3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC - Thứ Hai Tuần 7 TN A

“Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé, và không được nhập vào nó nữa!”.

Một nhà tu đức nói, “Tội lỗi sẽ đưa bạn đi xa hơn bạn từng nghĩ bạn sẽ đi lạc. Tội lỗi sẽ khiến bạn lạc lối, bạn nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ tìm thấy con đường của mình. Tội lỗi sẽ giữ bạn lâu hơn bạn nghĩ bạn sẽ ở lại. Tội lỗi sẽ khiến bạn phải trả giá đắt hơn những gì bạn từng nghĩ mình phải trả. Và tội lỗi sẽ kìm hãm ý chí của bạn đến mức bạn nghĩ sẽ tuyệt vọng, không bao giờ ‘tiến về phía trước’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tội lỗi sẽ kìm hãm ý chí của bạn đến mức bạn nghĩ sẽ tuyệt vọng, không bao giờ ‘tiến về phía trước’”. Ý tưởng của nhà tu đức trên sẽ được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Sau khi ra lệnh cho quỷ “ra khỏi đứa bé”, Chúa Giêsu bảo, “đừng bao giờ nhập vào nó nữa!”. Trong đời sống thiêng liêng, lời này có nghĩa là đừng sợ, cứ ‘tiến về phía trước!’.

Mệnh lệnh kép của Chúa Giêsu đáng cho chúng ta suy gẫm. Chắc chắn, việc cứu đứa bé khỏi sự chiếm hữu của quỷ là điều quan trọng; nó sẽ thay đổi cuộc đời cậu. Nhưng hành động thương xót này, cuối cùng, sẽ kết thúc trong thảm kịch nếu quỷ lại nhập vào nó sau khi Chúa Giêsu rời đi. Do đó, mệnh lệnh thứ hai, cấm quỷ trở lại, cũng là một hành động rất nhân từ.

Hành động này nói với chúng ta rằng, chiến thắng cái ác là không đủ! Tại sao? Bởi lẽ, những cám dỗ và áp bức đến từ quân đoàn các cơ binh là liên tục và không ngừng. Điều thường xảy ra là, khi một người tìm được tự do khỏi ảnh hưởng của ma quỷ và một tội lỗi nào đó, thì họ lại sa vào tội lỗi ấy và trở nên buông thả hơn. Vì vậy, hãy nhớ rằng, một khi đã chiến thắng tội lỗi, một cám dỗ hay áp bức nào đó, chúng ta phải luôn cảnh giác để không sa vào những tệ nạn cũ. Việc liên tục cảnh giác là điều cần thiết nếu chúng ta muốn tiếp tục vững chắc đi trên con đường dẫn đến nhân đức và thánh thiện. Khiêm tốn nhìn nhận sự bất lực của mình, để chỉ một cậy trông vào Chúa là điều kiện tiên quyết để chúng ta mãi ‘tiến về phía trước’.

Hãy suy gẫm về bất kỳ cám dỗ nào mà bạn đã chịu đựng và vượt qua, chỉ để lại rơi vào nó. Đặc biệt, suy gẫm về tầm quan trọng của sự cảnh giác cần thiết, để không những kiềm chế không tái phạm tội cũ mà còn tiến tới trong sự thánh thiện và nhân đức. Đừng quên, ma quỷ không bao giờ nương tay, nhưng Thiên Chúa lại càng không khoan nhượng trong lòng trắc ẩn và ân sủng của Ngài. Hãy tiếp tục tiến bước để không bao giờ trượt ngã và tái phạm tội lỗi trước đây.

Anh Chị em,

“Hãy ra khỏi đứa bé, và không được nhập vào nó nữa!”. Sống trong một thế giới mà xem ra, thần dữ đang thống trị, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta trở nên khiêm nhượng và hiền lành. Khiêm nhượng không hệ tại ở việc hạ thấp bản thân, mà ở chỗ nhận ra thực tế tiềm năng cũng như sự khốn khổ của mình. Bắt đầu từ sự khốn cùng của bản thân, sự khiêm tốn khiến chúng ta rời mắt khỏi chính mình để ‘tiến về phía trước’, nghĩa là hướng mắt về Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan, nguồn mạch khôn ngoan, như sách Huấn Ca hôm nay tiết lộ; cũng là Đấng có thể làm tất cả và thậm chí đạt được cho chúng ta những gì chúng ta không thể tự mình đạt được. Chúa Giêsu từng nói, “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ bổ sức cho!”. Vậy, bạn và tôi đừng cậy sức mình, một cậy vào Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con luôn ‘tiến về phía trước’ và không bao giờ lơ là trong hành trình đức tin của mình!”, Amen

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MÙA CHAY CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Ngày tháng tiếp tục xoay vần, thời tiết bắt đầu thay đổi, những ngày lễ hội mừng Năm mới trôi xa hơn vào quá khứ.

Tất cả đều là dấu hiệu Mùa Chay đang đến gần. Mùa Chay là một trong năm mùa của lịch phụng vụ Công giáo, cùng với Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh , Mùa Phục Sinh và Mùa Thường Niên.

Mùa Chay lấy cảm hứng từ 40 ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết rằng sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã ăn chay trong sa mạc và sau đó bị ma quỷ cám dỗ. Ngài chống lại những cám dỗ này và sau đó đến Galilê để bắt đầu sứ vụ công khai của mình: “Quỷ lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi .” Chúa Giêsu liền nói: “Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi.” Thế rồi quỷ bỏ Ngài mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Ngài” (Mt 4: 8-11).

Mùa Chay diễn ra trước lễ Phục sinh và là một thời kỳ long trọng tập trung vào việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Mặc dù Mùa Chay thường gắn liền với đức tin Công giáo, nhưng nhiều Kitô hữu – bao gồm cả Tin lành và Chính thống giáo – vẫn tuân giữ Mùa Chay.

Không có thời gian nào tốt hơn để gắn kết lại và đào sâu đức tin của mình hơn là Mùa Chay. Trong thời gian này, chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa hơn nhằm chuẩn bị cử hành sự sống lại của Chúa Kitô vào Lễ Phục Sinh trong vui mừng.

Thứ Tư Lễ Tro là ngày đầu tiên của Mùa Chay. Năm nay, Thứ Tư Lễ Tro rơi vào ngày 22 tháng 2 năm 2023. Thứ Tư Lễ Tro luôn luôn rơi vào sáu tuần rưỡi trước Lễ Phục Sinh, bắt đầu Mùa Chay nhằm chuẩn bị cho Sự Phục Sinh của Chúa Kitô vào Chúa Nhật Phục Sinh.

Thứ Tư Lễ Tro có từ thế kỷ 11. Tuy nhiên, truyền thống xức tro thậm chí còn có nguồn gốc sớm hơn – từ phong tục cổ xưa của người Do Thái là mặc vải gai và đổ tro lên người như một dấu hiệu của sự sám hối.

Kinh thánh không nêu chi tiết rõ ràng về ngày đầu tiên của Mùa Chay này, nhưng có nhiều trường hợp về hành động ăn năn này trong Cựu Ước, chẳng hạn như Gióp 16:15: “Tôi khoác lên da khô của mình tấm áo vải thô, lại vùi trán tôi trong bụi đất.” (Gióp 16:15).

Và trong Tân Ước, chẳng hạn như Luca 10:13: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi” (Luca 10:13).

Trong nhiều truyền thống tôn giáo, tro biểu thị cho cái chết của cơ thể con người chúng ta. Sáng thế ký 3:19 cho chúng ta biết: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.

Trong Giáo hội Thiên chúa giáo sơ khai, việc đền tội công khai cho những người phạm tội bao gồm đổ tro trên đầu và mặc áo vải gai. Khi Giáo hội lớn mạnh và phát triển, thực hành này giảm bớt.

Truyền thống lâu đời này – công khai nhìn nhận mình là tội nhân đang đi tìm sự đổi mới với Thiên Chúa – cuối cùng đã biến thành điều mà ngày nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày đầu tiên của Mùa Chay.

  1. Tro lấy từ đâu?

Chúa Nhật Lễ Lá là Chúa Nhật trước Lễ Phục Sinh. Lễ Lá tượng trưng cho việc Chúa Kitô trở lại Giêrusalem sau 40 ngày trong sa mạc. Theo truyền thống Công giáo, chúng ta nhận lá cọ hoặc lá dừa đã được làm phép để giữ lại trong Thánh lễ và mang về nhà. Những lá còn sót lại từ Chúa Nhật Lễ Lá sau đó được đốt và để dành cho mùa Chay tiếp theo. Vì vậy, tro của năm nay là của Chúa Nhật Lễ Lá năm 2022.

  1. Tro để làm gì?

Thường thì tro được xức trên trán theo hình Dấu Thánh Giá. Tương tự như rước lễ trong Thánh lễ, bạn thường tiến về phía bàn thờ để được xức tro. Linh mục hay thừa tác viên sẽ dùng tro làm Dấu Thánh Giá trên trán bạn và nói một trong hai điều sau:

Hãy nhớ rằng mình là bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro” hoặc “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

  1. Tro tượng trưng cho điều gì?

Tro tượng trưng cho cái chết của chúng ta. Tro là một lời nhắc nhở cụ thể rằng thể xác chúng ta sẽ mục nát, nhưng linh hồn của chúng ta sẽ tiếp tục sống trong cuộc sống vĩnh cửu. Dấu Thánh giá bằng tro có nghĩa là chúng ta đang thực hiện một cam kết – rằng chúng ta đang thực hiện Mùa Chay như một mùa cầu nguyện và sám hối, để chính mình chết đi. Điều đó cũng mô tả tình trạng con người của chúng ta: bị hư hỏng và cần được sửa chữa; chúng ta là tội nhân và cần được cứu chuộc. Quan trọng nhất, Dấu Thánh giá bằng tro cho chúng ta biết rằng, với tư cách là những người theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải vác thập giá của mình.

  1. Thứ Tư Lễ Tro có phải là Ngày Lễ buộc của Công giáo không?

Thứ Tư Lễ Tro không phải là Ngày Lễ buộc đối với người Công giáo La Mã, nhưng việc nhận tro trên trán là một thông lệ phổ biến nơi những Kitô hữu để bắt đầu hành trình Mùa Chay của họ. Hầu hết các giáo xứ Công giáo đều cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro, và ở một số nơi, có thể nhận tro mà không cần tham dự Thánh lễ.

  1. Tôi có cần phải là người Công giáo để nhận tro không? Bạn không cần phải là người Công giáo để nhận tro vào Thứ Tư Lễ Tro. Một số truyền thống khác trong Kitô giáo cũng chia sẻ hành động thống hối này.
  1. Tại sao Thứ Tư Lễ Tro lại quan trọng?

Là ngày đầu tiên của Mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro thức tỉnh chúng ta về việc Chúa Giêsu vào sa mạc trước khi chịu chết. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Một cách quan phòng, Mùa Chay đến để thức tỉnh chúng ta khỏi tình trạng uể oải.” Tuy nhiên, trước lễ Phục sinh, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho sự Phục sinh của Ngài. Chúng ta bắt đầu mùa chuẩn bị tâm hồn cho lễ Phục sinh bằng cách nhận ra sự tan nát của mình và nhu cầu hoán cải, hướng tâm hồn về với Chúa.

  1. Ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro.

Chỉ có hai ngày bắt buộc ăn chay và kiêng thịt trong Giáo hội Công giáo: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Người Công giáo cũng được khuyến khích kiêng thịt vào mỗi thứ Sáu trong Mùa Chay.

  1. Tại sao người Công giáo ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro?

Ăn chay là một dấu hiệu của sự ăn năn và giúp chúng ta thể hiện tinh thần khao khát Chúa Kitô, Đấng đã nhịn ăn trong sa mạc bốn mươi ngày trước cái chết và sự Phục sinh của Ngài.

  1. Yêu cầu về độ tuổi

Giáo hội Công giáo yêu cầu các thành viên có năng lực từ 18 đến 59 tuổi phải ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro. Nghĩa vụ kiêng thịt áp dụng cho những người từ 14 tuổi trở lên.

  1. Giữ chay

Ăn chay cho phép một bữa ăn đầy đủ và hai bữa ăn ít, hai bữa ít này kết hợp lại không bằng một bữa ăn đầy đủ, cùng với việc kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro. Những người có nhu cầu thể chất đặc biệt được miễn trừ.

Trong một số tình huống nhất định, các giám mục có thể đưa ra một sự miễn chuẩn chính thức, cho phép người Công giáo ăn thịt. Điều này đã xảy ra ở một số giáo phận trong đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19.

Trong khi hầu hết người Công giáo đều quen thuộc với việc “kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu” trong Mùa Chay, thì việc ăn chay và kiêng thịt là những thực hành quan trọng trong suốt Mùa Chay. Giữ chay còn có nghĩa là từ bỏ những thứ như buôn chuyện “ngồi lê đôi mách”, đi uống cà phê “tán gẫu” ở các quán xá hoặc từ bỏ những khoảng thời gian nghe nhạc trong ngày và thay thế bằng việc đọc kinh thánh và cầu nguyện. Cầu nguyện làm sâu sắc thêm mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa trong Mùa Chay và đem lại ý nghĩa cho việc ăn chay của chúng ta và tăng cường việc bố thí của chúng ta.

Những lời cầu nguyện Thứ Tư Lễ Tro

Thứ Tư Lễ Tro, là ngày đầu tiên của Mùa Chay, là thời điểm tuyệt vời để Kitô hữu bắt đầu cam kết cầu nguyện lại. Những lời cầu nguyện vào Thứ Tư Lễ Tro có thể bao gồm việc lần chuỗi Mân Côi, đọc và suy ngẫm Lời Chúa hoặc bắt đầu bằng những lời cầu nguyện Mùa Chay cho năm 2023. Dưới đây là một số lời cầu nguyện dễ dàng mà bạn có thể sử dụng để cảm thấy được liên kết với Chúa trong Mùa Chay năm nay:

Lạy Chúa, xin ánh sáng của Ngài hướng dẫn ngày sống của con, và tinh thần của Ngài mang lại cho con sự bình an. Amen.”

Lạy Chúa, xin cho sự hy sinh của con ngày hôm nay (nêu rõ sự hy sinh trong Mùa Chay của Chúa) nhắc nhở con về sự phụ thuộc của con vào Ngài để nhận được tất cả những phúc lành mà con được hưởng. Amen.”

Hôm nay xin Chúa ban cho con liên kết với tất cả anh chị em của con trên khắp thế giới đang đau khổ. Xin cho chúng con được hiệp nhất trong tình yêu của Chúa, và xin cho con làm việc để xây dựng Nước Chúa trên trần thế này.”

Lạy Cha trên trời, con thành tâm xin lỗi Chúa vì những khoảnh khắc con đã quên Chúa trong ngày hôm nay. Con cầu xin Chúa tha thứ cho con và ban sức mạnh cho con để làm theo tiếng mời gọi của Chúa tốt hơn vào ngày mai. Amen.”

Lạy Chúa, hôm nay con xin dâng (tên người mà bạn muốn cầu nguyện cho) lên cho Chúa. Con xin Chúa chúc lành dồi dào cho họ hôm nay và trong suốt Mùa Chay. Amen.”

Lạy Chúa Giêsu, con xin tín thác mọi sự nơi Chúa, xin Chúa lo liệu mọi sự cho con. Amen.”

Ngoài việc ăn chay và tham dự Thánh lễ hoặc nghi thức xức tro, bạn có thể tuân giữ  Thứ Tư Lễ Tro qua việc cầu nguyện và bố thí – hai trụ cột khác của việc thực hành Mùa Chay. Việc bố thí nhắc nhở chúng ta về lời mời gọi phục vụ của Chúa Giêsu và liên kết chúng ta trong tình liên đới với những anh chị em đang túng thiếu.

Khi cầu nguyện, hãy để tâm lắng nghe Tin Mừng hàng ngày hoặc ghi chép lại những suy niệm và tâm tình trong tâm hồn của mình để phân định những gì chúng ta muốn tập chú vào mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô trong Mùa Chay này. Mùa Chay có thể là thời gian vô cùng bổ ích cho đời sống đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy tận dụng một cách có ý nghĩa nhất thời gian Mùa Chay này mà chúng ta sắp bước vào.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

dịch và tổng hợp từ https://hallow.com/

Nguồn: daobinh.com

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - ĐẠO BINH ĐỨC MẸ

ƯỚC TẤT CẢ NHỮNG GÌ NGÀI ƯỚC - Thứ Sáu Tuần 6 TN A

“Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi!”.

Gordon H. Taggart nói, “Tôi ước tôi đủ trung thực để thừa nhận mọi khuyết điểm của mình; đủ thông minh để chấp nhận những lời tâng bốc mà không khiến tôi trở nên kiêu ngạo; đủ cao để đứng lên trên sự dối trá; đủ mạnh mẽ để trân trọng tình yêu; đủ dũng cảm để đón nhận những lời chỉ trích; đủ từ bi để hiểu những yếu đuối của kẻ khác; đủ sáng suốt để nhận ra lỗi lầm; đủ khiêm tốn để đánh giá cao sự vĩ đại; đủ công chính để tận hiến cho tình yêu Thiên Chúa; và đủ quảng đại để nên giống Chúa Kitô, hầu có thể ‘ước tất cả những gì Ngài ước!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Những ý tưởng ước mong của ước muốn của Taggart được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Nó đặt cho chúng ta một câu hỏi căn bản, “Bạn có muốn theo Chúa Giêsu không?”; nói cách khác, “Bạn có ‘ước tất cả những gì Ngài ước?’”. Trừ khi câu hỏi này được trả lời trước, phần còn lại của những gì Chúa Giêsu nói sẽ không ảnh hưởng gì đến tôi và bạn!

Một cách hiểu biết, tất cả những ai đọc câu hỏi này đều đã có thể trả lời cách khẳng định “Vâng” nhiều lần. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, mỗi khi dành thời gian để cầu nguyện hoặc đọc Thánh Kinh… bằng cách này hay cách khác, bạn đang nói, “Vâng! con muốn theo Chúa!”. Nhưng đàng sau khẳng định đó, chúng ta nên thấy nhiều hơn!

Cụm từ, “Ai muốn theo” tiết lộ rằng, ước muốn đi theo Chúa Kitô thường không phải là bước đầu tiên trong tiến trình, mà là bước cuối cùng! Bước đầu tiên là hiểu biết về sự thật và tuyên xưng nó; bước thứ hai, phải làm theo những gì chúng ta đã chọn; và bước thứ ba, một khi ân sủng của Chúa Kitô bắt đầu tác động để biến đổi chúng ta, chúng ta bắt đầu ‘ước tất cả những gì Ngài ước’ và tất cả những gì Ngài kêu gọi chúng ta nắm lấy. Vậy, bạn và tôi sẽ thấy mình “ước” điều gì một khi đã quyết định đi theo Chúa Kitô bằng cả con người mình? Chúng ta sẽ ước muốn cả những gì Chúa Giêsu tiết lộ tiếp theo; điều Ngài tiết lộ là, khao khát từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo Ngài. Bạn có thực sự ước được điều đó không?

Thật dễ dàng để khao khát yêu và được yêu, ít nhất ở mức độ không mấy nồng nàn, nếu không nói là hời hợt. Hy vọng tất cả chúng ta đều thích những lời tử tế và quan tâm, cả cho và nhận chúng. Nhưng một khi tình yêu đích thực của Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta một ước muốn về sự vị tha và hy sinh ở một cấp độ cao hơn, hoặc cao nhất, thì đây chính là sự hoàn hảo của tình yêu! Nói cách khác, chúng ta được mời gọi để yêu thương mà không cần cân nhắc đến giá phải trả hay những đòi hỏi mà tình yêu Chúa Kitô đặt ra; nói khác đi, chúng ta được mời gọi yêu thương cả những gì đau đớn và khó khăn một khi đó là ý muốn của Chúa Kitô. Ý muốn của Ngài chắc chắn bao gồm các hành động hy sinh, ngay cả cái chết. Và như thế, tình yêu đích thực của chúng ta với Chúa Kitô, cuối cùng, là ‘ước tất cả những gì Ngài ước!’.

Anh Chị em,

“Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi!”. Như vậy, việc theo Chúa Kitô của bạn đòi hỏi một sự sẵn sàng đón nhận; thậm chí khao khát tất cả những gì ‘việc theo Ngài’ đòi hỏi! Bạn hãy đưa ra chọn lựa! Chính Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài sẽ đặt ước muốn tốt lành ấy trong bạn. Hãy nói “Có” với Ngài và cả Thánh Giá của Ngài. Cuối cùng, bạn sẽ mãi mãi biết ơn chính mình về những gì đã làm! Và như thế, bạn đã đạt đến mức độ yêu thương mà qua đó, bạn ước muốn hiến thân hoàn toàn cho Ngài, không tính toán giá phải trả; thậm chí ước muốn những hành vi đòi hỏi hy sinh cao cả như Ngài, Đấng đã ôm lấy thập giá đời mình mà không do dự vì tình yêu Chúa Cha và tình yêu nhân loại; trong đó, có bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con được nên giống Chúa, bắt chước gương toàn hiến của Ngài. Để được vậy, cho con một chỉ ‘ước tất cả những gì Ngài ước!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

SỐNG VÀ CHIA SẺ LC - LM TRẦM PHÚC - CN6TN-A

  •  
     

    GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

    Chúa Nhật 6 Thường Niên năm A

    Lời Chúa : Mt 5,17-37

         Những lời Chúa nói hôm nay thật đầy uy quyền. Không ai trong trời đất nầy có thể nói như Ngài : “ Ta đến không phải để bải bỏ Lề Luật và các tiên tri. Ta đến để kiện toàn”.  Vậy Ngài là ai mà dám kiện toàn Luật Chúa ? Phải chăng Ngài là Thiên Chúa, Đấng đã ban Lề Luật và hôm nay Ngài đến để kiện toàn Lề Luật đó. Tại sao lại phải kiện toàn ?

    Vì sự tiến bộ của con người. Con người thời Ađam không thể so sánh với thời Đavít, thời Đavít không giống với thời Chúa Giêsu. Ngôn ngữ, tập quán, suy nghĩ đều khác. Ngài kiện toàn để giúp con người càng ngày càng tiến hơn trên con đường đạo đức, để xứng đáng lãnh nhận phần thưởng dành cho họ trên trời.

         Chúa gây ngạc nhiên khi tuyên bố : “ Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Phaisêu, thì chẳng được vào Nước Trời”. Người Pharisêu là những người giữ Luật Chúa hết sức hoàn hảo đến độ chi ly, tại sao Chúa lại nói là phải công chính hơn ? Ông Gamalien, thầy của thánh Phaolô là người Pharisêu, là một con người có thể nói là thánh thiện. Có một số người Pharisêu có cảm tình với Chúa như ông Ximong đã mời Chúa đến nhà dùng bữa. Phaolô là một người Pharisêu và ngài rất tự hào vì mình thuộc phái Pharisêu. Chúa không nói đến những người Pharisêu tốt lành, nhưng chỉ nói đến những sai lầm của họ thôi. Đa số người Pharisêu sai lầm khi tự xem mình là người công chính và khinh khi những người khác. Người Pharisêu loại trừ tất cả những người thu thuế, được xem như những người tội lỗi công khai, phải khai trừ, đang lúc Chúa Giêsu thì lại kêu gọi những người tội lỗi trở về. Ngài bị xem như bạn bè với người tội lỗi. Ngài đến để cứu vớt chứ không loại trừ.

         Chúa Giêsu nhiều lần đã lên án sự giả hình của nhóm Pharisêu. Đôi khi Ngài nặng lời gọi họ là những kẻ giả hình, những mả tô vôi… Họ chỉ giữ Luật cho người ta thấy để ngợi khen họ. Đối với Chúa Giêsu, giả hình là một sự dối trá, không phải trước mặt người đời mà dối trá đối với Thiên Chúa. Không lạ gì khi Ngài bảo chúng ta phải sống công chính hơn những hạng người Pharisêu giả hình.

         Chúa Giêsu đã nói với một giọng đầy uy quyền : “ Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…Còn thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”  Ai có thể nói như thế ? Ai có quyền ra Luật cho mọi người ? Đây là tiếng nói của Đấng có quyền tuyệt đối. Đây là tếng nói của Thiên Chúa chứ không phải người phàm.

         Chúa kiện toàn Lề Luật là đây : Lề Luật chỉ nói đến vụ giết người, Chúa Giêsu bảo phải đối xử tốt với mọi người, không được xúc phạm đến người khác dù bằng tiếng nói. Nếu chúng ta đến dâng của lễ với một tâm trạng bất hoà với ai, phải làm hoà với họ trước thì việc tế lễ của chúng ta mới được chấp nhận. Chúa kiện toàn Lề Luật khi đòi hỏi chúng ta đi sâu vào tình thương đối với anh em.

         Chúa cũng nói đến thái độ của chúng ta đối với người nữ. Luật dạy là chớ ngoại tình. Chúa dạy : không được nhìn người nữ và ước muốn họ. Đó là ngoại tình rồi. Chúa kiện toàn Luật khi đòi buộc chúng ta tôn trọng phẩm giá của ngưởi nữ và Chúa đòi hỏi phải hy sinh cả thân thể, nếu thân xác chúng ta đưa chúng ta vào tội lỗi : “Nếu mắt phải con làm cớ cho con sa ngã thì hãy móc mắt mà ném đi…vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục”. Đây là một cách nói cho thấy rằng cần bảo vệ mình khỏi những ước muốn xấu xa và sống vẹn toàn, trong sáng.

         “ Đừng thế chi cả”. Hãy sống trong sự thật vì sự thật sẽ giải thoát anh em. Có thì nói có, không thì nói không ; thêm thắt điều gì là do ác quỉ”.

         Chúa Giêsu là đàng, là sự thật và là sự sống. Ai theo Ta sẽ sẽ được ánh sáng ban sự sống. Muốn được như thế phải bỏ mình vác thập giá mà theo. Chúng ta dám theo Chúa không ? Câu hỏi xem ra thừa nhưng mỗi người chúng ta phải tự xét để xem chúng ta có thật tình theo Chúa không. Nhiều người vẫn còn sống theo kiểu Pharisêu, chỉ lo dành chỗ nhất trong cộng đoàn, tìm danh dự trong những lời khen ngợi của người khác. Chúa Giêsu chỉ tìm những người dám theo Ngài trên con đường khiêm nhượng và hiền lành.

    Ngài chỉ chọn chỗ rốt hết và chỉ biết cho đi, không đòi hỏi một điều gì cho mình. Ngài vẫn cho đi hằng ngày khi biến mình thành một tấm bánh để sống với, để hoà mình vào trong mỗi người, giúp chúng ta sống cho đi như Ngài. Đó là con đường hạnh phúc Ngài đề nghị với chúng ta.

    Lm Trầm Phúc.

    Kính chuyển:

    Hồng

     

     

Subcategories