- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
“Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”.
William Tyndale, người đầu tiên dịch Thánh Kinh từ tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng Anh. Bị giam ở lâu đài Vilvoorde, ông vẫn tiếp tục công việc dịch thuật, nhưng không hoàn thành vì chịu xử giảo và thiêu trên cọc như một kẻ dị giáo. Ngày 06/10/1536, ông kêu lên lời cuối cùng, “Lạy Chúa, nguyện ý Chúa thành sự! Xin mở mắt cho vua nước Anh!”. Sau đó, ông chết. Lời cầu khẩn của ông là một ‘lời cầu nguyện nâng cao’ vốn đã được nhậm trong vòng một năm!
Kính thưa Anh Chị em,
Với William Tyndale, “Nguyện ý Chúa thành sự!”; với Esther, “Xin ban cho con lòng tin tưởng!”; và với Chúa Giêsu, “Đấng ngự trên trời lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?”, phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘lời cầu nguyện nâng cao!’.
Lời cầu có thể tiết lộ rất nhiều về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Thiên Chúa luôn chờ đợi một lời cầu hay một ước muốn cao thượng, hơn là những khẩn xin cho nhu cầu này, nhu cầu kia. Lời cầu sâu sắc nhất là lời cầu cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện. Đó là ‘lời cầu nguyện nâng cao’ mà Ngài sẽ không bao giờ từ chối!
Lời cầu của Esther là một kiểu mẫu! Bà không xin cho mình, gia đình mình điều này, điều kia; nhưng xin cho được xác tín, “Chúa là Vua”, “Đấng thực hiện mọi điều đã hứa”. Esther biết, vận mạng bà, số phận dân tộc bà nằm trong tay Chúa; nên bà không thách thức, thao túng, cũng không mặc cả. Trái lại, chỉ xin Chúa “ban thêm lòng tin tưởng”, hầu có thể kiên định tựa nương vào Ngài; để rồi bà giao lại tất cả cho Chúa, tuỳ Ngài định đoạt. Và Thiên Chúa đã không thể từ chối một ‘lời cầu nguyện nâng cao’ như thế! Ngài đã cứu Esther, cứu dân tộc bà. Thật ý nghĩa, tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại!”.
Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra những lời đầy thách thức nhưng thuyết phục: “Hãy xin!”, “Hãy tìm!” và “Hãy gõ!”. Ngài muốn nâng cao những mong đợi nơi các môn đệ. Làm sao một người cha lại từ chối những gì tốt đẹp cho con mình; tệ hơn, trao cho nó những gì là có hại? Và cuối cùng, Ngài đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc, “Phương chi Cha các con, Đấng ở trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?”. “Của tốt lành” là chìa khoá của những ‘lời cầu nguyện nâng cao’, đó là thánh ý Thiên Chúa; và “Của Tốt Lành” còn là chính Thiên Chúa, Thánh Thần của Ngài, như lời Chúa Giêsu đã hứa!
Khi nói về những ‘lời cầu nguyện nâng cao’, thánh Gioan Kim Khẩu viết, “Một lời cầu như thế là một bộ giáp lộng lẫy, hiệu quả; đó là một kho báu không mòn hao, một hầm mỏ không bao giờ cạn kiệt, một bầu trời không bị che khuất, một thiên đường không bão tố. Nó là suối nguồn, là đài phun nước, và là mẹ của muôn phúc lành. Nó vượt quá quyền lực của một vị vua... Tôi không nói đến những lời cầu nguyện lạnh lùng, yếu ớt và không có lửa!”.
Anh Chị em,
“Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng!”. Lời cầu của Esther như “một thiên đường không bão tố” khi ngày tàn của một dân tộc đang chụp xuống! Trong vườn Dầu, Chúa Giêsu cũng đã dâng một lời cầu tương tự, “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha!”. Ước gì đó cũng là lời cầu của bạn và tôi mỗi khi ngặt nghèo. Hãy tin Thiên Chúa, Đấng là “suối nguồn ân phúc”, là “bầu trời không bị che khuất”, sẽ ban “của tốt lành”. “Của Tốt Lành” là chính Thánh Thần, Đấng dạy chúng ta biết luôn dâng lên những ‘lời cầu nguyện nâng cao’ đẹp lòng Thiên Chúa nhất!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, ước gì mọi lời cầu của con luôn kết thúc như lời cầu của Chúa, “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha!”; và như thế, chúng đã được nâng cao!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Details
-
Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
“Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất!”.
Trong “Thoughts in Solitude”, bản Việt ngữ, “Hoa Trái Thinh Lặng”[1] do người viết dịch, Thomas Merton nhận xét, “Cuộc sống của con người là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo! Lắng nghe, đáp trả là việc của con người; nhờ đó, nó được cứu độ. Vì thế, con người cần lặng thinh!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cuộc sống của con người là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!”. Với Thomas Merton, Lời Chúa hôm nay nói đến ‘Lời của Chúa và lời của người’, vốn sản sinh từ một chuyển động kép: một từ trời xuống, Lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người! Lời ân sủng của Ngài lặng lẽ thấm xuống đất, mạnh mẽ và hiệu năng; lời “Kinh Lạy Cha” của con người thì thầm dâng lên, hiệu năng và mạnh mẽ. Đó là một chuyển động thuộc về sự ‘tĩnh lặng và hoa trái của nó!’.
Qua bài đọc thứ nhất, chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaia mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa; cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả”. Lời Chúa, Lời nuôi dưỡng, Lời trấn an, Lời biến đổi và củng cố hy vọng! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi âu lo”.
Với “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện mà không ồn ào, lải nhải. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Kinh Lạy Cha là ‘ma trận’ của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo, tất cả lời cầu của con người đều được biểu hiện trong Kinh Lạy Cha”. Cầu nguyện là hoa trái của thinh lặng; vậy mà, xem ra không ít người bỏ qua điều này! Họ thích nói, muốn được nghe, nhưng không có sở thích ‘lắng nghe’; hơn nữa, họ thường không thể lắng nghe, vì không quen tĩnh lặng! Mẹ Têrêxa viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’”. Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu, cầu nguyện là để lắng nghe hơn là để nói. Khi ở với một người hiểu biết, bạn hạn chế đặt câu hỏi và dành bản thân để lắng nghe; vì thế, Chúa Giêsu phải là mối quan tâm hàng đầu của chúng ta trong cầu nguyện. Hãy hỏi Ngài về Chúa Cha; và chuyên tâm lắng nghe!
Chúa Giêsu cho biết, Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài biết bạn và tôi cần gì trước khi chúng ta cầu xin; tuy nhiên, chúng ta cần hỏi Ngài, bởi khi hỏi, chúng ta ý thức rằng, có những nhu cầu mà chỉ một mình Thiên Chúa, Cha của chúng ta, mới có thể ban cho. Hãy học cách hỏi Chúa Giêsu về điều gì chúng ta cần nhất cho sự cứu rỗi đời đời của mình! Cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và mọi người thực sự là anh em của nhau. Để được vậy, bạn cần biết sự cần thiết của ‘tĩnh lặng và hoa trái của nó’.
Anh Chị em,
“Cuộc sống của con người là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!”. Thiên Chúa không ngừng nói qua Lời Ngài, qua những con người, qua các biến cố. Ngài ước mong mỗi sứ điệp của Ngài như mưa tuyết từ trời thấm vào ‘đất lòng chúng ta’ và trổ sinh hoa trái. Hoa trái đầu tiên Ngài chờ mong là bạn và tôi biết im bặt để lắng nghe; nghe tiếng thì thầm của Thánh Thần Ngài; nghe với đôi tai của trái tim, để sau đó, vượt lên chính mình, và làm theo lời dạy. Tiếng Ngài dạy chúng ta yêu thương, đón nhận anh chị em mình như con cái cùng một Cha! Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; làm theo tiếng nói ấy chính là biến đổi! Cầu nguyện không chỉ là lắng nghe, nhưng còn là biến đổi, biến đổi nên những con cái đích thực của Cha! Bấy giờ, chúng ta mới có thể hiểu được giá trị của sự ‘tĩnh lặng và hoa trái của nó’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nhiều lúc kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; xin dạy con biết yêu quý sự ‘tĩnh lặng’ hầu con cũng có thể hái được ‘hoa trái’ của nó!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
[1] Quý Anh Chị có thể đọc toàn bộ tác phẩm “Hoa Trái Thinh Lặng” tại đây: https://bit.ly/3IWvpO8