Chúa Nhật Tuần 26 TN A
- Details
- Category: 3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa
HOÁN CẢI BÊN TRONG DẪN ĐẾN VÂNG PHỤC BÊN NGOÀI
Câu chuyện dụ ngôn kể về một người đàn ông và hai đứa con trai của ông. Người đàn ông đó là chủ một vườn nho. Trong nền văn minh nông nghiệp của Israel, các vườn nho thường là hoạt động kinh doanh của gia đình. Và trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, gia đình này đang làm vườn nho. Hai người con trai làm việc cho cha nhưng cũng làm việc cho chính mình, vì họ là người thừa kế vườn nho.
Người đàn ông đến gặp con trai đầu lòng và nói: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho” (Mt 21: 28). Nhưng đứa con trai của ông trả lời: “Con không muốn đâu!” (Mt 21: 29). Chính sự phản đối của người con trai đã phá vỡ mối tương quan hòa hợp giữa anh ta và cha mình. Nhưng sau đó, khi người con cân nhắc lại những gì mình đã làm, anh ấy hối hận vì đã nói những gì không nên nói vốn gây ra căng thẳng. Anh ấy ăn năn và đi làm ngay vào ngày hôm đó trong vườn nho (câu 29).
Người đàn ông đến người con thứ hai và nói điều tương tự. Người con thứ hai có phản ứng xem ra “đúng chuẩn” hơn anh mình. Anh ta nói với cha mình “Thưa ngài, con đây!” (Mt 21: 30). Câu trả lời của anh ta không chỉ là câu trả lời đúng đắn và ngoan ngoãn mà còn tỏ ra kính trọng rõ ràng. Tuy nhiên, anh ta đã che giấu sự bất kính và bất tuân của mình, đã gian dối bằng những lời nói giả vờ kính trọng, vì khi nói xong, anh ta không đi làm vườn nho như cha anh yêu cầu (ibid). Anh ta chỉ là một kẻ “đạo đức giả”.
Không có đứa con trai nào là trọn hảo. Cả hai đều tỏ ra thiếu kính trọng người cha của họ. Nhưng hành vi phạm tội của họ đã được thể hiện theo những cung cách khác nhau. Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn ngắn này bằng cách hỏi các thượng tế và kỳ mục: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21: 31). Họ trả lời đơn giản rằng: “Người thứ nhất” (câu 31). Họ đã trả lời đúng. Không ai trong chúng ta là trọn hảo. Mọi người đều có tội lỗi của riêng mình, ở những mức độ khác nhau, theo những cách khác nhau. Điều quan trọng là cuối cùng mỗi người có thú nhận tội lỗi của mình và sửa chữa hay không.
Chúa Giêsu dựa trên câu trả lời đúng của các thầy thượng tế và kỳ mục để nói với họ một sự thật khiến họ choáng váng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21: 31). Cái gì? Những người thu thuế và những cô gái điếm lại vào Nước Thiên Chúa trước những thượng tế và kỳ mục, những vị lãnh đạo dân Chúa sao? Điều này cực kỳ xúc phạm đến các nhà lãnh đạo tôn giáo. Họ là tầng lớp tinh hoa về mặt tinh thần. Họ là những học giả Do Thái. Họ là những người biết mọi khía cạnh của Lời Chúa. Mặt khác, gái mại dâm và người thu thuế là tội nhân. Họ là những kẻ vô lại và cặn bã. Họ không biết Lời Chúa. Họ không thực hiện bất cứ nghi lễ tôn giáo hay hiến tế nào.
Những người thu thuế và gái điếm giống như người con trai thứ nhất trong dụ ngôn. Những người thu thuế làm việc cho Rôma được hưởng lợi từ sự bóc lột chính dân tộc mình. Họ là những kẻ phản bội Thiên Chúa và dân của Chúa. Họ là “quân tội lỗi” (Mt 9: 11). Gái mại dâm cũng bị các thượng tế và kỳ mục khinh thường vì cách kiếm sống bằng tội lỗi của mình với người khác. Cả người thu thuế và gái mại dâm đều vi phạm Lời của Thiên Chúa: “Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng” (Lêvi 19:13) và: “Gái điếm là hố sâu và phụ nữ ngoại tình là giếng hẹp. Nó khác nào kẻ cướp rình chờ hòng tăng số những kẻ bất trung trong nhân loại” (Cn 23: 27-28). Tuy nhiên, chính những người thu thuế, gái mại dâm và những người tội lỗi khác đã ăn năn khi họ nghe sứ điệp Tin mừng từ Gioan và sau đó là Chúa Giêsu. Trong đó có cả Mátthêu, tác giả câu chuyện Tin Mừng này (Mt 9:9), một người thu thuế đã ăn năn và đi theo Chúa Giêsu.
Trong khi đó các thầy thượng tế và kỳ mục, những nhà lãnh đạo tôn giáo, giống người con thứ hai, như những gì Chúa đã phán với Isaia: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Isaia 29:13).
Chúa Giêsu làm rõ thêm khi nêu ra những sự thật về Gioan Tẩy giả và sứ vụ của ông khi Ngài hỏi các thượng tế và kỳ mục về thẩm quyền của Gioan: “Phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21: 25). Chúa Giêsu nói với những người lãnh đạo Do Thái rằng: “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy” (Mt 21: 32), nhưng “Những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin” (Mt 21: 32). Dù họ là những tội nhân công khai nhưng vì đã ăn năn giống như đứa con trai thứ nhất trong dụ ngôn, nên họ được vào vườn nho vương quốc của Thiên Chúa. Còn những thượng tế và kỳ mục, những người Sađốc và người Pharisêu lại không tin và không ăn năn, chỉ theo Chúa bằng đầu môi chót lưỡi, nghi lễ hình thức bên ngoài, chứ không phải bằng tấm lòng hay hành động của mình. Đó là một sự thật đáng buồn cho những nhà lãnh đạo tôn giáo không ăn năn này, ngay cả bây giờ họ vẫn không chịu ăn năn: “Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (ibid). Họ vẫn ở ngoài Nước trời.
Những nhà lãnh đạo tôn giáo này đã hành xử giống như cây vả mà Chúa Giêsu đã nguyền rủa trên đường vào thành, và nếu họ không ăn năn, họ cũng sẽ khô héo, không bao giờ sinh trái nữa: “Từ nay, không bao giờ mày có trái nữa!” (Mt 21:19 ). Chúa Giêsu muốn cho giới tinh hoa tôn giáo biết rằng họ được lên thiên đàng không phải nhờ nỗ lực tự hãnh của họ mà là nhờ vào sự vâng phục thực sự ý muốn của Chúa Cha, và ý muốn đó đã được mạc khải và hoàn thành nơi sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng mà họ đang thẩm vấn về việc giảng dạy dân Chúa. Ân sủng của Thiên Chúa vẫn được mở rộng cho bất cứ ai quay về với Chúa Giêsu, như tiên tri Êdêkiel nói trong bài đọc thứ nhất: “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết” (Ed 18: 26-28).
Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã gián tiếp nhưng rõ ràng trả lời câu hỏi của các thượng lễ và kỳ mục về nguồn gốc thẩm quyền của Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (Mt 21: 23). Thẩm quyền “làm các điều ấy” của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa là Cha, cũng như thẩm quyền “làm phép rửa” của Gioan phát xuất từ sứ vụ của ông là “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2).
Như thế, Chúa Giêsu nói rõ: lời nói, nghi lễ, kinh kệ, lề luật là chưa đủ. Những việc này sẽ không có giá trị gì nếu chúng không nhằm để thực hiện Ý Chúa “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” với tất cả tấm lòng chân thành của mỗi người. Thiên Chúa muốn chúng ta hoán cải tận cõi lòng và vâng theo Thánh Ý của Ngài, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Đừng bao giờ khoe khoang về việc tuân giữ lề luật, lễ nghi, kinh sách sáng tối, bố thí…nhưng hãy đặt niềm tin vào Chúa Giêsu và thưa với Ngài như người thu thuế rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18: 13). Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta kho tàng lớn nhất có thể có - bình an, niềm vui, hạnh phúc và cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa trong vương quốc của Ngài. Chúng ta có thể đánh mất kho báu đó khi chúng ta không đi theo con đường sự thật và công chính của Thiên chúa và từ chối ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Đứng trước Thiên Chúa, có ai không là tội nhân? Chỉ là hoặc công khai trước mắt mọi người hoặc kín ẩn chỉ một mình mình biết. Không tự nhận mình là tội nhân, trái lại vênh váo coi mình là công chính, thì thà là kẻ tội lỗi công khai mang tiếng xấu, kể cả nhục nhã, nhưng biết từ bỏ đàng tội lỗi, trở lại đường công chính của Chúa Giêsu, còn hơn che giấu và thậm chí chối bỏ tội lỗi của mình để rồi rơi vào sự mù lòa tâm linh, không còn nhận ra sự thật về bản thân và về Thiên Chúa. Sự thật về bản thân: tôi là một kiểu người thu thuế hoặc gái điếm. Sự thật về Thiên Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9: 13). Một người đủ trung thực để thừa nhận những thất bại và sai lầm của mình sẽ không bị mù quáng bởi bất cứ ảo tưởng nào về sự giỏi giang và đạo hạnh của mình. Do vậy, ai cũng cần ăn năn sám hối tội lỗi của mình và cần chạy đến lòng nhân từ luôn tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chống lại chúng ta vì tội lỗi của chúng ta; Ngài là Đấng chữa trị những nỗi đau của con người. Đây là một Tin Mừng tuyệt vời: Thiên Chúa yêu thương chúng ta như một người Cha, mong tất cả chúng ta, người ít tội cũng như kẻ lắm tội, trở về nhà, nhận được tình yêu của Ngài và tham gia bữa tiệc. Đó là Thánh Ý của Thiên Chúa: “Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18: 12-14) và: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15: 32).
Phêrô Phạm Văn Trung.