3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

KHÔNG THỂ PHI THƯỜNG HƠN - Thứ Năm Tuần 5 MC A

“Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!”.

Năm 125 sau Công Nguyên, Aristeides giải thích sự thành công lạ thường của “một tôn giáo mới!”. Ông viết, “Bất kỳ một Kitô hữu chân chính nào rời khỏi thế giới, họ đều hân hoan dâng lời cảm tạ Thiên Chúa; họ mang theo thân xác những ca khúc tạ ơn! Như ‘bất tử’, họ đang đi từ một nơi này đến một nơi khác gần đó; một sự dịch chuyển ‘không thể phi thường hơn!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng ‘bất tử’ của Aristeides thật phù hợp với Lời Chúa hôm nay! “Chim sắp chết, chim kêu thống thiết; người sắp chết, nói lời nói thiệt!”. Biết mình sắp chết, Chúa Giêsu đưa ra một tuyên bố rất thật, ‘không thể phi thường hơn’, “Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!”.

Ghi lại lời này của Chúa Giêsu, tác giả lùi lại lời tựa Phúc Âm của mình; ở đó, phượng hoàng Gioan chấp cánh bay về tận mút cùng của tạo thành, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa; và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Cùng Chúa Cha, Ngôi Lời đã có mặt trước cả Abraham, trước cả phút chào đời của bất cứ tạo vật nào! Tuy nhiên, Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, xuống thế làm người, và Ngài vẫn ở với Chúa Cha. Trở về với Chúa Cha, Ngài vẫn ở với loài người; và giờ đây, đang ở với Cha, vừa đang ở với chúng ta. Đây là sự hiện diện tất yếu của một tình yêu bất tử nơi Thiên Chúa, một sự hiện diện ‘không thể phi thường hơn!’.

Chúa Giêsu còn nói, “Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ chết!”. Đây là một tóm kết gọn ghẽ điều Chúa hứa với Abraham, một người hoàn toàn “tuân giữ” những gì Thiên Chúa nói và xem ra “không bao giờ chết”; sách Sáng Thế hôm nay tiết lộ, “Ta sẽ lập giao ước giữa Ta với ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác”. Giao ước Chúa lập với Abraham; về sau, với Đavít thật bền bỉ, “Dòng dõi ngươi sẽ trường tồn vạn kỹ”, đã nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giao ước lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”, một giao ước ‘không thể phi thường hơn!’.

Nói rằng, “sẽ không bao giờ phải chết”, Chúa Giêsu nói đến cái chết của linh hồn. Ai giữ lời Ngài, sẽ không biết đến cái chết ‘kiểu đời đời’ này! Bởi lẽ, họ đã bắt đầu chia sẻ cuộc sống Thiên Chúa ‘ở đây và lúc này’, một cuộc sống vượt quá cái chết thể xác. Nếu trao phó đời mình cho Chúa, chúng ta cũng sẽ bắt đầu sống cuộc sống không bị cái chết làm gián đoạn. Cuộc sống hiệp thông với Chúa sẽ không bị phá vỡ bởi cái chết; đúng hơn, được đào sâu hơn qua cái chết! Thật tiếc, người Do Thái không nhận ra! Nếu nhận ra ‘Chủ Nhân’ của sự sống và cái chết là ai, họ sẽ tò mò thay vì tức giận, hy vọng thay vì dể duôi, đón nhận thay vì báng bổ!

Anh Chị em,

“Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ chết!”. Đó là lời hứa tuyệt vời của Giêsu Hằng Hữu, Đấng chết cho tội lỗi của con người và sống lại cho sự bất tử của nó! Ngài đang sống trong bạn, trong tôi, ngay trong thế giới thê lương này. Vì thế, ngày ngày, không chỉ khi còn sống, chúng ta hân hoan ca tụng Ngài, mà cả khi rời khỏi thế giới này, chúng ta “mang theo thân xác những ca khúc tạ ơn!”. Là con của ‘Đấng Bất Tử’, chúng ta đang được thông chuyển sự sống thần linh và sống đời đời của Ngài. Quả thế, một khi tuân giữ Lời Thiên Chúa, chúng ta đã quá vĩ đại! Do đó, đừng để cho sự tẻ nhạt của đời sống với những tân toan kéo ghì chúng ta xuống. Hãy sống tâm thế của con cái Thiên Chúa ngay giữa đời sống thường nhật này, “Tâm hồn luôn hướng lên cao cùng với lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”. Và như thế, bạn và tôi ‘không thể phi thường hơn!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dẫu hèn yếu, con được gọi cho một sứ vụ lớn. Đừng để con hoá tầm thường; vì như vậy, con sẽ cản trở những công trình ‘không thể phi thường hơn’ Chúa dành cho con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Ở LẠI TRONG LỜI - Thứ Tư Tuần 5 MC A

“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”.

Hudson Taylor, một Phaolô của thế kỷ 19, truyền giáo 51 năm tại Trung Hoa lục địa; ông đem về cho Chúa hàng vạn linh hồn. Những ngày cuối đời, ông nói với một người bạn, “Tôi rất yếu, tôi không thể đọc Thánh Kinh; thậm chí, không thể cầu nguyện. Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé, và hạnh phúc ‘ở lại trong lời’ của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Ở lại trong lời’ của Ngài!”, trải nghiệm của Taylor, cũng là trải nghiệm của những bạn trẻ thời Đaniel hoặc trải nghiệm của chính Chúa Giêsu. Lời Chúa hôm nay sẽ cho thấy điều đó!

‘Ở lại trong lời’ của ai, giả thiết bạn phải tin vào người ấy! Niềm tin sẽ không có thật cho đến khi nó chạm đến một thái độ; và trên hết, chạm đến một lựa chọn cụ thể của một con người. Bài đọc Đaniel cho thấy thái độ anh hùng và sự lựa chọn anh dũng không phải của một, nhưng của những ba người. Họ chọn chịu ném vào lò lửa khi tỏ thái độ bất tuân lệnh vua, người buộc họ bái lạy tượng thần. Thật tuyệt vời, như vua nhận xét, “Con của thần minh” đã đến, ‘cùng đi với họ’ giữa lửa; Ngài giải thoát họ, đến nỗi Nabucôđônosor đã phải ngưỡng mộ và hẳn, đã cùng họ ca khen, “Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Nếu các ông ‘ở lại trong lời’ của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”. ‘Ở lại trong lời’ của Chúa Kitô là làm cho cuộc sống của bạn và tôi phù hợp với cuộc sống của Ngài; là nên giống Ngài, nói như Ngài, làm như Ngài và nhất là làm những gì Chúa Cha muốn Ngài làm. Chúa Giêsu từng nói, “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Tắt một lời, ‘ở lại trong lời’ của Chúa Giêsu là thuộc về Ngài, nên môn đệ Ngài. Nó còn là một điều gì đó thánh thiêng, một điều gì đó kiên trì bền bỉ mỗi ngày và biết cách đứng dậy, ‘phủi bụi’ bản thân để bắt đầu lại mỗi khi chúng ta chùn bước hay vấp ngã trên đời.

Chúa Giêsu còn nói, “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông!”. Sự thật ở đây chính là tự do Ngài ban; nó sâu xa hơn nhiều so với tự do thế gian. Tự do ở đây không chỉ đơn giản là tự do chính kiến, tự do chọn bất cứ điều gì tôi muốn, khi nào tôi muốn và theo cách tôi muốn. Tự do ở đây là tự do làm điều lành, đạo đức, nội tâm và chính trực; và nhất là được ‘tự do hy tế’, nghĩa là sẵn sàng hiến mình làm một lễ dâng như Ngài đã nên một “Lễ Dâng!”.

Anh Chị em,

“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”. Nếu xác tín Lời Chúa là Ánh Sáng, là Sự Sống, và là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, thì khi ‘ở lại trong lời’ của Ngài, chúng ta ở lại trong cung lòng Cha; như Taylor, “Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé”. Quả vậy! Bởi tình yêu vô điều kiện, “Lời” đã làm người, làm một người phàm như bạn và tôi; “Lời” như “Con của thần minh” đã ‘cùng đi với’ các bạn trẻ giữa lửa, Chúa Giêsu cũng sẽ đồng hành, dẫn chúng ta tự do bước đi trong cuộc đời này. ‘Ở lại trong lời’ của Ngài, coi Lời Ngài như “nhà” của mình, bạn và tôi sẽ tự do thoát khỏi cái tôi ích kỷ, khỏi bị ràng buộc bởi bản năng hầu sống theo các phẩm tính thần linh; chính xác hơn, tự do để nên giống Chúa Giêsu, làm theo ý Ngài. Lúc đó, dù đi qua lửa hay lao vào giông bão cuộc đời, chúng ta vẫn bước đi ung dung, tự do, với phong thái của một người con trai, con gái của Cha trên trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con luôn muốn điều Chúa muốn, làm điều Chúa thích; đó chính là khôn ngoan của con khi con biết ‘ở lại trong lời’ của Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Thời gian là của Chúa - Chúa Nhật 5 MC A

Nếu được hỏi cái gì cần nhất? Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ trả lời là tiền. Vì tiền là Tiên, là Phật. Thế nhưng, có một thứ mà tiền cũng không thể mua được, đó là thời gian. Thời gian khép lại cũng đồng nghĩa mọi sự sẽ qua đi chẳng còn ích lợi gì cho chúng ta. Dù rằng chúng ta có khối tài sản lớn. Dù rằng chúng ta có một địa vị cao. Thời gian chấm hết thì mọi sự cũng sẽ chia tay chúng ta. Hơn nữa, thời gian của con người thật mong manh tựa như bóng câu qua cửa sổ, tựa như cơn gió thoảng qua . . .

Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn.

Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:

– Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.

– Không được. – Thần Chết lắc đầu.

– Vậy tôi đưa Ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? – Anh ta tiếp tục van xin.

– Không được. – Thần Chết vẫn không đồng ý.

Anh ta vội nói:

– Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?

– Không được. – Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.

Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:

– Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.

Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng:

– Xin hãy ghi nhớ: “Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày”.

Hóa ra ở đời điều quan trọng không phải là tiền. Điều quan trọng là mình biết sử dụng thời gian có ý nghĩa hay không? Có tiền mà sống vô nghĩa cũng uống phí. Có tiền mà không biết tận hưởng hạnh phúc cuộc sống cũng bằng thừa. Thế nên, hãy biết trân trọng thời gian. Hãy làm việc tích đức cho cuộc đời. Đừng để uổng phí cuộc đời trong những đam mê của danh lợi thú. Thời gian sẽ trôi qua không chờ không đợi. Thời gian sẽ qua đi như hoa sớm nở chiều tàn. Hãy sống cho có ý nghĩa là sống có ích cho tha nhân, cho cuộc đời. Đừng chỉ sống cho mình kẻo uổng phí thời gian.

Người ta cho rằng tuổi thọ trung bình của người Việt là 70 năm. Nhưng trong 70 năm ấy, có người sống trọn nhưng không để lại thứ gì cho đời. Có người sống 30 năm nhưng lại để lại biết bao điều tốt đẹp cho đời.

Thiên Chúa là chủ thời gian. Chính Ngài làm chủ sự sống của chúng ta. Sống chết đều nằm trong sự quan phòng của Ngài. Thế nên, hãy sống trong ân nghĩa với Ngài. Hãy sống trong sự hiệp nhất với Đấng làm chủ cuộc đời chúng ta, để chính Ngài sẽ cho chúng ta được sống và sống đời đời.

La-gia-rô dầu được Chúa trả lại sự sống một lần nhưng rồi với quy luật thời gian, ông cũng chết như bao người khác. Điều quan trọng và quý giá của cuộc sống là biết sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, biết sống kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa cả ở đời này lẫn đời sau. Nhờ vậy mà chúng ta được sống hạnh phúc đời này và cả đời sau.

Giả dụ như chúng ta cũng được như La-gia-rô Chúa cho chết rồi sống lại. Chúng ta sẽ sống cuộc sống còn lại như thế nào? Liệu có còn muốn bon chen, tích góp, giành giật hay sống dành thời gian cho có ý nghĩa với gia đình, với cuộc đời. Nếu ai đã từng trải qua bệnh tật thập tử nhất sinh có lẽ sẽ cảm nghiệm điều này: tiền tài, danh vọng chẳng là gì một khi đã nhắm mắt xuôi tay. Một khi mình không có nắm giữ được chúng nữa thì những gì mình tích góp cũng uổng công.

Đồng tiền không mua được thời gian, ước gì chúng ta biết sử dụng thời gian cho hợp lý. Xin đừng vì danh lợi thú mà sống xa rời Thiên Chúa, lỗi luật với Ngài để rồi chúng ta sẽ mãi lạc vào cõi hư vong. Ước gì chúng ta biết noi gương Chúa Giê-su sống trọn vẹn thời gian trong sự kết hợp với Chúa Cha và phục vụ tha nhân với hết khả năng của mình. Có như vậy chúng ta mới sống tròn ý nghĩa cuộc đời là tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

CHỈ ĐẾN TỪ TRÊN CAO - Thứ Ba Tuần 5 MC A

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”.

Oswald Chambers nói, “Tất cả thiên đàng quan tâm đến thập giá Chúa Kitô! Tất cả địa ngục sợ hãi nó một cách khủng khiếp! Đang khi loài người là ‘những sinh vật duy nhất’ ít nhiều bỏ qua ý nghĩa của nó! Ơn cứu độ thế giới ‘chỉ đến từ trên cao’, nghĩa là từ thập giá Chúa Kitô! Ngài đến để trả một món nợ không mắc; bởi lẽ, chúng ta mắc một món nợ không bao giờ trả nổi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Đồng tình với Chambers, Lời Chúa hôm nay tiết lộ một sự thật, ơn cứu độ ‘chỉ đến từ trên cao’, thập giá Chúa Kitô! Bởi lẽ, không có sự cứu rỗi trong các ý tưởng viển vông, trong sự sẵn lòng hay ước muốn của một ai đó... Nó phải phát xuất từ lòng thương xót vô bờ của Chúa Trời!

Như con rắn xưa được treo lên cây cột để cứu một dân, Chúa Kitô phải chịu treo trên thập giá để cứu muôn dân. Có như thế, Ngài mới có thể chuốc lấy mọi độc tố của tội; nhờ đó, chúng ta được chữa lành. Bài đọc Dân Số hôm nay cho biết, Israel kêu trách Chúa, đến nỗi, Ngài cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Môisen van xin Chúa, Ngài bảo, “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”.

Như vậy, tội lỗi dẫn đến cái chết; ăn năn dẫn đến lòng thương xót! Việc treo cao con rắn lên cột gỗ trong sa mạc báo trước việc Con Thiên Chúa được nâng cao trên giá gỗ tại đồi Canvê. Thập giá Chúa Kitô phá bỏ lời nguyền của tội lỗi và sự chết; đồng thời, giành được sự tha thứ, chữa lành và sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Ngài, Đấng Cứu Độ Thế Giới. 

Thật thú vị, “được giương cao” không chỉ đề cập đến việc Chúa Giêsu chịu nâng lên thập giá mà còn bao hàm việc Chúa Cha tôn vinh Ngài. “Các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”, một danh hiệu chỉ dùng cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho phép chúng ta chiêm ngắm Ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha. Dẫu vậy, với Gioan tông đồ, thập giá vẫn là khoảnh khắc vinh quang của Chúa Giêsu, là đỉnh cao chiến thắng trong sứ mệnh Chúa Cha trao cho Ngài.

Nói đến việc ơn cứu độ ‘chỉ đến từ trên cao’, Augustinô viết, “Ta đã sai đến với con, Đấng sẽ tìm con, bước đi với con, và tha thứ cho con! Đấng ấy có đôi chân để bước đi, có đôi tay để tha thứ. Vì thế, sau khi sống lại, Đấng ấy lên trời, đưa tay ra, đưa cạnh sườn và bàn chân ra. Đôi tay tha thứ cho mọi tội nhân; cạnh sườn chảy ra máu cứu chuộc cho một nhân loại được cứu!’”.

Anh Chị em,

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu!”. Không ai biết đích xác Chúa Giêsu là ai mãi cho đến khi Ngài tắt thở. Chính trong khoảnh khắc chứng kiến cái chết nhục nhằn, đau đớn nhưng rất thánh thiện và bình an của Ngài, viên đại đội trưởng mới thốt lên, “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”; ông đã nhận chân giá trị của thập giá Ngài. Bởi lòng độc dữ, nhân loại giương cao Con Thiên Chúa; bởi lòng thương xót, Chúa Cha giương cao Con Ngài lên, để tuôn trào ơn tha thứ. Trước hội đồng, Phêrô lên tiếng, “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ”. Như thế, ơn cứu độ chỉ đến từ Thiên Chúa, ‘chỉ đến từ trên cao’. Chân lý này mời gọi chúng ta rướn mình lên khỏi những tầm thường, noạ tính, và tội lỗi, để với tới Chúa Kitô, Đấng được treo lên. Chạm được Ngài, bạn và tôi chạm được ơn cứu độ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để tội lỗi ghì chặt con xuống; cho con biết nhìn lên thập giá để chỗi dậy mỗi ngày, vì ơn cứu độ của con ‘chỉ đến từ trên cao’, từ giá Chúa chịu treo lên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

KHÔNG AI CÓ THỂ THỜ Ơ QUÁ LÂU - Thứ Sáu Tuần 4 MC A

“Họ tìm cách bắt Chúa Giêsu!”.

“Không ai có thể thờ ơ quá lâu với Chúa Giêsu, họ sẽ theo Ngài, hoặc sẽ giết Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, ý tưởng của Don Schwager giúp chúng ta khám phá một sự đan quyện đầy ý nghĩa được rút ra từ hai bài đọc Lời Chúa hôm nay. “Không ai có thể thờ ơ quá lâu với Chúa Giêsu”, cũng ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu’ với điều thiện. Họ phải chọn lựa! Chọn điều thiện, hay bóp nghẹt nó; chọn Chúa Giêsu hay giết chết Ngài! 

Chúng ta thường nghĩ, sự tốt lành của tôi sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều người; ấy thế, không ít lần, kinh nghiệm cho thấy một điều hoàn toàn ngược lại! Bài đọc Khôn Ngoan hôm nay là một thực tế! Tác giả viết, “Quân vô đạo với những suy tính sai lầm trong lòng rằng, ta hãy gài bẫy, hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta!”; “Nào ta kết án cho nó chết cách nhục nhã!”. Những lời này có thể áp dụng hoàn hảo cho Chúa Giêsu, đến nỗi nhiều người coi phân đoạn này là một tiên báo số phận mai ngày của Ngài. Đúng thế! Nó cũng được áp dụng cho các môn đệ Giêsu mọi thời. Lòng tốt của họ đã bị phẫn nộ; hành vi đạo đức của họ bị coi như một sự lên án kẻ khác; và sự nhiệt thành của họ là mối đe dọa liên tục đối với những kẻ cứng lòng. Kết quả là, người tốt bị bức hại, thậm chí, bị giết chết, vì ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu’ với điều thiện; hoặc chọn nó, hoặc bóp chết nó! Thế nhưng, bài đọc Khôn Ngoan kết luận, “Chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa!”.

Tại sao? Chính những định kiến đã tạo ra một cảm giác tội lỗi nơi những kẻ cứng lòng, “Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa”, “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta”. Rõ ràng, ‘sự trách móc’ của người công chính không bị phủ nhận nhưng nó bị phẫn nộ mạnh mẽ. Những lời này gần như đúng hoàn toàn khi áp dụng cho Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài tuyên bố, “Đấng sai Tôi là Đấng chân thật, các ông không biết Ngài. Phần Tôi, Tôi biết Ngài, bởi Tôi từ Ngài mà đến, và chính Ngài đã sai Tôi”. Đó là những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu dưới bàn tay các đối thủ của Ngài; họ chế nhạo Ngài, thách thức Ngài vì không chịu nổi Ngài. Điều này cũng đã xảy ra với các môn đệ Giêsu mọi thời; nó cũng đang xảy ra trong thời đại chúng ta.

Anh Chị em,

“Họ tìm cách bắt Chúa Giêsu!”. Và quả thế, họ đã bắt và giết Ngài. Vậy Thiên Chúa thua cuộc rồi sao? Đúng, nhìn bên ngoài, Ngài đã thua! Nhưng ở đây, “Ai thắng thì thua, ai thua thì thắng!”. Và Thiên Chúa đã toàn thắng! Tình yêu Ngài toàn thắng! Thiên Chúa đã để con người sử dụng tự do của nó mà đối xử với Con của Ngài tuỳ thích; nhưng đó là mầu nhiệm của sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa. Đường lối cứu độ của Ngài là thế đó, một đường lối không ai hiểu thấu! Đó là khôn ngoan của thập giá, điên rồ đối với người Hy Lạp, ô nhục đối với người Do Thái. Mùa Chay, mùa chọn lựa tình yêu, chọn lựa điều thiện, chọn lựa thập giá như Thiên Chúa chọn lựa! ‘Không ai có thể thờ ơ quá lâu’ với Chúa Giêsu, Ngài cũng đã chờ bạn và tôi quá lâu! Hãy trở về với Ngài, chọn Ngài, dù chúng ta tội lỗi, yếu hèn; vì lẽ, “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ” như Thánh Vịnh đáp ca cho biết. Đừng sợ phải chọn Ngài, nên giống Ngài! Lời Chúa và ân sủng qua các Bí Tích, đặc biệt, Thánh Thể và Hoà Giải; chúng sẽ bổ sức, chữa lành bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, càng đến gần Tuần Thánh, cho con biết con càng phải cấp bách quay về với Chúa nhờ các Bí Tích, vì ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu’ với Ngài, nhất là con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories