3. Sống & Chia Sẻ Lời Chúa

Giờ chiến thắng vinh quang - Chúa Nhật Lễ Lá A

Đức Giê-su gọi giờ tử nạn là giờ Người được tôn vinh: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh (Gioan 13, 31)

Vinh quang ở đâu mà chỉ thấy bị bắt bớ, xét xử, bị vu cáo đủ điều, rồi lại bị kết án, bị đòn vọt, bị vác thập giá và cuối cùng là cái chết thảm thương ô nhục trên đồi Can-vê!

Vậy vinh quang của Chúa Giê-su ở đâu? Vì sao Chúa Giê-su gọi đây là giờ Người được tôn vinh?

Đối với người không am hiểu, cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá là một thất bại não nề; nhưng suy cho kỹ, cái chết đó là một chiến thắng rất oanh liệt và vinh quang.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung.

Đối diện với cuộc kết án bất công, đứng trước những thượng tế, kỳ mục muốn huỷ diệt mình cho bằng được, đối diện với đám đông cuồng nộ đòi đóng đinh kết liễu đời mình, trước những kẻ chế giễu nhạo cười với bao lời thách thức, đứng trước đội quân hành quyết dã man tàn bạo… Chúa Giê-su vẫn không may may oán hận! Người chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung vô bờ bến. Người nhìn họ với ánh mắt thương xót, vẫn yêu họ bằng trái tim khoan nhân… Rồi vì sợ Chúa Cha đánh phạt họ vì tội lỗi ngất trời của họ, Người tha thiết cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ gây đau khổ và kết án tử cho Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23, 34). Đó là tâm tình đẹp nhất, cao thượng nhất trên cõi đời nầy.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng tính khiếp nhược và lòng tham sinh uý tử bằng sự dũng cảm rất cao cường.

Là người ai không sợ chết. Chính Chúa Giê-su cũng đã trải qua những giờ phút kinh hoàng trước viễn ảnh cái chết đau thương sắp đến khi cầu nguyện trong vườn Dầu, thế nhưng Người không bị khuất phục bởi cái chết. Người đã chổi dậy để dũng cảm đương đầu với nó. Người đã chấp nhận chết cách can trường và đã huỷ diệt sự chết để hồi sinh.

Đây là nơi Chúa Giê-su chiến thắng đau đớn thể xác và đau khổ tinh thần.

Là người ai cũng sợ khổ và tìm cách lánh thoát khổ đau. Nhưng Chúa Giê-su đã đón nhận những cực hình đau thương khủng khiếp nhất cách can đảm phi thường. Qua thập giá, Người đã hoàn toàn chiến thắng tính khiếp nhược của phận người.

***

Qua cách thức Chúa Giê-su đương đầu với cuộc khổ nạn, ta thấy không một thách thức nào làm cho Người lùi bước; không một đe doạ nào làm cho Người khiếp sợ; không một sỉ nhục nào làm cho Người nổi giận hay mất bình an; không hận thù nào tiêu huỷ được lòng bao dung vô bờ bến của Người …

Người thắng được bản năng tham sinh úy tử; Người vượt lên trên nỗi sợ mọi thứ khổ đau; Người thắng được lòng hận thù có thể bùng lên khi bản thân mình bị sỉ nhục và bị đối xử rất dã man và tàn ác… Trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giê-su chiến thắng hoàn toàn bản thân mình, vượt qua các thách thức từ mọi phía để hoàn thành mỹ mãn sứ mạng Chúa Cha đã trao ban.

Chiến thắng cả thiên hạ không bằng chiến thắng chính bản thân mình. Chúa Giê-su đã thực sự chiến thắng bản thân mình, hoàn toàn làm chủ con người mình, bắt thân xác phải vâng phục tinh thần như chiên ngoan. Oai hùng thay! Vinh quang thay!

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa vô cùng dũng cảm và hùng mạnh nên đã chiến thắng tử thần và đẩy lùi mọi cuộc tấn công của nó, xin nâng đỡ chúng con là những kẻ đớn hèn khiếp nhược, đừng để chúng con chào thua trước tội lỗi cách dễ dàng nhưng giúp chúng con kiên cường chiến đấu chống lại tội lỗi và thói hư, để mai ngày được khải hoàn vinh quang như Chúa.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

BÍ ẨN CỦA TỰ DO - Thứ Bảy Tuần 5 MC A

“Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”.

Ngày kia, ảnh Nữ Thần Tự Do xuất hiện trên trang bìa của một tạp chí, một ký giả nhận xét, “Thấy đỉnh đầu của bức tượng, tôi rất ngạc nhiên với mái tóc! Nhà điêu khắc phải khá chắc chắn rằng, đôi mắt duy nhất có thể nhìn thấy những chi tiết này sẽ là đôi mắt tinh tường của loài mòng biển. Anh không mơ về một ngày, ai đó sẽ bay qua đầu cô ấy; tuy nhiên, với lương tâm chính trực đối với nghệ thuật, cũng là ‘bí ẩn của tự do’ nơi người nghệ sĩ, anh đã dành cho mái tóc cô ấy những gì đã dành cho khuôn mặt, vóc dáng, và ngọn đuốc trên tay Nữ Thần!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Bí ẩn của tự do’, một điều gì đó sẽ được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Một khi đối diện với Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài, ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu!’. Họ tự do chọn tin vào Ngài, một sự tự do có phần bí ẩn, hoặc loại trừ Ngài; đi về phía sự thật nơi Ngài, hoặc giết chết Ngài!

Bối cảnh Tin Mừng là phép lạ Chúa Giêsu cho Lazarô trỗi dậy sau bốn ngày trong mồ. Gioan ghi nhận, “Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”; nhưng những người khác thì không! Trong thực tế, những người này tìm gặp nhóm Pharisêu để ‘đổ dầu vào lửa’; họ tìm thêm lý do hầu kết án Ngài bất cứ giá nào. Hậu kết của những toa rập này là cái chết thảm khốc của Con Thiên Chúa mà Giáo Hội sắp tưởng niệm khi Tuần Thánh đã đến ngoài ngõ.

Với các nhà lãnh đạo tôn giáo, phải chăng ‘bí ẩn của tự do’ nơi họ chính là quyền lực! Chúa Giêsu đang nổi tiếng và họ sợ rằng, sự nổi tiếng này sẽ khuấy động mọi thứ cùng với tác động bên ngoài của người La Mã. Bên cạnh đó, họ ghen tị vì Ngài đã quá thu hút. Trước tình thế đó, Caipha đã đưa ra một lập luận ‘không thể khôn ngoan hơn’, “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Nói cách khác, tốt hơn, nên “loại bỏ vấn đề” để mọi việc trở lại theo cách của nó! Họ quan tâm đến bản thân và địa vị hơn là lẽ thật. Mâu thuẫn biết bao, họ gán cho Chúa Giêsu là Ngài đã làm quá nhiều dấu lạ! Thì đã sao? Nếu quan tâm đến lẽ thật, thấy vinh hiển và quyền năng Ngài; lẽ ra, họ đã tin nhận và đi theo Ngài. Đàng này, họ không thể nuốt trôi niềm kiêu hãnh, cũng như không thể buông bỏ quyền lực, ‘bí ẩn của tự do’ nơi họ!

Vậy mà, thú vị thay, ý đồ đen tối của họ vẫn được tận dụng cho kế hoạch của Thiên Chúa! Vì thế, sự từ chối của con người dẫn đến việc Chúa Giêsu chết thay cho dân, là logic dẫn đến ơn cứu độ cho cả nhân loại! Và logic đầy tính tiên tri này là một logic có thời hiệu vĩnh viễn, “Không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Chúa tản mác khắp nơi về một mối”. Thật tuyệt vời, qua bài đọc Êzêkiel hôm nay, Thiên Chúa hứa, “Từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại!”; Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên!”.

Anh Chị em,

“Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”. Với phép lạ Lazarô, có kẻ tìm giết Chúa Giêsu nhưng lại nhiều kẻ đã tin vào Ngài. Mang lấy phận người, Con Thiên Chúa cũng rất tự do, Ngài tự do khỏi mọi ràng buộc của xác thịt để hoàn toàn làm theo ý Chúa Cha kể cả chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá. Trong những ngày này, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, cùng Ngài bước vào cuộc thương khó, để yêu mến Ngài nhiều hơn, và nhất là để hiểu được ‘bí ẩn của tự do’ nơi Con Chúa Trời. Ước mong sao, bạn và tôi có được sự tự do nội tâm như Chúa Giêsu, chọn đi theo Ngài và nhất là ôm lấy thánh giá đời mình một cách mạnh mẽ, kiên định thay vì ta thán, càu nhàu hay chạy trốn nó!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con nắm lấy ý muốn của Chúa với niềm thanh thản tuyệt đối, bất cứ giá nào. Bởi lẽ, đó là ‘bí ẩn của tự do’ nơi người môn đệ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

KHÔNG THỂ PHI THƯỜNG HƠN - Thứ Năm Tuần 5 MC A

“Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!”.

Năm 125 sau Công Nguyên, Aristeides giải thích sự thành công lạ thường của “một tôn giáo mới!”. Ông viết, “Bất kỳ một Kitô hữu chân chính nào rời khỏi thế giới, họ đều hân hoan dâng lời cảm tạ Thiên Chúa; họ mang theo thân xác những ca khúc tạ ơn! Như ‘bất tử’, họ đang đi từ một nơi này đến một nơi khác gần đó; một sự dịch chuyển ‘không thể phi thường hơn!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng ‘bất tử’ của Aristeides thật phù hợp với Lời Chúa hôm nay! “Chim sắp chết, chim kêu thống thiết; người sắp chết, nói lời nói thiệt!”. Biết mình sắp chết, Chúa Giêsu đưa ra một tuyên bố rất thật, ‘không thể phi thường hơn’, “Trước khi có Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu!”.

Ghi lại lời này của Chúa Giêsu, tác giả lùi lại lời tựa Phúc Âm của mình; ở đó, phượng hoàng Gioan chấp cánh bay về tận mút cùng của tạo thành, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa; và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Cùng Chúa Cha, Ngôi Lời đã có mặt trước cả Abraham, trước cả phút chào đời của bất cứ tạo vật nào! Tuy nhiên, Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, xuống thế làm người, và Ngài vẫn ở với Chúa Cha. Trở về với Chúa Cha, Ngài vẫn ở với loài người; và giờ đây, đang ở với Cha, vừa đang ở với chúng ta. Đây là sự hiện diện tất yếu của một tình yêu bất tử nơi Thiên Chúa, một sự hiện diện ‘không thể phi thường hơn!’.

Chúa Giêsu còn nói, “Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ chết!”. Đây là một tóm kết gọn ghẽ điều Chúa hứa với Abraham, một người hoàn toàn “tuân giữ” những gì Thiên Chúa nói và xem ra “không bao giờ chết”; sách Sáng Thế hôm nay tiết lộ, “Ta sẽ lập giao ước giữa Ta với ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác”. Giao ước Chúa lập với Abraham; về sau, với Đavít thật bền bỉ, “Dòng dõi ngươi sẽ trường tồn vạn kỹ”, đã nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Giao ước lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”, một giao ước ‘không thể phi thường hơn!’.

Nói rằng, “sẽ không bao giờ phải chết”, Chúa Giêsu nói đến cái chết của linh hồn. Ai giữ lời Ngài, sẽ không biết đến cái chết ‘kiểu đời đời’ này! Bởi lẽ, họ đã bắt đầu chia sẻ cuộc sống Thiên Chúa ‘ở đây và lúc này’, một cuộc sống vượt quá cái chết thể xác. Nếu trao phó đời mình cho Chúa, chúng ta cũng sẽ bắt đầu sống cuộc sống không bị cái chết làm gián đoạn. Cuộc sống hiệp thông với Chúa sẽ không bị phá vỡ bởi cái chết; đúng hơn, được đào sâu hơn qua cái chết! Thật tiếc, người Do Thái không nhận ra! Nếu nhận ra ‘Chủ Nhân’ của sự sống và cái chết là ai, họ sẽ tò mò thay vì tức giận, hy vọng thay vì dể duôi, đón nhận thay vì báng bổ!

Anh Chị em,

“Ai tuân giữ lời Tôi, sẽ không bao giờ chết!”. Đó là lời hứa tuyệt vời của Giêsu Hằng Hữu, Đấng chết cho tội lỗi của con người và sống lại cho sự bất tử của nó! Ngài đang sống trong bạn, trong tôi, ngay trong thế giới thê lương này. Vì thế, ngày ngày, không chỉ khi còn sống, chúng ta hân hoan ca tụng Ngài, mà cả khi rời khỏi thế giới này, chúng ta “mang theo thân xác những ca khúc tạ ơn!”. Là con của ‘Đấng Bất Tử’, chúng ta đang được thông chuyển sự sống thần linh và sống đời đời của Ngài. Quả thế, một khi tuân giữ Lời Thiên Chúa, chúng ta đã quá vĩ đại! Do đó, đừng để cho sự tẻ nhạt của đời sống với những tân toan kéo ghì chúng ta xuống. Hãy sống tâm thế của con cái Thiên Chúa ngay giữa đời sống thường nhật này, “Tâm hồn luôn hướng lên cao cùng với lời tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”. Và như thế, bạn và tôi ‘không thể phi thường hơn!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dẫu hèn yếu, con được gọi cho một sứ vụ lớn. Đừng để con hoá tầm thường; vì như vậy, con sẽ cản trở những công trình ‘không thể phi thường hơn’ Chúa dành cho con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

KIỆT TÁC CỦA SỰ THÁNH THIỆN - Thứ Sáu Tuần 5 MC A

“Nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó!”.

Trong Xuất Hành, từ chương 25-30, Chúa chỉ thị cho Môisen cách thức thiết kế Nhà Tạm, Hòm Bia, bàn thờ, phẩm phục và các thứ khác. Môisen phải tìm các nghệ nhân; họ lấy vàng, bạc, vải và đá quý chói lọi để thiết kế chúng cầu kỳ nhất có thể. Mục đích của Chúa đối với các công việc này gợi lên mục đích chung cho mọi công trình lớn nhỏ của Ngài: “Tôn vinh vẻ huy hoàng của Thiên Chúa và biểu lộ vinh quang Ngài”. Chúng phải là những ‘kiệt tác của sự thánh thiện!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay nói đến những ‘kiệt tác của sự thánh thiện!’. Đó còn là những chứng từ không bằng lời, nhưng bằng việc. Với lời nói, người ta có thể tranh luận; với việc làm thì không! Mỗi việc tốt lành của một chứng nhân đích thực là một ‘kiệt tác của sự thánh thiện!’.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ một điều hết sức quan yếu: đức tin không chỉ đặt nền tảng trên những gì Chúa hứa, nhưng còn trên những việc Ngài làm! Chúa Giêsu chỉ ra các công việc của Chúa Cha như là nền tảng đức tin nơi Ngài, “Nếu Tôi làm các việc đó!”. Công việc vĩ đại nhất của Chúa Cha là phục sinh Chúa Con từ cõi chết mà Giáo Hội sắp tưởng niệm. Lời nói mạnh hơn việc làm! Lời nói có thể thuyết phục lý trí, nhưng việc làm sẽ ‘dịch chuyển’ ý chí, đưa đến hành động. Chúa Con vẫn tiếp tục thực hiện các công trình trong các Bí Tích; đặc biệt, Bí Tích Thánh Thể và Giải Tội. Đó cũng là những ‘kiệt tác của sự thánh thiện!’.

Thế giới cần lời chứng về một đời sống thánh! Chúng ta không đánh giá thấp tầm quan trọng và sức mạnh của những lời chứng cá nhân trong một thế giới ngập tràn thông tin thuộc mọi kiểu. Biết bao từ ngữ, hình ảnh, và khẩu hiệu! Tuy nhiên, trong bối cảnh hỗn tạp này, chỉ những ‘kiệt tác của sự thánh thiện’ thực sự, mới có thể nói tiếng nói mạnh mẽ nhất, vang vọng nhất! Về điểm này, thánh Phaolô VI đã có một câu nói bất hủ, “Người đương đại cần lời chứng hơn lý lẽ!”. Các việc chúng ta làm có phù hợp với lời chúng ta nói không? Nó có nói lên điều bạn và tôi tuyên xưng? Hay “Tất cả chỉ là từ ngữ mà không có lấy một ‘kiệt tác của sự thánh thiện?’”.

Kết thúc Tin Mừng hôm nay, Gioan viết, “Và có nhiều kẻ tin Ngài”. Dẫu bao chống đối, lời và việc của Chúa Giêsu vẫn có khả năng thâm nhập trái tim con người. Sự chống đối khủng khiếp; thậm chí, thâm độc, không thể cản trở người khác tin vào Ngài. ‘Mầu nhiệm’ này lặp đi lặp lại trong đời sống Hội Thánh! Ở đâu có sự chống đối lớn nhất đối với Tin Mừng, ở đó luôn có những cuộc hoán cải lớn nhất! Sự thật này bảo vệ chúng ta khỏi nản lòng trong nỗ lực truyền giáo. Vậy, hãy để ánh sáng bạn toả rạng trong thế giới! Hãy để ‘kiệt tác của sự thánh thiện’ nơi bạn nói tiếng nói của chúng! Trải nghiệm niềm vui của một chứng tá thánh thiện, Giêrêmia, trong bài đọc hôm nay, ca lên, “Hãy ngợi khen Chúa, vì Ngài đã giải thoát kẻ cơ bần!”; Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Lúc ngặt nghèo, tôi kêu cầu Chúa; Ngài đã nghe tiếng tôi!”.

Anh Chị em,

“Nếu Tôi làm các việc đó!”. Hãy chiêm ngắm thật lâu Chúa Giêsu trên thập giá, trầm mình sâu lắng bên Thánh Thể Ngài để nghiệm thấy việc Thiên Chúa làm! May ra con tim của bạn và tôi có thể dịch chuyển mà vững tin vào Ngài. Nếu các việc làm của Chúa Giêsu tiết lộ danh tính Ngài, thì “thập giá” tiết lộ danh tính Ngài là cách trọn vẹn nhất, Ngài là Con Thiên Chúa! Nhờ ‘kiệt tác’ tử nạn và phục sinh của Ngài, chúng ta được tái sinh, không chỉ để trở nên một tạo vật mới, nhưng trở nên những ‘kiệt tác của sự thánh thiện’. Chớ gì, bạn và tôi không ngừng toả sáng qua những việc làm xem ra tầm thường nhưng thật sự rất phi thường trong thế giới này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con cách kiến tạo một ‘kiệt tác của sự thánh thiện’, không bắt đầu từ đâu khác, cho bằng khởi đi từ việc hoán cải chính bản thân con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Ở LẠI TRONG LỜI - Thứ Tư Tuần 5 MC A

“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”.

Hudson Taylor, một Phaolô của thế kỷ 19, truyền giáo 51 năm tại Trung Hoa lục địa; ông đem về cho Chúa hàng vạn linh hồn. Những ngày cuối đời, ông nói với một người bạn, “Tôi rất yếu, tôi không thể đọc Thánh Kinh; thậm chí, không thể cầu nguyện. Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé, và hạnh phúc ‘ở lại trong lời’ của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Ở lại trong lời’ của Ngài!”, trải nghiệm của Taylor, cũng là trải nghiệm của những bạn trẻ thời Đaniel hoặc trải nghiệm của chính Chúa Giêsu. Lời Chúa hôm nay sẽ cho thấy điều đó!

‘Ở lại trong lời’ của ai, giả thiết bạn phải tin vào người ấy! Niềm tin sẽ không có thật cho đến khi nó chạm đến một thái độ; và trên hết, chạm đến một lựa chọn cụ thể của một con người. Bài đọc Đaniel cho thấy thái độ anh hùng và sự lựa chọn anh dũng không phải của một, nhưng của những ba người. Họ chọn chịu ném vào lò lửa khi tỏ thái độ bất tuân lệnh vua, người buộc họ bái lạy tượng thần. Thật tuyệt vời, như vua nhận xét, “Con của thần minh” đã đến, ‘cùng đi với họ’ giữa lửa; Ngài giải thoát họ, đến nỗi Nabucôđônosor đã phải ngưỡng mộ và hẳn, đã cùng họ ca khen, “Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Nếu các ông ‘ở lại trong lời’ của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”. ‘Ở lại trong lời’ của Chúa Kitô là làm cho cuộc sống của bạn và tôi phù hợp với cuộc sống của Ngài; là nên giống Ngài, nói như Ngài, làm như Ngài và nhất là làm những gì Chúa Cha muốn Ngài làm. Chúa Giêsu từng nói, “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy, “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Tắt một lời, ‘ở lại trong lời’ của Chúa Giêsu là thuộc về Ngài, nên môn đệ Ngài. Nó còn là một điều gì đó thánh thiêng, một điều gì đó kiên trì bền bỉ mỗi ngày và biết cách đứng dậy, ‘phủi bụi’ bản thân để bắt đầu lại mỗi khi chúng ta chùn bước hay vấp ngã trên đời.

Chúa Giêsu còn nói, “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông!”. Sự thật ở đây chính là tự do Ngài ban; nó sâu xa hơn nhiều so với tự do thế gian. Tự do ở đây không chỉ đơn giản là tự do chính kiến, tự do chọn bất cứ điều gì tôi muốn, khi nào tôi muốn và theo cách tôi muốn. Tự do ở đây là tự do làm điều lành, đạo đức, nội tâm và chính trực; và nhất là được ‘tự do hy tế’, nghĩa là sẵn sàng hiến mình làm một lễ dâng như Ngài đã nên một “Lễ Dâng!”.

Anh Chị em,

“Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông thật là môn đệ Tôi!”. Nếu xác tín Lời Chúa là Ánh Sáng, là Sự Sống, và là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, thì khi ‘ở lại trong lời’ của Ngài, chúng ta ở lại trong cung lòng Cha; như Taylor, “Tôi chỉ có thể nằm yên trong vòng tay Chúa như một em bé”. Quả vậy! Bởi tình yêu vô điều kiện, “Lời” đã làm người, làm một người phàm như bạn và tôi; “Lời” như “Con của thần minh” đã ‘cùng đi với’ các bạn trẻ giữa lửa, Chúa Giêsu cũng sẽ đồng hành, dẫn chúng ta tự do bước đi trong cuộc đời này. ‘Ở lại trong lời’ của Ngài, coi Lời Ngài như “nhà” của mình, bạn và tôi sẽ tự do thoát khỏi cái tôi ích kỷ, khỏi bị ràng buộc bởi bản năng hầu sống theo các phẩm tính thần linh; chính xác hơn, tự do để nên giống Chúa Giêsu, làm theo ý Ngài. Lúc đó, dù đi qua lửa hay lao vào giông bão cuộc đời, chúng ta vẫn bước đi ung dung, tự do, với phong thái của một người con trai, con gái của Cha trên trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con luôn muốn điều Chúa muốn, làm điều Chúa thích; đó chính là khôn ngoan của con khi con biết ‘ở lại trong lời’ của Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Subcategories