói: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho” (Mt 21: 28). Nhưng đứa con trai của ông trả lời: “Con không muốn đâu!” (Mt 21: 29). Chính sự phản đối của người con trai đã phá vỡ mối tương quan hòa hợp giữa anh ta và cha mình. Nhưng sau đó, khi người con cân nhắc lại những gì mình đã làm, anh ấy hối hận vì đã nói những gì không nên nói vốn gây ra căng thẳng. Anh ấy ăn năn và đi làm ngay vào ngày hôm đó trong vườn nho (câu 29).

Người đàn ông đến người con thứ hai và nói điều tương tự. Người con thứ hai có phản ứng xem ra “đúng chuẩn” hơn anh mình. Anh ta nói với cha mình “Thưa ngài, con đây!” (Mt 21: 30). Câu trả lời của anh ta không chỉ là câu trả lời đúng đắn và ngoan ngoãn mà còn tỏ ra kính trọng rõ ràng. Tuy nhiên, anh ta đã che giấu sự bất kính và bất tuân của mình, đã gian dối bằng những lời nói giả vờ kính trọng, vì khi nói xong, anh ta không đi làm vườn nho như cha anh yêu cầu (ibid). Anh ta chỉ là một kẻ “đạo đức giả”.

Không có đứa con trai nào là trọn hảo. Cả hai đều tỏ ra thiếu kính trọng người cha của họ. Nhưng hành vi phạm tội của họ đã được thể hiện theo những cung cách khác nhau. Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn ngắn này bằng cách hỏi các thượng tế và kỳ mục: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21: 31). Họ trả lời đơn giản rằng: “Người thứ nhất” (câu 31). Họ đã trả lời đúng. Không ai trong chúng ta là trọn hảo. Mọi người đều có tội lỗi của riêng mình, ở những mức độ khác nhau, theo những cách khác nhau. Điều quan trọng là cuối cùng mỗi người có thú nhận tội lỗi của mình và sửa chữa hay không.

Chúa Giêsu dựa trên câu trả lời đúng của các thầy thượng tế và kỳ mục để nói với họ một sự thật khiến họ choáng váng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21: 31). Cái gì? Những người thu thuế và những cô gái điếm lại vào Nước Thiên Chúa trước những thượng tế và kỳ mục, những vị lãnh đạo dân Chúa sao? Điều này cực kỳ xúc phạm đến các nhà lãnh đạo tôn giáo. Họ là tầng lớp tinh hoa về mặt tinh thần. Họ là những học giả Do Thái. Họ là những người biết mọi khía cạnh của Lời Chúa. Mặt khác, gái mại dâm và người thu thuế là tội nhân. Họ là những kẻ vô lại và cặn bã. Họ không biết Lời Chúa. Họ không thực hiện bất cứ nghi lễ tôn giáo hay hiến tế nào.

Những người thu thuế và gái điếm giống như người con trai thứ nhất trong dụ ngôn. Những người thu thuế làm việc cho Rôma được hưởng lợi từ sự bóc lột chính dân tộc mình. Họ là những kẻ phản bội Thiên Chúa và dân của Chúa. Họ là “quân tội lỗi” (Mt 9: 11). Gái mại dâm cũng bị các thượng tế và kỳ mục khinh thường vì cách kiếm sống bằng tội lỗi của mình với người khác. Cả người thu thuế và gái mại dâm đều vi phạm Lời của Thiên Chúa: “Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng” (Lêvi 19:13) và: “Gái điếm là hố sâu và phụ nữ ngoại tình là giếng hẹp. Nó khác nào kẻ cướp rình chờ hòng tăng số những kẻ bất trung trong nhân loại” (Cn 23: 27-28). Tuy nhiên, chính những người thu thuế, gái mại dâm và những người tội lỗi khác đã ăn năn khi họ nghe sứ điệp Tin mừng từ Gioan và sau đó là Chúa Giêsu. Trong đó có cả Mátthêu, tác giả câu chuyện Tin Mừng này (Mt 9:9), một người thu thuế đã ăn năn và đi theo Chúa Giêsu.

Trong khi đó các thầy thượng tế và kỳ mục, những nhà lãnh đạo tôn giáo, giống người con thứ hai, như những gì Chúa đã phán với Isaia: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Isaia 29:13).

Chúa Giêsu làm rõ thêm khi nêu ra những sự thật về Gioan Tẩy giả và sứ vụ của ông khi Ngài hỏi các thượng tế và kỳ mục về thẩm quyền của Gioan: “Phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21: 25). Chúa Giêsu nói với những người lãnh đạo Do Thái rằng: “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy” (Mt 21: 32), nhưng “Những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin” (Mt 21: 32). Dù họ là những tội nhân công khai nhưng vì đã ăn năn giống như đứa con trai thứ nhất trong dụ ngôn, nên họ được vào vườn nho vương quốc của Thiên Chúa. Còn những thượng tế và kỳ mục, những người Sađốc và người Pharisêu lại không tin và không ăn năn, chỉ theo Chúa bằng đầu môi chót lưỡi, nghi lễ hình thức bên ngoài, chứ không phải bằng tấm lòng hay hành động của mình. Đó là một sự thật đáng buồn cho những nhà lãnh đạo tôn giáo không ăn năn này, ngay cả bây giờ họ vẫn không chịu ăn năn: “Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (ibid). Họ vẫn ở ngoài Nước trời.

Những nhà lãnh đạo tôn giáo này đã hành xử giống như cây vả mà Chúa Giêsu đã nguyền rủa trên đường vào thành, và nếu họ không ăn năn, họ cũng sẽ khô héo, không bao giờ sinh trái nữa: “Từ nay, không bao giờ mày có trái nữa!” (Mt 21:19 ). Chúa Giêsu muốn cho giới tinh hoa tôn giáo biết rằng họ được lên thiên đàng không phải nhờ nỗ lực tự hãnh của họ mà là nhờ vào sự vâng phục thực sự ý muốn của Chúa Cha, và ý muốn đó đã được mạc khải và hoàn thành nơi sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng mà họ đang thẩm vấn về việc giảng dạy dân Chúa. Ân sủng của Thiên Chúa vẫn được mở rộng cho bất cứ ai quay về với Chúa Giêsu, như tiên tri Êdêkiel nói trong bài đọc thứ nhất: “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết” (Ed 18: 26-28).  

Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã gián tiếp nhưng rõ ràng trả lời câu hỏi của các thượng lễ và kỳ mục về nguồn gốc thẩm quyền của Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt 21: 23). Thẩm quyền “làm các điều ấy” của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa là Cha, cũng như thẩm quyền “làm phép rửa” của Gioan phát xuất từ sứ vụ của ông là “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2).

Như thế, Chúa Giêsu nói rõ: lời nói, nghi lễ, kinh kệ, lề luật là chưa đủ. Những việc này sẽ không có giá trị gì nếu chúng không nhằm để thực hiện Ý Chúa “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” với tất cả tấm lòng chân thành của mỗi người. Thiên Chúa muốn chúng ta hoán cải tận cõi lòng và vâng theo Thánh Ý của Ngài, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Đừng bao giờ khoe khoang về việc tuân giữ lề luật, lễ nghi, kinh sách sáng tối, bố thí…nhưng hãy đặt niềm tin vào Chúa Giêsu và thưa với Ngài như người thu thuế rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18: 13). Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta kho tàng lớn nhất có thể có - bình an, niềm vui, hạnh phúc và cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa trong vương quốc của Ngài. Chúng ta có thể đánh mất kho báu đó khi chúng ta không đi theo con đường sự thật và công chính của Thiên chúa và từ chối ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Đứng trước Thiên Chúa, có ai không là tội nhân? Chỉ là hoặc công khai trước mắt mọi người hoặc kín ẩn chỉ một mình mình biết. Không tự nhận mình là tội nhân, trái lại vênh váo coi mình là công chính, thì thà là kẻ tội lỗi công khai mang tiếng xấu, kể cả nhục nhã, nhưng biết từ bỏ đàng tội lỗi, trở lại đường công chính của Chúa Giêsu, còn hơn che giấu và thậm chí chối bỏ tội lỗi của mình để rồi rơi vào sự mù lòa tâm linh, không còn nhận ra sự thật về bản thân và về Thiên Chúa. Sự thật về bản thân: tôi là một kiểu người thu thuế hoặc gái điếm. Sự thật về Thiên Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9: 13). Một người đủ trung thực để thừa nhận những thất bại và sai lầm của mình sẽ không bị mù quáng bởi bất cứ ảo tưởng nào về sự giỏi giang và đạo hạnh của mình. Do vậy, ai cũng cần ăn năn sám hối tội lỗi của mình và cần chạy đến lòng nhân từ luôn tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chống lại chúng ta vì tội lỗi của chúng ta; Ngài là Đấng chữa trị những nỗi đau của con người. Đây là một Tin Mừng tuyệt vời: Thiên Chúa yêu thương chúng ta như một người Cha, mong tất cả chúng ta, người ít tội cũng như kẻ lắm tội, trở về nhà, nhận được tình yêu của Ngài và tham gia bữa tiệc. Đó là Thánh Ý của Thiên Chúa: “Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18: 12-14) và: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15: 32).

Phêrô Phạm Văn Trung.

VẼ CHÂN DUNG - Thứ Hai 12/06

 

“Hãy nếm thử và hãy nhìn coi!”.

Đến Âu Châu, du khách ấn tượng bởi các nghệ sĩ đường phố; những con người tài hoa này biễu diễn các loại nhạc cụ khác nhau; bên cạnh đó, phải kể đến các hoạ sĩ. Họ vẽ trên vải, trên giấy, trên cát và thậm chí, trên mặt đường. Ấn tượng nhất, là các hoạ sĩ ‘vẽ chân dung!’; chỉ trong mươi phút, một tuyệt phẩm ra đời. Họ làm nên một nét văn hoá đường phố!

Kính thưa Anh Chị em,

Cũng thế, sẽ rất thú vị khi Lời Chúa hôm nay được đọc dưới cái nhìn thán phục, ngưỡng mộ của một người ‘thưởng lãm’ đang chôn chân trước một hoạ sĩ ‘vẽ chân dung’, hoạ sĩ Giêsu!

Trong Tin Mừng hôm nay, khi công bố Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu khác nào một nghệ sĩ đang ‘vẽ chân dung’ của chính Ngài. Ở đây, với bạn và tôi, ‘thưởng lãm’ mang ý nghĩa ‘chiêm ngắm!’. Ngài vẽ ‘nét nghèo khó’, “Con Người không chỗ gối đầu!”; Ngài vẽ ‘nét hiền lành’, “Hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng!”; Ngài vẽ ‘nét buồn đau’, “Tâm hồn Thầy u buồn đến chết!”; Ngài vẽ ‘nét đói khát điều công chính’, “Giá mà các người biết Tôi là ai!”; Ngài vẽ ‘nét xót thương’, “Thầy thương xót dân này”; Ngài vẽ ‘nét trong sạch’, “Nào ai bắt Tôi được điều gì!”; Ngài vẽ ‘nét kiến tạo hòa bình’, “Bỏ họ, Ngài qua bờ bên kia!”. Và Ngài vẽ ‘nét chịu bách hại vì lẽ công chính’, “Mọi sự đã hoàn tất!”.

Vẽ chân dung chính mình, Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài mỗi ngày, vẽ chân dung chính họ! Họ phải vẽ làm sao để chân dung họ y hệt chân dung Ngài, đến độ người đời có thể nhầm lẫn khi ‘không biết đâu là họ, chẳng biết đâu là Ngài!’. Thật ý vị khi Thánh Vịnh đáp ca mời gọi, “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”.

Khởi đầu thư Côrintô hôm nay, thật tuyệt vời, Phaolô chia sẻ trải nghiệm “nếm thử” và “nhìn coi” chân dung Giêsu của ngài. Phaolô thèm thuồng chiêm ngắm các mối phúc Chúa Cha ban cho Thầy mình; nhờ đó, vị tông đồ dân ngoại vẽ được chân dung đời mình giống tạc chân dung Thầy. Thư Côrintô viết, “Cũng như các nỗi đau khổ của Đức Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Đức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy!”.

Anh Chị em,

“Hãy nếm thử và hãy nhìn coi!”. Không chỉ muốn chúng ta “nếm thử” và “nhìn coi”, Chúa Giêsu muốn bạn và tôi tạc, hoạ, ‘vẽ chân dung’ đời mình sao cho giống chân dung chính Ngài! Ai trong chúng ta cũng muốn ‘vẽ mình’ thật nhanh, nhanh hơn các hoạ sĩ đường phố. Vậy mà điều này có thể dẫn đến bất ổn, vì như thế, chúng ta sẽ giống một ai đó chứ không giống Ngài. Ngài muốn chúng ta vẽ thật chậm, vẽ từng nét mỗi ngày: nét cầu nguyện, nét yêu thương, nét bỏ mình, nét tha thứ, nét chết cho tội lỗi để sống cho Thiên Chúa. Muốn được vậy, như Phaolô, bạn và tôi hãy cho phép Chúa Kitô chạm vào cuộc sống mình; ‘chạm vào’ có nghĩa là ‘biến đổi’. Nhờ đó, chúng ta sẽ nên giống Ngài, ‘một Kitô khác’, đó là một cuộc sống hướng đến sự thánh thiện, không chỉ cho riêng mình mà còn trở nên nguồn cảm hứng cho người khác ước ao nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ngày nào con cũng ‘vẽ con’; nhưng càng vẽ, con càng không nhận ra mình. Giúp con biết bắt đầu từ đâu, hầu thế giới có thêm một chân dung giống với chân dung Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

KIẾN TẠO MỘT KHÁC BIỆT - Thứ Ba 13/06

 

“Các con là ánh sáng thế gian!”.

Đến Coupvray, một ngôi làng cách Paris khoảng 30 dặm, du khách tìm thăm một ngôi nhà hơn 200 tuổi, nơi một cậu bé đã chào đời. Do một tai nạn, cậu mù hai mắt từ ấu thời. Vài năm sau, trong khu vườn ấy, một cô bạn tặng cậu một quả thông. Lướt những ngón tay mình trên nó, cậu có một ý tưởng mới! Nhiều năm sau, một bảng chữ cái gồm các chấm nổi trên giấy ra đời. Người mù có thể đọc! Cậu bé ấy là Louis Braille, người ‘kiến tạo một khác biệt’ cho thế giới.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, khi nói “Các con là ánh sáng thế gian!”, Chúa Giêsu cũng muốn bạn và tôi, như Louis Braille, làm điều tương tự! Ngài mong ước các môn đệ của Ngài đến tận những góc tối của thế gian, những chân trời xa xăm của thế giới, để ‘kiến tạo một khác biệt!’.

Chân trời của thế giới thật rộng, góc tối của thế gian thật xa! Vì vậy, Kitô hữu phải liên tục lên đường mỗi ngày bằng cách triệt để sống các mối phúc ‘lạ thường’ của mình; tầm nhìn của họ phải vượt quá những gì là giới hạn, nhỏ bé để có thể đi đến những ‘vùng ngoại biên xa xôi’. Đó là một thế giới vốn tốt đẹp, nay bị tội lỗi làm hỏng hóc; một thế giới đang suy vi theo nhiều cách; móp méo theo nhiều kiểu. Vì thế, ánh sáng Chúa Kitô là điều không thể thiếu và rất mực cấp thiết. Không có ánh sáng Ngài, nhân loại mù! Gọi bạn và tôi là “ánh sáng thế gian”, Chúa Giêsu nói đến trách nhiệm Kitô hữu là soi rọi thế gian bằng ánh sáng của Ngài; đúng hơn, bằng chính Ngài, hầu những người khác có thể tìm thấy con đường họ phải đi.

Thư Côrintô hôm nay viết, “Chúa Giêsu không phải vừa ‘Có’ lại vừa ‘Không’; trái lại, nơi Ngài chỉ là ‘Có’”. Phaolô nói thêm, “Chúa Giêsu là Đấng “Có” đối với mọi lời hứa của Thiên Chúa”. Thiên Chúa giữ lời hứa và tiếp tục đặt niềm tin nơi chúng ta, Ngài luôn luôn nói “Có” với chúng ta. Chính điều này cho phép bạn và tôi trở thành “ánh sáng thế gian” một cách xác thực, tự tin. Ngài mạnh dạn ‘đầu tư’ nơi chúng ta, bằng cách đổ đầy ân sủng, tình yêu và Thánh Thần; từ đó, sai chúng ta đi, trở nên những ‘Kitô khác’ trong thế giới và cho thế giới. Thiên Chúa cần bạn và tôi để có thể ‘kiến tạo một khác biệt’ cho những ai Ngài đã tạo thành và cứu chuộc.

Anh Chị em,

“Các con là ánh sáng thế gian!”. Ánh sáng cho thế gian phải là ánh sáng Kitô! Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật khẩn thiết, “Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ chúa thấy long nhan hiền hậu!”. “Long nhan hiền hậu” của Thiên Chúa là chính Chúa Kitô! Trong Thánh Thể Chúa Kitô, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta “Long Nhan” Ngài. Thánh Thể là Thiên Chúa! Không chỉ được thấy, chúng ta được rước chính Ngài. Qua đó, Ngài trở nên thần lương nuôi dưỡng mỗi người, giúp chúng ta mạnh sức ra đi đến tận những chân trời thế giới để ‘kiến tạo một khác biệt’ trong mọi lĩnh vực tuỳ theo khả năng Ngài ban. Thế nhưng, đừng quên, đây còn là công việc của Chúa Thánh Thần! Mỗi ngày, với sự trợ giúp của ân sủng Thánh Thần, chúng ta bắt đầu từ bản thân, ‘kiến tạo’ bản thân, ‘biến đổi’ bản thân; để từ đó, đi ra những chân trời của thế giới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chọn gọi con, Chúa đã ‘mạo hiểm’ ‘kiến tạo một khác biệt’ trong thế giới! Chúa không ngại ‘đầu tư thật tốt’ trên con. Phải! Thật tốt. Đừng để con làm Chúa thất vọng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

THÁNH THỂ, MỘT ƠN BAN TỘT ĐỈNH CỦA THIÊN CHÚA

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô mà chúng ta cử hành Chúa nhật hôm nay là một biểu lộ hân hoan đối với sự hiện diện thường hằng của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Lễ này được cử hành theo truyền thống với một cuộc rước Thánh Thể khắp khu vực xung quanh nhà thờ sau thánh lễ. Kết thúc cuộc rước, Thánh Thể được đưa trở lại Nhà thờ để Chầu. Đó là một việc tôn sùng lớn lao hướng về Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.

  1. Vài nét lịch sử

Trong Giáo Hội Sơ Khai, việc tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô chỉ giới hạn trong việc cử hành Thánh Thể và rước lễ, và các Giáo Phụ như Augustinô và Ambrôsiô khuyến khích thái độ thờ lạy trong Thánh Lễ. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13, để đền tạ những phạm thánh và bất kính của những người phủ nhận Bí tích Thánh Thể, nhiều phong trào giáo dân ở Bắc Âu đã cổ động lòng sùng kính bí tích này. Họ tổ chức những giờ chầu Thánh Thể, linh mục ban phép lành với Mình Thánh Chúa, kéo chuông nhà thờ khi linh mục thánh hiến bánh và rượu. Tại Liège, Bỉ, nhờ thánh nữ Juliana (1193-1258), một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của dòng Augustinô tại Mont-Cornillon, họ đã xin Đức cha Robert de Thorete, là giám mục địa phương, cử hành một lễ kính Mình Thánh vào ngày thứ năm sau Chúa nhật kính Chúa Ba Ngôi. Mặc dù ban đầu còn do dự, nhưng vào năm 1246, Đức Giám Mục Thorete chấp thuận lời thỉnh cầu cho phép cử hành lễ Mình Máu Chúa Kitô trên toàn giáo phận. Như vậy, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành lần đầu tiên tại Liège, Bỉ, vào năm ấy. Sau này tại Ý, năm 1263, trong nhà thờ thánh Catarina, tại Bolsena, phía bắc thành phố Rôma và phía nam thành phố Orvieto, một linh mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Máu và Thịt Chúa Giêsu. Tức thì Máu Thánh chảy đẫm khăn thánh và khăn bàn thờ. Ðức Giáo Hoàng nghe tin này, bèn ra lệnh đem khăn về để tạm tại nhà thờ Orviette. Chính Phép Lạ này khiến Ðức Giáo Hoàng Urbano IV (1262-1268) ban hành Tông sắc Transiturus de hoc mundo, năm 1264, thành lập lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu, như một ngày lễ cho toàn thể Giáo hội Latinh. Trong bức Tông Sắc của mình, Đức Urban IV đã viết rằng: “Để củng cố và đề cao Đức Tin chân thật, sau khi cân nhắc cẩn thận, Ta truyền lệnh rằng, ngoài những cuộc tưởng nhớ hằng ngày mà Giáo hội thể hiện đối với Bí Tích rất thánh này, mỗi năm sẽ còn có một Đại Lễ đặc biệt nữa được cử hành vào một ngày nhất định, và cụ thể là vào ngày thứ Năm sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong ngày đó, dân thánh thiện sẽ sốt sắng và mau chóng tập trung lại trong các ngôi Thánh Đường của chúng ta, và tại đó, các bài Thánh Ca sẽ được vang lên bởi các Giáo sĩ và các Giáo dân với trọn niềm vui thánh thiện.” [1] Khi Đức Giáo Hoàng Piô V (1504-1572) sửa đổi Lịch Rôma chung, Lễ Mình Máu Thánh Chúa - Corpus Christi - được ngài giữ lại cùng với Lễ Chúa Ba Ngôi.

Ðức Giáo Hoàng Urbano IV giao cho Thánh Tôma Aquinô, đang là nhà thần học của Giáo hoàng, soạn thảo những bản văn phụng vụ cho ngày lễ trọng này. Thánh Tôma Aquinô đã sáng tác một bài thánh ca dành cho Kinh Chiều của ngày lễ này, Pange Lingua, cũng được hát vào Thứ Năm Tuần Thánh trong cuộc rước Mình Thánh Chúa đến bàn thờ tạm. Hai câu cuối của Pange Lingua [2] trở thành bài thánh ca Tantum Ergo, được sử dụng cho các Giờ Chầu Mình Thánh Chúa. 

  1. Tin mừng và ý nghĩa của Thánh Thể

 Mặc dù Thứ Năm Tuần Thánh cũng được coi là Lễ Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng ngày đó dành để nhớ đến việc Chúa Giêsu thiết lập Chức Linh mục: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22: 19) và giới răn yêu thương qua việc rửa chân phục vụ nhau: “Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 3: 13-15).

Lễ Mình Máu Thánh Chúa được thiết lập là để dành ra một ngày lễ chỉ tập trung vào Bí tích Thánh Thể: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6: 51).

Khi chúng ta quy tụ trong Thánh Lễ, chúng ta biết rằng với tư cách là những người đã được rửa tội, chúng ta tạo thành cộng đoàn Thánh Thể, cộng đoàn này với việc chủ sự của linh mục, sẽ tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua - cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh - của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hiệp dâng lễ vật của chúng ta với lễ vật của linh mục, Đấng đại diện cho Chúa Kitô, để lễ vật bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô, mà chúng ta lãnh nhận khi Rước lễ, để chúng ta có được sự sống thần linh muôn đời của chính Chúa Kitô: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6: 58).

Sự sống này bắt nguồn từ tâm điểm của Thánh Lễ: hiệp thông với Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6: 56). Thánh lễ - cuộc cử hành Bí Tích Thánh Thể - là sự tái hiện hành động của Chúa Giêsu vào đêm trước khi Ngài chịu chết. Trong Bữa Tiệc Ly: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói:Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Ngài cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22: 19-20).

Trong những lời nói và hành động đó, trong giây phút trao hiến thiêng liêng đó, Chúa Giêsu đã hình dung trước hành động cao cả nhất của Ngài là hiến thân trên Thập giá. Hội thánh tin tưởng và lặp lại hành động thánh thiêng đó để tuân theo mệnh lệnh của Ngài mỗi khi chúng ta tập trung quanh bàn thờ, kết hợp lại với nhau, để cùng nhau đón nhận Bánh được bẻ ra và Chén được chia sẻ, chính là Thân Mình bị tan nát và Máu bị đổ ra của Chúa Kitô, để đem lại sự sống đích thực đời đời cho những ai tin vào sự hiện diện của Ngài trong Giáo hội và trong Bí tích Thánh Thể: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6: 53-55).

Việc nâng tâm hồn chúng ta lên Thiên Chúa chắc chắn là một yếu tố quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta. Nhưng việc thờ phượng Thiên Chúa mà chúng ta dâng lên qua bí tích thánh thiêng này không chỉ đơn thuần là việc của riêng con người. Chính việc Chúa Giêsu biến đổi bánh, là “hoa mầu ruộng đất”, và rượu là “sản phẩm từ cây nho”, mà chúng ta được mời gọi tham dự vào bằng việc dâng “công lao của con người”, trở thành Mình và Máu của Ngài, mới làm cho việc thờ phượng của chúng ta trở nên việc thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực: là sự tự hiến của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá qua lời tuyên bố “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2: 19) báo trước về mầu nhiệm thập giá, về cái chết và sự phục sinh của Ngài. Giờ đây con người gặp gỡ Thiên Chúa không cần phải qua trung gian nào khác, kể cả Đền thờ và Lề luật, nhưng qua Chúa Kitô. Bánh và rượu được cộng đoàn dâng lên, tượng trưng cho lao động, cuộc sống với tất cả những khiếm khuyết của chúng ta, và chúng ta liên kết chúng với sự tự hiến của Chúa Kitô cho Chúa Cha để trở nên hy tế tột đỉnh: hy tế Thánh Thể. Nhờ đó, chúng ta được biến đổi và trở nên điều mà thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ nhất: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Chúa Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Ngài sao?” (1Cr 10: 16).

  1. Sống ý nghĩa Thánh Thể

Một trong những cảnh gây xúc động nhất trong Tin Mừng của Thánh Gioan là cảnh Chúa Giêsu Biến Hình trên Núi Tabor. Các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn níu giữ giây phút chiêm niệm đó. “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9: 33). Nhưng giống như mọi khoảnh khắc xuất thần, thời gian trôi qua. Chúng ta phải trở về với những điều bình thường của cuộc sống.

Lễ Mình Máu Thánh Chúa là một cơ hội đặc biệt để chúng ta không chỉ chứng kiến mà còn tham dự vào sự biến hình của Chúa Giêsu khi chúng ta chiêm ngắm sự hiện diện luôn mãi của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng giây phút thiêng liêng này không thể kéo dài mãi được. Bởi vì chúng ta phải quay trở lại sự phức tạp của cuộc sống hiện tại. Nhiệm vụ của chúng ta là biến đổi thế giới mà chúng ta đang sống, như những lời của Thánh Irênê, tiến sĩ Hội Thánh: “Gloria Dei est vivens homo - Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống”. 

Được nuôi dưỡng bằng Lương Thực từ Thiên Đàng này, chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua ân huệ của Chúa Thánh Thần, được trang bị và tăng thêm sức mạnh để tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô trong các khu phố, nơi làm việc, bệnh viện, trường học và các khu vực khác trong cộng đồng của chúng ta. Đây là ơn kêu gọi của chính chúng ta - trở thành bánh bẻ ra cho người khác, như Thân Mình Chúa Kitô tự hiến cho tất cả mọi người mọi nơi.

Vào ngày lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa này, một lần nữa chúng ta hãy nhận ra và quý trọng hơn nữa đặc ân được tham dự Bí tích Thánh Thể và tự do lãnh nhận món quà Mình và Máu Chúa Kitô để chúng ta luôn nghiệm được sự hiện diện đồng hành của Chúa Giêsu trên hành trình cuộc sống trần thế này: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con.” [3]

[1] ĐTC Urban IV: Tông Sắc thiết lập Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa. Bản dịch của Georg Ott. In: Georg Ott: Eucharisticum. Pustet, Regensburg 1869.

[2] Câu 5. Tantum ergo Sacramentum. Veneremur cernui: Et antiquum documentum

Novo cedat ritui: Praestet fides supplementum Sensuum defectui.

Câu 6. Genitori, Genitoque, Laus et iubilatio, Salus, honor, virtus quoque, Sit et benedictio: Procedenti ab utroque, Compar sit laudatio. Amen.

[3] Lời nguyện kết thúc Kinh chiều Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Subcategories