3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

GIỮ CHO LỬA NỒNG NÀN - Thứ Bảy Tuần Bát Nhật PS A

“Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

Trong cuốn “Leadership”, “Thuật Lãnh Đạo”, Vance Havner viết, “Hãy để cuộc sống bạn toả sáng; không phải với ánh chớp loé sáng mà là với ngọn lửa nồng nàn! Thiên Chúa thích các vì sao hơn sao chổi; Ngài thích ngọn nến ‘giữ cho lửa nồng nàn’ hơn là một pháo sáng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Thiên Chúa thích ngọn nến ‘giữ cho lửa nồng nàn!’”. Tin Mừng hôm nay chứng tỏ điều đó. Tóm tắt các sự kiện chung quanh sự phục sinh của Chúa Giêsu; và ngay đến ‘phần kết dài hơn’ của mình, Marcô tiếp tục gay gắt với các tông đồ, “Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng”. Tất nhiên, không chỉ các tông đồ, mà cả chúng ta, cần có một con tim ‘giữ cho lửa nồng nàn!’.

Dù được Thầy báo trước về cuộc khổ nạn và cả sự sống lại của Ngài, các tông đồ vẫn không tin việc Ngài đã phục sinh, hoặc có tin, cũng nửa vời! Maria Mađalêna, một nhân chứng rất đáng tin; hai môn đệ Emmaus hầu chắc đã nói sự thật. Bonagura Jr. nhận xét, “Trong thời đại ngày nay, việc dạy giáo lý kém hoặc nó không còn tồn tại, một nền văn hoá thế tục khắc nghiệt, sự thù địch của công chúng đối với Công Giáo, tổn thương hoặc mất mát, tai tiếng do tội lỗi của các tín hữu, hoặc tội lỗi của chính mình… những điều đó có thể làm lu mờ trí tuệ của chúng ta, khiến chúng ta mất đức tin. Đức tin được ban như ngọn lửa trong tim, mỗi người cần trau dồi nó trong cuộc sống; ‘giữ cho lửa nồng nàn’ trong tim mình mỗi ngày!”.

Cuộc đấu tranh của các tông đồ là cuộc đấu tranh của những ngọn lửa trong tim. Các ngài muốn tin, nhưng không để mình tự do đón nhận sứ điệp Phục Sinh cho đến khi có bằng chứng; đang khi mọi bằng chứng họ cần đều có sẵn! Chúa Phục Sinh thường xuyên mời gọi chúng ta tin Ngài. Quà tặng đức tin chỉ như ngọn lửa nhỏ mà chúng ta thường bất cẩn chường ra trước gió; chính sự bất cẩn này khiến lửa bị dập tắt trước khi kịp bùng lên. Mục tiêu của việc theo Chúa là để lửa ấy rực cháy. Và nó có thể! Bạn hoàn toàn có thể để nó rực cháy đến mức không gì có thể dập tắt. Điều quan trọng cần nhớ là, Chúa Giêsu tiếp tục đi về phía chúng ta cho đến khi bạn và tôi mở mắt! Bài đọc thứ nhất hôm nay là một bằng chứng. Các tông đồ, nguyên là những người từ chối tin, nay, công bố sự Phục Sinh của Thầy với một lòng tin đầy can đảm, “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra!”.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa thích ngọn nến ‘giữ cho lửa nồng nàn!’”. Cách thức gìn giữ ánh nến bên trong này liên quan đến cách thức chúng ta chăm sóc tia lửa vốn đã có ở đó. Để tránh sự bất cẩn, chúng ta cần có một đời sống cầu nguyện vốn là chìa khoá để Chúa lớn lên bên trong; Ngài ở đó, chuyện vãn, mời gọi chúng ta tin. Mỗi khi nghi ngờ, là lúc chúng ta vô tình chường ngọn lửa ấy ra trước gió; mỗi khi tập trung cao độ vào ngọn lửa bằng việc cầu nguyện, chúng ta cho phép nó phát triển. Cầu nguyện, lắng nghe, tin yêu là lối dẫn đến đức tin. Và nếu món quà đức tin ấy được gieo sâu và lớn lên bên trong một trái tim mềm mỏng, chúng ta sẽ nhanh chóng và dễ dàng tin rằng, Chúa Phục Sinh đang sống trong tôi, trong Lời, trong tha nhân, trong các Bí Tích, đặc biệt là Thánh Thể… như một đáp trả, mà không cần ai phải tận mắt nhìn thấy Ngài. Thật ý nghĩa với tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho lửa yêu mến đốt mềm trái tim con, biến đổi con, giải thoát con khỏi bất kỳ sự chai lì nào; giúp con ‘giữ cho lửa nồng nàn’, để có thể rực cháy và cháy hết mình!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ CÓ THỂ TƯỞNG TƯỢNG - Thứ Sáu Tuần Bát Nhật PS A

“Hãy đến mà ăn!”.

Pascal nói, “Điểm phân biệt lớn nhất về sự toàn năng của Thiên Chúa, là khi nghĩ về nó, trí tưởng tượng của con người sẽ không còn! Ngài luôn ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng thực điều Pascal nói. Với Chúa Phục Sinh, mọi sự có thể bắt đầu lại, có thể được phục hồi, kể cả đổ vỡ, phản bội và thất bại. Mọi sự trở nên mới mẻ! Với Ngài, mọi sự đều có thể cho Phêrô, cho các môn đệ, luôn luôn ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’.

Khi ai đó ở trong một tâm trạng xót xa, họ có xu hướng trở lại với nếp cũ hầu khôi phục sự tự tin và giá trị bản thân. Với Phêrô, nếp cũ là đánh cá, vì vậy ông ra biển, rủ các bạn cùng đi. Họ cũng là những người cảm thấy có lỗi vì đã bỏ Thầy trong cuộc thương khó và có lẽ do sự cắn rứt lương tâm nên họ dễ dàng nhập cuộc với Phêrô. Vậy mà nhóm bạn chài đáng thương ấy thật may mắn, họ gặp lại Thầy mình, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’. Ngài sẽ băng bó và chữa lành những trái tim thương tổn của họ, dẫu họ chưa nhận ra Ngài.

Chúa Phục Sinh hiện ra, truyền cho họ buông chài bên phải mạn thuyền và họ đã bắt được rất nhiều cá. Mẻ cá này không chỉ là ân huệ sau một đêm công cốc; nó mang tính biểu tượng cao! Biểu tượng trọng tâm là Đấng Phục Sinh đang ở với họ, giữa thất bại, ‘giữa nếp cũ, nhưng đánh bắt theo cách mới’. Gioan nói, “Chúa đó!”; Ngài thầm nhắc họ sứ mệnh ban đầu, “Lưới người như lưới cá!”. Và điều quan trọng, nếu họ tự sức làm điều này bằng nỗ lực của mình theo ‘nếp cũ’, họ sẽ trắng tay; nhưng làm theo ‘cách mới’, tức là ‘theo lệnh, theo cách Ngài’, ‘trong thời gian của Ngài’, nỗ lực của họ sẽ mang lại thành quả, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay là một bằng chứng. Trước thượng hội đồng, Phêrô tuyên bố những lý chứng hùng hồn nhất. Giêsu, “Tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Ngài, không ai đem lại ơn cứu độ!”, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca. 

Tin Mừng nói, “Bước lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Ôi! Với Phêrô, lại là một biểu tượng! Những ánh lửa của đêm nào sống lại trong ông, lửa phản bội, lửa chối Thầy; nhưng nay, lửa xót thương, lửa thứ tha! Trong đêm khổ nạn của Thầy, khi đang sưởi bên bếp lửa hồng, ông đã nói, “Tôi không biết người ấy!”; nhưng giờ đây, cũng bên bếp lửa hồng, ‘Người Ấy’ lại nói với ông và các bạn, “Hãy đến mà ăn!”. Sao mà thâm trầm đến thế, ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng’; bởi lẽ, nó gợi lên những lời của đêm Tiệc Ly, lời từ các phép lạ bánh cá hoá nhiều, lời của các bữa ăn thắm tình Thầy, đượm tình trò.

Anh chị em,

“Hãy đến mà ăn!”. Chúa Phục Sinh mời tất cả chúng ta “Hãy đến mà ăn!”, đến dự bữa tiệc thịnh soạn của lòng thương xót Ngài. Lịch sử của Phêrô, của các môn đệ, cũng là lịch sử của mỗi người chúng ta. Không phải lúc nào chúng ta cũng trung tín, chân thực; ở đó có cả bất trung, bội tín, thậm chí bán Thầy. Vậy mà Chúa Phục Sinh quên hết! Lòng nhân hậu và xót thương của Ngài bù đắp mọi vong ân bội nghĩa, kể cả sự dữ; đến nỗi, như Gioan viết, “Không ai dám hỏi, ‘Ông là ai?’”. Ba năm nhìn thấy Thầy yêu thương bao người khốn khổ đã giúp họ nhận biết Ngài là Đấng Xót Thương; và nay Ngài thương xót chính họ! Ước gì bạn và tôi, cũng biết Ngài bằng chính danh xưng Thương Xót đó; và về sau, biết yêu mến Ngài như Phêrô yêu Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, ân sủng phục sinh không chỉ kết thúc với việc con được tha thứ; nó kết thúc với việc trái tim con được biến đổi ‘nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

MỘT CÂU CHUYỆN LỚN HƠN - Thứ Tư Tuần Bát Nhật PS

“Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”.

“Anh trộm bị đóng đinh thủng cả hai tay để không thể làm gì cho Chúa. Một cái đinh xuyên hai bàn chân để anh không thể chạy vặt cho Ngài. Vậy mà Chúa Kitô đã tặng anh món quà cứu rỗi. Ngài ném cho anh tấm hộ chiếu, và anh vào thiên đàng! Câu chuyện tuy gãy gọn, nhưng nó là ‘một câu chuyện lớn hơn’ câu chuyện một đời bôn tẩu của bạn và tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với câu chuyện của người trộm lành, hai bài đọc hôm nay là những câu chuyện thật đẹp! Câu chuyện anh què, người ngồi ăn xin bên cửa đền thờ; câu chuyện thứ hai thú vị hơn, hai môn đệ Emmaus nhận ra danh tính người khách lạ đồng hành! Đó là Đức Kitô Phục Sinh, người kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn!’.

Với anh què, bài đọc thứ nhất mô tả khá chi tiết, “Hằng ngày, anh được khiêng đến cửa đền thờ”; ở đó, anh xin bố thí. Nghĩa là anh hoàn toàn bất lực. Thật tuyệt vời, Phêrô và Gioan, “Nhân danh Giêsu Nazareth”, tặng anh món quà của Ngài để anh có thể rón rén thử đôi chân ‘mới’ và “Cùng hai ngài tiến vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa”. Câu chuyện của anh què chứng tỏ ‘một câu chuyện lớn hơn’ về Chúa Phục Sinh, Đấng Phêrô rao giảng, khiến “3.000 người trở lại”. “Thấy anh què đi, dân chúng ngợi khen Chúa”; và niềm vui của họ vỡ oà qua tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

Câu chuyện thứ hai hấp dẫn hơn. Hai môn đệ thất chí về làng, mọi việc xem ra quá nghiệt ngã! Giêsu, người họ đặt trọn niềm hy vọng, nay chỉ là một cái xác ‘vô hồn’ đang yên nghỉ trong một ngôi mộ ‘vô danh’. Và kìa, một người khách lạ đồng hành, người này có vẻ ‘vô tội’ khi ‘vô tâm’ với những gì đã diễn ra trong mấy ngày qua. Thật dễ thương, người ấy sẵn sàng lắng nghe những gì họ kể; để rồi, trách họ ‘vô tín’, “Ôi kẻ khờ dại! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”. Người ấy kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn’, “Từ Môisen đến tất cả các tiên tri”. Thật hồi hộp với phần kết. Khi gần tới làng, hai người mở lời, “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Để khi ngồi ăn, người ấy “cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận biết Chúa Giêsu”.

Anh Chị em,

“Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?”. Tại sao lại buồn bã? Các ông đang ‘mắc kẹt’ với những ‘tai ương và vết thương’ của chính họ; họ thất vọng vì chậm tin vào Thánh Kinh. Augustinô nói, “Họ bối rối khi thấy Ngài bị treo trên thập giá, đến nỗi họ quên mất sự dạy dỗ của Ngài, không tìm kiếm sự phục sinh của Ngài và không mảy may nhớ lại những lời Ngài đã hứa!”. Điều này cũng đúng với bạn và tôi, chúng ta chưa hiểu hết ‘câu chuyện lớn hơn’ của Thiên Chúa. Phía sau cuộc khổ nạn của Con mình, Thiên Chúa chứng tỏ ơn Ngài cứu độ để “dưới gầm trời này chỉ nhờ Đấng ấy mà chúng ta được nhận lãnh hết ơn này đến ơn khác”. Đó là câu chuyện vĩ đại mà Thiên Chúa muốn kể cho chúng ta. Nhân loại đang cần nghe câu chuyện đó và cần được chữa lành nhờ danh Đấng ấy. Ai sẽ kể về Ngài cho thế giới nếu không phải bạn và tôi! Chớ gì mỗi người chúng ta sẽ là bạn đồng hành cho những ai trên ‘đường Emmaus’ đời họ, kể cho họ ‘một câu chuyện lớn hơn’ về Giêsu, Đấng Cứu Độ Thế Giới, để mắt họ cũng sáng ra mà ‘quay về phía Mặt Trời’, hầu có thể bước đi trong an bình và niềm vui!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ kể cho Chúa câu chuyện ‘đáng thương’ đời con; Chúa sẽ kể cho con câu chuyện ‘đáng mừng’ về lòng thương xót Ngài. Đến lượt con, con sẽ đồng hành với những ai lạc hướng, kể cho họ ‘câu chuyện lớn hơn’ về Chúa, Đấng cứu độ con, cứu độ thế giới!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

TRẢI NGHIỆM MỘT NIỀM VUI LẠ THƯỜNG - Thứ Năm Tuần Bát Nhật PS

“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”.

Một ấn phẩm Anh trao giải thưởng cho ai định nghĩa hay nhất về “Một Người Bạn Tốt Nhất”. Trong hàng nghìn câu trả lời nhận được, có những câu sau đây: “Một người hiểu được sự im lặng của bạn”; “Một người đến, khi cả thế giới ra đi”; “Một người nhân lên niềm vui, chia sẻ hạnh phúc, nỗi đau; giúp bạn ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường’ ngay giữa những mất mát!”. Câu trả lời cuối cùng này thu hút sự chú ý của nhiều người nhất!

Kính thưa Anh Chị em,

Như “Một Người Bạn Tốt Nhất”, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xuất hiện đúng lúc cho những người bạn của Ngài. Luca ghi lại một tâm trạng khó tả; một điều gì đó vừa không thể, vừa rất thật, “Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. Họ quá đỗi vui mừng đến mức không thể tin đây là sự thật; đúng hơn, họ chưa chuẩn bị đủ để có thể ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường!’.

Bất cứ một cuộc gặp gỡ nào với Chúa Giêsu đều luôn dẫn đến việc ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường!’. Nó vượt quá sự say mê và phấn khích; nó là một kinh nghiệm rất khác! Các môn đệ vui mừng, nhưng ‘Điều này là không thể!’. Hãy chụp lại ‘cái khung tâm trí’ đẹp đẽ này! “Chưa tin” có nghĩa là không chắc mình phải tin điều gì. Kìa, một Giêsu bị đóng đinh đang đứng trước họ với những hõm sâu còn chưa khô trên thân mình; một Giêsu đang nói với họ và yêu cầu một chút gì đó để ăn. Họ sốc, không tin và không chắc! Nhưng dường như nơi họ, vẫn có một niềm vui đang chực bùng nổ; họ sắp ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường’ với những gì họ đang thấy, nhưng có điều gì đó đang kìm hãm. Tất cả là quá tốt, nhưng không biết, có đúng như vậy không?

Phản ứng của các môn đệ cũng có thể là phản ứng của bạn và tôi. Một đôi khi, được nếm hưởng ân sủng của Chúa, chúng ta vẫn thường do dự! Ở đây, có nhiều lý do. Một trong những lý do khiến chúng ta chần chừ trong việc đón nhận ân sủng cách trọn vẹn chính là sự nản lòng! Các môn đệ vô cùng nản lòng trước cái chết của Thầy; và bây giờ, dù Thầy ở trước mặt, họ vẫn do dự trong việc ‘buông bỏ sự nản lòng’ mà họ đang cố ‘ôm chặt’. Cũng thế, chúng ta dễ dàng để cho sức nặng của thế giới, sức nặng của tội lỗi mình hoặc của người khác ghì xuống; chúng ta tức giận, khó chịu và ủ rũ vì những vấn đề phải đối mặt. Chúng ta ‘ôm chặt’ chúng! Đang khi nhận lấy niềm vui phục sinh có nghĩa là ‘buông bỏ’ sự nản lòng, để chăm chút nhìn vào thực tại Chúa muốn chúng ta tập trung vào. Ngài mời chúng ta nhìn xa hơn để đạt được một điều gì đó vĩ đại hơn; Ngài mời tôi nhìn vào chiến thắng của Ngài để có thể vui mừng.

Phêrô, qua bài đọc hôm nay, hướng niềm vui của đoàn người đang chạy theo ông đến việc ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường’ nơi Đấng mà nhờ quyền năng Ngài, anh què bẩm sinh đi được. Thánh Vịnh đáp ca hân hoan, “Lạy Chúa, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!”.

Anh Chị em,

“Các ông còn chưa tin, vì mừng quá!”. Giêsu, Đấng chiến thắng sự chết, đang ở với chúng ta. Ngài là “Người Bạn Tốt Nhất” nhân lên niềm vui, “Người Bạn đến, khi cả thế giới ra đi”. Hãy sống chết cho tình bạn siêu việt này! Mỗi ngày, qua Lời và Thánh Thể, chúng ta chia sẻ chính sự sống của Ngài; nhờ đó, bạn và tôi trải nghiệm thiên đàng ngay giữa biển trần đầy lo lắng. Vì thế, hãy sống giây phút hiện tại, thưởng thức nó! Mọi khoảnh khắc là thời điểm đẹp nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất Thiên Chúa cho chúng ta nếm cảm; vì biết rằng, Giêsu, “Người Bạn Tốt Nhất” có thể giúp bạn và tôi ‘trải nghiệm một niềm vui lạ thường’ ngay giữa những mất mát!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin lấy khỏi con những vui thoả ‘tầm thường’; giúp con buông bỏ những gì không cần thiết, hầu con hưởng nếm niềm vui ‘lạ thường’ của Chúa một khi con được biến đổi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

LUÔN MUỐN NHIỀU HƠN - Thứ Ba Tuần Bát Nhật PS

“Đừng động đến Ta!”.

Alexander MacLaren, nhà chú giải Thánh Kinh lỗi lạc Scotland, có lần viết, “Bạn có thể có được Thiên Chúa bao nhiêu tuỳ thích! Chúa Kitô trao chìa khoá kho tàng vào tay bạn, bạn có thể lấy tất cả những gì bạn muốn. Nếu một người được vào kho vàng thỏi của ngân hàng, được phép lấy bao nhiêu tuỳ ý; nhưng anh ấy chỉ lấy một xu, thì lỗi tại ai mà anh ta nghèo? Hãy muốn thật nhiều! Và đừng quên, Chúa Kitô ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Kitô ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho bạn!”. Đó cũng là những gì Ngài muốn cho Maria trong Tin Mừng hôm nay. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cho Maria như một người làm vườn, cô muốn ôm chân Ngài; nhưng Ngài nói, “Đừng động đến Ta!”. Tại sao? Chỉ vì Ngài muốn Maria thay đổi cách nhìn, cách ứng xử với Ngài một cách hoàn toàn khác! Ngài ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho cô!

Maria hết lòng vì Thầy, bằng chứng là sự hiện diện của cô dưới chân thập giá; phải chăng, do lòng thương xót, Ngài đã trục xuất bảy quỷ cho cô! Mặc dù sự gắn bó và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu rất đẹp đẽ và thánh thiện, tuy chưa hoàn thiện, Maria chỉ muốn Thầy Chí Thánh được trả lại cho cô theo cách cô muốn. Vì lý do đó, Chúa Giêsu nói, “Đừng động đến Ta!”.

Khi nói, “Đừng động đến Ta!”, Chúa Giêsu muốn nói với Maria rằng, ‘Mối quan hệ của con với Ta sẽ sớm thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, thiêng liêng hơn, thiên đàng hơn. Nó không còn ở cấp độ con người! Ta sẽ không chỉ là bạn đồng hành của con; Ta ‘luôn muốn nhiều hơn!’. Ta muốn con yêu Ta “hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn” và Ta sẽ sớm ở trong con và con ở trong Ta. Ta sẽ ngự trong trái tim con, nên một với con, và trở thành Đức Lang Quân của con cho đến đời đời!’. Đây là ‘một cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa trời với đất’, ‘một hiệp thông mầu nhiệm giữa người với Chúa’, ‘một tương quan mới giữa Đấng Cứu Chuộc với tội nhân’ mà ai ai cũng được mời gọi đến chia sẻ. Họ sẽ cùng Ngài ‘xe duyên’; và điều này chỉ có thể xảy ra một khi Chúa Giêsu đã lên trời, ngự bên hữu Cha sau khi hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên dương thế!

“Đừng động đến Ta!”. Sẽ rất bất ngờ khi chúng ta đọc lại những lời này với ý thức rằng, Chúa Giêsu ‘muốn được động đến’ hơn bao giờ hết! Ngài muốn chúng ta ôm chặt Ngài với sự hiểu biết rằng, Ngài đã thực sự lên cùng Cha! Giờ đây, Ngài mời chúng ta dính trết với Ngài trong Thánh Thể, trong Lời, trong tha nhân. Ngài muốn chúng ta bám lấy Ngài với từng thớ thịt, từng hơi thở của mình; Ngài muốn ở cùng, trở nên mỗi người chúng ta để biến đổi từng người theo cách thức riêng của Ngài. Maria Mađalêna đang tận hưởng vĩnh viễn hạnh phúc này; và quà tặng này cũng đang được trao cho mỗi chúng ta ngay hôm nay chứ không đợi đến mai ngày trên thiên đàng.

Anh Chị em,

“Đừng động đến Ta!”. Chúa Phục Sinh ‘luôn muốn nhiều hơn’, Ngài muốn chúng ta gói lấy “những vàng thỏi”, đừng nhặt “mấy đồng cắc”. Ngài muốn bạn và tôi yêu Ngài hơn từng ngày, tha thiết hơn từng giờ; bởi lẽ, với tình yêu, không bao giờ đủ! Từ đó, chúng ta sống cho Ngài từng giây, từng phút. Ngài không chỉ ‘luôn muốn nhiều hơn’ trái tim yêu thương của chúng ta; nhưng thật bất ngờ, Ngài ‘luôn muốn nhiều hơn’ cả những tội lỗi cùng những gì hơi hướng thế tục nơi mỗi người. Đó là tất cả những gì Chúa Phục Sinh đang chờ, và đang muốn nhất nơi bạn và tôi. Hãy dâng Ngài thời giờ, sức khoẻ, niềm vui và cả thập giá. Phải, cả những thập giá! Thú vị thay, đôi khi, thập giá đó là chính sự ươn hèn, các tính hư nết xấu và cả tội lỗi của bạn và tôi nữa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, cho con biết yêu mến Chúa hơn từng ngày, sống thánh hơn từng giờ, để thoả lòng mong mỏi của Đấng ‘luôn muốn nhiều hơn’ cho con từng giây!”, Amen. 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories